Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Lao Động Thắng Cử Và Tương Lai Nước Úc

04/12/200700:00:00(Xem: 1700)

Cuộc tổng tuyển cử cuối tuần qua quả thật là một cuộc bầu cử đầy tính lịch sử. Chẳng những vì tầm vóc của sự chiến thắng của đảng Lao động - giành được 22 ghế từ phe liên đảng để nắm chính quyền - mà còn vì những sự kiện quan trọng khác. Đây là lần thứ nhì trong lịch sử Úc, một thủ tướng đương nhiệm bị cử tri của chính đơn vị mình hất cẳng - John Howard đã bị ứng cử viên Maxine McKew hạ gục với một tỷ lệ hết sức khít khao để tạo nên một kỷ lục lịch sử khác: lần đầu tiên đảng Lao Động thắng được đơn vị Bennelong kể từ khi  nó được thành lập năm 1949! Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Úc mà đảng Lao động nắm chính quyền toàn bộ ở hai cấp tiểu bang và liên bang. Đảng Dân Chủ bị xoá tên trên chính trường liên bang vì không thắng được một ghế Thượng Nghị Sĩ nào cả. TT Kinh Tế Peter Costello - người được mong đợi sẽ kế vị John Howard trong chức vụ lãnh đạo đảng Tự Do - tuyên bố không muốn làm lãnh tụ đối lập và sẽ từ giã chính trường. Lãnh tụ đảng Quốc Gia, cựu phó thủ tướng Mark Vaile cũng giương cờ trắng, từ nhiệm khỏi chức lãnh tụ đảng này. Ngoài những kỷ lục lịch sử nêu trên, kết quả của cuộc tổng tuyển cử vừa qua sẽ mang đến những thay đổi gì cho kinh tế, xã hội Úc trong vòng ít nhất là 3 năm tới đây" Xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài phân tích tựa đề "Not Just True Believers - Không Chỉ Riêng Những Người Nhiệt Tình Yểm Trợ Mà Thôi" của ông Mike Steketee, chủ bút đặc trách thời sự quốc nội của nhật báo The Australian được đăng tải trên báo này hôm Thứ Hai 26/11/07 vừa qua.

*

Niềm hy vọng sâu đậm nhất của những đảng viên Lao động nòng cốt là chủ nghĩa "tớ cũng thế"đã được nhét sâu vào đáy tủ có nhãn hiệu "chiến lược vận động bầu cử", và, như ông Peter Garett đã nói trong thời gian vận động rằng "một khi chúng ta nắm chính quyền thì chúng ta sẽ thay đổi toàn diện". Ước vọng của họ có thể sẽ thành sự thật, nhưng không như họ hằng mong muốn. Và họ sẽ phải chờ đợi với sự kiên nhẫn tột cùng.
Ông Howard đã lập lại một cách chính xác trong thời gian vận động bầu cử những gì mà cựu thủ tướng Paul Kating đã từng nói trước đó: nếu chúng ta thay đổi chính phủ thì chúng ta sẽ thay đổi cả quốc gia. Phong cách đàm thoại  trên bình diện quốc gia sẽ thay đổi ngay lập tức, thế nhưng, những sự thay đổi quan trọng sẽ xảy ra trong một thời gian lâu dài hơn và sẽ tuỳ thuộc vào thời gian dài hay ngắn mà đảng Lao động sẽ nắm chính quyền.
Chắc chắn sẽ có một số công việc mang nhiều tính biểu tượng được thực hiện thật sớm sủa, chẳng hạn như việc ký kết Thoả Ước Kyoto và tân thủ tướng sẽ tham dự hội nghị về thay đổi khí hậu ở Bali trong vài tuần tới đây.
Chuyện này cũng sẽ tạo một cơ hội hữu ích để có thể tấn công phe liên đảng đối lập: chứng minh bằng hành động lời tuyên bố rằng phe liên đảng quả thật đã quá lỗi thời và không biết được ước vọng của dân chúng. Chuyển hướng lịch sử là một phần quan trọng trong kho vũ khí của một chính đảng chẳng những đã giành được chính quyền mà còn có luôn uy tín rõ rệt qua sự đắc thắng với tỷ lệ lớn lao. Đảng Lao động sẽ chuyên chú vào việc làm nhụt chí phấn đấu của phe liên đảng đối lập trước khi họ có được cơ hội để ngóc đầu lên từ sự thảm bại chua cay.
Các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ về việc rút quân Úc ra khỏi Iraq sẽ được khởi sự. Chuyện rút quân này sẽ không tạo sự khác biệt gì ngay tại chiến trường Iraq nhưng nó sẽ đánh dấu một mối quan hệ khác xưa với Hoa Kỳ. Quan trọng nhất là nó sẽ tăng thêm khoảng cách giữa chính phủ Lao động và tổng thống George W. Bush, một tổng thống Hoa Kỳ vốn không được nhiều người dân Úc ưa thích, và qua đó, mở đường cho một mối quan hệ hữu ích hơn với chính phủ tương lai của Hoa Kỳ.
Sẽ có nhiều nỗ lực nhằm sắp đặt một số biện pháp chuyển tiếp giao thời trong việc thiết lập một hệ thống quan hệ lao tư mới, kể cả việc huỷ bỏ và nghiêm cấm các hợp đồng cá nhân AWA (Australian Workplace Agreements). Điều này sẽ đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về giá trị truyền thống của đảng Lao động: công bằng nơi làm việc. Ông Kevin Rudd đã hứa hẹn sẽ tổ chức một cuộc họp với tất cả thủ hiến Lao động trong vòng 100 ngày đầu tiên, đặc biệt là để bắt đầu cải thiện cho các bệnh viện công lập qua Hội Đồng Các Chính Phủ Úc CoAG (Council of Australian Governments). Mặc dù Lao động sẽ bị trói chặt với lời cam quyết sẽ giảm $31 tỷ thuế, CoAG sẽ là công cụ mà qua đó chính phủ có thể chuyển trọng tâm sang việc phục hồi các dịch vụ công cộng, đặc biệt là trong lãnh vực y tế và giáo dục. Tất cả những biện pháp này, khi được thực hiện một cách nhanh chóng, vô cùng quan trọng trong việc tạo dựng sự hưng phấn kích động vốn sẽ góp phần trong việc quyết định sự thành công lâu dài trong tương lai của chính phủ Lao động liên bang.
Sự thay đổi về  phong cách đàm luận chính trị quốc gia đã được thể hiện thật rõ rệt khi ông Rudd, trong bài diễn văn chiến thắng tối thứ Bảy vừa qua, đã thừa nhận công sức của "phong trào công đoàn vĩ đại của Úc" trong các cuộc tranh đấu để bảo vệ sự tử tế và giá trị căn bản của Úc qua nhiều vấn đề, bao gồm cuộc tranh đấu đòi công bằng từ công ty James Hardie cho ông Bernie Banton, nạn nhân asbestos. Đấy cũng chính là phong trào mà ông Rudd đã chối bỏ 3 ngày trước đó khi được hỏi ông sẽ thiết lập cơ cấu cố vấn như thế nào với tổng liên đoàn lao động ACTU. Lúc bấy giờ, ông nói: "Thật tình mà nói thì tôi không nghĩ nhiều  về việc ấy. Nhưng chắc chắn thỉnh thoảng tôi cũng sẽ nói chuyện tí đỉnh với họ, khi thích hợp". Lúc ấy, ông cố tạo khoảng cách giữa mình và hình ảnh ông ngáo ộp lãnh tụ công đoàn bụng phệ to mồm mà phe liên đảng vẽ nên để hù doạ cử tri.
Một khi kết quả bầu cử đã ngã ngũ thì lời nói tối thứ Bảy vừa qua là để thừa nhận rằng các công đoàn là nền tảng căn bản (mass base) của đảng Lao động, chưa kể đến những sự đóng góp to lớn của họ vào quỹ của đảng Lao động cũng như chiến dịch của họ trong việc chống WorkChoices. Thế nhưng, nếu có ai đó hoài vọng về quá khứ thì chuyện này hoàn toàn không có nghiã rằng sẽ có một mối quan hệ làm việc mật thiết với công đoàn. Sẽ không có Thoả Ước giữa tân chính phủ Lao động và công đoàn như những thoả ước đã từng được các ông Hawke và Keating ký kết trước kia, loại thoả ước đã từng biến ACTU thành một đối tác có quyền quyết định trong những vấn đề tối quan trọng như giảm thuế, chi tiêu cho các vấn đề xã hội và quỹ hưu bổng.
Công đoàn bây giờ là một lực lượng đã bị giảm thiểu rất nhiều. Những giá trị truyền thống của họ được đại diện bởi những người lãnh đạo công đoàn mà phe liên đảng thường xuyên nhắc nhở với cử tri trong thời gian vận động là họ sẽ là thành viên của một chính phủ Lao động. Trong số họ có nhiều người vừa đắc cử lần đầu, nhưng đều là những người có khả năng đáng nể như Greg Combet (cựu chủ tịch tổng liên đoàn ACTU) và Bill Shorten (chủ tịch công doàn AWU). Thế nhưng, sự quan tâm của họ sẽ bao quát hơn những quan tâm của công đoàn, như ông Bob Hawke, cựu chủ tịch ACTU, đã từng chứng minh. Lèo lái quốc gia là một chuyện vô cùng khác biệt với việc đại diện công đoàn.


Ông Rudd là một phản ảnh trung thực của những sự thay đổi hoàn cảnh này. Ông không tiến thân qua cửa của phong trào công đoàn: như ông đã nhắc nhở với dân chúng Úc tối thứ Bảy vừa qua, ông lớn lên tại vùng quê ở Queensland với mợt người cha lúc ấy chỉ dồn phiếu cho đảng Nông Thôn (Country Party - tiền thân của đảng Quốc Gia National Party).
Tiểu bang Queensland, hơn tất cả mọi tiểu bang khác, đã trao cho ông Rudd thẩm quyền to lớn qua một chiến thắng vĩ đại. Tiểu bang này đã đổ dồn một cách mạnh mẽ về phía Lao động và giúp họ thắng được những đơn vị mà họ không hề với tới được kể từ sau khi thất cử năm 1996.
Thẩm quyền từ chiến thắng lớn lao này có nghĩa là ông Rudd có thể thừa nhận vai trò của phong trào công đoàn như nền tảng yểm trợ của đảng Lao Động. Nhưng ông sẽ không cho họ một chỗ ngồi đặc biệt nào trong nội các cả. Chính sách quan hệ lao tư của đảng Lao động vẫn tước đoạt nhiều quyền hạn đặc biệt của công đoàn, chẳng hạn như quyền bước vào chỗ làm việc (right of entry to work places). Đây là một sự cố tình nhằm mở rộng chính phủ của ông.
Trên hết, ông Rudd cả quyết sẽ xác định thẩm quyền của mình trong chính phủ. Ông đã đơn phương tuyên bố một cách mạnh dạn rằng chính ông mới là người sẽ chọn lựa nội các của ông, và qua đó, xoá bỏ một truyền thống gần hơn một thế kỷ qua của đảng Lao động, một truyền thống vốn đã tạo sự khác biệt rõ rệt giữa đảng này và phe bảo thủ. Truyền thông này là toàn thể dân biểu và thượng nghị sĩ của đảng bầu ra những người trong số họ sẽ vào nội các, rồi sau đó thì thủ tướng mới quyết định người nào chịu trách nhiệm cho bộ nào.
Nhiều dân biểu Lao Động sẽ không hài lòng về việc này, nhưng chắc chắn sẽ không một ai có đủ can đam để ra mặt chống đối. Về dài, về lâu thì ông Kevin Rudd cũng sẽ phải tuân theo ý kiến của đa số tại quốc hội bởi vì họ có quyền chọn lựa lãnh tụ.
Các phe phái khác nhau trong đảng sẽ cố tranh giành ảnh hưởng và ông Rudd sẽ khó lòng không để ý đến họ một tí nào. Thế nhưng, trong khi mà chính phủ Lao động vẫn còn đắc thế, và ông Rudd vẫn có thẩm quyền mạnh mẽ thì quyết định của ông có thề sẽ giảm thiểu được những kình chống giữa các phe phái trong nội bộ đảng tại quốc hội, cũng như trên toàn quốc.
Đảng Lao Động đã chuẩn bị cho kỳ tổng tuyển cử tới. Bằng chứng hiển hiện nhất của việc này là chuyện những nhân vật quan trọng của đảng Lao Động, như nữ TNS Penny Wong và bí thư liên bang Tim Gattrell, khởi sự tấn công ông Peter Costello, kẻ mà họ cho rằng sẽ là lãnh tụ đối lập liên bang.
Khác với Paul Keating năm 1993 khi ông này cảm tạ những người thuần thành tin tưởng vào đảng Lao động (true believers), hôm thứ Bảy vừa qua ông Rudd đã đặt để chiến thắng của ông vào một khuôn khổ rộng lớn hơn. Ông xác định rằng rất nhiều người từ xưa đến giờ mới dồn phiều cho đảng Lao động lần đầu tiên. Lời hứa hẹn của ông rằng ông sẽ là thủ tướng cho toàn thể công dân Úc cũng là một cách để nói rằng những người Lao động thuần thành sẽ không có được tất cả những điều mà họ muốn!
Những tháng tới đây sẽ vạch ra hướng đi mới, nhưng các quyết định khó khăn sẽ phải được đưa ra sau đó. Ông Rudd muốn xác định mục tiêu lâm thời cho chương trình mua bán khí thải (emission trading scheme) vào giữa năm tới. Khác với mục tiêu tối hậu là giảm thiểu 60% các loại khí tạo ảnh hưởng lồng kiếng (greenhouse gases) ở năm 2050, vốn sẽ gặp nhiều thực tế khó khăn về kinh tế  trong vấn đề khí hậu thay đổi. Ông Rudd muốn đưa ra một chương trình toàn quốc mang tính cưỡng bách (national mandatory scheme) rằng 20% năng lực phải được chế biến từ các tài nguyên khả dĩ cải tân (renewable energy) từ cuối năm tới.
Những thay đổi trong quan hệ lao tư, kể cả việc tái xác định một số quyền lợi của công nhân trong vấn đề bị sa thải một cách bất công (unfair dismissal rights) cũng như việc tái khẳng định trọng tâm vào việc thương lượng hcung (collective bargaining), sẽ phải được thương lượng tại một Thượng Viện mà chính phủ Lao động không nắm quyền quyết định, với đảng Xanh cố kéo đảng Lao động về hướng gia tăng quyền lợi cho người đi làm và phe liên đảng sẽ cương quyết chống lại những điều khoản về sa thải bất công cũng như gia tăng quyền hạn cho công đoàn.
Tân chính phủ Lao động sẽ bắt đầu nỗ lực thực thi hoài bão của ông Rudd: xây dựng một hệ thống giáo dục tốt đẹp nhất thế giới. Họ sẽ bắt đầu bằng việc giúp cho tất cả mọi học sinh phương tiện sử dụng máy điện toán và internet broadband tại các trường trung học. Phần chi phí lớn lao mà tổ chức OECD đã xác định là cần thiết trong vấn đề giáo dục sẽ tuỳ thuộc vào việc ngân sách quốc gia có tiếp tục được thặng dư cao hơn dự đoán như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây hay không.
Cuộc họp CoAG trong vòng 3 tháng đầu tiên sẽ xác định tiêu chuẩn cho bệnh viện công lập, chẳng hạn như giảm thiểu danh sách chờ đợi giải phẫu nhiệm ý (elective surgery) cũng như mức làm việc hữu hiệu hơn tại các phòng cấp cứu (emergency & accident departments). Tuần rồi, ông Rudd có tuyên bố rằng ông hy vọng đến cuối năm tới sẽ có một khái niệm rõ rệt hơn về mức độ thành công của phương pháp hợp tác về y tế (giữa liên bang và tiểu bang). Đây là một lãnh vực mà ông muốn thúc đẩy mạnh mẽ bởi vì nếu không, thì bước kế tiếp - mà ông đã  hứa hẹn trong thời gian vận động bầu cử là chính phủ liên bang chiếm lĩnh toàn bộ trách nhiệm về y tế - là một diễn tiến vô cùng phức tạp.
Cuộc họp của CoAG cũng sẽ vạch ra một sự thay đổi rộng lớn hơn về mối quan hệ giữa chính phủ hai cấp liên bang và tiểu bang, và sự thay đổi này có nhiều triển vọng trở thành một phần quan trọng trong chương trình cải tổ kinh tế của tân chính phủ. Uỷ Ban Productivity Commission đã xác định được hàng loạt những trách nhiệm trùng hợp giữa hai cấp chính phủ trong nhiều lãnh vực khác biệt lập gồm có giao thông,  năng lượng và giáo dục ấu nhi như những thử thách to lớn cho việc cải tổ kinh tế. Hội Đồng Thương Nghiệp (Business Coucil) ước lượng rằng khoảng $9 tỷ có thể được tiết kiệm.
Song song với một hoàn cảnh thật đặc biệt là chính quyền ở hai cấp tiểu bang và liên bang đều nằm gọn trong tay đảng Lao động thì chuyện này sẽ tạo nên một cơ hội thực thụ để phát triển. Thế nhưng, đây cũng là một lãnh vực vốn đã từng làm hao tổn nhiều công sức trong nhiều năm qua về những vấn đề như cải thiện quyên sử dụng nước (water reform) và nó sẽ đòi hỏi một sự can đảm vốn ít khi thấy được ở cấp tiểu bang.
Một cao vọng khác mà ông Rudd tuyên bố hôm thứ Bảy vừa qua là cải tổ lại tình hình chính trường Úc qua việc hàn gắn cái mà ông gọi là sự đồng thuận (onsnsus). Ông nói: "Tôi muốn xoá bỏ những cuộc chiến của qúa khứ: những cuộc tranh chấp cũ kỹ giữa doanh nghiệp và công đoàn, những cuộc tranh chấp cổ xưa giữa sự phát triển và môi sinh, những cuộc tranh chấp mỏi mòn cũ nát giữa liên bang và tiểu bang, những cuộc tranh chấp cổ lổ sĩ giữa công và tư".
Đây quả thật là một lời kêu gọi khá lớn lao, chẳng khác gì như nói rằng mình muốn xoá bỏ chính trị vậy. Thế nhưng, đấy là một hướng đi thật hữu ích khi người ta nắm chính quyền, vì nó sẽ giảm tối đa cơ hội cho phe đối lập khai thác sự chia rẽ. Sự đồng thuận sẽ đạt được nhiều kết quả, như ông Hawke đã chứng minh trước kia khi tìm được quyền lợi kinh tế chung cho cả thương nghiệp lẫn công đoàn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.