Hôm nay,  

Nghĩa Thiệt Không Đây

02/11/200800:00:00(Xem: 1694)

Nghĩa Thiệt Không Đây – Mõ Sàigòn<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Mặc Tử ở nước Lỗ, thấy nhân tâm thế đạo mỗi ngày một đi xuống, mà mình mỗi ngày tóc một bạc đi, bèn gọi vợ là Uyển thị đến mà nói rằng:

- Chung quanh ta. Quá nhiều người dùng nửa phần đầu cuộc đời để làm cho… nửa phần sau trở thành khốn khổ. Thử nghĩ có nên chăng"

Uyển thị nghe chồng hỏi, ngơ ngẩn nghĩ thầm: "Giúp đỡ những tên hung ác, thì có khác nào đẩy những người lương thiện vào chỗ tai ương. Mẹ nó! Bà đang xem phim tập, tới hồi đánh ghen rất là hấp dẫn, bỗng bị hỏi vu vơ, thì thiệt không biết chữ trăm năm có còn… dzin không nữa"". Nghĩ vậy, bèn bực bội đáp:

- Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Hà cớ chi phải ôm đồm ra như thế"

Mặc Tử đang cao hứng là vậy, đột nhiên bị vợ xì hơi, liền yếu ớt nói:

- Sống trên đời ai cũng khổ cả. Chỉ có điều khổ ít hay nhiều mà thôi. Tôi tính bàn bạc với bà, mà bà lại không ưng, nên mới hiểu… biển đông chẳng bao giờ thấy cạn…

Đoạn, với tay cầm bịch thuốc lào ra hòn non bộ ngồi hút, bất chợt gia nhân chạy vào. Lính quýnh thưa:

- Quan Hiếu Liêm họ Sử, gởi danh thiếp xin muốn gặp chủ nhân. Chơi liền hay không tiếp"

Mặc Tử đang bị nỗi buồn xâm chiếm, bỗng có bạn đến thăm, khiến nỗi buồn vơi đi một nửa, bèn mau mắn nói:

- Khô cá thiều, rượu bách nhật, đặt ở thư phòng, để với cố nhân hàn huyên cho sướng!

Rồi chén thù chén tạc, được đâu vài vòng, họ Sử chợt nghiêm mặt nói:

- Lóng rày ly dị tăng, trộm cắp nhiều, đạo lý lung lay như cây ngò trước gió, thì phải làm sao"

Mặc Tử lặng người đi một chút, rồi cẩn trọng đáp:

- Sở dĩ người ta làm không tốt, là vì không biết việc tốt để làm. Cũng vậy, sở dĩ người ta làm điều bất nghĩa, là bởi không biết việc nghĩa để làm. Thế cho nên muốn đạo lý vững như bàn như thạch, thì trước hết phải đề cao chữ Nghĩa. Tỉ như nghĩa vua tôi, nghĩa vợ chồng, nghĩa cha con, kể cả nghĩa giang hồ nữa…

Họ Sử đang dốc lòng lắng nghe, tới chữ nghĩa giang hồ, bèn thộn mặt ra. Sửng sốt nói:

- Giang hồ mà có Nghĩa, là nghĩa làm sao"

Mặc Tử chiêu liền hớp rượu, rồi khoan thai đáp:

- Dân giang hồ, sống đầu đường xó chợ, nhưng có thể chết vì nhau. Đôi khi vì một cử chỉ, một câu nói, mà mang nặng cả đời. Nếu ông muốn đề cao chữ Nghĩa, thì phải nhắm vào trăm họ mà chơi. Tuyệt không bỏ sót giới nào hết cả.

Họ Sử gật gật ra điều thông hiểu, rồi chắc nịch nói:

- Ta về tâu lên chúa thượng sách lược lấy nghiêm mà trị nước, cùng đề cao chữ Nghĩa ở chỗ nha môn, để duy trì đạo lý.

Qua ngày mai, Mặc Tử tìm đến những bằng hữu thân quen, để bàn bạc phương cách xiển dương điều tín nghĩa, bất chợt có kẻ đập tay lên vai của Mặc Tử mà nói rằng:

- Bây giờ thiên hạ lo chơi lo làm giàu. Lo sung sướng bản thân. Thử hỏi được mấy ai lo làm việc nghĩa" Nhân quần đã vậy, xã hội nào có khác chi" Thì sao không xuôi tay như lục bình trên sông nước. Chớ ông tự đày đọa tấm thân mong làm việc nghĩa, mà thiên hạ ơ thờ, thì cho dù có khổ cực gánh đeo, cũng chẳng khác chi  đem hột muối bỏ vào giữa biển. Trên thì chểnh mảng việc làm giàu, dưới ắt bụng không no, còn giữa thì mang sự đói khát cho hiền thê đang trên đà ủ rủ. Tôi hỏi ông: "Sao không giục chữ Nghĩa qua bên cho đời thêm tươi sáng"".

Mặc Tử bực bội đáp:

- Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình còn đứng vững được, thì sao lại buông tay dễ dàng ra như thế" Lại nữa, nếu ai cũng sợ thân mình bị mệt, rồi im mẹ nó đi, thì với kẻ u mê ai là người cảnh tỉnh" Cho nên người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, ví như cây tùng cây bách giữa mùa đông mà vẫn xanh, như con gà trống giữa mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu sức lực tâm trí ra để giữ lấy lề lối phong hóa. Lẽ ra phải cám ơn người ta mới phải. Đàng này lại trách chê. Thiệt hổng biết phải tính làm sao đây nữa"

Kẻ ấy liếc nhìn mắt Mặc Tử, thấy lộ vẻ bi thương, bèn bối rối tràn đầy trong dạ, liền ấp úng nói:

- Thôi thì cứ xem tôi vội vàng, chưa suy nghĩ thấu đáo mà nói lời không phải. Vậy, ông là người chuyên làm việc nghĩa. Có thể nào cho tôi một ví dụ về việc nghĩa để rõ đặng hay chăng"

Mặc Tử thấy người kia nhận ra sai sót của mình, lại còn biết dẹp tự ái qua một bên mà học hỏi, bèn cảm tình tản mác cả châu thân, thoải mái nghĩ rằng: "Trời không có mây đen thì không thể mưa, cũng như không có lầm lỗi thì làm sao tinh tấn" Con người này, dù ruột để ngoài da, nhưng lại biết nhận chân ra điều phải, thì so với các bậc tự cho mình là thức giả ngoài kia, thiệt đã hơn nhiều đó vậy. Lại nữa, thời bây giờ là thời của người nóng tính - trồng cây sáng ngày lại muốn chiều về có… bóng mà hong - thành thử những nghị luận sâu xa cũng giảm đi phần tác dụng. Còn kẻ này, dù trang phục đồ… siêu thị, nhưng biết gạn đục khơi trong, thì ta phải lấy thâm tình ra mà đối đãi.". Nghĩ vậy, bèn tha thiết nói:

- Bây giờ có người ở đây, có mười đứa con. Một đứa quần quật tối ngày trên nương rẫy. Chín đứa còn lại ở nhà xem phim tập - thì đứa làm - Chẳng phải là cần cố gằng chăm làm lên hơn ư" Tại sao thế" Tại vì đứa ăn không nhiều, đứa đi làm ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu đi làm việc nghĩa, thì ông phải khuyến khích tôi càng chăm làm lắm mới phải. Chớ có đâu lại làm tôi thối chí. Chẳng phải vậy sao"

Người ấy mặt bỗng xệ xuống, rồi ngập ngừng nói:

- Tôi xin ông một ví dụ về việc nghĩa, để am tường cho thấu. Ông lại lãng đi. Thế lỡ đụng việc nghĩa thì làm sao tôi tính"

Lúc ấy, Mặc Tử mới chậm rãi nói rằng:

- Ngày nọ. Có một văn nhân dạo mát ở bờ sông. Lúc đi ngang qua một doi đất, bất chợt thấy một thiếu nữ mặt mày đẫm lệ, bèn hốt hoảng chạy tới. Hơ hãi nói rằng: "Giòng nước vốn vô tình. Chảy mãi không thôi, nên tâm sự có trút ra cũng không thể nào vơi bớt được, mà một khi lòng không bớt được, thì sức nặng còn nguyên, rồi không khéo lại tùm lum ra thêm nữa, thì trước là không giải quyết được chuyện, sau hối hận tăng thêm, sau nữa muốn sửa lại cũng mất nhiều công sức. Chẳng phải vậy sao"". Người thiếu nữ kéo vạt áo lau đôi dòng lệ, nức nở đáp: "Thiếp yêu người ta. Chẳng những cho hết những gì thiếp có, còn ráng mượn thêm mà cho nữa, đến nỗi sa chân vào cái nợ. Người ấy, khi biết thiếp đã không còn khả năng cho nữa, bèn quảy gánh ra đi, để lại cho thiếp một nỗi cô đơn không sao bù đắp được. Sống thì không trả nỗi. Chết mới đặng yên thân, nhưng ngặt với mẹ cha thiếu đi lời giã biệt. Vậy nếu chàng thương cảm với nỗi đau này - thì xin giúp thiếp viết hộ một lá thư - thời ân đức đó nguyện mai này đáp vậy.". Đoạn, thò tay vào giỏ lôi ra giấy, viết, rồi đưa cho người mới gặp. Văn nhân bèn theo tình cảm xuống lên mà trải dài theo trang giấy, đặng hoàn thành tâm nguyện. Đó là việc nghĩa. Ông đã rõ chưa"

Người kia gật gật mấy cái, rồi khoan khoái nói:

- Hiểu chút chút rồi, mà ông có thể nào cho một ví dụ khác được không"

Mặc Tử nở một nụ cười mãn nguyên, rồi hớn hở nói:

- Có hai người bạn, rủ nhau vào sòng bài. Một người chơi còn người kia đứng ngó. Độ tàn một nén nhang, người chơi không còn một đồng xu dính túi, thất thểu toan về. Người kia mới kéo tay lại, nói: "Trăng có tròn có khuyết. Nước có thấp có cao. Khí vận của người thì có đen có đỏ. Nay vận đen qua rồi, vận đỏ tới ngay. Hà cớ chi lại về mau như thế"". Đoạn, thò tay vào túi lôi ra một xấp tiền, dúi vào tay bạn mà nói rằng: "Chưa thử sao biết xui" Đánh nhỏ làm sao trúng lớn" Ở đây hơn ba chục quan tiền. Huynh cứ việc tới luôn, rồi ít nữa tính chẵn chục phân đặng hoàn lui cho tớ!". Đó là việc nghĩa. Ông đã rõ chưa"

Người kia mặt mày sáng rỡ, rồi nhỏ giọng nói rằng:

- Quá tam ba bận. Chỉ xin một ví dụ nữa thôi, để mần theo cho đúng!

Mặc Tử. Từ ngày lấy vợ tới giờ, phải nói là chưa lần nào có cảm giác sung sướng bởi người ta thích nghe mình như thế, nên mát cả ruột gan. Sảng khoái nói:

- Có hai gia đình ở cạnh nhau. Gia đình bên trái vì làm ăn buôn bán, nên chồng thường vắng nhà, khiến mọi việc ở gia trang, đều do vợ sắp xếp mà lo toan hết cả. Ngày nọ, ông chồng bên cạnh mới chạy qua nói với vợ người hàng xóm rằng: "Anh đi vắng. Chị ở nhà. Lỡ cúp điện đêm hôm, thì cứ tự nhiên qua nhà tôi tá túc.". Người vợ sửng sốt nói: "Đã đành là bán bà con xa mua láng giềng gần, nhưng mua… cái kiểu này. Có đặng không đây"". Ông chồng bên cạnh vội vã đáp: "Chị muốn chu toàn bổn phận, lo được cho anh, thì trước hết phải làm sao… sống đã, mà một khi muốn sống thì lắm lúc phải… bừa lên dư luận mà đi. Không thể nào khác được.". Người vợ chớp chớp đôi mắt, e thẹn hỏi rằng: "Thiếp tâm lãnh ý đẹp của chàng, nhưng ý chị bên kia. Làm sao thiếp biết"". Ông chồng bên cạnh phớn phở đáp: "Vợ tôi mê trồng hành, gần gũi sớm hôm, nên hơi hành đã làm cho đôi mắt mờ câm không thấy.". Rồi nhỏ giọng nói rằng: "Đời thường ngắn ngủi, mà việc nghĩa lại không nhiều. Nếu… lỡ gặp thì bắt ngay. Kẻo sau này hối tiếc!".

Đoạn, Mặc Tử đứng dậy mà nói rằng:

- Việc nghĩa cũng như việc thiện. Tùy tâm ý của mình. Muốn cái gì… nó ra cái đó. Chỉ có vậy thôi.

Tối ấy Mặc Tử về nhà, thấy Uyển thị bên ánh đèn dầu đang thở dài ảo não, bèn thót cả ruột gan. Vội vã nói:

- Đã là vợ chồng thì vui cùng hưởng họa cùng chia. Sao lại có thể một mình… ôm than khóc"

Uyển thị thút thít đáp:

- Họ Trương ở sau lưng nhà mình, chạy qua nói với thiếp: "Tôi thấy người xây xẩm. E bị… gió đè. Nàng có thể qua nhà cạo chút gió được chăng"". Thiếp giật mình đáp: "Trai gái ở chung nhà không tiện, lại dễ cho thiên hạ đàm tiếu. Chẳng thể được đâu!". Thẳng chả đỏ mày đỏ mặt, quắc mắc nói: "Chồng thì kêu gọi thiên hạ làm việc nghĩa - trong khi vợï thấy chết làm ngơ - thì thiệt không biết phải hiểu làm sao cho đúng""

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.