Hôm nay,  

Chuyện Mỗi Tuần: Kỷ Niệm Mong Manh

16/10/200700:00:00(Xem: 2449)

Năm nay cũng như mọi năm, cứ gần đến ngày lễ kỷ niệm Cựu Chiến Binh của HK thì tôi lại đến hội quán của "Vietnam Veterans" chơi coi họ họp mặt thường niên, bầu bán và… nhậu nhẹt. Mới đầu tôi chỉ là thân hữu chứ không phải hội viên nhưng thường hay đến chơi và đóng góp chút đỉnh trước mua vui… nên họ cứ cho là hôi viên luôn.
Kỳ này có anh chàng Mike Herrera tà tà lại nói chuyện. Anh ta, tự giới thiệu là cựu y tá cuả tiều đoàn quân y dã chiến, hỏi tôi có ở gần vùng Bốn chiến thuật không. Tôi nói tôi dân Saigòn cũng gần vùng bốn biết đại khái vài địa danh. Anh ta bảo tự nhiên anh ta nhớ lại mấy người bạn Việt Nam ở địa phương hồi đó giờ muốn tìm lại liệu có dễ dàng không. Hỏi tên tuổi địa chỉ thì anh ta không có mà lại kể chuyện lòng thòng như sau...
Bốn tháng cuối cùng tua thứ hai của tôi qua phục vụ tại Việt Nam là tỉnh lỵ hay quận lỵ Phước Vinh. Lúc đó vào khoảng tháng tư năm 1969 tôi được chuyển về bộ chỉ huy tiểu đoàn Quân Y 15 thuộc Sư Đoàn I thiết kỵ HK. Trước khi về đây tôi đã phục vụ tại sư đoàn nhẩy dù 101 hơn một năm tại vùng phi quân sự và năm tháng chót vừa rồi thì tôi phải đi theo đại đội bộ binh tùng thiết với tư cách là y tá cấp cứu. Nếu sư đoàn I thiết kỵ không di chuyển từ vùng Một về An Khê vùng Ba, và nếu đại đội tùng thiết không giải tán để phân tán quân số cho các đơn vị trong sư đoàn thì tôi vẫn phải đi theo đơn vị lưu động đó.
Căn cứ Phước Vinh so với An Khê thì nhỏ hơn nhiều nhưng cũng có sân bay, quầy hàng quân tiếp vụ (PX), và câu lạc bộ v.v. Nhiệm vụ của tôi tại tiểu đoàn 15 bây giờ cũng giống như hồi ở sư đoàn nhẩy dù 101 là hàng ngày từ sáng tới trưa nhận và điều trị cho các quân nhân bị đau ốm và tiếp nhận thương binh tử sĩ chở về từ trận địa. Phòng làm việc của chúng tôi gồm một nhà tranh có tường là những bao cát nối liền với một căn hầm để cho các thương binh nằm chờ đợi điều trị.
Phương châm của tiểu đoàn này là duy trì sức mạnh nhân lực để chiến đấu nghĩa là chúng tôi phải săn sóc làm sao các thương binh sau khi lành có thể trở ra chiến trường để chiến đấu. Ngoài ra chúng tôi cũng còn phải săn sóc các tù binh và thường dân bị thương trong các cuộc giao tranh và công tác dân sự vụ. Như vậy sứ mạng của chúng tôi còn phải chinh phục nhân tâm nữa. Tôi được chỉ định kiêm vai nhân viên giao tế với người ngoài tức là với dân bản xứ nữa nên tôi rất hăng hái và hãnh diện với nhiệm vụ này.
Phục vụ ở đây được một thời gian ngắn thì một bữa kia có ba cô gái Viêt Nam xinh xắn đến lều tranh của chúng tôi thăm một y tá khác mà họ quen biết trước khi tôi về đây. Cả ba cô tay cầm dù, đều mặc áo dài Việt Nam và tôi được biết đó là y phục truyền thống của phái nữ xứ này. Trong cái khung cảnh chỉ có đất cát và hầm hố, sự hiện diện ba cô gái tự nhiên nổi bật lên làm cho người ta xao xuyến. Cái lớn nhất có lẽ là các cô trông rất dễ thương quyến rũ và nói tiếng Anh cũng rất trôi chẩy. Tôi đoán chừng ba cô này thuộc lớp người đàng hoàng lịch sự nên tôi muốn được làm quen với họ.
Lúc họ bước vào lều cứu thương này thì tôi cũng vừa săn sóc xong cho một thương binh và may mắn chỉ có mình tôi ở đây nên tôi tự giới thiệu với họ và tôi cố giữ thái độ nho nhã để tránh bị họ cho là qúa bốp chốp hay sàm sỡ. Tôi rất mừng khi thấy ba cô rất vui vẻ chứ không có thái độ gì khó chịu cả.
Để có thể nói chuyện lâu với ba cô gái xinh xắn này tôi khoe tôi từ trung đoàn III thuộc sư đoàn nhẩy dù 101 thuyên chuyển về đây, trung đoàn này năm 1967 đã ở vùng này nhưng sau đó được di chuyển ra vùng phi quân sự vùng Một v.v.
Nghe nói tới sư đoàn nhẩy dù 101 mắt ba cô gái sáng lên hỏi:
- Thế hả. Cả trung đoàn III lại đổi vể đây hả"
- Không. Chỉ có mình tôi được thuyên chuyển về sư đoàn thiết kỵ ở đây thôi.
Trả lời xong tôi thầm hỏi tại sao sư đoàn 101 lại được ba cô gái này chú ý đến như thế" Không biết là có cô nào có người yêu trong đơn vị đó hay không"
Sau đó cô lớn nhất cho tôi biết ba cô là chị em ruột đang làm chủ một tiệm ăn ở tỉnh lỵ. Cô chị lớn hai mươi mốt tuổi, cô kế mười bẩy tuổi, và cô trẻ nhất mười lăm tuổi. Ba cô theo đạo Thiên Chúa nên như đa số dân chúng ở Phước Vinh, các cô rất có tinh thần chống Cộng.
Với vai trò giao thế tôi được biết rằng quân nhân của chiến đoàn thiết kỵ cũng như của đơn vị thuộc sư đoàn I Bộ Binh ở căn cứ gần đó đều có sự qúy mến của dân chúng địa phương. Thỉnh thoảng ba cô vẫn đến thăm người bạn y tá trong đơn vị tôi nhưng hình như ba cô lại nói chuyện nhiều với tôi hơn là anh bạn kia. Cho nên tôi mong một ngày nào rảnh tôi sẽ đi vào tỉnh lỵ để tìm tiệm ăn của ba cô gái này mới được.
Một sáng kia tôi đang trực ghi danh khám bệnh thì một GI bế vào một cô gái khoảng mười bẩy tuổi khóc lóc mắt sưng húp như là đau đớn lắm. Bàn chân cô ta đã được băng bó nhưng máu vẫn chẩy đẫm nên tôi vội bảo đặt cô ta lên bàn để khám nghiệm vết thương. Sau khi mở băng ra tôi thấy móng chân cái của cô ta bị lột ra trơ cả xương trắng và lớp da dưới ngón chân cũng bị lột một tảng. Tôi nhận ra đây là cô thứ hai trong ba cô bạn xinh xắn thường đến thăm nên tôi hỏi lý do tại sao thì cô cho biết rằng: Cô ta trèo lên cái thang để lấy đồ trong tiệm ăn không may bị té và đầu bàn chân bị kẹt vào bậc thang khiến cô bị treo dốc đầu xuống nên bị như vậy. Nghe vậy dù mình không bị lột móng chân tôi cũng lắc đầu như cảm thấy sự đau đớn.
Ông trung sĩ phó trưởng toán cấp cứu chọn ngay tôi làm phụ tá việc tiểu giải phẩu để khâu vết thương cho cô gái. Ông này đã được huấn luyện ở trường quân y và đã từng phụ tá bác sĩ trong nhiều cuộc giải phẩu nên tôi rất mừng được học ông ta trong dịp này. Ông bôi thuốc tê vào hết ngón chân cái rồi bảo tôi rửa sạch vết thương và lôi hết phần còn lại của móng chân cái của cô ta. Còn ông thì bôi thuốc tê vào dưới bắp tay cô gái, cắt một miếng da nhỏ vừa đủ để hàn vào miếng da bị tróc ở dưới ngón chân. Sau đó chúng tôi cho cô ta ít thuốc trụ sinh, thuốc giảm đau và một đôi nạng và dặn cô ta vài ngày sau trở lại để tái khám. Lúc này mặt cô ta đã tươi tỉnh và luôn miệng cám ơn.
Ba tuần sau thì móng chân mới đã bắt đầu nhú ra và lớp da vá dưới gót chân cũng đã liền lại. Tôi hơi ngạc nhiên vì ở vùng đất với sình này sự vệnh sinh khó đạt tiêu chuẩn mà hai đốc tờ không bằng này đã thành công như vậy.


Sau đó tôi đi vào tỉnh lỵ nhất quyết phải kiếm ra tiệm ăn của ba cô gái. Múa máy hỏi han quanh co mãi tôi đã đạt được kết qủa. Ba cô reo vui khi thấy tôi đến và nhấn mạnh rằng bữa nay tôi phải ăn bữa cơm Việt Nam do ba cô đãi và tôi uống bia hay rượu thả cửa đến say khướt mới thôi. Mấy chú GI khác trong tiệm nhướng mắt ngạc nhiên rồi anh nọ nhìn anh kia như ngầm hỏi sao tôi được ba cô gái đối đãi đặc biệt như vây.. Tôi khoái cô chị nên cứ kiếm chuyện được nói với cô ta nhưng cũng không quên hỏi thăm săn sóc cô kế, bệnh nhân của tôi. Thấy vậy cô út như trách tôi đã bỏ quên cô ta nên túm lấy tay tôi lay lay nói:
- Tôi cũng "sick" nữa này.
- Cô bị bệnh gì"
- Tôi bị "love sick" đấy.
Tôi xoa đầu cô ta cười xoà để tránh phải đối diện một việc phức tạp.
Sau lần thăm viếng quán ăn của ba chị em cô gái này tôi trở thành bạn và hễ rảnh thì tôi lại đến quán thăm ba cô và thưởng thức món ăn đặc sản ở vùng này. Lần nào đến tôi cũng tìm cách được nói chuyện nhiều với cô chị nhưng cô út lần nào cũng túm lấy tôi nói: "I love sick". Những chú GI khác có dịp ngồi ăn ở quán này lúc đó đều có cái nhìn như ngầm hỏi: Thằng cha này làm sao mà được ba cô đối xử đặc biệt như vậy".
Sau một thời gian tiếp xúc tôi thấy ba cô này là người có kiến thức và bạo dạn chứ không phải là thuần túy quê mùa như những cô gái khác. Một bữa tôi đang đi trên phố chính của tỉnh lỵ thì một chiếc xe "taxi" nhưng không đề hiệu "taxi" ngừng trước mặt tôi và cô chị lớn ở trong xe ngoắc tôi lại. Cô ta hỏi thăm tôi rồi cho biết cô đi Saigòn bữa nay và hỏi tôi có muốn "ác coóc" cô không. Tôi cảm thấy sung sướng là người may mắn được cô ta tin tưởng và coi tôi như là một người lịch sự hào hoa. Nhưng tôi hơi ngạc nhiên và lo ngại vì cô không sợ VC nằm vùng để ý nếu tôi đi với cô à" Dù gì thì tôi cũng chẳng đi được nên tôi đành cám ơn:
- Rất tiếc vì nhiệm vụ ràng buộc tôi không thể đi với cô được
Ngoài ba chị em cô đó ra tôi còn thăm viếng làm quen với những người khác trong khu vực này và tôi giữ mối giao tình thân thiện cho đến khi tôi hết hạn phục vụ trở về Mỹ.
Ngày từ giã một số dân làng, các cô gái ký tên lưu niệm và "album" hình của tôi dầy bằng cuốn niên giám ở trường trung học. Đặc biệt chỉ có cô út tặng tôi tấm hình còn hai cô chị tôi không hiểu sao chẳng tặng tôi một lưu niệm gì cả.
Trong giây phút chia tay này trong tôi mang một sự mâu thuẫn vì thực sự khi còn ở quê nhà tôi không muốn qua phục ở Việt Nam, nhưng bây giờ tôi lại không muốn xa mảnh đất này. Có lẽ qua hai mươi tháng phục vụ, tính đến ngày hai mươi bốn tháng tám năm 1969, tôi đã nhận ra ý nghĩa thực sự cho sự hiện diện của tôi ở đây. Tôi đến đây không phải để cấp cứu bạn đồng ngũ mà còn cứu giúp cả dân chúng ở đất này cho cuộc sống của họ tăng thêm phẩm chất. Và tôi cũng nhận thấy dân chúng ở đây đều mong thoát khỏi sự đe doạ của VC, một bóng dáng tử thần luôn đe doạ họ. Vì vậy tôi rất vui lòng cho việc qua phục vụ tại Việt Nam.
Trở về Mỹ một thời gian tôi ghi danh học Pierce College ở Woodland Hills (CA). Được vài tuần thì những kẻ phản chiến hò hét chống cuộc chiến VN tiến vào sân trường. Một số cựu chiến binh tham chiến tại VN và một số sinh viên yêu nước đã sát cánh đứng xung quanh cột cờ nên tôi cũng nhập vào.
Ít phút sau đám phản chiến ập vào hò hét tính đến hạ cột cờ nhưng nhìn thấy những cựu chiến binh nghiêm chỉnh chờ đợi sẵn sàng "chiến đấu" bảo vệ cờ nên bọn này mặc dù đông gấp mấy lần nhưng ngửi thấy mùi quyết tử đành đứng xa hò hét rồi đi hướng khác.
Một lần tham dự lớp học kinh thánh tôi hỏi một cựu chiến binh từ đại chiến thứ hai rằng tại sao tôi tôi bị sỉ nhục sau khi phục vụ ở VN về và ở đây họ không hiểu rằng chúng tôi là quân nhân hay sao. Người cựu chiến binh gìa buồn rầu nói với tôi rằng:
- Hiện nay nhiều người Mỹ chúng ta mù lòa, ngu muội, dốt nát, thiếu suy xét nên trở thành gỗ đá có nói họ cũng không chịu hiểu.
Một ông khác ngồi gần đó nghe nói đến Việt Nam liền bật miệng:
- Tôi không tán đồng hay ngưỡng mộ việc anh qua tham chiến tại Việt Nam.
Nghe giọng nói như ám chỉ rằng những chiến binh qua Việt Nam đều làm những chuyện tàn ác này tôi hiểu rằng những kẻ này không bao giờ biết và cũng không muốn biết những điều tốt chúng tôi đã làm ở Việt Nam nên tôi công nhận người lính gìa đã nói đúng đây là một trong những kẻ mù loà ngu muội.
Tôi nghĩ lại những cô gái, những người dân bị thương tích hay bệnh hoạn được tụi tôi chăm sóc, đó là chuyện nhỏ không đáng kể với tên ngu muội này, nhưng dưới những cặp mắt dân quê loé lên niềm vui chứa đầy thiện cảm và biết ơn đó là một việc không phải dễ đạt được. Hình ảnh "cô hai" mắt sưng húp vì khóc nhưng sau khi được khâu vá vết thương, mặt cô ta tươi tỉnh, mắt long lanh nhìn tôi miệng nở một nụ cười thật trìu mến. Đó là niềm vui mà tôi luôn nhớ và từ đó mỗi khi bị chế riễu hay miệt thị về việc tôi qua phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam tôi nghĩ đến điều hãnh diện đó để giữ được sự vững chãi của tâm hồn mình...
Kể chuyện xong Mike hỏi tôi:
- Anh có thể giúp tôi hay chỉ cách cho tôi làm sao tìm được ba cô gái này không"
Tôi cười:
- Có thể được có thể không. Vì hơn ba mươi năm rồi, không tên không hình ảnh thì hơi khó kiếm. Bây giờ họ không còn là cô hai cô ba nữa đâu mà họ có thể đã là "bà" nọ bà kia và có cháu chắt rồi không chừng.
- Nhưng anh vừa nói có thể được nữa cơ mà.
- Cũng chỉ có thể được năm mười phần trăm thôi. Chẳng hạn anh qua thăm Việt Nam về vùng đó hỏi thăm may ra họ vẫn còn đó hay có người nào ngày xưa anh quen còn đó thì may ra có manh mối. Nhưng nếu họ đã đi nơi khác, chẳng hạn tị nạn qua Mỹ hay Úc Châu rồi thì có tìm rồi cũng như thể tìm chim mà thôi. Tôi hỏi anh, bạn qúy như thế mà sao anh không giữ giây liên lạc và tên tuổi nọ kia"
- Trời ơi hồi đó còn trẻ, xong nhiệm vụ về với gia đình mừng muốn chết. Vả lại hồi đó bọn phản chiến nó mạnh qúa, chúng tôi như đứa con ghẻ lo học hành, lo kiếm công ăn việc làm còn không xong còn hơi sức đâu mà nghĩ tới chuyện bên đó nữa. Bây giờ hồi tỉnh nhớ lại kỷ niệm xưa chợt thấy bồi hồi bâng khuâng không biết những người bạn đó bây giờ ra sao. Anh biết không tôi ngu quá, hồi đó tôi cứ tưởng rằng "cô Hai", "cô Ba", và "cô Út" là tên thật của ba cô bạn đó, nên đi tìm mà khôing được. Thì ra bên Việt Nam họ chỉ gọi thứ mấy trong gia đình chứ không gọi tên mới khổ cho tôi chứ...
Tôi không biết nói gì cho Mike vui đành vỗ vai anh ta:
- Cứ để từ từ coi có thể mình nghĩ ra được cách gì không...
Mike mỉm cười, nụ cười xạm nắng: "I am getting old..."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.