Hôm nay,  

Nhã Ca Ra Mắt Bạn Đọc San Jose: Sách Mới “Đường Tự Do, Saigon”

04/05/200700:00:00(Xem: 4435)

Bìa sách “Đường Tự Do Saigon”

   VietPress USA): Nhà văn Nhã Ca, Chủ Nhiệm sáng lập hệ thống Nhật Báo Việt Báo và VietBao Online (www.vietbao.com) sẽ chính thức ra mắt tác phẩm mới nhất mang tên “Đường Tự Do, Saigon” vào lúc 02:00pm chiều Thứ Bảy, 05-5-2007 tại Thư Viện Cộng Đồng Tully, số 880 Tully Road, San Jose, CA 95111 (phòng Cộng Đồng – Community Room).

Sau hơn 40 tác phẩm đã xuất bản, đây là bộ sách “nặng ký” nhất của Nhã Ca: 4 cuốn, 2, 560 trang. Tiểu thuyết ‘Đường Tự Do, Saigon’  đã đăng tải trên Việt Báo liên tục hơn 10 năm, từ 1993 tới 2003. Sau hai năm sửa chữa, thêm bớt, tác phẩm được sắp xếp thành bộ truyện gồm 4 cuốn.  mỗi cuốn 640 trang, có cốt truyện riêng, nhân vật riêng,  tình tiết riêng.  Tất cả hợp lại thành một trường thiên tiểu thuyết viết về những nhân vật và khung cảnh khác thường của Saigon đổi đời sau 1975. 

Buổi ra mắt sách của nhà văn Nhã Ca được tổ chức bởi chương trình “Viet Reads” của San Jose Public Library thực hiện với sự bảo trợ của Học Viện Về Bảo Tàng Và Dịch Vụ Thư Viện Hoa Kỳ tại Tiểu Bang California.

Ban tổ chức chương trình Viet Reads cho biết đã có rất nhiều đọc giả muốn tham dự buổi ra mắt tác phẩm mới của nhà văn Nhã Ca nên đã gọi đến số Điện thoại 408-808-3030 để giữ chỗ trước, tuy nhiên, đây là buổi sinh hoạt vào cửa tự do. Nhà văn Nhã Ca sẽ có mặt tại thư viện từ trước 2 giờ để chờ đón thân hữu và bạn đọc.

Thư viện Cộng Đồng Tully là một thư viện mới được xây dựng và khánh thành vào năm rồi. Phòng cộng đồng (Community Room) nơi bạn đọc San Jose sẽ có dịp gặp gỡ nhà văn Nhã Ca khá rộng rãi, tiện nghi, với bãi đậu xe rộng rãi, miễn phí.

Ngoài ra Thư Viện Tully còn phục vụ giải khát cho mọi người đến tham dự buổi ra mắt sách nầy nhằm giúp bà con người Mỹ gốc Việt có dịp làm quen, trao đổi các vấn đề liên quan đến tác phẩm với các tác giả đồng hương; cũng như giúp các cộng đồng bạn hiểu thêm về các tác giả, tác phẩm và văn chương, văn hóa Việt tại Hoa Ky.

Nhã Ca

  Ban tổ chức thông báo rằng theo quy định của Bộ Luật Cho Người Mỹ Khuyết Tật, những người khuyết tật hoặc già yếu nên gọi điện thoại số 408-808-2397 hoặc số 408-808-2130 ít nhất là một giờ trước để được sắp xếp ghế ngồi thích hợp. (Hạnh Dương).
NHÃ CA VÀ ĐƯỜNG TỰ DO SAIGON

Nhân dịp nhà văn Nhã Ca ra mắt sách “Đường Tự Do Saigon” tại San Jose, Việt Báo Online trân trọng giới thiệu “Hai đoạn mở truyện” do Mai Thảo và Nhã Ca cùng viết về Đường Tự Do. Tiếp theo là bài của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, trích từ tạp chí Văn tháng 11-2005, số đặc biệt về Nhã Ca và tác phẩm.

*

Hai Đoạn Mở Truyện Đường Tư Do Saigon

I. MAI THẢO

   Viết Về Đường Tự Do

Đó là thời gian mười một tháng sau tháng Tư 1975, một số bạn thân chung như Cung Tiến, Nguyên Sa, Túy Hồng, Thanh Nam, Đỗ Quí Toàn đã đi thoát. Ba anh em cùng nằm trong số văn nghệ sĩ kẹt lại với Saigon đổi chủ, còn được để yên, gặp nhau mỗi ngày. Cuối cùng là mấy tháng trước vượt biển sau hai năm bị truy lùng của tôi. Từ còn mút mùa ở một trại cải tạo Pleiku, Nhã được thả về, can trường đón anh Mai Thảo cùng đường về nằm ẩn trên căn lầu số 142 đường Tự Do của mẹ con Nhã, lặn lội tìm đường cho tôi ra biển nữa.

Hai tháng nằm ẩn dưới mái nhà Từ Nhã, giữa hồng thủy chìm đắm, —sáng sáng cháu Sớm Mai đi mua cà phê lén đưa lên lầu cho “bác Ba”, trưa trưa ngồi địch cờ tướng với ông vua cờ tí nhau là cháu Phương Đông, Nhã thì đối phó với chế độ ở cửa hàng tầng dưới— là lúc tôi được biết nhiều nhất về quá khứ Từ Nhã. Về những tiếng cười, những giọt lệ của đời họ. Về những ân tình họ đã có, những xấp ngửa họ đã gặp.

Qua những đêm khuya, con đường Tự Do phía dưới bằn bặt trong giới nghiêm cộng sản, Nhã đóng cửa hàng, lên lầu, hai anh em ngồi trò truyện với nhau, cùng ôn lại những buồn vui cũ. Với hình ảnh Từ ở xa, không biết sống chết thế nào, giữa một vùng rừng núi Tây Nguyên.

. . .

Nhà văn Mai Thảo nói về Nhã Ca tại San Jose tháng 10, 1989

  Tôi muốn dùng lại hai chữ “tâm thái” để nói về thân gần giữa tôi với vợ chồng Từ Nhã.

Tâm thái đấy. Tâm thái thôi.

Và thấy. Và có. Thấy và có.

Như những đêm say ngất và ngủ lại Hoàng Hoa Thám, sáng dậy bật cười thấy chai rượu còn ôm chặt trong tay.

Như cái buổi trưa trốn tránh, mệt lả, cùng đường, Nhã mở cửa cho tôi vào, đóng cửa lại, nói giản dị: “Tạm coi như chỉ dấu anh được một tuần lễ. Sau đó thế nào lại tính.” Tâm thái. Thấy và có. Như cái lần đầu đi thăm nuôi Từ ở Pleiku, Nhã hỏi nhỏ chồng: “Em đã đưa anh Mai Thảo về nằm ẩn trên lầu, có sao không"” Và Từ: “Anh Thảo đang ở nhà ta hả" Em làm sao cho đừng xẩy ra chuyện gì là được.”

Như cái buổi chiều ngày 3 tháng 12, 1977 của lần ra biển thứ hai, cái buổi chiều không bao giờ tôi quên. Sau bữa nhậu trên căn lầu số 142 đường Tự Do tiễn người ra nghìn trùng tìm đường sống Nhã và mấy cậu em nuôi giang hồ đãi tôi bằng rượu đế và heo quay Chợ Cũ, phút chia tay tôi không thấy cần phải tỏ hiện với Nhã một tình cảm nào. Chỉ cầm lấy tay: “Tôi đi nhé, Nhã.” Và Nhã, gật: “Mong anh đi lần này may mắn hơn lần trước. Tới nơi báo tin ngay về cho ở nhà vui.”

Rồi mở cửa sau, nhìn theo tôi đi.

. . .

Từ Nhã, một buổi chiều 13 năm trước, trong đại họa lớn nhất xẩy ra cho đời mình và từ một khung cửa Nhã đứng, tôi đã đi thoát được. Đã sống. Mười ba năm sau đến lượt Từ Nhã cũng ra được nước ngoài, sau cơn hồng thủy.

Những xâu chuỗi cùng tắc biến của anh em ta có nhiều mặt. Những may mắn, thật bất ngờ, cũng vậy. Tôi thì vì được yên lành sau hai tháng nằm ẩn cheo leo dưới mái nhà Từ Nhã, có đêm công an phường ập vào xét, Nhã phải chỉ cho tôi leo lên nằm ẩn ở một gờ mái. May mắn nữa vì Nhã tìm ra được đường dây vượt biển, giao được tôi cho tổ chức đưa người. Từ Nhã thì là Thụy Điển. Sự can thiệp tuyệt đẹp của chính phủ, thủ tướng, Văn Bút Thụy Điển.

Nhưng trên hết thẩy những may mắn, những cùng tắc biến ấy của anh em ta, tôi còn thấy một điều khác.

Là tâm thái. Là cái áng mây thanh thoát, cái giải nắng thanh thản ấy của tâm thái. Một tâm thái nào đó.

Giữa ta với người.

Giữa ta với đời.

Giữa anh em ta.

Mai Thảo

(tạp chí Văn, tháng Tư, 1989, số đặc biệt

chào mừng Trần Dạ Từ-Nhã Ca tới Thụy Điển)
II. NHÃ CA

Từ Một Mảnh Đêm Xưa

Chân dung Nhã Ca, 1976 (Sơn dầu Nguyễn Trung)

   Một đầu, dòng sông Saigon lấp lánh. Một đầu khác, tượng bà mẹ trắng toát trước Vương Cung Thánh Đường. Lòng đường hẹp mà vỉa hè rộng. Con đường ấy, một thời, ngắn ngủi thôi, mang tên là Tự Do. Tên cũ của nó, thời Pháp: Catinat. Tên mới, thời Cộng sản: Đồng Khởi.

Không biết đã hoặc sẽ còn những tên nào nữa.

Với tôi, mãi mãi, con đường ấy mang tên là Tự Do.

Chính từ con đường này, tôi đã cùng bạn hữu lang thang thời tuổi trẻ ngông cuồng, đã cùng con cái cố thủ những năm bị tù đầy, săn đuổi, trù dập. Đó cũng là nơi tôi được nhìn lần sau cùng bà con thành phố quê hương trước khi phải sống đời lưu vong. Ân nghĩa con đường ấy cho tôi không cách gì kể hết. Nó nhất định mãi mãi phải là đường Tự Do.

Đủ loại gót giầy, từ Nam chí Bắc, từ năm châu bốn biển, đã nện trên vỉa hè Tự Do. Không chỉ giầy dép. Thằng Bò, một em bé ăn mày, bằng cả bốn chân tay teo tóp đã bò lê trên vỉa hè ấy.

Không chỉ riêng em đâu, thằng Bò tội nghiệp, chính tôi, bằng tâm hồn teo tóp của mình, từ hơn mười năm nay, dù cách một đại dương, vẫn không ngừng lê la trên những vỉa hè cũ. Từ một mảnh đêm xưa.

. . .

“Mẹ à. Khuya rồi mẹ đi ngủ đi, mai còn có sức đi đường. Mai mẹ dậy mấy giờ"”

“Ba giờ sáng. Mẹ lên bến xe Bình Triệu sớm mới mua nổi vé chợ đen.”

“Rồi xích lô, mẹ đã...”

“Xong hết rồi, con. Mai bác Chín sẽ tới kêu cửa. Bác ấy cẩn thận lắm. Lần nào bác cũng ở lại cho tới lúc mẹ lên xe yên ổn, bác mới đạp về. Con cũng đi ngủ đi. Ở nhà, rán trông em.”

“Con đã coi lại các giỏ đồ. Gọn gàng hết rồi mẹ. Giờ mẹ đi ngủ một tí. Con còn viết nốt lá thư cho ba. Hôm nay mẹ có muốn con ngủ chung với mẹ không"”

“Không, con. Con đi ngủ trước, mẹ còn thức.”

“Vậy mẹ lên lầu đi. Con tắt đèn rồi lên luôn. Con sẽ cột con mèo nơi chân bàn. Các giỏ đồ con để hết lên bàn. Vậy là yên tâm về lũ chuột.”

Con mèo đang quấn quít bên chân. Con vật dễ thương biết bao. Lần nào sửa soạn đi thăm nuôi, nó cũng giữ nhiệm vụ canh đồ. Rồi nữa, một tuần lễ tôi vắng nhà, nó nằm khoanh tròn trên đôi dép để lại trước cửa phòng. Đã vài ba lần nó bị nhóm bụi đời bắt hụt, về tới nhà, râu ria nhẵn nhụi, lông lá xơ xác, nhưng kêu réo ồn ào, quấn lấy tụi nhỏ. Nó kêu la những gì, không có lời. Bé Ti nhè, con gái út của tôi “thuyết minh” dùm: nó đang kể về vụ thoát nạn của nó, mẹ. Con thấy mấy người bụi đời bên công viên bắt mèo nướng ăn hoài. Ê, miu, mày đừng lang thang nghe miu.

Ti nhè, đâu có chịu ngủ một mình. Nó lấp ló đợi mẹ. Tôi dặn Sớm Mai coi lại cửa ngỏ, rồi bế Ti lên phòng.

“Mai mẹ đi thăm ba hả mẹ"”

Nép thật chặt vào lòng mẹ, con bé đã ngủ yên từ lâu, nhưng trong mơ, lát lát vẫn kêu: mẹ. Tội nghiệp Ti nhè. Mẹ đây. Mẹ nào có ngủ được. Đêm trước ngày thăm nuôi, lần nào chả vậy.

Tiếng ồn ào dưới đường hắt lên, quán Hương Lan ở góc đường đã đến giờ đóng cửa. Xe cộ ào ạt. Tiếng la ó tục tĩu của người say. Tiếng mời mọc, kéo níu của gái điếm. Đám dân phòng, gồm toán trai tráng trong dân phố luân phiên, lại đi qua, giỡn hớt:

“Chưa dề sao em" Khuya rồi, còn chờ anh chi"”

“Tiên sư cha anh. Đang ế bỏ cha đây.”

“Dưới kia công an đang rượt kìa.”

“Đây không làm ăn với ngoại quốc. Đéo sợ thằng nào.”

“Mấy con nhỏ này độc thật.”

Ào ào một chặp. Yên dần... Bắt đầu giờ giới nghiêm.

Con đường, ban ngày vùng vẫy với bao tiếng động của giòng sống, giờ mệt nhoài ngủ. Đối diện, nhà thuốc tây quốc doanh, hai cánh cửa sắt khép kín. Trên mỗi bậc cấp đều đã có người nằm ngủ. Tôi nhớ chứ. Người nằm phía trái là một ông già, người chỉ còn xương, da, nhưng tiếng nói rất khỏe. Đêm nào ông cũng ngủ mơ, la hốt hoảng: Cháy. Cháy nhà! Bà con ơi. Cháy. Cháy. Thời gian đầu, tiếng kêu của ông già làm cả khu phố choàng thức, kêu réo: cháy cháy. Rồi họ chạy náo loạn, xem coi cháy ở đâu. Chẳng cháy đâu hết mà đêm nào cũng có tiếng kêu. Riết rồi mọi người quen dần. Đôi lúc tiếng kêu la bãi hoãi của ông già lúc nửa đêm, hay gần về sáng cũng đánh thức người ta dậy, nhưng mọi người cũng chỉ lầm bầm nguyền rủa, rồi tiếp tục ngủ.

Phía bậc cấp bên phải là chỗ ngủ của hai cha con. Người cha khô đét, đứa con trai có tật, chân trước đá chân sau. Suốt ngày ở đâu không thấy, tối họ đem nhau về đó. Thỉnh thoảng, đêm khuya, phải thức dậy vì tiếng la của ông già, cằn nhằn, rồi hung hăng chửi rủa. Người đàn ông thích chửi thì chửi, ông già la xong, ngủ tiếp ngon lành.

Cũng về phía tay mặt, cách vài thước, tới góc phố là nhà hàng Hương Lan. Nơi đây, đêm nào cũng nhộn nhịp, đông khách vì có ca nhạc. Nhà hàng có một dọc hiên lớn, nơi trú ngụ lý tưởng nhất cho những kẻ không nhà. Đêm đêm, dân bụi đời tụ về đây đông lắm. Cả tháng nay, thường xuyên có những cuộc bố ráp, nhóm bụi đời tản mát về nhiều địa điểm khác. Số người ngủ thưa dần, không gây sự chú ý nhiều.

Sát cửa nhà hàng, trên khoảng rộng bằng chiếc chiếu phủ ngang, cả lô người nằm trùm mền kín mít từ chân lên đầu. Hẳn là một gia đình. Sao họ ngủ ngon thế.

Cách xa một khoảng, một người đàn bà nằm ngủ, đắp ngang bụng mảnh mền rách rưới. Phía ngực, mấy cúc áo không còn, lộ cả vú vê. Chắc lạnh, chị ta nằm co người lại.

Khu phố Tự Do, ai cũng biết chị ta. Chị xuất hiện trên đường này khoảng một năm nay. Lúc tỉnh, lúc điên. Thỉnh thoảng chị trần truồng, không mảnh vải che thân, tồng ngồng vậy mà đi qua các đường phố chính. Ngang qua nhà hát lớn, ngang qua tòa đô chính cũ, nay là trụ sở ủy ban nhân dân thành phố, trước mũi người ngoại quốc. Lúc đầu, sau lưng chị ta còn có một đàn con nít đi theo, chọc phá. Nhưng tuồng tích rồi cũng cũ, tài tử chính hết ăn khách, mất luôn đám trẻ hâm mộ. Không hiểu chị ta sống bằng cách nào. Thỉnh thoảng, thấy chị ta diện đồ khá đẹp.

Tôi quay đi. Phải nằm một tí thôi. Nhưng kìa, một bóng người đi tới. Không phải công an. Coi cái vẻ uể oải, rách rưới, lưng đeo chiếu, vai vác túi. Cũng chỉ là dân bụi, lang thang vậy thôi. Hắn tới bên người đàn bà, dừng lại, nhìn.

Người đàn bà mê ngủ, lại trở mình, lăn ngửa. Hai tà áo vẹt ra, phơi bộ ngực xệ. Đầu gã đàn ông cúi xuống. Cúi thấp nữa. Lại trò tập kích nhau của dân bụi đời. Hắn chỉ việc nằm xuống, tung cái chiếu ra. Mọi thứ đã sẳn sàng. Trời đất, cỏ cây, coi chuyện của họ quá thường.

Đã quay mặt, nhưng sự tò mò thắng, tôi lại nhìn xuống. Hắn ta đang quì bên cạnh người đàn bà. Bàn tay hắn đưa lên, sờ sờ trên má chị ta. Bàn tay lần xuống, rà rà trên bộ ngực trống trải. Kìa, hắn quay lại, lấm lét nhìn. Đủ rồi. Đã tới lúc có thể bung cái chiếu của hắn ra. Sao hắn không bung" Có lẽ với họ, cũng chẳng cần che đậy nữa.

Kể như đã ăn chắc. Tay hắn kéo tuột cái quần đen của chị ta xuống, ra khỏi đôi chân. Trời đất. Còn ngó nữa. Kỳ quá. Tôi tự mắng thầm, muốn kéo tấm màn cửa lại. Nhưng hắn làm gì thế" Sao lại cẩn thận vậy" Hắn đang xếp cái quần đen của chị ta. Xếp gọn. Xếp nhỏ. Và kìa, hắn đứng bật dậy, tuồn nhanh cái quần vào túi đeo vai. Lấm lét nhìn quanh một vòng nữa, hắn dợm bước.

Ra khỏi hè phố, hắn nhanh nhẹn băng qua đường, khuất khỏi tầm khuôn cửa.

. . .

Anh Mai Thảo,

Anh em mình và các cháu, một thời đã cùng đứng bên khung cửa sổ ấy, nhìn xuống khu phố Tự Do cũ, nhớ Từ và bạn hữu tù đày, trôi dạt.

Chính nơi đó, trong những ngày bị săn đuổi, chúng ta đã nghe, đã nhìn, đã khóc cười với thành phố thân yêu bị đổi tên, đổi đời. Cũng nơi đó, anh đã nghe Nhã kể chuyện người đẹp bụi đời mất quần, đã cười tủm tỉm. Rủa: “Cái cô Nhã này. Khiếp.”

Mười năm.

Anh em mình lại sắp đứng bên nhau.

Thành phố của chúng ta ngày nào, hiện chẳng khác cảnh người đẹp mất quần năm xưa là bao.

Tội nghiệp thành phố.

Tội nghiệp người đẹp.

Tội nghiệp chúng ta.

Không biết tất cả sẽ còn tan tác, lưu lạc đến đâu nữa"

Thôi thì lại viết, lại gửi anh.

Chúng ta cùng nhớ. Cùng cầu chúc may mắn.

Nhã Ca

Thụy Điển 1989

**

Hình bìa tạp chí Văn

  Số đặc biệt về Nhã Ca & Tác Phẩm

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Nhã Ca: Cái Viết Ra Mới Thực Sự Quan Trọng

Tôi không biết mình đã đọc đi đọc lại bao nhiêu lần những trang sách trong Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng của Nhã Ca.

Những dòng chữ khô, lạnh, bén, sắc và ngắn. Những dòng chữ như nhát dao đâm vào trái tim. Như một cái buá nện xuống một bàn tay đang bám vào vách đá chờ được kéo lên. Những dòng chữ "phẫn nộ" có thể làm những đôi mắt khô khốc phải ứa lệ. "Suốt buổi chiều, tôi ngồi với giỏ thăm. Xếp vào. Xếp ra. Nhìn. Rờ rịt. Anh còn mê man. Anh chưa nhìn thấy món ăn con thơ này. Dọn lên. Mắt mũi các con. Dọn lên. Tim gan các con. Dọn lên. Nước mắt các con, nước mắt Mẹ…. Tôi nằm xuống lúc nào không hay. Lúc tỉnh được dậy sau cơn mê mệt, giỏ thăm nuôi đổ, mấy gói cá muối bị xé rách, tung toé. Nơi lỗ cầu tiêu, lại nó, con chuột.  Cặp mắt nhỏ như hai hạt đậu, tinh quái, thập thò. Ngày mấy" Tháng mấy" Còn hỏi làm gì nữa." [1]

Nhân vật "anh" là thi sĩ Trần Dạ Từ  và các con thơ của anh chị. Và khung cảnh là một phòng kiên giam dành riêng cho một người. 

Điều gì đã khiến một Trần Thy Nhã Ca với "buồn như lá cây, hồn thơ dại, xanh xao tháng ngày, hồn như heo may, tình bằng cỏ dại, buồn không ai hay…" [2] phải viết ra những dòng chữ trần trụi lạnh lùng đến như thế" Câu trả lời đã rõ, nhưng viết được như thế không phải là tưởng tượng, và không chỉ là kinh nghiệm. Viết được như thế có nghĩa là đã phải sống như thế. Hơn là như thế! Bao nhiêu người đã từng sống như thế để có được một Nhã Ca như thế" Đó cũng là một câu hỏi đã có câu trả lời.

Chị đã đi trên một con đường đầy gai nhọn, không tên gọi, không ngày tháng. Con đường máu và nước mắt.  Con đường của một nỗi đau bị nén lại, một hạnh phúc bị chia cắt, bầm dập. Con đường mà ai đã đọc hồi ký của chị sẽ chảy nước mắt, nhưng chính những dòng chữ của chị chỉ là sự lặng câm.

Phải là một người có ý chí mạnh mẽ mới có thể đứng vững được trước những sóng gío của cơn hồng thuỷ 30 tháng Tư, 1975 đổ ập xuống Sài Gòn. Mặc dù, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhiều người đã trụ được. Nhiều ngưòi đã đứng dậy được. Nhưng từ một thiếu nữ lớn lên ở Huế, thành phố trang nghiêm và khắt khe, …. Trần Thị Thu Vân đã làm những bước nhảy vọt lớn: từ Huế cổ kính nhảy vào Sài Gòn phóng khoáng, rồi nổi tiếng với những bài thơ, nổi tiếng hơn với Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, với Giải Khăn Sô Cho Huế và thình lình nhảy vọt từ đỉnh cao xuống vực thẳm của một nỗi đau ngất, đau rát như muối xát trên những vết thương còn tươi rói. Chị đi trên một sợi giây xiếc giữa sống và chết, một cái sống mong manh và một cái chết lúc nào cũng giang tay chờ đợi. Tất cả những gì chị có đều bị tước đoạt, trần trụi, trơ trọi. Sau nhà tù nhỏ sẽ là nhà tù lớn: Một người đàn bà với đàn con thơ và hai bàn tay trắng đứng giữa chợ đời.

Không ai có thể làm thơ được giữa một hoàn cảnh như thế" Hồi Ký Không Ngày Tháng của Nhã Ca không phải chỉ là một ghi chép lẫn lộn thời gian và kỷ niệm. Hồi Ký đó còn là một tiếng nói mạnh mẽ của con người trước một thế giới bị tan rã, một tiếng chuông cảnh tỉnh của một vũ trụ bị mê đắm trong u minh.

Bao lâu còn chiến tranh - bất cứ một cuộc chiến nhân danh chủ nghĩa nào - tiếng nói ấy cần phải được cất lên, tiếng chuông ấy cần phải được gióng lên.

*

Người đọc biết Trần Thy Nhã Ca với bài thơ  "Bài Nhã Ca Thứ Nhất", mở đầu cho một dòng thơ mới từ mấy trang thơ trong của tạp chí Hiện Đại số 1 do nhà thơ Nguyên Sa chủ trương, ấn hành năm 1960.  Nhưng thật ra trước đó, từ năm 1955,  chị đã từng làm thơ học trò ký tên Thu Vân, đăng trên các tuần báo Văn Nghệ Học Sinh, Văn Nghệ Tiền Phong tại Saigon, chưa kể thơ thời bích báo tiểu học, trung học. Và trước đó nữa, từ năm 1954, khi mới 15 tuổi cô bé Thu Vân đã viết truyện dài đầu tiên có tựa là "Đường Một Chiều".

Đó là thời cuối trận chiến tranh Việt-Pháp. Chị nói: 'Truyện được viết theo "đơn đặt hàng" của ông anh trong nhà, để  đăng từng kỳ trong  báo "Hồn Xuân", tờ báo chép tay của một nhóm văn nghệ choai choai tại Nam Giao, Huế. Còn nhớ, người chủ trương nhóm báo Hồn Xuân là anh Tôn Thất Chi, người vẽ bìa số báo đầu tiên là ông anh Trần Văn Lễ. Sau đó có hiệp định Geneve ngưng chiến, chia đôi đất nước, rồi di cư, tập kết. Báo Hồn Xuân chỉ mới  "xuất bản" được ba số thì đành tự "đình bản". Truyện dài đầu tay "Đường Một Chiều" vĩnh viễn dang dở."

Giờ đây đọc lại thơ và truyện của Nhã Ca những năm Sáu Mươi, Sáu Mươi Tám, Nhã Ca của 1975 và môt Nhã Ca của 2005, tôi khám phá ra một khuôn mặt văn chương đã đi qua những năm tháng, đi qua những ngày đêm, đi qua chữ nghĩa của một thời tuổi nhỏ, đi qua tuổi thiếu nữ hồi hộp chờ đợi một tình yêu, đi qua những thao thức và chờ đợi, đi qua những phút giây làm mẹ và trải nghiệm qua biết bao nỗi đau làm người.

*

Nhã Ca kể lại bài đăng báo chữ in đầu tiên của chị sau khi đã làm báo tường báo chép tay là tờ "Văn Nghệ Học Sinh", do nhà báo Giang Tân làm Tổng Thư Ký. Chủ nhiệm, chủ bút là ông Lê Bá Thảng, chánh văn phòng của Bộ Trưởng Thông Tin Trần Chánh Thành. Thơ, tuỳ bút, truyện ngắn ký tên Thu Vân được liên tiếp chọn đăng.

Những "tác giả" có bài đăng trong  tờ báo "văn nghệ học sinh" này về sau thành bạn nhau. Khởi đầu có Lê Đình Điểu (làm thơ tình với bút hiệu Y Dịch, viết khôi hài với bút hiệu Lê Ngông Nghênh), Nguyễn Thụy Long (viết truyện mộng mơ với bút hiệu Mặc Lan Giao). Tiếp theo, có Lê Tất Điều (viết truyện con nít thật dễ thương với bút hiệu Ái Nhân); Dương Nghiễm Mậu (triết lý như một ông già với bút hiệu Hương Việt Hương); Đỗ Quí Toàn (làm thơ với bút hiệu Đỗ Quí), Viên Linh (thơ sáu chữ, thơ lục bát số một), Nguyễn Khắc Nhân (viết tuỳ bút giọng miền Trung với bút hiệu Thuỳ Nhân), Tô Tam Kiệt (thơ chiến đấu hùng dũng)... Thình lình, vào khoảng 1956, bỗng thấy Điểu và Long giới thiệu cho chàng thi sĩ Hoài Nam, người sau này sẽ là Trần Dạ Từ ...

A, Trần Dạ Từ, chị có thể nói gì về tình yêu của chị"

- Thì đó, chuyện giản dị vậy thôi.  Hai đứa quen nhau qua tờ Văn Nghệ Học Sinh, do Lê Đình Điểu và Nguyễn Thụy Long giới thiệu. Tiếp theo, nhận cả ngàn bài thơ. Khác với các bạn viết văn làm thơ tài tử, Từ là "nhân vật toà soạn", người trả lời hộp thư của toà báo. (Sau này mới biết, thật ra, thi sĩ chỉ là một anh nhóc bụi đời, các "văn hữu" nhóc tì họp đại hội với ông chủ nhiệm yêu cầu cho chàng việc làm, nhờ đó chàng là "thầy cò" sửa bài, kiêm biên tập viện duy nhất của tờ báo bên cạnh tổng thư ký Giang Tân). Bị cả ngàn bài thơ tấn công, cô  bé 16 tuổi chịu không thấu. Sau hai năm viết thư, hai đứa gặp nhau lần đầu buổi tối mùng một tết 1958.

Trong Hồi Ký, Nhã Ca kể chuyện mùng một Tết chàng từ Sài gòn ra Huế. Chị ngồi nghe tiếng còì tàu. Đã biết trước nhưng vẫn giật mình. "Tàu hoả đang hú còi vào ga. Ghê quá Anh ta tới rồi đấy. Tàu từ Đà Nẵng ra đúng sáng mùng Một Tết. Còn phải tìm đường, tìm nhà. Trước sau một giờ trưa,sẽ đi qua cổng. Bẩy gờ tối sẽ tới, sẽ gặp. Thư cuối năm, anh ta báo trước như vậy.

“Buổi trưa. Bao nhiêu người qua đường, biết ai là anh ta. Run quá. Coi tề, cái người nhìn mình một cái rồi quay đi, bước nhanh hơn. Anh ta" Anh ta vậy há" Mỏng như tờ giấy. Còn mặt mũi" Kịp thấy chi mô. Mới nghĩ chắc anh ta đó, mắt con bé đã hoa lên rồi. Nhát."

Buổi tối, Trần Dạ Từ  bước vào nhà. Chưa mời, anh đã ngồi, Nhã Ca viết trong Hồi Ký. Người cha vặn cái radio bóng đèn cổ lỗ đầy tiếng kêu rồ rồ. Ông anh lớn trong nhà nhăn mặt, bỏ sang phòng bên. Con bé ú ớ.  "Những lá thư xuôi ngược cả năm Sàigòn-Huế-Sàigòn. Những bài thơ tình đầu. Anh ta ngồi đó ốm nhom."  Sáng mùng hai tết, khi gặp lại anh trong... khách sạn, trên bàn có bài thơ "Thủa Làm Thơ Yêu Em", ký tên Trần Dạ Từ.

Thêm hai năm sau khi gặp nhau, chàng thi sĩ nhát như thỏ đế, không dám cầm tay người yêu. Vậy mà tình yêu của họ đã làm ồn thành phố Huế. On đến nỗi, "nàng" phải đành bỏ chạy theo chàng. Vô tới Sài Gòn, một người bạn của Từ, Nguyễn Khắc Nhân, đứng tên ông anh, gửi chị vô nội trú trường Đức Trí ở đường Võ Tánh. Xong thời nội trú, Nhã Ca trở về Huế ở một năm để làm lành với gia đình. Sau đó chị vào Sài Gòn, in thiệp cưới và năm 1962, sinh con đầu lòng là Sớm Mai. Tiếp theo, thêm một loạt 5 đứa nữa. Tên út là Hưng Chấn, cuối 1974.  Hưng Chấn là tên do bố mẹ đỡ đầu của cháu là anh chị Cung Tiến đặt cho để lấy hên. Chị nói, nhưng hên đâu chả biết, chỉ thấy mấy tháng sau là miền Nam sập tiệm, hai vợ chồng đi tù.

Từ khi biết "chàng", Nhã Ca bắt đầu viết nhiều hơn. Chàng không chỉ làm Văn Nghệ Học Sinh mà còn viết bài kiếm ăn ở các báo khác. Bài gửi cho chàng ở Văn Nghệ Học Sinh, bỗng thình lình thấy xuất hiện trên mục "Mỗi Ngày Một Truyện" của nhật báo Ngôn Luận, rồi nhật báo Lẽ Sống, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong... vừa nhận báo vừa nhận cả nhuận bút. Biết mùi nhuận bút rồi, khó bỏ. Vậy là viết đêm viết ngày. Từ 1960, khi bỏ Huế vào Saigon với Trần Dạ Từ, bạn bè họp thành một bọn, mỗi tên tự chọn một bút hiệu chính thức và bắt đầu sống với nghề cầm bút.

Từ 1960, 1961 gì đó,  cùng lúc với việc Trần Dạ Từ làm nhật báo Dân Việt, các bạn của Từ -Nhã chủ trương tuần báo Ngàn Khơi, in ở nhà in Nguyễn Đình Vượng, số 39 đường Phạm Ngũ Lão. Năm 1963, già Vượng ra báo "Văn", yêu cầu góp bài. Năm 1964, bài viết cho Văn được in thành sách. Báo Văn và nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng ấn hành truyện dài "Bóng Tối Thời Con Gái". Nhà An Tiêm của Thanh Tuệ ấn hành tập truyện "Đêm Dậy Thì". Sau đó là "Đêm Nghe Tiếng Đại Bác" và cứ thế đi tới...

Còn Thơ Nhã Ca" Tập thơ "Nhã Ca Mới" và giải thưởng thi ca toàn quốc"

- Thơ "Nhã Ca Mới" do "Ngôn Ngữ" xuất bản, cũng đầu năm 1964. Ngân khoản in thơ lẫn tên nhà xuất bản đều do anh Nguyên Sa. Cuối năm ấy, được giải thưởng thi ca toàn quốc 1965. Tiền lãnh giải thưởng dĩ nhiên không còn dấu vết. Huy hiệu giải thưởng là huy hiệu của  nguyên thủ quốc gia nghe nói là bằng vàng - tương tự huy hiệu của Tổng Thống VNCH dành cho các giải thưởng về sau- chẳng nhớ đi đâu mất, có lẽ còn đâu đó trong... Sở Công An Thành Phố hoặc không chừng đã ra vỉa hè, bị nấu chẩy thành dăm ba "chỉ", hay một hai "cây"... 

Trong các bài viết về thơ Nhã Ca, từ Bùi Giáng, Võ Phiến,  Thi Vũ tới Huyền Không tức Hoà Thượng Mãn Giác... thường nhắc tới bài thơ "Tiếng Chuông Thiên Mụ". Võ Phiến còn viết là trong lịch sử văn học Việt Nam chưa hề có tiếng chuông nào vang dội khác thường tới mức ấy.

- Chị bật mí coi: Do đâu mà vậy" Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nào, như thế nào" 

- Bài thơ in lần đầu trên tuần báo Ngàn Khơi, năm 1963. Đó là thời điểm vừa xẩy ra vụ biểu tình đẫm máu tại Đài Phát Thanh Huế và Phật Giáo bị chính quyền đàn áp. Tuần báo Ngàn Khơi do bọn này chủ trương bàn nhau phải cùng nhau viết cái gì đó. Dự tính có Nguyên Sa, Nguyễn Mạnh Côn, Chu Tử, Đỗ Quí Toàn, Nguyễn Thụy Long, Tú Kếu, Nguyễn Hữu Đông, Trần Dạ Từ... mỗi người sẽ cùng viết nhiều ít gì đó. Bìa offset do Đằng Giao trình bầy in trước 4 số đã ghi sẵn tựa đề chung là "Tiếng Chuông Thiên Mụ". Tới ngày ra báo, Nhất Linh tự tử, rồi sư sãi bị bắt,  Saigon giới nghiêm... Chỉ riêng bài thơ mang tên "Tiếng Chuông Thiên Mụ" được xuất hiện trên báo. Còn nhớ trong bài thơ có câu "Thức dậy cùng tan vỡ, thức dậy cùng lịch sử" đã được các bạn trong "Sở Kiểm Duyệt" nhẹ tay cho qua...  Mọi bài viết khác không qua khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt, đành  phổ biến cách khác.

Trần Dạ Từ và các bạn của anh làm báo "Lửa" đánh máy quay roneo bằng cái máy chữ của anh Nguyên Sa cho, cả bọn xúm nhau vào phát hành chui... Trong việc phổ biến số báo "Lửa" ở các đại học thời đó có cả các nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Nhật Tiến. Sau đó, Trần Dạ Từ bị mật vụ nửa đêm bịt mắt dẫn đi mất tiêu, cả bọn trốn chui trốn nhủi... Đó cũng là lúc có bài "Thơ Sớm Mai", sinh nhật năm đầu tiên của cháu.

- Theo chị làm thơ, viết văn, viết tiểu thuyết, hồi ký...  khác nhau ra sao"

- Viết văn, viết tiểu thuyết đôi khi có nghĩ tới... nhuận bút hoặc bản quyền. Làm thơ thì không. Viết Hồi Ký cũng không.

- Còn hiện nay chị đang viết gì"

- Truyện ngắn, đang lo viết  cho báo tết. Truyện dài, đang sắp xếp, sửa chữa bộ "Đường Tự Do Saigon". Truyện đã viết liên tục hơn 10 năm trên Việt Báo, mỗi ngày mỗi viết. Độc giả có lòng hỏi. Có nhà xuất bản muốn trả tiền để in.  Nhìn lại, đếm chữ thấy đã có  tới hơn 10,000 trang sách. Truyện viết từng ngày, muốn thành sách, phải sửa chữa, sắp xếp lại. Cả năm nay, chỉ mới xong 640 trang cho cuốn 1, hiện đã đưa thử lên internet... Việc xuất bản trọn bộ, chắc còn phải mất thêm ngày tháng.

Trả lời câu hỏi tác phẩm chị thích nhất, Nhã Ca nói có lẽ nhiều phần dành cho cuốn "Hồi Ký Một người Mất Ngày Tháng". Đó là nói văn. Còn trong lòng, yêu và trân quí nhất là Thơ.

Kỷ niệm mà chị nhớ hoài là thời kỳ trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn ở Việt Nam. Có lần được theo xe tù đi thăm nhà trưng bày tội ác Mỹ Ngụy ở trường Dược cũ tại Saigon, thấy sách của mình và bạn hữu được bầy dưới danh nghĩa "tội ác Mỹ Ngụy". Đặc biệt, cuốn "Giải Khăn Sô Cho Huế" được treo trang trọng. Đã đứng nghiêm cạnh Lê Xuyên, Hoàng Anh Tuấn, Trần Việt Sơn... chào kính tác phẩm của mình và bạn hữu.

Nhã Ca cho biết hiện chị đang đọc Milarepa, thơ và truyện kể về thi sĩ và thầy tăng lớn của  Tây Tạng. Còn tác giả ưa thích: Truyện của Thảo Trường, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Huy Thiệp,  Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Thụy Long...  Thơ Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Mai Thảo, Trần Dạ Từ, Đỗ Quí Toàn, Viên Linh, Tú Kếu...

Liệu có một nền văn học hải ngoại không"  Nhã Ca nói "Một nền văn học hải ngoại"" chắc chỉ là câu hỏi nhất thời hoặc tạm thời. Dăm ba chục năm, vài ba trăm năm, rồi sẽ qua đi. Những cái đáng còn sẽ còn lại.  Yếu tố nơi sinh sống trong nước hay ngoài nước của tác giả bất quá chỉ là những ghi chú,  không phải là yếu tố để tác phẩm văn chương tồn tại. Văn học hay văn chương Việt Nam là đủ. Người viết ở đâu cũng được, dù trong hay ngoài nước. Viết trong hay viết ngoài nhà tù chẵng phải là yếu tố quyết định giá trị. Cái viết ra mới thực sự quan trọng.

(Tạp chí Văn, số 107-108,  Tháng 11-12, 2005

số đặc biệt về Nhã Ca, Tác Giả Tác Phẩm)

[1] (Nhã Ca, Hồi Ký Một Người Mất Ngày Tháng, tr. 61.

[2] Bài Nhã Ca Thứ Nhất

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.