Hôm nay,  

Đời Sống Trưởng Giả Của Chó

24/01/200600:00:00(Xem: 5687)
Xưa nay người Việt mình thường có thói quen, những lúc gặp chuyện khốn khó, đói rách đến cùng cực, đều than thở: Khổ như chó! Như vậy đủ thấy làm chó chẳng có sung sướng gì. Cả một cuộc đời tận tụy thủy chung tình nghĩa với chủ, chó vẫn bị hắt hủi, bạc đãi, ăn thì cơm thừa canh cặn, ngủ thì ngoài hiên, dưới bếp bất kể trời mưa gió băng giá. Ngạn ngữ Ăng Lê cũng có câu "A good dog deserves a good bone". Như vậy chứng tỏ người tây phương cũng chỉ coi chó là loài vật thuần túy và phần thưởng cho một con chó khôn ngoan cũng chỉ là một chiếc xương có dính nhiều thịt hơn một chút mà thôi. Chẳng những sống khổ sở, tính mạng của chó còn luôn luôn bấp bênh, sống chết không biết lúc nào. Những lúc hội hè đình đám, hay khi vài người bạn của chủ tình cờ ghé chơi rủ nhau ăn nhậu, hoặc lúc đột nhiên trời trở gió se se lạnh gặp lúc ông chủ rỗi rãi nhân dịp cuối tuần... đều dễ dàng trở thành cái cớ để ông chủ đem con chó "chí tình chí nghĩa" lên bàn mổ. Mà chẳng phải chỉ có ở những nước Á Châu mới biết đến món cầy tơ, cẩu nhục, cẩu thận, cẩu bảo... Người viết bài này đã từng tham khảo sách vở, tài liệu và được biết ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi trước đây người ta cũng say sưa ăn thịt chó không kém gì người mình. Chỉ có điều họ ăn uống một cách phàm phu tục tử chứ không văn minh chia làm nhiều món nhiều kiểu nấu nướng như người Việt mình. Bằng cớ là theo tác giả Bourret thì trong một tác phẩm y học của Pháp thời trung cổ có nguyên cả một trang chỉ dẫn cách treo cổ chó như thế nào để thịt chó không đọng tiết và cẩu thận (penis et testis canis) còn giữ nguyên chất bổ dương androsteron. Không những ăn thịt chó, thận chó, một số bộ lạc ở Bắc Âu ngày xưa còn biết thưởng thức cả món thận hải cẩu (callorhini), tức là chó biển vì cho rằng loài này sống đa thê, một con đực có khi có cả hai chục con cái làm vợ nên thận nó là vật đại bổ cho đàn ông. Cũng vì khoái ăn thịt chó như vậy nên ngày xưa nuôi chó, người chồng thường hay kiếm cớ chê con vàng ở dơ, con vện hay sủa đêm, con mực hay cắn lộn chủ... để đem chó ra treo cổ làm thịt. Câu ngạn ngữ "give a dog a bad name and hang him" tuy ngày nay được dùng với nghĩa bóng nhưng nguyên thủy nó đã bắt nguồn từ nghĩa đen có cách đây gần tám thế kỷ, khi King John của nước Anh dưới áp lực của giới qúy tộc Anh phải đặt bút ký vào hiệp ước Magna Carta.
Nhưng thưa các bạn, đó là chuyện chó ngày xưa và là chó của người nghèo. Ngày nay chó của người giầu sống sung sướng đế vương không kém gì chủ của nó. Chó ngày nay của những bà góa giầu có được ăn mặc tử tế, có xe riêng, tài xế riêng, khách sạn riêng, người hầu riêng, thậm chí còn được học thiền, được tắm cát nóng, được lên xe hoa, được hưởng gia tài hàng chục triệu đô la và khi chết được ướp xác trong nitrogen lỏng để mai sau khi khoa học phát triển, nó sẽ được hồi sinh đoàn tụ cùng với chủ.
Trước thềm xuân Bính Tuất, để qúy độc giả thấy làm chó nhà giầu ngày nay sướng như thế nào, người viết xin trình bầy tóm tắt một số tài liệu mới nhất về chó được đăng trên tạp chí She, tạp chí Marie Claire và tạp chí Colors xuất bản trong thời gian gần đây.

ĐỜI SỐNG ĐẾ VƯƠNG CủA CHÓ TẠI MỸ QUỐC

Theo tạp chí Marie Claire, mỗi năm người Mỹ chi khoảng 17 đến 20 tỷ Mỹ kim cho đồ ăn thức uống và những dịch vụ chăm sóc các thú cưng mà tiếng Anh gọi là Pets. Trong số đó, người ta ước lượng riêng chó chiếm khoảng 12 tỷ đô la. Tương tự như con người, mặc dù số lượng chó tại Mỹ hiện có khoảng trên 100 triệu con, nhưng đại đa số sống đời sống bình thường của một con chó và chỉ có một số ít được hưởng những tiện nghi đắt giá mà ngay cả con người, nếu không là triệu phú, cũng không dám mơ ước.
ở Mỹ có một hội chuyên chăm sóc sắc đẹp cho thú cưng gọi là US Professional Pet Groomers Association. Phát ngôn viên của hội này cho biết, chuyện hội viên bỏ ra vài trăm đô la để may quần áo cho chó mèo là chuyện rất thường. Chuyện đặc biệt đáng nói là trong thời gian gần đây có trào lưu chủ có thứ gì thì chó mèo cũng phải có thứ đó. Không những chó mèo ăn mặc, trang điểm giống như chủ mà ngay cả đồ trang sức và thậm chí ngay cả xe hơi riêng cũng phải giống chủ.
Tình trạng chủ nhà giầu cưng chó mèo quá mức đã khiến cho nhiều dịch vụ chăm sóc chó mèo phát triển tại Mỹ, Nhật và nhiều quốc gia Châu Âu. Nhiều tiệm ăn sang trọng trên thế giới bắt buộc phải chấp nhận cung ứng những dịch vụ riêng biệt cho những thực khách qúy hóa có lông này. Ông Paul Buller, một chuyên viên chuyên nghiên cứu về đời sống của các loài thú cưng tại Mỹ đã cho biết, ở vùng Beverly Hills có khách sạn sang trọng tên Four Seasons có đầy đủ nhân viên chuyên chăm sóc cho chó, từ việc dắt chó đi dạo, cho chó ăn uống, tắm rửa, trang điểm đến cả việc cho chó đi vệ sinh, đi ngủ...
Thống kê cho thấy phần đông chủ nhân của những con chó, mèo có đời sống đế vương này là những bà góa không con, những bà cô giầu có nhưng vì õng ẹo kén chọn quá nên chưa hề bao giờ có chồng, hoặc chủ nhân là những người đàn ông đồng tính luyến ái. Một số nhà tâm lý xã hội tại Mỹ cho rằng, đời sống tình cảm ở Mỹ, nhất là ở Los Ageles quá phức tạp, dễ tan vỡ nên những người đàn bà giầu có cảm thấy khó có thể tìm được sự thủy chung tình nghĩa của con người nên quay sang trao gửi tình yêu cho chó mèo, những con vật yêu chủ một cách vô điều kiện và không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu để đào mỏ, yêu để lợi dụng.
Nhiều phụ nữ giầu có, không chồng không con còn đối xử với chó mèo y như đối xử với người thân. Ông Paul Buller cho biết, ở Mỹ có một thiếu phụ chuyên ngủ với heo. ở Nhật có một bà đã từ chối không chịu nhập viện điều trị bệnh nan y chỉ vì ban giám đốc bệnh viện không cho bà mang con chó cưng của bà theo.
ở vùng Park Bench Cafe, Los Angeles có một tiệm ăn đầu tiên dành riêng cho chó. Tại đây mỗi ngày đều có đủ loại chó ăn mặc đủ kiểu thời trang, cổ đeo vòng vàng, vòng bạc có đính kim cương, ngọc thạch, đầu đội mũ đắt tiền, đeo kính mát hạng sang, được các cô các cậu hầu bàn chăm sóc tận tình, kính cẩn như chăm sóc ông vương bà tướng.
Tại Pennsylvania có một trung tâm nghỉ mát dành riêng cho chó mèo tên là Cozy Inn Pet Resort and Spa. Tại đây chó sẽ được chăm sóc một cách tử tế và đầy đủ không kém gì "nhất dạ đế vương". Trong những căn phòng đầy đủ tiện nghi, chó sẽ được coi TV những bộ phim chuyên về loài vật, được tắm rửa trong những chiếc bồn tắm trị giá 25 ngàn đô la, được các chuyên viên đấm bóp soa nắn thật điệu nghệ và được ngủ trên những chiếc giường lông êm ái.
Nhiều chú chó nhà giầu còn được chủ ban phát cho những ân huệ đặc biệt như có vệ sĩ riêng, bác sĩ riêng, người hầu riêng. Những con chó này nếu chẳng may bị bệnh thì quả là một tai họa khiến nhiều người mất ăn, mất ngủ, thậm chí mất cả công ăn việc làm. Thí dụ như tài tử Linda Gray trong phim tập Dallas khi hay tin con chó cưng của nàng bị ung thu, đã khóc mùi mẫn và chi những món tiền khổng lồ cho những bác sĩ thú y tài danh nhất nước Mỹ. Kết quả, cũng căn bệnh ung thư trong tình trạng đó với người thì cầm chắc là chết, nhưng với chó của Linda thì được các bác sĩ thức đêm, thức hôm, tận tình cứu chữa và được không biết bao nhiêu người cầu chúc âm thầm, nên cuối cùng đã tai qua nạn khỏi.
Một chú chó khác tên là Morgan, nhờ được chủ là nữ nghệ sĩ Ava Gardner sau khi qua đời để lại di chúc cho thừa hưởng cả một gia tài trị giá nhiều triệu đô la nên Morgan sống cuộc sống đế vương có biệt thự riêng, xe hơi riêng và cả một đội ngũ người phục dịch từ đầu bếp đến tài xế, bác sĩ, người hầu. Vì toàn bộ tài sản tiền bạc của chú chó Morgan hiện được gửi trong trust fund do một công ty luật quản lý dưới sự ủy nhiệm của cố nghệ sĩ Ava nên cuộc sống của tất cả những người phục dịch cho con chó Morgan đều tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của nó. Nếu chẳng may con chó mệnh hệ nào mà lăn quay ra chết trước khi nó có con nối dõi thì cả chục người bị mất việc.


Người giầu có yêu chó đến độ khó có thể tưởng tượng được như thế nên mỗi khi chó bị lạc cũng là cả một chuyện trọng đại. Người ta còn nhớ khi con chó cưng của tài tử Jim Carrey bỗng nhiên bị lạc, chủ nhân của nó đã sẵn sàng bỏ 250 đô la một ngày thuê thám tử tìm kiếm cho bằng được mới thôi.
Nhiều người vì thương chó quá đã đứng ra lo cả chuyện tổ chức sinh nhật, lo dựng vợ gả chồng cho chó. Đọc đến đây, chắc nhiều vị cho rằng chuyện cưới hỏi của chó chỉ là chuyện làm để vui nhà vui cửa. Sự thực tại Mỹ có nhiều đám cưới chó được tổ chức có đầy đủ nghi lễ kể cả lễ cưới với đầy đủ giấy tờ hôn thú do chủ nhân đại diện ký. Những con chó hay mèo khi trải qua những đám cưới như vậy cũng sẽ bị ràng buộc những bổn phận và quyền hạn tương tự như người, kể cả quyền thừa kế tài sản, quyền giám hộ, cấp dưỡng và ly dị.
Yêu thương chó khi sống thì khi chó chết, người ta còn thể hiện tình thương tiếc vô vàn dành cho chó dưới nhiều hình thức khác nhau. Tại Mỹ có những đám tang chó long trọng, xe cộ dềnh dang đến mức ngay cả chính khách liên bang trông thấy cũng phát thèm. Trong khu nghĩa trang dành riêng cho chó tại LA, người ta thấy không thiếu những ngôi mộ xây bằng cẩm thạch với đầy đủ những vật dụng chó thường dùng và những thực phẩm chó thường ăn thuở chó còn sinh tiền. Tại nghĩa trang này có thi hài của khoảng 25 ngàn thú vật trong đó có những con nổi tiếng thế giới như con chó Lassie, con ngựa Topper, con sư tử của hãng MGM, con chó của Valentino, con khỉ của Mae West...
Sau khi khâm liệm chó, nhiều ông bà chủ vẫn còn nhớ chó như điên. Vì vậy có nhiều người đã bỏ ra từ 600 đô đến 100 ngàn đô la để thuê thợ làm những con chó giả giống hệt như con chó đã quá cố. Bên cạnh việc tái tạo hình ảnh, còn có dịch vụ thu hình, ghi âm tiếng chó sủa, chế tạo các mùi vị đặc biệt tương tự như con chó đã chết để giúp chủ nhân của chó có thể bớt đau buồn phần nào trong cuộc sống cô đơn trên dương thế. Ngoài ra, còn có người giầu có sẵn sàng bỏ 120 ngàn đô la để ướp xác (cryonics) con chó cưng trong nitrogen lỏng để hy vọng trong tương lai không xa, khoa học nhân loại sẽ có biện pháp làm cho nó hồi sinh đoàn tụ với chủ (cho dù chủ đã chết).
Trên đây là cuộc sống đế vương của chó tại Mỹ. Bây giờ mời qúy vị cùng theo dõi đời sống đế vương của chó tại Nhật Bản.

ĐỜI SỐNG ĐẾ VƯƠNG CủA CHÓ TẠI NHẬT BảN

Cách đây không lâu, tạp chí She cũng có một bài đặc biệt kể về cuộc sống đế vương của chó mèo tại Nhật Bản. Theo tác giả Nocole Ollier thì người Nhật tuy mới là dân tộc yêu chó đến phát sốt phát rét trong khoảng thời gian trên dưới 10 năm trở lại đây nhưng đã tỏ ra qua mặt Mỹ trong việc yêu chó hơn yêu người. Nói đúng hơn, những người Nhật giầu có hiện nay không những cưng chó hơn cưng con mà phải nói họ đã coi chó như là những minh tinh, tài tử, những thần tượng đáng được tôn thờ.
Tại Nhật Bản hiện có nhiều trung tâm trị liệu dành riêng cho chó. Những trung tâm này được trang bị đầy đủ những tiện nghi của một khách sạn quốc tế cỡ 5 sao. Tại đây chó, mèo sẽ được chăm sóc đầy đủ từ việc sơn phết móng tay, chải lông, trang điểm như tô vẽ lông mi, mắt mũi đến những việc trị liệu bệnh tật, may mặc quần áo và cả việc giúp chó sống sao cho vui vẻ, không phải phiền muộn vì bất cứ chuyện gì. Ngoài ra chó mèo còn được học yoga, được bác sĩ cho tắm cát nóng, được hướng dẫn nghệ thuật yêu đương, cách thức đi đứng, ăn ngủ và biết thưởng thức những món ăn chơi giải trí.
Thống kê cho thấy trung bình mỗi năm dân Nhật chi cho chó, mèo khoảng 600 triệu Mỹ kim. Con số này tuy thua xa so với con số 17 tỷ đô la của Mỹ nhưng số lượng chó mèo tại Nhật ít hơn Mỹ rất nhiều. Vì thế so sánh ra tại Nhật có không thiếu chó sống đế vương không thua gì chó Mỹ.
Người có công sáng lập ra kỹ nghệ chăm sóc chó mèo một cách xa xỉ tại Nhật không phải là một thương gia bình thường mà là một khoa học gia có kích thước quốc tế tên là Junki Uyama. Ông này là một giáo sư có biệt tài và là người được nhà động vật học nổi tiếng người Áo tên Lorenz rất kính trọng.
Năm 1982, giáo sư Uyama viếng thăm Châu Âu cùng với một con khỉ được huấn luyện thành thạo đến độ có thể đóng vai trò phụ tá cho ông trong một cuộc họp báo quốc tế. Sau khi từ Châu Âu trở về ông cho thành lập một trung tâm điều dưỡng lớn nhất và đắt tiền nhất dành riêng cho chó mèo. Trung tâm này bao gồm nhiều khu vực trị liệu, điều dưỡng, nghỉ ngơi khác nhau. Ngoài ra, trung tâm còn có một khách sạn sang trọng tên là Idol Hotel. Tiền phòng ở đây trung bình mỗi ngày từ 160 đến 200 Mỹ kim. Khi mướn phòng tại khách sạn Idol, chó (hay nói đúng hơn là chủ nhân của chó) có quyền chọn lựa một mình một phòng hay mướn chung phòng cùng với những con chó khác. Mỗi phòng có đầy đủ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn. Phòng khách có ghế sa lông bằng da, có TV, video với cả chồng băng đủ loại phim của Walt Disney.
Theo lời tuyên bố của bà Uyama, vợ giáo sư đồng thời là giám đốc khách sạn Idol, tại khách sạn đã từng chứng kiến nhiều cuộc đính hôn cũng như đám cưới của chó, mèo. Trong số đó có cuộc đính hôn của chú chó Taro và cô chó Chibi. Tổng số tiền bạc tốn phí cho một buổi lễ đính hôn tại Idol Hotel là từ 6000 đến 10 ngàn Mỹ kim. Đó là chưa kể đến những phí tổn liên quan đến quần áo, nữ trang... Còn lễ cưới dĩ nhiên là đắt tiền gấp hai gấp ba lễ đính hôn. Sau khi dự lễ cưới xong, cô dâu chú rể chó sẽ được đưa vào phòng tắm với những tiện nghi đặc biệt dành riêng cho chó. Tại đây sẽ có năm chuyên viên có bằng cấp về thú y xúm xít chăm sóc, tắm rửa, lau chùi sạch sẽ và xịt dầu thơm cho cả hai trước khi bế chúng lên trên giường cho chúng động phòng hoa chúc.
Là một nhà động vật học nổi tiếng lại có công chuyên nghiên cứu về chó nên giáo sư Uyama đã sáng lập ra môn học mà ông mệnh danh là dogology (tạm dịch là khoa cẩu học). Ông là người trực tiếp giảng dậy khoa cẩu học tại phân khoa thú y thuộc bệnh viện thú y ở Fukuoka.
Bên ngoài Fukuoka là một nghĩa trang dành riêng cho chó mèo và các loài thú cưng. Nghĩa trang này có tên Heaven và giá tiền cho một ngôi mộ để chó mèo yên nghỉ giấc ngàn thu có thể lên đến 8000 Mỹ kim. Với 5 mẫu đất được quy hoạch, bao bọc bằng một hồ nước nhân tạo, cảnh trí nghĩa trang Heaven thật là đẹp và thơ mộng. Tại đây cho đến nay đã có 10,000 chó mèo, 4 con hổ, 10 con sư tử, 1001 con sóc, 22 con hươu và 6 con rắn được chôn cất. Khác hẳn những nghĩa trang dành cho người chỉ đông đúc vào những ngày lễ tết còn ngày thường vắng như chùa Bà Đanh, nghĩa trang Heaven hầu như ngày nào cũng đông đúc người viếng thăm. Trong số những người viếng thăm có chủ nhân của những con vật đã mất, có nhiều người hiếu kỳ, nhiều khách du lịch đến để quay phim, chụp hình, làm phóng sự... Đặc biệt, viếng thăm nghĩa trang Heaven còn có những người bị buộc phải đến. Họ là con cháu của người quá cố. Vì người quá cố sau khi chết để lại di chúc cho phép con cháu được hưởng gia tài với điều kiện phải viếng thăm mộ con chó con mèo cưng ít nhất mỗi ngày một lần.
Tại Nhật còn có bác sĩ Kuroki, người đã thành lập trung tâm trị liệu bằng nước cho chó. Ông còn là người đầu tiên ứng dụng kỹ thuật tắm cát nóng cho chó và mèo tại bãi biển nơi cát được núi lửa Shiromaya hâm nóng. Bác sĩ Kuroki cho biết, trước đây kỹ thuật tắm cát nóng, hay nói đúng hơn là ngâm mình trong cát nóng, chỉ được áp dụng cho người vì nó có công dụng giúp con người thêm khỏe mạnh, tâm trí thoát khỏi mọi sự phiền não. Nay bác sĩ Kurioki đã áp dụng kỹ thuật ngâm cát nóng cho chó và mèo. Nhưng nếu con người có thể chịu đựng trong cát nóng tới 15 phút, thì chó mèo chỉ có thể chịu đựng được khoảng trên dưới 5 phút. Bác sĩ Kurioki cũng cho biết, mèo xem ra có vẻ biết thưởng thức thú tắm cát nóng hơn là chó. Sau khi được quấn kín thân thể bằng khăn bông và được vùi xuống cát nóng, mèo nằm yên không nhúc nhích trong khi mắt lim rim có vẻ khoái trá lắm. Trái lại, chó thì có vẻ nôn nóng, bồn chồn không biết thưởng thức món chơi trưởng giả đó. Phải chăng bản năng sinh tồn của loài chó khiến chó không chịu ngâm mình trong cát nóng vì chúng linh cảm nhớ tới cảnh ngâm mình trong nước nóng trước khi bị làm lông"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.