Hôm nay,  

Nén Nhang Dâng Thầy

02/05/200700:00:00(Xem: 3943)

Kính tưởng nhớ Thầy Lương Trọng Minh.

Năm-mươi-lăm mùa xuân đã trôi qua đời tôi, nhưng chỉ có mùa xuân hai-ngàn-lẻ-sáu này là có ý nghĩa thật sự đối với tôi mà thôi.

Chưa bao giờ tôi nghĩ là mình có thể bỏ ra một số tiền để rủ các bạn cùng tôi đi từ Nam ra Trung thắp nhang cho Thầy tôi; thế mà tôi đã làm được. Vì chính bản thân tôi rất nghèo, chưa có nhà chưa có xe, chỉ đi làm công thôi. Vậy mà tôi cũng cố gắng dành dụm được chút ít tiền để về quê hương và ra Đà Nẵng thăm gia đình Thầy, thắp ba nén nhang thơm cho Thầy Cô cùng các em.

Tôi đã học được chữ “Thương”. Vâng, chỉ có tình thương mới bỏ qua được những giận hờn, những mâu thuẫn, mới có được đức tính hy sinh, mới có lòng vị tha và nối được vòng tay nhân ái bao la giữa chúng ta với nhau mà thôi.

Thầy ơi! Nơi an nghỉ của Thầy chúng em chưa đến được vì hôm ấy trời mưa lớn quá; mà nơi Thầy nằm lại cách xa thành phố chừng ba tiếng đồng hồ lái xe. Nhưng em và các bạn cũng cố gắng đến thăm căn nhà nhỏ của Thầy, với vài chậu kiểng trước sân, nằm khuất mình trong con hẽm cụt tĩnh mịch hiền hòa. Trong nhà bày biện gọn ghẽ khiêm nhường, thật đúng với mẫu người của một Nhà Thơ khiêm tốn.

Chúng em khá đông, tuy không đủ ghế ngồi với cái bàn nhỏ, nhưng chúng em cũng quây quần được chung quanh nơi bàn thờ Thầy Cô cùng ba em nhỏ (Cô cùng các em đã chết chung với nhau trong chuyến vượt biên năm nào). Thầy vẫn sống đơn lẻ cho đến ngày nhắm mắt. Chúng em xin kính phục Thầy.

Chúng tôi không hỏi han được gì nhiều vì Oanh -- trưởng nữ may mắn còn sống sót của Thầy -- chỉ xin nghỉ được có mười-lăm phút trong giờ làm việc để về đón tiếp chúng tôi. Xin chân thành cám ơn Oanh rất nhiều vì đã tạo điều kiện cho chúng tôi thắp được ba nén nhang trên bàn thờ Thầy Cô và các em.

Trời ơi! Biết nói sao lúc ấy! Tay tôi run run với ba nén nhang và nước mắt trào ra. Tim đập mạnh, tôi cảm thấy buốt giá toàn thân. Mím chặt môi để khỏi bật ra tiếng nấc, tôi thầm khấn vái cho Thầy Cô cùng các em luôn được siêu thoát nơi miền cực lạc.

Chúng tôi trao cho Oanh một ít tiền mọn để lo nhang khói cho Thầy Cô cùng các em. Oanh cám ơn nhưng từ chối, không nhận. Chúng tôi phải trình bày và cố thuyết phục lâu lắm với Oanh rằng, đây là tấm lòng thành của chúng tôi -- những học trò cũ của Thầy từ phương xa, rất xa và lâu lắm mới cùng về đây thăm viếng Thầy Cô và gia quyến. Và , Oanh -- với đôi tay mảnh khảnh -- run run đón nhận tấm lòng thành của chúng tôi mà nước mắt ràn rụa, môi mấp máy nói lên lời cám ơn chân thành từ đáy lòng mình.

Chúng tôi vô cùng xúc động, chẳng nói thêm được lời nào nữa và cùng khóc với Oanh.

Thế là hết một đời người. Thầy tôi đã trở về với cát bụi nơi miền đất quê nhà – nơi Thầy đã sinh ra, lớn lên và sống trọn đời với rất nhiều kỷ niệm buồn vui cùng gia đình, bạn bè và học trò của mình. Tôi nhớ lắm bài hát “Về đâu mái tóc người thương” mà Thầy rất thích, vì Thầy đã tâm sự với chúng tôi rất nhiều về những kỷ niệm của Thầy với bài hát này.

Thầy còn dạy chúng tôi làm thơ. Thơ Thầy không nóng bỏng bay nhanh vào lòng người, mà thơ Thầy lúc nào cũng như làn gió nhẹ thoang thoảng -- nhẹ như mơ mà âm ỉ -- luôn hợp với tâm trạng và tâm hồn của ta.

Biết nói sao đây, tôi luôn kính nhớ Thầy mãi mãi! Lời Thầy vẫn còn văng vẳng trong tôi. Vâng, Thầy nói đúng: “Người già thường nhớ về dĩ vãng. Tuổi trẻ lại hướng đến tương lai”. Chúng em đã bắt đầu luống tuổi rồi, Thầy ơi! Chỉ đứng trên bục giảng tám năm trong cái thời “giải phóng đói”, em không cầm cự được như Thầy, nên em đã bỏ dạy và tìm phương cách sống khác.

Thầy đã ra đi, để lại cho chúng tôi nỗi nhớ nhung muôn vàn. Thật nuối tiếc khi tôi hay tin Thầy phải chịu đựng một cuộc sống với bệnh đau tim trầm trọng quá trễ. Dẫu sao, nước mắt cũng làm cho chúng tôi được vơi bớt nỗi niềm.

Mong sao thời gian vẫn là liều thuốc bổ …Nhưng chắc chắn là chúng tôi không thể nào quên được Thầy Lương Trọng Minh -- một Vị Thầy khả kính, tài hoa, khiêm tốn và hiền hòa.

Thầy là hình ảnh của một Nhà Thơ, một Vị Thầy dễ mến luôn hiện hữu trong tâm trí của chúng tôi, không bao giờ quên được. Tôi viết bài này trong ngày giáp năm khi Thầy nằm xuống – ngày Chín tháng Tư năm Hai-ngàn-lẻ-sáu.

Và cũng xin cám ơn anh tôi đã gọi phone mà nhắc tôi về ngày tháng giáp năm này.

“Anh ơi, em vẫn nhớ đến ngày này đấy chứ! Anh thấy em chưa quên và lẫn theo tuổi già, phải không! Anh à, em đã học rất nhiều Thầy, nhưng Thầy Lương Trọng Minh -- dạy văn và thơ – là em thích nhất. Hơn nữa, Thầy có nếp sống bề ngoài rất giản dị, nhưng nếp sống nội tâm thật là mãnh liệt. Anh biết không, Cô và ba người con đi vượt biên, bị mất tích. Nếu em bị cú “sốc” như thế, em có thể phát điên lên được hoặc không còn sống nữa rồi. Vậy mà Thầy vẫn điềm nhiên sống, vẫn đi dạy và làm thơ. Hỏi có đáng phục không!"” -- “Hơn thế nữa, Thầy chẳng bước thêm một bước nào nữa, mà chỉ sống một mình trong căn nhà nhỏ thật cô quạnh đìu hiu. Ôi, Thầy em! Biết nói sao đây anh hở!" Em xúc cảm đến miên man. Giống như anh, anh vẫn thường nhớ đến Thầy mình – “một Vị Thầy Khả Kính và cũng là một Chiến Sĩ Bình Dị”, phải không! À, Thầy anh tên gì em quên rồi. Anh đừng buồn, hãy nhắc lại giùm em một tí, nhe anh!”.

Thưa Thầy, em xin gởi Thầy bài thơ này nữa mới được:

Lẻ năm ngày chín tháng tư,
gởi Thầy bao nỗi tiếc thương không vời.
Lòng thành em thắp nén nhang,
hướng về đất Việt quê nhà Thầy Cô.
Hương hồn đất ấm Thầy yên,
Đường trần em luống nhớ công ơn Thầy.


Cầu xin hương hồn Thầy Cô cùng các em luôn được siêu thoát nơi miền cực lạc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.