Hôm nay,  

Đông Nam Á - Khi Thuyền Rồng Trở Lại

30/07/200500:00:00(Xem: 5557)
Một ngẫu nhiên lịch sử - của lịch và sử - khiến Đông Nam Á thấy lại mặt rồng. Và giật mình.
Tháng Bảy đang kết thúc là một cơ hội quan tâm đến sự tái xuất hiện của Trung Quốc ngoài Đông hải, trong vùng biển Đông Nam Á. Nếu như người ta muốn quan tâm.
Trong suốt tháng Bảy, tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, nhất là tại Mã Lai Á, Nam Dương và Tân Gia Ba, người ta tổ chức nhiều sinh hoạt kỷ niệm 600 trăm năm ngày mà đoàn thuyền rồng của Trung Quốc lần đầu tiên cập bến - vào tháng Bảy năm 1405. Những lễ hội tưng bừng nhất tại một số bến cảng của các quốc gia này được cộng đồng người Hoa và cả người Hồi cử hành long trọng.
Ngẫu nhiên sao, hạ tuần tháng Bảy tại Hoa Kỳ, một số học giả đã điều trần trước Hội đồng Thẩm duyệt Quan hệ Kinh tế và An ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc (xin gọi tắt là Hội đồng Mỹ-Hoa - U.S.-China Economic and Security Review Commission). Dịp này, một Giáo sư Cao đẳng Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Marvin C. Ott cũng thuyết trình về chiến lược xâm nhập Đông Nam Á của Trung Quốc trong một bài trần tình ngày 22 tháng Bảy.
Hiếm khi có cơ hội nhìn ra mối liên hệ của một biến cố xảy ra 600 năm về trước với những gì đang diễn tiến trước mắt, cho nên ta cần giở lại trang sử cũ và suy nghĩ về những thách đố mới. Đó là mục tiêu của bài viết này, xin báo trước là hơi dài!

Tam bảo Thái giám Tây dương ký

Đó là chuyện - chứ không phải truyện - của một vị thái giám cực kỳ đặc biệt.
Chuyện vì là những gì Minh sử ghi lại từ hồi ký và tường thuật của ông. Đặc biệt vì ông là một Đô đốc, lại là một Đô đốc theo đạo Hồi. Và thực tế là nhà hải hành đã thám hiểm tứ hải hơn nửa thế kỷ trước khi Cristobal Colon (Columbus) giong buồm tìm ra Mỹ châu, hơn 90 năm trước khi Vasco de Gama vòng qua mũi Hảo vọng (Cape of Good Hope) của Phi châu. Ông ta là Đô đốc Trịnh Hòa của nhà Minh, và từ hơn năm trăm năm trước đáng lẽ góp phần làm thay đổi cục diện toàn cầu - một thế giới Hán hóa thay vì Âu hóa.
Không phải là lý do duy nhất, nhưng một trong những nguyên nhân cản trở biến cố này chính là Việt Nam.

Đồng tiền kẽm tưởng niệm Trịnh Hoà

Trịnh Hòa chính thực là họ Mã, Mã Tam Hòa, sinh năm 1371 tại Vân Nam trong một gia đình tộc Hồi phiêu dạt từ vùng đất nay ta gọi là Uzbekistan đến lập nghiệp tại miền Nam Trung Hoa. Thời đó, đế quốc Nguyên Mông đã nối liền hai lục địa Âu-Á, và dòng họ Mã có thể đã theo bước chân Thành Cát Tư Hãn bước vào đất Hoa, nhưng vẫn theo phong tục Hồi và dường như hàng năm vẫn cố đi hành hương ở thánh địa Mecca, một điều không dễ.
Năm 1368, Chu Nguyên Chương diệt nhà Nguyên lên ngôi là Minh Thái tổ, lấy niên hiệu là Hồng Vũ, và trị vì được 31 năm. Trước khi mất, ông không nhường ngôi cho con mà cho cháu đích tôn, Chu Doãn Văn, con trai của Thái tử Chu Tiêu bị mất sớm vì bệnh. Đó là Minh Huệ đế, niên hiệu Kiến Văn, làm vua từ năm 1398, khi Hồ Quý Ly ở nước ta cũng vừa xoán ngôi nhà Trần.
Vốn đa nghi và hiếu sát, Minh Thái tổ giết hại khá nhiều công thần và rút kinh nghiệm sai lầm của Triệu Khuông Dận, người sáng lập nhà Tống, ông phong vương cho 24 người con trấn giữ các địa phương với quân đội riêng để bảo vệ triều đình trung ương. Trong số các con, có người con thứ tư là Chu Đệ, thông minh tài giỏi và từng lập nhiều chiến công dưới trướng của Đại tướng Từ Đạt từ thời kháng chiến chống Nguyên Mông. Chu Đệ được vua cha sai cầm quân trấn giữ Bắc Bình (nay là Bắc Kinh), với tước phong là Yên vương.
Vốn không phục đứa cháu là Huệ đế Doãn Văn, lại biết Huệ đế nghi ngờ mình, Yên vương lập mưu xoán ngôi trong vụ chính biến gọi là "Tĩnh nạn". Nội chiến bùng nổ giữa hai phe, kéo dài gần ba năm, đến năm 1403 thì Yên vương đại thắng, Doãn Văn hạ lệnh đốt cung điện bỏ chạy vào chùa và mất tích sau cơn hỏa hoạn. Yên vương Chu Đệ lên ngôi từ đấy, là Minh Thành tổ, lấy niên hiệu là Vĩnh Lạc. Ông dời đô lên Bắc Bình, và kinh đô Trung Quốc trở thành Bắc Kinh là từ đấy.
Ông cũng khởi sự đưa quân xâm chiếm nước Nam, dưới lý cớ "phù Trần diệt Hồ" cũng từ đấy.
Trong số cận tướng của Yên vương, có Mã Tam Hòa. Là một cậu bé thông minh hiếu học, Tam Hòa được nạp vào dinh Yên vương và năm 13 tuổi được thiến để thành thái giám, than gia mọi thăng trầm trong sự nghiệp quân sự rồi chính trị của Yên vương. Sử sách Trung Hoa gọi ông là "Tam bảo Thái giám", tên Trịnh Hòa là do Minh Thành tổ đặt cho.
Trịnh Hòa am hiểu địa dư, phong tục và nhất là kỹ thuật hàng hải lúc đó đã bắt đầu phát triển. Nghe đồn Kiến Văn đế chưa chết trong chùa mà có khi đã chạy ra biển, Minh Thành Tổ phong Trịnh Hòa làm Đô đốc, chính thức cử ông đi làm sứ giả dẫn một đoàn thuyền thăm các nước "Tây dương". Khi ấy, Tây dương chưa là Âu châu như dân Đông Á sẽ gọi về sau mà chỉ là vùng biển phía Nam và phía Tây Trung Quốc. Mục tiêu chính thức là thăm viếng hữu nghị các nước lân bang ngoài cõi, mục tiêu thực tế là tìm dấu vết tin tức của Chu Doãn Văn để nhổ cho sạch rễ hậu họa.
Từ xưởng đóng tầu Lưu Gia Hà thuộc tỉnh Giang Tô, đầu năm 1405, đoàn "bảo thuyền" của Đô đốc Trịnh Hòa lên đường trong chuyến hải hành đầu tiên, kéo dài đến ba năm chín tháng. Các hải cảng đầu tiên là của Chiêm Thành và Chân Lạp, sau này được gọi là Quy Nhơn và Sàigon; kế tiếp là các tiểu vương quốc trong vùng quần đảo Java-Sumatra và qua eo biển Malacca tiến tới Sri Lanka tại Ấn Độ dương. Vì vậy, tháng Bảy vừa qua, cả Sri Lanka lẫn Malaysia, Singapore và Indonesia đều có lễ hội hai triển lãm để nghi nhớ biến cố ấy.
Từ năm 1405 đến 1433, là năm ông tạ thế vì bệnh tại Calcuta của Ấn Độ, Trịnh Hòa thực sự là người đầu tiên đã thám hiểm và ghi chú đầy đủ về các lục địa khác lẫn các sắc dân Ả Rập, Phi châu, xa nhất là Somalia tại Đông Phi hay cảng Aden trong Hồng hải. Trước sau, ông đã thăm viếng 37 nước, dẫn đầu các đội hải thuyền hùng hậu nhất trong lịch sự đương thời.

Soái hạm của ông có chín cột buồm, dài 44 trượng (gần 150 thước), rộng gần 20 trượng (60 thước) và có thể chở ngàn người, lớn gấp năm con thuyền St. Maria của Columbus sau này. Ngoài binh lính và thủy thủ còn có thầy thuốc, nhân viên kỹ thuật và thông ngôn, tổng cộng có khi lên tới 28.000 người trong một hải đội đầy đủ lương thực, nước ngọt và cả quân kỵ mã.
Hải thuyền của Trịnh Hòa được lịch sử Trung Hoa gọi là "bảo thuyền" vì chuyên chở nhiều báu vật như tơ lụa và đồ sứ làm tặng phẩm kết thân với các nước xa lạ.
Sau nhiều chuyến đi, Trịnh Hòa thuyết phục được Minh Thành tổ là Chu Doãn Văn không còn, nhưng Minh triều có thể khuất phục các chư hậu man mọi bằng cách biểu dương khí thế văn minh của Trung Hoa.
Ngoại trừ một biến cố nhỏ tại Sumatra do một tên hải tặc là Trần Tổ Nghĩa gây loạn tại một hải cảng ở Sumatra khiến hải thuyền của Trịnh Hòa phải dụng võ, ngần ấy chuyến đi đều tiến hành êm thắm, hòa bình. Và phát triển được quan hệ giao thương với các nước. Hải thuyền của Tây dương Đô đốc còn chở về nào sứ giả của các nước hải ngoại xa xôi lẫn ngà voi, gia vị, ngọc trai, gỗ quý từ phương xa về Bắc Kinh. Con hươu cao cổ của Phi châu được các quan tại Bắc Kinh gọi là "kỳ lân" vì cũng kỳ lạ và hiền lành như kỳ lân của đức Thánh Khổng. Kỳ lân xuất hiện, Thánh chúa ra đời mà!
Nhờ Trịnh Hòa, triều Minh đã thực sự tỏa đức sáng ra khắp tứ hải - trừ ở tại Việt Nam!
Nếu người Trung Hoa tiếp tục phát triển óc mạo hiểm và tinh thần phiêu lưu hiếu hòa ấy, lịch sử nhân loại có khi đã đổi khác. Thế giới ngày nay có thể đã được "Vương hóa" hay bị "Hán hóa" theo quan điểm Trung Hoa, phân nửa nhân loại có khi nói tiếng Hoa, các địa danh hay tên nước không bị Âu hóa và có màu sắc Thiên chúa giáo mà có khi thiên hạ lại tôn sùng Khổng tử, hoặc ngợi ca Tần Thủy Hoàng Đế!
Nhưng, năm 1423, sau chuyến hải hành thứ sáu của Trịnh Hòa, Minh Thành tổ qua đời, con là Chu Cao Chức nối ngôi là Minh Nhân tông. Chưa đầy một năm, Nhân tông chết, ngôi vua truyền cho một cậu bé lên chín là Chu Chiêm Cơ, đó là Minh Tuyên tông, niên hiệu là Tuyên Đức. Năm 1425 ấy, cuộc kháng chiến của nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh bắt đầu ngã ngũ trong khi triều đình Bắc Kinh rơi vào tay Từ Thái hậu, bà nội của Tuyên tông, và ba vị lão thần nắm quyền nhiếp chính.
Sau chuyến hải hành thứ bảy, khi Trịnh Hoà ốm bệnh và từ trần tại Ấn Độ, triều đình chấm dứt giấc mộng viễn du của người Trung Hoa. Trong tháng Bảy vừa qua, khi tường thuật sự tích Trịnh Hoà, truyền thông Tây phương và cả Đông Nam Á nêu câu hỏi: "chẳng biết vì sao nhà Minh lại bãi bỏ việc ấy, một việc có thể đã làm thay đổi bộ mặt thế giới""
Thực ra, có ba nguyên nhân làm thay đổi sự việc.
Thứ nhất, sau khi đánh đuổi quân Mông ra khỏi bờ cõi, nhà Minh vẫn chưa diệt hết hậu họa của Tứ di, những sắc tộc ở các vùng biên trấn, và còn bị quân Hung nô đe dọa ngoài cõi Tây-Bắc. Mối họa Hung nô ấy khiến triều Minh sau đời Thành tổ phải chú trọng đến biên cương trong nội địa hơn là những giấc mơ chinh phục đại dương.
Thứ hai, và đây là vai trò lịch sử bất ngờ của Việt Nam: 10 năm kháng chiến của Lê Lợi và Nguyễn Trãi khiến Minh triều đuối sức. Năm 1427 là khi nghĩa quân Lam Sơn giải phóng Đông quan (Thăng Long - Hà Nội) trong vùng cực Nam thì kho lẫm Thiên triều đã kiệt quệ, chưa kể mối đe dọa của Hung nô ở miền Bắc. Từ năm 1415 rồi, các xưởng đóng tầu đã được lệnh đóng giang thuyền có đáy bằng để cấp tốc chuyên chở lương thực lên kinh đô và lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào hải thuyền viễn duyên đã trở thành đề tài tranh luận.


Thứ ba, và đây mới là nguyên nhân chính, các quan trong triều chỉ nhìn thấy chính mình và viện dẫn Thánh Khổng, đòi chấm dứt mọi chuyến viễn duyên vì đi ngược với lời răn của Thánh hiền. Lăng tẩm tiên vương và mồ mả tổ tiên bị đe dọa mà giăng buồm đi xa là mang tội bất hiếu! Sau khi Trịnh Hòa mất, nhà Minh cấm không cho đóng tầu trên ba cột buồm, lên thuyền đi biển ra khơi là lãnh án tử hình. Trịnh Hòa mất mà không có người nối chí, và sau này nhà Minh nổi tiếng trong lịch sử là triều đại bị hải tặc uy hiếp nhiều nhất, trong đó có "nụy khấu" Nhật Bản và nhân vật Từ Hải trong truyện Kiều!
Kể từ đấy, từ năm 1433, Trung Quốc trở thành một cường quốc đại lục, nhường đại dương cho Âu châu, cho đến khi Âu châu hùng mạnh và nã đại bác vào hải cảng để đòi thông thương, lập tô giới, và có khi còn trực tiếp xâm lăng. Dù nhà Minh quay nhìn vào trong mà vẫn bị một ngoại tộc khác thôn tính, là dân Mãn Thanh. Nhà Đại Thanh được Hán hóa rất nhanh nên sớm coi mình là cái rốn của vũ trụ, thiên hạ là con cái của Thiên tử, và không kịp canh tân đất nước cho đến ngày sụp đổ. Và Trung Quốc trở thành con bệnh của Đông Á (nhà Lê và triều Nguyễn của ta cũng không khá hơn, vì vua quan cũng học đúng phép Thánh hiền phương Bắc!)
Những người lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay rất hiểu bài học ấy của lịch sử và nhất quyết không tái diễn sai lầm cũ.
Đức sáng của Thiên triều phải đi đôi cùng sức mạnh kinh tế và quân sự. Và Trung Quốc ngày nay phải tái chinh phục thế lực đã mất. Vùng biển Đông Nam Á mà hải thuyền Trịnh Hoà đã tung hoành 600 năm về trước nay phải là vùng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Chúng ta trở lại chuyện đời nay….

Trung Quốc muốn gì ở Đông Nam Á"

Hôm 19 vừa qua, bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã đệ nạp phúc trình về Trung Quốc lên Quốc hội, một bản phúc trình gay gắt nêu câu hỏi là vì sao dù chẳng bị ai đe dọa, Trung Quốc vẫn kịch liệt đầu tư vào quân sự" Vài ngày sau, một Hội đồng do Quốc hội thành lập từ năm 2000 để hàng năm xuyệt xét về những lợi hại về an ninh và kinh tế trong mối quan hệ với Trung Quốc đã có nhiều buổi điều trần liên hệ đến đề mục này. Nhân dịp ấy, các học giả được tham khảo ý kiến đã nêu vấn đề, là dường như Hoa Kỳ thiếu chú trọng đến sự bành trướng bất thường của Trung Quốc tại Đông Á, một sự bành trướng nguy hiểm như chủ nghĩa quốc gia dân tộc tại Âu châu trong thế kỷ 19.
Một trong các đề tài đáng được Việt Nam quan tâm nhất chính là "Chiến lược của Trung Quốc tại Đông Nam Á". Sau đây là vài điểm tóm lược bài điều trần của Marvin Ott, Giáo sư về An ninh Quốc gia tại trường National War Collge:
"Trung Quốc có tham vọng chiến lược tại Đông Nam Á, nơi mà Bắc Kinh muốn lập ra một vùng ảnh hưởng của mình. Trung Quốc theo đuổi tham vọng ấy với một chiến dịch ngoại giao khéo léo nhằm ràng buộc vùng này bằng chính trị, kinh tế và quân sự. Nỗ lực và viễn kiến ấy có hậu quả sâu xa cho quyền lợi an ninh của Hoa Kỳ tại Đông Á và tại những vùng khác. Thực tế, việc tranh giành ảnh hưởng đối với tương lai Đông Nam Á và các vùng biển phụ cận đã xảy ra. Trong khi Bắc Kinh tinh khôn đi những nước cờ đầu cho một "Đại thế Chính trị" thì tương đối Hoa Kỳ vẫn chưa chú ý và còn chậm lụt. Tối thiểu thì cục diện này đòi hỏi một sự quan tâm và am hiểu sâu xa hơn (từ phía Hoa Kỳ) về tương quan trong khu vực."
Quả như thế. Trong hơn ba chục năm qua, tình hình trong khu vực Đông Nam Á có nhiều đổi thay mãnh liệt, với đà tăng trưởng kinh tế đã nâng lợi tức trung bình một đầu người lên gấp năm và nguy cơ chiến tranh giữa các nước với nhau đã giảm sút đáng kể. Tuy vậy, tình hình khả quan ấy vẫn bấp bênh. Biến động kinh tế vẫn có thể xảy ra, như vụ khủng hoảng tài chánh năm 1997-1998 đã cho thấy. Biến động về an ninh lại càng đáng ngại hơn vì hai yếu tố mà mươi năm trước chẳng ai đoán ra hay thấy trước.
Thứ nhất là sự bành trướng của các lực lượng thánh chiến Hồi giáo, với những liên hệ cùng mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Tân Gia Ba rồi miền Nam Thái Lan, Phi Luật Tân và cả Indonesia lẫn Malaysia đều đang bị khủng bố đe dọa. Hoa Kỳ đã chú ý đến yếu tố thứ nhất này mà lãng quên yếu tố thứ hai.
Đó là Trung Quốc đang thách thức toàn cõi Đông Nam Á và cả vị thế Hoa Kỳ, một cách đáng kể và trong trường kỳ. Muốn hiểu rõ sự thách đố ấy, người ta cần thấy rằng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã cho họ những phương tiện quân sự chưa từng có, vào một thời điểm mà họ thoát khỏi hai mối nguy quân sự đã từng gặp trong lịch sử là Nga và Nhật.
Đây là cơ hội cho Trung Quốc phát huy chủ nghĩa quốc gia dân tộc thay thế cho chủ nghĩa Mao-Mác đã phá sản, giúp họ rửa lại mối nhục đã gặp trong lịch sử và tỏa rộng ảnh hưởng trên toàn vùng, như chế độ chư hầu mà bá chủ Trung Quốc đã thiết lập thời xưa.
Mục tiêu của Trung Quốc hiển nhiên là bành trướng thế lực tại Đông Nam Á và vùng biển Trung Nam hải (hay "Nam dương" theo lối nói của họ - tức là biển Trung Nam hải). Sở dĩ như vậy vì tại Đông Bắc Á, Trung Quốc chỉ có thể ở trong thế thủ, với mối nguy là Bắc Hàn sụp đổ và Nhật Bản sẽ tái võ trang, trong khi Đông Nam Á lại không có rủi ro ấy. Đó là cái bụng mềm, là mắt xích yếu nhất, có thể dễ dàng đánh bung bằng mua chuộc kinh tế và hăm dọa quân sự.
Bắc Kinh sẽ tiến hành chiến lược bành trướng ấy như thế nào"
Thứ nhất là duy trì giao hảo với một khu vực thịnh vượng và hòa bình để tìm ra mối lợi kinh tế nhằm nuôi dưỡng bộ máy chiến tranh. Rút tỉa sai lầm của Mao Trạch Đông là yểm trợ các lực lượng Maoít đi làm "cách mạng vô sản" tại Đông Nam Á và sai lầm của Liên xô là dồn sức vào quốc phòng để rồi sụp đổ trên kho đạn khi kinh tế kiệt quệ và khủng hoảng, Trung Quốc ngày nay tìm cách ôn tồn khai thác đầu tư và ngoại thương với Đông Nam Á để dùng phương tiện ấy cho quân sự. Cách mạng của họ lần này là áo cơm, là mục tiêu hiếu hòa tư tế của Vương đạo. Nhưng bên trong vẫn là toan tính bá đạo. Đó là phế bỏ võ công của Đông Nam Á.
Muốn vậy, thứ hai, Bắc Kinh thu hẹp ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, nhất là ảnh hưởng của các liên minh quân sự song phương với các quốc gia hải đảo hay bán đảo vây quanh Hoa lục.
Thứ ba, Bắc Kinh muốn vô hiệu hoá khả năng can thiệp hay chống đỡ của Nhật Bản để Hoa Kỳ mất một đồng minh và mình trở thành cường quốc duy nhất trong khu vực.
Thứ tư, Bắc Kinh muốn xác định chủ quyền và quyền can thiệp trên vùng biển Trung Nam hải để thực sự kiểm soát toàn khu vực.
Thứ năm, Bắc Kinh muốn các quốc gia trong khu vực phải tôn trọng quyền lợi chiến lược của mình, thí dụ như không chấp nhận sự hiện diện quân sự của các cường quốc ngoài khu vực - gần là Nhật Bản, xa là Hoa Kỳ - và không lấy những quyết định liên hệ đến quyền lợi Trung Quốc mà không tham khảo để được sự thỏa thuận cùa mình.
Trung Quốc thực ra tiến hành việc ấy từ lâu, sau những đụng độ với Việt Nam và Phi Luật Tân về cụm đảo Vành Khăn (Mischief Reef) của Trường Sa, và lần lượt mua chuộc từng nước bằng quyền lợi ngoại giao kinh tế, và tê liệt hóa khả năng phản ứng của cả tập thể 10 nước ASEAN. Trong số 10 quốc gia này, Bắc Kinh đã liên kết được lãnh đạo của bốn nước nghèo nhất là Việt Nam, Cămbốt, Lào và Miến Điện, đã trung hòa được phản ứng của Malaysia và Philippines và đang thuyết phục Thái Lan nhập cuộc. Riêng tại vùng lưu vực sông Mekong, Trung Quốc toàn quyền khai thác thượng nguồn dòng sông, bất kể tới mối nguy cho các nước dưới hạ nguồn, qua từng dự án hợp tác song phương để đổi chác quyền lợi với từng nước.
Trên các vùng tranh chấp chủ quyền, là Hoàng Sa với Việt Nam (mà họ gọi là Nam Sa), và là Trường Sa với Việt Nam và vài nước Đông Nam Á khác (mà họ gọi là Tây Sa) Trung Quốc thực tế đã thôn tính Hoàng Sa mà không gặp sự chống cự của Việt Nam ngày nay và dùng chiêu bài "hợp tác khai thác" Trường Sa để hóa giải sự chống đối của các nước trong cuộc. Và họ đã hóa giải rồi, khi Hà Nội ngoan ngoãn tham dự kế hoạch đào dầu tay ba với Bắc Kinh và Manila, mà Phan Văn Khải và Ôn Gia Bảo vừa tái khẳng định tháng trước tại Côn Minh.
Sau này, khi Trung Quốc đã trở thành cường quốc quân sự cấp vùng trên đại dương, còn nước nào có thể đặt lại vấn đề được nữa" Vì quyền lợi Hoa Kỳ, giới lãnh đạo Mỹ đã nêu vấn đề và tìm phương kế ngăn ngừa. Vì quyền lợi Việt Nam, ai sẽ nêu vấn đề, và ngăn ngừa bằng cách gì"
Câu hỏi ấy đáng được nêu lên khi ta thấy Sứ quán Bắc Kinh yểm trợ cộng đồng Hoa kiều tại các nước Đông Nam Á tổ chức lễ hội kỷ niệm thành tích của Đô đốc Trịnh Hòa. Ngẫu nhiên sao, ông ta lại là người Hồi giáo và hiếu hòa, trong một vùng mà Hồi giáo đang trở thành vấn đề… Biết đâu chừng, sẽ có ngày Bắc Kinh giúp Hà Nội tổ chức lễ mừng Hồ Nguyên Trừng"
Ông ta là con trưởng của Hồ Quý Ly, bị quân Minh bắt làm tù binh, sau này trở thành nhà bác học và làm Binh bộ Thị lang trong triều Minh, nổi tiếng ở tài sáng chế đại bác để bảo vệ thành lũy Thiên triều chống rợ Hung nô. Tiền thân của quân khủng bố Hồi giáo… tại Tân Cương đấy. Hợp với "quy luật lịch sử" đến chừng nào!

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.