Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Giá Đắt Cho Thể Thao Úc

01/09/200800:00:00(Xem: 1619)

Trong suốt hai tuần qua, sự thành bại của các tuyển thủ Úc tại Thế Vận Hội đã là đề tài nóng bỏng trên truyền hình, truyền thanh, báo chí cũng như trong những cuộc tán gẫu ở văn phòng, giữa bạn bè thân hữu. Và xuyên suốt những bài báo, phóng sự, tin tức cũng như các cuộc thảo luận này thì vấn đề chi phí tài trợ cho các tuyển thủ hàng đầu là một vấn đề tạo khá nhiều tranh cãi sôi nổi. Như nhiều quốc gia Tây Phương khác, Úc Đại Lợi là một nước vốn tự hào rằng lòng yêu chuộng thể thao là truyền thống lâu đời và là di sản đáng trân quý, bởi vì qua thể thao người ta có thể thấy được nỗ lực siêu việt cùng lòng can đảm khôn cùng của các vận động viên để có thể vượt qua mọi chướng ngại gian khổ hầu đạt được mục tiêu tối hậu và mang lại vinh quang cho quê hương. Hơn thế nữa, người ta cũng tin rằng sự cố gắng chuyên cần của các lực sĩ hàng đầu này sẽ tạo nên những tấm gương chói lòa cho giới trẻ noi theo, và sẽ khuyến khích quần chúng, đặc biệt là trẻ em, tham gia vào các sinh hoạt thể thao trong xã hội.

Vì thế, không ít người đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Úc ở cả hai cấp liên bang và tiểu bang nên dồn thêm tiền tài trợ cho các nhà lực sĩ hàng đầu của Úc có điều kiện chuyên chú tập luyện để đạt được nhiều thành quả tốt đẹp hơn trong các kỳ tranh tài quốc tế và mang vinh dự về cho đất nước. Thế nhưng, cũng có không ít người lên tiếng chỉ trích lời kêu gọi loại này, cho rằng việc tài trợ này là một sự hoang phí triệt để tiền thuế của người dân, bởi vì những tay thể thao chuyên nghiệp hàng đầu này một khi trở nên nổi tiếng, làm giầu qua thành tích thể thao lại không hề đóng góp gì lại cho xã hội, cho đất nước cả, và như thế thì có nghĩa là chính phủ đã bỏ công quỹ để tài trợ cho thương nghiệp thể thao tư nhân không hơn không kém.

Theo sự tính toán của ký giả Michael Bachelard, được đăng tải trên tuần báo The Sunday Age hôm Chủ Nhật 24/08 vừa qua thì với 14 huy chương vàng mà Úc đoạt được cho đến ngày hôm đó, thì qua những khoản trợ cấp trực tiếp từ chính phủ liên bang, người dân Úc đã phải chi ra $16,7 triệu Úc Kim cho mỗi cái huy chương này. Thế nhưng, theo tiến sĩ James Connor, một nhà khoa bảng chuyên môn về thể thao tại trường Võ Bị Úc (Australian Defence Force Academy) thì chi phí thực ra còn cao hơn rất nhiều, một khi người ta tính luôn những khoản tài trợ từ chính phủ cấp tiểu bang cũng như chi phí thiết lập hạ tầng cơ sở chuyên về thể thao, chẳng hạn như hồ bơi $17,5 triệu với nhiều kỹ thuật cao cấp ở Học Viện Thể Thao Úc (Australian Institute of Sports - AIS). Ông nói: “Chi phí phải trả cho một cái huy chương vàng thật ra cao gấp bốn, gấp năm lần như thế, lên đến $100 triệu”.
Riêng về bộ môn điền kinh thì tổng cộng có hơn $19 triệu đã được chi ra trong bốn năm qua và một căn cứ huấn luyện ở Âu Châu đã được thành lập cho các lực sĩ này, thế nhưng, mặc dầu Úc thắng được 1 huy chương vàng, 2 bạc, và 1 đồng, nhưng đại đa số các lực sĩ được đại diện Úc trong bộ môn này không hề vượt qua được vòng đầu!

Hàng năm, tiền trợ cấp từ chính phủ liên bang đã cung cấp 700 học bổng cho lực sĩ theo học Học Viện Thể Thao Úc AIS, chưa kể đến $150 triệu qua Ủy Ban Thể Thao Úc (Australian Sports Commission) để quản lý và tài trợ những môn thể thao siêu hạng (elite). Thế nhưng, trong số 19 bộ môn thể thao Thế Vận Hội mà AIS yểm trợ chỉ có 5 bộ môn giật được huy chương vàng ở Bắc Kinh. Vì thế, Tiến sĩ James Connor đã đặt vấn đề: “Nếu một trường trung học công lập chỉ thành công trong việc dạy toán cho 5 học sinh trong một lớp thì liệu chúng ta có tài trợ cho nó những số tiền khổng lồ như vậy không"”

Hơn thế nữa, tiến sĩ Connor, trong một bài xã luận đăng trên The Sunday Age cùng ngày, cũng đánh gẫy lập luận rằng những tay thể thao lực sĩ hàng đầu sẽ nêu lên gương sáng cho giới trẻ noi theo. Ông viết: “Lập luận gương sáng cũng là một trò hỏa mù sa mưa. Không có một tuần nào trôi qua mà lại không có một vụ xì căng đan xảy ra dính líu đến một lực sĩ hàng đầu, nếu không là nha phiến thì cũng là rượu chè hoặc bạo hành”.

Thêm vào đó, theo TS Connor, hầu hết các lực sĩ đều bị ám ảnh với một ao ước duy nhất là chiến thắng trong bộ môn của mình, và sự ám ảnh gần như bệnh hoạn (obsessive to the point of being clinically compulsive) sẽ khiến cho cuộc sống của họ không có được sự cân bằng cần thiết, và khiến họ không muốn hợp tác với bất kỳ một ai, chỉ biết có duy ngã độc tôn mà thôi. Liệu chúng ta có muốn con em mình như thế hay không"

Còn lập luận của những tay sinh sống bằng nghề giám đốc thể thao (sports administrators) chuyên kêu gọi dồn thêm tiền để huấn luyện tuyển thủ hàng đầu với lý do rằng sự thành công của những tuyển thủ này sẽ khuyến khích đông đảo quần chúng, đặc biệt là giới trẻ, tham gia vào các hoạt động thể thao ở cấp địa phương cũng bị TS Connor bài bác thẳng thắn. Ông viết: “Tuy vậy, cho đến bây giờ vẫn không ai có thể chứng minh rằng điều này xảy ra. Nếu mà những ảnh hưởng (của thể thao hàng đầu) đối với trẻ em thường được ngợi khen là tích cực thì kỳ Thế Vận Hội ở Sydey cũng như việc liên tục tài trợ cho những tay tuyển thủ hàng đầu lẽ ra phải nâng cao tỷ lệ thiếu nhi chơi thể thao. Thế nhưng, chiếu theo Sở Thống Kê Úc (Australian Bureau of Statistic), chuyện này không hề xảy ra”.
Sau đây, xin mời qúy độc giả theo dõi bản phỏng dịch bài xã luận của nữ bỉnh bút Adele Horin cũng về vấn đề trợ cấp cho tuyển thủ hàng đầu với tựa đề “Rice Was Nice, But Let’s Think Twice About The Price”, được đăng tải trên nhật báo The Sydney Morning Herald ngày thứ Bảy 23/08/08 vừa qua.

*

Một quốc gia mà đo lường giá trị của mình qua số huy chương vàng Thế Vận Hội thì quốc gia ấy qủa thật có quá ít oi để khoe khoang. Nước Úc thích trèo cao về thành tích thể thao của mình. Thế nhưng chúng ta lại không mảy may đếm xỉa đến việc với cao hơn trong những lãnh vực khác. Việc nước Úc bị tụt xuống hạng năm hoặc sáu về tổng số huy chương vàng, đàng sau những quốc gia với dân số đông gấp ba hoặc gấp bốn lần dân số nước Úc đã dẫn đến một sự vỗ ngực thở than trách móc quá đỗi cũng như lời kêu gọi quá thông thường rằng chúng ta phải trợ cấp nhiều thêm nữa cho loại thể thao siêu việt (elite sport).

Thế nhưng không ai nghe được tiếng gào phẫn nộ hoặc tiếng than nỉ non về sự thất bại của chúng ta khi không đứng đầu thế giới về kỹ thuật sử dụng năng lượng mặt trời hoặc trong bất kỳ một lãnh vực nào khác, ngoại trừ việc trở thành nơi cung cấp quặng mỏ tốt lành nhất của thế giới.



Tuy nhiên, không có lý do gì ngăn cản chúng ta trở thành ngang hàng với dân Phần Lan để phát minh và sản xuất một vật dụng tương đương với cái điện thoại cầm tay Nokia, hoặc ngang hàng với dân Thụy Điển về sáng kiến đồ gỗ hiệu Ikea, hoặc dân Hoà Lan với nhãn hiệu đồ điện Philips trứ danh, hay dân Thụy Sĩ với cà phê lẫy lừng hiệu Nestle, đồng hồ Rolex và thực phẩm trẻ em hiệu Nestle. Nhiều nền kinh tế nhỏ hơn chúng ta rất nhiều đã sản xuất được những sản phẩm thể hiện trình độ thông minh tuyệt vời, đứng đầu thế giới cùng với những sản phẩm mà tên tuổi rất quen thuộc trên toàn cõi địa cầu.

Nước Úc có hoài bão rất thấp trong việc trở thành một quốc gia thông minh, nhưng lại có rất nhiều kỳ vọng cao xa về việc sản xuất được các tay lực sĩ đoạt huy chương vàng Thế Vận. Trước khi đổ thêm nhiều công quỹ vào cuộc chạy đua "võ khí" Thế Vận Hội từ giờ cho đến 2012, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần phải suy nghĩ lại về nguồn gốc những niềm tự hào quốc gia của chúng ta.

Xin đừng hiểu lầm về tôi. Tôi rất thích xem thể thao. Tôi chung sống với những người si mê thể thao. Tôi hiểu rất rõ cái cảm giác bộ lạc vốn làm cho tim người ta đập mạnh mỗi khi nước Úc thắng được một cái huy chương. Ngay cả trong bộ môn thể thao rất là ngoại vi đối với nước Úc, như softball (bổng cầu), bộ môn mà lần cuối cùng tôi được chơi là khi còn mài đũng quần trên ghế tiểu học, quả tim tôi vẫn căng phồng lên với niềm hãnh diện khi đội tuyển của chúng ta đánh được một cú ngoạn mục.

Thế nhưng, một cái huy chương vàng trị giá là bao nhiêu tiền từ công quỹ" Theo giáo sư Kevin Norton, giáo sư môn khoa học thể dục (exercise science) của đại học Nam Úc thì trong kỳ Thế Vận Hội ở Bắc Kinh này, Úc đã tốn ít nhất $50 triệu Úc Kim cho mỗi cái huy chương vàng. Hay nói một cách khác hơn, chúng ta phải chi $12 triệu cho mỗi một cái huy chương thâu được, bất kể đồng, bạc hoặc vàng. Và bây giờ thì người ta lại bảo chúng ta rằng số tiền như thế thật ra quá ít ỏi so với số tiền cần có để giữ được thứ hạng của chúng ta trong Thế Vận Hội ở Luân Đôn.
Hơn đa số các dân tộc khác, người dân Úc rất tự hào về những thành tích thể thao của quốc gia. Trong số 34 quốc gia được International Social Survey Program thăm dò ý kiến vào năm 2004 thì chúng ta đứng hạng 3 – sau Venezuela và Tân Tây Lan – về ý tưởng tự hào hãnh diện về những thành tích thể thao. Trong khi đó, ở Hoa Kỳ thì những thành quả trong các lãnh vực uy tín dân chủ (democratic credentials), sức ảnh hưởng chính trị (political influence), thế lực quân sự (military power) và thành quả khoa học (scientific achievements) được xem là những nguồn tự hào hãnh diện quan trọng hơn thể thao.

Vì thế, phải là một chính trị gia Úc vô cùng can đảm mới dám khước từ lời kêu gọi tăng thêm trợ cấp cho thể thao. Thế nhưng, họ cần phải có đảm lược. Cô Stephanie Rice quả thật đã làm cho tất cả chúng ta hãnh diện. Thế nhưng, cái cảm giác thoáng qua ấy trị giá $150 triệu. Các tay chính khách có thể cho rằng đấy là một cái giá phải chăng cho ba cái huy chương vàng của cô. Số tiền ấy đã mang đến cho những người dân cuồng si vì thể thao rất nhiều khoái lạc, và dĩ nhiên chuyện này có thể được chuyển thành số phiếu ủng hộ trong bầu cử.

Thế nhưng không ai có thể giả vờ rằng công qũy trả cho các tay lực sĩ hàng đầu (elite athlete) đã mang đến nhiều lợi ích rộng lớn trong lãnh vực y tế công cộng, cho sức khoẻ quần chúng. Sau khi bỏ ra một số tiền kỷ lục cho các nhà lực sĩ hàng đầu trong kỳ Thế Vận Sydney thì dân Úc nói chung bị phì nộn hơn trước. Và nếu cần thêm bằng chứng để đập tan cái huyền thoại về mối liên hệ giữa sự thành công trong Thế Vận Hội và sự gia tăng trong việc quần chúng chơi thể thao thì người ta chỉ cần nhìn vào tổng số huy chương vàng của Hoa Kỳ và chỉ số BMI (body mass index) của người Mỹ [ngày càng nhiều người mập phì] là đủ.

Một quốc gia vẫn có thể chỉ ở hạng trung bình (middling) ở Thế Vận Hội nhưng vẫn là một quốc gia đầy tự hào, hãnh diện, khoẻ mạnh và thông minh. Cứ hỏi người Gia Nã Đại thì biết. Khi bài này được viết thì Gia Nã Đại, với dân số hơn 33 triệu, đứng hạng thứ 16 về huy chương thắng được, với 3 huy chương vàng. Nhiều năm trước đây, chính phủ Gia Nã Đại quyết định chi nhiều tiền hơn cho các chương trình thể thao cộng đồng (community sport) để khuyến khích đông đảo quần chúng chơi thể thao và giảm tiền tài trợ cho những tay lực sĩ hàng đầu. Để chuẩn bị cho Thế Vận Hội Sydney, tính đổ đồng thì Úc đã chi ra gấp bảy lần Gia Nã Đại cho các tuyển thủ của mình để chỉ thắng được gấp bốn lần số huy chương mà Gia Nã Đại đã thắng được.

Và kết quả là người dân Gia Nã Đại đã được khoẻ mạnh hơn nhiều. Mặc dù bị nhiều áp lực từ việc có chung một biên giới với những người Mỹ béo phì, theo giáo sư Norton thì dân Gia Nã Đại đã không trở nên phì nộn nhiều như người Úc chúng ta. Dân Gia Nã Đại sống lâu hơn dân Úc và khoảng cách giữa sức khoẻ của người thổ dân và người dân trung bình đã đươc thu hẹp lại rất nhiều. Xin cũng nói thêm ở đây rằng đối với người dân Gia Nã Đại năm 2004 thì nguồn gốc quan trọng nhất của niềm tự hào dân tộc không phải là thể thao mà là “sự đối xử công bằng với tất cả mọi nhóm người” trong xã hội.

Trước khi các chính khách ở Úc đi quá đà với những lời tuyên bố về “một sự khủng hoảng ở Úc về trợ cấp cho thể thao” thì có một sự khủng hoảng khác cần được lưu ý ngay lập tức.

Nếu chúng ta muốn được thông minh, chứ không phải chỉ hùng hục chơi thể thao, thì sự khủng hoảng về tài trợ cho đại học cần phải được giải quyết. Nước Úc có 3 viện đại học được liệt kê vào danh sách 100 đại học tốt nhất thế giới năm nay là đại học Sydney (hạng 97), đại học ANU (hạng 59) và Melbourne (hạng 73). Thế nhưng, những đại học này được xếp hạng thấp hơn các đại học ở những quốc gia với dân số nhỏ hơn Úc rất nhiều là Thuỵ Sĩ (hạng 24), Đan Mạch (hạng 45) và Hoà Lan (hạng 47). Và người bạn tốt của chúng ta – Gia Nã Đại – lại càng vinh dự hơn rất nhiều nữa, với đại học Toronto đứng hạng 24 và đại học British Columbia hạng 35.

Nước Úc có thể đạt được sự xuất sắc trên nhiều lãnh vực khác ngoài thể thao nếu chúng ta chia xẻ tài nguyên và sự quan tâm một cách đồng đều. Khi ấy thì những quả tim ái quốc của chúng ta có thể sẽ có thêm nhiều lý do để căng phồng lên vì hãnh diện.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.