Hôm nay,  

Du Ngoạn Chùa, Thiền Viện Nam Cali

20/07/200500:00:00(Xem: 5848)
Cuối tuần lễ nầy, tôi rất hân hạnh được quý đạo hữu Nguyên Thành vàTôn thất Hoàng, giới thiệu tham gia phái đoàn chùa Kim Quang Sacramento, cùng đi thăm hai ngôi chùa và một thiền viện nằm ở phía Nam của tiểu bang California, Hoa Kỳ:
Chùa VIỆT NAM tại Los Angeles, Thiền Viện ĐẠI ĐĂNG tại San Diego, và Chùa LỘC UYỂN cũng trong Quận San Diego.
Đúng 6 giờ chiều Thứ Sáu 12- 03 - 2004, hai chiếc xe Van chở khoảng 30 Phật tử, nhẹ nhàng trực chỉ L.A, các xe khác đi riêng trước hoặc sau, có đông các cháu thiếu niên Phật tử, tổng cộng 60 người.
Ban đêm mát trời, mọi người nói chuyện trong đạo ngoài đời vui vẻ.
Sau 5 giờ xe, chúng tôi đến chùa Việt Nam, được quý tăng ni ân cần tiếp đón trong tình đạo hữu êm đềm tỉnh lặng mà rất thân thiết.
Trãi qua 4 giờ ngủ, chúng tôi thức dậy điểm tâm xôi đậu hoặc mì chay, uống trà hay cà phê rồi dạo quanh cảnh chùa, chờ tới nghe vị Hòa Thượng trụ trì đăng đường thuyết pháp.
Trong phòng khách tọa đàm có một bàn thờ linh vị, tôi thấy có ảnh đức đệ nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Giáo Chủ Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Viện trưởng Viện Hóa Đạo; Ni sư Trí Hải, HT Đôn Hậu,... Một đạo hữu cho biết, người con gái của Đại tướng Dương văn Minh, cựu Quốc trưởng cuối cùng của miền Nam VNCH, hiện đang sống ở đây, có gởi linh vị của cha vào ngôi chùa nầy. Trên vách chùa, đó đây có vài vần thơ thanh thoát, nét chữ hoa bướm. Tôi nhẩm đọc để nhớ:
"Ta Từ Sinh Tử Về Chơi,
Ngồi Trên Chóp Đỉnh Mỉm Cười Với Trăng"
"Thiền Môn Xưa, Sạch Phong Trần,
Kim Cương Kinh Khép, Trầm Luân Thoát Rồi"
Đúng 8 giờ sáng Thứ Bảy 15/3, chúng tôi tập trung tại chánh điện để đón chào Đại lão Hòa Thượng Thích Mãn Giác và nghe thuyết pháp.
Ngài đã qua tuổi 75, bước đi chậm chạp và phải chống gậy. HT Mãn Giác học vị Tiến sĩ, trước 75 cũng là Phó Viện trưởng Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, Năm 1978, Ngài vượt biên thành công và tới Los Angeles, hiện nay là Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Năm 2003 vừa qua, Ngài đã cùng 50 Tôn Đức Tăng Ni làm "Lễ tưởng niệm 40 năm Phật Giáo Việt Nam dấn thân nhập cuộc" tại hội trường nhật báo Người Việt thành phố Wesminster, California. Hòa thượng ngậm ngùi rơi lệ khi tâm tình nhắc đến những sự hy sinh cao cả của các đạo hữu trong thời kỳ "Pháp Nạn" tại VN và phải rời xa quê hương thân yêu. Trong Tạp chí "Phật Giáo Việt Nam" hải ngoại do Ngài làm Chủ nhiệm, số 125 11/03 có tường thuật đầy đủ về buổi lễ trọng thể nầy. Tôi xin được phép thỉnh 1 quyển báo PGVN về xem lại, vì lật qua thấy có nhiều bài tâm đắc cần nghiên cứu học hỏi thêm, như bài: "Nghệ thuật sống của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14" giảng về "Tứ Diệu Đế" là 4 sự thật cao quý "sinh lão bịnh tử" , Ngài đã mời giới khoa học Tây phương nghiên cứu về Thiền định của Phật Giáo: Thứ nhất là tập trung ý chí, thứ hai là "từ bi hỷ xả", thứ ba là "hiện hữu mở" Đây là một quyết định lịch sử; Bài "Không sống chết - Không sợ hãi" của Thích Nhất Hạnh. Trong đó, giáo pháp của Bụt là "Nhân Duyên", rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực "Vô Sinh Bất Diệt". Người đời coi đó là thực mới khổ não. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát ; bài "Tín vô mê, Giác bất mị" của Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh có đề cập đến một tu sĩ Phật Giáo người Pháp là Tiến sĩ Matthieu Ricard, ông viết: "Đức Phật luôn nhắc mọi người không nên chấp nhận những lời dạy của Ngài, mà cần phải khảo sát thêm để tìm ra chân lý". Sơn Điền NVK có nhận xét: Đức Thích Ca Mâu Ni là nhà quán quân đầu tiên và vĩ đại nhất về nhân quyền của thế giới với câu nói "Phật tại tâm. Trong tâm của các con có một cái mầm nhỏ như hạt cát. Các con hãy biết phát triển hạt cát đó để thành Phật"; bài Thiền Định, Dưới ánh sáng khoa học" của Quán Như có câu: Lòng tin của Phật tử phải phù hợp với sự thực. Một bác sĩ chuyên khoa về tim của đại học Harvard có viết sách vào đầu năm 1975: Thiền quán có làm giảm mức căng thẳng tinh thần và làm hạ áp xuất máu.
Con người sống cốt ở tấm lòng theo lời quán niệm: "Nguồn nước từ bi vô lượng vô biên đang chảy tràn ra mọi nẽo đến tất cả mọi người, mọi loài; từ những người yêu thương con đến những người ghét bỏ con, từ những người xung quanh con đến những người ở cách xa con, từ những loài lớn đến những loài nhỏ, từ những loài con thấy đến những loài con không thấy. Nguyện cho tất cả đều đối xử với nhau bằng lòng từ ái và tử tế, để không một ai còn làm cho ai phải bị khổ đau, không một loại nào còn ác tâm hãm hại loại nào."
Tôi nghe nhắc đến Hòa Thượng Thích Thiện Minh, người đã bị tù dưới cả 3 chế độ, và cuối cùng đã chết cô độc trong ngục tù giá lạnh Hàm Tân của chế độ Cộng Sản VN, lòng nghe cảm thương bồi hồi đau xót.
Trong 1 bài viết của Jeffrey Paine trên tạp chí PGVN nầy, có câu: "Hơn 2.500 năm trước đây, Đức Phật (Buddha) là bậc đại giác ngộ, đã tuyên bố: Ngài không có ý định tạo lập một tôn giáo mới, nhưng chỉ dạy phương thuốc giúp trị sự khổ đau". Phật tử thực tập Chánh niệm sẽ không thờ làm thần tượng bất cứ một chủ nghĩa hay lý thuyết nào. Theo Phạn ngữ, "Nam Mô" là"lời Kính Mừng", "Bổn Sư" là "vị Thầy của tôi". Nhìn cho sâu, chúng ta cũng thấy được rằng không có gì sanh ra, không có gì chết đi, không có gì tới, cũng không có gì đi, không thêm cũng không bớt, không giống cũng không khác, không có cũng không không.
Trong cuộc đời đức Phật có 4 sự kiện quan trọng đều xảy ra trong mùa trăng tròn tháng thứ Hai Ấn Độ:
Lễ Phật Đản
Lễ Xuất Gia
Lễ Thành Đạo
Lễ Nhập Niết Bàn
Chúng tôi tạ từ cáo biệt để tiếp tục chuyến du hành đến Thiền Viện ĐẠI ĐĂNG. Xe chạy qua các thành phố Downey, Santa Ana ... trực chỉ San Diego. Đường đèo đồi núi quanh co hiểm trở, có nhiều đoạn dốc ngược và cao nhìn thấy muốn mệt tim. Phong cảnh thiền viện Đại Đăng rất xinh đẹp hùng vĩ, cũng trên đỉnh đồi núi cao tương tự như Kim Sơn thiền viện ở San Jose, nhưng thoáng đảng hơn, vì không có rừng cây mịt mùng bao phủ, lại có gió biển gần kề. Chúng tôi chăm chú lắng nghe vị Hòa thượng thuyết pháp vui vẻ bằng giọng miền Nam nhẹ nhàng. Xong rồi trở qua nhà ăn của thiền đường dùng cơm trưa, được hướng dẫn: Ăn bằng muỗng, dùng đũa gắp thức ăn, giữ im lặng trong suốt bữa ăn.
Tạ từ Thiền viện Đại Đăng với lòng vấn vương quyến luyến, chúng tôi chụp vài hình ảnh phong cảnh xinh đẹp quanh chùa, rồi lên đường trực chỉ chùa Lộc Uyển, cách khoảng nửa giờ đường xe chạy.
Tu viện LỘC UYỂN nằm trong Vườn Nai "Deer Park Monastery" rộng 434 mẫu Anh, thuộc quận San Diego, tiểu bang California, có núi đồi hùng vĩ và rừng cây bóng mát.
Cách đây hơn 2.600 năm, tại vườn Lộc Uyển của xứ Isipatana, đức Bụt (Phật) lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp khai thị cho 5 anh em ông Kiều Trần Như, con đường đưa đến giác ngộ và giải thoát. Do một cơ duyên mầu nhiệm, sau 2.500 năm, bánh xe pháp tiếp tục luân chuyển tới một vùng đồi núi cùng có tên Lộc Uyển - Deer Park. Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn Tu Viện Lộc Uyển cùng với sự ũng hộ của tứ chúng khắp nơi, đã xây dựng nên một trung tâm tu học nơi đây, được thành lập vào tháng 6 năm 2000. Tu viện gồm có 2 xóm: Xóm Vững Chãi (Solidity Hamlet) dành cho quý thầy, nằm trên đỉnh đồi; Xóm Trong Sáng (Clarity Hamlet) dành cho quý sư cô, dưới rừng sồi xanh mát. Tu viện có trên 20 vị xuất gia thường trú ngôi nhà tâm linh nầy của tất cả mọi người, trong những ngày tu học an lạc thảnh thơi.
"Thức dậy miệng mỉm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời"

Khi xe gần đến cổng chùa, tôi hơi lạ mắt khi thấy rải rác đó đây có cả hơn chục Phật tử Âu Mỹ da trắng, có vị mặc áo nâu sòng đi đường im lặng tay chắp trước ngực, đủ nam, nữ và trẻ em Mỹ(") nô đùa.
Phái đoàn chúng tôi được một ni cô rất trẻ của chùa Lộc Uyển hướng dẫn xem phong cảnh quanh chùa, Book store, và chỉ dẫn giải đáp những điều cần thiết với thái độ vui vẻ nhiệt tình. Tôi chọn mua 1 video tape "Làm Thế Nào Dứt Bỏ Mọi Ràng Buộc". Định khi về sẽ trao đổi nhau xem, vì mình không có khả năng mua nhiều như mong muốn. Nội dung đề cập đến 3 sợi dây ràng buộc làm cho mình đau khổ, dằn vật:
1.- Ngã Si: Không rõ nguyên nhân, gốc rễ việc xảy ra.
2.- Ngã Ái: Ôm ấp mãi sự sai lầm.
3.- Ngã Kiến: Tự trói buộc mình vào sự hận thù, ganh ghét.
Đó là nhìn mà không biết nhìn; Thương mà không biết thương; Thấy mà không biết thấy. Ba cái trói buộc cá nhân, gia đình, xã hội vào sự hận.
Quán vô thường: Chết là một sự chuyển hóa của nhân duyên. Không nên khóc than kể lễ, giữ gìn chánh niệm A Di Đà bằng cách tập thở: "Thở vào tâm tĩnh lặng; Thở ra miệng mĩm cười".
Thấy còn thời gian nắng ấm, chúng tôi theo thầy KQ chạy 2 xe ra bờ biển San Diego đang có nhiều du khách dạo chơi, phơi nắng, chụp ảnh.
Trở về đến Lộc Uyển tự đã 6 giờ chiều. Khi tắt nắng thì tiết trời se lạnh như mùa Đông Đà-Lạt. Chúng tôi có mang túi ngủ nên vào Thiền Đường, chia ra 2 dãy nam nữ riêng biệt nằm ngủ; Một vài người quên đem theo thì được ni cô Diệu Hỉ tận tình giúp đỡ. Thiếu niên Phật tử dựng lều ngoài bãi đất trống. Nơi nào cũng có phòng ốc vệ sinh đầy đủ. Mọi việc ăn uống được nhà chùa khoản đãi.
Ngày Chủ Nhật 14/3, chúng tôi tề tựu ngồi thẳng với lòng cung kính trong Đại Thiền Viện, để được nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết pháp bằng tiếng Anh, ai muốn nghe tiếng Việt thì lấy phôn đeo thêm vào tai nghe giọng nữ dịch liền song ngữ.
Với giọng nói nhẹ nhàng và cử điệu khoan thai, thầy kể lại nhân duyên đã dẫn dắt Ngài vào đường tu học và triết lý cao siêu mà lại đơn giản để thực hành đạo pháp. Thầy dùng một cái chuông nhỏ, có tiếng ngân vang âm thầm kéo dài khá lâu, sau mỗi chuyện kể, tiếng chuông đưa ta trở về thực tại im lắng. Còn có thêm một tấm bảng để thầy minh họa những điều thuyết giảng.Tôi thầm nghĩ, nếu đem những điều dẫn dạy về nhà thực tập quen dần, thì khi nghe tiếng chuông, mọi ồn ào tranh cãi đều phải lắng đọng để suy tư.
Trong khoảng 40 tăng ni bước lên sân khấu trước mặt đại chúng để cùng đọc kinh tập thể cầm theo tay, có khoảng 10 Phật tử ngoại quốc da trắng. Tôi ngạc nhiên thấy họ cũng đọc được kinh tiếng Việt như ni sư Việt Nam. Tôi chợt liên tưởng đến bài Pháp Thoại ngày 15-02-2004 "Tập Hiểu Nhau - Tập Thương Nhau" nói về "Hiện Pháp Lạc Trú" của đức Thế Tôn, là một Giáo Pháp giúp giải quyết các khổ đau để có hạnh phúc ngay trong hiện tại. Nụ cười của Thế Tôn là bất sinh bất diệt, là Bình An, là Vững Chãi, là Thảnh Thơi. Ngài dạy cách tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm trong giây phút hiện tại, mới tu là có hạnh phúc liền, ngay trong khi thực tập thiền hành, đi đứng ăn uống mọi việc. Có lẽ điều nầy thu hút người Âu Mỹ vốn thích sự thực dụng. Bài Pháp thoại còn dạy cách dùng "Ái Ngữ", nói ra nỗi khổ trong lòng để được giúp, không vướng vào oan tình của "Thiếu Phụ Nam Sương".
Trong tập sách mỏng nhan đề: "Đường Về Vườn Nai", chúng ta có thể hiểu được cách áp dụng Thiền học cùng giá trị lợi ích vô cùng của môn học nầy trong đời sống. Chẳng hạn như ngồi thiền phải có an lạc và hạnh phúc, ngồi thật thoải mái như ngồi chơi. Muốn trị liệu thân và tâm dứt bỏ niềm đau, ta phải tập Quán chiếu là nhìn sâu vào thực tại để thấy cái vô thường, vô ngã, tương tức và niết bàn. Ăn cơm Chánh niệm, nhai cơm chậm rãi ý thức để tiếp xúc với thức ăn. Đừng để tâm ý bị lôi kéo bởi quá khứ, tương lai và những lo lắng, buồn giận và suy nghĩ vẩn vơ.
Sự thực tập ngũ giới cấm giúp bảo vệ ta và gia đình, dưới sự che chở hộ trì của Tam Bảo. Sau đây là nội dung của 5 giới cấm:
Giới Thứ Nhất: Học theo hạnh đại bi, không giết hại sanh mạng, dù là trong tâm tưởng.
Giới Thứ Hai: Không lường gạt, trộm cắp và bất công xã hội.
Giới Thứ Ba: Không tà dâm, gieo đau khổ cho tha nhân và mình.
Giới Thứ Tư: Không nói lời thiếu Chánh Niệm, gây chia rẽ căm thù hoặc tạo hiểu lầm gây đau khổ cho người khác.
Giới Thứ Năm: Không xử dụng ma túy và độc tố trong rượu, sách báo truyền thông phim ảnh và chuyện trò.
Ba nghiệp lớn là Thân - Ý - Miệng. Đừng khép vào một ý niệm, một phương tiện, một giáo điều nào.
Năm nỗi khổ đau của người đời là Danh lợi - Dục vọng - Ân ái - Quyền lực - Thiên tai.
Tranh Luận - Nghe Pháp Thoại - Pháp Đàm:
Trong tranh luận, ta lắng nghe với tâm từ bi, không nói chuyện thị phi. Khi cần nói, lời dịu dàng trầm tỉnh, phải xử dụng ái ngữ, không lên án, trách móc, giúp cho tha nhân nhận thức sai lầm thoải mái.
Chúng ta có thể điều phục cơn giận, nỗi buồn bằng hơi thở và bước chân chánh niệm.
Có thể những kiến thức mà ta thu lượm trong quá khứ là chướng ngại vật cho sự học hỏi và tu tập của ta. Đừng xử dụng trí năng để so sánh và phán xét. Cũng đừng đi vào lĩnh vực lý thuyết suông. Ta chớ nên xử dụng thì giờ pháp đàm để khoe bày kiến thức của ta.
Thiền Trà
Ngồi thành vòng tròn. Chỉ một chén trà và một chiếc bánh con cũng đủ tạo cho mọi người niềm an lạc hạnh phúc trong 1 hoặc 2 tiếng đồng hồ. Sau mười phút uống trà và ăn bánh im lặng trong chánh niệm, chúng ta chia sẻ niềm vui và kinh nghiệm tu học, hoặc đàn hát ngâm thơ.
Trong Tu Viện Lộc Uyển còn có thêm một điều nghe lạ tai mà lý thú: đó là mỗi tuần có một "Ngày Làm Biếng" mầu nhiệm, không có thời biểu và chuông báo hiệu, không khí rất tỉnh lặng và thanh thoát. Ta làm những gì ta thích, giữ mãi nụ cười trên môi.
Sau giờ nghỉ 45 phút thì có một buổi thuyết giảng khác bằng tiếng Việt, tiếc rằng tôi hiểu sai thời lượng nên đã không tham dự.
Chấm dứt xong 2 lần thuyết pháp, chúng tôi đi thiền hành trong im lặng khoảng nửa giờ trên con đường mát bóng cây, tới điểm ăn trưa cũng với thực phẩm chay rất ngon miệng và vui vẻ. Mọi người tự lấy thực phẩm làm sẵn, ăn uống xong rồi tự rửa tô muỗng ly của cá nhân mình đã dùng.
Chúng tôi trở về đến Sacramento lúc 1 giờ sáng ngày thứ Hai 15/3.
Hồi tưởng lại chuyến du hành thăm viếng ba nơi qua hai đêm ba ngày, được gần gũi tiếp xúc với nhiều Phật tử sẵn lòng từ bi vị tha, tôi thật tâm quyến luyến cảnh tình chân thật thân ái nầy, không có đố kỵ ganh ghét, gian tham lừa đảo hận thù ác độc, khung cảnh thì thoáng mát tĩnh lặng đem lại cho tâm hồn mình thanh thản và sự suy tư sâu xa về mọi lẽ đường đời nẽo đạo.
Xin đa tạ quý tăng ni và Phật tử chùa Kim Quang, đã bỏ tâm sức để giúp cho chuyến đi được trọn vẹn an lạc mà chi phí chỉ có $70, rất thích hợp với đại chúng ít lương. Xin cầu nguyện Phật gia hộ cho quý vị được thân tâm an lạc, sức khỏe dồi dào, để thỉnh thoảng lại tổ chức những chuyến du lịch viếng các cảnh chùa vui chơi học hỏi, công đức vô lượng.
Bài viết tường thuật sớm vội nầy của một Phật tử tìm về nẽo đạo chưa được bao lâu, chắc chắn dùng từ có những chỗ sai sót và sự việc ghi nhận cũng không đầy đủ. Chỉ mong sớm cống hiến cho những ai chưa đi hoặc không có dịp đi cũng hiểu khái quát niềm lợi lạc trên đường tu học. Tôi không dám đi sâu vào ba bài thuyết pháp đã được nghe qua, một là mình ghi nhận không được đầy đủ, hai là chưa đủ kiến thức để hiểu rõ và nhận định được lẽ sâu xa của triết thuyết Phật Giáo trong mỗi lời giảng. Rất mong được quý đạo hữu viết bổ túc thêm cho những gì còn thiếu sót.
Xin chân thành cảm tạ. Lời góp ý xin email về: hoanhnguyen5@yahoo.com
Sacramento, California

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.