Hôm nay,  

Tạp Ghi: Những Tiếng Còi Tàu

15/03/200900:00:00(Xem: 2669)

Tạp ghi: Những Tiếng Còi Tàu  - Huy Phương

“Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ.
Lòng của người đi réo kẻ về”
(Tế Hanh)

Ở thành phố miền Nam quận Cam này mỗi đêm khó ngủ mơ màng, tôi thường thức giấc vì tiếng còi tàu vẳng đến, trong đêm vắng tôi còn nghe rõ tiếng bánh xe rên siết trên đường sắt. Có lúc tôi khó dỗ giấc ngủ trở lại, lan man tôi nhớ những tiếng còi tàu trong những ngày tháng đã qua mau.
Người miền Trung, nhất là những người sống gần quốc lộ 1, quốc lộ này lại chạy song song với đường xe lửa, quê nghèo nhiều khi không có đồng hồ, những chuyến xe lửa đi về là giờ giấc và cái mốc sinh hoạt của xóm làng: giờ thả trâu ra đồng, giờ nấu cơm, giờ trở về nhà. Khi tuổi thiếu niên mới lớn, đời sống êm đềm của một thành phố nhỏ nhiều khi trở thành ao tù, tiếng còi tàu dừng lại ở ga trong đêm tối, tiếng còi tàu cất tiếng qua những nhịp cầu bắc qua sông, như tiếng gọi thôi thúc nỗi thèm muốn đi xa. Hạnh phúc biết bao khi lên chuyến tàu rời thành phố lần đầu tiên, bỏ lại sân ga đằng sau, con tàu qua cầu, gió lộng thổi trên sông, lùa trong tóc, vuốt ve trên da mặt, bỗng dưng thấy mình lớn dậy, đang đi tới với những ngày tháng thênh thang trước mặt. Bây giờ mái tóc điểm sương, cách xa quê hương nghìn dặm, bao nhiêu lần cách núi ngăn sông, tiếng còi tàu đêm nay lại như nỗi gợi nhớ trở về.
Những chuyến xe lửa đem chúng ta qua nhiều miền đất của quê hương, qua bao nhiêu chiếc cầu, qua bao nhiêu dòng sông, qua bao nhiêu cánh đồng, qua bao nhiêu thành phố. Trong thời chiến tranh, đã có bao nhiêu chiếc cầu ngã gục, bao nhiêu chuyến tàu không về đến ga và những xác người vung vãi vì mìn bẫy vì hận thù và phá hoại. Con đường sắt xuyên Việt như đoạn xương sống bị gẫy ngang, tắc nghẹn vì nỗi đau chia cắt đất nước. Ngày đó, tôi đã từng mơ ước có một ngày tôi sẽ đi trên chuyến tàu  Nam Bắc không còn chia cắt, hận thù, nhưng con tàu đầu tiên đưa tôi về miền Bắc lại là con tàu của đọa đày, tù tội.
Ngày ấy, tôi và bạn bè được đưa tới một toa tàu và bị xô ngã lên sàn tàu đen đúa, ẩm ướt, bẩn thỉu. Một mùi tanh tưởi như mùi cá ươn thốc vào mũi tôi cùng với mùi đất mới cày, mùi cỏ đồng nội không biết từ đâu thổi tới. Rồi cánh cửa tàu được kéo lại, đóng sầm lại sau lưng. Tôi cố căng đôi mắt để nhìn sự vật, nhưng bây giờ chỉ còn là một vùng tối đen như địa ngục. Mệt mỏi và đau đớn, tôi nằm lặng thiêm thiếp trên sàn tàu lạnh cứng.
Mơ hồ, tôi nghe một tiếng còi tàu, nếu như phát ra từ một đầu máy, thì đầu máy tàu ấy ở rất xa. Đoàn tàu có lẽ kéo cả hàng mấy chục toa, tiếng những toa tàu va chạm vào nhau một hồi lâu, rồi đoàn tàu rùng mình bắt đầu chuyển động lăn trên đường sắt. Tiếng bánh xe cứa sàn sạt vào đường sắt nghe như tiếng rên siết hòa với tiếng gió hú bên ngoài con tàu, tạo nên những âm thanh rùng rợn trong đêm tối. Qua những khúc quanh, tiếng rên siết nghe rõ hơn, toa tàu lắc lư bần bật như đang đi trong cơn bão lớn, khiến những thân người nằm lăn chạm vào nhau. Bụi than trên sàn toa bốc lên làm cho nhiều người bị ngộp thở. Có tiếng ho sặc sụa trong cổ họng như người đang bị bóp mũi. Có tiếng người nào đó buồn nản, thất vọng, lẫn lộn với tiếng thì thào kể lể, nghe loáng thoáng lúc xa lúc gần. Thứ âm thanh hỗn độn đó, quanh quẩn, được lặp đi lặp lại như một điệp khúc buồn nản ma quái.


Con tàu nhiều năm sau đã đưa tôi trở lại miền Nam như đưa những đứa con ruột thịt trở về nhà, tuy chân tay còn bị xiềng xích nhưng tấm lòng tự do, hân hoan nhìn lại cảnh cũ. Tôi làm sao quên được những em bé miền Nam cố chạy theo con tàu, ném gởi cho chúng tôi được những món quà là gia sản của một ngày kiếm sống. Trong tôi còn là hình ảnh của những bà mẹ già còm cõi  rách rưới, ngấn lệ trên mắt, trên sân ga, ngăn cách bởi những cuộn kẽm gai, xúc động khi nhìn những người lính miền Nam, những người tù biệt xứ trở về.
Tôi còn nhớ những người dân lam lũ, đã mấy đời sống bám theo con đường xe lửa, chờ những chuyến tàu đi lại với cái mẹt với mấy quả cam, trái xoài, những đứa trẻ trên tay bình nước  trà với cái ly nhựa cáu bẩn, người đàn bà với nồi cháo nóng cùng ngọn đèn chai chập chờn trên sân ga. Những tiếng rao hàng, mời gọi, những đêm đi tàu mất ngủ, con mắt cay xè, mùi bụi than và tro than cháy đỏ trong đêm tối. Đoàn tàu giật mạnh, lui tới, rồi tiếng còi tàu thét lên. Con tàu rời ga nhỏ, như tôi ra đi, phong cảnh và con người giật lùi lại phía sau, xa dần rồi mất hẳn trong tầm mắt, như quê hương của tôi đó. Qua những khoảng ruộng đồng, đèn nhà ai thấp thoáng trong thôn xóm như nỗi buồn xa xôi, cam chịu. Con tàu ngày đêm vẫn qua lại, thả những đợt khói đen với những tàn lửa đỏ kéo dài thành vệt trong bóng tối, thét lên những tiếng còi đơn độc.
Tiếng còi tàu và sân ga thường chứng kiến nỗi đau và ly biệt của chiến tranh. Đó là sân ga của những người lính trở về trong “Waterloo Bridge”, gặp lại người yêu trong nghịch cảnh; đó là sân ga trở về của người tù phiêu bạt Johann Moritz trong “Giờ Thứ 25” của Virgil Gheorghiu. Nhưng những chuyến tàu cũng đem lại niềm sum họp của người đi xa trở về. Tuy vậy, với nỗi trăn trở trong đêm, người cô phụ đã bao lần nghe tiếng còi tàu đã bao lần rúc gọi như nỗi ước mơ trùng phùng, nhưng người tù biệt xứ năm xưa không bao giờ trở lại. Anh đã nằm lại trên vùng đất lạnh hoang vu đất Bắc hay dưới chân dãy Trường Sơn, không bao giờ có một chuyến tàu trở lại vì sự trả thù những người thắng trận.
Ngày tôi bỏ xứ ra đi, những người tiễn tôi trên sân ga, ngày nay đã khuất bóng. Con tàu chạy qua những con đường quen thuộc của thành phố nhỏ ngày ấy. Qua những song chấn, tôi thấy mọi người dưới đường đều nhìn theo con tàu, trong đó có những người chưa bao giờ được đi xa, họ sinh ra, lớn lên và chết trong thành phố đó. Không những với một con tàu, tôi đã đi nhiều con tàu, qua nhiều sân ga, qua nhiều bến cảng, bỏ lại quê hương bất công, nghèo đói sau lưng.
Đã gần ba mươi năm rồi, đêm nay nghe tiếng còi tàu, tôi, người lính già bỏ nước ra đi, được hạnh phúc no ấm ngày hôm nay, tôi đã làm gì được cho những đứa trẻ cố chạy theo con tàu năm xưa nay đã lớn, những bà mẹ chấm nước mắt ngày trước, bây giờ ra sao, còn sống hay đã chết"...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.