Hôm nay,  

Ứng Viên Mãn Châu Ám Sát Jfk & Jrk

15/02/200900:00:00(Xem: 2828)

Ứng Viên Mãn Châu Ám Sát JFK & JRK  - Huy Quang

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày cố TNS Robert F. Kennedy (RFK) bị ám sát (6-6-1968), những kẻ thích tin chuyện âm mưu đen tối lại một lần nữa nêu lên giả thuyết, gã hung thủ Sirhan Bishara Sirhan đã bị thôi miên để giết hại ông. Và rất nhiều cây viết khác cũng dùng dịp kỷ niệm ngày TNS Kennedy bị ám sát để tung hê một lần nữa giả thuyết Lee Harvey Oswald, kẻ sát hại tổng thống John F. Kennedy, đã bị người khác khống chế đầu óc để thực thi việc ám sát ấy.
Trong một cuốn phim tài liệu năm 2007 tựa đề “RFK Phải Chết” và một phim tài liệu khác được chiếu trên đài truyền hình National Geographic Channel ở Hoa Kỳ vào tháng 3/2008, tựa đề “CIA - Những Cuộc Thí Nghiệm Bí Mật”, thì một số người biện hộ cho giả thuyết âm mưu đen tối đã cho rằng Sirhan là một gã sát thủ theo kiểu “Ứng Viên Mãn Châu” - có nghĩa là một con cờ thí vô tri của những kẻ chủ mưu bí mật trong CIA cũng như trong nhóm kỹ nghệ quân sự ẩn mặt. “Ứng Viên Mãn Châu” là thành ngữ dùng để chỉ một kẻ đã bị người khác thôi miên, tẩy não và cấy vào não bộ một mệnh lệnh để họ phải thi hành mà không hề hay biết vì sao mình lại có ý tưởng như thế. Thành ngữ này phát xuất từ quyển tiểu thuyết của Richard Condon về một cựu chiến binh Hoa Kỳ bị bắt làm tù binh trong cuộc chiến Đại Hàn của thập niên 50, sau đó trở về đời sống bình thường và thành kẻ sát nhân trong một âm mưu kinh khủng vì đã bị Bắc Kinh tẩy não. Những cây viết thiên về chủ thuyết âm mưu đen tối cho rằng những kẻ chủ mưu này chính là những kẻ đã từng âm mưu giết hại cố tổng thống John Kennedy trước đó và đã phải lập kế giết hại ông Robert Kennedy - RFK - để ngăn chận việc ông sẽ điều tra về cái chết của anh mình khi ông trở thành tổng thống. Những kẻ thích giả thuyết âm mưu đen tối cũng tin rằng ông RFK bị ám sát vì ông sắp sửa chấm dứt chiến tranh Việt Nam, và qua đó, đụng chạm đến quyền lợi của giới kỹ nghệ quân sự.
Một vài cây viết thích giả thuyết âm mưu đen tối cũng cho rằng Lee Harvey Oswald đã bị những chuyên viên nhiếp hồn (mind -control experts) khống chế, điều khiển thi hành vụ ám sát tổng thống JFK. Các ông Jerry Leonard, Lincoln Lawrence và Kenn Thomas tin rằng thái độ kỳ quặc của Lee Harvey Oswald thật giống với hành vi của một kẻ vô tình “bị thôi miên điều khiển để làm gián điệp”. Họ cũng tin rằng những mối liên hệ giữa Oswald và CIA cũng như lời cáo buộc rằng ông George de Mohrenschildt là người “điều khiển” (handler) Oswald đủ là bằng chứng cho thấy Oswald đã bị tẩy não để giết tổng thống Kennedy. Trong quyền sách “Người Biết Quá Nhiều” - The Man Who Knew Too Much - một quyển sách thuật lại cuộc điều tra của ông Dick Russell về Richard Case Nagell thì ông cũng lên tiếng cáo buộc rằng Oslwald là một kẻ bị thôi miên để trở thành sát nhân. Ông Nagell khẳng định rằng trong mùa hè năm 1963, ông ta đã khám phá được từ một trong những kẻ dự mưu trong vụ JFK tên David Ferrie rằng Oswald đang được “thôi miên trị liệu” (hypnotherapy). Tuy nhiên, câu chuyện này được truy nguyên từ Jack Martin, một gã chuyên đặt chuyện vẽ vời, và sau này y đã thú nhận rằng đó là một chuyện không có thật.
Giả thuyết khả tín duy nhất về “Ứng Viên Mãn Châu” là giả thuyết được Ion Mahai Pacepa đưa ra. Ông Pacepa từng là trùm của cơ quan an ninh mật vụ Lỗ Ma Ni trước khi đào tẩu sang Hoa Kỳ năm 1978. Trong quyển sách của ông, được xuất bản năm 2007 với tựa đề “Programmed to Kill: Lee Harvey Oswald, the Soviet KGB and the Kennedy Assassination” (Tẩy Não Để Giết Người: Lee Harvey Oswald, Sô Viết KGB và vụ Ám Sát Kennedy), ông khẳng định rằng chính trùm đỏ Krushchev đã hoạch định âm mưu ám sát để rồi đổi ý sau đó, nhưng những tay mật vụ Nga sô không có dịp để xoá bỏ mệnh lệnh từ trí não của Oswald. Ông Pacena cũng tuyên bố rằng Jack Ruby - chủ nhân của hộp đêm Carousel, kẻ đã giết Oswald - là gián điệp của DGI, cơ quan tình báo Cuba. Tuy nhiên câu chuyện của ông Pacepa có nhiều lỗi lầm rất căn bản. Những viên chức KGB vốn từng có ý muốn sử dụng Oswald trong thời gian y ở Nga đã từng tuyên thệ là cuối cùng thì KGB nhận xét rằng y không đáng tin cậy và tâm thần y không ổn định. Vì thế, rất khó có chuyện KGB sử dụng một người cỡ như Oswald.
Hơn thế nữa, ông Pacepa quả thật có phần vô lý khi cho rằng Ruby hành động theo chỉ thị của chính phủ Cuba và sau đó bị chuốc thuốc độc để bịt miệng. Với lời tố cáo như thế thì người ta phải tin rằng bác sĩ của Ruby cũng là dự phần vào âm mưu, một chuyện vô cùng khó tin. Thêm vào đó, Ruby chết vì chứng huyết tắc phổi (pulmonary embolism) và ung thư phổi và não hơn 3 năm sau khi ông bắn chết Oswald. Việc này khiến người ta không khỏi thắc mắc rằng nếu quả thực một cơ quan như DGI muốn bịt miệng Jack Ruby thì tại sao họ lại phải chờ đợi một thời gian quá lâu như thế" Bởi vì Ruby sẽ có quá nhiều thời gian và quá nhiều cơ hội để thú thật mọi chuyện. Thực ra thì Ruby chỉ than phiền về một âm mưu đen tối duy nhất mà thôi, và đó là “âm mưu giết hại người Do Thái”, một sản phẩm của chứng bệnh tâm thần của ông ta.
Ông Pacepa đã không trưng ra được một động cơ xác đáng nào để Nga Sô muốn ám sát TT Kennedy cả. Hơn thế nữa, ông Vincent Bugliosi từng công bố trong cuộc điều tra của ông về những lời đồn đại cáo buộc rằng Nga Sô chủ mưu hoạch định và thi hành việc ám sát này rằng “Nga sô không được lợi lộc gì nhưng có nguy cơ bị mất rất nhiều trong việc giết hại Kennedy”. Và theo những chuyên viên phản gián cũng như viên chức thuộc bộ Ngoại Giao đã từng thẩm vấn Pacepa khi ông này đào tẩu xin tỵ nạn thì nhiều sự thay đổi trong câu chuyện xoay quanh lý do khiến ông đào tẩu đã khiến người ta nghi ngờ sự trung thực chính xác của ông.


Thêm vào đó, những giả thuyết của ông đều dựa vào bằng chứng ngoại vi và ông cho rằng Marina Oswald (vợ gốc Nga của Lee Harvey Oswald) là công cụ của KGB. Ông vẫn khẳng định rằng Krushchev cố thu hồi sứ mạng của Oswald nhưng không thành công vì sự tẩy não, gài ý tưởng vào đầu y quá thành công và y tự động tiến hành vụ ám sát. Sau đó thì Krushchev ra lệnh cho Ruby giết Oswald diệt bằng chứng. Giả thuyết này khiến người ta phải hỏi: vì sao Krushchev không ra lệnh tiêu diệt Oswald trước khi vụ ám sát xảy ra mà lại để đến sau khi xong xuôi mọi chuyện mới đưa ra sát lệnh"
Pacepa cũng phải đối phó với lời khai trái ngược của Yuri Nosenko, một kẻ đã đào tẩu tỵ nạn trước ông. Ông này khư khư cho rằng KGB gần như chả có tí ti hứng thú gì về Oswald cả và chắc chắn là KGB không có tuyển mộ y làm gián điệp hoặc làm sát thủ. Tuy vậy, ông Pacepa vẫn giữ vững quan điểm rằng mặc dầu Nosenko là một người tỵ nạn thực thụ, nhưng ông ta làm việc ở một bộ phận khác của cơ quan tình báo Nga Sô và hoàn toàn không biết gì vì những vụ việc liên quan đến Oswald cả. Ông cho biết Yuri Nosenko làm việc cho bộ phận đối nội là VGU và bộ phận đối ngoại là PGU tuyển mộ Oswald và không hề cho VGU biết rằng Oswald là người của họ và hơn thế nữa, PGU còn cố gắng che giấu vụ này nữa..
Không có một mảy may sự kiện nào trong lý lịch của Oswald để người ta có thể cho rằng y bị CIA thôi miên điều khiển mặc dù khá nhiều cây viết về vụ ám sát JFK đã liên tục đồn đại như thế. Thế nhưng, trong trường hợp ông Robert Kennedy thì có một số dữ kiện, tuy khá mong manh, nhưng cũng đủ giúp cho những kẻ khoái tin âm mưu đen tối có thể sử dụng để bênh vực cho giả thuyết là CIA có dự phần trong việc cấu tạo nên một kẻ thế thân vô tri (robotic patsy). Những dữ kiện này bao gồm: thái độ lạ lùng của Sirhan trước và ngay sau khi y bị bắt, sự hiện diện của một thiếu nữ bí mật mặc áo đốm cũng như sự hiện diện của một số nhân viên CIA tại khách sạn Ambassador trong đêm mà ông Robert Kennedy bị ám sát.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu tỉ mỉ vụ ám sát RFK thì giả thuyết thôi miên tẩy não trong cả hai vụ RFK và JFK đều được chứng minh là sai lầm cả.
Các cây viết về âm mưu đen tối trong vụ ám sát RFK được hai nhà chuyên gia về thôi miên là bác sĩ Milton Kline và bác sĩ Herbert Spiegal yểm trợ. Hai người này đồng ý là Sirhan bị người khác thôi miên. Ông Kline nói: “Việc tẩy não thôi miên để biến người ta thành sát thủ không thể thường xuyên thực hiện được. Nhưng nó có thể thực hiện được”. Ông Spiegal thì tin rằng: “Chuyện ấy chắc chắn không đơn giản, nhưng trong hoàn cành thuận tiện thì chắc chắn có thể làm được... Sirhan, vì là một người thật dễ bị thôi miên, có lẽ đã được cài đặt tư tưởng vào não bộ qua thôi miên để bắn TNS Kenedy và để sau đó thật sự quên mất về vụ bắn giết".
Một số những “bằng chứng” mà những cây viết thiên về âm mưu đen tối đã thu thập để chứng minh rằng Sirhan là một sát thủ bị thôi miên gồm có:
- Sirhan được xem là mất ký ức. Ký ức cuối cùng của y trước khi y bắt TNS Kennedy là việc y rời khỏi khách sạn Ambassador, bước ra xe của y, khám phá rằng y quá xỉn để có thể lái xe và vì thế quay trở về khách sạn để uống cà phê vào khoảng 11g00 tối.
- Không một ai hiện diện trong khách sạn ngày hôm đó cho rằng mình thấy Sirhan “xỉn” cả.
- Sirhan có một nụ cười “đần độn” hoặc “bệnh hoạn” trong lúc y nổ súng. Ông Vincent Di Pierro cho rằng chuyện mà ông ghi nhận rõ rệt nhất trong trí nhớ là “nụ cười thật đần độn, một nụ cười trông rất bệnh hoạn” của Sirhan.
- Mary Grohs, một đả tự viên nhớ rằng Sirhan đứng và nhìn trân trân vào máy đả tự torng phòng Colonial của khách sạn Ambassador trong những giờ trước khi xảy ra vụ ám sát. Cô nói: “Tôi sẽ không bao giờ quên được đôi mắt của hắn.. Hắn cứ nhìn trân trân vậy đó”.
- Sirhan cho thấy y có sức mạnh vô biên khi người ta cố đè y xuống sau khi y nổ nhiều phát đạn.
- Đôi mắt của Sirhan trông thật “an bình” và y cho thấy y hoàn toàn chăm chú vào việc y đang làm.
- Cảnh sát viên Arthur Placentia, bắt Sirhan và khám xét y rồi đi đến kết luận rằng nghi can “chắc chắn bị ảnh hưởng bởi một thứ gì”.
- Sirhan câm nín, không tiết lộ chân tướng khi bị cảnh sát tra vấn ngay sau khi bị bắt.
- Sirhan rất lạnh lùng, không biểu lộ tí cảm tính nào cả.
- Sirhan bị “lên cơn lạnh” sau khi bị bắt và cho thấy nhiều triệu chứng tương tự như những triệu chứng sau những lần bị bác sĩ Bernard Damond thôi miên. Ông Damond được yêu cầu khám xét Sirhan trước vụ xử.
- Theo gia đình và bạn bè của Sirhan thì tánh tình của y thay đổi sau vụ ngã ngựa ở trường đua nơi y làm việc. Một vài cây viết thích âm mưu đen tối đồn rằng một trong những bác sĩ chữa trị cho y có thể đã xác định y là một ứng viên cho vụ thôi miên với những kẻ chủ mưu.
- Quyển sổ tay của Sirhan có một số câu được chép tới chép lui nhiều lần. đây là một dấu hiệu của việc “tự động ghi chép”, một trong những chuyện xảy ra khi một người bị thôi miên. Sau khi bị bắt, Sirhan cho biết y không nhớ đã viết gì trong sổ tay.
Phần lớn những cây viết thích âm mưu đen tối cũng tin rằng một nhà thôi miên có nhiều tiếng xấu là bác sĩ William Joseph Bryan Jr đã thôi miên Sirhan khiến y thi hành vụ ám sát. Bác sĩ Bryan nổi tiếng vì đã thôi miên tên liên hoàn sát nhân Boston Strangler Albert DeSalvo và tuyên bố ông khám phá được động lực thúc đẩy DeSalvo phạm tội khi thôi miên y. Ông cũng tự xưng rằng ông từng làm việc cho CIA và đã khoe với hai cô gái làng chơi rằng chính ông đã thôi miên Sirhan để giết TNS Kennedy. Bác sĩ Bryan chết một cách bất ngờ và bí mật vào đầu năm 1977 trong một khách sạn ở Las Vegas. Tuy nhiên, bác sĩ giảo nghiệm tử thi (coroner) tuyên bố ông chết tự nhiên, không có dấu hiệu gì khả nghi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.