Hôm nay,  

Diễn Đàn Độc Giả - Hoàng Tuấn Phụ Trách

11/05/200900:00:00(Xem: 2279)
Diễn Đàn Độc Giả - Hoàng Tuấn phụ trách

Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục cho con em biết rõ những tấm gương anh hùng "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần"

Từ Hải - Melbourne NSW

Báo Sàigòn Times số ngày 23 tháng 4 vừa rồi có bài viết rất ý nghĩa, giới thiệu những tấm gương anh hùng "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần" vào thời điểm 30-4 của 34 năm về trước. Trong phần giới thiệu, tòa soạn cũng đã nêu rõ được một sự thực, bên cạnh những tấm gương anh hùng chọn cái chết thay vì đầu hàng giặc, cũng có những tấm gương anh hùng, chọn cái sống để tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại CSVN trong suốt 34 năm qua. Như vậy, vấn đề sống hay chết không quan trọng bằng sống như thế nào và chết như thế nào.(…. ..). Chết như Nguyễn Khoa Nam quả là chết vinh. Nhưng nếu như tưởng niệm Quốc Hận 30-4, chúng ta thế hệ cha anh biết kính trọng và tự hào trước những anh hùng "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần", thì xin hỏi quý vị, liệu con em của chúng ta có được lòng kính trọng và niềm tự hào dành cho những anh hùng "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần" giống như chúng ta hay không" Các em liệu có biết những tấm gương anh hùng đó hay không" Những thế hệ VN tại hải ngoại được mệnh danh là 1.5, 2, 2.5.... liệu có được truyền thống yêu nước và căm thù VC như thế hệ chúng ta hay không" Điều đó hoàn toàn tuỳ thuộc vào quý vị lãnh đạo cộng đồng cũng như mỗi chúng ta! Trong khi VC thông qua những cán bộ văn hóa, những tên nằm vùng, cùng những cơ sở núp bóng nghệ thuật(.. ..), điên cuồng và xảo trá tuyên truyền, tảy não con em chúng ta, nhằm lôi kéo thế hệ 1.5. 2. 2.5... xa lánh truyền thống yêu nước và chống cộng của thế hệ cha anh chúng ta, thì chúng ta lại thờ ơ trong việc giáo dục lòng yêu nước và tinh thần chống cộng cho con em chúng ta. Như vậy, chúng ta đã vô tình đẩy con em chúng ta về với VC. Tôi bảo đảm với quý vị, trong số 200 ngàn người Việt tỵ nạn cộng sản ở Úc ai ai cũng biết rõ những tấm gương "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần" mà báo SGT đã trình bầy. Nhưng tôi cũng bảo đảm trong số con em hậu duệ của 200 ngàn người Việt tỵ nạn CS đó, có rất ít em biết rõ những tấm gương "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần". Tại sao như vậy" Tại sao chúng ta chống VC với một tinh thần cao quý, ý chí kiên quyết mà chúng ta lại không truyền cho con em chúng ta tinh thần yêu nước cao quý và ý chí chống VC kiên quyết đó" Tại sao những tấm gương hào hùng khiến chúng ta tự hào đó, lại không được con em chúng ta chia sẻ" Như vậy thử hỏi làm sao con em chúng ta có thể tiếp nối chúng ta trên con đường đấu tranh chống VC" Nếu chúng ta có được "niềm kính trọng cũng như lòng tự hào và sự biết ơn trước những tấm gương anh hùng vị quốc vong thân" để rồi "mỗi người chúng ta sẽ bền bỉ đấu tranh trên con đường chống cộng trong tinh thần trước sau như một kiên quyết không khoan nhượng, không hòa hợp hòa giải với VC dù ở bất cứ đâu qua bất cứ hình thức nào" (như báo SGT đã viết), thì thử hỏi làm sao con em chúng ta có được tinh thần bền bỉ đấu tranh đó, nếu các em không hề biết được những tấm gương anh hùng "Sinh Vi Tướng Tử Vi Thần"" Thế hệ của quý vị cũng giống như chúng tôi, đều cỡ 5, 6 bó, thuộc loại gần đất xa trời, chán cơm thèm đất thích nghe kèn, cả rồi. Trong khi tụi VC thì vẫn còn sờ sờ ra đó. Vậy thì cuộc chiến chống VC này ai sẽ tiếp nối" Vẫn biết tre già măng mọc, nhưng không biết măng đó là măng quốc gia, măng VN hay măng VC" Hỏi thế hệ trẻ về VC thì thế hệ trẻ hiểu biết mù mờ, hỏi về các tấm gương anh hùng thời hiện đại thì thế hệ trẻ cũng chẳng hề hay. Mà thế hệ trẻ như vậy là lỗi tại ai" Tại chúng ta! Như vậy chúng ta đã làm tròn trách nhiệm của thế hệ cha anh chưa" Trước 1975, chúng ta huấn luyện một người lính có mấy tháng. Một vị sĩ quan trên dưới một năm. Vậy mà suốt 34 năm qua, cộng đồng và bản thân mỗi chúng ta đều thờ ơ không chịu giáo dục con em lòng yêu nước và lòng căm thù VC. Cứ cái điệu này chỉ cần 10, 15 năm nữa, tôi e rằng con em chúng ta sẽ có nhiều đứa đi theo VC hết cho coi.
Nói như vậy cũng đã nhiều. Bây giờ tôi chỉ xin gửi tới quý vị lãnh đạo cộng đồng liên bang đứng đầu là chủ tịch Nguyễn Thế Phong (kiêm chủ tịch cộng đồng VIC) và các tiểu bang (như Ls Võ Trí Dũng, Bs Bùi Trọng Cường, ông Lê Công....), nhất là quý vị đặc trách về văn hóa giáo dục (như bà Phạm Ánh Linh NSW).... một chương trình gồm mấy bước như sau. Bước một là quý vị lập một ban tu thư soạn thảo một chương trình lịch sử hiện đại từ khi VC xâm lăng VNCH, rồi chúng ta chiến đấu bảo vệ tổ quốc ra làm sao, cho đến khi chúng vi phạm hiệp định Ba Lê chiếm Miền Nam thế nào, các vị tướng đã hy sinh ra sao, rồi nêu lên những thảm kịch tù cải tạo, thảm kịch kinh tế mới, thảm kịch VC đánh tư sản, thảm kịch vượt biên, rồi đến các tấm gương hy sinh, đấu tranh chống VC kể từ sau 1975 ở trong nước cũng như haỉ ngoại trong đó có các lãnh tụ tôn giáo như LM Nguyễn Văn Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Độ.... Xin quý vị soạn thảo chương trình giáo dục đó ở nhiều trình độ khác nhau, để các em mẫu giáo học thì đơn giản, dễ hiểu, càng lên cao thì càng chi tiết và đầy đủ hơn để dành cho các em có trình độ. Bước thứ hai là quý vị yêu cầu các trường Việt ngữ đưa chương trình lịch sử hiện đại đó vô chương trình giảng dậy ở từng cấp lớp. Bước thứ ba là quý vị vận động với chính phủ để đưa chương trình lịch sử đó vào chương trình giáo dục chính thức của các trường trung tiểu và đại học. Bước thứ tư là quý vị tổ chức các cuộc thi về lịch sử hiện đại đó, để những gương anh hùng đó thấm sâu vào tâm huyết các em. Chúng tôi đồng ý, những tấm gương anh hùng như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trần quốc Tuấn, Nguyễn Trãi cũng đáng để cho các em học tập, nhưng bên cạnh đó, quan trọng và cần thiết không kém là các em phải biết những tấm gương anh hùng chống CS của dân tộc VN trong nửa thế kỷ qua. Theo tôi biết, CSVN hiện có âm mưu chống không cho các trường Việt ngữ hải ngoại giảng dậy về lịch sử hiện đại. Mặt khác, chúng tìm cách móc nối với các chính phủ để giảng dậy lịch sử VN hiện đại theo quan điểm của VC. (.. ..). Vì vậy rất mong quý vị lãnh đạo và quý đồng hương lưu tâm, kẻo không sớm thì muộn, con em của chúng ta sẽ bị VC nhuộm đỏ ngay tại hải ngoại. Đó là điều thậm chí nguy! Thậm chí nguy!

*

Kiếp gà què sinh viên Đoàn Kết

Giáo Làng - Canley Vale NSW

Tối Chủ nhật vừa rồi tôi nằm cạnh bà xã mà  không hiểu sao lại nằm mơ thấy có một tay sinh viên trước đây du học theo chương trình Colombo, nhưng uống thuốc lú, theo tụi "đoàn kết" thân cộng, từng hạ cờ VNCH rồi treo cờ VC lên vào dịp 30-4-75, sau đó y sống kiếp nằm vùng cho đến nay... Thấy y chân thì bước loạng quạng hàng hai (để chui lòn vô cộng đồng), tay thì đấm ngực, miệng thì khóc bệu bạo, nước mắt nước mũi trông thê thảm lắm, tôi ngạc nhiên hỏi ra mới biết tay này đang ân hận vì chót theo VC đến giờ bị lòi đuôi cáo nên đi đâu cũng có mùi hôi, khiến mọi người xua đuổi, khinh bỉ. Vậy nên đã từ lâu chẳng còn thơ phú gì, bỗng dưng tôi nổi hứng, viết vội mấy hàng nhắn với gã sinh viên ĐK thập thò ăn phải bả VC như sau...

Ông là ai, trắng tròn như lợn cạo
Giả thân gà để ăn quẩn cối say
Sống lêu bêu, bất kể cả đêm ngày
Chờ khe hở ông nhào vô lợi dụng

Nhớ xưa kia, ôi! một thời hoa mộng
Máu lửa Sơn Hà, ông hưởng kiếp du sinh
Tháng tư đen, Tổ Quốc gánh nhục hình
Dân quằn quại ông mừng ngày "thống nhất"

Khi biết ông, tựa như con lật đật
Nay chui chỗ này, mai luồân lọt chỗ kia
Cũng có ngày từng đội mũ đi hia
Ghế chủ toạ ngồi cũng oai ra phết

Áo thụng vái nhau, nghĩa tình da diết
Nhẩy loi choi, buôn bán chuyện cò con
Bao năm trôi, đời ê ẩm mỏi mòn
Đành thoái vị, trở về lang thang tiếp

Nhắc đến ông tự nhiên lòng thấm mệt
Cũng mày râu, mà ấm ớ chẳng ra gì
Chui rúc hoài, tê tái phận nam nhi
Mượn nghĩa nọ, danh kia, chìm khuất lấp

 


Thơ Đấu Tranh - Phạm Thanh Phương phụ trách

Thơ Đấu Tranh là nơi hội tụ những vần thơ "tải đạo" của các thi nhân luôn luôn thấy trong lòng: "Ba mươi năm lẻ đá mòn. Niềm đau trang sử vẫn còn trơ trơ. Ba mươi năm nát hồn thơ. Có nghe chăng mảnh dư đồ giẫy đau"" Thơ Đấu Tranh tha thiết hy vọng được sự đóng góp, xướng họa, của thi hữu xa gần có chung hoài bão: "Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm; Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà"... Qúy thi hữu, độc giả nào cảm thấy cao hứng, muốn "dương buồm chở thuyền đạo, phóng bút đâm kẻ tà", xin vui lòng gửi bài về hộp thư tòa soạn, bên ngoài ghi: Thơ Đấu Tranh. - Trân trọng. Phạm Thanh Phương

*

Tự Tình

Xã tắc lênh đênh, loạn Cáo Hồ
Lưu vong khấp khểnh, bước sầu lo
Chán bọn trâu bò, lăng nhăng hót
Khinh loài khuyển Mã, mãi líu lô
Xót nước, đánh tan mầu ảm lạnh
Thương nhà tái tạo ánh hồng lô
Thiêu đốt tội đồ, hưng xã tắc
Hồi quy cố Quốc dựng cơ đồ

Phạm Thanh Phương

*

Anh Đừng Quên

Tháng tư trong cuộc đời phiêu bạt,
Nghe nhớ quê hương những buổi chiều,
Ngõ vắng ngọn tre chừng lả lướt,
Với từng cơn gió nhẹ hiu hiu.

Tháng Tư lại đến nữa rồi đây,
Tàn cuộc chiến chinh kiếp đoạ đày,
Người đi vào núi rừng sâu thẳm,
Ngày về hun hút nẻo tương lai.

Tháng Tư nào nước mất nhà tan,
Cho đời dâu bể, tình trái oan,
Cho con xa mẹ, chồng xa vợ,
Và hận thù cao ngất, ngút ngàn.

Thế sao anh bảo em lần nữa,
Tháng Tư về thăm lại giang san,
Cảnh cũ người xưa thay đổi hết.
Hãy để tình thương thắng bạo tàn"

Anh bảo: Phố phường giờ lạ lắm,
Quán cà phê gái trẻ, dịu dàng,
Nhưng anh ơi! Đừng quên khổ nhục,
Tháng năm rừng Việt Bắc gian nan.

Anh đừng quên có một tháng Tư,
Khổ đau, nước mắt với lao tù,
Giữa cơn quốc loạn người tan tác,
Bao cảnh đời sầu hận thiên thu.

Đừng quên anh nhé! Đừng quên nhé!
Mẹ chúng ta và Mẹ Việt Nam,
Từ tháng Tư sẩy đàn tan nghé,
Xót thương con cát vẫn bụi lầm!

Hoàng Yến

*

Hoá Giang Giục Giã Lời Thề

Tây Nguyên, thương quá Tây Nguyên
Ôi, Tây Nguyên bị bạo quyền giết tươi!
Nam Quan, Bản Giốc mất rồi
Nay Tây Nguyên lại bị người bằm tan
Đã đau dưới ách bạo tàn
Còn hờn thêm bởi ngoại bang, cộng Tàu
Rừng Tây Nguyên ngậm ngùi đau
Người Tây Nguyên mắt nhìn nhau lệ tràn
Tây Nguyên, máu, thịt Việt Nam
Sao đem độc dược, cường toan tưới vào"
Cây xanh gục xuống nghẹn ngào
Đất nâu vỡ mạch, máu trào oan khiên
Vì ai" - Phải chính bạo quyền
Rước Tàu cộng đến Tây Nguyên tung hoành
Tây Nguyên nước ngọt cây lành
Trong tay tàn ác, biến thành cường toan
Rồi đây độc chất tràn lan
Giết dân, xương thịt Việt Nam từng người
Đau thương thêm nữa cho đời
Nỗi đau niềm hận, kêu Trời, Trời xa!

Tây Nguyên, người cướp của ta
Mà ta nuốt nhục bỏ qua sao đành"!
Hãy xin nào chị, nào anh
Đứng lên nhập cuộc đấu tranh, giữ nhà!
Đứng lên đòi lại sơn hà
Đấy là nghĩa vụ, đấy là nhân luân
Nếu ta vuốt mặt, an thân
Thì quê sẽ mất từng phần, tang thương!
Nào đâu Nguyễn Huệ, Trưng Vương
Xin vì tổ quốc, viết chương sử vàng
Đòi về Bản Giốc Nam Quan
Tây Nguyên, lãnh hải, Việt Nam, đòi về!!!

Hoá Giang giục giã lời thề
Hồn thiêng sông núi bốn bề sóng reo!

Ngô Minh Hằng

*

Đôi Mắt Mờ Xa

Thương gửi những người Mẹ nuôi con trong tù sau 75
Cơn sóng buồn xô trắng nước sông
Nhìn mây, chút nhớ đắng trong lòng
Bước đời lữ thứ khôn nguôi được
Đôi mắt u buồn thương, nhớ, trông…

Con sông dòng nước êm đềm chảy
Lòng mẹ cho con sóng thật hiền
Ta có ngờ đâu cơn gió trái
Về cuối tháng tư dấy lụy phiền

Đôi mắt mẹ nhìn quên sao được
Khi xe lăn bánh chở tù đi
Lòng mẹ sóng tràn dâng con nước
Nhìn theo xe mà lệ ướt mi…

Tháng tháng thân cò thương cho mẹ
Từ Gò Công lên Mỹ Phước Tây
Mấy giỏ thức ăn cho con trẻ
Đang sống trầm luân địa ngục nầy!

Giọng mẹ ngọt ngào yêu thương hỏi
Con làm có cực, có đòn roi
Tay mẹ vuốt đầu con cháy nắng
Rồi sụt sùi từng giọt lệ rơi!

Con rời Tân Cảng đêm tâm tối
Tàu chở tù đi, ai có hay"
Hai ngàn tù, khoang hầm chật chội
Thương mẹ thăm con buổi mai nầy…

Con của mẹ - Trời ơi! Con tôi
Hai giỏ thức ăn nặng bước đời
Ai chuyển con tôi đi đâu mất
Lại buồn, lại nhớ... mắt xa xôi!

Đời ta đâu dễ quên đi được
Đôi mắt thân thương của mẹ hiền
Trong giữa lòng ta không thể mất
Giọng mẹ nhân từ - Con giữ riêng!

Mẹ ơi! Con khóc trời xa xứ
Cõi vĩnh hằng xa…mẹ hiểu con

Thy Lan Thảo

*

Ngày Ghi Ơn Tử Sĩ

Hôm nay ngày 25 tháng Tư
Ngày người Úc ghi ơn tử sĩ
Ngày dân Úc truyền tình yêu nước cho thế hệ mai sau
Ngày thế hệ sau học hỏi về thế hệ trước

Người Việt nghĩ gì
Ai thắng" Ai bại"

Kẻ "thắng" giờ thành tên bại não
Người "thua" giờ đang tìm hy vọng

Hãy nhìn người dân Úc
Có một thời họ cũng chia rõ "thắng/thua"
Ai giúp Việt Nam Cộng Hoà là "bại"
Ai hùa theo cộng sản là "thắng"

Sau 20 năm nhìn lại
Năm 1993 thì Đài Tưởng Niệm Tử Sĩ Úc - Đồng Minh Việt Nam Cộng Hoà - được dựng lên

Bây giờ chẳng có thắng thua
Chỉ một câu "Ghi Ơn Tử Sĩ"

Hôm nay ngày 25 tháng Tư
Người ta vinh danh tử sĩ
Còn ta đau nhói trong tim
Tử Sĩ Việt Nam ai Vinh Danh"

Tháng Tư đen
Vinh Danh Tử Sĩ
Tháng Tư buồn
Vị Quốc Vong Thân
Tháng Tư ngậm ngùi
Chiêu Hồn Tử Sĩ
Tháng Tư đau
Truyền tình yêu nước cho thế hệ sau

Cung Đỉnh

*

Ta Về

Một mai ta sẽ trở về
Bóng ta gọi nắng con đê đầu làng
Quốc ca từng nhịp hát vang
Gió reo và lá cờ vàng tung bay
Cây đa ấy, lũy tre này
Đón ta lá cũng vẫy tay lá mừng
Ta về, mắt mẹ rưng rưng
Núi sông vào hội trùng phùng hoa đăng
Ta về, phố cũ ta thăm
Đem tin vui xóa đau thầm, giải oan
Ta về, lòng biển hân hoan
Sóng reo mừng nước Việt Nam hoàn hồn
Ta về, rừng cũ ta hôn
Từng viên đất lạnh vùi chôn bạn tù
Gọi hồn từ cõi âm u
Đứng lên rũ sạch thiên thu oán hờn
Ta về, ghé đỉnh Trường Sơn
Hiển linh Tử sĩ thoát hồn vào mây
Ta quỳ, ôm nhánh cỏ may
Vô danh, muôn thuở còn đây, anh hùng
Ta về, ơi núi, ơi sông
Cờ bay vàng khắp ruộng đồng như hoa...

Ngô Minh Hằng

*

Tháng Năm Mẹ Ngóng

Chiến tranh mắt mẹ quầng sâu
Hoà bình chong ngọn đèn sầu ngóng con

Chạnh nhớ tháng năm ngày thuở đó
Mẹ già soi lệ ngóng con thơ
Chân trời biên ải mờ sương gió
Dõi bóng tìm con dạ ngẩn ngơ

Sáng sớm đầu làng chiều tựa cửa
Nhìn mây u ám ngóng tin con
Đất nước bây giờ tàn khói lửa
Mà sao" Lệ vẫn ngập đầu non

Tháng năm khâm liệm đời son trẻ
Tháng năm chôn lấp mộng tương lai
Tháng năm đày đoạ đời chia rẽ
Tháng năm trần ngục phủ bi ai

Mưa tang gió bạc, con biền biệt
Giam cấm rừng sâu chẳng tin về
Ngỡ con từ giã chiều oan nghiệt
Mẹ chít khăn tang, di ảnh thờ!

Vivi


THƠ NGUYỄN CHÍ THIỆN

CÓ NGƯỜI MẸ

Có người mẹ gầy nhom mắt lóa gần lòa
Có người cha quá già, quá yếu!
Có người con bất hiếu là tôi
Hết tù lại tội
Bệnh ốm không nuôi nổi thân mình...
Ôi người mẹ nặng tình yêu dấu!
Ôi người cha hiểu thấu lòng con!
Còn hay mất"
Ngày con đầy bụi đất trở về
Căn gác
Lá rụng xào xạc canh khuya
Bóng cha già gầy guộc đứng kia
Phất trần nhẹ đưa lặng lẽ
Trên bìa sách bụi bàn con
Bóng mẹ già sầu muộn héo hon
Quờ tay rờ mó
Nạm tóc củ gừng đánh gió lưng con
Chiều âm thầm lạnh tắt trên non...
Không còn được nữa
Những tình xưa thương mến vô vàn !
Gió núi mưa ngàn, lạnh buốt
Rau rừng ngoạm nuốt thân trâu
Kiếp sống về đâu"
Bốn phía sậy lau một màu hoang xám
Đi về những đám tang câm
Trong ly tán thương tâm
Chết chóc âm thầm
Con vẫn nuôi mầm mơ ước
Xoay vần thủa trước xa xăm!
Mịt mù trời đất tối tăm
Mẹ thầy sống được bao năm trên đời!
Con sợ nỗi đời đau đớn
Ngày về, rợn buốt tim gan
Cuộc sống hoàn toàn vô nghĩa
Niềm lo rỉa rói tâm tình
Bạo lực hiện nguyên hình chó đẻ!
Ai thương người trai trẻ
Cùm gông nứt nẻ da xương
Mà vẫn mơ màng ảo tưởng
Cho đời bận vướng con tim
Đói lả sà-lim
Vẫn mộng làm chim vỗ cánh
Vượt trời xanh tới xứ yên lành!
Xương da mong manh
Đói rét tranh giành xác ốm
Đời như đốm lửa lụi tàn
Muỗi rệp từng đàn, cắn xé
Ta thương tiếc cuộc đời, tuổi trẻ
Ta lại thương người mẹ thương yêu
Người cha sớm chiều héo hắt
Xuân về nước mắt chan chan!
Bao giờ chết nỗi ly tan
Bao giờ giòng lệ khổ oan mới ngừng"
Xuân này đau đớn vô chừng
Thân còn chôn sống xó rừng đắng cay
Bao nhiêu thương nhớ mẹ thầy
Con xin hẹn tới một ngày xuân vui
Rưng rưng hai giọt ngậm ngùi
Con xin Trời đất niềm vui cuối cùng!

(1968)


Thơ Thơ - Thuỳ Dzung phụ trách

Bóng Mẹ

Trưa ngồi bên bếp lửa
Mẹ tráng bánh nuôi con
Chiếc bánh tráng rất tròn
Nồng nồng hương bột gạo

Chiều mẹ đi bán dạo
Cười, bán gió mua trăng
Con ngây thơ tin rằng
Đời đổi trăng thay gió

Ngày mưa giông đầu ngõ
Mắt mẹ buồn thiu thiu
Bữa cơm chiều đìu hiu
Xa xa từng tiếng sóng

Mẹ một đời hoài vọng
Cầu tha hương trở về
Con nghe chuyện mải mê
Nhớ làng xưa chưa biết

Mẹ ngâm thơ ly biệt
Con thả hồn theo trăng
Nằm trên võng ngủ thiếp
Mơ làm cánh chim bằng

Năm con lên mười sáu
Mẹ lâm bệnh ung thư
Buồn giăng như mây mù
Che mặt trời hạnh phúc

Năm sau lià cốt nhục
Con làm trẻ mồ côi
Phận người như củi mục
Trôi trên nhánh sông đời

Mẹ một đời tứ tán
Lìa quê hương xóm làng
Nhớ không đủ thời gian
Gởi tình vào hoài niệm

Con một đời phiêu bạc
Đường về ở nơi đâu
Sáng mặt mày nhớn nhác
Nếp nhăn trán bắt đầu

Mẹ mất con không gặp
Nên giờ sợ đêm thâu
Sợ khi trời trở gió
Sợ mẹ vẫn còn đau.

Trần Thái Vân

*

Mẹ

"Hồn quê theo ngọn mây tần xa xa''(Nguyễn Du)

1.
Thêm một mùa cam chín
Vóc mẹ thêm hao gầy
Mái nhà thêm nát dột,
Tóc mẹ thêm trắng mây.

Chạnh lòng thương một thuở
Làng quê lửa ngút trời.
Mẹ bồng con trôi nổi,
Trải bao miền xa xôi.

Quá nửa đời thúng gánh
Tảo tần nuôi trẻ thơ.
Khói bếp chiều gạo mượn,
Thâm mắt mẹ đến giờ.

Mỗi khi thầm nhớ lại
Dường như trong tim con
Có lời ru của mẹ,
Lẫn tiếng sóng sông buồn.

Có lửa hồng ấm áp
Mùi bánh tét thơm hiên
Con xênh xang áo mới,
Quên áo mẹ sờn thêm.

Có cánh cò đêm bão
Cha xa không kịp về
Cột nhà xiêu, vách mối,
Tay mẹ gầy chống che.

Có ngày xưa cô Tấm
Ngồi dệt chiếu bên sông
Cha- thương hồ phiêu bạt
Về đây, ghé phải lòng

Tưởng chừng đời sáng nắng
Hay đâu lửa rực đồng
Xác xơ vườn cam chín,
Đàn kiến bám qua sông.

Hay đâu màu lụa trắng
Sớm vàng buổi chợ đông
Cam sành khô mật ngọt,
Dạt trôi biết mấy dòng!…

2.

Ngày đạn bom tàn lụi
Cành khô héo xanh chồi
Kiến về xây tổ mới,
Chăm chút vàng cam tươi.

Mẹ lại ngồi bến sông
Tiếng cửi khua rộn lòng
Cha vun bờ, lấp hố
Úa tàn vụt trắng bông…

3.

Con hãy còn dong ruổi
Lem lấm bụi phố phường
Cơm đời khô nuốt vội,
Tóc nhuốm màu nắng sương.

Chiều nay qua lối cũ
Dáng ai dường thân quen
Ngỡ mẹ còn lam lũ,
Oằn quang gánh đêm đêm.

Lòng bỗng dưng thấm lạnh
Gió bao giờ mới thôi"
Thấu chăng vườn sắp quạnh
Trái chín thâm cuối trời!…

Bùi Thụy Đào Nguyên

*

Lục Bát Xa Xứ

Xứ người lưu lạc bao năm
Thương câu lục bát muôn ngàn dặm xa
Thầm thì mấy khúc dân ca
Mây trôi, bèo dạt, phận hoa, bến đời
Đêm khuya trăng lạnh bóng soi
Chìm trong nỗi nhớ bao lời hát ru
Quê nhà cách trở mịt mù
Xót thân xa xứ tương tư nặng sầu
Ước gì một cánh chim câu
Đem vần lục bát thả vào hồn thơ…

Hoài Hương

*

Đoá Hồng Dâng Mẹ
Mẹ ơi, đây một đóa hồng
Con dâng lên mẹ ghi công sinh thành
Ghi đêm thức đủ năm canh
Khi con trở gió ươn mình không vui
Ghi ngày miếng ngọt miếng bùi
Nhường cho con để con tươi tuổi hồng
Quản chi tháng Hạ ngày Đông
Thương con mẹ biết bao công vun bồi
Lớn khôn, con đã nên người
Mong manh, mẹ, nắng cuối trời, hoàng hôn
Cầu xin mẹ khoẻ vui luôn
Cho con muôn một ghi ơn, báo đền
Yêu thương săn sóc mẹ hiền
Mong cao tuổi hạc, mong thêm nụ cười
Con cầu xin lượng đất trời
Ban ơn cho mẹ như lời con mong
Lòng con, một đóa hoa hồng
Xin dâng lên mẹ nhớ công sinh thành
Ngô Minh Hằng
*

Mẹ Đã Về
con tuổi nhỏ bên sóng gầm tai họa
mẹ ngồi thương sông bên lở bên bồi
trắng cơ nghiệp là lưu đày xa lạ
bóng cò chiều bảng lảng bóng sông trôi

như đời mẹ chung thân cùng sông núi
giữa địa cầu sao nhẹ hẫng hai vai
năm châu đó ngọn đèn mù tăm tối
mạch đất ngầm cày xé cả tương lai

còn gió buốt một đời cha nặng nợ
quê nghèo trôi theo chú bác phiêu bồng
đầy cay nghiệt trong lòng cha người thợ
suốt bao thời quày quả mãi không xong

con khuất lấp cùng dặm mòn dâu bể
mẹ theo cha về với đất nghìn năm
còn di huấn là nụ cười ngạo nghễ
cho đời con càn lướt giữa xa xăm

Nguyễn Đức Bạt Ngàn

*
Ngồi Buồn Nhớ Mẹ Ta Xưa ...
Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào

Mẹ ta không có yếm đào
nón mê thay nón quai thao đội đầu
rối ren tay bí tay bầu
váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa

Cái cò... sung chát đào chua...
câu ca mẹ hát gió đưa về trời
ta đi trọn kiếp con người
cũng không đi hết mấy lời mẹ ru

Bao giờ cho tới mùa thu
trái hồng trái bưởi đánh đu giữa rằm
bao giờ cho tới tháng năm
mẹ ra trải chiếu ta nằm đếm sao

Ngân hà chảy ngược lên cao
quạt mo vỗ khúc nghêu ngao thằng Bờm...
bờ ao đom đóm chập chờn
trong leo lẻo những vui buồn xa xôi

Mẹ ru cái lẽ ở đời
sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn
bà ru mẹ... mẹ ru con
liệu mai sau các con còn nhớ chăng

Nhìn về quê mẹ xa xăm
lòng ta - chỗ ướt mẹ nằm đêm xưa
ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương

Nguyễn Duy


Mẹ, Giòng Sông của Núi - Trường Sơn Lê Xuân Nhị

Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con...
(Ca dao Việt Nam)

Tôi có một cái "tật" lạ là hễ đọc được một bài thơ nào hay, tôi đọc lại thêm vài lần nữa là thuộc làu làu, thuộc cho đến ngày hôm nay, một ông già 58 tuổi, vẫn nhớ rành rành như thuở còn trẻ. Những bài thơ tôi nhớ chỉ có vài bài như Anh Hùng vô danh của Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy, Ông Đồ Già của Vũ Đình Liêm và cuối cùng, bài "Nắng Mới" của Lưu Trọng Lư.
Năm đó tôi khoảng 7, 8 tuổi, và bài thơ ấy "chết người" như sau:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà xưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không

Tôi nhớ Mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước dậu phơi

Hình dáng Mẹ tôi chửa xóa mờ,
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong buổi trưa hè trước dậu thưa...

Tôi đọc bài này và muốn chảy nước mắt, thương xót cho cậu bé vô phúc phải mất mẹ quá sớm...
Bây giờ, xin cho phép, tôi viết về mẹ tôi...
Mẹ tôi, phải công bằng mà nói, giống như hàng triệu người mẹ Việt Nam khác, chẳng có gì đặc biệt hơn người. Giống như mọi người mẹ Việt Nam khác, mẹ kính trọng chồng, đúng hơn là thờ chồng, thương con, hy sinh trọn cuộc đời mình cho con cái. Dĩ nhiên, mẹ tôi cũng có những tật xấu. Tôi viết về mẹ tôi như để mở ra cho mọi người nhìn thấy một trang sử kín của riêng tôi và của gia đình tôi mà tôi đã âm thầm nhận chìm xuống đáy linh hồn sâu thẳm và đầy u uất cùng thù hận của mình từ bao nhiêu năm nay, kể từ lúc có trí khôn. Trang này, ai cũng có thể đoán được, buồn nhiều hơn vui, tủi nhục nhiều hơn vinh quang, nước mắt nhiều hơn nụ cười, bất hạnh nhiều hơn may mắn, nhưng quan trọng và đáng yêu nhất, tôi phải thành thật mà nói, ai đọc thì sẽ nhận ra, qua mọi biến cố và giai đoạn, qua mọi thăng trầm và thay đổi, trang sử nào của gia đình tôi, dù vinh dù nhục, dù sang dù hèn, cũng luôn luôn được viết đậm nét bằng mực Tình Thương, và thỉnh thoảng được tô điểm, bằng cách này hay cách khác, bằng những hy sinh và những cố gắng tận lực của những người trong gia đình tôi.
Mẹ tôi, cứ theo bức hình chụp những năm còn trẻ, là một người đàn bà đẹp. Trán cao, mắt sáng, mặt mày phúc hậu hiền lành.
Cuộc đời mẹ long đong khốn khổ từ những ngày còn ấu thơ. Mẹ tôi mồ côi cha rất sớm, khi còn chập chững bước đi. Bà ngoại gởi mẹ tôi vào học nội trú trong trường bà sơ. Năm mẹ tôi 15 tuổi, bà ngoại lại khoác áo ra đi, để lại mẹ tôi một mình trơ trọi trên cõi đời. Nhưng mẹ tôi may mắn vì còn bà ngoại tức bà cố ngoại của tôi, đem mẹ về nuôi dưỡng. Ngoại không cho mẹ đi học nữa mà tập cho người đi buôn bán. Mẹ theo cậu Sáu đi nhiều nơi để tập buôn. Thế là từ Nha Trang, người đi ngược lên Plei-Ku, Qui Nhơn và lần lần, mò vào những nơi đèo heo hút gió như Ban Mê Thuột, nơi người gặp thân phụ.
Nhân tiện đây, tôi cũng xin vắn tắt nhắc lại lịch sử của thành phố Ban Mê Thuột. Ban Mê Thuột được hình thành nhờ hai yếu tố. Thứ nhất là đồn điền cao su, đồn điền cà phê và thứ hai là... kho đạn. Đất Ban Mê Thuột vốn là loại đất non và màu mỡ, màu đỏ xậm, đặc quệt và cứng, rất lý tưởng cho việc trồng trọt nên tài phiệt Tây đã mò lên đây và khai thác đất đai, mở nhiều đồn điền cao su và cà phê vĩ đại, dài hàng ngàn cây số vuông. Tài phiệt Tây khôn như thế và chính phủ Tây cũng không chịu thua. Các tướng lãnh của Tây, nhận ra sự hẻo lánh địa thế và khí hậu của Ban Mê Thuột, trời mát lạnh quanh năm, liền cho xây một kho đạn khổng lồ để tàng trữ lâu dài đạn dược, cung ứng cho toàn thể Việt Nam. Sau này, khi Tây rút, họ giao kho đạn lại cho nhà thờ Ban Mê Thuột và hồi nhỏ, tôi có lần đi cắm phòng ở đây, ở trong những căn nhà này 5 ngày nên mới nhận ra sự vĩ đại của nó. Mỗi một nhà chứa đạn to lớn bằng một căn nhà của mình, xây nửa ở trên, nửa kia được đào sâu vào lòng đất. Tường nhà bằng bê tông cốt sắt, dày ít nhất là một mét. Trần nhà cũng xây bằng bê tông và có lợp ngói đỏ. Mỗi một căn nhà chứa đạn như thế được bao bọc bởi 3 con đê bằng đất, cao hơn cả ngôi nhà để phòng trường hợp một nhà chứa đạn này bị nổ thì không ảnh hưởng đến nhà chứa đạn bên cạnh. Điều đáng nói là lúc tôi đi cắm phòng và mùa hè, thế mà buổi trưa ngủ phải đắp mền vì quá lạnh. Thế mới biết sự cẩn thận và tính toán của những kỹ sư quân đội Pháp.
Hễ chỗ nào có công ăn việc làm thì chỗ đó con người. Mới đầu, những người phu đồn điền, những người đi xây kho đạn lên Ban Mê Thuột một mình. Sau đó, từ từ, họ đem vợ con lên. Và lần lần, thành phố Ban Mê Thuột được hình thành lúc nào không biết.


Thân phụ cũng là một trong những thành phần... "bỏ phố lên rừng" này để tìm kế sinh nhai. Vì người có bằng tú tài Tây nên được Tây ưu đãi, cho làm việc trong văn phòng của quân đội Tây, giữ một chức vụ cũng tạm gọi là quan trọng, chỉ huy luôn cả Tây. Sau đó, vì số lượng dân Tây ở khá đông nên họ mở một trường trung học để giáo dục con cái, tên là College Francais de BMT hay de... gì đó tôi không nhớ rõ. Thân phụ lại được tuyển sang dạy học ở đây, lương cao hơn, sáng giá hơn. Sau đó, Tây cho thân phụ làm thị trưởng đầu tiên của thành phố. Nhà tôi được sử dụng như tòa thị sảnh. Tôi nhớ hồi nhỏ đi học, sáng sớm ra thấy người ta xếp hàng trước nhà tôi để xin giấy tờ dài cả chục thước.
Khoảng thời gian thân phụ còn làm việc cho Tây, mẹ tôi cũng lên Ban Mê Thuột buôn bán, thế là anh hùng gặp mỹ nhân, hai người thành hôn. Chuyện này dễ hiểu.
Tôi là đứa con trai đầu tiên trong gia đình sau mấy bà chị nên được cưng chiều. Mẹ tôi kể, hồi tôi còn nhỏ, có lần bỏ quên cái nắm vú ở đâu không biết, nên khóc ầm nhà, báo hại mẹ phải gởi một người làm đi bộ lên phố giữa đêm, gõ cửa một tiệm chạp phô để mua nấm vú cho tôi. Sau tôi là một loạt 4 thằng con trai nữa ra đời. Có người gọi 5 anh em tôi là ngủ hổ tướng, riêng tôi, tôi nghĩ chúng tôi chỉ là ngủ quỷ, chẳng thằng nào làm nên được cái tích sự gì trên đời này, chỉ tổ làm phiền lòng mẹ.
Có thể nói, lúc tôi chưa có trí khôn, nhà tôi rất khá giả. Trong nhà luôn luôn có ít nhất là 4, 5 người làm, ăn cơm đến ba xuất. Xuất đầu của gia đình, xuất thứ hai của những người làm rẩy, xuất thứ ba của người làm, người phụ trong nhà.
Trong giai đoạn khá giả này của gia đình, mẹ tôi bị mất hai người con gái, chết lúc chưa tới mười tuổi, đó là chị Mai chị tôi và con Thu, em gái tôi.
Nhưng lúc tôi có trí khôn thì nhà cửa bắt đầu sa sút. Và sa sút một cách thảm hại, mau chóng. Lúc tôi có trí khôn thì đó cũng là lúc tôi nhận ra sự đau khổ, lo lắng của mẹ. Tôi không bao giờ thấy người cười, lúc nào cũng đăm chiêu, tính toán chuyện buôn bán. Thân phụ, vốn là một con người của đèn sách, chẳng giúp gì được nhiều. Nhiều khi muốn giúp, lại còn gây nợ. Thân phụ làm đâu thì... thua đó. Mở mấy cái rẩy cà phê, bỏ bao nhiêu tiền của ra, cuối cùng, bị người Thượng Fulro vào chiếm rẩy, giết người làm, đành phải bỏ.
Tôi càng lớn thì nhà càng sa sút. Nhiều hôm đi học về, chủ nợ tới nhà đòi nợ ngồi đầy nhà. Có lần, chị tôi dọn cơm xong, lấy cái lòng bàn đậy lại. Chủ nợ tới đòi tiền, ngang nhiên tự đại mở cái lòng bàn ra, nhìn vào và mắng mẹ tôi. "Bà có tiền mua thịt mua cá ăn như thế này mà sao không có tiền trả tiền lời cho tôi sao""
Mẹ tôi đau khổ quá, không biết trả lời như thế nào, cứ đứng nhìn xuống đất. Tôi nhìn thấy con dao phay gần đó, muốn cầm lấy chém vào miệng con mụ một phát rồi ra sao thì ra nhưng mẹ đuổi tôi ra ngoài. Tôi bước ra, vừa đi vừa khóc, tự hỏi lòng mình, tại sao trên cõi đời này lại có những con người khốn nạn như thế. Tôi ra ngồi ngoài hè, chùi khô nước mắt rồi tự nhủ với lòng mình rằng, sau này lớn lên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi sẽ không bao giờ sĩ nhục bất cứ một người nào như mình đã bị sỉ nhục ngày hôm nay.
Một lần khác, tôi đi học, thấy mình ăn mặc nghèo nàn rách rưới quá trong khi bạn bè đa số là áo "nin-phăng", quần ga-bẹc-đin, đâm ra mặc cảm thua sút, về nhà vòi vỉnh mẹ mua quần áo. Nhưng mẹ làm gì có tiền. Tiền ăn hàng bữa chưa chắc đã có, nói gì chuyện quần ga-bạc-đin áo nin-phăng cho tôi le lói với bạn bè. Mẹ đau khổ lắm khi phải từ chối. Thấy tôi buồn, người an ủi tôi:
-Con ráng học giỏi để người ta quý con.
Ý mẹ muốn nói, con nhà nghèo thì phải học giỏi để người ta khỏi khinh, nhưng lại nói khác, sợ tôi buồn. Nhưng một con người như tôi thì phải làm hơn lời mẹ bảo. Tôi chẳng những học giỏi mà còn trở thành du côn nhất lớp. Bạn bè và hàng xóm ai cũng sợ cái tính du côn mất dạy của tôi. Thằng nào chưa dám khinh tôi thì tôi đã óanh trước để dằn mặt, cho chúng nó khỏi dám khinh. Vì thế, chẳng có thằng nào dám khinh tôi cả. Không những thế, nhiều thằng con nhà giàu lại kết thân với tôi. Kết thân với tôi có nhiều cái lợi. Thứ nhất, áo nin-phăng mắc tiền không bị vấy mực bút máy của tôi. Thứ hai, xe gắn máy khỏi bị tôi lén bỏ cát bỏ đường vào bình xăng hay bị đâm xì lớp. Thứ ba, không bị tôi kiếm cớ đục bậy. Thứ tư, được tôi cho cóp py bài vở.
Tôi nhớ mãi câu chuyện cái đồng hồ đầu tiên trong đời tôi như sau.
Hồi đó bằng Trung Học chưa bị bỏ và vì Ban Mê Thuột là một thành phố nhỏ, không có trung tâm phụ khảo nên chúng tôi phải về Nha Trang để thi. Để khuyến khích tôi thi đậu, mẹ hứa, nếu tôi thi đậu bằng trung học mẹ sẽ cho cái đồng hồ Timex. Tôi mừng lắm vì trong lớp tôi đứa nào cũng có đồng hồ, ngoại trừ tôi.
Tôi khăn gói về Nha Trang đi thi và khi làm bài xong, tôi biết chắc chắn mình sẽ đậu, chỉ không biết đậu hạng gì thôi. Một tháng sau, trường La-San tôi học gởi một người đi coi bảng. Người ấy chẳng ai khác hơn là một thằng học chung lớp với tôi, vốn oán ghét tôi vì một lý do nào đó (có lẽ bị tôi ăn hiếp vì tôi đục nhiều thằng nên chẳng nhớ ai) đi coi bảng về và cố tình bỏ tên tôi ra ngoài. Nhà trường cho dán danh sách những người thi đậu nơi đại sảnh đường. Tôi tìm mãi chẳng thấy tên mình.
Tôi buồn lắm và bị sa sút tinh thần ghê gớm vì đã nghĩ ít ra mình phải đậu Bình Thứ, sao lại rớt như thế được. Tôi về nhà thông báo tin buồn cho gia đình. Gia đình tôi, như đã nói, từ ngày tôi có trí khôn, vốn đã sống quen thuộc với những thứ tin buồn và những đau khổ dồn dập cho nên nhận thêm một cái tin buồn từ thằng con trai vốn xưa nay chuyên môn đem tin buồn về cho gia đình thì cũng là một chuyện thường, chẳng có gì lạ. Thân phụ không nói gì và mẹ cũng thế, nhưng mặt mẹ tôi xụ xuống làm tôi đau lòng quá. Hồi đó đối với học trò ở Việt Nam, không có cái gì tủi nhục và đau khổ cho bằng thi rớt. Tôi đã thi rớt. Nghĩ rằng mình sinh ra trên cõi đời này chỉ để làm đau khổ song thân, tôi thật thình chỉ muốn chết nhưng không chết được.
Mấy hôm sau, mẹ thấy tôi buồn khổ quá lại tìm cách an ủi tôi. Nhưng tôi vẫn buồn.
Sau đó vài ngày, một hôm đi học về, mẹ đưa cho tôi cái đồng hồ Timex có ngày tháng mới tinh còn trong hộp và bảo:
-Má mua cho con cái đồng hồ mới.
Tôi ngạc nhiên đến sửng sờ, hai tay nâng lấy cái đồng hồ, rưng rưng nước mắt bảo mẹ:
-Nhưng con thi rớt, má không la rầy con đã mừng, sao lại mua đồng hồ cho con làm gì"
Mẹ nhìn tôi trìu mến bảo:
-Má muốn con thi đậu nên mới khuyến khích con như vậy thôi. Nhưng học tài thi phận, đâu cũng là do thánh ý Chúa cả, con đừng có buồn khổ như thế.
Tôi không biết trên cõi đời này có bao nhiêu người mẹ khi con mình thi rớt, chẳng những không la rầy con mà lại còn mua quà thưởng cho con như mẹ tôi. Đó chính là lúc mà tôi hiểu được rằng lòng mẹ thương con là vô bờ vô bến, không có giới hạn, không thể nào định nghĩa được. Nó như một giòng sông chứa đầy ắp nước yêu thương, không bao giờ cạn, không bao giờ ngừng chảy, luôn luôn tươi mát, luôn luôn dễ tha thứ, dù trong bất cứ trạng huống hay tình cảnh nào.
Tôi đeo cái đồng hồ vào tay, vừa mừng và vừa buồn. Mừng vì được đeo đồng hồ mới, le lói với bạn bè nhưng buồn vì thấy mình chẳng xứng đáng chút nào cả.
Chừng vài tuần sau, một người bà con ở Nha Trang biên thơ cho thân phụ, chúc mừng tôi thi đậu Bình Thứ. Tôi đi học về, thân phụ ra tận ngoài ngã tư đường để báo cho tôi tin mừng. Cái thằng dám bỏ sót tên tôi nhất định phải khốn đốn với tôi, và tôi không nhớ mình đã làm gì nó... Lâu quá rồi.
Đậu tú tài xong, tôi hăm hở tình nguyện đi lính. Ngày tôi từ giã mẹ ra đi, tôi nghĩ, đó là một trong những ngày buồn trong đời mẹ. Mẹ tiễn tôi ra phi trường, không nói gì, chỉ đứng khóc...
Từ ngày vào quân trường cho đến khi tôi làm quan, mẹ vẫn thỉnh thoảng gởi tiền cho tôi xài dù nhà chẳng có dư giả gì.
Không lâu sau ngày tôi đi lính, em tôi, thằng Bích, cũng lên đường đi lính...
Tôi nhớ hồi còn nhỏ, hai anh em hay đánh nhau và dĩ nhiên, lần nào thằng Bích cũng thua, và lần nào cũng chạy vào mách mẹ. Lần nào mẹ cũng tìm cách xử huề cho hai bên. Một lần, thằng Bích bị tôi đánh nặng lắm, bầm cả mắt và vỡ môi. Nó vào mách mẹ và tôi đoán phen này nhất định phải bị đòn. Nhưng mẹ, sau khi rửa mặt sức thuốc cho nó, chỉ gọi tôi vào và buồn buồn nói:
-Con là anh, là trưởng nam, con phải biết sống quảng đại và tha thứ cho em mới đúng là anh. Con đi ăn thua với em con làm gì.
Từ ngày đó, tôi không bao giờ đánh thằng Bích nữa. Chẳng những thế, tôi còn biết nhịn nhục nó nữa.
Tôi nghĩ mẹ thương thằng Bích nhiều hơn tôi vì trước hết, nó trắng trẻo đẹp trai. Nó đẹp như một thiên thần, như một tài tử xi nê. Những ngày trung học nó đã có hàng tá đào địch, toàn là thứ chiến không. Nhưng quan trọng hơn cả, có lẽ mẹ thương nó hơn tôi vì mẹ biết nó không khôn ngoan bằng thằng anh nó. Thằng Bích không hề có cái đởm lượt, cái chiều sâu và một linh hồn vũ bão quyết liệt như tôi. Nó là tượng trưng của sự yếu đuối và nhẹ dạ, trong khi tôi là con người của sức mạnh, làm việc gì cũng có kế sách hẳn hòi. Mẹ thường bênh nó mỗi khi chúng tôi có chuyện.
Nói về thằng Bích, tôi phải kể thêm một chuyện mà nhiều người trong gia đình muốn quên đi, đó là chuyện nó là một thằng hút xì ke. Tôi không hiểu nó quen với bạn bè như thế nào, bị xúi dục ra sao nhưng chưa đủ 18 tuổi, nó đã hút xì ke nặng.
Hậu quả là nó bỏ học nửa chừng và đến tuổi đi lính, nó vào trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Ra trường, nó vào lính quân cảnh và được gởi đi Phú Quốc để coi tù Việt cộng. Không chịu nổi chốn cô quạnh ở Phú Quốc, cộng thêm chuyện hút sách, một hôm về phép, nó ở lì luôn và không trở về đơn vị. Không lâu sau đó, nó bị bắt và bị đưa ra bộ binh, một đơn vị địa phương quân ở miền Tây. Sau vài tháng nếm mùi trận mạc, nó lại đào ngủ lần thứ hai...
Lần này, nó về Nha Trang, tá túc tại nhà một người quen trong gia đình. Tôi nhớ mãi một buổi chiều định mệnh ở một quán nhậu trên bờ biển Nha Trang...
Trong tiệm nhậu, chung quanh một cái bàn thấp nhìn ra biển đang vỗ sóng ầm ì là ba người: tôi, mẹ, và thằng con trời đánh là thằng Bích.
Thằng Bích lúc ấy ở Nha trang đã gần được mấy tháng, mẹ phải gởi tiền lên đóng tiền ăn và có lẽ cả tiền hút cho nó. (Dân hút sách có cách xin tiền rất hay, không ai ngờ được.) Nó nói với mẹ, nếu mẹ có một trăm ngàn hay hai trăm ngàn, tôi không nhớ rõ, thì có người sẽ lo lắng cho nó được vào lính ở Nha Trang. May mắn sao lúc đó, hình như nhà cũng làm ăn được nên mẹ gom góp tiền bạc về Nha Trang để lo cho con.
Buổi chiều hôm đó, 3 mẹ con gặp nhau, cũng là lần gặp gỡ cuối cùng giữa tôi và thằng Bích. Anh em chúng tôi uống bia. Thằng Bích không uống nhiều. Mẹ chỉ ngồi nhìn chúng tôi, cặp mắt nửa mừng nửa lo, không nói gì nhiều. Phần tôi, nốc bia tì tì và "chan gắp liền tay như một hảo hán."
Đến một lúc nào đó, mẹ nói với thằng Bích một câu mà tôi nhớ mãi cho đến ngày hôm nay:
-Má ở xa không quen biết ai ở đây nên không biết đường nào mà lo lót chạy chọt cho con. Má chỉ đem theo mấy trăm ngàn giao cho con, con ráng lo lót cho người ta để tìm được một chỗ ấm thân mình. Má thương con lắm. Con ráng cầu nguyện cho nhiều.
Tàn buổi tiệc, chúng tôi chia tay. Số tiền mẹ đưa cho thằng Bích tôi không biết nó dùng vào việc gì nhưng sau vài tháng, cu cậu lại trốn về Ban Mê Thuột, về nhà ở với cha mẹ. Song thân buồn lắm vì bây giờ gia đình phải chứa một thằng lính đào ngũ. Thân phụ là một người rất nghiêm khắc và luôn luôn giữ thể diện của mình. Ban Mê Thuột là một thành phố nhỏ, chuyện thằng Bích đào ngũ ai cũng biết, và dĩ nhiên, chuyện một ngày nào đó cảnh sát đến còng tay nó chỉ là vấn đề của thời gian. Tạm thời, chứa nó được ngày nào thì cha mẹ thương con cũng phải chứa mà thôi...
Con chim trước khi chết kêu tiếng hót bi thương, con người trước khi từ giã cõi đời thường thay đổi cuộc sống. Thằng Bích về nhà, biết thân phận tội lỗi của mình, liền ăn năn xám hối. Nó bỏ xì ke, tối ngày chỉ ru rú ở nhà, lại còn biết chùi nhà rửa chén để giúp mẹ.
Nhưng mọi sự đã trễ quá rồi...
Sau cuộc tổng tấn công mùa hè năm 72, chính phủ cần người nên ân xá cho mọi đào binh, kêu gọi họ đi trình diện. Thân phụ nói chuyện với thằng Bích, khuyên con nên lợi dụng dịp này để đi trình diện. Mẹ không muốn cho thằng Bích đi, có lẽ linh cảm đặc biệt của người mẹ nói cho người biết, nếu nó đi lần này, nó sẽ chẳng bao giờ trở lại. Nhưng mẹ không biết nói gì, chỉ ngồi im nhìn nó.
Một buổi chiều sau đó vài tuần, trời mưa lâm râm, một chiếc xe díp nhà binh đỗ xịch trước nhà tôi, hai người lính mặc quân phục bước vào. Thằng Bích từ giã cha mẹ, theo hai người lính ra xe. Mẹ nhìn theo, nước mắt lưng tròng. Tối hôm đó, mẹ ngồi đọc kinh lâu hơn thường lệ...
Tin buồn đến mau. Rất mau...
Chỉ một tháng sau, cũng một buổi chiều, một chiếc xe díp nhà binh của sư đoàn 23 bộ binh đổ xịch trước cửa nhà và một người lính bước vào với mẩu tin vắn: Trung sĩ nhất Lê Xuân Bích vừa bị mất tích tại chiến trường Tân Cảnh, Tây nguyên.
Mẹ khóc ngất rồi ú ở hỏi người lính:
-Chú có biết là nó còn sống không"
-Thưa bác, cháu không biết. Chỉ biết là trung sĩ đã mất tích...
Người lính chào rồi lên xe lái đi, để mẹ tôi đứng ngay cửa nhìn theo, nước mắt lưng tròng...
Hồi đó mẹ hay xuống Nha Trang để buôn bán và tạm trú ở là người bà con ở đường Lý Thánh Tôn. Thỉnh thoảng, tôi thường lái Honda ghé thăm người bà con và nhân tiện thăm mẹ nếu gặp. Thường thường, mỗi lần gặp tôi thì mặt mẹ tươi hẳn lên, chạy ra đón tôi vào. Buổi chiều hôm đó, vừa nhìn thấy tôi, mẹ bỗng òa lên khóc nức nở. Tôi hoảng kinh, không biết chuyện gì.
Mẹ cầm lấy tay tôi, vừa khóc vừa nói:
-Người ta nói em con bị mất tích ở mặt trận Tân Cảnh rồi.
Tôi nghe nói như sét đánh ngang tai, nhưng vốn là một người lính, đã quen với những tin buồn loại này nên tôi giữ bình tỉnh được và tìm cách an ủi mẹ:
-Mất tích thì vẫn còn hy vọng là nó còn sống.
Tôi không nhớ buổi chiều hôm đó hai mẹ con đã nói gì với nhau nhưng đó là một buổi chiều rất là buồn thảm của mẹ con tôi. Chúng tôi cùng ngồi ôn lại những kỹ niệm cũ của thằng Bích. Một lúc, tôi bắt đầu nhận ra là thấy mẹ không còn như xưa nữa. Một phần nào đó trong người mẹ đã chết đi. Cặp mắt người thỉnh thoảng trở nên hoang vắng, xa lạ, làm như đang thương tiếc một điều gì. Những buổi đọc kinh trong nhà thờ bây giờ trở nên lâu hơn. Nhiều lúc, mọi người trong nhà thờ đã ra về hết, chỉ còn mẹ một mình trong giáo đường, quỳ đơn độc một mình lâm râm cầu nguyện.
Nhưng người vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó, thằng Bích con của mẹ sẽ trở về...
Năm 1973, hai bên trao đổi tù binh, mọi người trong gia đình xôn xao chờ đợi, hy vọng thằng Bích sẽ trở về. Nhưng không. Năm 73 qua đi, đến năm 74 rồi đến năm 75, một buổi tối chủ nhật, Việt cộng bất thần tấn công và tràn ngập thành phố. Nhiều người thoát được nhưng gia đình tôi kẹt lại. Tôi lái phi cơ bay trên Ban Mê Thuột, nhìn xuống thành phố bốc lửa dưới chân mình mà lòng quặn đau vì không làm gì được. Tôi không biết dưới đó, gia đình tôi sống hay chết như thế nào.
Rồi Dương Văn Minh đầu hàng, tôi thoát ra khỏi Việt Nam, trên đường tới Mỹ.
Tôi ra đi, chẳng có tài sản gì để mang theo, ngoại trừ hình ảnh của mẹ trong đáy trái tim. Một bảo vật không ai có thể lấy được...
Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ, tôi đi làm, đi học, cố lúc nào cũng giữ cho mình bận rộn để vết thương lòng không sống dậy được trong người mình...
Cuộc sống gia đình tôi ở Ban Mê Thuột trước khi Việt cộng vào vốn đã nghèo khổ cơ cực, Việt cộng vào còn khốn nạn hơn. Thân phụ ngày xưa có làm dân biểu một khóa thời ông Diệm nên bị chúng nó bắt đi tù. Căn nhà duy nhất nơi anh chị em chúng tôi sinh ra và lớn lên bị chúng nó ăn cướp. Mẹ và các em tôi phải dắt díu nhau sang ở nhà một người bạn gần đó. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, đành dắt nhau ra rẩy. Ngoài rẩy có một cái chòi nhỏ xây cất tạm bợ bằng tôn nay trở thành nơi trú ngụ chính cho toàn thể gia đình chúng tôi. Tại nơi đây, mẹ sống những ngày cơ cực và cô đơn nhất trong đời mình. Chồng đi ở tù, con trai lớn đi mất biệt và đàn con còn lại thì quá nhỏ...
Nhưng lần lần, tôi bắt liên lạc được với gia đình bắt đầu gởi quà về cho mẹ. Tôi vừa đi làm (lương hạng bét) vừa đi học, tập sống một cuộc đời cơ cực và khắt khe với chính mình để cảm thấy được gần gũi với mẹ và quê hương mình, để được chia sẽ phần nào những đau khổ và bất hạnh mà gia đình tôi và đồng bào tôi phải gánh chịu. Áo quần tôi mặc toàn mua ở tiệm Goodwill. Một đô la 4 cái áo, 50 xu một cái quần, mặc khá rộng và... con gái chê nhưng cũng đủ che thân. Một chai nước ngọt 25 xu tôi không bao giờ dám uống, một tô phở 2 đô la chẳng khi nào dám ăn. Chiếc xe cà tàng, nhìn từ xa giống như chiếc xe tăng móp méo bị trúng mấy phát đạn ba-do-ka thời đệ nhị thế chiến, lấm tấm loang lổ, mỗi lần đề máy phải cầu trời phật cho nó nổ. Ăn mặt nghèo hèn và bần tiện như thế cho nên mọi người (đau khổ nhất là... con gái) ai cũng coi thường và khinh rẻ tôi nhưng tôi chẳng bận tâm chút nào. Quen rồi. Trái lại, với tính ngang bướng trong người, tôi coi thường tất cả.
Niềm vui lớn nhất của tôi là mỗi hai tuần một lần, sau khi lãnh lương, ra tiệm mua quần áo và thuốc tây gởi về Việt Nam nuôi mẹ nuôi em. Buổi tối chủ nhật như thế, sau khi đã gởi quà đi rồi, tôi về phòng trọ và tự thưởng cho mình một tô mì gói cộng thêm một chai bia rồi nằm lăn xuống thảm (vì không có giường), nhắm mắt tưởng tượng đến nụ cười của mẹ khi nhận được quà. Mỗi lần làm việc cực nhọc hay bị áp bức, muốn nghỉ, tôi nghĩ đến nụ cười của mẹ rồi tiếp tục chịu đựng...
Lần lần, tôi đem được các em tôi sang Mỹ và thảnh thơi hơn một chút, tôi bắt đầu nghĩ đến mình. Tiệm mì Hợp Lợi mở cửa đã mấy năm mà tôi không bao giờ dám... đến gần. Hôm tôi bước vào tiệm, ông chủ người Hoa nhìn tôi ngạc nhiên hỏi: "Anh ở tiểu bang nào về hay mới Việt Nam qua""
Tôi cười cười, gọi tô mì thập cẩm lần đầu tiên kể từ khi bước chân sang đất Mỹ...
Sau khi thằng em kế thằng Bích sang Mỹ, tôi nhận được lá thư của mẹ, có một câu làm tôi chảy nước mắt như sau: "Em con sang đó ở với con, con ráng nhịn nhục và chịu đựng em con với, chứ má biết tính nó khùng lắm, má chịu đựng nó suốt bao nhiêu năm nay rồi. Con thương má, con ráng nhịn nhục và đùm bọc em con để má khỏi lo..."
Mẹ thương em tôi và biết tính tình tôi hung dữ hà khắc cho nên mới dặn kỹ như thế. Mẹ đâu biết, sau ngày mất nước lưu vong, tôi đã trở thành một con người khác. Lửa hận thù và tủi nhục trong người tôi đã đốt cháy mọi thứ tình cảm nhỏ nhặt khác...
Chừng hai năm sau, tôi đưa được thằng em kế nữa sang Mỹ. Nó thay mặt tôi lo mọi chuyện quà cáp về Việt Nam, nên tôi càng rảnh tay hơn nữa. Tôi nhớ có mua cho vợ tôi một chiếc xe mới vào những năm này.
Cuối cùng thì tôi đem được toàn thể gia đình sang Mỹ, cũng tạm gọi là mình đã làm tròn bổn phận của mình...
Mẹ tôi bây giờ già yếu lắm, nhưng người vẫn còn tỉnh táo. Có điều là bây giờ không còn nghe mẹ nói nữa. Anh em chúng tôi thường tề tựu tiệc tùng vào những ngày lễ, mẹ chỉ ngồi im nhìn chúng tôi, cả buổi không nói một câu...
Mẹ tôi thích nhất mỗi lần anh em chúng tôi đờn và hát bài Kinh Hòa Bình của thánh Phan xi Cô như sau để tặng mẹ: Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người... Lạy chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa... Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem chân lý vào chốn lỗi lầm...
Những lần anh em chúng tôi hát những bài đó, mẹ luôn luôn hát theo, mắt ngời sáng...
Bây giờ, sau nhiều năm ngồi nghĩ lại, tôi không hiểu nhờ đâu mà mình có được cái nghị lực để sống những ngày cơ cực lam lũ như lúc mới sang Mỹ. Mỗi lần cầm một chén cơm lên ăn, tôi luôn luôn nghĩ đến cha mẹ anh em và bạn bè còn kẹt lại ở quê nhà và luôn luôn tự hỏi lòng, giờ này mẹ tôi cha tôi em tôi bạn bè tôi đang làm gì, ăn gì, sống chết ra sao. Nhiều lúc, cầm chén cơm lên, chưa kịp ăn thì nước mắt đã chảy xuống bát. Tôi cảm thấy ăn ngon là có tội với những người còn ở lại...
Tôi nghĩ, tôi sống được như thế là nhờ được thừa hưởng cái tình thương bao la bát ngát của mẹ. Nhà tôi nghèo thật, mẹ chẳng có gì để cho anh chị em chúng tôi, chỉ có một thứ luôn luôn dư thừa trong nhà, đó là tình thương. Tình thương của mẹ đến từ ánh mắt khi nhìn mỗi đứa con mình, xuất hiện trong những bữa cơm đạm bạc của gia đình khi mẹ chỉ ngồi gắp những thức ăn thừa, những khúc xương cá không ai thèm ăn trên đĩa, được thử thách vào lúc bị chủ nợ đến nhà chửi bới khi mẹ ngồi im chịu đựng những lời lẻ cay nghiệt của bọn cho vay ăn lời, và cuối cùng, tình thương của mẹ trưởng thành khi nước mất nhà tan, mẹ hai bàn tay trắng, đi chạy chọt từng nắm gạo, từng chén muối, vừa nuôi chồng ở tù vừa nuôi một bầy con chưa lớn. Tôi chưa hề thấy mẹ than phiền hay căm thù ai, dù là những kẻ thù tàn độc nhất của gia đình. Trái lại, mẹ luôn luôn dạy dổ cho chúng tôi, sống ở trên đời phải lấy tình thương làm căn bản, phải biết yêu thương. Không phải chỉ yêu thương nhau nhưng còn yêu thương cả những người xa lạ, những kẻ bất hạnh hơn mình. Chỉ có tình thương mới nuôi dưỡng được tình thương, mới làm nẩy sinh được tình thương. Chỉ có tình thương mới tạo ra can đảm giúp cho con người vượt qua được mọi bất hạnh và khổ đau. Có lẽ con người mẹ nhiều tình thương như vậy cho nên qua bao nhiêu đau khổ cay đắng của cuộc đời, mẹ luôn luôn giữ được kín nó trong lòng và sống được một cuộc đời bình lặng. Mẹ âm thầm chịu đựng một mình, không hề chia sẻ cho ai...
Trong khi thân phụ lúc nào cũng lừng lững, khô khan và xa cách và cao vời vợi như một hòn núi, mẹ lúc nào cũng hiền hòa, lúc nào cũng gần gũi, lúc nào cũng dễ tha thứ và tình thương luôn luôn tràn đầy, luôn luôn tươi mát như một giòng sông. Có một lần tôi lên núi, nhìn xuống đồng bằng dưới chân có những giòng sông uốn khúc, làm cho những thửa đất chung quanh được tươi tốt xanh rì, tôi chợt hiểu ra câu ca dao học ở trường tiểu học năm nào: Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Ôi, cao dao Việt Nam sao mà huyền diệu...
Chính núi là nơi làm phát xuất hay sinh đẻ ra mọi giòng sông, và nhờ những nước băng tan, những mưa rừng của núi đã nuôi dưỡng những giòng sông này từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ kiếp này sang kiếp nọ. Nhưng núi luôn luôn sừng sửng, oai vệ, lúc nào cũng khó hiểu và lạnh lùng xa cách. Có lẽ vì thế, hình ảnh của núi luôn luôn là một hình ảnh, tuy to lớn lẫy lừng, tuy oai phong lẫm liệt, nhưng là của cô đơn và hiu quạnh. Tệ hơn, nhiều khi, núi còn là hình ảnh của bí hiểm và ác độc nữa... Con người có thể kính phục núi và sợ núi nhưng không thể nào gần gũi với núi được...
Trái lại, những giòng sông của núi, những giòng sông từ núi mà ra, sản phẩm của núi và được nuôi dưỡng bởi núi, đã làm cho những đất đai ruộng đồng trở nên phì nhiêu màu mở, đã làm cho cảnh vật trở nên đẹp đẻ tươi mát, và quan trọng nhất, những giòng sông này luôn luôn gần gũi, luôn luôn dịu dàng, luôn luôn êm ái và sẵn sàng tha thứ cho con người...
Mẹ, mẹ chính là một giòng sông của núi...
Tôi cũng phải thành thật mà viết ở đây rằng không phải chỉ có mình tôi mới biết sống như thế. Tôi biết đã có hằng vạn người tuổi trẻ Việt Nam lưu vong khác đã âm thầm sống một cuộc đời như tôi, nhiều khi còn có những hy sinh vĩ đại và to lớn hơn tôi nữa. Hỡi những người anh em cùng chung một cảnh ngộ và cùng chung một cảnh trời trách nhiệm, chúng ta có quyền ngẩng mặt lên nhìn trời mà không hề thấy hổ thẹn bởi vì chúng ta, dù không xứng đáng được khen ngợi, nhưng cũng không đáng bị phỉ nhổ, bị nguyền rủa vì không biết chu toàn bổn phận mình, bổn phận của những người con sinh ra và lớn lên trong thời ly loạn... Dù chúng ta đã không giữ được lời thề với tổ quốc nhưng ít nhất, trong những nỗi cay đắng và tủi nhục của một người lưu vong thua trận, chúng ta đã can đảm cố gắng hết sức mình sống một cuộc đời có trách nhiệm và nhờ những cố gắng này, chúng ta đã phần nào làm được bổn phận của những người con trong gia đình. Thế hệ này rồi sẽ qua đi như trăm ngàn thế hệ trước, và chúng ta thì quá nhỏ để được lịch sử phê phán, nhưng con cái chúng ta sau này, khi nhìn lại cuộc đời bất hạnh nhưng đầy hy sinh của cha ông, chúng nó sẽ hãnh diện. Hãnh diện vì cha ông chúng nó, dù không làm anh hùng được nhưng cũng đã sống những cuộc đời có trách nhiệm, dù không gìn giữ được tổ quốc nhưng cũng đã không phản bội quê hương, dù phải đối chọi với bọn xài lang ác thú hèn hạ nhưng vẫn giữ được can đảm và tin yêu, giữ được đạo làm người cao cả. Cuối cùng và quan trọng nhất, chúng nó sẽ hãnh diện biết bao khi lịch sử sẽ chứng minh được rằng, cha ông chúng nó dù thua trận và phải làm những kẻ tù tội hay lưu vong, nhưng đã sống những cuộc đời can đảm, ngoại hạng và oai dũng gấp ngàn lần những kẻ chiến thắng... Chúng ta phải ngẩng mặt lên để con cháu chúng ta cùng ngẩng mặt...
Tôi không biết nhờ đâu các bạn sống được những cuộc đời đã sống nhưng riêng tôi, tôi sống được như thế là nhờ bởi tình tương của mẹ, nhờ giòng sông của mẹ tôi...
"Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Tôi xin dùng câu tục ngữ trên để chấm dứt bài viết này về mẹ...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.