Hôm nay,  

Phẫn Nộ Lạnh 7/7

21/07/200500:00:00(Xem: 5252)
Từ New York 9/11 đến London 7/7, khủng bố không thay đổi, man rợ, tàn độc, đẫm máu. Khi con người biến thành bom, bom biến thành người, khi một người chen vào đám đông tự nổ bom giết chính mình để có cơ hội sát hại hàng loạt và hủy diệt tất cả, loài người đã phát minh được một thứ vũ khí chiến tranh khủng khiếp chưa từng thấy từ thời tiền sử. Sau vụ đánh bom ở New York, ở Madrid, đến nay ở London, bàn tay khủng bố đã in thành một khuôn mẫu quen thuộc. Nó chọn nơi đông người ngồi hay đứng im, ít di chuyển vì bị nén chặt như cá hộp trên phi cơ, xe lửa hay các phương tiện giao thông trong thành phố. Tất cả đều có hành khách lên xuống thường xuyên nên rất khó phòng ngừa, và khi bom nổ, cảnh máu đổ thịt rơi, phá hoại rùng rợn dễ in hình sống trên TV hay báo chí. Khủng bố có nghĩa là reo rắc sự sợ hãi.
Nạn khủng bố đã tạo ra những bài học cho những kẻ sống sót, nhất là giới chức quyền ở thành phố và quốc gia bị khủng bố tấn công. Bài học cũng thể hiện qua phản ứng của người dân. Một điều dễ thấy là người dân Anh đã bình tĩnh, nhẫn nhịn đau thương để nhìn và xét, chớ không có phản ứng nóng nảy theo xúc cảm hay qua hành động. Vài giờ sau vụ bom nổ, các cửa tiệm cà phê và ăn trưa ở London đã đầy khách như bình thường và một ngày sau các tuyến giao thông trong thành phố đã trở lại như cũ, trừ ba địa điểm xe điện ngầm bị phá hủy. Thời xưa ở Việt Nam trước Thế chiến, dân Hà Nội đã có câu thành ngữ “phớt tỉnh như người Ăng-lê”, mặc dù thời đó Anh ngữ chưa phổ biến. Có thể vụ bom nổ 7/7 ở London với 56 người chết và khoảng 700 nguời bị thương nặng hay nhẹ là quá nhỏ so với vụ 9/11 ở New York, nhưng vụ bom London cũng là một tai họa đẫm máu nhất kể từ thời Thế chiến. Nói chung gặp nạn khủng bố, người Anh đã có phản ứng lạnh, trong khi người Mỹ có phản ứng nóng.

Đặc biệt sở Cảnh sát Anh đã tài tình tìm thấy tung tích 4 kẻ khủng bố rất lẹ. Khủng bố là phương pháp dị thường vừa đánh vừa xóa tung tích. Kẻ đánh bom tự sát đã cùng bom nổ tan xác, làm sao biết thủ phạm là ai để truy lùng những mối dây liên hệ. Vậy mà chỉ vài ngày sau Cảnh sát đã tìm ra manh mối. Đây cũng là nhờ có những máy TV đặt thường trực ở các trạm xe điện ngầm đã thu hình được cả 4 kẻ mang bom tụ ở một trạm, trước khi họ tản đi để thi hành thủ đoạn. Đầu tuần này báo chí đã đăng rõ hình ảnh và tên tuổi những kẻ ôm bom tự sát, cùng địa chỉ và gia đình của họ ở Leeds, một thành phố Anh. Việc tìm ra tung tích 4 kẻ ôm bom tự sát ở London làm nẩy ra một câu hỏi lớn. Tất cả đều là những người trẻ tuổi - từ 19 đến 30 - trong đó có 3 người gốc Pakistan theo đạo Hồi, sinh ra ở Anh, được nuôi dưỡng và đi học ở nước này, nghĩa là họ sinh trưởng trong môi trường Anh quốc giống như mọi công dân khác, có cuộc sống no đủ với gia đình. Đặc biệt có một người đã có vợ và một đứa con gái mới được mấy tháng. Vậy tại sao những người như thế bỗng dưng biến thành những quả bom nổ chết tan xác để giết người" Hành xóm và những người quen biết đều nói đó là những thanh niên đàng hoàng, dễ thương. Còn gia đình họ đều đau khổ, nói con họ đã bị “nhồi sọ” để ôm bom tự sát.

Bản chất khủng bố vẫn giống như cũ, nhưng hình dạng chúng đã đổi thay một cách thật đáng sợ. Al-Qaida không còn là một tổ chức quy mô với hệ thống ngang dọc. Nó là một nếp sống với một phương pháp hành động. Nếp sống kinh dị của những kẻ, phần lớn là giới trẻ rất bình thường, những kẻ sống và chờ ngày thi hành một phương pháp hành động thật kinh hoàng: đi ôm bom nổ để được chết và giết cho thật nhiều người. Osama bin Laden dù sống hay chết đã để lại di sản một thứ “văn hóa” quái gở nhất trên cõi đời này. Sự tuyên truyền nào có đủ sức quyến rũ mạnh đến độ biến đổi con người tự nguyện thành bom" Nếu ba thanh niên gốc Pakistan sinh trưởng ở Anh đã bị nhồi sọ như thế, vấn đề nghiêm trọng nhất đặt ra cho những nước chống khủng bố là làm thế nào tìm ra và ngăn chặn các đợt sóng ngầm nhồi sọ đã và đang tràn lan trong các giới thanh thiếu niên gốc Ả rập hay Hồi giáo hiện ở các nước Âu-Mỹ và cả Trung Đông.

Cuộc chiến chống khủng bố không thể chỉ nhằm vào khía cạnh hành quân bình định, chống nổi loạn, thay đổi chế độ hay xây dựng dân chủ. Vũ khí chống khủng bố trước hết và trên hết vẫn là tình báo. Nhưng có tình báo mạnh vẫn chưa đủ, còn cần phải đi thẳng vào lãnh vực kết hợp với những cộng đồng Hồi giáo ở bất cứ nước nào trên thế giới, Đông cũng như Tây. Hồi giáo là tôn giáo có hơn 1 tỷ người, lớn vào hàng thứ hai trên thế giới sau Thiên chúa giáo. Kinh Coran là tài liệu quý giá cho cuộc sống con người, cần phải được coi trọng. Đại đa số các cộng đồng Hồi giáo đều lên án hành động khủng bố. Chỉ có sự giảng dạy kinh điển này thật đúng với những nghĩa lý cao siêu của mối đạo mới có thể chống lại những tư tưởng cuồng tín cực đoan của những kẻ lợi dụng. Chính vì thế nhà cầm quyền các nước Tây phương có những cộng đồng Hồi giáo chung sống cần phải có sự liên minh chặt chẽ hơn với các cộng đồng đó, một mặt khuyến khích các vị Đạo trưởng Hồi giáo chân chính mở rộng các buổi thuyết giảng, mặt khác cần phải bảo vệ các cộng đồng Hồi giáo tránh khỏi bị hiểu lầm hay những sự hành hung trả thù vô lý của kẻ côn đồ từ bên ngoài.

Ngày 9/11 nhìn trên màn hình TV cảnh hai chiếc phi cơ khủng bố lao vào hai cao ốc lớn nhất ở New York, tôi đã nghĩ đến mấy chữ “phẫn nộ lạnh”. Mục tiêu tối hậu của khủng bố không phải nhằm giết người hàng loạt mà là reo rắc sợ hãi. Khi bị trói buộc bởi sợi dây sợ hãi, con người thường bị xô đẩy làm theo ý đồ đen tối của khủng bố. Trước cảnh giết người hàng loạt tàn phá man rợ do khủng bố gây ra, bất cứ ai cũng thấy căm phẫn, nổi giận và hùng hổ muốn hành động ngay để sớm trừ bọn ác quỷ. Thế nhưng giận quá mất khôn. Nhất là các nhà lãnh đạo những nước bị nạn khủng bố cần phải đè nén đau thương và căm thù, để có đầu óc tỉnh táo, tránh khỏi những quyết định hấp tấp sai lầm, để rồi gỡ ra không nổi. Chúng ta tranh đấu cho tự do. Việc đầu tiên là phải cởi trói tự do ra khỏi sự ràng buộc của sợ hãi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.