Hôm nay,  

Việt Nam: Chống Để Xây Hay Để Phá?

05/08/200500:00:00(Xem: 4953)
Đảng CSVN Cuống Lên Hoá Dại Trước Con Ma Internet
Hoa Thịnh Đốn.- Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) đã ra nhiều chỉ thị ngăn chặn các websites được gọi là “đen” và “phản động”, nhưng càng chống họ càng chéo và càng cố gắng xây họ càng đẩy dân đến chậm tiến, lạc hậu. Trước hết hãy nói về dịch vụ thương mại. Không ai biết trên toàn cõi Việt Nam hiện nay có bao nhiêu địa điểm cho thuê máy điện tử để truy nhập mạng lưới thông tin toàn cầu. Riêng Sài Gòn đã có ngót 3000 địa điểm mà vẫn không đủ phục vụ cho nhu cầu khách hàng mỗi ngày một tăng.
Theo Thông tư liên tịch số 02/2005 ngày 14-7-2005 của liên bộ Bưu chính - Viễn thông, Văn hóa - Thông tin, Công an, Kế hoạch - Đầu tư về quản lý đại lý Internet thì “Các đại lý Internet chỉ được hoạt động từ 6 giờ đến 24 giờ; người sử dụng phải có độ tuổi từ 14 trở lên, nếu dưới độ tuổi đó phải có người lớn đi kèm.”
“Tất cả các khách hàng đến truy cập internet công cộng phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc các giấy tờ có liên quan để đại lý internet kiểm tra và lưu các thông tin về khách hàng.”
“Chủ đại lý Internet tối thiểu phải có trình độ A quản lý tin học, nếu không đạt trình độ đó, chủ đại lý phải thuê người có trình độ tin học A trở lên làm quản lý. Trong thời hạn sáu tháng kể từ khi cung cấp dịch vụ, chủ đại lý phải trải qua một lớp tập huấn do doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet tổ chức hướng dẫn về các quy định quản lý đối với dịch vụ internet, các quy định về an toàn an ninh thông tin, các giải pháp kỹ thuật phù hợp để đại lý thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ vào những mục đích lành mạnh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những khách hàng có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet.”
Và họ phải : “Cài đặt chương trình phần mềm quản lý đại lý internet, đồng thời thực hiện các giải pháp kỹ thuật bảo đảm ngăn chặn người sử dụng truy cập đến các trang Web có nội dung xấu trên internet. Lập sổ đăng ký sử dụng dịch vụ, trong đó thống kê đầy đủ, chi tiết thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm họ tên; địa chỉ thường trú; số chứng minh nhân dân, hộ chiếu (đối với người nước ngoài) hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý khác như thẻ nghiệp vụ, bằng lái xe, thẻ học sinh, sinh viên... và vị trí máy tính mà người sử dụng dịch vụ đã sử dụng.”
Chưa hết, các chủ Đại lý còn có bổn phận: “ Lưu giữ bằng phần mềm quản lý đại lý thông tin về người sử dụng dịch vụ bao gồm địa chỉ đã truy cập, loại hình dịch vụ, thời gian sử dụng internet trong thời gian 30 ngày để phục vụ cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm an ninh thông tin.”
Báo Sài Gòn Giải Phóng hỏi độc giả : Ý kiến của bạn về vấn đề này như thế nào"
Khiết Hưng đáp : “ Trên thực tế, có đến 50% các bậc phụ huynh của những cháu lứa tuổi 14 trở xuống gần như không biết Internet là gì. Vậy thì có thể đặt ngay câu hỏi, có bao nhiêu ông bố bà mẹ sẵn sàng bỏ ra hàng tiếng đồng hồ để ngồi truy cập Internet với cái con mình"
Tuy nhiên, sự vô lý theo kiểu "trẻ con không được ăn thịt chó" đấy cũng không ăn thua gì so với việc người lớn muốn truy cập Internet phải xuất trình cho đủ các loại giấy tờ tùy thân để quản lý cửa hàng ghi lại theo dõi.
Không ai người ta muốn vào một điểm truy cập Internet công cộng, bỏ tiền ra lại phải trình chứng minh thư. Họ không vào một công ty, một sở công an, họ vào một nơi công cộng, tự nhiên phải trình chứng minh thư ra sau đó bị ghi vào sổ.
Rất nhiều chủ quán Internet cho rằng điều này không giải quyết được vấn đề gì cả mà chỉ làm cho các quán Internet mất khách. Có người so sánh, bây giờ như thế hoá ra là đi chợ mua một mớ rau cũng phải giở chứng minh thư ra để nói tôi tên như thế này.”
Nguyễn Ngọc Thảo Nguyên : “ Hầu hết những người truy cập Internet hiện nay tại các dịch vụ là kiểm tra thư từ, gọi điện thoại quốc tế, các em nhỏ thì chơi games, chat với bạn bè, nghe nhạc hoặc truy cập các forum phù hợp với lứa tuổi các em... Không chủ dịch vụ nào lại dại dột cho khách truy cập những trang web xấu và phản động vì họ hoàn toàn ý thức rằng thiệt hại là rất lớn (họ sẽ bị phạt rất nặng và có thể bị thu hồi giấy phép) so với cái lợi cỏn con mà họ thu được (3.000 đồng hay 4.000 đồng/giờ).
Những người muốn xem phim khiêu dâm, chỉ cần bỏ ra khoảng chục nghìn mua một đĩa VCD bán đầy ngoài đường là về nhà có thể xem thoải mái, điều mà họ không thể tìm thấy trên các trang web khiêu dâm ngoại trừ họ có credit card (mà những người có khả năng sử dụng credit card thì dư sức sắm cho họ một dàn máy tính ở nhà có kết nối ADSL, không cần phải ra dịch vụ).
Những người phản động thì cũng không dại gì sử dụng dịch vụ để thực hiện các hành động của họ. Vậy việc kiểm tra CMND là cần thiết không" Chưa nói đây là biện pháp có thể là xâm phạm quyền tự do cá nhân. Việc này cũng giống như chặn một người đang lái xe ngoài đường lại, dù người này không phạm luật giao thông, và buộc họ phải xuất trình CMND với lý do để ngăn ngừa họ có thể phạm luật giao thông.
Nếu buộc chủ dịch vụ buộc phải có bằng A vi tính thì xin thưa rằng chỉ có trình độ ấy thì chẳng thể quản lý nổi một dịch vụ Internet (nếu không muốn nó phá sản). Điều này lại cho ta thấy tình trạng sính bằng cấp của các cơ quan quản lý.
Một chủ dịch vụ khi đã kinh doanh thì họ phải tự lo liệu (chứ không chờ đợi nhà nước phải lo cho họ) làm sao để cửa hàng đông khách và tuyệt đối là không vi phạm pháp luật. Bằng A vi tính không thể hoàn toàn làm giúp họ chuyện đó. Tuy vậy, nếu bắt buộc thì bằng A vi tính là chuyện nhỏ đối với họ.
Vậy đòi hỏi bằng A để làm gì hay chỉ làm rườm rà thêm một guồng máy đã quá nhiều thủ tục hành chính"”
Độc giả Bá Tân góp ý : “ Cũng cần thấy rằng cách mà cơ quan quản lý nhà nước đưa ra trong quản lý Internet công cộng chưa xuất phát từ cái gốc của vấn đề. Nói cho cùng, đại lý Internet công cộng chỉ là trung gian “tiêu thụ sản phẩm” của các nhà cung cấp dịch vụ. Họ thuê lại rồi tổ chức dịch vụ cho người vào truy nhập. Đến đây thì thấy rõ sự bất hợp lý: các điểm truy cập Internet công cộng phải chịu trách nhiệm chính từ sản phẩm của nhà cung cấp dịch vụ. Tức là thông tư đang nhằm vào phần ngọn của vấn đề!

Thông tư liên tịch quản lý Internet công cộng hiện chỉ là biện pháp mang tính hành chính. Trong khi ngay từ đầu, vào thời điểm quản lý Internet công cộng chưa phải là vấn đề lớn thì Chỉ thị 58/CT/TƯ ngày 17-10-2000 của Bộ Chính trị đã nêu: “Xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin theo phương châm năng lực quản lý theo kịp tốc độ phát triển…”.
Vậy căn cứ trên tình hình hiện nay và nội dung mà thông tư đề cập có thể thấy rằng năng lực quản lý của cơ quan nhà nước với Internet công cộng đã không theo kịp tốc độ phát triển. Hay về mặt nào đó, các cơ quan liên quan vẫn chưa thực hiện tốt những điều mà Chỉ thị 58/CT/TƯ nêu ra.
Quản lý Internet công cộng khó khăn, một phần còn do thông tin, sản phẩm mạng đã Việt hóa của chúng ta chưa phong phú, chưa đủ sức đánh bật những website đen. Nói theo nghĩa khác, nội lực của ta còn yếu nên bị ngoại lực lấn lướt. Từ thực tế này, đã đến lúc đặt lại vấn đề: quản lý Internet công cộng nên nhằm vào đâu" Chỉ chạy theo phần ngọn, còn gốc thì… “quên”, cho nên gốc bế tắc liền “đè” lên ngọn là vậy!”

LẠI TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ
Tưởng quản lý bất khả dụng như thế chưa đủ, ngày 22-7-2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng lại ra Chỉ thị số 52-CT/TƯ về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay.
Chỉ thị viết : “ Các cấp uỷ, tổ chức đảng ở Trung ương và địa phương, các cơ quan báo điện tử và cơ quan báo chí có báo điện tử cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo, quản lý đối với báo chí điện tử; xây dựng các tờ báo điện tử ở nước ta có kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đúng đắn, phong phú về nội dung, sắc bén về định hướng, tính chiến đấu, có tính văn hoá, nghiệp vụ cao, thực sự là vũ khí sắc bén của Đảng và nhà nước.”
Để làm được như thế, đảng ra lệnh : “ Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, tầm quan trọng và tính hai mặt của Internet và báo điện tử để khai thác, sử dụng có hiệu quả mặt tích cực, đồng thời phòng ngừa, hạn chế mặt tiêu cực.
“Hai là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với báo điện tử và các mạng thông tin điện tử như sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách phát triển, quản lý báo điện tử và mạng Internet; phân định rõ báo điện tử và trang tin điện tử; kiên quyết khắc phục hoạt động dịch vụ Internet trái phép; ngăn chặn các trang tin điện tử phản động, đồi trụy; xây dựng chiến lược quản lý tài nguyên thông tin, quản lý tên miền, bảo đảm an ninh và an toàn mạng.
“Ba là, củng cố đội ngũ cán bộ quản lý, biên tập viên, kỹ thuật viên, quản trị kinh doanh báo điện tử có phẩm chất chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ và kỹ thuật.
“Bốn là, có kế hoạch đầu tư để các báo điện tử được trang bị kỹ thuật công nghệ hiện đại, mở rộng diện hoạt động của báo điện tử tới các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
“Năm là, mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm với nước ngoài về chuyên môn, nghiệp vụ và quản lý báo điện tử.”
Chỉ thị này còn : “ Yêu cầu Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Giáo dục Đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tốt việc tuyên truyền về báo điện tử để nhân dân và nhất là thế hệ trẻ sử dụng báo điện tử và Internet đúng mục đích, có hiệu quả; đồng thời động viên nhân dân phát hiện các hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ Internet trái pháp luật để xử lý kịp thời.”

NGUYÊN NHÂN GẦN VÀ XA
Sở dĩ đảng CSVN phải cấp thời ra công kiểm soát các mạng Internet trước kỳ Đại hội đảng Toàn quốc X dự trù vào tháng 4/2006 vì đảng này đang bị các lực lượng đấu tranh dân chủ tấn công từ trong và ngoài Việt Nam.
Những cán bộ làm công tác Tư tưởng gọi những người chống đảng ở ngoài nước là “lực lượng thù địch” và người ở trong nước là “các phần tử cơ hội”.
Qua các bài viết và phát biểu trong thời gian gần đây, đảng CSVN đã nhìn nhận đang phải đấu tranh với trận tuyến tư tưởng một mất một còn trên các mạng báo điện tử. Việc làm cho những người đứng đầu đảng hoang mang là càng ngày càng có nhiều bài lên tiếng của các Lão thành cách mạng, Cựu chiến binh và Trí thức cựu đảng viên từng có nhiều thành tích và được tuyên dương đã quay ra phê bình đảng gay gắt. Các bài viết của họ, kể cả những phát biểu trong các cuộc họp kín của Trung ương hay hạn chế nội bộ đảng cũng đã để lọt ra ngoài và phổ biến rộng rãi trên mạng Internet làm xấu mặt đảng.
Những người này đòi đảng phải bỏ Điều 4 Hiến pháp dành độc quyền lãnh đạo cho đảng, thay đổi chính sách cai trị độc tôn để tạo đoàn kết với các tần lớp nhân dân trong - ngoài Việt Nam. Họ cũng lên án đảng kéo dài bất lực trong việc phòng,chống tham nhũng, quan liêu và các tệ nạn cán bộ, đảng viên gây bè, kết phái làm giầu trên mồ hôi nước mắt nhân dân và tiếp tục cầm chân cả nước trong tình trạng tụt hậu và chậm tiến.
Tình trạng “tự vạch áo cho người xem lưng” từng được Ban Tư tưởng- Văn hoá Trung ương răn đe đội ngũ người làm báo trong thời kỳ xử vụ án Năm Cam không còn giá trị gì nữa. Những lời phát biểu “thẳng thừng” về tính bất cập, chậm tiến của đảng trước thời buổi văn minh điện tử của giáo sư Trần Văn Hà, Cựu thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Uỷ viên Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam hay của Tiến sỹ Lê Đăng Doanh,Nguyên Viện trưởng nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ngày 02/11/2004 bị lọt ra ngoài đã làm cho thành phần bảo thủ không thật lòng muốn đổi mới chính trị trong đảng nhăn nhó khó chịu.
Và họ càng bức xúc khi thấy thành phần trẻ càng ngày càng biết nhiều chuyện « thâm cung bí sử »,kể cả những chuyện xấu xa của các viên chức đảng lãnh đạo nên sinh ra nghi ngờ, thờ ơ với học thuyết Mác-Lênin và Tư tường Hồ Chí Minh. Chẳng hạn như những lời phê bình đảng đến tận xương tủy hồi tháng 4 vừa qua của bộ ba Võ Văn Kiệt (Cựu Thủ tướng), Lê Khả Phiêu (Cựu Tổng Bí thư) và Lê Đức Anh (Cựu Chủ tịch Nước) cũng đã được một số báo chí trong nước phổ biến không cần đợi được sự đồng ý của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương cũng đã làm cho Nông Đức Mạnh tối mặt !
Vậy thì những biện pháp kiểm soát Internet có giúp cho bộ mặt đảng sáng thêm chút nào không hay nó càng làm cho đảng mờ nhạt trước con mắt của quần chúng và của thế giới "
Và đến bao giờ thì đảng mới nhìn ra là càng chống nó càng xiêu và càng đỡ nó càng đổ "
Phạm Trần (8/05)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.