Hôm nay,  

Ngày 30 Tháng 4, Đọc Lại

01/05/200700:00:00(Xem: 6203)

- Đó là một ngày không thể quên, cho dù chúng ta đứng ở phía nào của cuộc chiến. Đó là ngày Saì Gòn thất thủ, ngày chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố đầu hàng, tuy là khởi đầu cho những ngaỳ của hòa bình nhưng lại bắt đầu cho những ngày của gian nan mới, của lòng trả thù hẹp hòi của các lãnh tụ CSVN khi trực tiếp đẩy nhiều trăm ngàn người Miền Nam vào trại tù, đẩy vài triệu  người dân thành thị Miền Nam về vùng kinh tế mới, làm cả triệu người lên ghe vượt biển để tìm tự do -- và có quá nhiều người đã chết trong thời hòa bình ở quê nhà, chỉ vì quyết tâm trả thù và lòng kiêu căng của một số lãnh tụ.

Nơi đây, trong ngày 30 tháng 4, người viết xin trích đoạn một bản văn của Hòa Thượng Thích Huyền Quang viết ngày 21-4-2000, từ Nghĩa Hành, nơi ngài bị quản thúc, nhân danh Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một giaó hội bị CSVN ngăn cấm, gửi tới các lãnh tụ cao cấp nhất lúc đó -- Ông Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam; Ông Trần Đức Lương, Chủ tịch CHXHCNVN; Ông Phan Văn Khải, Thủ tướng CHXHCNVN; Ông Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội CHXHCNVN --  để kêu gọi lấy ngày 30.4. làm "Ngày Sám hối và Chúc Sinh toàn quốc".

Bản văn trích đoạn như sau.

Nghĩa Hành, ngày 21 tháng 4 năm 2000

Thưa quý Ngài,

Từ hơn một tháng qua Đảng và Nhà nước bắt đầu tổ chức ăn mừng ngày kết thúc chiến tranh 30.4.1975. "Đại thắng mùa xuân", "Giải phóng miền Nam", "Thống nhất đất nước", "Độc lập và hòa bình", v.v... sẽ là những đề tài được ca ngợi.

Nhân danh Viện Tăng thống và Hội đồng Lưỡng viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi muốn nói lên những điều mà có lẽ Đảng và Nhà nước sẽ không có cơ hội nhắc tới trong dịp Kỷ niệm 25 năm này.

Nghĩ đến những người đã chết và để tâm lo cho gia đình họ

Hai điều tôi mong được quý Ngài lưu tâm, là những người tử vong, tàn tật vì cuộc chiến, và quyền sống của người dân với đầy đủ các quyền tự do căn bản chưa được công nhận.

Theo số liệu chính thức của Nhà nước, trong cuộc chiến vừa qua có ba triệu người chết, 300.000 bộ đội mất tích chưa tìm thấy mộ phần. Trong thực tế, số liệu này còn cao hơn gấp bội. Chưa kể hằng triệu người tàn tật, hằng triệu gia đình có con em chết trận không được nâng đỡ hay đền bù xứng đáng. Chưa kể số phận đông đảo binh sĩ tử vong hay tàn tật thuộc miền Nam cũ chưa hề được nhắc nhở như con dân một nước, dù chiến tranh chấm dứt từ lâu, dù lưỡng cực phân tranh trên thế giới đã cáo chung. Chưa kể nạn nhân chết oan ức hoặc bị hành hạ tàn bạo trong thời Cải cách Ruộng đất, mà con số 700.000 người đã được các cán bộ trong cuộc tiết lộ. Chưa kể nạn dân bị tàn sát trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, đặc biệt tại Huế. Chưa kể trên 100.000 người bị hành quyết trong các Trại Cải tạo, và gần một triệu người bỏ thân trên biển cả khi vượt biển tìm tự do. Biết bao dâu bể thảm sầu trong một bài tính cộng...(...)

...Sự thật ngày nay, 80% nông dân và người lao động sống trong cảnh bần hàn, đói khổ. Sung túc bề ngoài chỉ thấy ở vài thành phố lớn, làm màu mè cho khách du lịch hay những nhà ngoại giao phương Tây, nhằm cầu viện trợ kinh tế. Sung túc nói đây là sung túc trong tham nhũng và chụp giựt của nhau, chứ chưa là đời sống ổn định thái hòa của một xã hội an sinh.

Muốn biết quốc gia thịnh suy như thế nào, chỉ cần nhìn vào đời sống của một người dân thường, một đoàn thể, một tôn giáo. Hiện tại ở nước ta, đoàn thể hay tôn giáo không được quyền tự do tồn tại, vì điều 4 trên Hiến pháp quy định sự độc tôn của tư tưởng Mác Lê-nin, và độỉc quyền cai trị của Đảng Cộng sản. Mọi hình thái sinh hoạt của đoàn thể, tôn giáo ngoài chủ nghĩa cộng sản đều bị loại trừ. Con người Việt ở đầu thế kỷ 21 chỉ còn hai chọn lựa : vào nhà tù hay vào guồng máy Đảng. Khổ thay khi vào guồng máy Đảng, con người chẳng còn được hiện hữu theo cá tính tự do của họ. Có miệng không được nói, có đầu óc không được suy nghĩ, có trái tim không được thương yêu nòi giống và quê hương theo quan điểm riêng biệt. Còn vào nhà tù hay trại cải tạo thì được tự do suy nghĩ một mình, tự do ăn nói một mình. Song tự do như thế là tự do di động trong mồ sống, chẳng ai biết chẳng ai hay, vô tích sự với xã hội, nhân quần. Tự do theo kiểu này, khi nhân phẩm đã bị giải thể, có khác chi thứ tự do của loài trùn quằn quại trong lòng đất" (...)

...Câu hỏi tôi đặt ra đây không là sự oán hận cá nhân hay lời than phiền của một tôn giáo. Mà là lời tra vấn thống thiết về tiền đồ của nền văn hiến Việt, và sự sinh tử cho mỗi con người. Là nạn nhân và chứng nhân lịch sử 55 năm qua, tôi muốn được thấy đất nước đổi thay trong khi mình còn sống. Chứ không muốn từ giả cõi đời với hình ảnh của một chính thể bất biến trong chủ trương kỳ thị và đàn áp tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội cùng mọi quyền tự do căn bản của nhân quyền...(...)

Kỳ thị và đàn áp Phật giáo sau ngày 30.4.1975

Sau ngày 30.4.1975, chính quyền Cách mạng lên ngôi, ai cũng tưởng mọi thành phần dân tộc, mọi tầng lớp nhân dân sẽ được yên ổn làm ăn, tự do sinh họat trong tinh thần hòa hợp hòa giải ghi trong Hiệp định Paris. Nhưng không, chuyện cũ tái hiện. Thành phần đông đảo quần chúng là Phật giáo đồ, tổ chức có truyền thống dân tộc và quy mô là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, là những nạn nhân bị kỳ thị và bị đàn áp trước tiên. Mặc dù lập trường của Giáo hội chúng tôi trước sau như một : dân tộc, hòa bình, từ bi, cứu khổ.

Chính sách kỳ thị và đàn áp thể hiện qua việc bắt Tăng Ni hoàn tục, bắt họ đi kinh tế mới, đi nghĩa vụ sang chiến trường Kampuchia hay đem giam vào trại Cải tạo ; chiếm đoạt tại Saigon và trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam tất cả các cơ sở tự viện, gia ốc của Giáo hội, các cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội, kinh tế, viện đại học Vạn Hạnh, hệ thống trường trung, tiểu học Bồ Đề, trường Thanh niên Phụng sự xã hội, cơ quan từ thiện, nhà nuôi trẻ, cô nhi viện, đất chùa, kinh sách, v.v... . Khiến cho 12 Tăng Ni đã phải tự thiêu tập thể tại Chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 2.11.1975 để phản đối và yêu sách quyền tự do tôn giáo.(...)

Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu ở miền Bắc trở về Nam thấy tình hình đàn áp nhân quyền nói chung và khủng bố Phật giáo nói riêng, đã phải thán lên trong băng hồi niệm mà ngài cho ghi âm, hiện chúng tôi còn giữ, rằng : "Tình đoàn kết, thương yêu, kính trọng của nhân dân miền Nam chỉ được 10 ngày. Sau 10 ngày ("giải phóng") : tình đoàn kết tan rã, lòng yêu thương đổi thành ghét cay ghét đắng, sự kính trọng bây giờ người dân trở lại khinh đáo để".

Dù tình hình khó khăn khốc liệt như thế, nhưng Viện Hóa Đạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vẫn nghĩ đến sự đóng góp phần mình vào cuộc tái thiết quê hương sau thời chiến, nghĩ đến việc thống nhất khối lượng Phật giáo đồ hai miền Nam Bắc, y như thời đất nước chưa bị Hiệp định Genève qua phân, để chấn chỉnh đạo đức, bảo vệ nền hòa bình dân tộc, băng bó vết thương tranh chấp, bất hoà, và bài trừ các tệ nạn xã hội. Viện chúng tôi đã cẩn thỉnh Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu đại diện đến gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng bộ Văn hóa, trình bày sự việc. Nhưng ông Hiếu trả lời : Thống nhất rất tốt, nhưng không thống nhất với Phật giáo phản động. Hỏi Phật giáo phản động là ai " Ông Hiếu không trả lời. Phải chăng ông Hiếu và chính quyền Cách mạng không muốn cho Phật giáo đồ Bắc Nam Trung thống nhất trong lẽ Đạo, mà chỉ nhằm bắt họ "thống nhất" với chính trị " Những ai không chịu thế tục hóa đạo Phật liền bị bắt nhốt, bị chụp cho đủ thứ mũ. Hiện trạng mà năm 1977, tôi cùng các vị lãnh đạo cao cấp và trung cấp trong Viện Hóa Đạo, như quý Thầy Thiện Minh, Quảng Độ, Trí Giác, Thông Huệ, v.v... bị bắt giam ở Phan Đăng Lưu. Cuối năm 1977, Hòa thượng Thích Thiện Minh bị tra tấn đến chết trong tù, Giáo hội xin nhận thi hài làm lễ an táng, thì bị từ chối. Hai năm sau, tất cả chúng tôi bị đưa ra tòa xét xử mà vẫn không biết mình phạm tội gì. Bởi chỉ đứng nghe lời vu cáo phán quyết, không được quyền tự biện hộ, cũng chẳng có luật sư bảo vệ như tại các nước văn minh tôn trọng pháp quyền. Người lãnh án treo, người tha bỗng, người bị 2 năm, 3 năm, 7 năm tù....(...)

Con chim sắp chết tiếng nó kêu thống thiết. Người lão tăng sắp về cõi Phật như tôi không nói lời gian dối : Đảng và Nhà nước không thể mãi mãi che đậy những lỗi lầm của mình để làm chuyện thất đức, mà hậu quả khiến nhân dân bần cùng, tôn giáo bị đàn áp, trí thức mất tự do tư tưởng, nhà báo mất tự do ngôn luận, văn nghệ sĩ mất quyền sáng tạo, người lao động không tự do nghiệp đoàn...

Đã đến lúc cần chấm dứt tình trạng làm cho dân nghèo nước yếu, nhân tài và trí thức tiêu ma.

Đối với Phật giáo, chúng tôi yêu sách Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phải được phục hồi quyền tự do sinh hoạt trên pháp lý hiện hành, vốn được quy định và bảo đảm tại Hiến chương, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của LHQ. Các Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, Phật tử sau khi được trả tự do phải được phục hồi hộ khẩu, quyền công dân và quyền tự do hành đạo ; bãi bỏ Nghị định 31/CP để chấm dứt vĩnh viễn chế độ quản chế hành chính phi luật pháp khiến kẻ được trả tự do vẫn thấy như mình bị dẫn độ từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn, khiến ai nấy nơm nớp lo âu bị bắt vô cớ bất cứ lúc nào. Các Tăng sĩ, Phật tử còn bị giam giữ hay quản chế phải được trả tự do và giải chế. (...)

Linh quyền cho người chết và Nhân quyền cho người sống : 3 lời đề nghị

Kỷ niệm 25 năm chấm dứt chiến tranh, theo tôi nghĩ, Đảng và Nhà nước nên làm chuyện có một không hai, chuyện không ai dám làm, ngoại trừ kẻ có hùng tâm tráng chí. Ấy là thực hiện ba nghĩa cử văn minh :

Thứ nhất, chấm dứt vĩnh viễn sự gây chiến trong ý nghĩ (tư duy) cũng như trong hành động, đối với mọi thành phần dân tộc và tôn giáo ngoài đảng Cộng sản. Sự gây chiến ấy đã từ lâu hóa trang bằng chủ trương đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản ;

Thứ hai, lấy ngày 30.4. làm "Ngày Sám hối và Chúc Sinh toàn quốc". Sám hối với người chết và Chúc Sinh người sống. Các nước dân chủ Tây phương làm cuộc sám hối các lỗi lầm hằng ngày, qua cơ chế tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do phê phán để chính quyền sửa sai. Một tôn giáo lớn của phương Tây như Giáo hội Công giáo, mà vừa đây đức Giáo hoàng cũng phải làm cuộc Thống hối các sai lầm bức tử và bạo động của Giáo hội dọc hai ngàn năm qua đối với đồng loại và các tôn giáo khác. Có thể nào Đảng và Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa dám khẳng định không vi phạm sai lầm trong 55 năm qua " Bao nhiêu lời tả oán từ hai cuộc chiến, trong Cải cách ruộng đất, trong Tổng tiến công Tết Mậu thân ở Huế, trong các vùng Kinh tế mới, và tại các Trại tập trung Cải tạo. Dù chối bỏ cách nào chăng, vẫn khó tránh né một thực tế, là oan hồn bị bức tử đếm không xiết. Đảng và Nhà nước hãy xót thương những người chết, hãy nghĩ đến Linh quyền của họ mà Sám hối và làm lễ Cầu Siêu cho vong hồn họ thôi vất vưởng gọi kêu báo oán.

Linh quyền cho người chết. Nhân quyền cho người sống, đây là ý nghĩa của lễ Chúc Sinh. Xưa các vua chúa Tế Trời mỗi năm ở đàn Nam giao cầu cho quốc thái dân an. Nay ở thời đại mới, Nhà nước nên áp dụng luật pháp bảo đảm các quyền tự do căn bản về dân sự và chính trị cho mọi công dân, như một cách Tế thờ Người.

Thứ ba, ban hành thành Sắc luật trong việc tìm kiếm thi hài kẻ chết trận, dù họ thuộc bộ đội miền Bắc hay binh sĩ miền Nam để chôn cất và trả nghĩa cho gia đình họ khỏi ngậm ngùi ; trả tự do cho toàn bộ những người tù vì chính kiến hay tôn giáo ; phục hồi danh dự những kẻ chết oan, và cấp dưỡng xứng đáng những người tàn tật vì chiến tranh, không phân biệt Nam Bắc, chính kiến.

Làm được ba điều nói trên cùng với việc tôn trọng quyền tự do sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chiến tranh mới thực sự chấm dứt, cuộc lễ 25 năm mới mang ý nghĩa khởi đầu cho cuộc hòa hợp dân tộc thực sự.

Mong lắm thay.

Trân trọng chào quý Ngài.

Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Tỳ kheo Thích Huyền Quang

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.