Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

29/09/200800:00:00(Xem: 4292)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.
...Tôi còn đang liếc nhìn những ánh đèn pin le lói, loang loáng phía trong buồng thì một vật cưng cứng, đột nhiên chạm nhẹ phía sau lưng tôi, trong khi tên công an vũ trang đứng ngay trước mặt, chỉ cách tôi hơn một mét. Tên này cũng đang đưa mắt nhìn về phía một tên cán bộ ở chỗ toán 3 đương quát tháo:

- Tất cả các anh nghe đây! Anh nào ngồi chỗ nào, ngồi yên chỗ đó. Tuyệt đối không ai được di chuyển, đi lại lộn xộn. Anh nào đã được khám xong, ôm đồ đạc của mình vào trong hội trường gấp.

Mồm y nói, mắt y quắc sáng, tay chỉ vào trong hội trường, nơi đó cũng đã có một tên cán bộ đứng coi. Tôi lẹ đưa tay về phía sau, thì ra là một chiếc lược nhôm mới, rất bóng của Lê Sơn luồn cho tôi. Tôi chợt nhớ đến con dao nhỏ làm bằng lưỡi cưa con, dài hơn một ngón tay của tôi. Tôi vẫn dùng trong những công việc vặt, sinh hoạt của đời tù. Chỉ một thoáng suy nghĩ, tôi đã tìm ra một phương thế hữu hiệu. Ngay trên chiếu con đang để chăn màn quần áo của tôi, tôi lựa, lách lưỡi dao vào kẽ những sợi cói. Dùng sức, tôi giúi ngập con dao xuống nền đất của sân. Thế là ổn! Quý cụt và Lê Sơn ngồi ngay bên cạnh tôi cũng không hề hay biết.

Bây giờ những tên cán bộ chịu trách nhiệm từng toán bắt đầu lần lượt khám, lục xét, vuốt nắn từng người và tư trang của họ. Lắm anh có lẽ vì không cất giấu kịp nên bị tịch thu cũng nhiều. Nhìn chiếc sọt đựng đồ thu của mỗi toán, tôi thấy nào ống bơ, lược, dao, nõ điếu nhôm, giấy má thư từ, hộp gỗ con.v.v... vất lưng một sọt.

Lê Sơn bị tịch thu hai chiếc lược nhôm kiểu con rồng, mới bóng và hai gói trà. Sau đó tôi mới được biết, sáng đó Lê Sơn có gần một chục chiếc lược và một tá gói trà, nhưng anh đã khôn ngoan tẩu tán, gửi gắm, giấu diếm gần hết.

Đến lượt tôi, tên công an vuốt nách, vuốt tay chân, lục túi rồi giũ từng cái chăn, cái quần, cái áo. Chả có cái cóc khô gì cả. Chỉ có một cái lược sừng và một cái lược nhôm của Lê Sơn vừa đưa. Theo nội quy, mỗi người chỉ được dùng một cái lược, ngoài ra bị tịch thu hết. Tên công an cầm hai cái lược hỏi tôi:

- Cho anh tuỳ ý giữ lại một cái.

Lòng tôi đang có sự giằng co lựa chọn. Tuy cái lược nhôm thật đẹp, giá trị gấp mấy lần cái lược sừng nhỏ của tôi, nhưng cái lược sừng này là vật duy nhất của tôi, mang từ ở trong Nam. Nó đã đi theo tôi suốt những năm tháng tái tê trong xà lim, hỏa lò. Dù cái lược nhôm hay bất cứ cái lược gì khác có quý đến nhiều lần hơn thế thì tôi vẫn chọn chiếc lược sừng nhỏ, tuy xấu, cũ, đã gẫy một răng, nhưng nó lại là người bạn thân thiết của tôi. Ngày trước, khi tôi tự tử ở buồng số 6, xà lim I, của hơn 4 năm trước, tôi cũng đã rũ rượi xin chào từ giã nó. Nhưng cái lược nhôm lại là của Lê Sơn vừa gửi.

Anh đã đối xử với tôi đầy ân tình. Tôi nhớ đến một hành động cao đẹp của anh, chiếc đĩa nhôm mà tôi đang dùng và những suất sắn anh đã giúp tôi một cách hào hiệp, lúc khó khăn buổi ban đầu mới lên trại của tôi. Hơn nữa, Lê Sơn là người có lý tưởng chống cộng sản sâu sắc, kiên định. Tôi làm sao có thể để một người như thế mất hay giảm lòng tin ở tôi. Tôi lúng túng đến nỗi mặt tôi nóng lên rần rần. Hết liếc nhìn Lê Sơn, rồi lại nhìn Quý cụt ngay trước mặt tên cán bộ. Cuối cùng, đành vậy, tôi giơ tay ngập ngừng, rụt rè cầm chiếc lược nhôm, để chốc nữa trả lại cho Lê Sơn. Tôi đành để mất chiếc lược sừng kỷ niệm, thân thương của tôi. Trong suốt bao nhiêu năm trời sau này, trong lòng tôi vẫn không khỏi xót sa luyến tiếc chiếc lược sừng.

Mãi gần trưa mới khám xong toàn trại và các toán được lệnh mang chăn chiếu vào buồng. Lòng buồn rười rượi, tôi nhìn Phan Thanh Vân đang gấp lại quần áo bên cạnh. Mặt Vân cũng đang đỏ gay. Tôi khẽ hỏi:

- Có mất gì không"

Vân trả lời trong hưu hắt:

- Vài thứ lặt vặt không đáng kể. Nhưng có mấy tấm hình của bà chị ở Pháp gửi cho đã lâu, họ cũng không cho giữ.

Ngừng một lúc rồi Vân lại nói lầu bầu:

- Tôi sẽ làm đơn ra ông Toán, vì chính ông đã mang thư và ảnh đó từ trại chính vào cho tôi.

Tôi chưa biết nói sao, nên chỉ biết khích lệ và an ủi Vân:

- Đúng đấy. Anh phải làm đơn ngay đi. Ảnh gia đình thân nhân của người ta mà cũng tịch thu thì lạ thiệt.

Ngay sau khi xếp chăn màn, quần áo của tôi tạm ổn, tôi trèo lên sàn trên chỗ Lê Sơn, rút chiếc lược nhôm ở túi ra, tôi gửi lại anh. Lê Sơn nhìn tôi đăm đăm rồi cười, anh đẩy tay tôi lại:

- Tôi tặng anh để làm kỷ niệm đấy.

Biết rằng không thể nói cho anh hiểu được, tôi còn quý cái lược của tôi hơn nhiều lần cái lược nhôm này. Vì anh và tất cả người khác không thể tin được tôi quý chiếc lược sừng của tôi thế nào. Cũng chính vì điểm này tôi càng không thể nhận chiếc lược nhôm của anh tặng. Vì vậy, tôi nói với anh bằng thái độ dứt khoát:

- Không được. Tôi cảm ơn nhã ý của anh, nhưng tôi nhất quyết không lấy chiếc lược này đâu. Để mai kia ra lán, anh cho tôi ít nhôm rồi anh chỉ tôi cách nấu và pha chế. Tôi muốn chính tay tôi sẽ làm lấy một cái lược để tôi dùng.

Nói rồi tôi đặt cái lược lên đùi anh và trèo xuống, về chỗ nằm.

Buổi trưa, tôi đang nằm liu riu, một mắt ngủ, một mắt thức thì thấy xôn xao, ồn ào ngoài sân. Trong buồng cũng có một số người ngồi dậy đi ra. Tôi cũng tung chăn bò dậy. Ra tới cửa buồng, gặp cậu Hoàng Mạnh Hùng, tôi hất hàm ra phía sân hỏi khẽ:

- Cái gì thế em"

Hùng ghé vào tai tôi thì thào:

- Họ thả những anh em bị kỷ luật, cho ra ngoài ăn tết.

Gợi trí tò mò, tôi nhẹ đập vào tay Hùng tỏ ý cùng ra đó xem sao. Ngay trên đầu nhà số III, đã có gần chục các anh và các bác đang đứng túm tụm trên đầu hè, nhìn về phía nhà kỷ luật. Tên Cẩn, cán bộ trực trại cũng đứng gần chỗ khóm nứa trước nhà kỷ luật, tay cầm chùm chìa khóa cứ rung, lắc reng rẻng. Sát phiá đầu hồi nhà kỷ luật, tên trật tự Tân đang kéo tay một anh nằm dài dưới đất, miệng y léo nhéo:

- Cố đứng dậy mà đi! Ban giám thị khoan hồng cho chúng ta ra ăn Tết, anh lại không mừng sao"

Phía trong, chỗ hiên sau nhà kỷ luật, lố nhố có gần chục người. Người thì đang vịn vách lò dò bước ra, người thì bò lết dưới nền đất. Nhìn cảnh đó mà lòng tôi đờ dại ra. Một nỗi xót xa của những kiếp con người bị đầy đọa trong lao tù cộng sản, dâng ngập lòng tôi. Người già, người trẻ, mắt ai cũng trắng dã, tay chân khẳng khiu, gầy guộc như những cái càng của con cua rốc. Hai thái dương và hai má đều lõm vào, thành ra nhìn ai cũng thấy mặt gồ ghề toàn xương.

Một mùi khăn khẳn, ngai ngái, tanh tanh từ đám người kỷ luật phả ra chung quanh. Thỉnh thoảng, tên Cẩn lại quay mặt ra phía đầu gió, gần hàng rào trại, xì khô mũi của y mấy cái. Cái mùi làm cho tôi nhớ lại những con chuột chù, ngày còn bé tôi thường bắt chơi ngửi thấy.

Thoáng thấy bóng anh Khải, tôi đến ngỡ ngàng nên cứ nhìn anh mãi. Mới có hơn một tuần lễ, mà tôi đã không nhận được ra anh nữa. Ông Nguyễn Tứ Hải, cha anh, một tay ôm chiếc chăn, một tay đỡ nách anh Khải. Hai cha con chậm chạp, bước từng bước run rẩy về phía buồng số II. Mỗi người đều có những bạn bè dìu, nâng, đang lê từng bước về buồng. Riêng có một anh chừng 35 tuổi, dáng đã nhỏ con, lại chỉ có xương với da là bò lê trên mặt đất. Nếu không nhìn thấy mấy sợi tóc bạc và những nếp nhăn nheo trên trán anh, thì tôi lại tưởng là một đứa bé trẻ con. Anh mệt nhọc ôm chiếc chăn tã, nhiều chỗ toàn bụi đất. Anh cứ lê, bò đi vài thước, lại đặt cái chăn xuống nền sân đất, rồi gục đầu lên đó nằm yên một lúc, sau đó lại ngẩng đầu dậy bò tiếp. Nhìn anh, tôi liên tưởng đến cái ngày khốn khổ, tôi ở cachot, Hỏa Lò bò ra năm xưa. Ruột tôi cồn cào, nôn nao không yên được. Khẽ động tay vào Hùng, tôi nói như thúc hối:

- Em hãy ra giúp anh ta về buồng, dù có bị liên quan, em cũng cứ làm đi.

Chắc Hùng cũng đang xúc động, thấy mắt cậu đỏ lên. Hùng khẽ nói:

- Anh Hải Sơn toán 2 đấy!

Nói rồi, Hùng tiến ra đỡ anh Hải Sơn đứng dậy trước con mắt gườm gườm, lạnh lùng của tên Cẩn và những con mắt mở to của mọi người. Mấy hôm sau ngày Tết, tôi được anh Đồng cho biết, anh Hải Sơn là người của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Anh đã bị bắt tù 11 năm rồi.

Khi về buồng, nghe mấy anh xì xèo bàn tán với Nguyễn Huy Lân buồng trưởng, tôi mới hiểu, trong nhà kỷ luật lúc ấy có tất cả 9 người, 8 người được thả ra cho ăn Tết. Riêng có bác Lê Tài Chương thì không được ra, chẳng một ai hiểu vì sao.

Những người đi kỷ luật về, đều được về toán của mình nằm cho lại sức. Chưa ai rửa ráy tắm giặt gì được. Chiều hôm ấy cũng chưa ai được ăn cơm, tất cả đều phải ăn cháo, vì sợ thủng dạ dầy. Ba người của toán 2 là Nguyễn Khải, Hải Sơn và một anh nữa là Trần Hiển. Khi ra lán thủ công lao động buổi chiều, Quý cụt đã cho tôi biết, Trần Hiển là một tu sĩ Công giáo. Án tập trung cải tạo 3 năm, nhưng đã ở tù tới 9 năm rồi.

Hôm nay là ngày giáp Tết. Buổi sáng nay là buổi lao động cuối cùng của một năm. Theo như chương trình nghỉ Tết và gọi là "vui xuân" của trại sẽ diễn ra như sau.

Hai giờ chiều, toàn trại tập họp ra hội trường để nghe ban giám thị trại nói chuyện và tổng kết những "thành tích" lao động sản xuất một năm của trại. Tuyên bố kết quả những toán và những cá nhân xuất sắc sau khi BGT đã duyệt xét. Cuối cùng, sẽ tuyên bố chương trình vui xuân gồm có thi đấu bóng bàn và cờ tướng. Về bóng bàn, giải nhất là 1 bánh chưng, 1 gói trà và 1 bao thuốc lá. Giải nhì, 1 bánh chưng và nửa bao thuốc lá. Còn cờ tướng, giải nhất 2 bánh chưng, 1 gói trà và 1 bao thuốc lá. Giải nhì, 1 bánh chưng, 1 gói trà và nửa bao thuốc lá.

Phần vì tôi cũng biết chơi ít nhiều cờ tướng ngay từ khi còn nhỏ. Sau này vào Nam ở trại học sinh di cư Phú Thọ, tôi lại tiếp tục chơi những khi có điều kiện. Phần khác, sau nhiều năm ngồi tù đơn độc trong xà lim ở Hoả Lò, tình cảm tâm tư bị nén buộc, tôi muốn nhân dịp này gặp gỡ được nhiều người ở những toán khác. Bởi vậy, tôi cũng ghi tên tranh giải cờ tướng của trại. Phan Thanh Vân dù chỉ nhìn bằng một con mắt, anh cũng ghi tên tranh giải bóng bàn.

Vì thời gian chỉ có hạn trong vòng có hai ngày rưỡi nên ban tổ chức vui Xuân quyết định, sẽ đấu vòng loại ngay sau khi BGT nói chuyện tổng kết ở hội trường. Riêng về cờ tướng, ngay khi hết hạn ghi danh lúc 5 giờ chiều hôm qua, 29 Tết, tôi đã biết có 52 người ghi tên thi đấu của toàn phân trại.

Phải nói sáng hôm nay không khí của trại cũng khác thường. Mặt anh nào cũng rạng rỡ hẳn ra, như mỗi người đêm qua được uống một ly đường Cuba pha đậm vậy. Thực tế, rõ ràng mắt mọi người như mới được quét thêm cái màu tình nghĩa và nụ cười đã trở lại trên môi nhiều người.

Khi các toán xuất trại đi lao động, do sự chỉ định của cán bộ giáo dục, toán 2 phải để lại 4 người vẽ và làm lỗ cho bàn cờ tướng ở sân trại.

Bàn gỗ bóng bàn, do nhóm kỹ thuật của Đinh Sơn đã làm xong từ gần một tuần trước, hôm nay cũng được khênh về, lắp ráp ở trong cổng trại, chỗ gần bụi nứa cuối hội trường. Về cờ tướng, để thêm phần hào hứng cho mọi người tù, ban giáo dục cho vẽ bàn cờ lớn ngay ở sân chính của trại, trước nhà số I. Bàn cờ chiếm gần nửa cái sân. Quân cờ bằng những miếng gỗ hình chữ nhật, một bề 15 phân và một bề 20 phân, được sơn xanh và đỏ. Trên quân cờ viết chữ bằng sơn trắng để phân biệt quân của hai bên. Mỗi quân cờ được đóng vào một thanh gỗ, vuông 3 phân, dài chừng 70 phân để làm chân, vì thế, bàn cờ phải có lỗ để cắm quân. Những lỗ này chỉ cần cưa một đoạn đầu mặt của một ống nứa nhỏ, dài chừng 10 phân, rồi cứ việc đóng cho bằng xuống nền đất là thành một cái lỗ để cắm quân cờ.

Khoảng 10 giờ sáng, ngay khi toán còn ở ngoài lán thủ công lao động đã nghe thấy tiếng lợn kêu eng éc, từ nhà bếp cơ quan và khu nhà bếp của trại văng vẳng vọng ra. Tiếng lợn kêu làm cho mắt ai cũng sáng lên long lanh. Anh nọ nhìn anh kia như có ý nói: Đấy, nghe thấy không bạn ơi! Lòng mỗi người như được hâm nóng lên. Một nguồn vui không rõ nét, ở đâu cứ luồn lách vào tâm hồn mọi người. Cho đến trưa, khi toán về đến trại thì nỗi vui mừng, niềm hân hoan trên mặt mọi người đều bị phì ra tứ tung. Từ lời chào hỏi, xen lẫn ánh mắt dịu dàng nhìn nhau, cho đến dáng đi, nước bước đều như được chứa chất nỗi hưng phấn, đong đưa của một kiếp người.

Một mùi ngòn ngọt, ngây ngất thơm tho từ trong nhà bếp xông bừa ra phủ kín cả trại E, để dù cho xuống giếng rửa chân tay, tắm giặt hay vào buồng nằm nghỉ, đâu đâu cũng ngửi cũng hít thấy cái mùi mê ly, say đắm đến ngây cả hồn ra ấy. Tác dụng của nó đã làm cho mọi người hôm nay đối xử với nhau đậm đà, cởi mở hơn, nhã nhặn dễ dãi hơn.

Tuy chẳng nói ra, nhưng ai cũng tự hiểu, bữa cơm trưa hôm nay thì vẫn cơm ngô say, muối rang như mọi ngày. Nhưng bữa chiều nay thì phải biết. Phải biết như thế nào thì tự mỗi người hãy suy nghĩ lấy... Có trời mà đoán được nó hạnh phúc như thế nào. Chính vì vậy mà ai cũng nôn nóng chờ đợi trong cái hạnh phúc ngất ngây, vì cái hạnh phúc đang đến bao giờ cũng ngọt ngào, tuyệt vời hơn cái hạnh phúc đã đến rồi.

Một điều nữa, chẳng ai nói ra nhưng ai cũng hiểu như nhau: Bắt đầu từ lúc này, không phải gò lưng kéo xẻ, không phải è cổ gánh phân, vác gỗ, không phải vẹo người quai búa tạ... Được xả hơi thong dong, nhàn du, dài những 2 ngày rưỡi cơ mà. Cho nên niềm vui, nguồn thanh thản, thênh thang càng được nâng cao rõ rệt...

Hai mươi lăm: Tổng kết một năm tu

Trưa nay tôi nằm mãi không ngủ được. Bên cạnh Vân cũng trở mình hoài. Tôi hiểu cũng ít ai ngủ được buổi trưa nay. Ngày Tết đã đến nơi rồi, mà tấm thân vẫn nằm trong tù mịt mù. Mỗi người là một thế giới riêng biệt ngược xuôi, ngang dọc nỗi niềm thì làm sao mà ngủ được. Tôi cứ nằm chập chờ trong cái bồng bềnh của tâm tư. Hình ảnh của bố mẹ, các em thơ dại, hình ảnh những phố phường, bè bạn thân thuộc của Miền Nam nồng đượm hương sắc, hình ảnh chiếc lưng ong mỹ miều của người Hưng Yên ngày ấy... Tất cả có lúc lướt nhanh vùn vụt rồi cũng biến nhanh đi vào cõi mông lung, mịt mù, nhưng có lúc nó dềnh dàng, chậm chạp lắc lư như dừng lại, trong nỗi khắc khoải mênh mông.

Một giờ 30, tiếng kẻng lại rổn rảng vang lên trong cái tịch mịch hoang vắng của núi rừng giữa một buổi chiều cuối năm. Kẻng tập họp. Tất cả mọi người đều phải ra hội trường để dự lễ tổng kết cuối năm.

Hội trường hôm nay đã được dọn dẹp, trang hoàng sạch sẽ. Bàn đã được khênh hết ra ngoài, chỉ còn những hàng ghế dài. Mười phút sau, hội trường đã chật ních đầy người. Phía khán đài, chính giữa treo tấm hình Hồ Chí Minh to tướng. Chung quanh là các khẩu hiệu chữ vàng, đỏ treo la liệt. Tên Cẩn trực trại và mấy tên cán bộ lạ, đi lại lăng xăng. Đúng 2 giờ, một đoàn cán bộ, quần áo đại lễ, lúc nhúc từ phía cổng trại, trịnh trọng đi vào. Đi đầu là một tên đã đứng tuổi, đeo lon trung uý. Khi những tên này vào đến khán đài, một tên cán bộ đã đứng chờ sẵn, hô to: "Đứng dậy!" Cả hội trường mọi người phải đứng dậy chào.

Sau khi tù đã được lệnh ngồi xuống, tên đeo lon trung uý tiến ra bục nói chuyện. Y thao thao bất tuyệt nói hết chuyện trên trời dưới đất. Nào là quân dân miền Nam đang chiến thắng ở khắp mọi chiến trường. Quân dân miền Bắc sản xuất vượt mức trong mọi ngành, mọi nghề và hạ được nhiều máy bay Mỹ... Rồi về phần trại, y cũng nói rất nhiều. Cuối cùng y vẫn có những câu bài vở: Hầu hết trại viên đã nỗ lực, phấn đấu thi đua lao động cải tạo, nhưng vẫn có một số phần tử ngoan cố không chịu cải tạo, từ chối sự giáo dục của đảng, vẫn ngày đêm ôm ấp, bao che những tư tưởng chống đối, chây lười lao động, ù lì trong học tập. Những phần tử này phải mau mau chuyển biến, hối cải. Bằng không đảng và nhà nước sẽ nghiêm khắc trừng trị đích đáng....

Tôi thấy y nói cũng chẳng có gì mới lạ. Tôi vẫn đinh ninh lão là Hoàng Thanh, mà ít ngày trước đã có nhiều anh em nói tới. Nhìn và nghe y nói, lòng tôi đã giảm hẳn những lo lắng, băn khoăn của tôi về y. Nghĩa là, y cũng bình thường và chung chung mà thôi, không như tôi tưởng. Quay sang Vân ngồi bên cạnh, tôi nói như chia sẻ:

- Tôi cứ tưởng Hoàng Thanh ghê gớm, nham hiểm, sâu sắc lắm!

Một mắt của Vân mở to nhìn tôi, rồi hơi nhếch môi, anh nói nửa như cười:

- Không phải đâu! Đây là ông Mạch, trưởng ban tuyên huấn của toàn trại trung ương số một này đấy.

Tôi hơi ngỡ ngàng, hỏi tiếp thì được biết, Hoàng Thanh đã đi đâu gần một tháng nay chưa về. Có thể ông ta có công tác về bộ.

Phần tuyên bố kết quả những toán và cá nhân xuất sắc do một tên cán bộ giáo dục đọc. Tên này, tôi vẫn thỉnh thoảng thấy y ra vào trại. Tuy y chỉ có cái lon trung sĩ, nhưng qua phong dáng và cách ăn nói, tỏ ra y là một người trầm tĩnh có năng lực điều hành, tổ chức. Chỉ nghe một buổi y nói chuyện, tôi có cảm nghĩ, rồi đây y sẽ tiến lên cao nữa trên bước đường công tác của y sau này. Sau đó, tôi được biết, tên y là Bùi Huy Tập.

Hai toán được xét duyệt thi đua xuất sắc là toán 4 nông nghiệp và toán lâm sản. Về cá nhân xuất sắc, cả trại có 15, 16 người. Riêng toán 2 có 4 người là Lê Khắc Dũng, Phan T. Vân, Lù Chằn Páng và Lý A Chén (toán tù tự giác). Khi bình bầu ở dưới toán thì có 7 người, trong số này không có Lê Khắc Dũng. Ngược lại thì Nguyễn Huy Lân (toán trưởng, buồng trưởng), Lê Văn Kinh (người nhái), Đặng Minh Chánh, được bình bầu thì lên trên duyệt lại bị xoá tên.

Mỗi khi tên Tập đọc đến tên toán hay cá nhân xuất sắc thì người đó phải đi lên khán đài đứng quay mặt về phía trại viên. Toán thì do toán trưởng đại diện. Mỗi một người bước lên khán đài lại được một tràng vỗ tay của mọi người. Đến lượt Phan T. Vân ngồi cạnh tôi đứng dậy tiến lên khán đài, mặt anh đỏ nhừ, chả hiểu vì ngượng hay vì vui mừng"

Vì được chỉ định là đại diện các cá nhân xuất sắc nên Vân phải đọc một bài viết sẵn, trong đó có những lời đại khái như cảm tạ đảng và ban giám thị, hứa hẹn sẽ duy trì và phát huy sự cải tạo tiến bộ của mình. Đại diện hai toán xuất sắc do anh Hà, toán trưởng toán 4, cũng đọc một bài viết sẵn. Nội dung cũng tựa như bài của anh Vân. (Còn tiếp...)

Đặng Chí Bình

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.