Hôm nay,  

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

17/05/200900:00:00(Xem: 3136)

Câu Chuyện Thể Thao – Tiền Đạo

Trong phần Câu Chuyện Thể Thao lần này, xin mời quý độc giả cùng tìm hiểu chi tiết về môn “Chạy Đua Cự ly Ngắn Trên Sân Băng”, tức “Short Track Speed Skating”.
Chạy đua cự ly ngắn trên sân băng là một trong những môn thể thao mùa Đông, thuộc thể loại sử dụng giày trượt để di chuyển trên mặt băng và được tranh tài tại các hội trường có mái che với sân băng hình bầu dục gọi là “Skating Ring” có kích thước đồng dạng với sân đấu của môn Băng Cầu (Ice Hockey) và môn Trượt Băng Nghệ Thuật (Figure Skating).
So với hình thức chinh phục tốc độ trên mặt đất của môn chạy đua, tuy môn lướt tốc trên băng “Short Track Speed Skating” không có được sức bật tăng tốc trong thời điểm xuất phát, nhưng ngay sau khi các tuyển thủ rời khỏi mức khởi hành thì tốc độ càng tăng nhanh theo độ trượt trên băng trong tư thế lạng người theo đường đua hình tròn để cân bằng với lực ly tâm, trông rất ngoạn mục và hấp dẫn người xem. Môn chạy đua trên băng quy định hình thức xuất phát cùng lúc từ mức khởi hành, chạy theo đường vòng từ hướng bên phải nên các tuyển thủ có khuynh hướng nghiêng người về bên trái để lướt qua mỗi vòng đua có chiều dài 111.12m. Thông thường, trong một lần đua có từ 4 đến 6 tuyển thủ tham dự để chọn ra hai người đứng đầu, sau đó từng cặp tuyển thủ hạng Nhất và hạng Nhì tiếp tục tiến sâu vào giải đấu từ vòng dự tuyển đến vòng chung kết để tranh ngôi vô địch. Môn chạy đua cự ly ngắn trên sân băng không giới hạn thời gian trong lúc tranh tài mà chỉ căn cứ vào thành tích về đến mức goal thứ tự trước sau của các tuyển thủ.
Về phương diện lịch sử, “chạy đua cự ly ngắn trên sân băng” chính là một bộ môn tranh tài của hình thức lướt tốc trên băng được gọi tổng quát là “Speed Skating” với cự ly của một vòng đua là 400m, vốn xuất phát từ các trò chơi giải trí vào mùa Đông trên các mặt ao, hồ, sông, kênh đào bị đóng băng tại Hòa Lan từ khoảng thế kỷ thứ 13. Trải qua thời kỳ xuất hiện loại giày gỗ có gắn bộ phận trượt băng bằng kim loại (blade) cho đến khi hình thành kiểu mẫu loại giày trượt băng hiện nay, môn “Speed Skating” cũng được phát triển đồng bộ cùng với những môn thể thao khác chuyên sử dụng sân băng làm vũ đài tranh tài. Do đó, sau khi “Liên Đoàn Trượt Băng Quốc Tế” (ISU: International Skating Union) thành lập vào năm 1892 thì giải “Vô Địch Thế Giới Môn Chạy Đua Trên Sân Băng” (Speep Skating World Championships) đã được tổ chức tại Amsterdam-Hòa Lan vào năm sau đó, tức 1893. Đây là một giải đấu được xem là cổ xưa nhất còn ghi lại những chi tiết kỷ lục của môn lướt tốc trên băng.
Môn chạy đua trên sân băng được đưa vào danh sách tranh tài tại Olympic từ kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông Chamonix 1924. Đến kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông 1988 tổ chức tại hai thành phố Calgary, Alberta của Canada, lần đầu tiên môn chạy đua trên sân băng được sử dụng các sân “Skating Ring” trong hội trường có mái che và kể từ đó, các nơi tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông đều xây dựng những sân “Skating Ring” để làm “đường đua trắng” cho các tuyển thủ “Speed Skating” tranh tài.
Mặt khác, với khuynh hướng nâng cao trình độ lướt tốc của các tuyển thủ bằng những phương cách tập luyện khoa học hoặc ứng dụng những phát minh của kỹ thuật chế tạo dụng cụ thể thao v.v…, loại giày trượt băng “Clap Skate” được tung ra thị trường ngay trước thời điểm khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Nagano1998 đã làm thay đổi kỷ lục vượt tốc và đưa môn “Speed Skating” bước vào thời kỳ mới của những chiếc giày được gắn lò xo ở phần đế giày để làm tăng sức bật mỗi khi các tuyển thủ nhấc chân lấy thế trượt băng.
Trở lại môn “chạy đua cự ly ngắn trên sân băng”, hay còn gọi tắt là “Short Track” thì từ đầu thập niên 1990, tuy các giải đấu quốc tế quy định hình thức từng đôi tuyển thủ xuất phát từ mức khởi hành, nhưng tại Hoa Kỳ và Canada lại áp dụng hình thức các tuyển thủ tham chiến xuất phát cùng lúc. Do đó, vào năm 1932 khi Hoa Kỳ đứng ra tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông tại Lake Placid-New York thì hình thức xuất phát đồng thời đã chính thức được áp dụng cho bộ môn “Speed Skating” và “Short Track” trong các trận tranh tài quốc tế.


Ở vùng Bắc Mỹ, tuy có nhiều môn thể thao sử dụng sân băng thường được tranh tài trong hội trường có mái che, nhưng riêng về những môn thi đấu tốc độ như “Speed Skating” và “Short Track” thì lại tổ chức ngoài trời. Do đặc tính ái mộ cuồng nhiệt những môn thể thao “lướt tốc tranh chân” thi đấu ngoài trời của người dân Bắc Mỹ, nên có nhiều giả thuyết cho rằng Bắc Mỹ chính là trung tâm phát triển bộ môn “Short Track”. Mặt khác, cũng có những thuyết chủ trương rằng môn “Short Track” với hình thức tranh tài trong hội trường có mái che đã xuất hiện tại Anh Quốc từ thời xưa, sau đó được truyền bá sang Hoa Kỳ xuyên qua Canada.
Vào năm 1967, “Short Track” trở thành bộ môn tranh tài được tổ chức ISU công nhận trong hệ thống các môn thể thao sử dụng giày trượt trên sân băng. Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1981, “Giải Vô Địch Short Track Thế Giới” mới chính thức ra đời sau khi trải qua giai đoạn hình thành các giải đấu năm trong khuôn khổ giới hạn của ISU từ năm 1978 đến năm 1980. Riêng tại vũ đài Olympic, môn “Short Track” ra mắt khán giả từ kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông Calgary 1988 với tính cách biểu diễn và đến kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông Albertville 1992, tổ chức tại Pháp, mới trở thành bộ môn tranh tài chính thức. Trải qua một thời gian dài trong các kỳ Thế Vận và những giải đấu quốc tế trước đây, tuy một số quốc gia Châu Âu hoặc Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ, Canada đều là những cường quốc đứng đầu thế giới về môn “Short Track” v.v…nhưng gần đây sự tiến bộ nhanh chóng của các tuyển thủ Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Hoa cũng trở thành những thế lực Á Châu đủ sức tranh hùng tốc độ trên sân băng. Trong đó, đáng kể là Nhật Bản với nhiều tên tuổi từng gây chấn động “đường đua trắng” quốc tế như các nam tuyển thủ Toda Hiroshi, Kawai Toshinobu hoặc những nữ tuyển thủ Kinoshita Mariko, Shishii Eiko v.v…Ngoài ra, Nhật Bản còn là quốc gia đoạt huy chương đồng ở bộ môn chạy tiếp sức 5000m tại Thế Vận Hội Mùa Đông Albertville, tức kỳ Olympic đầu tiên chính thức tranh tài môn “Short Track”.
Từ kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông Salt Lake 2002 tại Hoa Kỳ, “Short Track” được phân ra 8 bộ môn tranh tài gồm: nam-nữ 500m, nam-nữ 1000m, nam-nữ 1500m, tiếp sức nam 5000m, tiếp sức nữ 3000m. Thế nhưng, cũng từ sau kỳ Thế Vận này, trong giới thể thao Âu Mỹ đã có nhiều ý kiến gây tranh cãi sôi nổi về việc yêu cầu rút tên “Short Track” trong danh sách các môn tranh tài tại Olympic. Nguyên do là vì các ý kiến này dựa trên mức tương quan vóc dáng giữa các tuyển thủ dự tranh và cho rằng các tuyển thủ Âu Mỹ có thân hình to lớn nên bị ảnh hưởng của trọng lực và sức cản không khí nên gặp bất lợi so với các tuyển thủ Á Châu vốn nhỏ người hơn. Điều này cho thấy, giới chạy đua cự ly ngắn trên sân băng của Tây phương đã bắt đầu nhìn ra khả năng uy hiếp thực sự của những tuyển thủ Á Châu và đương nhiên những ý kiến bài bác môn “Short Track” tại vũ đài Olympic cũng chỉ phản ảnh những cách nhìn thiên kiến.
Môn “Short Track” được tranh tài trên sân băng bầu dục có kích thước 30mX60m với một vòng đua có cự ly 111.12m. Vì vậy, khi tranh tài các tuyển thủ phải chạy theo số vòng của cự ly những bộ môn gồm: 500m chạy 4 vòng rưỡi, 1000m chạy 9 vòng, 1500m chạy 13 vòng rưỡi, 3000m chạy 27 vòng, 5000m chạy 45 vòng. Trên mặt sân, ngoài đường line chỉ định mức khởi hành và mức goal, không có bất cứ một dấu hiệu gì khác.
Về các giải đấu thì tùy theo quy định, phương thức tranh tài cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn như các giải đấu quốc tế chỉ tính số điểm tổng hợp của từng tuyển thủ sau khi tranh tài ở 4 cự ly 600m, 1000m, 1500m, 3000m, trong khi giải Vô Địch Thế Giới thì tranh tài từng bộ môn để chọn ra tuyển thủ vô địch từng cự ly riêng biệt. Ngoài ra cũng có những giải đấu dành cho các đội tuyển quốc gia.
Ở bộ môn chạy tiếp sức, một đội tuyển có 4 tuyển thủ chính và 1 tuyển thủ dự bị để thay thế người khi đồng đội gặp bất trắc không thể tiếp tục thi đấu. Các tuyển thủ trong đội phải chạy theo vị trí trước sau đúng như thứ tự đã ghi danh cho ban tổ chức, Trong khi chạy, các tuyển thủ có thể thay phiên nhau tiếp sức nhiều lần và ở bất kỳ vị trí nào trên đường đua (thông thường khoảng một vòng rưỡi thì đổi phiên). Tuy nhiên, ở hai vòng cuối cùng thì không được thay đổi tuyển thủ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.