Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

27/08/200700:00:00(Xem: 2582)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Còn với tên Thành! Nó là ai" Là một tên Cộng Sản. Nó có nhiệm vụ gì" Khai thác tôi. Điều này rõ ràng như ban ngày. Với một tên Cộng Sản, bằng mọi cách, mọi giá, dù có phải kết nghĩa anh em, dù có phải viết giấy cam kết sẽ không bỏ tù anh, nó cũng chỉ quanh một mục đích hoàn thành nhiệm vụ khai thác; rồi sau đó, có hàng trăm ngàn lý do để xé lời cam kết, bỏ nghĩa anh em.
Bao nhiêu suy nghĩ, cân nhắc, đắn đo, cuối cùng chỉ làm cho tôi nâng cao quyết tâm “Cứ đi theo con đường mình đã đi!”. Vì vậy, ngày hôm sau, tôi đắp chăn nằm ngủ để bù vào một đêm thao thức.
Mấy ngày im vắng trôi qua, nhưng trong lòng tôi lại là cả một trận cuồng phong. Thấp thỏm, lo lắng, đợi chờ, không biết cái gì rồi sẽ đến với mình. Trời đã vào Xuân, nhưng trong ngục tối này, nàng Xuân cũng sợ, nên chẳng thấy dáng nàng đâu. Ba ngày, rồi năm ngày vẫn lặng lẽ trôi đi. Nỗi ưu tư trong lòng tôi cũng xẹp xuống dần.
Đêm nay, không hiểu sao mà tôi cứ bồn chồn trong lòng, không ngủ được. Như có linh lính về một điều chẳng lành sắp xẩy đến cho mình, tôi cứ xốn xang quằn quại mãi không yên, lịch kịch dậy đi giải mấy lần. Có lẽ phải khoảng quá nửa đêm, tôi mới cố đi vào được giấc ngủ…
Tôi đang mê mệt với giấc ngủ muộn, bỗng nghe thấy tiếng ầm ầm. Tôi vội vàng hất chăn che đầu xuống, nhìn ra. Cửa buồng đã mở, lố nhố ba, bốn người. Toàn người lạ mặt, lại còn thoáng thấy bóng người phía bên ngoài cửa nữa. Thái độ của họ rất lạnh lùng, ai cũng súng ngắn cạnh sườn. Một người cầm chăn tôi kéo mạnh ra, vất sang sàn bên cạnh, quát:
- Bò dậy!
Tôi hoang mang chưa kịp phản xạ để hiểu chuyện gì, thì một giọng miền Trung nặng, rắn đanh:
- Chúng tôi có lệnh đưa anh đi! Hãy chấp hành!
Chưa mở cùm, một tên đã khóa hai tay tôi ra phía sau. Một tên khác, khóa lại xích phía trên cánh tay tôi. Rồi chúng lấy một miếng vải đen dài bịt kín mắt tôi. Tiếng mở chốt cùm, tiếng nhấc cùm. Hai tên xốc hai bên cánh tay tôi, quát:
- Đứng dậy!
Tôi hoang mang tột cùng. Tôi đã đoán trước số phận mình cũng phải tới lúc, nhưng tôi không hình dung nổi cảnh này. Vì nghĩ là không sớm như vậy, nghĩa là chúng còn phải khảo tra tôi một thời gian nữa đã. Vì vậy, tôi vẫn bị bất ngờ. Hơn nữa, trước đây suy nghĩ thì chuyện còn là tưởng tượng, bây giờ là thực tế. Người tôi rủn ra, lòng tôi tái tê, hình như chúng xách người tôi đi, chứ chân tôi như vật vờ trên mặt đất. Mãi tới lúc này tôi mới thấy là dưới chân mình không có đôi dép. Như vậy, chúng không cho tôi đi dép nữa.
Chân tôi lệt xệt bước cao, bước thấp. Có lẽ ra cổng Hỏa Lò. Đang đi chúng dừng lại, có tiếng thì thào chúng nó nói chuyện gì đó với nhau. Rồi tiếng xe “Commanca” rồ máy. Chúng đẩy, phải nói là chúng xách tôi lên xe, vì lúc này chân tôi nhẹ tênh chỉ có da bọc xương. Xe chạy, có lẽ ra khỏi cổng, người tôi lạng qua phía trái, vậy xe quẹo về bên phải.
Trên đường im vắng, chỉ có tiếng động cơ của chiếc xe tôi đang ngồi. Không ai nói với tôi một lời. Vì quá đột ngột nên trí óc tôi cũng đơ ra, chỉ còn nghĩ mình sắp chết. Tôi không còn tinh thần để kịp hỏi chúng đưa tôi đi đâu. Hồn tôi lãng đãng như không còn trong người tôi.
Chừng 20 phút, có lẽ bây giờ xe đã đi ra ngoài thành phố, bởi vì xe đi thẳng và gió lạnh thêm. Xe đi chừng nửa tiếng nữa thì dừng lại. Hai tên xách mạnh hai cánh tay tôi. Một tiếng quát lạnh băng:
- Đi xuống!
Tôi đứng lên, rồi chúng phải nhấc tôi xuống. Chân tôi đạp xuống đất có cỏ ướt. Chúng kéo tôi đi, chân tôi vẫn lướt thướt trên cỏ và đất gập ghềnh. Tai tôi nghe tiếng ễnh ương và tiếng côn trùng rên rỉ. Như thế, chung quanh đây là ruộng đồng. Đi chừng 10 phút, chúng dừng lại. Một giọng en ẻn miền Bắc đột nhiên nổi lên:
- Báo cáo đồng chí, đã đào xong!
Tiếng miền Trung nói nhỏ hơn:
- Có mang vôi không hỉ"
Tiếng báo cáo “Có” nghe lẫn vào tiếng gió, có lẽ vì đã đi xa. Chúng kéo xềnh xệch tôi đi, buộc hai tay vào một chiếc cột. Tay tôi chạm, như là một cái cây vì còn cả vỏ. Mấy phút im lặng. Một giọng miền Trung chắc nịch:- Tên Bình nghe đây: “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Độc Lập Tự Do Hạnh Phúc. Bộ Công An. Tên Đặng Chí Bình, 24 tuổi, quê quán… Can tội gián điệp làm tay sai cho Mỹ Diệm, đã xâm nhập miền Bắc phá hoại cách mạng. Y vô cùng ngoan cố, vẫn kiên trì một lòng bao che những âm mưu hại dân, hại nước, không chịu khai báo sự thật. Nay quyết định xử tử. Theo truyền thống nhân đạo của cách mạng, Bộ cho phép tội phạm 5 phút để suy nghĩ, tự cứu mạng sống của mình, bằng cách khẩn cấp xin khai báo lại sự thật. Bộ Công An Nhân Dân. Ngày 27 tháng 01 năm 1963…”
Đêm thâu vắng lặng, chỉ có tiếng gió lào xào lẫn với tiếng nỉ non re re re… của côn trùng. Tiếng lên đạn của mấy khẩu CKC nghe rõ mồn một.
Giọng miền Trung lại nổi lên dõng dạc:
- Tên Bình! Bây giờ giữa sống và chết, cho mi 5 phút… Bắt đầu!
Tai tôi ù lên. Đầu tôi như đông đặc lại. Tim tôi như không đập nữa. Tôi nghe như có tiếng o-o kêu ran ran chung quanh. Một thoáng hình ảnh mẹ tôi, một thoáng ân hận về việc Trí. Hình ảnh mẹ tôi, hình ảnh Trí hẫng lên, loãng dần. Trời vào Xuân còn lạnh buốt, vậy mà ở sống lưng tôi như có giòng nước chảy. Hai bàn tay tôi cũng ướt đẫm mồ hôi. Một tiếng quát rổn lên, tim tôi như thắt lại:
- Bốn phút rồi; còn một phút nữa!
Tiếng gì đó kêu ran trong đầu, tôi chờ, tôi lắng nghe mấy tiếng nổ. Người tôi tê đi như không còn cảm giác. Chân tôi như muốn khuỵu xuống, nếu không có cái cột chắc tôi không thể đứng được.
Tôi thấy như hết hơi, không thở được nữa. Chết! Một tiếng “Chấp hành!” dội lên. Tôi tưởng là tiếng súng nổ. Tôi thấy cắn, buốt ở hai bên ngực. Bỗng dưng im lặng, một phút, rồi hai phút, tôi cố lắng nghe, dường như có tiếng thì thào…"! Có người đến cởi dây trói buộc tôi vào cây cọc ra, rồi một giọng người Bắc vang lên:
- Số anh còn sống ít ngày nữa, có lệnh hoãn…..
Chúng lại xốc nách tôi ra xe. Người tôi như không hồn, mềm nhũn ra, mặc chúng lôi kéo, đẩy đưa tôi đi. Trên đường về, trong lúc ngồi trên xe, một giọng nói quen quen, nhưng tôi không thể xác định được là ai: "Vì một sự việc đặc biệt, anh còn được sống thêm ít ngày nữa…” Hồn tôi vẫn bồng bềnh, tôi không nói một lời.
Lại về xà lim. Chúng cùm chân tôi xong, mới mở khóa trên, khóa dưới tay tôi. Cuối cùng chúng mới cởi khăn bịt mắt của tôi. Mắt tôi hoa lên với đầy những vòng tròn to nhỏ trước mắt. Tôi chỉ thấy lố nhố mấy người. Tới khi tôi nhìn rõ lại cảnh vật, chúng đã ra ngoài và đóng cửa lại rồi.
Trời vẫn chưa sáng. Tôi cố lựa chân đứng xuống đất, để với lấy hai cái chăn chúng đã ném ở sàn bên. Thấy lành lạnh ở dưới đùi, tôi sờ quần, thấy ướt. Như vậy, đã đái ra quần mà tôi không biết.
Mệt và căng thẳng, tôi nằm xuống đắp chăn. Hồn tôi vẫn lềnh bềnh như đang còn trong một cơn ác mộng. Như vừa từ cõi chết trở về. Tự nhiên, tôi thò tay vào trong áo sờ hai bên ngực. Một nỗi buồn phảng phất, vướng vít trong óc tôi. Sự việc vừa xẩy ra, tôi thấy mình vẫn chỉ là một tên hèn, sợ… chết.

Chương 34: Đổi Xà Lim, Bạn Tù Mới...

3 ngày trôi qua. Tôi vừa lại sức, lại hồn, một buổi chiều sau giờ làm việc, (5 giờ chiều thì hết giờ làm việc), cửa con bỗng mở, mặt tên cán bộ mắt lồi:
- Có gì mang hết đi, cả chăn chiếu!
Y rút cùm. Tôi vội vàng lấy chân ra, vơ gọn chăn chiếu. Tôi không quên đút cái gối bằng cuống chổi Thanh Hao vào trong chăn, cuộn lại và mang cả cái gáo nữa. Y mở cửa, tôi ôm đồ ra. Chợt nhớ tới đôi đũa, tôi quay lại xin y cho lấy đôi đũa thường treo ở đuôi chốt cùm phía ngoài.
Mọi hôm đi cung, thường ra cuối hành lang rồi rẽ tay phải. Hôm nay, lại rẽ phía trái, vào trong, tới một cái cửa, y mở. Chà, cả một cái sân to lớn, rộng thênh thang, với bao nhiêu dẫy nhà chung quanh. Có 5, 6 cây bàng to tướng, cành trơ trọi với những búp lá non mới nhú, trông khẳng khiu như những cánh tay gầy. Y dẫn tôi vòng theo mé sân, mở mấy lần khóa, rồi tới một khu toàn buồng. Một hàng chữ đỏ kẻ trên tường: Xà Lim II.
Hơn 7 tháng trời ở xà lim III, hôm nay tôi mới nhìn thấy xà lim II. Xà lim II ở ngay cạnh cổng phòng trực của trại chung, nên có cái loa, tiếng nói đang vang vang nghe rõ mồn một. Vào tới buồng, đã có một anh nằm đang đắp chiếc chăn bông, lồm cồm bò dậy. Trong khi tên cán bộ rút chốt cùm, tôi tự hiểu, nên nhấc cùm ra và cho một chân vào. Y đóng chốt cùm, khóa cửa. Tôi quay lại gật đầu chào anh bạn mới. Anh chàng này độ 26, 27 tuổi, trông có vẻ khỏe mạnh, tuy da vẫn xanh xao. Anh mỉm cười gật đầu chào lại tôi.
Tôi lục đục vừa trải chiếu vừa ngó chung quanh tường, lên cửa sổ. Không khí ở đây có vẻ khoáng đãng hơn xà lim III, cả ánh sáng nữa. Phía trên đầu nằm là một khung cửa sổ to, kích thuớc khoảng 1 mét x 60 phân, với những song sắt đường kính 2 phân, có lưới thép phía trong. Mép dưới cửa sổ chỉ cao hơn nền gạch khoảng 2 mét rưỡi. Do đấy, nếu đứng lên sàn, có thể nhìn ra ngoài được, phía giàn nho. Phía chân nằm, ngay trên cửa ra vào là một khung cửa sổ nữa nhưng bé hơn, khoảng 50 x 30 phân, cũng bọc lưới thép phía trong sát vào chấn song. Cùm và sàn cũng giống như xà lim III. Khác hẳn với cảnh vắng lặng tịch mịch của xà lim III, ở đây có một chiếc loa gắn ngay trên cửa lớn ra vào trại chung, chĩa ra sân phía trước có giàn nho, nơi tôi vẫn đi cung. Như vậy là ngay cạnh xà lim II, vì vậy nằm trong buồng, tôi nghe tiếng loa rất rõ.
Buổi chiều và tối đêm hôm đó, qua những câu chuyện thăm hỏi anh bạn mới cùng buồng, tôi được biết sơ lược về anh: Tên Phạm Huy Tân, nghề chuyên môn là y tá, phục vụ tại một xã ở Hà Nam, đã có vợ và một con. Anh tham gia hoạt động bí mật trong một đảng chính trị: “Tân Cách Mệnh Việt Nam Phong Trào” (gọi tắt là “Tân Phong”). Chủ tịch đảng tên là Chương (tôi quên họ), cũng là chủ tịch một xã thuộc Hà Nam.


Đảng Tân Phong đã hình thành hoạt động được gần 3 năm. Đảng kỳ nền vàng có một sao đỏ ở giữa, cũng có tôn chỉ, mục đích, cương lĩnh chính trị; số đảng viên vài chục; đã phát triển lên miền cao là Hòa Bình, Tuyên Quang. Về sau bị lộ, vì Cộng Sản đã cài được người của chúng vào trong Ban lãnh đạo. Vì thế, nhân một buổi họp đảng, (lợi dụng một đám cưới nhiều khách khứa các nơi ra vào, đảng họp bí mật ở giữa một gian nhà trong), bất ngờ, Cộng Sản tới vồ tất cả tại chỗ. Sự việc đã xẩy ra cách đây hơn 6 tháng.
Về phía tôi, tôi cũng nói thẳng là ở trong Nam ra. Tất cả những chuyện mà tôi nói chỉ nằm trong phạm vi tôi đã khai báo với chấp pháp. Đồng thời chỉ có khái niệm sơ lược.
Qua một số ngày, với một số thử thách của tôi, cùng với những hiện tượng, tôi biết chuyện đảng phái và anh ta bị bắt là có thực. Nhưng, anh ta thuộc loại khôn ngoan vặt. Trong tình thế này, để tự cứu mình, anh ta đã thở ra những hơi muốn “tiến bộ”. Như vậy, anh ta còn nguy hiểm hơn một tên cán bộ dùng khổ nhục kế. Vì mọi người cùng cảnh sẽ mất cảnh giác, dễ tâm sự thổ lộ những tư tưởng và quan điểm, cũng như những công việc mình đã, đang và sẽ làm. Tuy nhiên, dù sao y cũng còn non nớt, cho nên sau những buổi đi cung về, nhiều khi y lộ vui ra nét mặt. Đôi lúc không kìm được, y nói thành lời: Nào là chấp pháp rất tin tưởng và thương mến y, nào là nhiều lúc chấp pháp vỗ vai thân mật như anh em. Ngay ông cán bộ tên Tư người miền Nam trực xà lim cũng tỏ ra có thiện cảm với tên Tân, thường gọi y ra sai làm những việc vặt như làm vệ sinh, hoặc đôi khi sai quét đường đi ở giữa hai dẫy xà lim.
Ai đã từng ở xà lim một vài tháng trở lên mà được sai ra làm những công việc này, là một hình thức được chiếu cố, gia ân. Thứ nhất, sẽ được thoải mái, không bị gò bó ngồi một chỗ; hai nữa, điều đó nói lên lòng tin của cán bộ, không sợ anh có thể lợi dụng cơ hội để liên lạc, dưới nhiều hình thức, với các buồng khác, tuy rằng vẫn luôn luôn có cán bộ đứng coi anh làm.
Ngay thái độ tên Tân cũng có vẻ bợ đỡ, nịnh nọt cán bộ ra mặt. Thái độ ấy, và ý đồ ở trên, lòng tôi làm sao ưa y được. Dù vậy, tôi vẫn bình thường không tỏ một cừ chỉ nào quá đáng thể hiện là không ưa anh ta. Một lần, tôi hỏi thử:
- Liệu vụ án của Tân có đem ra xử không" Và xử thì Tân sẽ bị khoảng bao lâu"
Y có vẻ đắn đo, thận trọng, cuối cùng mới thổ lộ:
- Theo như một số hiện tượng, từ đấy tôi suy đoán, kết hợp với chấp pháp của tôi, có thể hơn một tháng nữa, vụ án của tôi sẽ được đưa ra xử. Ông Chương đầu vụ có thể bị từ 12 tới 15 năm. Còn tôi, nhiều hy vọng có khi không phải ra tòa. Nếu có ra, cũng chỉ từ 2 tới 3 năm.
Qua cách trả lời, cũng như sự suy lý của y, tôi nhận thấy: Tên này đang bị cái bùa tình cảm của chấp pháp, chắc rằng y đã phải tố nhiều người trong tổ chức của y. Y tin như vậy là một cách để tự cứu. Một loại người như vậy, nếu chấp pháp hỏi về tư tưởng, về tâm sự, v.v… của người cùng buồng, là tôi, tất nhiên y phải nói bằng hết. Rồi có khi y sẽ được giao nhiệm vụ gợi chuyện, tìm hiểu tư tưởng và công việc làm của tôi, với những lời hứa hẹn đẹp đẻ. Với tôi, dù có nhận định y không phải là loại người như trên đi nữa, cũng đừng hòng bao giờ tôi tâm sự chuyện riêng, huống chi tôi đã thấy y là một tên cơ hội rõ ràng. Tuy vậy, qua cái nhìn của tôi về y, chưa cho phép tôi nhận định chung về các đảng phái ở miền Bắc. Tuy tôi cũng thấy trong lòng không được vui, vì y là cán bộ chịu trách nhiệm về tuyên truyền, liên lạc mà trình độ như vậy, tư tưởng lại bấp bênh giao động như thế. Ngay bản thân cán bộ cốt cán, cũng không hề có lý tưởng thực sự! Ở đây, tôi lại nói “thực sự”, vì rất nhiều người chỉ có lý tưởng ở mồm, mà không phải ở tim, ở óc.
Tôi cũng rất tiếc không được gặp ông Chương nào đó, chủ tịch đảng Tân Phong, để tìm hiểu và học hỏi những khả năng và kiến thức của ông ta, để từ đó thấy được về đảng Tân Phong này. Tuy vậy, qua một cán bộ tuyên truyền, tôi cũng có một số khái niệm về đảng đó. Vì thế, tôi mới thấy trong lòng không có một niềm phấn chấn tin tưởng.
Theo Tân, vụ của y có hơn 10 người hiện đang ở trong Hỏa Lò, một số nhẹ ở trại chung. Ngay ở xà lim II này, buồng số hai có một người anh họ cùng vụ, chịu trách nhiệm về ngoại giao và tài chính, y là giáo viên Cấp hai.
Xà lim II gồm có 8 buồng, mỗi bên 4 buồng đối diện nhau, không bị cùm, đứng lên cái cùm có thể nhìn thấy từ trán của nhau trở lên. Nhưng, nội quy xà lim nghiêm cấm đứng lên sàn. Bất cứ lúc nào cửa con xoạch mở, nếu thấy anh đứng lên sàn, dù chỉ tựa lưng vào tường đứng chơi. Cùm sẽ được rút ra ngay và mời anh cứ tự nhiên bỏ chân vào, đừng nói gì thêm nữa, vô ích. Trong 8 buồng, chúng dành buồng số 8, bắt một vòi nước máy vào làm chỗ đỗ phân và tắm rửa.
Do điều kiện bị cùm, hơn nữa trong buồng không hề nhìn thấy gì bên ngoài, vì thế tất cả linh khí của thân thể, đều tập trung về thính giác, để phán đoán và xác định âm thanh. Càng ở xà lim lâu, thính giác càng bén nhậy, tinh vi. Tuy chưa bao giờ thấy một ai ở cùng xà lim, nhưng lúc đó tôi đã biết: Buồng 1 giam một người, buồng 2, hai người, không bị cùm. Buồng 3 không có người. Buồng 4 là buồng chúng tôi. Buồng 5, nhà tắm, buồng 6, một người. Buồng 7, sát nhà tắm, có hai người đều là nữ, bị cùm mỗi người một chân. Thỉnh thoảng ban đêm, tôi thường nghe tiếng phụ nữ khóc sụt sịt, nhiều khi thành tiếng nức nở thảm thiết ở phía đó.
Theo Tân kể chuyện thì do sự kích thích tò mò của đàn ông con trai, nên một lần đã liều, khi cán bộ vào gọi cung một cô, Tân đứng trên chiếc chăn bông gấp cuộn lại, y lén, nép nhìn. Cô đó khoảng 20 tuổi, trông như nhà tu, ở xà lim chừng độ gần tháng nay.
Tôi nghe chuyện cũng thấy lòng thương hại thông cảm. Tôi là đàn ông thanh niên, bị cùm đã thấy khổ sở khi ỉa đái, phụ nữ thì thật khó khăn. Nhất là đêm hôm, cán bộ đàn ông thường mở cửa con kiểm tra; có khi không mở, chỉ đứng rình qua cái khe của miếng sắt hơi bẻ cong, che cửa con. Ở ngoài nhìn vào thấy nửa buồng, còn ở trong nhìn ra chỉ thấy trần nhà. Chắc rằng, thôi thì thân gái, trong cảnh này cũng đành phó mặc!
Vì hai cô này, trong xà lim, tâm trạng hầu hết đều tò mò muốn biết người và sự việc. Hôm qua, buồng số 2 đối diện một anh đã bị bắt tại trận đang đứng trên cùm, kiễng chân thập thò nhìn khi tên Tư, cán bộ xà lim mở cửa số 7 cho ra rửa ráy. Cùm rút chốt luôn, và anh đó đã bị cùm.
Tên Tân rất khôn ngoan tinh quái. Y nắm được những quy luật giờ giấc, cùng những mánh khóe rình mò của cán bộ, nên y cũng đứng lên mà lão cán bộ không biết. Trong một ngày, ở xà lim II, giờ tương đối an toàn nhất là sau giờ tan tầm 5 giờ, nghĩa là từ 5 giờ 15 phút đến 6 giờ tối. Lúc đó, cán bộ vừa bàn giao thay ca, kiểm nhận người hết lượt xong, đi ăn cơm.
Tên Tân tỏ ra nhiều hiểu biết về các cán bộ ở Hỏa Lò, làm nhiều khi tôi phải ngạc nhiên suy nghĩ. Thì ra, lúc mới bị bắt, Tân cũng ở ngoài trại chung, mỗi ngày hàng trăm người, đủ mọi thứ tội. Được gần một tháng, không hiểu vì sự khai báo thế nào của những người trong cùng một tổ chức đảng, nên y bị đưa vào xà lim. Vì vậy, qua chuyện trò với y, tôi được biết giám thị trưởng của Hỏa Lò là tên Võ, người miền Nam tập kết. Tuy y chỉ là Thiếu Tá, nhưng đã già rồi, y rất có thanh thế, vì cùng lứa với y mà y quen biết, có nhiều người đã là cán bộ trung ương đảng. Qua đó, tôi đã đoán ra được, hôm đầu tiên tôi bị đánh và bị cùm mồm. Một ông già gần 60 tuổi đeo kính trắng vào tha cho tôi, chính là tên Võ giám thị. Còn hai phó giám thị, một là tên Trì, Trung úy người Quảng Bình, một là tên Lê, Trung úy quê ở Hưng Yên.
Hỏa Lò có hai y tá, một nam và một nữ. Nữ là mụ Dậu đã tiêm cho tôi mấy lần khi tôi bị sốt. Theo Tân biết, mụ là cán bộ lưu dụng, vì có chồng là một cán bộ cách mạng nằm vùng nội thành. Nam y tá tên là Huệ, thường coi ở bệnh xá.
Ba tên cán bộ văn thư, thường gọi đi cung là lão Bằng, mụ Hoa và một lão già tên Kim cũng đeo kính trắng người Bắc, Thượng sĩ. Lão Kim này là cán bộ gần như lưu dụng, vì thời Quốc Gia trước 1954, lão cũng là cai tù ở Hỏa Lò, nhưng là người của Cộng Sản cài vào. Còn mụ Hoa có một tiểu sử như sau: Mụ là gái Quảng Trị. Trước 1954, theo chỉ thị của đảng, mụ bán xôi chè cho binh lính ở những đồn bót tại Quảng Trị, rồi yêu đương và trở thành vợ chồng với một anh Trung sĩ Quốc Gia ở trong đồn đó. Cuối cùng, Cộng Sản dùng mụ này làm nội ứng, nên đã chiếm được đồn lính sau một đêm tấn công. Sau hội nghị Genève, mụ bỏ chồng, tập kết ra Bắc theo già Hồ, rồi làm công an ở Hỏa Lò.
Đầu năm 1961, một sự trớ trêu, chính người chồng mụ ngày xưa lại vào Biệt Kích và ra Bắc, rồi không may bị bắt đưa về Nghệ An. Lúc ấy, mụ còn là cán bộ ở đó, bất ngờ gặp lại người chồng năm xưa. Mụ đã mua cho một bánh chưng với một cái bánh mì, cùng với một giờ chưởi bới, giáo dục. Cuối cùng người chồng cũ uất hận và khổ đau, đã quẳng cả bánh chưng, bánh mì ra sân dù đói, và phải đi cùm vì hỗn láo với cán bộ.
Nghe tên Tân kể, tôi băn khoăn, làm sao mà y biết rõ thế" Y giải thích là, trong đám tù ở buồng y, có một cán bộ tập kết biết rỏ mụ ta, kể lại.
Sau khi nghe chuyện Tân kể, mỗi khi mụ Hoa vào gọi cung tôi, liếc nhìn cái dáng đi vặn vẹo và cái môi thâm xì của mụ. Một nỗi niềm vừa thương hại, lại vừa ghét trỗi dậy trong lòng tôi. Ghét, vì mụ đã làm cho bao nhiêu chiến hữu của tôi phải nằm xuống, trong đêm Cộng Sản cướp đồn. Thương hại, vì mụ quê mùa, ngu muội, nghe lời phỉnh phờ bịp bợm của tụi lãnh tụ Cộng Sản. Cố hy sinh tất cả, để tiến tới một thiên đàng Cộng Sản không bao giờ có thực. Cũng giống như những người lính của họ Tào, đã vượt núi, vượt rừng để tiến tới cái rừng mơ, mà thỏa chí, trong truyện Tam Quốc của Trung Hoa.
Vào một ngày thứ Bảy, tên Tân được gọi ra cổng kể nhận tiếp tế của vợ. Khi về, y xách theo một cái túi, gồm 2 cái bánh chưng, khoảng 2 lạng muối vừng đã giã, 3 lạng đường phèn (mía), 3 cái bánh mì và 10 quả chuối; đặc biệt nhất là 2 gói thuốc lá Trường Sơn.
Ngay từ một vài ngày trước, tôi đã thấy y lấm la lấm lét, nằn nì lão Tư để xin chỗ cơm còn thừa của một buồng bị bệnh không ăn hết, để rồi tên Tư quát “Nhanh lên!” y vội vàng chạy ra cái chõng, lấy bát cơm thừa đổ lên cái khăn mặt của y, chừng độ một nắm cơm, khoảng 1/3 suất. Y hí hửng sung sướng ngồi ăn, không một chút ngượng ngùng gì với tôi cả. Với một người như vậy, thái độ của tôi càng tỏ ra coi thường miếng ăn. Thực ra, trong lòng tôi, tôi không cần biết y có cái gì cả. Nhưng, trong một căn buồng chật hẹp sát nhau như thế, chạy đi đâu được! Cái gì cũng đập vào tai, vào mắt mình!
Thấy y ăn quả chuối, y ăn vỏ trước rồi ăn ruột sau. Y vuốt ve, nâng niu những thứ đồ tiếp tế như cái gì quý giá nhất của đời y. Tôi chỉ còn cách duy nhất là lựa thế nằm xuống, đắp chăn để khỏi nhìn thấy cái cảnh không muốn nhìn. Nhưng, tới khi y đánh diêm để hút một điếu thuốc, tâm hồn tôi bị xáo trộn dữ dội. Trong một căn buồng quá nhỏ, khói thuốc quạt vào mũi tôi như gãi vào từng tế bào, làm cho hồn tôi như ngây ngất đê mê, và như thách thức lý trí, làm đầu óc tôi đầy vơi những nghĩ suy. Vô kế khả thi. Nhưng, bảo tôi mở miệng ra xin y một điếu thuốc, thà chết! Điếu thuốc của y hút làm bận rộn đầu óc tôi, nghĩ hết cách này đến cách khác, nhưng chẳng cách nào có thể thực hiện được. Để rồi, ngập ngừng di vào giấc ngủ muộn của đêm thâu.
Bị cùm mà ở chung với một người không bị cùm, người bị cùm lại thêm một nỗi khó khăn nữa. Nếu bị cùm một mình, tới bữa cơm, cán bộ phải mở cùm cho ra lấy cơm. Một ngày được cho ra đổ bô một lần. Đó, chính là lúc nghỉ chân vào thay đổi chân. Ở đây, hai ngày cán bộ mới mở cho ra một lần để đổ bô phân mình đi đại tiện.
Còn cơm, nước, cũng như khi trả bát, tên Tân được ra vào hai lần, mà mình lại phải mang ơn người khác. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.