Hôm nay,  

Cái Thằng Tôi Ngày Xưa

14/01/200700:00:00(Xem: 4494)

Cái Thằng Tôi ngày xưa

Tuổi trẻ của tôi nếu được tiểu thuyết hóa một chút cho văn vẻ hay nói bông lung theo các thày bói thì số mệnh tôi chắc chắn phải bị thiên ứng vào một vì sao xấu thật xấu bởi quãng đời niên thiếu của tôi toàn những chuỗi ngày vất vả lao đao, học hành đã dở, hay bị đòn roi, lại còn bao nhiêu công việc trong nhà đều đổ dồn vào thằng tôi cả. Số là, gia đình tôi không được may mắn lắm, mẹ tôi đẻ ra toàn anh em trai đầu nên chẳng có chị gái nào để đỡ đần. Xui cho tôi hơn nữa là anh cả tôi đi học xa, em kế tôi vào tu học trong dòng, em trai sau còn nhỏ nên hầu như tất cả mọi việc lớn bé từ bế em, nấu cơm, rửa chén, quét nhà, giặt giũ quần áo, xách nước kéo nước mắm hay bất cứ thứ việc lặt vặt nào đều cũng phải có bàn tay quán xuyến của tôi góp vào, nhưng trong tất cả các công việc nhà mà tôi phải gánh vác thì đau khổ nhất cho thằng tôi là cứ phải cắp giỏ đi chợ. Mười mấy tuổi đầu, nhìn lại tất cả những thằng con trai cùng lứa tuổi, có đứa nào phải lận đận như tôi. Mỗi lần phải thay mẹ ra chợ tôi thấy như cả một cực hình. Bữa nào may mắn có sẵn xe gắn máy của ba tôi thì đỡ ngại, tôi lái xe tuốt một mạch thẳng tới chợ mà chẳng sợ ai nhìn ngó hay chọc ghẹo. Hôm nào kẹt không sẵn xe phải cắp giỏ cuốc bộ đi chợ, tôi thấy khổ sở hơn lúc nào hết. Mỗi lần đi bộ như thế, tình cờ phải vượt mặt hay ngược chiều chạm trán các bà quen biết gia đình tôi, tôi thường bị các bà vồn vã, và được nghe những câu rống thăm hỏi thân mật:

- Sao, chị Hai" Hôm nay chị Hai đi chợ mua những gì nào"

Tôi lúc đó cúi đầu đỏ mặt, miệng ngậm như hến, chả biết phải nói năng chống chọi như thế nào cho đỡ quê. Phải chi lúc đó tôi kiếm được cái mặt nạ đeo vào chắc là đỡ xấu hổ. Đã vậy thỉnh thoảng đi bộ còn gặp phải mấy o nữ sinh học chung lớp, thật những lúc đó tôi ngượng chín người, bước chân bủn rủn đi quập quạng, nếu biết phù phép, chắc tôi đã nhanh chóng độn thổ. Có lần mẹ tôi còn âu yếm sai tôi:

- Con ra chợ mua cho mẹ cái xú chiêng!

Và không quên ân cần dặn dò:

- Nhớ mua cái vừa vừa cho mẹ, không lại phải mất công đem đổi!

Vừa thế nào được, biết “size” nào là cỡ của mẹ tôi. Không lẽ tôi lại đưa cái nịt vú lên người ướm thử để phỏng chừng cái vòng ngực của mẹ tôi, người chung quanh trông thấy, nghi tôi là anh văn-thị thì oan uổng cho cái đời trai của tôi quá!

Chẳng những thế, mỗi lần đi chợ, mẹ tôi bao giờ cũng dặn kỹ:

- Con đi mua bán, nhớ trả giá đàng hoàng không lại mua hớ.

Dĩ nhiên là tôi phải nhớ lời, mua mắc thế nào mẹ tôi cũng bắt đem ra chợ trả lại. Cũng vì mặc cả mà tôi nhớ mãi lần ấy, tôi hỏi mua và trả giá trái bầu khi tôi ghé hàng rau trái của bà Bảy. Không biết có phải tôi là người mở hàng trả giá có rẻ mạt quá hay không" Hay bà đang có điều gì tức tối với ai" Hay cũng có thể gặp phải hôm “mother day” bà khó ở trong người, mà trời xui đất khiến cho tôi, sau khi nghe tôi trả giá, bà đã đứng dậy, cong cớn la toáng lên và giơ tay xỉa xói:

- Đồ con trai đi chợ mà trả giá như mấy con mẹ đàn bà. Thật, không biết xấu hổ! Tao là tao không có bán chác gì với mày hết. Cút đi chỗ khác mà mua!

Chúa Phật ơi! Tôi xấu hổ, sợ đến chết điếng trong lòng. Giọng bà quang quác, tay áo bà sắn lên như chuẩn bị ăn thua đủ với tôi. Nhiều bà, nhiều o hiếu kỳ bu quanh lại nhìn, coi tôi y thằng ăn cắp mới bị bắt quả tang. Từ đó trở đi, chết tôi chịu, chẳng bao giờ dám héo lánh quanh gian hàng bà nữa, sợ có khi bà lại khó ở trong người nổi cơn tam bành túm lấy thằng tôi chửi thì bỏ mẹ!...

Thấy tôi bị đàn bà ăn hiếp, nai lưng ra bao thầu mọi việc trong nhà giúp đỡ mẹ cha, lại có tính hay mắc cỡ, cứ chắc mẩm, cho tôi là đứa trẻ ngoan hiền, dễ bắt nạt... Chớ! Lầm to. Tôi chỉ có tật hay quê và ngại gặp gái thôi, kỳ dư tôi là đứa trẻ lười học, nghịch ngợm và ngổ ngáo. “Thằng giặc!”... O ruột tôi vẫn gọi tôi như vậy và có khi còn cầm chổi rượt đuổi tôi những lúc bắt gặp tôi phá phách hay đánh lộn.

Cái số tôi thật không may! Nói không may cũng không đúng, tất cả cũng chỉ tại tôi lười, ham chơi, khi gan rắn mắt mà ra. Trong mấy năm tiểu học tôi đã tạo được ba thành tích vẻ vang ở lại tới ba lớp, hai năm mẫu giáo, hai năm lớp ba và hai năm lớp bốn. Không có năm nào là không bị ăn đòn, thậm chí năm lớp mười hai, là năm chuẩn bị thi tú tài, tôi còn bị giám thị cầm roi vụt. Chuyện là, mẹ tôi hàng tháng đưa tiền cho tôi đóng học phí, thay vì đóng tiền ngay đầu tháng cho nhà trường, tôi cứ đợi quá hạn, cô thư ký trường đưa giấy mời lên văn phòng rồi tôi lợi dụng dịp này lẻn ra ngoài chơi, giám thị rình bắt gặp nên bị roi quất vào lưng. Những năm học ở tiểu học tôi bị ăn đòn lia chia; ở trường bị đòn rồi về nhà còn bị ba tôi đánh thêm vì lý do đã bị thầy cô đánh, vì lười học, vì tội không vâng lời thầy cô.

Ở trường đã bị đòn vì tội do tôi gây ra, không dám kêu ca đã đành, những lúc bị đòn oan của thầy cô cũng có dám hó hé thở than với ai đâu, sợ ba tôi nghe được đánh thêm. Ba tôi vẫn tin rằng đầu mối tội đầu đều do thằng tôi gây ra hết. Bởi vậy đánh nhau ở đâu hoặc choảng nhau với đứa nào, ba tôi biết được, về nhà là tôi bị lãnh đủ. Tôi có cố ráng phân trần minh oan cho mình, là lỗi tại thằng đó đánh con trước, con mới đánh trả, ba tôi cũng chả đứng về phía tôi. Bao giờ ba tôi cũng phủ đầu bằng câu:

- “Bụt ở trên tòa, gà nào dám mổ mặt bụt”. Mấy đứa ăn ở hiền lành, có thấy bị ai đánh đấm bao giờ đâu! Còn mày, mày không chọc ghẹo đánh nhau với đứa nào, đứa nào dám rờ tới cái lông chân của mày.

Tôi nghịch ngợm, phá phách, hỗn hào, ngược ngạo quá đến nỗi nó đã thành tiền lệ, hễ có điều gì sai quấy, xẩy ra thì tất cả nguyên nhân, tội lỗi đều đổ cho thằng tôi, mặc dù đôi khi tôi hoàn toàn trắng tội. Trong nhà có đổ bể bất cứ cái gì, chẳng cần phải tìm hiểu nguyên do ngọn ngành, coi ai đã làm nên tội, ba tôi luôn nhè thằng tôi chỉ:

- Lại cái thằng này chứ ai!

Tôi nhớ lần mẹ tôi dành dụm sắm được bộ tách uống trà mới, ba tôi yêu quý bộ tách khác nào đứa con cưng, ông đã dành trọn buổi chiều để nâng niu, ngắm nghía và trước khi đi ngủ, ông đã trân trọng đặt bộ tách trên nóc chạn đề phòng thằng con hay nghịch phá làm bể. Nhưng những chuyện xảy ra bất ngờ trong đời mấy ai lường trước được, đến nỗi người xưa đôi khi đã phải chép miệng than: “Ba năm giặt váy nhằm ngày trời mưa”, chuyện, mới buổi tối hôm trước ba tôi cất bộ tách trên cao, đề phòng sợ thằng quý tử phá phách làm bể, trưa hôm sau khi khổng khi không anh gà trống mắc toi nhà tôi nuôi, rửng mỡ lùa rượt chị mái tơ trong nhà đạp mái, bay nhẩy loạn xạ làm đổ bể cái bộ tách của ba tôi. Né thằng một chai nhè thằng hai xị, ba tôi đã để bộ tách lên cao, cốt tránh vỏ dưa sợ thằng tôi, lại đạp nhằm vỏ dừa là thằng gà trống động cỡn. Xui cho tôi, ngoài tôi ra, chẳng ai làm chứng chuyện con gà gây rối nên buổi chiều ba tôi đi làm về, thấy bộ tách vỡ, liền túm ngay lấy thằng tôi nọc ra đánh đòn. Tôi đã minh oan dữ dội và chỉ kẻ có tội là con gà trống. Nhưng đã không tin tôi thì chớ, ba tôi còn bực bội lớn tiếng:

- Chỉ có mày là cái đứa chuyên phá phách làm bể chứ gà nào mà lại bay tuốt lên đó. Tội mày ràng ràng mà mày còn già mồm chối này! Không mày thì còn đứa nào vào đây!... Chối!... Già mồm chối này!

Miệng la, tay ba tôi không ngớt quất roi túi bụi lên mông tôi.

Cứ chuyện gì xẩy ra không đúng ý, em út có đứa nào tự nhiên khóc, nhà có hư hại mất mát cái gì thì ba tôi lại nghi cho là cái thằng tôi chọc ghẹo em út, hay lấy đồ mang đi chơi đánh mất. Có những lần bị kết oan mà tôi phải cắn răng chịu đòn, không cách gì gỡ nổi tội trạng, cỡ nhóm luật sư biện hộ cho O. J. Simpson gặp tình huống của tôi chắc chắn cũng phải ngậm miệng hết ý, không tìm nổi “alibi” để minh oan cho tôi. Như trường hợp chiếc quần vải bố của tôi, sở dĩ nó được may bằng vải bố bởi vì những chiếc quần thường, quần đùi cũng như quần dài, may bằng vải khaki không đủ bền cho tôi chà xát, không rách mông thì cũng rách đầu gối. Bất cứ cái quần nào tôi mặc chẳng chiếc nào thọ được dài lâu, và dĩ nhiên là mấy thằng em kế tôi sướng rơn vì được mặc quần mới, không phải mặc thừa quần của thằng anh để lại. Gia đình tôi lúc đó đương trong thời kỳ chắt chiu chỉ cốt ăn no mặc ấm, mỗi lần phải may quần áo cho tôi là cả một sự khó khăn thắt lưng buộc bụng. Nhưng không sắm áo quần cho tôi mặc không thể không được, không lẽ để tôi tô hô trần truồng hay ăn mặc rách rưới đi ra đường, mà nếu sắm quần áo mới cho tôi hoài thì trong nhà ăn tiêu sẽ không đủ. Mạnh dùng sức, yếu dùng mưu, ông cha ta vẫn nói như vậy, túng thiếu quá cũng phải nghĩ cách bù đắp vào, mẹ tôi nẩy ý thay vì cho tôi mặc ấm như mọi người trong nhà, mẹ tôi bắt tôi ăn chắc mặc bền, kể như là quần áo tôi mặc bị đẩy xuống cấp. Mẹ tôi đã săn lùng mua một tấm vải bố dày rồi kêu ba tôi chở tôi ra nhà may đo quần. Tôi phản đối kịch liệt không chịu đi nhưng nào có được với ba tôi. Ngày ba tôi lấy chiếc quần đem về, nhìn chiếc quần “tân thời” tôi chỉ muốn cắt chặt ném bỏ thùng rác. Chiếc quần bố màu xanh lá cây vừa cải lương vừa thô tục được dệt bằng những sợi ni lông to dày mà nếu nó dài một tý đem cột vào cho hai xe truck lôi, đã chắc gì kéo đứt nổi chiếc quần của tôi. Ba mẹ tôi nhìn chiếc quần tôi mặc hả hê lắm, chiếc quần dày thế này thì tôi có chà có xát trên nền xi măng hay quặc hàng rào kẽm gai hoặc có phá cách nào đi chăng nữa, chiếc quần vẫn là tường đồng vách sắt. Tôi rất kỵ chiếc quần này, chẳng những mặc vào cộm người khó chịu mà ra đường chiếc quần mầu mè thô kịch, bạn bè chọc ghẹo thấy xấu hổ. Mỗi lần đi đâu ba mẹ tôi cứ bắt tôi gióng, mặc chiếc quần cho kỳ được, cãi lời là ốm đòn. Tôi thù chiếc quần bố và hằn học với nó một cách lộ liễu, tôi đã từng đấm từng đá nó nhiều lần trước khi quẳng mạnh vào chậu giặt. Những cử chỉ đó làm sao lọt qua khỏi mắt ba mẹ tôi nhưng ba mẹ tôi chỉ cười làm lơ, cho rằng thằng tôi có phá phách cách mấy thì chiếc quần cũng chẳng hề hấn gì. Đã không thích quần bố vậy tôi thương mến gì nó, đi đâu về cởi quần ra tôi ném bậy bạ ở xó xỉnh nào đó rồi mỗi lần cần mặc đi đâu lại phải mất công đi kiếm tìm. Xui cho tôi mà cũng hên cho tôi, một bữa tối, sau khi về nhà, tôi xuống bếp, cởi chiếc quần, vắt đại lên cái đinh lòi ra phía trên lu gạo. Không biết ai đó trong nhà vô tình để chiếc đèn dầu huê kỳ lên trên nắp lu dưới chiếc quần tôi treo. Tưởng chiếc quần sẽ bền bỉ “ ...muôn đời lực quân Việt Nam”, té ra nó lại kỵ hỏa. Sáng hôm sau, một ngày như mọi ngày, tôi lấy quần mặc thì, chao ôi!, chiếc quần chỉ còn lại nửa cõi sơn hà, nửa chiếc quần một bên đã chảy teo co rúm lại. Tâm trạng của tôi lúc đó mừng lo lẫn lộn, mừng vì từ nay hết còn phải lăn lóc gió sương với chiếc quần, lo vì chút nữa đây sẽ được điểm tâm bằng một trận đòn thay cho bữa ăn sáng. Mà quả đúng như tôi dự đoán, sau khi nghe tôi thông báo, ba tôi xuống bếp nhìn tàn tích chiếc quần, chẳng cần tra hỏi coi ai là người đã gây ra nguyên nhân, ông đã thẳng tay trừng trị đè ngay thằng tôi xuống đánh lấy đánh để. Tôi cố gắng phân bày nỗi oan thị kính nhưng chẳng có miệng năm miệng mười nào có thể cãi oan cho nổi khi mọi chứng cớ rành rành đều qui mối về tôi. Tôi ghét, tôi chửi, tôi đấm, tôi đá, tôi đã từng hành hạ chiếc quần bố bằng đủ mọi cách, vậy tôi không “murder” chiếc quần của tôi, còn ai vào đây đốt nó bây giờ"

Cứ bị đòn oan lẫn đòn thật như vậy, không có ngày nào tôi thoát khỏi một hay hai trận đòn. Năm lớp hai học chị-giáo Hiền có tiếng là một trong những ma-sơ dậy học hiền lành nhất, tôi cũng vẫn bị ăn đòn huống hồ những năm gặp các thầy dữ và nóng tính như năm lớp ba học thầy Phú và năm lớp năm học thầy Giang. Nhớ hồi học năm lớp ba, ngày nào tôi cũng bị nọc ra đánh đòn. Thầy Phú biết tôi lười không học bài nên mỗi lần đến giờ khảo bài y như rằng tôi được ưu tiên một gọi lên, và có nghĩa là tôi sẽ được lãnh nguyên một cặp hột vịt lộn và còn phải nằm ra cho thầy đánh. Cứ ăn hột vịt lộn hoài như vậy, cuối năm tôi nặng cân, leo không nổi lớp bốn đành phải ở lại năm lớp ba.

Tới năm lớp bốn học chị-giáo Miêng, tôi lại bị ba trận đòn nặng bởi giám thị Tiên. Chả là lỗi do tôi mà ra cả, tôi có tật cứ mỗi lần học trong lớp, tôi ngồi ngang xoải chân xoải cẳng ra băng ghế, lưng dựa vào chấn song tường. Lần thứ nhất, giám thị Tiên bắt gặp tôi duỗi chân ra ghế, ông đứng bên ngoài thò tay qua chấn song nắm tóc mai tôi kéo lên. Đau quá tôi nổi khùng văng tục:

- Địt mẹ thằng nào!

Tôi quay mặt ngó phía sau hóa ra giám thị Tiên. Ông giận dữ nhìn tôi rồi hầm hầm đi vô lớp lôi cổ tôi nọc ra dằn một trận ngay giữa lớp vì cái tội dám đèo tục. Cách mấy tháng sau, khi mà trận đòn đau đã bắt đầu chìm vào quên lãng, mỗi lần ngồi ngang băng ghế tôi không còn để ý coi chừng giám thị có lẩn khuất quanh đâu đây thì lịch sử tái diễn. Bữa ấy tôi đang thoải mái doãi cẳng mơ mộng, thình lình bị nắm tóc gáy kéo giật ngược lên. Đau quá, tôi đã giận dữ và theo phản ứng tự nhiên, tôi ưỡn người lên, luồn ngược tay trái qua chấn song, nắm tóc kéo mạnh mặt đứa đang vít tóc tôi sát vào song sắt, tay phải tôi đưa mạnh cú đấm thần tốc ngược ra sau vào giữa mặt cái đứa kéo tóc tôi. Nghe tiếng “oái” đau đớn, tôi quay mặt lại thì hóa ra lại ông Tiên, mặt ông đã thấy dấu đỏ bầm và đôi kiếng cận lệch hẳn sang bên. Giám thị tháo cặp kiếng đút vào túi áo, mặt đanh lại đi vào lớp vẫy tôi lên, tôi bị thêm trận đòn nhừ tử thứ hai. Trận đòn thứ ba là như thế này, chị-giáo Miêng có lệ hễ học sinh nào nói chuyện trong lớp sẽ bị kêu lên bục giảng đứng giơ hai tay ra phía trước cho đến khi kêu được học sinh khác nói chuyện lên thế chỗ mới được về lại chỗ ngồi của mình. Hôm ấy tôi là người đầu tiên nói chuyện bị chị-giáo kêu lên đứng giơ hai tay trước lớp. Mặc dù trong lớp học sinh nói chuyện như bắp rang và chị-giáo cứ nhiều lần liếc nhìn tôi như thúc dục bảo tôi nên mau chóng kêu những học sinh đang nói chuyện lên chịu phạt thế, tôi đã im lặng chịu phạt, nhất định không gọi một đứa nào. Buổi đó chị-giáo đã phải quát lên nhiều lần bắt cả lớp im lặng cho chị-giáo giảng bài. Trước sau thấy tôi cứ trơ trơ đứng yên, tức mình, chị-giáo lấy cây roi mây, đét cho tôi mấy cái vào lưng, đuổi tôi đi xuống rồi kêu đứa khác đang nói chuyện lên thế chỗ tôi. Sau giờ ra chơi, thằng Tấn Trọc ngồi sau bàn tôi nói chuyện bị chị-giáo kêu lên đứng. Được một lúc, nó kêu tôi lên thay vì thấy tôi đang nói chuyện. Hai giờ đầu, thằng Tấn nói chuyện như rinh, tôi đã bỏ qua có kêu nó đâu, vậy mà giờ đây thấy tôi nói chuyện nó lại dám chơi tôi. Ức quá tôi sấn xổ lên bục giảng túm cổ nó dí đầu vào bảng rồi giang tay thoi vào mặt nó mấy thoi. Thằng Tấn cũng chẳng vừa, sau một giây bất ngờ, nó phản ứng mãnh liệt, nó vung tay gạt mạnh tay tôi ra, rồi giơ tay đấm trả miếng. Hăng máu, tôi nhào vào húc nó, nó cũng húc lại tôi, rồi hai đứa cùng hùng hổ ôm nhau quần thảo đấm đá túi bụi trước bục giảng. Đang miên man giảng bài, chị-giáo Miêng giật mình hết hồn, bỏ dở bài giảng, lật đật chạy vội lên văn phòng kêu giám thị Tiên xuống. Tôi bị giám thị nẹt cho đến cuối hai giờ học.

Qua năm lớp năm học thầy Giang là ông thầy nổi tiếng dữ dằn, đánh học sinh những trận đòn tơi bời hoa lá. Đã có những học sinh như trường hợp thằng bạn thân ở trước nhà tôi, sợ học thầy Giang, phải bỏ vào Sài Gòn ở nhà bà con trọ học, hết năm lớp năm, qua năm lớp sáu nó mới dám vác xác hồi hương về học lại trường làng. Thầy dữ quá, người lỳ đòn như tôi còn thấy ngán phải đổi tính siêng học thì phải biết thầy đánh học trò như thế nào, hơi sai lỗi một chút xíu thầy đã đè ra đánh đòn mà lại còn đánh đau. Lối dậy dỗ của thầy Giang có tính cách từ chương, thầy hay bắt học trò học thuộc lòng những bài văn dài thòng lòng. Tôi nhớ một lần thầy bắt học thuộc tập thơ của thi sỹ Xuân Ly Băng về cuộc khổ nạn của chúa Giê-Su dày trên năm, bảy mươi trang giấy. Tôi đã học thuộc nhuyễn bài thơ giống như cháo đánh tơi, vậy mà lúc kêu lên trả bài, tôi líu lưỡi ấp úng lỡ đọc vấp một câu, thầy đã bắt tôi nằm ra đánh khổ đánh sở. Một lần kia giảng về môn Việt sử, thầy đã đi xa đề nói chuyện về các vị tu sỹ của giáo hội công giáo, thầy khen đức cha Thuận nói giỏi các thứ tiếng, từ tiếng Nam, tiếng Bắc cho đến tiếng Huế, tiếng Nghệ... Thằng Phúc Hoàng bạn thân ngồi bên tôi muốn tỏ cho bạn học biết nó cũng có chút tài, nó ngứa miệng tru lên:

- Đù me nghê!

Thấy nó trảo giọng nhái tiếng Nghệ là tiếng “cúng cơm” của thầy, cả lớp được dịp cười ầm, không nén được lòng, tôi cũng cười to hô hố. Thầy Giang quay về hướng tôi ngồi, đinh ninh lại là thằng tôi như mọi lần, thầy Giang nhìn tôi sừng sộ quát:

- Phải mày đèo tục"

Tôi vội cải chính:

- Thưa thầy không phải em ạ!
- Không phải mày, vậy là đứa nào"
- Thưa thầy em không biết!
- Không biết, không biết! Không mày thì đứa nào" Đi lên đây!

Giận cá chém thớt, không bắt được đứa đốt nhà, cơn cuồng nộ thầy dồn qua đứa huýt sáo là thằng tôi cười to nhất. Thầy quay qua thằng trưởng lớp:

- Hùng, đi kiếm cho thầy cây roi!

Mặc dù đã sẵn roi mây nhưng roi mây quất không đã tay bằng những cây roi bự, thầy sai thằng trưởng lớp đi kiếm cho thầy cây roi khác. Thằng trưởng lớp hiểu ý thầy, vội chạy, đào, chặt, lanh lẹ mang về cho thầy một rễ keo to. Thầy giận dữ giật lấy cây roi trong tay thằng trưởng lớp, bắt tôi nằm ra trên bục giảng rồi tra khảo, túi bụi giáng xuống cặp mông tôi những roi đòn thừa sống thiếu chết, những roi đòn mà trong đời, từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi chưa từng bao giờ được thưởng thức. Trận đòn đau quá, rễ keo to nặng như thanh củi tạ, mỗi roi thầy đánh tôi có cảm tưởng là một búa giáng của thiên lôi. Mấy chục roi đầu tôi còn cố bậm miệng ém người nằm yên chịu trận, nhưng dần dần càng thấm đòn càng thấy thấu xương, tôi phải nẩy mông theo từng roi đòn để nén la và để có cảm tưởng đỡ đau. Càng về sau, sức chịu đựng của tôi cứ đuối dần, tôi quằn quại dưới mỗi roi keo, tôi nhấc mông lên, tôi hóp mông xuống, tôi lật người nằm nghiêng bên trái, tôi nằm nghiêng bên phải, tôi vặn người lăn lộn quay đủ hướng hy vọng tránh được bạo sức của ngọn roi, nhưng tất cả đều vô vọng, chẳng có thế nằm nào có thể giảm được đau. Bấn quá, tôi ngóc đầu dậy đưa tay phải lên đỡ đòn, ngọn roi quái ác giáng vào cườm tay nạo rách da. Tôi rụt tay, đau đớn nghiêng người đưa tay trái úp che chở cặp mông, nhưng ngọn roi vẫn vô tình, bàn tay trái chạm roi quỵ xuống rung lên như muốn gãy xương. Cả đôi tay bị đòn đau rũ liệt đi buông thõng xuống, và không còn tìm ra thế tránh để đỡ cho cặp mông, tôi đành chỉ còn một phép oằn người ra chịu trận. Cuối cùng, sức người có hạn, chịu không nổi đau, tôi đã phải bật khóc. Thấy tôi thôi chai lỳ, thầy Giang tạm ngưng tay, nghỉ, và để cho tôi có dịp hồi tâm nhận tội hay khai ra đứa nào đã đèo tục, nhưng tôi cắn răng ngậm miệng không khai. Thầy đánh tôi thêm mấy chục roi nữa rồi thấy như đã quá tay, thầy thôi đánh nhưng vẫn không tha, bắt tôi ra quỳ ngoài sân trước cửa lớp cho hết giờ tan trường. Tôi đã phải khó khăn đi cà nhắc trong hai ngày liền vì bại mông. Đã vậy về nhà, tôi phải lén lút ba mẹ thoa bóp dầu nóng vào cặp mông đang sưng vếu đầy những vết lằn rướm máu mà ngoài mặt vẫn cố gắng che giấu đau thương làm tỉnh đi đứng bình thường như chẳng có chuyện gì, cũng như bằng mọi cách, tôi phải cản ngăn những tin tức, không để lọt đến tai ba mẹ tôi. Nếu ba tôi biết được tôi bị trận đòn thầy đánh ngày hôm đó thì không biết cái số kiếp của tôi sẽ ra sao. Cho đến bây giờ nơi cườm tay phải vẫn mang vết sẹo đỡ roi của trận đòn.

Bị đòn riết như vậy, đôi khi ngồi miên man ngẫm nghĩ, tôi phải tự công nhận mình có một năng khiếu bẩm sinh, một cái duyên ngầm trời cho mà những đứa trẻ cùng lứa tuổi ít đứa có được, là làm cho bất cứ huynh, sư hay cô giáo nào hễ có dịp gần gũi dậy dỗ tôi là đâm ra mê mẩn thích giang tay... đánh tôi! Cái tính ương ngạnh, ba gai hay chọc tức của tôi đã gây tức tối trong lòng thầy cô, đến nỗi mỗi lần đụng chuyện, nhiều khi những thầy nóng tính đã không đủ bình tĩnh dằn lòng thay vì bắt tôi nằm xuống lấy roi đánh, mà đã nhanh tay mạnh bạo tát bốp vào mặt tôi vài ba bợp tai xiểng niểng. Có lắm lần thầy cô ngưng đánh tha tôi, tôi có cảm tưởng là vì mệt, không phải thực tâm cảm thấy đã đủ để dậy thằng học trò hỗn hào. Ngưng đánh mà trong lòng còn cảm thấy ưng ức vì tôi vẫn cãi tay đôi, vẫn trêu gan lộ vẻ coi thường đòn roi là những dịp để gãi ngứa, thì trong lòng thầy cô đã sẵn sàng chờ dịp để tặng tôi trận đòn kế tiếp khi tôi làm những điều trái nghịch.

Tưởng lại hồi năm lớp một học chị-giáo Hằng, tôi còn ở cái tuổi măng non, cái tuổi nếu người đứng ngoài ngó vô lớp học, tất phải thấy những mái đầu xanh ngoan ngoãn miệng ê a đọc i tờ, mắt chăm chú ngước nhìn bảng, tai để ý lắng nghe lời thầy cô dậy. Vậy mà cái tính khi gan ưa làm những việc thiên tả của tôi nó đã chớm nẩy chồi hồi tôi mới năm, bảy tuổi đời. Thường môn học chính ở lớp một là tập viết. Chị-giáo Hằng viết lên bảng những dòng chữ, lũ học trò chúng tôi cứ thế tập viết theo. Chị-giáo bắt viết hai trang. Tôi đã mau chóng viết xong ngồi chơi. Chị-giáo đi kiểm soát thấy tôi viết to, mỗi trang chỉ được vài mươi chữ, bắt tôi viết nhỏ lại. Tôi nghe lời viết lại nhưng cố tình viết những dòng chữ nhỏ thiệt nhỏ chi chít như những con kiến. Chị-giáo lấy thước khỏ tay tôi và ngồi kế bên kèm bắt tôi viết lại cho đúng ý. Chuyện như thế cứ diễn đi diễn lại nhiều lần. Tôi viết to, chị-giáo bảo tôi viết nhỏ lại, tôi viết thật nhỏ. Tôi viết nhỏ, chị-giáo bảo tôi viết to ra, tôi viết to thồ lồ. Thấy tôi cứng đầu cứng cổ nhiều lần, chị-giáo bực mình về tận nhà mách mẹ tôi. Mẹ tôi hứa sẽ răn bảo tôi, nhưng rồi chứng nào vẫn tật nấy, tôi vẫn cang cảng cổ, viết to thì to quá mà viết nhỏ thì nhỏ quá. Chỉ bảo tôi hoài không được, chị-giáo tức mình đuổi cổ tôi cho về nhà. Ba tôi phải đích thân lôi tôi xuống xin lỗi chị-giáo để tôi được học lại và cam kết với chị-giáo, là có chuyện gì không bằng lòng về tôi, chị-giáo cứ báo cho ba tôi biết để sửa trị. Đối với ba tôi, cách dạy con hay nhất luôn luôn là “già đòn non lẽ”, đánh đau phải chừa.

Chừa gì được, chừa cái tính ương ngạnh của tôi, chừa sao nổi! Biết bao nhiêu đòn roi, bao nhiêu cú bợp tai, bao nhiêu lời khuyên bảo dạy dỗ mà tôi vẫn cứ nguyên xi như thuở nào mới lớn. Tôi vẫn nhớ mẹ tôi hay phân vân, phàn nàn với ba tôi:

- “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Không biết rồi thằng bé có sửa đổi được cái tính tình của nó không" Nó cứ mãi thế này thì đời nó khổ!

Phải! Cái tính tình ngang ngạnh thiên phú ấy đã đầy đọa trừng phạt tôi bằng bao nhiêu trận đòn, nhưng tính ra vẫn không chịu nhiều đòn bằng những lần đi chơi, mà ngày nào tôi lại không đi chơi. Ba tôi đánh tôi hoài như vậy nào tôi có chừa. Buổi trưa sau khi đi học về, ăn cơm, rửa chén, dọn nhà cửa xong, ba mẹ tôi lĩnh lãng một chút sẽ không còn thấy bóng vía tôi ở nhà, không tắm sông tắm biển, không ở bụi me dương thì cũng trèo keo, không trèo dừa thì cũng chơi đáo chơi cù. Tôi đi khắp hang cùng ngõ ngách từ cồn cát đầu làng gần cửa lạch ra biển cho đến cuối làng sát hàng rào chiến lược, ôi còn “...địa danh nào thiếu dấu chân anh....”. Tôi đi chơi hoài nên trong làng cồn cát nào có keo chát, keo ngọt, dưa bát, tóc tiên, khúc sông nào hỏm, lắm hầu, lắm cọc, lắm miểng chai, bụi xương rồng nào hay có rắn, chỗ nào nhiều ong ruồi, hàng rào ấp chiến lược quanh làng, chỗ nào gài mìn claymore, chỗ nào chông sắt chôn ngầm, chôn nổi, quãng hàng rào chiến lược chỗ nào có thể lật kẽm gai chui qua, tôi đều biết rõ. Biết nhiều là bởi tôi đi chơi nhiều, mà tính ra cứ mỗi lần đi chơi ba tôi lại đánh tôi một trận đòn. Ngày qua, tháng lại cứ đánh riết, đánh hoài, đánh mãi, đánh lắm ba tôi cũng chán tay, chửi mắng tôi lắm ba tôi cũng mỏi mồm, ba tôi bỗng dưng thay đổi chiến sách. Một hôm, ba tôi mua sắm, mang về một cái cùm gồm nhiều mắt xích to với một ổ khóa lớn, cứ hễ tôi đi học về, ăn cơm xong, chờ tôi làm hết nhiệm vụ nhà là ba tôi mang xích ra vòng vào cổ chân tôi khóa lại. Sau đó ông để tôi lê la với cái xích, tôi muốn đi đâu mặc tôi. Nhưng bị xích như vậy tôi đi đâu bây giờ. Những ngày kìm kẹp tôi cứ phải giấu mặt ở nhà nhìn đôi chân tù túng. Thấy chiến thuật cùm xích thành công, ba tôi hể hả lắm. Thỉnh thoảng ba tôi còn nhìn tôi nói khích:

- Tha hồ tự do nhá. Chẳng ai cấm cản sao cứ rúc mặt ở nhà hoài vậy. Giỏi cứ việc đi chơi!

Tôi ức lắm. Suốt ngày tìm đủ mọi cách để mở cho được ống khóa, tôi thử dùng vít, dùng búa, dùng kìm, dùng bất cứ thứ nào có thể thử được. Cuối cùng trời phật độ lượng phù hộ kẻ kiên tâm đã mở trí óc cho tôi, tôi đã dùng đầu căm xe đạp uốn cong, cậy mở được xích khóa. Ngày đầu tiên thoát ách gông cùm, ba tôi tưởng đâu tôi tìm được chỗ ba tôi giấu chìa khóa, ông đã tìm cách giấu kỹ chìa khóa bữa hôm sau nhưng tôi vẫn mở khóa đi chơi được. Tức quá ba tôi nghĩ ra cách khác. Đợi một bữa tôi ngủ say giấc trưa, ba tôi ra tiệm kêu ông thợ hớt tóc về dùng tông đơ ủi sát da đầu tôi một đường từ trán ra sau ót. Ba tôi định chắc lần này là với mảng tóc bị xẻo, tôi sẽ xấu hổ và bớt đi chơi. Nhưng ba tôi lầm to, bị ủi tóc thì tôi cạo trọc. Mà đầu trọc thì đã nhằm nhò gì với tôi, tôi vẫn hiên ngang phơi đầu trọc đi chơi... Quá mệt mỏi với thằng con vì thấy cùm xích không kết quả, ủi tóc cũng chả đến đâu, hết cách, ba tôi trở lại thượng sách đánh đòn.

Những lúc đi chơi là những lúc tôi thường hay trèo leo tắm lội, mà ngày xưa tôi không hiểu tại sao mỗi lần đi tắm sông tắm biển về nhà lại dễ bị đánh hơn là những khi leo trèo hay la cà chơi suốt buổi. Tôi nhớ mỗi lần bắt gặp tôi trèo keo hay leo bất cứ cây nào mẹ tôi thường không đánh chỉ răn đe:

- “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con leo trèo”, mày trèo cho lắm vào rồi có bữa trợt chân trợt tay, rơi xuống gẫy tay gẫy chân thành tàn tật cả đời cho mà coi.

Mẹ tôi nói như vậy, leo trèo phải là cái tội nặng đáng đánh đòn hơn những lần tắm sông tắm biển mới phải, thế mà chẳng bao giờ tôi bị một roi đòn nào vì tội leo cây. Hồi đó o dượng tôi có cây dừa ở bến sông cao chót vót, ngước nhìn lên ngọn thôi đã thấy chóng mặt. Trong xóm bấy giờ chẳng ai buồn nhớ là cây dừa sai quả, cây chỉ còn đắc dụng như gốc cột kiên cố để cho dân làng dùng cột ghe thuyền mỗi khi về đậu bến. Một buổi xế trưa, tôi lang thang ra bến sông tìm bạn chơi, không thấy đứa nào chắc bọn chúng đang ngủ trưa, buồn buồn tôi leo lên boong ghe nằm, đầu tựa be hóng gió ngó trời dưới bóng keo râm mát. Thốt nhiên, ánh mắt tôi chạm dán lên ngọn dừa đầy trái mà bao năm tháng qua bị quên lãng vì cây cao quá chẳng ai dám leo hái. Nhìn những buồng dừa già trĩu nặng lồ lộ, tôi chợt nẩy ý, muốn hái xuống mang về ăn. Ý nghĩ thôi thúc tôi thực hiện ngay. Tôi xuống ghe lên bờ đến bên gốc dừa lượng định. Đứng dưới gốc ngước trông lên ngọn dừa, tôi thấy sao mà nghìn trùng diệu vợi, gốc dừa to, thân dừa cao, đôi chân tôi nhỏ bé quá, nản lòng tôi chỉ muốn chào thua bỏ hẳn ý định. Tôi thử nhớm chân kẹp gốc dừa leo lên, lòng thấy teo, lại leo xuống. Tôi cứ đứng bên gốc dừa nhấc nhổm trông lên mấy quầy trái mà lòng tiếc đắt tiếc rẻ. Không lẽ tôi lại bỏ cuộc! Phải mất dăm ba lần thử lên thử xuống, cuối cùng, lòng ham muốn mấy quầy dừa thắng được lòng ngại khó, tôi mạnh dạn cởi áo trần đeo cây leo lên. Tôi kẹp hai đùi bám vào thân dừa, tay trái tay phải sải thân dừa từng chút, từng chút xển lên. Vừa leo, vừa nghỉ, vừa giằng co với ý nghĩ bỏ cuộc, phải mất gần nửa tiếng đồng hồ tôi mới đạt đích. Tôi tìm đủ mọi cách leo ngồi lên đùm lá để cho dễ hái trái nhưng không nổi vì đùm dừa to xum xê rậm lá lại được bao kín bởi những buồng trái. Từ trên cao chót vót, nhìn xuống thấy rợn, nhưng không lẽ đã cố công trèo lên đây lại có thể tay trắng buông xuôi leo xuống một cách dễ dàng như vậy. Tôi liều bám lấy thân dừa, hai chân và tay trái ôm kẹp chặt thân cây, tay phải tôi với ra ngoài xoắn vặn đứt từng trái một. Gặp những trái xa tầm tay khó khăn không với tới, tôi rướn người lên với tàu dừa gần nhất, hai tay ôm đu tàu lá rồi dùng đôi chân đạp mạnh cho trái dừa đứt cuống, rơi xuống. Giờ đây mỗi lần mông lung du hồn về quá khứ, mường tượng cái hình ảnh tặc-giăng lơ lửng đu cây hôm ấy tôi lại thấy lạnh xương sống, thầm nghĩ sao tôi có thể ngu dại liều lĩnh đến mức đó. Nếu cái tàu dừa tôi đu bíu nó không chịu nổi sức nặng của tôi bị trốc nhánh, hay tôi mê đu đá trái dừa, để tay trật vuột tàu lá rớt xuống đất, tôi chắc hôm đó ba mẹ tôi phải quang gánh mang bai ra xúc xác tôi mang về chôn.

Giữa lúc hái, người quanh xóm ra coi và xúm lại cổ võ, trong tiếng hò la tôi nghe tiếng quát to của ông anh con bác tôi:

- Thằng kia! Có leo xuống mau không, tao mách chú thím thì mày ốm đòn!

Tôi nghe nhưng làm lơ, cố hái cho hết lớp dừa bự mới xuôi tay xuôi chân leo xuống. Chân vừa chớm đất ông anh họ đã chỉ mặt tôi chửi:

- Đồ cái thằng ngu! Mày có thấy ai trong làng trong xóm dám leo lên cây dừa này không! Đầu óc mày để đâu. Leo cao nguy hiểm như vậy lỡ sa xẩy rớt xuống còn gì thân xác. Tao phải mách chú thím cho chú thím răn đe không thì có ngày mày chết nát xác.

Anh tôi đã thưa lại với ba mẹ tôi nhưng đã không thuyết phục nổi sự quan tâm của ba tôi. Riêng mẹ tôi thì hôm ấy tôi đã đem về đút lót hai trái dừa cho mẹ tôi, mẹ tôi đã nở lòng nở dạ đem nạy tớt kho mặn dùng cho bữa cơm chiều và vì mẹ tôi chẳng bao giờ xuống bến sông chắc đã không tưởng tượng nổi cây dừa cao ngất như thế nào, thành ra tuy leo cao nguy hiểm như bữa đó mà tôi vẫn thoát không bị một roi đòn nào.

Còn nếu cứ nhè “có phúc đẻ con biết lội” thì mỗi lần tôi đi tắm sông tắm biển về, phúc lộc có thừa phải thưởng quà cho tôi mới đúng chứ lỵ! Đằng này những lần tắm biển, muốn chắc ăn cho người khỏi ướt, trước khi về nhà tôi còn cởi quần đùi ra vắt ráo hong gió nắng đồng thời để cái thân thể lõa lồ phơi thây trên bãi cho đến khi thật khô mới mặc quần vào đi về, vậy mà mới chân ướt chân ráo ló mặt vào nhà là bị đè ra đánh đòn liền. Lúc đó tôi ngây thơ quá đâu biết là những lúc tôi tắm nước mặn, tôi càng cố phơi khô cho lẹ, da tôi càng rám muối cháy đen, tôi lại càng tố cáo cái tội đi chơi tắm sông tắm biển của tôi.

Hồi chưa biết bơi, tôi mê mệt tắm sông tắm biển, lúc nào cũng đủn dưới sông và chơi lắm trò nguy hiểm. Tôi nhớ cứ độ cuối hè dưới những cơn mưa dầm dề, nước lũ từ thượng nguồn cuồng cuộn đổ xuống qua khúc sông xóm tôi. Tôi hay cùng lũ trẻ làng chơi nhẩy thuyền bơi qua sông. Có cố sức bơi lẹ lắm, chúng tôi cũng bị nước cuốn đến cả trăm thước mới qua được bên kia bờ. Muốn lội nổi lúc đó, tôi phải dùng ruột bánh xe bơm lên làm phao bơi. Mỗi lần trước khi nhẩy, tôi thẩy phao ra xa rồi nhanh chân phóng theo chộp phao, cùng chúng bạn cuốn theo con nước lũ bơi qua sông. Nói dại, giả như không may tôi chộp hụt phao là kể như chết đuối và bị cuốn theo chiều nước mất xác. Nếu ba mẹ tôi biết tôi chơi những trò nguy hiểm như vậy chắc ba mẹ tôi đã chặt cụt đôi bàn chân tôi từ lâu để may ra gìn giữ được cái mạng của tôi. Khi chưa biết bơi, tôi cứ ước một ngày nào đó tôi biết lội nổi, tự do vùng vẫy trên mặt nước, tha hồ theo chúng bạn bơi dọc bơi ngang bơi chiều bơi sáng. Nhưng lúc mộng ước thành sự thật, tôi biết bơi biết lặn cũng là lúc tôi giã từ vũ khí, không còn hứng để theo bạn bơi biển bơi sông.

Mặc dù tôi ham tắm sông tắm biển vậy mà cũng chỉ được một thời, la cà rong chơi lại cả một đời. Tôi mê chơi suốt cả quãng đời son trẻ, học hành mê muội dốt nát, trong lớp học lúc nào cũng chia lòng chia trí, lời thầy cô giảng dạy chui từ tai này qua bên tai kia và chẳng bao giờ quan tâm để ý đến bài vở, quanh năm suốt tháng hầu như tôi lúc nào cũng đội sổ đứng chót. Đã bao nhiêu lần bị đuổi học vì quá biếng nhác và mẹ tôi cứ phải xách cổ tôi lên xin thầy cô cho tôi được học lại. Thế nhưng những chuyện chơi bời, nói tục, xuyên tạc dông dài thì tôi chuyên cần và minh mẫn sáng trí. Hồi còn ở năm lớp bốn, trong lúc học nghe chị-giáo Miêng giảng bài, tôi đã chẳng chú ý nghe mà chỉ ngồi nghiền ngẫm diễn “nôm” bài hát “Đêm Đông lạnh lẽo chúa sinh ra đời, chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa...” thành “Đêm Đông đại bác nó câu vô chùa, nó câu vô chùa làm sư mất vía chui xuống hầm...” rồi tôi cùng thằng bạn phá Tưởng Ly chép bài chúng tôi chế, thành nhiều bản, đợi hôm đi họp đội thiếu nhi, chúng tôi đã phổ biến bằng cách phân phát cho cả đội cùng hát. Sau này, trong đêm giáng sinh ở phố Denver, bang Colorado, cô bạn thân cùng tôi, tay trong tay, dạo coi hang đá đêm, bất chợt nổi hứng đã cất cao giọng: “Đêm Đông đại bác nó câu vô chùa, nó câu vô chùa... “ làm tôi cũng mất vía, kinh ngạc:

- Sao em biết lời ca này"
- Hồi nhỏ sinh hoạt thiếu nhi, tụi bạn em ở Sài gòn chúng nó hát hoài nên em thuộc!

Đấy, bài hát với lời ca nghịch ngạo nó đã vượt không gian đến tận đâu đâu. Những chuyện tục tĩu hay nghịch phá không mấy đứa cùng tuổi có thể qua mặt được tôi. Chẳng vậy mà mẹ tôi vẫn hay mắng tôi:

- Mày là cái thằng “đom đóm tối đầu sáng đít”.

Dĩ nhiên đít tôi sáng thật, biết con ai cho bằng mẹ, mẹ tôi chẳng bao giờ nhìn lầm mắng oan cho tôi tí nào. Mới mười một mười hai tuổi đời mà những lời nói bông đùa bóng gió, những chuyện ma mãnh thì tôi chẳng cần phải học hỏi hay phải nhờ cậy bậc thầy giải thích. Tỉ như những câu nói “đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười”, “mặt sao, ngao vậy”, “sờ mập, phập gầy” hay là những câu có ẩn nghĩa đen tối cách mấy đi chăng nữa, chỉ nghe thoáng qua, tôi đã hiểu trọn vẹn hết những hắc ý của từng câu một. Những chuyện học hành hay đạo đức đi tu đi tiếc gì đó ba mẹ chỉ bàn riêng với anh hay em tôi mà không bao giờ nói năng với thằng tôi vì chẳng bao giờ tôi để tâm để ý lắng nghe lấy một phút một giây. Cái câu “cha làm thầy con đốt sách” người xưa muốn nói lên cái nghịch lý, tuy hiếm thấy, nhưng không phải là không thể xẩy ra trong xã hội, và cái điều hiếm hoi ít thấy đó hình như có hơi hướm ám chỉ trường hợp của tôi. Ba tôi siêng năng chăm chỉ đọc kinh, lễ sáng, lễ chiều bao nhiêu, trái ngược lại, tôi là đứa sàm báng khô đạo bấy nhiêu. Thường nhật ba tôi sáng nào cũng dậy đi lễ sớm, chiều đi nhà thờ và tối đọc kinh nhà; đương nhiên tôi cũng phải bắt buộc theo gương ba tôi, nhưng thay vì sốt sắng đọc kinh cầu nguyện tôi lại siêng trốn lễ, tối đọc kinh hay ngủ gục và luôn tìm nghịch ý trong các bài thánh kinh để vặn hỏi lại đạo. Nếu tính công quả cho nhà chúa để hưởng phúc phạt đời sau thì ba tôi đáng lên thiên đàng còn tôi phải bị túm cổ tống vào hỏa ngục cho lũ quỷ xẻo da xẻo thịt mới đáng tội trạng.

Ngoài nghịch ngợm, tôi ham chơi, mê quá đến độ mỗi lần có việc mẹ tôi phải nhờ tôi đi đâu đều bị dặn dò lẫn răn đe là phải về sớm, không nghe sẽ bị phạt. Hồi đó nhà tôi còn mái tranh vách lá, nền nhà đã được nâng cấp từ cát lên bùn. Trước khi tôi ra khỏi nhà, mẹ tôi luôn luôn nhổ một bãi nước bọt xuống nền bùn rồi ra giá, nhắc nhở tôi:

- Đi về mà bãi nước bọt ngấm khô thì chết đòn nghe rõ chưa!

Tôi dà dạ với mẹ tôi xong, ra khỏi nhà là quên hết lời mẹ dặn. Tôi nhớ cứ thỉnh thoảng vài tối mẹ tôi sai tôi đi mua trầu cau ở nhà ông bà Văn Võ. Từ nhà tôi qua nhà ổng bả có xa xôi gì, khoảng trăm mét đường đi, tôi ù chạy nửa phút đã tới nơi; vậy mà tôi ra khỏi nhà sáu giờ chiều, sớm lắm cũng phải chín giờ tối tôi mới vác mặt mò về nhà. Những lúc đó tôi tự biết thân biết phận, làm theo những điều mà mẹ tôi luôn nhắc bảo:

- Để tấm trầu vào cơi! Lấy cây roi đem ra đây rồi nằm xuống!

Tôi bị đòn hoài, nhiều bữa thấy tôi bị ba tôi đánh đau quá, mẹ tôi thương tôi, rưng rưng nước mắt khuyên lơn:

- Con ơi! Con không nghe người ta nói sao: “Người khôn nói mánh, người dại đánh đòn”. Mười mấy tuổi đầu rồi, con đâu còn nhỏ nhít như ngày xưa mà cứ khờ dại để cho nay ba đánh, mai mẹ đánh như thế này hoài. Như con cái ở xứ Sầm Sơn là chừng tuổi con nhiều đứa đã có vợ có con rồi, vậy mà từng tuổi này, lớn cốc lớn kếch mà vẫn cứ để bị đánh mắng. Con không biết nghe lời ba mẹ, con cũng phải thương xót cái thân xác của con chứ!

Dĩ nhiên tôi biết đau, tôi nhớ những lời khuyên nhủ của mẹ tôi, nhưng đi chơi vẫn thú và có mãnh lực lôi cuốn tôi nhiều hơn nghe lời răn dạy và sợ đòn roi. Có những bữa quá tức giận vì dặn đi dặn lại, khuyên bảo tôi biết bao nhiêu lần, tôi vẫn không chừa, vẫn cứ chứng nào tật nấy, vẫn trốn lễ, vẫn đánh nhau, vẫn hay rong đàng và làm nhiều điều càn rở. Những lúc đó chính mẹ tôi đã không cầm hãm được tức giận, mẹ tôi bắt tôi nằm xuống quất liên hồi lên mông tôi, miệng gằn giọng lập lại điệp khúc cũ:

- “Nuôi con không dậy không răn, thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng”. Mẹ đẻ con ra nuôi con cốt cho nên người. Nuôi con mẹ để con hư, thành kẻ bại hoại của xã hội, thà không có con thì hơn.

Mẹ tôi tức giận đã nói nặng lời với tôi đến như thế. Tôi cũng biết phải quấy. Hứa với mẹ xin chừa không đi chơi nữa, nhưng mẹ tôi vừa cất roi đi thì những lời dạy dỗ tôi cũng trở thành “nước đổ đầu vịt”.

Những chuyện chơi bời hỗn nghịch như vậy đã sánh vào đâu, tôi ghét nhất là sinh hoạt đoàn thể, bị gò bó quá mà tôi là đứa trẻ phóng túng không muốn bị kỷ luật ràng buộc. Nhưng không vào đoàn không được, đã đi học trường làng, bắt buộc con trai phải gia nhập đoàn Hùng-Tâm và con gái vào Dũng-Chí. Trong ba năm ở đoàn - đoàn được chia thành nhiều cơ, cơ chia thành nhiều đội - tôi có ba huynh trưởng hướng dẫn cơ: Khang, Phương và Thảo. Trong ba huynh trưởng tôi chỉ ưa có mỗi huynh Khang vì ở anh tôi học hỏi nhiều, anh hay mớm cho chúng tôi tình yêu quê hương dân tộc, anh hay tâm sự với chúng tôi về vận nước nổi trôi, tôi nhớ mãi vị huynh trưởng này. Còn hai huynh Phương và Thảo, tôi hay gọi là hai thằng bởi vì tôi chả học được gì ngoài vài ba bài hát vớ vẩn lằng nhằng. Hai huynh này chỉ lợi dụng chức vụ để dợt le và tát tai đoàn viên. Tôi hay bị Phương và Thảo bợp tai vì cái tính bướng và hay nghịch ngược. Đoàn thể đối với tôi là cả một sự trói tay trói chân, vậy mà thằng huynh Thảo còn chỉ định tôi giữ chức đội trưởng để dễ bề kềm chế. Tôi vốn chán ghét ba cái vụ chức này chức nọ, bị ép phải nắm chức đội trưởng, tôi chơi ngông cho bõ ghét. Một buổi sinh hoạt cơ, có đoàn trưởng ghé thăm, tôi ra lệnh cho mấy thằng lâu la đoàn viên trong đội của tôi hôm đó, bỏ giầy ở nhà đi chân đất, đồng phục áo bỏ ngoài quần ra họp cơ. Đoàn trưởng ghé thăm cơ, thấy đội của tôi phụ trách, đội ngũ lộn xộn, đi chân không, quần áo thiếu tề chỉnh, đoàn trưởng kêu huynh Thảo đến xì nẹt. Thảo biết tôi chủ mưu, xáng cho tôi mấy bạt tai. Bữa khác, nhân lúc huynh trưởng cho từng đội sinh hoạt riêng trong sân trường, tôi ngang nhiên dắt cả đội ra biển tắm, bắt cua bắt còng cho đến xế chiều, chơi chán, tôi dẫn đội trở về lại sinh hoạt đoàn. Thoạt trông thấy tôi, Thảo nổi giận đùng đùng, tức tốc chạy lại nắm áo tôi bợp tai liên hồi còn tặng thêm mười mấy cú đá đít rồi tước luôn cái chức đội trưởng của tôi để trừ hậu hoạn. Tôi tức trào máu vì Thảo lấy quyền gì đánh tôi, nhưng tôi không dám ra mặt chống cự đánh trả, vì tội đánh huynh sư to ngang tội cố sát chứ chẳng chơi, có thể bị đem ra kết án trước nhà thờ cũng như rêu rao trên loa phóng thanh cho cả làng xã nghe. Nếu để ba mẹ tôi mang nhục thì cái mạng tôi chắc sẽ ra ma. Biết thế tôi chỉ nghiến răng ngậm bồ hòn; kêu ca với ai bây giờ, cha cụ chẳng ai bênh, ba mẹ nghe nói tôi bị đập lại chỉ có nước đánh thêm. Một hôm tôi nghĩ ra cách trả thù, dịp lễ chúa Giê-Su phục sinh, đoàn người đông đảo dự thánh lễ đêm, tôi và ba thằng bạn cùng đội, đứng rải quanh phía sau gần huynh Thảo đợi lúc lấy lửa lâm-bô đèn nhà thờ tắt hết, bốn thằng tôi nhẩy xổ vào. Tôi rạp người xuống túm lấy hai chân Thảo giật mạnh. Thảo té ấp sấp xuống nền nhà thờ rồi cả bọn tôi đè chận lên người Thảo. Một đứa én cổ, bịt miệng cho Thảo khỏi la. Ba thằng còn lại, đứa đấm đứa đạp đứa dọng cùi chỏ tới tấp lên người huynh Thảo. Những căm ghét, hận thù chất chứa trong lòng tôi từ bấy lâu, nay được được dịp tuôn ra trút xuống bằng những cú đấm tận tình trên người Thảo. Chúng tôi đánh hội đồng Thảo cho đến lúc Thảo giãy giụa mạnh quá, làm sút tay đứa bịt miệng để Thảo ngóc đầu la, chúng tôi mới chịu buông tha rút lui. Trận đòn thù hôm đó tôi thấy hả hê làm sao, lòng thù hận vơi bớt phần nào . Tôi vẫn nhớ tiếng Thảo trong cơn đau đớn, ú ớ kêu cứu: “Thầy Nên ơi! Thầy Nên ơi!... cứu em với!!!”.

Cái tiếng kêu cứu của thằng huynh Thảo dù đã mấy chục năm qua, nghe như đâu đây vẫn còn âm vọng bên tai của cái năm tháng thuở nào. Cả một khung trời ký ức hiển hiện trước mặt, hình dung ra toàn những chuyện ẩu đả, hỗn hào, phá phách, nghịch ngược của thời niên thiếu. Cứ mỗi lần soi gương, nhìn vẻ mặt phảng phất bóng hình chàng Trương Chi, từng vết sẹo trên mặt ôn lại trong tôi từng dấu tích nghịch ngợm; khúc phim dĩ vãng quay lại lúc đi học bằng con đường tắt leo rào sau trụ sở xã, trong lúc vội vàng nhẩy, tôi đã bị vướng té để kẽm gai quặc vào mặt; nhớ vết đạn thép giữa trán mà thằng Quý Dở đã bắn ghim vào mặt tôi lúc bọn thiếu niên làng tôi và làng bên kéo bè kéo đảng đánh nhau, vết thẹo của lần té dập mặt xuống nền nhà thờ vì khích bác choảng nhau, vết tích của lần xô đẩy té từ tháp chuông xuống... Giờ đây, cứ lần nào để dòng tư tưởng bước lần về quá khứ, lòng lại thấy bồi hồi dâng đầy cảm xúc, ôm nhớ từng kỷ niệm xưa, nuối tiếc tháng ngày đã qua, có đôi lúc thoáng một chút bâng khuâng, buồn cho số phận long đong lận đận, nhưng cũng nhiều lúc không dằn nén nổi lòng, đã phải bật cười tự hỏi: “Sao cái thằng tôi ngày xưa nó lại tinh ma, nghịch ngợm đến thế!!!".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.