Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Cơn Sốt Tỵ Nạn Của Úc

26/04/200900:00:00(Xem: 3034)

Thời sự nước Úc: Cơn sốt tỵ nạn  của Úc - Hoàng Đ.Thư

Trong vài tuần qua, vấn đề người tầm tỵ dùng ghe đến thẳng nước Úc lại trở thành một đề tài nóng bỏng, đặc biệt là sau khi một chiếc ghe bị bốc cháy và phát nổ ngoài khơi Tây Úc khiến một số người tử vong và nhiều người bị thương nặng. Cũng vì thế, chính trường Úc lại sôi sục về vấn đề người tầm tỵ, hoặc người tỵ nạn, đặc biệt là khi bà Sharman Stone, phát ngôn nhân Di Trú của phe đối lập liên bang nhanh nhẩu chụp ngay thời cơ để lên án chính phủ Rudd. Bà cho rằng sự thay đổi chính sách đối phó với người tầm tỵ, đặc biệt là việc hủy bỏ việc áp dụng loại chiếu khán Temporary Protection Visa (TPV) đã khiến Úc lại trở thành một cái nam châm thu hút người tầm tỵ đến Úc bằng ghe, và chính phủ Rudd đã bật đèn xanh cho bọn buôn lậu người (people smugglers) để gây nên thảm họa cháy tầu. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài phân tích và nhận định đầy tính ôn cố tri tân của ký giả David Marr được đăng tải trên nhật báo The Age ngày 18/04/09 vừa qua với tựa đề “Who’s Afraid of the ‘R’ Word"” – Ai E Ngại Chữ “Tỵ Nạn”"

*

Đến Úc bằng ghe là phương pháp tệ hại nhất. Bạn phải là một người gần như tuyệt vọng và phải có lòng tin nhiều lắm thì mới dám leo lên một chiếc ghe đánh cá để vượt cái biển khủng khiếp ấy. Và khi tất cả mọi phương pháp khác đều trở thành bất khả thi cả, thì đây là phương pháp mà bạn sử dụng: một chiếc ghe đầy khẳm người, không đủ dụng cụ hải hành và được những tay a-ma-tơ lèo lái hướng về những địa điểm nhỏ như đầu kim trên Ấn Độ Dương. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi không có bao nhiêu người dám thử thách như thế và quá nhiều người thiệt mạng trên chặng đường ấy.
Vì sự nguy hiểm đó, nên mọi người đều mong muốn không có chiếc ghe nào đến Úc. Và đấy là nguyên nhân khiến cả hai phe chính phủ lẫn đối lập, cả đảng Lao Động lẫn đảng Tự Do, cả những người tranh đấu cho người tỵ nạn cũng như những người dân lúc nào cũng hoài nghi tính trung thực của thuyền nhân, đều đồng ý: không nên có một chiếc ghe nào ghé Úc. Trong quá khứ, đã có những chiếc ghe bị chìm – có 9 người bị thiệt mạng trong một chiếc ghe chìm ở ngoài khơi Tây Timor vào tháng 1/09 – hoặc nổ tung, hay mất dạng giữa biển khơi.
Cho đến khi xảy ra tai nạn kinh hoàng vào tuần qua, phe Đối Lập liên bang đã không thành công trong việc thổi bùng lại ngọn lửa tranh cãi về thuyền nhân, bởi vì, ít ra thì người dân Úc cũng biết đếm. Kể từ khi chính phủ Rudd nắm chính quyền từ tháng 11/2007 cho đến nay chỉ có 428 người bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã đến Úc bằng ghe. Nếu gộp chung lại, con số này chưa đầy một rạp chiếu bóng hạng trung.
Hơn thế nữa, kinh nghiệm của một thập niên vừa qua cho thấy hơn 90% những người liều chết vượt biển được bộ Di Trú xác nhận là cần được bảo vệ khỏi sự nguy hiểm từ quê nhà của họ. Họ là những người tầm tỵ chân chính. Và chính vì những khó khăn trên chính trường về vấn đề này cho nên người ta đã cố dùng những từ ngữ khác, những danh xưng khác, và cả một mớ ngôn ngữ khác, để tránh né không nói ra một sự thật vô cùng rõ rệt: họ là người tỵ nạn.
Danh từ “Người Tỵ Nạn” không hề lọt ra khỏi đôi môi của phe Đối Lập trong tuần qua. Để thổi bùng sự sống về vấn đề này đòi hỏi sự phẫn nộ tối đa của dân chúng về những kẻ buôn lậu người, chính giới chỉ sự sử dụng tối đa những cụm từ thật vụng về như “người tầm tỵ” và không hề thừa nhận 47 người A Phú Hãn được tuần dương hạm HMAS Albany khám phá đang trôi dạt trên một chiếc ghe đánh cá nhỏ gần cồn san hô Ashmore hôm thứ Tư tuần qua là những người tầm tỵ.
Cái buổi sáng trong năm 2001 khi tin tức được loan ra trên toàn nước Úc về vụ chiếc ghe SIEV X bị chìm thì ông John Howard đã tấn công ông Kim Beazley một cách mạnh bạo, không thương xót vì ông Beazley đã cố thủ tí lợi chính trị từ những cái chết này. Lúc ấy, ông Beazley, trong tư cách lãnh tụ đối lập, nói rằng “cái bi kịch” này cho người ta thấy rõ “sự thất bại về chính sách” của chính phủ liên đảng.
Ông Howard phản công ngay lập tức. Ông hét toáng lên “Một sự bôi bẩn đầy tuyệt vọng”. Sau khi bày tỏ sự thương xót đối với những người tử nạn và chia buồn với những người còn sống sót trong gia đình họ, ông Howard chĩa ngay mũi dùi giận dữ về phía ông Beazley: “Chuyện ông lãnh tụ đối lập cố tìm cách “làm bàn” kiếm điểm chống lại tôi trong chuyện chiếc ghe bị chìm quả thật là một hành động đầy tuyệt vọng và đáng phỉ nhổ”. Ông Howard tấn công ông Beazley đến độ ông này phải cứng họng, câm nín và ông Howard chộp ngay chuyện chiếc ghe bị chìm và vẽ vời một chuyện không thực để thủ lợi cho chính mình. Ông đắc thắng trong trận đấu ấy. Ngược lại, bây giờ thì ông Rudd chỉ giới hạn vào việc mãnh liệt lên án bọn buôn lậu người là “những thứ rác rưởi của trái đất" và chúng phải “đời đời thối rữa trong hỏa ngục”.
Trong khi đó thì phe Đối Lập lại tha hồ hô hoán về sự thất bại của chính phủ. Như thể vừa được kích thích cho bừng tỉnh sau cơn mê triền miên, nhiều kẻ lắm mồm từ thời John Howard lại một lần nữa khua chiêng gióng trống về vấn đề “bảo vệ biên cương”. Những trang blog trên mạng internet lại bắng cả lên. Những cây viết nham hiểm hơn trên các tờ báo hè nhau lên án rằng đôi tay ông Rudd đã vấy máu.
Ông Malcolm Turnbull cố bắt chước phong thái kẻ bề trên của ông Howard nhưng không thành công. Tuy mạnh miệng tuyên bố rằng ông “không muốn cày đi cuốc lại bàn thắng chính trị” khi những nạn nhân bị phỏng nặng trong vụ cháy ghe được vận chuyển bằng phi cơ đến nhà thương, nhưng ông Turnbull lại liên tục đá giò lái đảng Lao Động đã trở nên mềm yếu đối với người tầm tỵ và bọn buôn lậu người. Ông nói: “Không còn tí nghi ngờ gì nữa. Ấn tượng đã được tạo nên là chúng ta đã dễ dãi du di hơn trước, hoặc ít cứng rắn hơn xưa đối với bọn buôn lậu người”.
Chuyện có vẻ mâu thuẫn ở đây đối với phe Đối Lập là khi ông Brendan Nelson còn là lãnh tụ thì chính sách nới lỏng luật lệ là một chính sách được cả hai phe chính phủ và Đối Lập cùng yểm trợ (bipartisan). Và từ khi ông Turnbull kế vị thì cho đến bây giờ vẫn không hề có dấu hiệu gì cho thấy phe Đối Lập muốn tái áp dụng những chính sách cứng rắn của thời John Howard.
Các chiếc ghe đã ngừng đến Úc từ nhiều năm rồi. Có nhiều nguyên do khiến các ghe thuyền ngừng đến Úc hơn là cái gọi là “Giải Pháp Thái Bình Dương”, mặc dù nó cũng có một vai trò quan trọng. Vụ chiếc ghe SIEV X bị chìm với 353 người tử vong cũng quan trọng không kém khiến người ta khó thể quên. Trong những năm từ 2002 đến 2005 thì nhà cầm quyền Taliban cũng bị “sụp đổ”. Giới cầm quyền ở Nam Dương lúc đó cũng giảm bớt sự thù hằn Úc về vụ đông Timor nên đã bắt đầu hợp tác nhiều hơn. Chuyên viên tình báo của Úc ở Nam Dương cũng có cơ hội thực hiện nhiều chương trình “phá rối” hữu hiệu hơn nhằm ngăn cản bọn buôn lậu người.
Dân chúng Úc thở phào nhẹ nhõm khi không còn ghe đến Úc nữa. Mặc dù dân chúng ngày càng cảm thấy ái ngại về các chính sách của chính phủ Howard đối với những người tỵ nạn đến Úc bằng ghe – lập tức đưa sang Nauru, giam cầm trẻ em cùng những điều kiện khắc nghiệt về giấy chiếu khán – thế nhưng, hầu như không có một sự thay đổi nào về sự tin tưởng ngấm ngầm rằng nước Úc cần phải được “bảo vệ” đề phòng người tỵ nạn và không một chiếc ghe nào nên được tới Úc.
Người dân Úc không bao giờ ưa thích Công Ước Về Người Tỵ Nạn (Refugee Convention). Chúng ta là một trong những quốc gia đầu tiên đã ký kết vào bản công ước này và chúng ta lúc nào cũng đề cao những điều tốt của nó, đặc biệt là đối với những quốc gia lân cận trong vùng chưa hề ký tên vào bản công ước. Thế nhưng, cái tôn chỉ căn bản nhất Công Ước là chúng ta phải chấp nhận cho cập bến tất cả những người tầm tỵ, rồi mới thẩm định đơn xin tỵ nạn của họ, lại không hề được quảng đại quần chúng hậu thuẫn. Đã nhiều năm rồi người ta không còn thăm dò dân ý về vấn đề này, thế nhưng, kết quả của một cuộc thăm dò năm 2005 do công ty Newspoll thực hiện cho thấy 35% số người được hỏi đã muốn tất cả mọi chiếc ghe tỵ nạn phải được gởi trả về nơi mà họ phát xuất. Chỉ có 14% yểm trợ nguyên tắc của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ là tất cả mọi chiếc ghe phải được cho phép nhập vào lãnh thổ của Úc để những đơn xin có dịp được cứu xét.
Sau 18 tháng mà chân trời không hề có một cái bóng ghe nào cả thì một chiếc ghe chở 54 người Việt Nam lẻn vào Port Hedland vào tháng 7/2003. Rồi đến ngày Melbourne Cup của năm ấy (LND: Thứ Ba đầu tiên của tháng 11), 14 người gốc Kurd đến đảo Melville và bị hải quân Úc lôi ngược trở về Nam Dương. Tháng 11/2004, một nhóm nhỏ người Nam Dương được phát giác đang lang thang trên cồn san hô Ashmore. Sau đó, họ trở về quê hương họ. Sự phong tỏa có vẻ có hiệu lực.


Chuyện này quả thật là một món quà bất ngờ từ trời rơi xuống cho ông Howard bởi vì cái ‘Giải Pháp Thái Bình Dương” bắt đầu tan vỡ. Nước Nauru vốn đang vỡ nợ cùng với nước Papua New Guinea dễ bắt nạt vẫn vui vẻ chấp nhận chứa chấp các trại tạm giam của Úc. Chuyên chở người tỵ nạn đến những nơi này tuy quả thật tốn kém vô cùng, nhưng khi tiền bạc không là vấn đề thì không có gì khó khăn cả. Nhưng không một quốc gia nào chịu chấp nhận những người cuối cùng còn sót lại trong số 1548 người tỵ nạn bị giam cầm trong các trại này. Tân Tây Lan là quốc gia duy nhất chịu hợp tác. Đến giữa năm 2003 thì chính phủ Úc đã thấy được rõ ràng rằng những nỗ lực của họ trong việc thuyết phục các quốc gia Tây Phương khác “chia xẻ gánh nặng” đã bị thất bại. Dưới mắt của thế giới thì những người tỵ nạn mà Úc ngăn cản trên đường đến Úc là trách nhiệm của riêng nước Úc mà thôi.
Gần cuối năm ấy, Canberra lẳng lặng mang những người tỵ nạn ở Nauru trở lại nước Úc. Tất cả các viên chức bộ Di Trú, và có lẽ cả bọn buôn lậu người nữa, đều thấy rất rõ là “Giải Pháp Thái Bình Dương” chỉ trì hoãn chuyện bất khả kháng mà thôi. Bị giam cầm vài năm trên một hòn đảo ở giữa vùng trời nước mênh mông tuy có khốn khó cho người tỵ nạn, thế nhưng cuối cùng thì sự giam cầm chờ đợi này cũng dẫn đến việc được định cư tại Úc.
Các chiếc ghe lại bắt đầu xuất hiện từ năm 2006. Khoảng 9 chiếc với gần 200 người đã đến hải phận Úc trong những năm cuối cùng của chính phủ Howard. Lúc ấy Giải Pháp Thái Bình Dương vẫn còn hiện hữu. Và những nỗ lực ngăn cản, chận bắt của Nam Dương vẫn không hề suy giảm. Mặc dầu áp lực từ các dân biểu bạch đinh thuộc phe chính phủ đã khiến Ông Howard giảm bớt sự hà khắc trong việc đối phó với người tỵ nạn, những biện pháp này vẫn còn vô cùng cứng rắn. Thế nhưng, những chiếc ghe lại bắt đầu trực chỉ Úc một lần nữa.
Ông Richard Towle, đại diện khu vực của UNHCR tại Úc cho biết: “Chuyện thiếu sót trong cuộc tranh cãi ở Úc (về người tỵ nạn) là sự hiểu biết về những phức tạp rất sâu đậm lý do tại sao người ta lại bỏ quê hương ra đi, bao gồm những động cơ xô đẩy cùng những động cơ thu hút”.
Ông phân tích những động cơ thúc đẩy từ năm 2006 như sau. Thứ nhất, người gốc Tamil thiểu số ở Tích Lan đã bị chiến tranh tàn khốc hơn xưa. Kế, từ Ba Tư có cả một suối nguồn người tỵ nạn từ những vụ đàn áp chính trị. Người A Phú Hãn thì bị đàn áp, hà hiếp từ cả trong lẫn ngoài đất nước của họ bởi vì bọn Taliban đã quay trở lại và chiếm cứ cả hai bờ biên giới. Người A Phú Hãn chẳng những chạy trốn khỏi quê hương của họ mà còn chạy ra khỏi những trại tỵ nạn ở Hồi Quốc, nơi nhiều triệu người đồng hương của họ đã từng trú ngụ trong nhiều thập niên qua.
Ông Towle cho biết: “Đấy là lúc mà bọn buôn lậu người xuất hiện. Chúng trám vào chỗ trống trên thị trường. Những tên buôn lậu chỉ có thể lợi dụng một nhu cầu đang có. Chúng không hề tạo nên nhu cầu ấy”.
Phần lớn người tầm tỵ bay sang Úc với hồ sơ du lịch đầy đủ rồi sau đó, một khi đến Úc thì mới nộp đơn xin cứu xét. Những đơn xin cứu xét thuộc hạng “trên bờ” (on shore) này lên đến nhiều ngàn đơn chứ không phải chỉ có vài trăm mà thôi. Năm ngoái có 1200 người Trung Hoa xin cứu xét tư cách tỵ nạn như thế. Gần như hầu hết đều bị từ chối. Chỉ có 4% những đơn xin tỵ nạn nộp “trên bờ’ được thành công mà thôi. Và đấy mới thực sự là công việc xác định tư cách tỵ nạn của nước Úc. Mặc dù xét hồ sơ “trên bờ” mới là việc thực sự tạo nhiều áp lực và nhiều sự lừa lọc dối trá man khai xảy ra, những người tầm tỵ đến bằng máy bay lại không hề nhận lãnh những phản ứng giận dữ tức tối mà những người đến Úc bằng ghe phải khứng chịu. Điều này quả thật là một sự bí mật khó hiểu. Phải chăng chúng ta vẫn còn bị ám ảnh bởi những cơn ác mộng xưa cũ về hàng loạt tầu chiến xâm lăng từ phương Bắc"
Vì sao người A Phú Hãn không bay đến Úc" Họ không thể làm thế, bởi vị họ không thể nào lấy được đầy đủ hồ sơ hợp pháp hoặc trả số tiền khổng lồ để có thể được buôn lậu vào Úc bằng đường máy bay. Hầu hết những người trốn chạy từ A Phú Hãn và Hồi Quốc đều hướng về Âu Châu bằng đường bộ. Chỉ có một thiểu số rất nhỏ mới quay sang hướng Nam để đến Nam Dương, nơi mà người ta phải xếp hàng chờ đợi. Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ ở Nam Dương có 600 hồ sơ vẫn còn mở. Năm ngoái, họ chỉ thuyết phục các quốc gia đệ tam cho định cư được 82 người tỵ nạn mà thôi.
Lên ghe đến Úc là một sự lựa chọn khác. Tuy nó rẻ hơn rất nhiều so với máy bay, nhưng họ cũng vẫn phải cố tìm cho được từ $5,000 đến $7,000 Mỹ Kim - tương đương với $7,000 đến $14,000 Úc Kim - cho chuyến đi của họ, và qua đó, đặt gia đình của họ vào nguy cơ phải nhận chịu những sự trả thù hung bạo, tàn nhẫn nếu số tiền này không được hoàn trả. Với số tiền cao như thế, cộng với sự nguy hiểm khi vượt biển, không một ai dám liều lĩnh  trừ phi họ biết rõ rằng trường hợp của họ thật sự sẽ được chấp nhận. Nói một cách khác, những người tỵ nạn đến Úc bằng ghe thật sự là người tỵ nạn bởi vì những kẻ giả mạo không dám liều như thế.
Ông Towle, vốn đã từng quan sát những chế độ giam cầm người tỵ nạn trên toàn thế giới, cho biết: “Trại giam trên Đảo Christmas là một môi trường rất khắc nghiệt ở một địa điểm thật sự hẻo lánh, cách xa mọi nơi”. Ông cũng cho biết ông e ngại, những lời tuyên bố trong tuần qua rằng Úc hiện đang có một chế độ đối xử thật lỏng lẻo với người tầm tỵ có thể sẽ tạo nên sự cám dỗ cho những chiếc ghe thuộc loại mà những người mạnh miệng chỉ trích này đang than phiền.
Chấm dứt “Giải Pháp Thái Bình Dương” là một sự cam kết của ông Rudd trong thời gian vận động bầu cử. 89 người cuối cùng bị giam cầm ở Nauru đã được mang về Úc từ tháng 2/2008. Ông Rudd được sự hậu thuẫn của lãnh tụ đối lập lúc bấy giờ là ông Brendan Nelson để thay đổi chính sách. Ông Turnbull hoàn toàn không có kế hoạch nào nhằm tái lập Giải Pháp Thái Bình Dương. Và ngay cả phát ngôn nhân di trú đối lập là bà Sharman Stone cũng không.
Hệ thống của Úc hiện nay vẫn còn giữ lại nhiều điều kiện vô cùng khe khắt. Những sự thay đổi mà chính phủ Lao động đề ra vẫn chưa được như sự mong mỏi của những người tranh đấu cho người tỵ nạn. Tất cả những người đến Úc bằng ghe đều bị đưa ra đảo Christmas để xét đơn. Và họ vẫn sẽ bị giam giữ trong lúc chờ đợi hồ sơ được cứu xét và họ vẫn không được quyền dùng hệ thống luật pháp ở Úc. Sự thỏa thuận bề ngoài giữa chính phủ Lao động và phe liên đảng chỉ là một sự lường gạt. Ngay khi bà Stone trở thành phát ngôn nhân đối lập thì bà đã bắt đầu tấn công chính phủ Lao động khuyến khích bọn buôn lậu người. Những sự tấn công này quả thật là bất bình thường. Thậm chí đảng Lao động cũng bị chỉ trích khi hải quân Nam Dương thành công trong việc ngăn chận những chiếc ghe này.
Bà Stone cáo buộc chính phủ Lao động đã khuyến khích bọn buôn lậu người qua việc cắt giảm tài nguyên cho công tác bảo vệ biên cương cũng như qua việc hủy bỏ loại chiếu khán TPV. Người ta không thể nào thuyết phục được bà rằng chính loại chiếu khán này đã giúp nhiều chiếc ghe với những phụ nữ và trẻ em, chiếu theo điều kiện của chiếu khán TPV, không hội đủ điều kiện lên máy bay để đoàn tụ với chồng và cha họ là những người đã được trao tư cách tỵ nạn. Trên chiếc SIEV X là những người vợ, người con mà chồng và cha được cấp chiếu khán TPV. Rất nhiều người đáng thương này đã chết đuối.
Chiến dịch của bà Stone hoàn toàn không tạo được mảy may tiếng vang nào. Các chương trình truyền thanh trực thoại không hề để tâm đến. Chuyện tàu nhập vào hải phận Úc được tường trình trong các bản tin, nhưng không hề là một tin nóng bỏng, quan trọng. Có vẻ như quả bóng độc hại đã xì này không thể nào nổi lên thêm một lần nữa.
Cho đến tuần qua, bà Stone đã tuyên bố như một cái máy tự động khi nghe được cái tin khủng khiếp về chết chóc và thương tật sau vụ nổ trên chiếc ghe đến Úc vào sáng thứ Năm 16/4. Bà tuyên bố với chương trình Sky News: “Người ta không thể nào tuyên bố một chính sách thật yếu ớt rồi sau đó không nghĩ rằng sẽ có người bị thiệt mạng vì bọn buôn lậu người”.
Vụ nổ, những cái chết cùng với sự lạnh lùng nhẫn tâm của bà Stone tự chúng sẽ không đủ sức để làm hồi sinh trò chính trị đen tối, u ám độc hại về người tỵ nạn. Yếu tố quan trọng, chìa khóa mở lại cánh cửa này là sự đóng góp của thủ hiến Tây Úc Colin Barnett khi ông này tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng ông được tin “có nhiều người trên ghe đổ xăng khắp nơi và xăng bắt lửa, bốc cháy, làm nổ bùng”.
Có thể ông nói đúng. Cũng như có thể người tỵ nạn đã thẩy con xuống biển trong năm 2001 để buộc Úc phải cứu họ. Nhưng chúng ta vẫn chưa biết được chuyện gì đã xảy ra. Chuyện chúng ta biết được, là một lần nữa, đàng sau sự phẫn nộ bùng lên về người tỵ nạn, là cái ý tưởng, đấy không phải là loại người mà dân chúng muốn cho vào Úc. Câu chuyện thương tâm mới nhất này lại được kẻ xấu dùng làm bằng chứng về những nỗi lo âu sợ hãi cũ kỹ, lỗi thời của đất nước này về thuyền nhân tỵ nạn. Quả thật, chúng ta đang sống lại giai đoạn lịch sử xấu xa và ghê tởm!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.