Hôm nay,  

Hồi Ký Thép Đen

18/06/200700:00:00(Xem: 2497)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Mặt Hồ Tây bao la trắng xóa một vùng, lúc này chỉ gợi lên trong tôi một nỗi lạc lõng chơ vơ: “Mênh mông, không một chuyến đò ngang. Lang thang, núi bạc mây chiều…”
Chiều đã xuống dần, mặt trời cũng đi ngủ. Một vài con cò trắng cất cánh bay về phương trời xa. Tôi quay lại, trở về, lòng mang mang nặng trĩu.
Cứ như vậy, những ngày sau, tôi đi hết về phía này, lại về phía kia của Hà Nội. Cũng nhiều cảnh, nhiều tình huống tệ nạn xã hội xảy ra trên đường làng, đường phố. Tôi nghĩ rằng không cần kể dài dòng nữa. Tuy vậy, có một sự việc nhỏ đến lúc này vẫn còn hằn trong óc tôi.
Chiều ấy, tôi đi xe điện xuống vùng Văn Điển. Tôi đang thả mắt nhìn đồng quê hai bên đường, tầu điện đỗ lại một bến phụ, vài người khách lên xuống. Một bác nhà quê, quần áo nâu hai, ba miếng vá, đi chân đất, gánh một gánh củi cành. Bác vội vàng hấp tấp ôm hai bó củi lên tàu, vừa đẩy gọn vào góc, vừa hổn hển thở. Tàu chạy, anh bán vé từ phía đầu toa đi xuống, ngoắc tay ra hiệu cho bác đưa tiền lấy vé. Vì gần cuối đoạn đường rồi, nên chỉ phải trả 5 xu. Bác nhà quê ngước đôi mắt toét nhèm sợ sệt nhìn anh bán vé, chừng hơn 20 tuổi, hai tay bác vuốt hai túi áo:
- Xin anh cho em qua một đoạn đường, trời tối rồi, nặng quá, em cả người không còn một đồng xu nào!
Tên bán vé, quắc mắt sừng sộ:
- Xuống ngay!
Khi tàu đỗ ở một bến kế, tên bán vé dùng chân hất đẩy bó củi xuống đường. Bác nhà quê, riềm mắt đỏ choét, cố gò người kéo bó củi lại, miệng cứ nài nỉ: “Lạy anh, anh thông cảm cho em!” Mọi người trên tàu cũng nhìn với con mắt ái ngại, nhưng họ vẫn đứng yên. Tôi thấy 5 xu quá bé nhỏ, chả lẽ tôi bảo, để tôi mua cho. Tôi vẫn im lặng, vì tôi đã có chủ định. Đến một bến tiếp, tàu đỗ, hai bên đường vắng vẻ, vẫn toàn ruộng lúa, thấy bác xuống, tôi cũng định xuống theo. Nhưng, rất nhanh, tôi đã kịp giữ lại, vì còn hai cái “đuôi” ở trên tàu, bởi vậy, tôi vất nhẹ một tờ giấy 5 đồng, tôi đã gấp nhỏ lại từ trước vào túi áo bác. Bác thoáng nhìn thấy, thì tàu đã chạy rồi. Tay cho vào túi, bác nhìn theo tàu với đôi mắt mở to, ngạc nhiên và xúc động, trong bóng mờ của buổi chiều tàn.
 Hai mươi bốn: Lọt Vào Tay Địch
Ngày hôm sau, rồi hai ngày hôm sau nữa, bữa đó là ngày Chủ Nhật. Như thường lệ, tôi ra bến xe điện ở bờ hồ mua một ổ bánh mì và một tờ báo. Ăn xong, tôi thả bước về Hàng Trống, đình sẽ ghé vào nhà Thờ Lớn để xem lễ ngày Chủ Nhật. Khi gần đến hiệu phở ở góc đường Lý Quốc Sư, tôi đang đứng nhìn hai người xích lô cãi nhau vì tranh khách, mắt tôi thoáng thấy từ xa, hai tên cảnh sát đồng phục chỉnh tề đang đi lại, dáng mặt quen quen. Tim tôi chợt thót nhẹ. Phải rồi! Hai cái “đuôi” đã từng theo tôi, hôm tôi lên chùa Láng. Hôm nay, chúng ăn mặc đồng phục cảnh sát là có vấn đề rồi. Tôi vẫn vờ nhìn chăm chú hai bác xích lô.
Đúng như tôi dự đoán, khi hai tên đến gần, một tên tiến đến trước mặt tôi:
- Anh vui lòng cho tôi xem giấy tờ!
Tôi vờ ngạc nhiên:
- Thưa các anh, hỏi giấy gì ạ"
Vẫn với giọng nhã nhặn:
- Anh có giấy gì thì đưa giấy đó!
Không nói một lời, tôi rút ví túi quần sau, lấy giấy thông hành đưa ra. Y cầm xem qua rồi nói:
- Thế này không phải, xin mời anh về đồn.
Quả là lịch sự! Tôi đã thấy nhiều lần cảnh sát hỏi giấy người khác ở trên đường phố, nạt nộ:”Anh cho xem giấy tờ!”, hoặc “còn giấy gì nữa"” Còn ở đây, có thể y không phải một cảnh sát chuyên nghiệp, phần khác, tôi là người của chế độ khác mà, nhất lại là tiếp xúc buổi đầu. Hai tên chỉ đường tôi đi trước, chúng kèm sát phía sau. Một số đồng bào đang đi trên đường phố, đứng lại ngơ ngác nhìn theo.
Riêng mấy cái đuôi gần đó cũng nhìn theo, nét mặt chúng lộ vẻ nửa như vui mừng hết trách nhiệm, từ nay khỏi phải theo anh chàng lẩm cẩm này nữa, nửa như tò mò nhìn một con mồi đã vào cạm.
Hai tên cảnh sát giải tôi về phía Ngõ Huyện, thoáng chỗ góc là chiếc xe Citroen đen, tôi đã thấy trên đường đi Vinh, đang đậu. Khi tới bên cạnh xe, nhìn vào trong, tôi thấy ngay băng trên, ngồi cạnh tài xế là một lão mặc chiếc áo “vét” xám đeo kính râm, chừng 40 tuổi. Một tên cảnh sát mở cửa sau chui vào, tên ngoài ra hiệu tay bảo tôi lên. Như vậy là tôi ngồi giữa hai cảnh sát. Xe chạy.
Tôi hiểu rằng, phản gián Hà Nội đã phải mất quá nhiều công lao, mà chả thấy tôi làm cái quái gì cả. Cứ lêu bêu hết ngày này qua ngày khác, cho nên quyết định vồ. Tôi cũng chẳng có gì ngạc nhiên lắm. Từ lâu, tôi vẫn biết sẽ có một ngày như thế này. Dù vậy, theo đúng như những dự trù khi bị bắt, tôi vẫn phải vờ ngạc nhiên. Trên đường xe chạy, tôi ngơ ngác hỏi:
- Các ông đưa tôi đi đâu đây" Tôi có giấy tờ đầy đủ mà"
Tên mặc áo “vét” ngồi trên, quay xuống giọng cộc lốc:
- Cứ đi, sẽ biết!
Bây giờ thì không lịch sự nữa!
Xe đi vòng vèo qua nhiều phố, rẽ vào một phố nhỏ vắng, với cái biển tên đường phố: “Phố Hỏa Lò”. Chéo sang bên là bức tường đá cao sừng sững 7, 8 mét, bên trên cắm mảnh chai và giăng giây điện trần chằng chịt.
Từ ngày còn bé hồi xưa ở Hà Nội, và ngay cả lần này, từ khi đặt chân tới Hà Nội, tôi chưa từng đi đến phố Hỏa Lò. Vì vậy, tôi chưa thấy Hỏa Lò Hà Nội bao giờ.
Xe đỗ lại trước một chiếc cổng to đồ sộ đóng kín mít, với hai cánh cửa to tướng như cánh cửa thành ngày xưa. Từ một trong hai cái cổng nhỏ ở hai bên, một tên bộ đội bồng súng chạy ra. Sau khi xem miếng giấy do tên áo “vét” đưa, y đứng nghiêm chào theo lối quân sự, rồi chạy vội vào phía trong. Cửa lớn từ từ mở ra và chiếc Citroen chạy tuột vào. Hai tên cảnh sát giong tôi qua một cái sân rộng có trồng hoa, bên trên là một giàn nho lá xanh rờn.
Chúng dẫn tôi vào một cái buồng trống trơn, chỉ có một cái bàn với một cái ghế, trong đó đã có 4 tên trông rất hung thần. Hai phút sau, tên mặc áo “vét” đi vào, đặt cặp xuống bàn rồi lấy ra một tờ giấy, y ra hiệu tôi ngồi xuống ghế. Y đọc: “Lệnh giam giữ, Bộ Công An ra lệnh giam và xét hỏi tên Lê Viết Hùng, tuổi… quê quán… theo giấy thông hành giả…”. Một trong 4 tên hung thần giọng cộc lốc:
- Bỏ hết đồ và cởi quần áo ra!
Tôi vờ phản đối:
- Các ông bắt tôi về tội gì"
Tên mặc áo “vét” cau mặt quát:
- Đừng vờ vịt, hãy chấp hành lệnh!
Bốn tên hung thần như được lệnh, chúng xông đến, thằng thì lục túi dết, thằng thì cởi quần áo tôi, Tên mặc áo “vét” chỉ mặt tôi:
- Biết điều thì sống, không biết điều thì càng chết sớm!
Vì đã có chủ định, nên tôi chả nói gì nữa. Thằng áo “vét” ngồi bàn ghi biên bản. Trong một căn phòng nhỏ mà chúng bật đến 4 ngọn đèn sáng chói. Chúng đánh giá tôi quá cao, như là một điệp viên có hạng không bằng. Chúng dùng kính “lúp” soi hết vải quần áo của tôi từng chiếc khuy áo, khuy quần, đường chỉ… Một tên quát:
- Có máy ảnh không"
Tôi lơ ngơ:
- Máy ảnh gì"
Chúng nó tưởng tôi có máy ảnh nhỏ xíu giấu trong khuy áo, khuy quần, chúng khám hết, tên áo “vét” ghi từng thứ một. Còn cái quần đùi, chúng cũng bắt tôi lột. Tôi thấy ngượng, không muốn cho chúng cởi. Một thằng chỉ vào mặt tôi, quát:
- Cởi ra ngay, muốn ăn đòn hả"
Chúng nó xúm lại tôi, soi lỗ tai, bới tóc, lỗ mũi, lộn mi mắt, bắt há miệng, xem từng cái răng. Thật may, tôi dã phòng hờ “chì mật”. Từ khi ở Vinh ra lần thứ nhì, tôi đã mua một bó tăm tre. Tôi bỏ “chì mật” vào giữa, chỉ buộc bằng một sợi chỉ con, rất hớ hênh, nhưng vô tình rất khó thấy, mà có thấy thì chỉ thấy đó là một sợi ny lông. Chúng chỉ có thể nghĩ là người buộc tăm để vương vào, và chúng sẽ bỏ qua. Bó tăm chỉ chừng 20 cái, bé bằng hai ngón tay, nên chúng chẳng tháo ra làm gì.
Mặt tên nào cũng có vẻ tức tối. Chúng khám xét kỹ lưỡng, cả đôi dép Thái Lan, đồng hồ, bút máy, v.v… Nghĩa là người tôi không còn một cái gì là chúng bỏ qua, mà cũng không thấy gì cả. Cuối cùng, chúng bắt tôi đứng thẳng chân, cúi chống hai tay xuống nền nhà, một thằng vạch lỗ đít tôi, một thằng khác đưa một que sắt thọc vào. Đến đây, tôi phải trình bày một chi tiết hơi… thô tục một chút. Từ khi tôi bị chúng phát hiện, tôi ăn không ngon, ngủ không yên, tinh thần ngày đêm căng thẳng, như một con cá nằm trên thớt chờ ngày làm thịt. Vỉ thế, phân của tôi thường táo bón từng cục như phân dê, ba bốn bữa tôi mới đi ngoài một lần.
Do đó, khi thọc que vào thấy lục cục, mặt thằng thọc que tươi hẳn lên, làm cho mắt những tên kia cũng sáng lên long lanh. Chắc chúng nghĩ, đã khám hết mọi chỗ không có gì, mày giấu đây, làm sao qua mắt được chúng ông. Khi chúng kéo que sắt ra, những cục phân rơi lủng củng xuống nền nhà. Tôi rất tiếc, vì đang phải chống tay cúi đầu, nên không nhìn thấy nét mặt của chúng lúc này ra sao" Tôi chỉ thấy tên cầm que sắt vất mạnh vào góc nhà đầy vẻ bực tức, rồi hình như giận lây sang cả tôi, y phát mạnh một cái vào mông tôi rát ràn rạt, quát:
- Đứng dậy!
Hơn hai tiếng đồng hồ khám xét lục lọi, chả có cóc khô gì. Chúng vất lại cho tôi một cái lược sừng nhỏ, chiếc quần lót và chiếc khăn mặt. Tôi chỉ cái đồng hồ của tôi để trên bàn:
- Trả lại tôi cái đồng hồ!
Tên áo “vét” đập tay xuống bàn, đứng vọt dậy:
- Đồng hồ nào của anh! Đó là tang vật hoạt động của một tên gián điệp!
Tôi vờ giật mình:
- Sao" Tôi là gián điệp"
Y quát:
- Câm miệng lại!
Chúng vất cho tôi một bộ quần áo sọc xanh trắng:
- Mặc vào!
“Phải làm sao để lấy lại được gói tăm"” Tôi thầm nghĩ: Để đánh lạc hướng của chúng, tôi vờ xuống nước năn nỉ:


- Tôi có răng sâu, đau lắm, các ông cho bàn chải và hộp thuốc đánh răng!
Chúng ném cho tôi cái bàn chải, còn hộp thuốc đánh răng, chúng bóp hết rồi xé ra khám, dù bàn chải và thuốc tôi mua ở bờ hồ. Nhưng, đó chỉ là phụ, tôi vờ cho ngón tay vào hàm răng phía trong:
- Tôi có răng sâu, ăn uống xong, phải đánh răng hoặc xỉa răng. Các ông không cho tôi thuốc đánh răng, đành phải xỉa bằng tăm vậy. Các ông cho tôi xin gói tăm"
Một thằng cầm gói tăm lên, rồi ném cho tôi. Thế là ổn rồi!
Khoảng 11 giờ trưa, một tên mặc quần áo cảnh sát có đeo hàm trung sĩ, nhưng không đội mũ, khoảng 35 tuổi, y vào buồng ra hiệu cho tôi đi theo y. Tôi đi trước, y đi sau ngoắc ngón tay chỉ đường cho tôi.
Qua bốn, năm lần cửa sắt. Khi đi qua một cái sân nhỏ, dưới gốc cây bàng, tôi thấy một anh cởi trần trùng trục, đang cúi gầm mặt xuống như mang nặng một nỗi niềm suy tư. Khi tên cảnh sát giong tôi đi qua, anh ngửng lên nhìn, anh bị chột mắt bên trái. Tôi chợt nhớ ra những ngày lang thang trên đường phố Hà Nội, trong một hiệu sách, tôi có mở xem cuốn C-47, trong đó có hình anh, chột một mắt trái, Trung Úy Phi Công Phan Thanh Vân.
Anh nhìn tôi, tôi nhìn anh. Tôi biết anh, nhưng anh không biết tôi. Anh sẽ tưởng tôi cũng như trăm ngàn người tù khác ở miền Bắc mới bị bắt vào.
Tên cảnh sát dẫn tôi mãi vào một hành lang nhỏ tối, sâu hun hút. Qua một cửa sắt nữa, tôi nhìn thấy một dẫy buồng, mỗi cửa buồng mang một số. Tên cảnh sát giao tôi cho cũng một tên mặc đồ vàng, cũng đeo lon Trung sĩ. Tên này nét mặt rất ác ôn, cái mũi đỏ như quả cà chua con ở giữa mặt. Chúng nói nhỏ gì với nhau tôi không nghe rõ. Tên mũi cà chua mặt lầm lì, vẫy tay bảo tôi theo. Y rút chùm chìa khóa to tướng kêu xeng xẻng ở dây lưng, lấy một chìa “mở buồng số 6”.
Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa hề trông thấy nhà tù lần nào cả, vì thế, từ khi bước vào cổng Hỏa Lò, tôi nhìn cái gì cũng lạ, từ những cánh cửa sắt to, những chiếc khóa lớn, vắng lặng, tịch mịch, âm u…
Khi tên mũi cà chua mở cửa buồng, tôi nhìn vào thấy tối lờ mờ. Căn buồng rất hẹp, mỗi bề chỉ chừng 2 mét. Hai bên sát tường, mỗi bên có một sàn xi măng, không có chiếu, mỗi sân rộng từ 65 đến 70 phân, cao hơn mặt nền chừng 60 phân, dưới gầm trống trơn, đen xì. Giữa là một lối đi khoảng 60, 70 phân. Trên mỗi sàn có một cái cùm sắt to tổ bố, gắn liền xuống sàn.
Tôi đang mở to mắt lạ lùng nhìn, chưa bước vào, đột nhiên, tên mũi cà chua đập mạnh vào gáy tôi, rồi y hẩy tôi vào:
- Đi vào! Lững lờ cái gì"
Là một thanh niên sống dưới chế độ Cộng Hòa, Dân Chủ, tôi đã được hấp thụ nhiều khuynh hướng tư tưởng tự do, mà giai đoạn ấy ở miền Nam, chủ nghĩa Nhân Vị của tổng thống Ngô Đình Diệm đang được đề cao, phát triển. Mang một ý niệm, có tội thì xử tù hay bắn, chứ nhân phẩm, tự do cá nhân không được xâm phạm. Vì vậy, mắt tôi nóng lên. Tôi lùi lại như để lấy thế, mắt nẩy lửa nhìn y như muốn ăn tươi nuốt sống, tôi chỉ vào mặt tên mũi cà chua:
- Tôi biết hiến pháp nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là không đánh người. Do đó, nếu ông đánh tôi, là tôi đánh lại!
Nhìn thái độ quyết tử của tôi lúc đó, y cũng chờn, vì thế, y xuống nước:
- Thì tôi bảo anh vào chứ làm sao!
Rồi y ra phía ngoài, rút cái chốt cùm. Trở vào, y nhấc nửa phần trên cái cùm cho há ra:
- Anh bỏ chân vào!
Tôi ngồi ghệ mông vào chiếc sàn xi măng, từ từ tôi nhấc một chân đặt vào một lỗ cùm… Y lừ lừ nói tiếp:
- Bỏ cả chân kia nữa!
Tôi phải xoay người lại, rồi cũng từ từ chậm chạp bỏ một chân nữa. Y lấy tay xập mạnh cái cùm xuống đánh “xầm” một cái. Sắt trên và sắt dưới dập mạnh vào nhau, bật ra tiếng chát chúa. Y quay ra ngoài, đút chốt cùm, đóng xầm cửa lại.
Chừng 10 phút sau bỗng cửa lại mở. Lần này y vào cầm trong tay một chiếc gậy gỗ, dài độ 50 phân, to bằng cán xẻng. Y trợn to cặp mắt trắng dã, quả cà chua trước mặt y càng đỏ loét. Phía sau y, bên ngoài cửa, thấp thoáng còn thấy một tên nữa. Y vào là quật tôi ngay, miệng luôn luôn chửi:
- Đ. M. mày! Ngang bướng này!
- Mày biệt kích, gián điệp này!
- Đ. M. chúng mày, ra phá hoại miền Bắc này!…
Nó quật tôi túi bụi, tôi phải giơ tay đỡ. Người tôi sôi lên sùng sục, tôi gầm lên:
- Đ. M. chúng mày hèn hạ! Cùm tao vào rồi mới đánh!
- Chúng mày là lũ dã man!…
Máu ở tay và chân tôi đã chảy. Tôi không còn biết đau nữa. Nó quật tôi hàng chục cái lia lịa, rồi ra. Trước khi ra, nó chỉ cái gậy vào mặt tôi:
- Cho con chết, con ạ!
Rồi đóng cửa, cài then. Tay tôi sưng tím, nhiều chỗ nổi cục, vai và lưng đau ê ẩm. Máu tay nhiều chỗ chảy đỏ cả bộ quần áo sọc trắng. Chân tôi, lúc vặn vẹo đỡ gậy nó vụt, bị cạnh của chiếc cùm sắc cứa làm máu chảy nhiều chỗ.
Lúc này, tôi uất hận quá, không thiết sống nữa. Như thế này rồi cũng chết thôi. Phải chịu bao nhiêu đau đớn nữa rồi cũng chết. Vậy thì chết trước, khỏi khổ.
Qua sách báo của Cộng Sản, qua các cuộc phỏng vấn những người vượt tuyến ở Gia Định trước đây, tôi biết là: Lãnh tụ của Cộng Sản thì chúng coi như thần thánh, ai xúc phạm, chúng sẽ giết ngay. Nghĩ như vậy, nhất là nhìn máu chảy tứ tung, chỗ nào cũng máu, uất hận ngập trời, tôi gầm lên:
- Đ. M. thằng Hồ Chí Minh!
- Đả đảo thằng Hồ Chí Minh! Chúng mày làm cả dân tộc lầm than, đau thương, cùng khổ!
Tôi cứ thế gào lên, mục đích mong chúng mang súng vào cho mấy phát. Tôi chẳng thiết sống nữa! Một đứa mở chiếc cửa sổ nhỏ tí ở giữa cửa lớn:
- Im ngay cái mồm, không thì chết đấy con!
Tôi chẳng trông rõ ai cả, tôi hét lên:
- Đả đảo thằng Hồ Chí Minh!
Một lúc sau, cửa lớn mở, ba thằng bước vào, có cả thằng mũi cà chua đã đánh tôi khi nãy. Chúng mang vào một cái khung sắt, loại sắt tròn, đường kính độ 1 phân rưỡi. Chẳng nói năng gì, một thằng bẻ quặt hai tay tôi ra sau, khóa lại bằng chiếc khóa số 8. Hai thằng lắp cái khung sắt vào đầu và cằm tôi, rồi chúng vặn ốc “vít” ở dưới cằm.
Hai hàm răng của tôi bị cái “cùm mồm” xiết chặt lại, một miếng sắt mỏng 3x6 phân, 2 bên có lò xo ép chặt mồm tôi lại. Nói và chửi bây giờ không thành tiếng nữa, chỉ là những âm thanh ú ớ, xìn xịt. Trước khi ra, chúng còn đe:
- Con sẽ chết, con ơi!
Sau khi cửa đóng, chỗ máu ở chân tôi vẩn chảy. Bây giờ tôi không nằm được, cũng không xoay trở gì được nữa. Hai tay bị khóa đàng sau, hai chân trong cùm sát xuống sàn, mấy chỗ sưng ở tay bắt đầu thấy ngứa. Bây giờ, tôi cảm thấy ngứa khắp cả người. Thái dương giật giật liên hồi, người tôi nóng ran, mắt hoa lên quay cuồng.
Chừng 4 tiếng đồng hồ sau, tự nhiên người tôi cứ đảo lộn, quay cuồng như chong chóng. Chỉ còn một thế duy nhất là gục dựa đầu vào tường, mắt nhắm nghiền. Một luồng hơi nóng như lửa chạy từ bụng lên ngực, rồi lên đầu, rồi tôi không biết gì nữa.
Khi tôi tỉnh lại, trời đã sáng. Như vậy, tôi đã ngất xỉu qua đêm. Tôi thấy tay chân tê dại và nặng như chì, cả người tôi đau đớn, nhức mỏi rã rời. Tôi chỉ còn hai cái vai ngúc ngắc, rung lên vì ngứa. Mãi lâu lắm, thấy chiếc cửa sổ nhỏ mở ra, rồi một giọng hỏi:
- Mày còn già mồm nữa không"
Tôi mở mắt nhìn, nhưng vẫn ngồi dựa tường bất động. Bây giờ còn chưởi làm sao được nữa! Thấy tôi vẫn ngồi yên, cửa sổ đóng lại. Người tôi lúc đó thật là kinh khủng. Cả chân tay tôi cứ giật giật như bị kinh phong. Chết không chết được. Nếu ai giết tôi lúc này là họ gia ân cho tôi. Bây giờ ngồi viết lại, nghĩ đến tình cảnh lúc ấy, cón thấy kinh hoàng và nỗi hận thù vẫn còn dâng cao như núi.
Rồi, tôi xỉu đi lần nữa. Lúc xỉu đi là lúc hạnh phúc. Nhưng tỉnh lại, thì lại kinh khủng quá! Tôi không ngờ chúng nó lại có cái trò ác độc thế này. Tôi chửi chúng để cầu mong chúng cho vài phát đạn. Nếu chúng bắn tôi chết, hòa cả làng. Tôi chết rồi, biết quái gì nữa.
Không biết lúc này là mấy giờ rồi" Ôi, loài người thật dã man! Bây giờ, có muốn cắn lưỡi cũng không làm sao cắn được.
Mãi một lúc lâu lắm, cửa nhỏ lại xịch mở. Vẫn cái giọng lúc sáng:
- Mày còn chửi nữa không"
Tôi thấy rằng thôi, hãy chịu chúng nó lúc này, sau sẽ tính, chúng nó không giết mà cứ cùm kiểu này, chịu sao nổi. Vì vậy, tôi nhìn ra cửa sổ ngút ngắc cái đầu. Chúng nó lại đóng cửa sổ lại. Tôi tưởng mình chịu thua, chịu xuống xề, chúng nó sẽ tha cùm tay, cùm mồm ngay. Nhưng bặt đi, mãi tới gần chiều mới thấy cửa lớn mở và hai tên đi vào. Tôi không thấy tên mũi cà chua. Chúng nó đến bên cạnh tôi, một thằng đập tay vào vai tôi giọng giễu cợt:
- Thế nào, mày còn cương nữa hay biết hãi rồi"
Tôi vẫn ngúc ngắc cái đầu. Chúng vừa tháo cùm mồm, cùm tay tôi, vừa nói:
- Mày đã vào đây mà không biết điều thì chỉ có một con đường là chết khổ. Bao nhiêu thằng ba đầu, sáu tai, mọc bao nhiêu cái sừng chúng tao cũng vặn hết. Từ nay phải biết điều, nghe không"
Tôi chẳng nói năng gì cả, hai tay như xuội ra, không nhấc lên được nữa. Tôi mệt rã rượi như người không xương. Người tôi lại thấy ngây ngất sốt, tôi nằm phịch xuống sàn. Chúng nó ra ngoài, tôi thoáng thấy chúng đưa vào một cái gì, có lẽ là cơm, để lên phía đầu tôi:
- Cơm đấy, ăn đi! Chốc nữa tao lại lấy bát.
Đêm hôm đó, một cơn sốt lên dữ dội. Tôi mê man rên rỉ suốt đêm. Cả người tôi đau như giần. Cứ thiếp đi một lúc, rồi lại tỉnh. Miệng lảm nhảm chỉ kêu “mẹ ơi!”
Tôi cầu xin Chúa, xin Trời cho tôi chết đi. Tôi vừa sốt, vừa đau. Hai chân tôi trong cùm tê dại, đau buốt. Bát cơm gạo hẩm và đôi đũa vào từ lúc chúng tháo cùm mồm tôi ra vẫn để lỏng chỏng trên sàn, phía trên đầu tôi. Tôi không muốn ăn uống gì cả, dù đã hai ngày, trừ lúc sáng sớm hôm qua, tôi ăn một ổ bánh mì nhỏ ở bờ hồ khi chưa bị bắt. Miệng tôi đắng và khô, không nhổ ra nước bọt.
Sáng hôm sau là thứ Ba. Tôi nằm nghe loáng thoáng có nhiều tiếng phụ nữ cười nói và tiếng nước chảy, như đang có người tắm giặt ở đàng sau tường phía đầu tôi. Nghe những lời qua tiếng lại, tôi biết họ cũng là tù, và ngay sau buồng tôi là bể nước họ giặt giũ, tắm rửa.
Cửa sổ nhỏ bỗng mở, tôi nhìn ra chẳng rõ ai. Rồi nghe lẻng xẻng tiếng chìa khóa mở cửa buồng. Một ông chừng 60 tuổi, đầu đã bạc, mặc thường phục, đeo kính trắng bước vào buồng, theo sau có mấy người nữa. Ông hỏi, giọng miền Nam:
- Anh không ăn cơm à"
Tôi lắc đầu:
- Tôi sốt.
Y quay lại nói gì với mấy tên phía sau. Tôi thấy chốt cùm kéo ra, một tên nhìn tôi:
- Anh bỏ chân ra!
Tôi ngồi dậy, mỏi mệt nhấc cái nửa cùm phía trên, rồi chậm chạp nhấc hai chân ra. Máu chảy ra mặt dưới cùm và ống quần tôi đã đen lại. Ông già đeo kính trắng có vẻ khuyên răn:
- Anh đã vào đây, đừng bướng bỉnh. Phải ngoan ngoãn biết điều, lợi cho anh. Nếu không, chỉ thiệt thân.
Một lúc sau, một người ném vào chỗ tôi một bộ quần áo nữa, cũng sọc, nhưng đã cũ:
- Cho anh thêm bộ này. Thay bộ quần áo đó ra, giặt đi.
Chúng nhìn thấy quần và áo tôi đầy máu đen. Ông già và mấy người đi ra. Tôi chẳng biết ông già làm gì, có vẻ tử tế. Một lúc sau, cửa lại mở, một tên áo vàng chừng độ 40 tuổi, đeo lon hạ sĩ, vào hỏi tôi:
- Tên anh là gì"
Tôi nhìn lão: "Lê Viết Hùng."
- Tôi hỏi tên thật của anh ở Sài Gòn cơ"
Tôi đáp: "Đặng Chí Bình."
Lão nghiêm giọng:
- Tôi là cán bộ coi xà lim này. Vậy từ nay anh phải nghiêm chỉnh chấp hành mọi nội quy ở đây. Không được la ó, ca hát. Không được quan hệ, nói chuyện với buồng bên cạnh. Không được mang bất cứ loại kim khí nào vào trong buồng. Mỗi buổi sáng mang bô phân, nước giải của mình vào nhà tắm, đổ vào lổ xí, tráng nước trong 5 phút. Nếu bị cùm kỷ luật, một tuần chỉ mở cùm cho đổ bô một lần vào sáng thứ sáu. Một tuần, tắm giặt hai lần vào thứ Hai và thứ Sáu, mỗi lần không quá 15 phút. Nếu anh vi phạm, tùy theo mức độ, sẽ bị kỷ luật cùm một chân, hoặc cùm hai chân, hoặc đưa đi “cát xô”. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.