Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

14/07/200500:00:00(Xem: 5277)
[LS Lê Đình Hồ là tác giả cuốn “Từ Điển Luật Pháp Anh Việt-Việt Anh” dày 1,920 trang vừa được xuất bản. Qúy độc giả có thể mua sách qua internet bằng cách lên Website Google (google.com) đánh máy chữ “ho ledinh”, rồi theo sự hướng dẫn của các websites.]

Hỏi (Bà Lâm Thị T Hạnh): Con tôi năm nay học lớp 9. Cách đây chừng 3 tuần lễ cháu cùng bạn bè đi học như thường lệ. Tuy nhiên, khi cháu đi học về vợ chồng chúng tôi thấy mặt cháu hơi khác lạ. Chúng tôi bèn hỏi cháu để xem chuyện gì đã xảy ra khi thấy bàn tay của cháu có vết bầm tím, nhưng cháu cho biết là không có chuyện gì xảy ra cả. Sau đó mấy hôm, mẹ của bạn cháu gọi điện thoại lại cho biết là hôm đó con của bà cùng cháu đã đánh lộn với học sinh khác lớp, nhưng cùng trường tại ga xe lửa.
Bà ta đã kể cho biết là mọi việc đã được các học sinh khác chứng kiến và báo cáo lại cho thầy cô giáo. Thế là vị hiệu trưởng của trường đã biết được sự việc này ngay sau khi học sinh vào lớp học sáng hôm đó. Vị hiệu trưởng bèn cho gọi cháu và bạn cháu đến văn phòng của ông ta. Sau khi tra hỏi sự việc, ông ta đã lấy thước kẻ đánh vào mông và yêu cầu bạn cháu cùng cháu ngữa bàn tay ra và ông ta đã đánh mỗi cháu hơn mười lần.
Khi biết được sự việc xảy ra như thế, chúng tôi bèn phải đợi cháu đi học về để yêu cầu cháu kể rõ câu chuyện. Cháu bèn thú thật về chuyện đã xảy ra, đồng thời cho biết là vì cháu không chịu đau nổi nên bèn di chuyển bàn tay và cây thước đã đánh nhằm phía lưng bàn tay của cháu, nên đã có vết bầm tím. Cháu cho biết là cháu không hề đánh lộn với các học sinh khác, cháu chỉ vào can thôi, nhưng có thể vì không thấy rõ nên các học sinh khác đã khai báo sai với thầy hiệu trưởng.
Cháu rất bất mãn về sự trừng phạt đó của vị hiệu trưởng vì tất cả bạn bè đều biết được là cháu vừa bị đòn, và tỏ ý muốn chúng tôi có thái độ về sự trừng phạt trái luật đó.
Xin LS cho biết là chúng tôi phải làm gì với sự trừng phạt đó"

*

Trả lời: Trong vụ Cleary v. Booth [1893] 1 QB 465. Trong vụ đó, bị cáo là hiệu trưởng của một trường trung học, nguyên cáo là một học sinh của trường.
Vào một buổi sáng, trên đường đến trường nguyên cáo đã cùng đi với một học sinh khác tên là Callaway. Khi gặp một học sinh thứ ba tên là Godding. Callaway đã đánh Godding.
Trong các bằng chứng được trưng dẫn tại tòa, không có bằng chứng nào chứng minh là nguyên cáo đã đánh Godding. Tuy nhiên, khi nhận được sự khiếu nại, “vị hiệu trưởng đã dùng roi đánh vào tay và lưng của Callaway và nguyên cáo” (He caned both Callaway and the respondent on the hand and back).
Mẹ của nguyên cáo than phiền với vị hiệu trưởng về việc ông ta dùng roi đánh con của bà, tuy nhiên, vị hiệu trưởng đã cho biết rằng ông ta làm điều đó vì con của bà đã đánh một học sinh khác.
Tòa sơ thẩm đã đưa ra phán quyết rằng vị hiệu trưởng không có quyền trừng phạt học sinh về hành động được thực hiện bởi học sinh đó, dù đó là hành động đánh một học sinh khác trên đường đến trường. Vì hành động đó được thực hiện ngoài khuôn viên của nhà trường và hoàn toàn không liên hệ đến nhà trường. Cuối cùng, vị hiệu trưởng đã bị kết buộc “tội hành hung thường” (common assault). Ông ta bèn kháng án.
[Ghi chú: common assault (tội hành hung thường): Thuật từ được dùng để chỉ sự hành hung không gây bất cứ thương tích về thể lực nào cho người bị hành hung. Nói một cách khác, đó không phải là sự hành hung với trường hợp gia trọng. (The term used to refer to an assault not causing any physical injury to the person assaulted. In other words, it is not an aggravated assault)].
Đây là một vấn đề khá phức tạp vì chưa hề có án lệ trong vấn đề này, vì thế đây là một “vụ kiện thuộc ấn tượng tiên khởi” (a case of first impression).


[Ghi chú: case of first impression (vụ kiện thuộc ấn tượng tiên khởi): Cụm từ được dùng để chỉ vụ kiện mà trong đó vấn đề quan hệ đến việc giải thích luật pháp được nêu ra nhằm mục đích truy tìm giải pháp của vấn đề chưa hề có trong tiền lệ pháp định. (The phrase used to refer to a case in which a question regarding the construction of law is raised for the purpose of seeking the resolution of which there is no legal precedent)].
Vấn đề được đặt ra ở đây là liệu vị hiệu trưởng có quyền áp dụng “hình phạt thể xác” (corporal punishment) đối với học sinh về những hành vi được thực hiện ngoài khuôn viên của nhà trường hay không"
Luật sư của vị hiệu trưởng đã tranh cãi rằng nếu vị hiệu trưởng không có quyền trừng phạt thì việc gì sẽ xảy ra đối với những hành vi đó của học sinh. Sự việc mà một học sinh học cùng trường đã bị một học sinh khác đánh trên đường đến trường, rồi hành động đó được báo cho vị hiệu trưởng, và vị hiệu trưởng đã trừng phạt học sinh đó ngay lập tức khi được báo cáo. Sự trừng phạt ngay sau hành vi ẩu đả này là một ưu điểm, vì “vị hiệu trưởng thay mặt cho phụ huynh” (the schoolmaster is in the position of the parent).
Câu hỏi kế tiếp được đặt ra là một học sinh trên đường từ nhà đến trường thuộc về quyền hạn của phụ huynh hay vị hiệu trưởng"
Câu trả lời sẽ là: phụ huynh đã ủy thác quyền hạn đó cho vị hiệu trưởng. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể tranh cãi một cách hợp lý rằng vị hiệu trưởng chỉ có quyền trừng phạt về những hành vi của học sinh trong khuôn viên của nhà trường mà thôi.
Cuối cùng Tòa Kháng Án cho rằng quyền hạn của vị hiệu trưởng không những chỉ giới hạn về những hành vi của các học sinh phạm phải trong khuôn viên của nhà trường, mà vị hiệu trưởng còn có quyền hạn đối với những lời than phiền về những hành vi của học sinh phạm phải ngoài khuôn viên của nhà trường. Những hành vi này có thể là những hành vi mà các học sinh đã phạm phải trên đường từ nhà đến trường hoặc trên đường từ trường về nhà.
Tòa Kháng Án cho rằng việc kết buộc vị hiệu trưởng phạm “tội hành hung” là điều hoàn toàn sai lầm. Vì thế, Tòa đã đưa ra án lệnh gởi trả vụ kiện lại cho tòa sơ thẩm để xét xem liệu sự trừng phạt đó có vượt quá mức hay không"
Dựa vào phán quyết vừa trưng dẫn bà có thể thấy được rằng việc khiếu nại về sự trừng phạt về thể xác quá mức đối với con của bà là một việc mà bà có thể khiếu nại được về phương diện luật pháp. Tuy nhiên, bà nên nhìn vào thực tế để thấy được rằng bà cần phải cám ơn các bậc thầy cô khi họ trừng phạt con của bà, ngoại trừ những hành động trừng phạt do sự tị hiềm về chủng tộc hoặc các lý do khác.
Nếu bà đã từng đến trường trong thời thơ ấu thì bà có thể nhìn thấy được vai trò quan trọng của thầy cô giáo trong việc trừng phạt học sinh, vì chính nhờ sự trừng phạt đó mà xã hội được phát triển trong khuôn khổ đạo đức mà các thế hệ cha anh đã tạo dựng, tu chỉnh và để lại cho các thế hệ con em.
Chắc bà cũng đã từng chứng kiến hậu quả tai hại khi chính quyền can dự vào việc giáo dục con cái của công chúng. Ngoại trừ những trường hợp quá rõ ràng là có sự lạm dụng, bằng ngược lại chính quyền không nên can dự vào phương thức trừng phạt hoặc giáo dục con cái của công chúng, NẾU chính quyền muốn có một xã hội được phát triển một cách cân bằng về phương diện luân lý cũng như về phương diện tri thức.
Trong trường hợp của bà, dù không đồng ý với sự trừng phạt của thầy hiệu trưởng, bà cũng không nên tỏ vẻ bênh vực con của bà trong vấn đề bị trừng phạt đó, mà nên rầy la thêm để cháu có thể trở thành một học sinh gương mẫu, một công dân mẫu mực hầu phục vụ cho xã hội trong tương lai.
Nếu bà còn thắc mắc xin điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.