Hôm nay,  

Chuyện Mỗi Tuần: Cũng Là Câu Goodbye

22/07/200800:00:00(Xem: 3296)
Trong khi chờ Yến vào tiệm tạp hoá Việt Nam mua thực phẩm tôi tạt qua tiệm sách để giết thì giờ nhân tiện coi xem có cuốn sách nào đáng lưu ý không. Đang lúi húi cầm cuốn nọ bỏ cuốn kia thì có người đập vào vai tôi:

- Chào chú. Chú không đi làm sao mà nhàn tản thế này" Chú mạnh khoẻ không"

Thì ra đó là luật sư Sơn, một anh bạn trẻ của tôi. Tôi bắt tay Sơn cười:

- Hồi này sở cho ở nhà kẻ lông mày cho vợ rồi nên mới lang bang đây.
 
Sơn có vẻ ngạc nhiên:

- Họ cho nghỉ hay chú nghỉ hưu, sao cháu nghe chú nói là chú sẽ không nghỉ hưu mà.

- Đúng vậy. Tôi vẫn muốn đi làm chứ ở nhà để vợ sai vặt ớn lắm. Nhưng mà có lẽ thấy tôi già nên họ thương tình... Chú biết chính sách các sở làm của người Mỹ mà, những người làm lâu năm khi già bổng lộc cao nên rất tốn kém. Họ tìm cách cho mình về vườn để mướn mấy tay trẻ mới ra trường vừa rẻ vừa cắt giảm chi phí mà. Mình đành chấp nhận thôi. Chú làm ở đâu cũng vậy dù tốt mấy cũng có lúc phải "say goodbye".

- Đúng đấy chú ạ. Họ không có cái tâm lý chung thủy như người mình đâu. Cháu cũng không làm ở tổ hợp cũ nữa và hiện giờ cháu mới làm cho một tổ hợp khác nhỏ hơn nhưng đành chấp nhận vậy.

Tôi hơi ngạc nhiên hỏi:

- Ủa, hồi đó tôi thấy chú có uy tín ở đó lắm mà. Nhờ chú mà tổ hợp đó nổi lên tại sao lại bỏ đi như vậy"
Sơn cười nhạt:

- Thì như chú đã nói đó. Dù gì thì cũng có lúc "say goodbye" mà. Chuyện buồn cười lắm. Để cháu nói chú nghe...

Cái tổ hợp đó sau này phát triển đã có nhiều luật sư danh tiếng gia nhập, con mẹ xếp cũng vẫn trọng đãi cháu lắm nhưng không còn đậm đà như trước có lẽ có nhiều tay khá hơn hoặc mồm mép hơn cháu. Vào dịp mẹ chị ta qua đời hai anh em chia tài sản còn lại của mẹ mới có một chút rắc rối. Bà mẹ thì sống với vợ chồng ông anh nên dù bà mẹ bệnh họan bà xếp của cháu cũng chắng phải cực nhọc gì. Ông anh chỉ có một đứa con, còn chị ta có ba đứa nên sau khi chôn cất bà mẹ xong ông anh họp với chị ta chia chác chút tài sản còn lại của bà mẹ. Có nhiều chi cho cam, chỉ có năm ngàn bạc mặt ấy mà.

Ông anh thì đề nghị chia đôi anh một nửa em một nửa. Nhưng chị ta đề nghị một phương thức rất cao thượng rằng: Mình người lớn lấy làm gì, thôi thì chia đồng đều cho các cháu nội của mẹ. Ông anh nghe qua biết ý cô em chơi trò "khôn vặt" nên xổ ra rằng:

- Tôi chỉ có một đứa con còn cô có những ba đứa, trong khi mẹ đau ốm bệnh hoạn chúng tôi chịu cực khổ hầu hạ, còn cô thì chẳng phải làm gì cả. Làm như vậy thì đâu có công bằng...

Chị ta tức giận bỏ ra về rồi kêu cháu vào hỏi ý kiến. Cháu ngay tình nói rằng:

- Ông anh bà nói đúng đó. Vợ chồng ông ấy cực khổ hầu hạ mẹ, thôi bà lấy làm gì, bà có thiếu gì tiền...

Nghe vậy chị ta đỏ mặt không nói gì. Thế là từ đó chị ta lạnh nhạt coi như không có cháu ở tổ hợp đó nữa. Cháu nghĩ: Đã có lúc chia tay thôi, mình còn trẻ thiếu gì dịp. Hôm nay chú nói cháu sực nhớ tới câu người Mỹ thường nói: "It is hard to say goodbye", nhưng trước sau gì cũng phải vậy thôi... Nói xong Sơn cười phá lên rồi bắt tay tôi từ giã hẹn gặp lại nói chuyện nhiều...

Sơn là một luật sư trẻ ra trường năm bẩy năm; hồi mới ra trường Sơn rất năng nổ và lanh lợi. Tuy nhiên đôi khi anh ta tiá lia qúa nên khiến người ta khó có thể phân biệt là đùa hay thật. Có điều Sơn thường thích nói chuyện với tôi mỗi khi có dịp gặp gỡ có lẽ vì một lần hắn than rằng:

- Nói thiệt với chú nghe. Bà con ta kỳ thấy mồ, đồng ý là mình phải giúp đồng hương nhưng ai cũng đều muốn "free" không à thì kẹt cháu qúa vì có phải của riêng cháu đâu, cháu cũng đi làm cho tổ hợp của người ta mà...

Nói xong Sơn chăm chú nhìn xem phản ứng của tôi thế nào và khi thấy tôi gật gù tỏ vẻ đồng ý hắn tươi nét mặt nói tiếp:

- Chú là người duy nhất thông cảm cho nỗi khổ tâm nghề nghiệp của chúng cháu đó.

Tôi cười dễ dãi nói:

- Lời chú nói tôi sực nhớ vài lần đi ăn tiệc tùng ngồi cùng bàn với một hay hai ông bác sĩ, có bà cùng bàn cứ hỏi ông bác sĩ: "Hồi này tôi thấy người nó cứ thế này… thế nọ bác sĩ có biết là tại sao không" hay "Tôi bị thế này thế kia thì uống thuốc gì khỏi thưa bác sĩ" v.v. khiến ông bác sĩ cứ nhe rằng cười: "Dạ, dạ, tại lâu lâu nó trở gió nên cảm thấy vậy chứ không có sao đâu ạ hì hì..." Vì vậy tôi luôn dặn vợ tôi rằng có bị bịnh hay cần cố vấn điều gì thì đến phòng mạch bác sĩ đừng bạ đâu hỏi đó vì người ta bỏ công ăn học bấy lâu không phải để... khám bệnh miễn phí cho mình nơi bàn tiệc...

Từ đó gặp Sơn ở đâu là hắn sà lại tâm sự chuyện nọ chuyện kia. Nhớ lại lần đầu gặp Sơn ở một bàn tiệc có anh bạn kia kể chuyện đụng xe với giọng bực bội vừa rủa sả vừa kể hình như cốt ý để Sơn cho biết ý kiến thì phải. Anh ta kể rằng trưa đó anh ta lái xe vừa ngừng lại tại một đèn đó ở ngã tư thì nghe đến rầm một phát rung chuyển cả người lẫn xe. Bước ra khỏi xe coi thì thấy phía sau xe của anh ta bị cái xe kế tông vào bẹp nhép cả.

Tưởng chuyện xẩy ra giữa ban ngày ban mặt như vậy thì xe sau lỗi là cái chắc rồi, nhưng khi cảnh sát đến thì ngược lại. Vì ba người ở xe sau là ba anh "Sì" Mễ Tây Cơ nên họ cháp cháp với nhau thế nào anh bạn này đâu có hiểu và họ cũng chẳng xin lỗi xin ngãi gì cả chỉ đứng chờ cảnh sát tới mà thôi.

Khi cảnh sát đến anh bạn này khai đúng như chuyện đã xẩy ra và cảnh sát hỏi có nhân chứng nào cho anh ta không thì... không có. Khi cảnh sát hỏi tới người lái xe sau thì cái thằng cha Sì đó khai rằng đang ngừng sau xe của anh bạn này nhưng không hiểu sao anh ta lại "back up" đụng nát đầu xe của của anh ta ra. Khi hỏi nhân chứng thì anh ta chỉ hai anh Sì kia nói: "Hai ông này đi đường thấy chuyện rõ ràng như vậy nên đứng lại đây làm nhân chứng giùm". Cảnh sát hỏi hai anh Sì đó thì họ gật đầu nói: 'Đúng như vậy" thế nên anh bạn mình... thua.

Nghe vậy Sơn cười hề hề nói:

- Tôi nói thật quý vị nghe, xứ này là xứ kim ngân phá luật lệ không phải vì tham ô bè phái mà vì nguyên tắc luật lệ đã đặt ra cho nên đụng đến luật pháp và toà án phải có hai yếu tố nhân chứng và vật chứng cùng với sự thông hiểu luật lệ. Để tôi kể qúy vị nghe một vụ chính tôi đã bẻ ngược trái thành phải vì tôi biết áp dụng chứng cớ xác thực.

Gần nhà tôi có con mẹ Jane mập phì không hiểu sao mụ ta ghét tôi lắm và cứ hay nói xấu tôi với hàng xóm láng giềng. Tôi làm cái gì mụ ta cũng khiếu nại. Chẳng hạn như bữa nào có đông bạn bè đến chơi hay có tiệc tùng thì mụ ta cứ đến gõ cửa mắng vốn là nhà tôi ồn ào qúa làm phiền mụ ta với hàng xóm v.v. Đậu xe ngoài lề đường trước cửa nhà hay đậu xe choán một chút ra lối đi bộ trước cửa nhà mình mụ cũng khiếu nại. Trong khi đó cái khu này cấm xe "truck" đậu ngoài sân mà cái "truck" cũ kỹ của mụ ta đậu chình ình ra đó thì đâu có ai thèm nói tới đâu. Vì vậy tôi nhẫn nhục để bụng kiếm dịp cho mụ ta tức hộc máu chơi.

Hồi đó tôi mới ra trường nên còn hăng tiết vịt lắm. Tôi xắm một chiếc xe thể thao Đức cáu cạnh hiệu Porche nhưng thay bốn bánh xe bằng bốn vỏ xe khác thật to bề ngang cho nó dềnh dàng và thay ống khói đơn bằng ống khói kép nên trông chiếc xe thật gồ ghề như xe đua. Mỗi lần đi hay về gần nhà là tôi rú ga rầm rầm để giựt le với hàng xóm nên con mẹ Jane càng ghét tôi thêm.

Một bữa kia tôi đang lái xe trên đại lộ 20th thì thấy trước mặt tôi là chiếc xe cũ mèm của mụ Jane tôi liền qua mặt rồi quẹo thật gắt vào trước xe mụ Jane khiến mụ ta phải thắng gấp và đâm xe ra lề đường rồi tôi thản nhiên tiếp tục lái xe đi như không có chuyện gì xẩy ra. Một lúc sau bỗng thấy con mẹ Jane xuất hiện trước mặt tôi giang tay ưỡn bụng chặn tôi lại khiến một chút xíu nữa tôi tông xe vào thùng nước lèo của mụ. Tôi ngừng xe lại thì mụ nhào tới cửa sổ xe tôi xỉa xói: "Thằng khốn nạn mày lái xe ẩu tả như thế à" Mày cố tình gây tai nạn cho tao phải không" Cái thứ đầu bò đầu heo gì vậy hả""

A! Con mẹ này đanh đá dữ ha! Mồm mép lại chanh chua tục tĩu chưa từng thấy bao giờ. Tôi nghĩ vậy và bước ra khỏi xe điềm đạm hỏi:

- Bà có chuyện gì phiền toái đây thưa bà"

Mụ Jane vẫn xỉa xói:

- Tao nói tại sao mày lái xe bạt mạng ngu muội như vậy"

- Bà nói thế nghĩa là làm sao" Tại sao lại ngu muội bà chỉ cho tôi nghe coi.

- Tao theo dõi mày, mày lái xe quá vận tốc đã ấn định ở đường này mày biết không"

Nghe mụ Jane nói tôi nẩy ra ý định cho con mẹ này một vố nên vặn lại một cách nhẹ nhàng:

- Bà đã theo dõi tôi thật à. Nhưng xin hỏi bà là bằng cách nào bà đo được vận tốc xe tôi"

- Tao nghe mày rú ga là tao biết liền.

-Ồ! Như vậy là bà đo vận tốc xe tôi bằng tai phải không bà"

Mụ ta vẫn cứng giọng:

- Phải. Tao không có điếc.

Tôi vẫn bình tĩnh lễ độ:

- Như vậy thì bà đã nghe được vận tốc của xe tôi là bao nhiêu dặm một giờ"

Mụ Jane lung túng ấp úng nhưng may cho mụ là lúc đó có một xe cảnh sát công lộ xuất hiện nên mụ nói:

- Này, tao không muốn nghe hỏi vớ vẩn như vậy. Tao đã gọi cảnh sát công lộ rồi. Họ đang đến kia kìa, mày muốn lý luận thì lý luận với họ đi. Nghe chưa thằng khốn.

Nói rồi mụ ta ra vẫy tay cho xe cảnh sát đó ngưng lại và khi ông ảnh sát vừa bước ra khỏi xe thì mụ Jane vồ lấy liền rồi mồm năm miệng mười bô lô bô loa nói mụ đã quan sát theo dõi tôi lái xe quá tốc độ giới hạn v.v.

Nghe xong ông cảnh sát không nói gì mà ngoắc tôi lại hỏi:

- Chuyện gì xẩy ra"

Tôi trả lời rằng tôi lái xe năm mươi dặm một giờ đúng như vận tốc giới hạn đã định nhưng không hiểu bà ta lại chặn tôi lại.

Mụ Jane lại xừng xổ:

- Nó nói láo đó. Rõ ràng tôi đã theo dõi nó lái xe bạt mạng nên chận nó lại đây rồi kêu cảnh sát đó...

 Mụ Jane vừa nói vừa ngó tôi rồi ngó tới xe của tôi và bỗng nhiên mụ ta chuyển hướng:

- Này ông cò thấy không. Nội cái ống khói "kép" này xe của nó cũng không hợp lệ như vậy nó còn vi phạm luật chống ô nhiễm của tiểu bang này nữa đó.

Tôi nói với ông cảnh sát rằng ống khói kép này tôi đã xin phép đặc biệt của bộ giao thông tiểu bang. Nói xong tôi trình chứng từ ra luôn cho ông ta xem. Mụ Jane có vẻ bấn nên kiếm một cớ khác:

- Bề ngang của bốn bánh xe này cũng qúa khổ với chiếc xe này, nhất định là không hợp lệ.

Tới đây thì tôi đã hơi bực rồi nên tôi chửi thầm: Tiên sư mụ, ta là tổ sư của luật đây mụ biết cái mốc gì mà giở luật ra với ta. Tuy nhiên tôi vẫn nhã nhặn nói với viên cảnh sát:

- Thưa ông cò, vỏ xe số 429 này phát hành từ năm 1980 và đã ở thị trường như là một thay thế tương đương cho vỏ xe của loại xe Porch này. Không có gì bất hợp lệ cả.

Ông cảnh sát gật đầu ra vẻ đồng ý thì con mẹ Jane nhẩy đỏng lên:

- Ông cò. Bộ ông tính không phạt thằng khốn này hay sao"

Vị cảnh sát lắc đầu:

- Thưa bà không. Không thể được.

Tôi nghĩ đã đến lúc cần cho mụ la sát này một bài học nên tôi khởi sự:

- Thưa ông cò. Bà này hồi nẫy đã nói với ông rằng bà ta đã từ góc phố bên kia băng qua đây chặn xe của tôi ở chiều xe bên này đường. Theo luật 39 của bộ giao thông tiểu bang thì khách bộ hành khi băng ngang qua đường phải đi thẳng góc 90 độ qua phía đối diện, nghĩa là phải đi trong phạm vi những lằn vôi trắng đã kẻ ở ngã tư kia. Nhưng bà này đã thừa nhận là bà ta đã băng xéo 45 độ qua địa điểm này thì đây là một vi phạm giao thông trầm trọng.

Ông cảnh sát ngơ ngác nhìn tôi:

- Ông nói sao" Có điều này à"

Tôi không trả lời mà tấn công tiếp:

- Ngoài ra, bà ta khai với ông rằng bà ta đi tới trước xe tôi chặn tôi lại trong khi tôi đang lái xe trên đường một cách hợp lệ. Ngay cả nhân viên công lực nếu không mặc sắc phục cũng không có quyền làm như vậy nếu đối tượng không phạm pháp qủa tang huống chi bà ta là một công dân thường. Không ai đo vận tốc xe của người khác bằng tai và tôi không đang phạm pháp thì bà ta lấy tư cách gì giữ tôi lại giữa đường như thế này" Đây là tội chặn giữ người trái phép cần phải được truy tố...

Ông cảnh sát thấy tôi lý luận lạ tai nhưng khúc chiết quá nên lung túng, ấp úng: "Nhưng mà... tôi cũng thấy có gì gia trọng...đâu..."

- Ông không thấy nhưng mà tôi thấy. Xin thưa ông rõ, tôi là một luật sư hìmh sự ở toà án, tôi có quyền đề nghị ông bắt giam bà này. Tuy nhiên thông cảm cho người không hiểu luật, tôi có thể miễn truy tố về vụ giam giữ người trái phép, nhưng ông là cảnh sát ông phải biên phạt bà ta về vi phạm băng qua đường trái phép làm rối loạn giao thông có thể gây tai nạn và nguy hiểm cho người khác.

Ông cảnh sát tỏ ra hơi hoang mang sau khi nghe một tràng về luật của tôi nên ông ta vội vàng túm lấy máy truyền tin gắn ở vai gọi về tham khảo xếp lớn ở ty. Sau khi thuật lại nội vụ và những gì tôi nói, xếp của ông ta trả lời cả tôi lẫn mụ Jane đều nghe qua máy khuyếch đại: "That is correct. You must give a ticket". Có nghĩa là "Điều đó đúng. Anh phải biên phạt".

Sau đó con mẹ Jane nhận được giấy phạt hết $215 đô la khiến mụ ta cay đắng cắn môi muốn tóe máu, còn hai mắt thì trợn lên gần lọt tròng luôn. Trước khi lên xe, tôi nhìn mụ ta cười tình và lịch sự nói với mụ: "Goodbye. Have a nice day".

Từ đó con mụ Jane chằng lửa không còn kiếm chuyện với tôi nữa có lẽ mụ sợ tôi mang... luât ra chơi mụ...

Nhớ lại câu nói "goodbye" của Sơn với con mẹ trong chuyện của hắn tôi chợt thấy ý nghĩa của câu "goodbye" của hắn khác hẳn. Thường thì khi nói vậy còn hàm chứa ý hẹn gặp lại. Nhưng đây ý Sơn như ngầm bảo: Hy vọng không bao giờ gặp lại. Thì ra thế...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.