Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Luật Lệ Phản Dân Chủ Trong Mùa WYD 2008

14/07/200800:00:00(Xem: 1771)
Suốt tuần qua, đề tài khiến cho các đài truyền thanh trực thoại vô cùng bận rộn, đồng thời chiếm nhiều giấy mực nhất trên các trang báo là việc chính phủ Iemma ở NSW đã dùng quyền hành pháp của mình để tự động qui định luật lệ mới nhằm trao cho cảnh sát và một số cơ quan khác như Dịch Vụ Cứu Hỏa Rural Fire Service cùng Dịch Vụ Cấp Cứu State Emergency Service quyền cầm giữ, khám xét và phạt vạ bất kỳ một ai tạo phiền nhiễu hoặc làm bực mình những người tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của giáo hội Công Giáo.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào thứ Sáu 27/6/08, ngay trong ngày làm việc cuối cùng của Nghị Viện NSW trước khi nghỉ mùa Đông cho đến 26/9, thì trong một phần rất khó thấy của bản Công Báo Nghị Viện NSW (NSW Parlia- mentary Gazette) là thông cáo của phó thủ hiến kiêm bộ trưởng cảnh sát John Watkins về việc gia tăng quyền hạn đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp (emergency powers) cho cảnh sát.

Chiếu theo luật lệ này thì trong suốt tháng 7/2008, cảnh sát cùng những nhân viên thiện nguyện của hai cơ quan nói trên có quyền tịch thu biểu ngữ hoặc quần áo có những hình ảnh hoặc ngôn từ mà cảnh sát cho là sẽ làm bực mình hoặc tạo phiền nhiễu cho những người tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Ngay cả việc phân phối bao cao su an toàn trong lúc ân ái (condom) cũng có thể bị xem là phạm pháp. Những người vi phạm có nguy cơ lãnh phạt vạ đến $5,500 cho từng tội danh.

Việc này đã tạo một luồng sóng phẫn nộ trong quần chúng NSW, cũng như trong giới bảo vệ dân quyền, giới luật gia và giới ký giả, bình luận gia. Hơn 90% trong số 10,000 người trả lời cuộc thăm dò dân ý trên trang web của nhật báo Sydney Morning Herald bày tỏ sự chống đối đạo luật này. Nhật báo này cũng cho chạy một bài xã luận mạnh mẽ chỉ trích chính phủ Iemma về việc đưa ra một đạo luật như thế. Bài xã luận còn nhấn mạnh rằng: “Sự phỏng đoán rằng những người tham dự một chương trình như thế lại cần được bảo vệ để khỏi bị làm bối rối, lúng túng quả thật là một sự sai lầm đáng kinh tởm và nguy hiểm (repugnant and dangerous). Đây không phải là một sự hội họp của các nhà lãnh đạo hàng đầu của thế giới như cuộc họp thượng đỉnh APEC năm ngoái vốn có thể thu hút sự chú ý của bọn khủng bố hoặc ám sát đến tất cả những người ấy”.

Đáng chê trách hơn nữa là phương cách mà chính phủ Iemma đã âm thầm mánh khóe để không bị nghị viện tiểu bang truy cứu tra khảo đạo luật ấy: họ đã ban hành quy luật (regulation) bằng quyền hành pháp thay vì đưa ra một đạo luật (an Act) với quyền lập pháp để nghị viện thảo luận tranh cãi. Hơn thế nữa, quy luật được thông báo ngay vào thời điểm mà nghị viện tạm nghỉ, để khi nghị viện tái nhóm vào tháng 9/08 thì không còn gì để ngăn chận nữa vì lúc đó, WYD cũng đã kết thúc từ lâu.

Điều kinh hoàng nhất ở đây là qua hành động này, chính phủ Iemma đã ngang nhiên tước bỏ những quyền dân chủ tự do căn bản nhất của người dân là quyền tự do đi lại, tự do hội họp, tự do ngôn luận, tự do tư tưởng. Chính phủ cũng ngang ngược tước bỏ quyền phản đối biểu tình ôn hòa bất bạo động của người dân.

Vì thế, ngay khi tin này được tiết lộ những người như bà Anna Katzmann, chủ tịch Hiệp Hội Trạng Sư NSW (The New South Wales Bar Association) và ông  Cameron Murphy chủ tịch Hội Đồng Dân Quyền NSW (NSW Council of Civil Liberties) đồng thanh lên án chính phủ Iemma và đạo luật này.

Hơn thế nữa, ngay cả nhiều nhân vật Công Giáo nổi tiếng cũng thẳng thắn lên án sự khắt khe quá đáng của đạo luật này. Linh mục Frank Brennan, một luật gia lừng lẫy, đã lên án nó như “một sự can thiệp kinh khủng” (dreadful interference) vào dân quyền và hoàn toàn đi ngược lại những lời giảng dạy của Công Giáo về nhân quyền.

Linh mục Brennan còn nói thêm rằng văn kiện về nhân quyền của giáo hội Công Giáo tựa đề Pacem In Terris, sắc lệnh của Đức Giáo Hoang John được ban hành năm 1963, có nêu rõ rằng bổn phận của tất cả mọi nhà cầm quyền là “bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm của con người”. LM brennan nói: “Là một luật sư Công giáo người Úc, tôi cảm thấy thật đau buồn khi nhà cầm quyền đã giới hạn dân quyền hơn nữa trong trường hợp này, nhiều hơn  họ từng làm cho bất kỳ một lễ hội tầm vóc quốc tế nào khác được tổ chức ở Sydney. Quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp không nên bị giới hạn, ngăn cấm chỉ vì những người hành hương có thể bị bực mình hoặc phiền toái ở những nơi công cộng”.

Tiến sĩ John Sweeney, điều hợp viên nghiên cứu tại Edmund Rice Centre - một trung tâm nghiên cứu, giáo dục cộng đồng và tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội được thành lập từ một giòng sư huynh Thiên Chúa Giáo - cho biết Đức Chúa Giê Su đã bị ngược đãi, hành hạ và hạ sát chỉ vì Ngài dám nói lên những điều mà Ngài suy nghĩ, và vì thế, quyền tự do ngôn luận cần phải được bảo vệ.

Không ít người dân  Úc, đặc biệt là ở Sydney, đã đồng lòng lên tiếng phản đối và hoạch định nhiều hành động để bảo vệ những quyền tự do dân chủ ấy. Rất nhiều nhóm, tổ chức, hội đoàn vốn không hề có dự tính tổ chức biểu tình, phản đối trong kỳ WYD này, thế nhưng sau khi đạo luật này được ban hành đã khẳng định họ sẽ tổ chức biểu tình, phản đối để bày tỏ thái độ về việc chính phủ giới hạn dân quyền vô lý. Giám đốc của tổ chức GetUp.org.au, ông Brett Solomon, nói: “Chúng tôi có thể tổ chức cho 1,000 người mặc áo thun khả dĩ gây phiền toái hoặc bực mình, đứng dọc đường hành hương”.

Giới ký giả, bình luận gia cũng đua nhau viết báo để tấn công đạo luật vô lý này của chính phủ, với đủ giọng điệu khác nhau kể cả mỉa mai châm biếm.

Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bài phiếm luận của luật sư Julian Morrow, một trong hai chàng diễn viên trong nhóm The Chaser đã từng gây tiếng vang khắp thế giới khi dễ dàng chọc thủng vòng đai bảo vệ an ninh của APEC tại Sydney hồi năm ngoái và biến cả hệ thống an ninh này thành một trò hề lố bịch. Bài phiếm luận tựa đề “Crack Annoyance Squad Wanted” được đăng trên nhật báo The Sydney Morning Herald ngày 3/7/08 vừa qua.

*

Morris Iemma lãnh đạo một chánh phủ mà thành viên đã biểu lộ cho thấy một loạt những sự thất bại thật đáng nể. Nếu chúng ta chỉ giới hạn danh sách này trong vòng những tên tội phạm đã bị kết tội (convicted crimnals) thì chính phủ này đã chứa chấp một gã lái xe trong lúc có nồng độ rượu cao và một tên ấu dâm, chưa kể đến một số không ít những kẻ liên tục chạy xe quá tốc độ. Và vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ tiểu bang thấy quá thích thú khi một người có quyền tha thứ mọi tội lỗi lại chính thức viếng thăm nơi này. Và có lẽ cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ tiểu bang lại một lần nữa chứng minh sự suy xét sai lầm của họ và đưa ra một đạo luật vô cùng tồi tệ.

Nhờ vào qui luật World Youth Day Amendment Regulation do phó thủ hiến John Watkins ký kêt hôm 25/6 mà bây giờ, khi người ta làm một việc gì đó “tạo sự bực mình hay phiền toái cho những người tham dự World Youth Day” thì người ta có nguy cơ bị kết tội, lãnh án (criminal conviction).

Quả thật là một sự bất ngờ to lớn khi chính đạo luật được chính ông Watkins phê chuẩn trong khi ông cũng là bộ trưởng giao thông. Một trong những lý do chính yếu tạo sự bực mình và phiền toái ở tiểu bang này, và dễ dàng ảnh hưởng đến những người tham gia Đại Hội Giới Trẻ (World Youth Day - WYD), là hệ thóng chuyên chở công cộng. Cho dù là kẻ vô thần đi nữa tôi vẫn cầu nguyện Thượng Đế rằng chính ông Watkins sẽ bị phạt vạ vì cái đạo luật kỳ quặc này của ông.

Một cách dễ dàng, và vô cùng lý thú, để xác định được một đạo luật tệ hại là cứ nghĩ thử xem những hành động nào sẽ khiến người ta vi phạm đạo luật ấy.

Trước hết là “tạo phiền toái”. Danh sách sơ khởi của tôi về những sự việc có thể tạo sự phiền toái cho những người tham dự WYD bao gồm đứng trước mặt họ trong cái hàng dài chờ sử dụng cầu tiêu, che khuất tầm nhìn Đức Giáo Hoàng của họ hoặc chỉ vì cửa tiệm chạp phô (convenience store) lại ở một chỗ quá xa, bất tiện. Mỉa mai thay, ngay cả việc khám xét một cách quá kỹ càng để bảo toàn an ninh cũng có thể là nguồn gốc lớn của sự phiền toái, như công dân của Sydney còn nhớ trong kỳ hội nghị thượng đỉnh APEC năm ngoái.

Kế đến là “sự bực mình”. Tất cả các máy điện thoại lưu động cần phải được chuyển sang câm nín, không để gây nên một thứ tiếng reo nào cả cho đến khi Đức Giáo Hoàng rời nước Úc, nếu không có thể bị phạt $5,500! Tất cả các ngân hàng nên xoá bỏ lệ phí rất bực mình cho tất cả các máy ATM rút tiền tự động tại những khu vực nằm trong chương trình WYD. Vì tạo "sự bực mình" cho kẻ khác là một tội hình sự. Như vậy thì các bộ trưởng Frank Sartor và Michael Costa nên tránh xa Randwick.

Điểm tôi muốn nêu lên là cái tội được dựng trên những khái niệm – bực mình và phiền toái – vốn rất mơ hồ, đầy tính chủ quan và không đủ nghiêm trọng để đưa ra một hình phạt mang tính hình sự (criminal sanction) được.

Đạo luật này quả thật độc tài một cách bất chánh. Người ta sẽ gặp phiền toái khi không tuân thủ theo lệnh của một người được trao thẩm quyền: “Nhân danh luật pháp, làm ơn đừng làm người khác khó chịu nữa”. Đạo luật cho những nhân viên công quyền có quyền xen vào việc của người khác để ngăn chận những hoạt động hợp pháp chỉ vì một người nào khác không thích hoạt động hợp pháp ấy. Và không phải chỉ có cảnh sát mới được trao giấy phép này mà ngay cả thành viên của Dịch Vụ Cấp Cứu SES cũng như Dịch Vụ Cứu Hoả (Rural Fire Service) cũng có quyền thực hiện đạo luật độc tài và bất chánh này.

Thực tình mà nói thì, như tất cả những thành viên khác của The Chaser, tôi cũng ủng hộ việc khoá mõm, cột tay những anh diễu dở đần độn. Thế nhưng đạo luật này cũng có thể được sử dụng để đàn áp những cuộc biểu tình phản đối rất trang nghiêm và cảm động của vô số những người đã từng phải gánh chịu sự bạo hành, sự đay nghiến hoặc sự kỳ thị từ giáo hội Công Giáo. Và nếu thế thì đạo luật ấy qủa thật khó mà dung tha được, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng sẽ không thể nào tha thứ được cho nó. Đạo luật mới này xúc phạm những chân lý căn bản nhất của sự tự do là tự do ngôn luận, tự do hội họp, mà tự do vốn là nền tảng của xã hội chúng ta.

Chính phủ ở các quốc gia tự do dân chủ không nên thông qua các đạo luật phản tự do, phi dân chủ. Thế nhưng càng ngày, các chính phủ này, không phân biệt xu hướng chính trị, lại càng đưa ra nhiều đạo luật như thế. Đáng tiếc thay, ban hành những đạo luật mang tính đàn áp, chèn ép là môt trong số rất ít các lãnh vực mà chính phủ Iemma đạt mức cao hơn trung bình!

Nếu thế thì những người công dân phải làm gì khi chính phủ của họ đã sai quấy" Nói một cách đơn giản là những đạo luật tệ hại cần phải bị chống đối. Thế nhưng, phản đối hoặc chống đối một đạo luật không có nghĩa là phải vi phạm luật pháp. Tôi đồng ý với thánh Mahatma Ghandi và bà Rosa Parks (LND: Bà đã phá vỡ luật kỳ thị chủng tộc ở Hoa Kỳ bằng cách bình thản bước lên phần xe buýt dành riêng cho người da trắng và ngồi lại đó)  - rằng đôi khi chuyện vi phạm một đạo luật là một chuyện đúng đắn, cần phải làm, một điều mà các nhà chính trị và ngay cả quan toà của chúng ta lẽ ra phải biết được.. nhưng đó lại là cả một đề tài khác nữa.

Nhóm Chaser quả thật rất may mắn với trò đùa giả dạng xe của chúng tôi trong kỳ APEC vừa qua bởi vì sự truy tố bị thu hồi. Thế nhưng, có rất nhiều phần trong đoàn xe dỏm của chúng tôi không phi pháp. Chuyện mướn xe limousine đen không phải là chuyện phi pháp. Chuyện mặc đồ vét đen và đeo kính râm đen, và ngay cả đeo bảng tên với dòng chữ ‘Đây là một trò đùa” không phải là chuyện phi pháp. Hoặc chuyện treo cờ Gia Nã Đại cũng thế, theo sự hiểu biết của tôi. Và chuyện lái xe vào khu vực xanh cũng không phải là chuyện phi pháp, mặc dù chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ phải tuân thủ theo lệnh buộc chúng tôi rời khỏi nơi ấy.

Một hành động phản kháng có sức thu hút sự chú ý cũng có ảnh hưởng tương tự như việc vi phạm một đạo luật xấu, và đặc biệt là ít rắc rối hơn nữa. Ngay cả ông Trời cũng thấy được rằng WYD quả thật hấp dẫn vô cùng: đây là cơ hội để quậy phá hai cơ quan độc đoán cùng một lúc. Vì thế, nếu đạo luật này đã khiến quý vị nghĩ ngợi về việc làm một chuyện gì đó ít nhàm chán và ít rỗng tuếch như viết một bài xã luận cho một tờ báo thì lời khuyên của tôi như sau:

Thứ nhất, đừng để bị hù doạ khiếp sợ. Đấy là điều mà họ muốn. Thứ nhì, phải thông minh và chuẩn bị thật cẩn thận. Thí dụ điển hình là ngay cả với đạo luật tồi tệ này, chuyện làm cho những người tham dự WYD bực mình không phải là một hành vi phạm pháp (tuy nhiên bạn không thể nào cản trở bước tiến của một cuộc diễn hành). Người ta chỉ phạm pháp khi nào người ta không tuân thủ lệnh buộc người ta phải ngưng lại. Với những ý tưởng chín chắn, bạn có thể bày tỏ thái độ và đưa ra một thông điệp thật hay, hoặc một trò đùa lý thú, trước khi có người ra lệnh cho bạn phải ngưng lại.

Phải nhớ rằng bạn không có hành động phạm pháp nếu bạn có một lý do hợp lý (reasonable excuse), bởi vì cuối cùng thì một toà án sẽ quyết định thế nào là hợp lý, khả dĩ chấp nhận được. Và nếu quý vị tiến hành bằng một cách thật bình tĩnh và có ý thức thì quý vị sẽ có nhiều cơ hội để thành công mà không bị rắc rối gì cả.

Và cuối cùng là  phải nhớ thâu hình tất cả mọi thứ, càng lâu càng tốt (điện thoại di động  rất thích hợp cho việc này), và phải bảo đảm bạn giữ những đoạn phim ấy. Ngay cả việc xem thấy những tình huống kỳ cục mà đạo luật tê hại này tạo nên, và có thể là cách mà giới thẩm quyền nặng tay lúc áp dụng nó thì có thể sẽ giúp lật ngược tình thế khiến cho các chính phủ tồi tệ không dám đưa ra những đạo luật thô bỉ nữa.

Và lời khuyên cuối cùng của tôi là: có làm gì đi nữa cũng không nên tuỳ thuộc vào lời khuyên của tôi!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.