Hôm nay,  

Mre Kertesz - Nobel Văn Học 2002: Cứu Rỗi Nhờ Sách Vở

25/01/200600:00:00(Xem: 6353)
- Phỏng vấn giải văn chương Nobel năm 2002 ở Stockholm, văn sĩ người Hung Imre Kertesz. Nhân dịp này báo Pháp, Le Point, được độc quyền gặp con người có một định mệnh lạ thường, trốn thoát khỏi trại tập trung và chủ nghĩa toàn trị, người không có thói quen thận trọng trong lời nói.

Lucien Lambert

*

Auschiwitz còn treo lơ lửng hàng hàng thế kỷ, như một trái đen, từ từ chín đỏ nhờ hằng hằng những tia nóng của những chiến công nhục nhã, và sau cùng rớt trúng đầu bạn.

Trao giải Nobel văn chương 2002... vì cố níu cái kinh nghiệm mỏng manh của một cá nhân nhằm chống lại cái tùy hứng man rợ của lịch sử.

*

LE POINT: Giải Nobel có thật sự làm cho ông ngạc nhiên không"

KERTESZ: Dù báo chí Đức đã nhắc tới nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tôi sẽ được giải. Tôi thấy thật không thể nào có thật được. Và chắc chắn là tôi chưa bao giờ chuẩn bị cho sự kiện này. Có những người ngồi chờ các giải thưởng dài cổ, nếu họ không nhận, chắc chắn họ thất vọng và cay đắng. Tôi không phải như vậy. Vậy tôi chẳng chờ gì ráo...

LE POINT: Đời sống của ông sẽ thay đổi"

KERTESZ : Đời sống tôi không thay đổi và nó không được thay đổi. Hiện nay tôi đang cật lực làm việc cho quyển tiểu thuyết sắp tới, quyển này tôi đã thai nghén từ lâu. Tôi cảm thấy bây giờ tôi mới nắm được chủ đề. Tôi có cảm giác tôi như người đàn bà mang thai, tự cho phép mình phung phí sức trong ba tháng đầu nhưng sau đó thì phải rất cẩn thận. Tôi vẫn còn hút thuốc, ưống rượu nhưng sau đó thì phải coi chừng. Do vậy tôi tránh các cuộc mời mọc.

LE POINT: Ông sắp giàu...

KERTESZ : Số tiền này thật đáng kể cho một cây viết lúc nào cũng thiếu tiền. Nói cho thật, tôi rất bằng lòng. Lo âu về tiền bạc sẽ tiêu tan và rồi thì tôi cũng biết được thế nào là sống trong bảo đảm.

LE POINT: Từ nhiều năm nay người ta nói rằng giải Nobel văn chương là một chọn lựa chính trị phối hợp để tìm một thế thăng bằng giữa nền văn chương các xứ sở khác nhau...

KERTESZ: Tôi từ chối không nói đến chuyện này. Tôi không sao tưởng tượng được những vị ngồi họp chung quanh cái bàn có thể nói: “Bây giờ phải cho nước Hung một giải hay phải tìm một thằng Do Thái người Hung để phát giải năm 2002.” Thành thật mà nói tôi không tin điều này.

LE POINT: Ở Budapest, người ta nói rằng ông được giải Nobel nhờ vợ, vợ ông quen biết những người thế lực. Có đúng không"

KERTESZ: Dân ở Budapest biết thật nhiều tin tức! Tôi không biết vợ tôi làm như thế nào, tôi sẽ về hỏi bà. Người ta cũng đã kể cho tôi nghe đủ chuyện trời ơi. Họ kể cho tôi nghe chuyện Hiệp Hội nhà văn Hung... Có thể câu chuyện thế lực này là do không hiểu biết. Bà vợ thứ nhì của tôi nửa Hung, nửa Mỹ. Bà sống ba mươi bốn năm ở Chicago. Tôi biết một sự kiện thế lực văn hóa duy nhất mà bà xã có quen biết: Dàn Nhạc Đại Hòa Tấu Chicago dưới quyền điều khiển của nhạc trưởng Georg Solti.

LE POINT: Ở Hung, người ta nói về ông như một “văn sĩ viết bằng tiếng Hung” hay “văn sĩ Hung». Ông phản ứng như thế nào"

KERTESZ: Tôi viết và tôi nghĩ bằng tiếng Hung, ngoài ra tôi không để ý đến gì hết. Tôi nhận được rất nhiều tình cảm từ nước Hung, đại đa số dân chúng xem sự kiện tôi được giải như một thành công to lớn của quốc gia. Từ lâu nước Hung đi tìm cho mình một sự biết đến có tầm cỡ như vậy. Như vậy, đối với người dân Hung, đây là niềm hãnh diện của họ và họ có thể ngẩng đầu lên mà đi.

Theo các bạn tôi, đó là điều công bằng thôi. Các ngần ngừ chung quanh nguồn gốc Do Thái của tôi, “chiều kích” kiều bào của tôi, đặc biệt là Đức kiều và những chuyện trời ơi của báo chí cực hữu làm cho tôi bực mình. Thư Ký của Viện Hàn Lâm Thụy Điển kể cho tôi nghe ông còn nhận các e-mail từ Hung nói rằng họ rất tiếc Viện Hàn Lâm Thụy Điển là nạn nhân của cuộc mưu phản quốc tế nhằm mục đích hủy hoại văn hóa Hung.

LE POINT: Ông sống giữa Berlin và Budapest. Ông có cảm thấy thoải mái khi ở Đức, một xứ sở mà ông đã từng bị sỉ nhục thậm tệ không" Làm sao ông có thể nói đến chuyện gốc rễ"

KERTESZ: Chính ở Berlin các tác phẩm của tôi mới có ảnh hưởng nhất, được đọc nhiều nhất. Tôi đã có lần viết «Holocauste không có ngôn ngữ». Rất nhiều dân tộc sống kinh nghiệm Holocauste và chịu đựng những thảm kịch của Holocauste. Nhưng kinh nghiệm này không có cùng một ngôn ngữ chung. Đây là bi kịch của châu Âu. Những câu chuyện viết bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức... Ngắn gọn, trong ngôn ngữ của nạn nhân.

Chẳng hạn, nếu tôi viết sách bằng tiếng Hung và xứ tôi không phù hay chưa sẵn sàng chấp nhận những câu chuyện lấy hứng từ kinh nghiệm, thì lúc đó, tự động tôi thấy tôi ở ngoài nền văn hóa nước tôi. Ngược lại, một văn hóa khác, một ngôn ngữ khác lại dung nhận tôi. Dung nhận vì nền văn hóa đó đã được chuẩn bị. Ở đây, tại Đức, người ta mong chờ các tiểu thuyết mới của tôi. «Kaddish pour l'enfant qui ne naitra pas», xuất bản năm 1992, được báo chí phê bình tốt và «Être sans destin» cũng được như vậy. Khi tôi đọc các thư từ và các bài phê bình viết về các sách của tôi, tôi hiểu nước Đức cần những tiểu thuyết như vậy, cần loại mô tả Holocauste. Nước Đức đối diện với quá khứ... với Lịch Sử của họ và với Auschwitz. Ngày hôm nay, ở Âu châu người ta biết gần như mọi người đều có tham dự vào. Trong lúc đó, thế hệ thứ hai, thế hệ thứ ba lớn lên không có mặc cảm tội lỗi. Các thế hệ này muốn biết làm sao những điều khủng khiếp như thế lại có thể xảy ra. Trong các quyển sách của tôi, họ tìm ra một cái gì có thể giúp họ hiểu rõ hơn những chuyện như vậy.

LE POINT: Các chế độ cộng sản ở Đông Âu nuôi dưỡng tư tưởng chống phát-xít như một trong những nền tảng của cuộc chiến chống tư bản chủ nghĩa của họ. Trong hệ thống này, làm sao ông có thể tìm được sự hỗ trợ và thông hiểu như ông đã viết trong “Le refus”"

I.KERTESZ: Quyển tiểu thuyết này không thể xếp vào loại chống phát-xít như những người cầm quyền của Đảng mong muốn. Trong quyển sách này, tôi kể tầm chịu đựng đau khổ dưới chế độ phát-xít của chúng tôi và sau đó, sự chiến thắng của Hồng Quân Xô viết “giải phóng” chúng tôi. Đúng ra, tôi viết các tiểu thuyết này vào năm 1960, khi tôi bắt đầu ngấy chế độ Kadar. Trước đó, tôi chứng kiến và sống rất nhiều sự kiện. Ngôn ngữ và bầu khí của những năm 60 và 70 có mặt trong « Le refus ». Quyển sách này không được đón nhận vì tôi theo con đường riêng của tôi, không giống gì con đường của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Mặt khác, nó vận chuyển ngôn ngữ của hiện tại. Ngôn ngữ này chứa kíp nổ chống lại chế độ độc tài tại Hung. Chính vì lẽ đó mà họ ghét chúng và họ tìm đủ lý do để từ chối nó....

LE POINT: Ông chưa bao giờ thử làm một hành vi nhỏ nào đó để ve vãn quyền lực"

KERTESZ: Tôi sinh năm 1929, tôi sống dưới chế độ sta-lin, tôi thấy cuộc cách mạng 1956. Tôi biết là tôi không được đồng minh với chế độ này. Nếu tôi đăng những truyện ngắn để được trọng dụng, đời viết văn của tôi coi như chấm dứt. Mục đích của tôi là giữ ẩn danh và tôi hoàn toàn thành công. (Ông cười.)

LE POINT: Ông có thì giờ để đọc"

KERTESZ : Khổ thay tôi có rất ít thì giờ để đọc. Khi mất ngủ tôi lật lật “Nhật Ký Kafka” hay một quyển sách tình cảm “Lịch sử một người Đức,” của Sébastien Haffner. Ông chết năm 1999, để lại bản thảo kể tuổi thanh xuân đi qua dưới bóng chiến tranh và chế độ Nazi.

LE POINT: Trong tuổi thanh xuân, ông đọc những gì"

KERTESZ : Năm 1949, sau khi hoàn hồn, tôi bắt đầu đọc ngấu nghiến. Tôi không có thư viện gia đình. Gia đình tôi cũng bị chiến tranh làm dìm ngập. Không có hậu cảnh này, tôi có khuynh hướng tin rằng chẳng có loại văn hóa nào trên cõi đất này ngoài loại văn hóa – hèn nhát và nhàm chán – mà chủ nghĩa “xã hội hiện thực” nuôi dưỡng. Thế nên khi tình cờ gặp những quyển sách như “Cái chết ở Venise” “La mort à Venise», của Thomas Mann, tôi thật sự bị ảnh hưởng một cách không thể tin được... Hoặc khi khám phá quyển “Giáo Dục Tình Cảm” «L'éducation sentimentale» của Flaubert, thì tôi hiểu từ đâu tiểu thuyết hiện đại đã bắt đầu. Tôi bị cú sốc văn chương thứ nhì khi Kẻ Xa Lạ của Albert Camus được dịch qua tiếng Hung, vào năm 1957. Đây đúng là một cú mặc khải ảnh hưởng tới sự chọn lựa của tôi. Sau đó tôi khám phá các tác giả như Dostoevski, Kafka. Dù vậy tôi bị hối hận dày vò bởi vì tôi nghĩ tôi phải viết hơn là đọc, nhưng, nhờ Chúa, tôi tiếp tục đọc ngấu nghiến. Đầu những năm 60, tôi thích đọc Nietzsche, Kierkegaard và «Critique de la raison pure» của Kant, quyển này đã làm cho tôi kiểm chứng một cách chính xác những gì tôi cho là hiện hữu, có nghĩa là thế giới không phải là một thực tế khách quan mà hiện hữu thì độc lập với chúng ta, mà thế giới lại là chính tôi. Như thế, chính đó là cái quyết định cái khác biệt giữa tôi và những người tin rằng con người có thể hiện hữu mà không cần kinh nghiệm cuộc sống.

LE POINT: Ông mắc nợ Kant cho cuộc tỉnh thức trí tuệ này"

KERTESZ: Không! Không chút nào! Ông chỉ chứng nhận là tôi có lý. (Ông cười.) Tôi đọc một mạch quyển này vào một buổi chiều như đọc tiểu thuyết trinh thám. Tôi còn nhớ, vào mùa hè, chúng tôi thuê một túp lều bằng gỗ ở bờ hồ Balaton. Trời mưa không ngừng và tôi ngồi trên bao-lơn xiêu vẹo ngó xuống quốc lộ chính. tôi mở quyển sách và lập tức tôi cảm nhận tôi không còn nghi ngờ gì nữa về tầm nhìn thế giới của tôi. Tôi đối diện với chế độ độc tài mà mỗi ngày loa phóng thanh phóng những chuyện ngu ngốc một cách chính thức, chúng cứ liên tục bác bỏ các luận tưởng của tôi. Tuy nhiên, phải sống dưới chế độ độc tài và không được bằng lòng cho rằng đó là chế độ xấu cần phải cải tổ nhưng phải cho đó là kẻ thù tận căn. Trong chế độ toàn trị, cái căn bản của cuộc sống là phải hiểu mình sẽ bị giết bất cứ lúc nào. Như thế, cảm nhận được an toàn trong một xã hội như vậy là chuyện ảo tưởng. Tin tưởng vào xã hội này là ảo tưởng.

LE POINT: Như thế có cuồng hoảng không"

KERTESZ: Tôi tin là tôi hoàn toàn không cuồng hoảng. Tất cả các nghệ sĩ vào thời buổi đó đều sống trong cuồng hoảng. Văn sĩ cũng là một con người, thèm thành công, thèm được biết đến. Tôi viết một quyển sách, quý vị hãy yêu thích nó! Cùng một lúc tôi ý thức nếu quyển tiểu thuyết được xem như một biểu tượng, đặt trên bệ thờ, và người ta chính thức yêu thích thì đó là một quyển tiểu thuyết dở. Đó là nghịch lý làm mình bị nghiền nát. Đến một lúc, mình trở nên rất tự hào vì tiểu thuyết của mình không được thành công một cách chính thức, rơi vào thinh lặng, hoàn toàn chẳng ai biết đến. Hai thái độ được kiểm chứng và không lay chuyển. Đương nhiên khi chế độ toàn trị không còn thì các cảm nhận này cũng không còn.

LE POINT: Trước chiến tranh, ông sống tuổi thanh xuân như thế nào"

KERTESZ: Tôi không cảm thấy thoải mái. Tôi cảm thấy khó chịu trong môi trường tiểu trưởng giả. Đương nhiên là phải giấu chuyện này ở tuổi thanh xuân. Tôi trở thành một người nói dối chuyên nghiệp. Người ta nói rằng tôi là đứa bé chân thành nhưng thật sự tôi luôn luôn nói dối. Tôi đã học cái đạo đức giả khủng khiếp này: chân thành có nghĩa là gì" Nói cho đúng, chính cái không-chân thành là cái mọi người mong chờ.

Từ năm 1940, tôi vào học trường công lập nơi có những lớp dành riêng cho người Do Thái. Theo luật bài Do Thái đầu tiên năm 1939 gọi là luật «Numerus clausus», thì chỉ những trẻ em Do Thái học rất giỏi mới được nhận vào trường công. Phản ứng của bà con thân thuộc chung quanh tôi để chống lại hệ thống tuyển chọn này không được mạnh. Lúc đó tôi cảm thấy tôi nằm gọn lỏn trong lớp bọc dối trá khổng lồ này.

LE POINT: Ông không bằng lòng điều gì ở những người chung quanh ông" Họ không chống lại hay họ chấp nhận loại hòa nhập này"

KERTESZ: Đó là cái cố gắng để hòa nhập vào. Cái khủng khiếp là cái hòa vào khuôn khổ, nó trở nên một cách sống ở Hung vào thời buổi đó. Tôi, tôi sống như thế từ tuổi thơ ấu. Tôi không phê phán chế độ đó, tôi phê phán tôi. Tôi nhục nhã. Kết quả: tôi có điểm xấu, tôi thi rớt.

LE POINT: Ông thích làm gì vào thời buổi đó"

KERTESZ: Đọc.

LE POINT: Các phê bình những năm 60-70 chê trách thái độ bi quan và cay đắng của ông. Ông có còn cay đắng và không hy vọng cho tương lai nhân loại"

KERTESZ : Tôi chưa bao giờ nói tương lai nhân loại không có lối thoát. Sai. Tôi chưa bao giờ bôi đen thực tế. Ông có biết sự khác biệt giữa một người bi quan và một người lạc quan không" Người bi quan là người có những thông tin rõ ràng: đó là người lạc quan sáng suốt. Tôi không nghĩ là cần phải chối bỏ mọi sự kiện đề cảm thấy mình tự do. Tôi nghĩ chính cái hiểu biết mới thật sự giải thoát cho con người.

LE POINT: Ông phải bỏ ra mười năm để viết quyển tiểu thuyết đầu tiên. Lúc nào ông cũng viết chậm rãi như thế sao"

KERTESZ: Đúng, tôi viết rất khó khăn. Thường thường tôi tự tra tấn vặn vẹo cả mấy năm trường để tìm cho được một hình thức tốt nhất. Đối với tôi, trên mặt kỹ nghệ, cán viết không phải là một nghề sinh lợi. Đương nhiên, ý tưởng này sẽ thay đổi khi được giải Nobel. Khi tôi lên xe lửa để đi đến Auschwitz, tôi không nghĩ đến viễn cảnh giải Nobel. Như người ta nói, không phải vì vậy mà mình có hợp đồng. (Ông cười.) Tương lai bất định chính nó cũng đã mang hiểm họa. Nghề viết văn mang hiểm họa này. Tôi sống với hiểm họa này như một cuộc phiêu lưu khủng khiếp. Chính vì vậy mà tôi yêu nó.

Lan Nguyễn chuyển ngữ

Tanvien.net

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.