Hôm nay,  

Cai Lậy Trên Dòng Euphrates

16/07/200500:00:00(Xem: 4975)
Gần ba chục người, kể cả trẻ em, vừa bị khủng bố sát hại tại Baghdad. Dân Iraq đã nổi giận nhưng dân Mỹ lại ngó qua nơi khác.
Sáng 13, một chiếc Humvee của Lực lượng Đặc nhiệm Mỹ đã nổ tung tại khu phố al Jedidah của dân Shiite vùng Đông Nam ngoại thành Baghdad. Một binh lính Mỹ tử thương bên xác chết của nhiều trẻ em. Tổng cộng, 27 người thiệt mạng và gần ba chục người bị thương. Đó là thành tích của quân khủng bố Jihad trong một vụ đánh bom tự sát.
Tại Hoa Kỳ, tin tức chiến sự Iraq chỉ đáng chú ý khi có lính Mỹ thiệt mạng. Nhưng tại Iraq, tình hình lại khác. Biến cố al Jedidah có thể đã đánh dấu một khúc quanh trong tâm lý người dân địa phương - và trong toàn bộ cuộc chiến, mà truyền thông Mỹ lại chả tường thuật hay bình luận cho đúng đắn.
Khi tiếp cận với thường dân, nhất là trẻ em, các đơn vị Hoa Kỳ thường có trạng thái tâm lý có lợi cho quân khủng bố: thiếu cảnh giác. Kinh nghiệm chiến trường khiến họ nghĩ là trong một khu vực đông đảo trẻ em, quân khủng bố thường ít ra tay. Lý do là từ những nguồn tin riêng, nếu thấy tình hình bất an hoặc nguy hiểm cho con em, cư dân nơi ấy thường giữ con ở nhà.
Lần này, kinh nghiệm ấy là tai họa, vì quân khủng bố cũng đoán biết như vậy.
Gần 11 giờ sáng, khi lính Mỹ đang phát kẹo và vui đùa với trẻ em trong khu phố, một chiếc Land Cruser hiệu Toyota, mang bảng số của thị trấn Basra ở miềm Nam đã dừng bánh bên xe Humvee của lính Mỹ. Và nổ tung. Một vụ khủng bố tự sát, xác chết trẻ em nằm la liệt ngoài đường. Vụ này khiến những ai theo dõi tình hình chiến sự Iraq nhớ đến ba vụ đánh bom liên tiếp vào một đoàn xe của lính Mỹ, tháng Chín năm 2003: 41 người thiệt mạng, kể cả 34 trẻ em. Loại tin tức ấy làm dân Iraq khó chịu, nhưng nhiều người Mỹ lại dửng dưng.
Khi có tin là lính Mỹ vứt kinh Koran vào cầu tiêu, dân Hồi giáo nhiều nơi đã như nổi điên vì coi là tôn giáo của họ bị xúc phạm. Tôn giáo nào lại chấp nhận việc sát hại trẻ em" Câu hỏi này, ta ít thấy truyền thông Mỹ nêu lên, hoặc bộ máy thông tin của Liên quân trình bày cho dân Hồi giáo và cả dân chúng Mỹ cùng thấy.
Nhân việc ấy, người ta mới giật mình về một bảng tổng kết tổn thất tại Iraq. Theo báo cáo của chính quyền Iraq, trong năm qua, số thường dân thiệt mạng đã vượt số binh lính tử vong. Riêng trong sáu tháng đầu năm, gần 1.600 thường dân Iraq bị chết so với gần 900 binh lính và cảnh sát. Trong cùng giai đoạn ấy, có 781 phiến quân bị hạ sát.
Đi sâu vào chi tiết, người ta còn thấy rằng trong số phiến quân, có 1) thành phần sắc tộc Sunni - cầm súng đánh Mỹ vì chủ nghĩa dân tộc hay vì luyến tiếc chế độ cũ, khi họ còn khống chế cả nước, gồm sắc tộc Shia đa số lẫn dân Kurd - và 2) quân khủng bố ngoại nhập, đánh bom giết người theo lệnh của Abu Musab al-Zarqawi, trưởng lưới al-Qaeda tại Iraq. Thành phần này mới thường ra tay theo kiểu khủng bố tự sát, và giết hại thường dân không thương tiếc. Thành phần Sunni thì có mục tiêu chính trị rõ rệt: dùng giải pháp quân sự để đạt thắng lợi trong hệ thống chính trị tương lai của Iraq. Việc quân khủng bố mệnh danh Thánh chiến - Jihad - ra tay sát hại trẻ em đã khiến dân Iraq nhìn ra sự khác biệt trong hàng ngũ nổi loạn và có thể báo hiệu những xoay chuyển ở tại chỗ.

Tại chỗ, mạng lưới của al Zarqawi vừa bị hàng loạt tổn thất. Sau khi bắt giữ nhiều lãnh tụ đặc công, Mỹ đã vồ được nghi can Abu Seba, tên thật là Khamis Khalaf Abed al-Fahdawi. Abu Seba có liên hệ đến vụ bắt cóc và sát hại Đại sứ Ihab al-Sharid của Egypt tại Baghdad hôm mùng hai và hai vụ ám sát hụt các Đại sứ Bahrain và Pakistan trước đó. Toàn là người theo đạo Hồi.
Hôm mùng 10, họ cũng đã bắt được Abu Abdul Aziz sau một vụ chạm súng. Aziz hiện đang hợp tác để cung cấp thêm tin tức về mạng lưới al-Qaeda và trưởng lưới al Zarqawi. Tay đặc công này là đối tượng hạng cao của bộ Chỉ huy Trung ương Hoa Kỳ, một mục tiêu truy lùng quan trọng vì vừa ra tay hành động, vừa tổ chức cơ sở cho al-Qaeda.
Cho đến nay, nhiều dân Iraq thuộc tộc Sunni, dân Ả Rập, hoặc người Hồi giáo nói chung tại Trung Đông và các nơi khác, vẫn thường cho rằng "kẻ thù của kẻ thù có thể là bạn". Vì vậy, họ mặc nhiên chấp nhận các vụ khủng bố của Jihad, và nghĩ rằng khủng bố càng ra tay thì Mỹ càng chùn tay và sẽ có ngày tháo chạy. Chính quyền Hoa Kỳ lại có vẻ vững tay hơn thế, và còn khẳng định rằng chiến tranh có thể kéo dài hơn chục năm, trong khi ráo riết huấn luyện binh lính và cảnh sát Iraq để họ đảm nhiệm một vai trò bảo vệ an ninh rộng lớn hơn.
Tuần qua, tờ Bưu báo Chủ Nhật (Mail on Sunday) xuất bản tại Anh, còn tiết lộ một văn kiện mật của chính quyền Tony Blair. Theo văn kiện này - đề ngày mùng chín tháng Bảy - từ đầu năm 2006, lực lượng Mỹ sẽ bàn giao việc kiểm soát 14 trong 18 tỉnh của toàn lãnh thổ Iraq cho chính quyền Baghdad. Nhờ đấy, lực lượng Liên quân (Multinational Force Iraq - MNF-I) từ 176 ngàn có thể rút xuống còn 66.000 (Việt Báo đã loan tin này trong số Thứ Hai 11-7-2005). Nói cách khác, phiến quân chỉ còn khả năng hoạt động trong bốn tỉnh, thành trì của dân Sunni. Và Hoa Kỳ đã bắt đầu nghĩ đến việc rút quân.
Tình hình cụ thể có thể còn xoay chuyển và việc triệt thoái, hoặc "Iraq hóa" chiến tranh, có thể gặp trở ngại bất ngờ, kể cả những nhận định khác biệt của tòa Bạch cung, bộ Quốc phòng hay bộ Chỉ huy Trung ương ở tại chỗ. Tuy nhiên, cục diện đang có vẻ sáng sủa hơn: trong khi các lãnh tụ Sunni bắt đầu nghĩ đến việc buông súng tham gia sinh hoạt chính trị trong chế độ mới thì việc quân đặc công tự sát giết hại thường dân và con trẻ đang gây ảnh hưởng tâm lý bất lợi cho quân khủng bố.
Vấn đề là các lực lượng Hồi giáo ôn hòa và cả Hoa Kỳ có vận dụng được tâm lý ấy hay không"
Trong cuộc chiến Việt Nam, nạn khủng bố sát hại thường dân, mù quáng pháo kích vào trường học hoặc ném bom ngoài chợ, cũng đã xảy ra và dẫn tới làn sóng tỵ nạn cộng sản mà cao điểm là 1975 rồi sau đó. Nhưng, 1975 vẫn xảy ra. Nguyên nhân chính là mãi đến sau 1968, Mỹ mới chịu trang bị cho quân lực Việt Nam Cộng Hòa những phương tiện kháng cự tối thiểu, trong khi ấy, truyền thông Mỹ lại chuyển thắng ra bại vì lượng định và trình bày sai lạc tình hình tại chỗ. Người ta thường cảnh báo, coi chừng Iraq sẽ lại là một Việt Nam nữa cho Hoa Kỳ. Điều ấy không sai, nếu dư luận Mỹ lại bị lầm lạc lần nữa, như người ta đang thấy trên truyền hình Hoa Kỳ. Vụ Guantanamo hay Abu Ghraib, hoặc Karl Rove, được thổi hàng giờ và chiếm tám cột trên trang nhất, nhưng vụ trẻ em Iraq bị giết ngoài đường thì hoàn toàn không có tiếng vang. Y như chuyện Cai Lậy năm xưa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.