Hôm nay,  

Thể Thao: Euro 2008

08/07/200800:00:00(Xem: 2865)
Túc Cầu Hội Chiến Tranh Ngôi Bá
Châu Âu Luận Cước Đoạt Cúp Vương

Từ ngày 19/6, Giải Vô Địch Túc Cầu Châu Âu (EURO 2008) đã bước vào vòng tứ kết với nhiều sự chú mục đặc biệt dành cho 2 đội bóng được mệnh danh: những “đợt sóng dữ bất ngờ” là Cộng Hòa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Vì họ đã thực sự chứng minh được thực lực lợi hại khó lường với Cộng Hòa Nga như chợt tăng thêm sức mạnh nơi hàng tấn công vừa sắc bén vừa thần tốc, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ lại đột nhiên trở thành 1 cao thủ sở trường về nội lực dẻo dai, bền bỉ với khả năng bám sát thế trận và đảo ngược cục diện trong những giờ phút cuối cùng. Chính vì vậy mà sự hiện diện của Cộng Hòa Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ nơi vòng tứ kết của EURO 2008 lần này đã trở thành một trong những động lực chính yếu đưa đến diễn tiến:

“Vòng Tứ Kết: Bát Hùng Sinh Tử Đấu
Nga Cùng Thổ: Nhị Hổ Tạo Cuồng Phong

*

Đức Quốc-Bồ Đào Nha

Những dư âm về thành tích khá bất thường của đội tuyển “Kim Mao Thiết Xa” Đức Quốc nơi vòng 1 với 2 thắng 1 bại, đứng nhì bảng B đã khiến cho đa số giới bình luận đều có phần bất an khi lượng định về thế tiến quân của họ tại vòng tứ kết qua trận đụng độ ngày 19/6 tại cầu trường St Jakob Park cùng “Hiệp Khách Hành” Bồ Đào Nha, vốn là một ứng viên hạng nặng của vũ đài EURO 2008 lần này. Tuy nhiên, nếu nhận xét một cách tinh tế hơn thì qua việc Bồ Đào Nha “nhường bước” cho Thụy Sĩ ở trận chiến thứ 3 tại vòng 1 khi đưa ra đội hình dự bị và bại chiến 0-2, cũng đã cho thấy “điềm” thất thường qua sự chỉ đạo có vẻ chủ quan của huấn luyện viên Scolari. Vì yếu tố bại trận cho dù dưới bất cứ hình thức nào đi chăng nữa cũng ít nhiều ảnh hưởng đến sĩ khí chiến đấu của cầu thủ, hơn nữa còn ghi lại trong thành tích tham chiến tại giải đấu quan trọng này.

Và có lẽ do sự khiếm khuyết bị mất đi thế chiến thắng như “chẻ tre” nên Bồ Đào Nha đã không còn giữ được phong độ hùng mạnh trước Đức Quốc ngay từ khi nhập trận và bị lấn lướt thấy rõ trong khoảng 25 phút đầu. Trong khi chiến thuật 4-4-2 căn bản của Đức được biến dạng thành 3-5-2 do lượng di chuyển nhanh nhẹn và khôn ngoan của tả vệ Lahm nên “đội thiết kỵ” trung ương gồm Ballack, Schwensteiger, Hitzlsperger, Rolfes đã thường xuyên xuất hiện trên phần sân địch để tiếp bóng cho cặp tiền đạo Klose-Podolski tạo áp suất trực diện trước khung thành thủ môn Ricardo và khiến cho Bồ Đào Nha không thể nào ráp nối được đội hình bằng những đường bóng đan ngắn sở trường của mình.

Trong thế bị áp công liên tục, mãi đến phút thứ 20 Bồ Đào Nha mới có dịp trả đũa đối phương bằng 1 pha phản công duy nhất đưa tiền vệ Moutinho lao nhanh vào khu cấm đón nhận đường chuyền lật cánh từ bên phải của Bosingwa nhưng rất tiếc là Moutinho đã tung người bay lên quá đà nên chỉ còn cách đối ứng dùng đầu gối sửa bóng bay vọt xà ngang. Và ngay sau đó 2 phút, cục diện trận chiến đã biến chuyển theo 1 đường bóng lướt tốc của Podolski trào xuống đường biên trái và được châm vào đúng tầm cho Schwensteinger đang xâm nhập cấm địa ập tới xỉa bóng vào gôn trước sự chống đỡ của thủ môn Ricardo lúc đó đã cố nhoài người ra nhưng vẫn không thể cứu vãn được tình hình.

Trong khi chưa kịp lấy lại sự thăng bằng tâm lý trước bàn thua 0-1 khá nhanh chóng này, Bồ Đào Nha lại tiếp tục bị thủng lưới ở phút 26 qua cú đá phạt trực tiếp của Schwensteiger từ cự ly cách khung thành khoảng 30m hơi chếch về hướng trái đưa bóng bay lơ lửng trên không gian khu cấm rồi dò đúng đầu của tiền đạo Klose đội bóng vào lưới nâng số bàn thắng cách biệt lên 2-0. Đứng trước tỷ số biểu hiện đậm nét nguy cơ thảm bại này, ông Scolari buộc phải thay đổi cầu thủ Moutinho bằng tiền vệ dự bị Raul Meireles ở phút 31 để hỗ trợ những đường bóng bên cánh trái cho tiền đạo Ronaldo vốn bị chìm hẳn trước hàng thủ bọc lót kín đáo của Đức Quốc. Từ đó, Bồ Đào Nha có phần khởi sắc hơn với những đợt tấn công khởi động từ cánh trái hoặc những pha kết hợp giữa bộ ba Nuno Gomes, Deco cùng Simao trước chính diện khung thành đối phương. Và những nỗ lực của họ cũng được đền đáp ở phút 41 bằng cú sút trực diện của Ronaldo ngay trong lòng khu cấm bên góc trái khiến thủ môn Lehmann phải vận công toàn lực đẩy bóng ra, nhưng lại ngay vừa tầm sút của Nuno Gomes nên tỷ số được rút ngắn 1-2.

Sang hiệp 2, các chiến xa của Đức bắt đầu chiến thuật “dồn trụ chắn bắn từ xa”, tức trấn định các phương vị chiến lược và thay phiên nhau bọc lót cho hàng thủ rồi phản pháo từ các chốt đóng quân định vị này trên căn bản của khẩu quyết “kiên thủ tốc công” nên Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục lâm thế bị động vì không thể nào khai thác nổi những kẽ hở của đối phương. Đến phút 17, cũng qua 1 pha đá phạt trực tiếp do Podolski phụ trách gần đường biên trái câu vào trước cầu môn, thủ quân Ballack của Đức đã lách qua vòng kềm chế của 2 hậu vệ đối phương rồi sử dụng chiêu thức “Bạch Nhạn Chấn Thủ” (tức Nhạn Trắng... lắc đầu) đội bóng xuyên lưới khẳng định thế tất thắng 3-1.

Bàn thắng kinh điển này như càng khoáy sâu vào nỗi tuyệt vọng của Bồ Đào Nha trước viễn ảnh của cánh cửa dẫn đường vào bán kết hầu như đã bị khép chặt, nên đoàn quân áo đỏ đã bị ép vào thế “Nothing To Lose”, tạm dịch:

“Còn gì để mất nữa đâu"
Thôi thì cứ tiến vào sâu khung thành
May ra gỡ được 1 bàn
Còn hơn tiếc nuối, thở than kêu trời”

...nên tiền đạo Postiga được vào sân thay cho trung vệ Petit để tăng cường chân sút. Nhưng trước một Đức Quốc tràn trề kinh nghiệm chiến trường, Bồ Đào Nha chỉ có được một cơ hội duy nhất thay đổi tỷ số trên bảng điện vào phút 42 do công của Postiga đánh đầu vào lưới.

Cuối cùng, tỷ số 3-2 được duy trì tiếp tục qua 3 phút mong manh còn lại của trận đấu và đưa đội Đức tiến vào bán kết sau 12 năm chờ đợi kể từ khi đoạt ngôi vô địch tại Giải EURO 1996. Trong khi đó, tâm trạng tiếc nuối về trận bại chiến này của Bồ Đào Nha còn kèm theo lời từ giã của ông Scolari sau 6 năm dìu dắt đội bóng cường quốc Nam Âu, vì ông sẽ chính thức trở thành tân huấn luyện viên cho đội câu lạc bộ Chelsea của Anh Quốc từ tháng 7 năm nay.

*

Croatia - Thổ Nhĩ Kỳ

So với đoàn quân thiện chiến của Croatia gồm những danh thủ nổi bật trời Âu như: tiền vệ Srna, Modric, Nico Kovac hoặc cặp trung phong Kranjcar - Olic, thì Thổ Nhĩ Kỳ có phần yếu kém hơn về thực lực nhưng họ sở hữu được thứ vũ khí lợi hại hơn rất nhiều: đó là sự kết hợp ý chí và tinh thần thi đấu toàn đội. Chính vì vậy mà mặc dù bị lấn sân trong hầu hết thời gian thi đấu tại cầu trường Ernst Happel, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn giữ được tỷ số 0-0 qua 90 phút sóng gió chống đỡ những đợt áp công nặng nề của địch thủ.

Sau khoảng hơn 15 phút đầu dò chân trong thế ngang ngửa kể từ khi bóng bắt đầu lăn, tuyến tiếp ứng của Croatia bất chợt dâng cao bằng kỹ thuật cá chân trên chân đối phương và thường sử dụng khu trục lộ giữa sân làm bàn đạp đánh thốc về 2 cánh và dàn quân thường xuyên trên các trục đóng chốt trước khu cấm nên hầu như hoàn toàn kiểm soát bóng và chủ động kiến tạo thế trận. Qua đó, Croatia đã bỏ qua một cơ hội làm bàn trông thấy rõ ràng nhất vào phút thứ 18 khi tiền đạo Olic có bóng trong tầm sút trống trải ngay trước khung thành nhưng lại sửa bóng bay bổng chạm trúng xà ngang. Và kể từ khi xà ngang trở thành "tuyển thủ thứ 12" cứu nguy cho Thổ Nhĩ Kỳ, các nòng pháo trụ cột của Croatia đều lần lượt lâm cảnh bế tắc ở giai đoạn dứt điểm cuối cùng qua những cú sút thiếu hẳn tọa độ chuẩn xác hoặc bị thủ môn Rustu hóa giải. Đối lại, hàng tấn công của Thổ cũng có một vài pha phản công lẻ tẻ được kết thúc từ các xạ trình cách xa khung thành Crotia.

Sau khi bước vào hiệp phụ nhịp đấu đã trở nên chậm chạp qua những pha vờn bóng tẻ nhạt của đôi bên nhằm dưỡng sức để chuẩn bị cho hình thức đá phạt luân lưu nếu tỷ số 0-0 không thay đổi. Mãi cho đến phút 12 của hiệp phụ 2, cầu trường Ernst Happel như muốn vỡ tung trước khoảng 10.000 ngàn cổ động viên đội Croatia reo hò chúc mừng khi tiền đạo Klasnic vào sân thay chỗ cho Olic từ đầu hiệp phụ, đã ghi bàn thắng đầu tiên cho trận đấu bằng cú đội đầu khá ngoạn mục. Nhưng niềm vui này chưa kịp lắng đọng bao lâu thì ngay phút cuối cùng, bằng cú châm bổng từ sân nhà của thủ môn Rustu lúc đó đã dâng lên gần đường biên giới giữa sân đưa bóng bay vào khu cấm địa của Croatia rồi bật ra đến chân của Senturk ở cự ly cách khung thành khoảng 15m, và lập tức tiền vệ này đã tung ra cú sút tuyệt nghệ gỡ hòa 1-1 cho đội Thổ Nhĩ Kỳ thật chớp nhoáng khiến các tuyển thủ Croatia ngẩn ngơ không kịp định hồn vì tấm vé tiến vào bán kết đã nắm chắc trong tay đột nhiên bị vuột đi trong khoảnh khắc

Có lẽ vì quá luyến tiếc trước bàn thua mang đầy kịch tính ở giây phút cuối cùng nên trên chấm 11m của hình thức đá phạt penalty để quyết định chiến trường, 3 cầu thủ của Croatia là Modric, Rakitic, Petric đều đá hỏng. Trong khi Turan, Senturk và Altintop của Thổ Nhĩ Kỳ bình tĩnh đưa bóng vào lưới ấn định tỷ số 3-1 như là kết quả lội ngược dòng kỳ diệu tiếp theo trận thắng Cộng Hòa Tiệp ở vòng 1, để đưa họ vào vòng bán kết.

Như vậy, đối thủ kế tiếp ở trận bán kết của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là Đức Quốc.

*

Hòa Lan - Cộng Hòa Nga

Cuộc đụng độ tiếp theo ở vòng tứ kết giữa Cộng Hòa Nga và Hòa Lan được tiên đoán là sẽ rất lý thú với nhiều kỳ vọng về một trận cầu sôi nổi vì tất cả giới hâm mộ đều mong thưởng thức được những “đòn phép” của huấn luyện viên “phù thủy” trứ danh Hiddink vốn là người Hòa Lan, sẽ áp dụng chiêu thức “thần bí” nào đối với đội tuyển quê hương xứ Tulip của ông. Dĩ nhiên, về mặt lý thuyết trên thế tương quan chiến lực, Hòa Lan được đánh giá vượt trội hẳn Cộng Hòa Nga qua thành tích 3 trận đại thắng nơi vòng 1 của chiến trường bảng C tử thần, hơn nữa còn là chuỗi thành tích thắng đậm với hiệu số 9 bàn thắng và chỉ để thủng lưới 1 bàn. Đối lại, Cộng Hòa Nga nhiều phần vất vả sau khi thảm bại 1-4 trước Tây Ban Nha rồi lướt qua Hy Lạp cùng Thụy Điển để tiến vào vòng tứ kết chẳng khác gì một phép lạ !

Thế nhưng, đội hình trẻ của Nga đã ra quân trong trận chiến này với nhiều tự tin và lòng quyết thắng cao độ, cộng với sự góp mặt đặc biệt của tiền đạo tài năng Arshavin được phối trí đá liên kết cùng chân làn bàn Pavlyuchenko tại tuyến tấn công theo đấu pháp 4-4-1-1.

Arshavin cũng chính là linh hồn của câu lạc bộ Zenit St Petersburg đương kim vô địch cúp UEFA và được xem như là “vũ khí bí mật” của ông Hiddink sau khi xuất hiện lần đầu tiên trong đội hình và góp phần quan trọng cho chiến thắng 2-0 loại sổ cường địch Thụy Điển.

Cộng Hòa Nga đã nhập cuộc bằng lối chơi “chọi thẳng” trong suốt hiệp đầu với những pha tốc công đẩy mạnh tuyến tiền vệ và 2 mũi nhọn hàng trên là Arshavin cùng Pavlyuchenko tràn qua sân địch, lấn sâu vào cấm địa Hòa Lan, bộc lộ uy thế của trường phái võ công “Tổng Lực” mà ông Hiddink ứng dụng rất hợp lý cho 1 đội hình trẻ sở trường về tốc độ như Cộng Hòa Nga hiện nay. Từ thế trận được kiến tạo nhanh nhẹn này, các tuyển thủ Nga nhất là Arshavin đã thường xuyên chập chờn trước khu cấm để thu hút sự bám sát của đối phương, cũng như những pha đột phá qua lằn vôi 16, 50m đã khiến hàng phòng ngự Hòa Lan rối loạn không ít. Vì vậy, Cộng Hòa Nga đã sớm có cơ hội uy hiếp ứng cử viên vô địch ngay từ phút thứ 5 qua cú đá phạt trực tiếp bên cánh phải của hậu vệ Zhirkov buộc thủ thành Van Der Sar phải tận dụng kinh nghiệm chiến trường đẩy bóng ra ngoài chấp nhận quả phạt góc ngay sau đó cũng gây phần nguy hiểm không ít cho Hòa Lan. Kế tiếp ở phút thứ 9, sự phối hợp ăn ý giữa cặp tiền đạo sáng giá của Cộng Hòa Nga cũng đưa đến 1 pha dứt điểm bằng cú đội đầu của Pavlyuchenko đưa bóng bay vọt qua xà ngang khiến Hòa Lan toát mồ hôi lạnh!

Về phần Hòa Lan, do sự vắng mặt của tả vệ xuất sắc Arjen Robben vì bị chấn thương qua 3 trận chiến trước đó, nên có phần khó khăn trong thế quân bình đội hình để bung quân từ 2 cánh. Và sau khi bị đối phương lấn lướt trong khoảng 20 phút đầu, Hòa Lan mới kịp thời chấn chỉnh lại các phương vị để đánh trả trong thế tấn công, dằn co qua lại giữa đôi bên. Từ đó, trận đấu đã trải qua những diễn tiến dồn dập kèm theo những pha tiếp cận khung thành cùng với sự phán đoán chính xác và tài nghệ bắt bóng của cả 2 thủ môn Van Der Sar cùng Akinfeev nên tỷ số 0-0 đã kết thúc hiệp 1.

Sang hiệp 2, Hòa Lan đưa tiền vệ Van Persie vào thay thế cho Kuyt và có phần linh hoạt hơn trong thế phối hợp tấn công qua 2 cú sút “dằn mặt” Cộng Hòa Nga của Van Persie và Van Der Vaart ở phút thứ 3 và thứ 7. Tuy nhiên, Cộng Hòa Nga cũng không kém phần nguy hiểm khi càng tỏ ra sắc bén hơn ở những đường bóng lật cánh khiến Hòa Lan phải thận trọng chùn nhịp dâng quân để hỗ trợ cho hàng thủ. Và trong tình thế chưa kịp hoàn chỉnh đội hình như ý thì Hòa Lan đã hứng chịu bàn thua vào phút 11 khởi nguồn từ “ngòi nổ” Arshavin nhìn thấu kẽ hở hướng biên trái rồi châm bóng từ giữa sân cho Semak bám theo và tiền vệ cánh này lập tức tạt ngang vào trung ương cấm địa vừa vặn với tọa độ ngã người tung ra cú sút vô lê của Pavlyuchenko đưa bóng ghim vào lưới, mở màn tỷ số 1-0. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bước vào giải đấu, Hòa Lan phải chấp nhận bàn thua trước nên buộc đoàn quân áo cam phải từ bỏ lối chơi quá thận trọng để tìm bàn gỡ hòa hầu lấy lại khí thế chiến đấu trước một Cộng Hòa Nga “khó chịu” đang dẫn điểm dù thế trận dâng quân có phần nôn nóng của Hòa Lan ngay sau đó cũng đã buộc họ phải trả giá cho nhiều tình huống sóng gió, chao đảo trước khung thành qua những chiêu thức “Counter -Attack” truyền thống của Nga được thực hiện từ 4 chân sút Saenko, Arshavin, Pavlyuchenko và Zhirkov. Cuối cùng, Hòa Lan cũng có cơ hội tung lưới đối phương bằng quả đánh đầu chính xác của tiền đạo Nistelrooy vào thời điểm trận đấu chỉ còn lại 4 phút!

Tỷ số 1-1 đưa trận chiến bước vào 2 hiệp phụ với đà suy giảm thể lực ngày càng rõ nét của đội tuyển Hòa Lan khi tranh chân cùng dàn cầu thủ trẻ trung đầy phong độ của đối phương. Chính yếu tố chiến lược trọng yếu này đã đánh gục Hòa Lan sau những pha công phá, hãm thành liên tục của Cộng Hòa Nga trong suốt hiệp phụ 1. Đến đây, nôi lực sung mãn của “Bạch Đại Hùng Tinh” Cộng Hòa Nga chẳng khác nào một đàn gấu hung hãn tha hồ tung hoành vờn chụp con mồi và ép Hòa Lan vào thế lúng túng, chật vật chống trả để cuối cùng đi đến thế bại chiến ở phút thứ 7 của hiệp phụ 2 từ đường bóng đột nhập cấm địa bên cánh trái của “gấu mẹ” Arshavin tạt vào trước không gian chính diện khung thành cho tiền vệ Torbinskiy đệm bóng vào lưới tỏ thế áp thắng 2-1. Kế đến, cũng chính Arshavin đón nhận đường bóng ném biên phải của đồng đội rồi lả lướt vượt tốc tiến sâu vào khu cấm trực diện thủ môn địch và buộc Van Der Sar phải vào lưới nhặt bóng lần thứ sau cú sút quyết định chiến thắng 3-1.

Thế là Cộng Hòa Nga nối bước Thổ Nhĩ Kỳ tạo tiếp một trận “cuồng phong” quét bay Hòa Lan ra khỏi cuộc chiến, đồng thời rửa được mối hận cách đây 20 năm khi đội tiền thân của họ là Liên Xô bị thảm bại trước Hòa Lan trong trận chung kết giải 1988.

*

Tây Ban Nha - Ý Đại Lợi

Trận cuối cùng của vòng tứ kết là cuộc tập hợp giữa 2 tên tuổi lớn thuộc đẳng cấp cao của làng cầu Châu Âu với mức độ tương tính nghiêng hẳn về lợi thế cho Ý Đại Lợi khi xét về nội dung thành tích của những lần chạm trán trong quá khứ và bề dầy của lịch sử đăng quang tại EURO cũng như World Cup.


Hơn nữa, đối với trường hợp Tây Ban Nha tuy là một cao thủ tiếng tăm lẫy lừng trong khu vực nhưng kể từ khi thắng được Ý Đại Lợi 2-0 tại Thế Vận Hội 1920, “Thiết Ngưu Đại Huynh” đã luôn chịu khuất phục trước đoàn quân “Thanh Y” tại các giải đấu quốc tế và nhất là kể từ sau khi vô địch giải 1964 đến nay họ vẫn chưa vượt qua nổi quan ải của vòng tứ kết. Do đó, mặc dù sở hữu một dàn tuyển thủ thân mang tuyệt nghệ cá nhân và tiến vào tứ kết trong hào quang “bất bại”, nhưng cuộc so chân ngày 22/6 cùng Ý Đại Lợi vốn nhiều phần may mắn thoát hiểm từ bảng C tử thần vẫn mang theo không ít quan ngại về mặt tâm lý cho thầy trò huấn luyện viên Aragones.

Từ bối cảnh tâm lý này, Tây Ban Nha đã chuyển dạng thế trận từ đội hình 4-1-3-2 sang 4-3-3 với tiền vệ Xavi đảm nhiệm vai trò “con thoi” xoay trục tiếp bóng cho cặp bài trùng Villa cùng Torres hoạt động ở tuyến trên. Trong khi Ý Đại Lợi vẫn ứng dụng chiến pháp 4-3-1-2 với Ambrossini và Aquilani thay thế cho cặp tiền vệ trứ danh Pirlo cùng Gattuso trong ý đồ hình thành bức tường phòng thủ kiên cố vừa làm giảm ý chí chiến đấu của đối phương vừa chuẩn bị sẵn tư thế cho cục diện cuối cùng đi đến hình thức đá phạt đền sở trường của họ. Qua đó, Tây Ban Nha đã nhanh chóng nắm phần chủ động khi kiểm soát tầm bóng hơn 2/3 thời gian trận đấu và điều khiển nhịp trận với khá nhiều cơ hội tấn công trước khung thành thủ môn Buffon sau 20 phút đầu thận trọng thăm dò và quan sát các cứ địa trọng yếu trên phần sân địch.
Do sự di chuyển linh động và biến hóa nhanh chóng của hàng tiền vệ với 2 trục chính yếu là Silva và Iniesta trấn cứ lưỡng biên, nên hầu hết sức ép của Tây Ban Nha đều tập trung từ những đường bóng lật cánh kết hợp cùng tốc độ bền bỉ của 3 mũi nhọn Xavi, Villa cùng Torres tạo thành nhiều pha dứt điểm ngoạn mục nhưng kém phần chính xác hoặc bị hóa giải bởi tài nghệ phán đoán của thủ môn Buffon nên sau 45 phút của hiệp 1 tỷ số 0-0 vẫn không nhúc nhích. Ngược lại, Tây Ban Nha cũng phải rùng mình sau vài cú đánh trả của Ý Đại Lợi vốn luôn rình rập các kẽ hở của hàng hậu vệ Tây Ban Nha thường xuyên dâng lên tiếp ứng cho thế công. Điển hình là vào phút 15 của hiệp 2, tiền đạo Toni bay người đón nhận quả chọt bổng của đồng đội đưa bóng văng ra đến trụ điểm tiếp công của Camonaresi nên tiền vệ này đã không bỏ lỡ cơ hội và tung ra cú sút chứa đầy kình lực khiến thủ môn Casillas có dịp trổ tài phản xạ nhanh nhẹn đẩy bóng ra ngoài.

Thời gian càng trôi đến gần cuối hiệp 2, Ý Đại Lợi càng cho thấy lối đá tính toán… chuyên nghiệp của họ khi tập trung toàn quân lùi sâu cố thủ trước các đợt sóng áp công dồn dập nhưng kém phần hiệu quả của Tây Ban Nha nên cuối cùng dù đã trải qua luôn 30 của 2 hiệp phụ, tỷ số 0-0 vẫn là kết quả tất yếu của thế trận: “Người mãi tấn công không tung lưới, kẻ luôn phòng thủ chỉ chờ thời”.

Đến đây, chiến trường được giao phần quyết định cho 2 thủ môn thi tài bắt bóng qua hình thức “Ngũ Cước Luân Lưu” và Casillas đã thật xuất sắc khi cản phá được 2 cú sút của De Rosso và Di Natale qua loạt sút thứ 1 và thứ 3 đưa đến kết quả 4-2 với phần chiến thắng nghiêng về đội Tây Ban Nha như là một phần thưởng xứng đáng cho lối chơi tích cực tấn công và biểu diễn nghệ thuật nhồi bóng hoa mỹ của xứ sở đấu bò.

Chiến thắng này cũng xóa tan nỗi ám ảnh thường trực của Tây Ban Nha trước Ý Đại Lợi và xóa sổ luôn danh sách đội bóng cuối cùng của bảng C tử thần, đồng thời còn dẫn đến một cục diện thú vị hơn: đó là trận tái đấu cùng Cộng Hòa Nga ở vòng bán kết qua diễn tiến:

“Cước Thuật Cao: Đức - Spain Vào Chung Kết
Gặp Khắc Tinh: Nga - Thổ Cùng Lui Binh”

*

Đức Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ

Để trả giá cho thành tích đoạt tấm vé tiến vào bán kết lần đầu tiên của giải EURO, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải mất đi nhiều cầu thủ trụ cột do bị chấn thương hoặc bị nhận thẻ phạt nên buộc phải ra quân cùng Đức Quốc ở trận bán kết ngày 25/6 với đội hình dự bị. Nhưng cũng chính vì vậy mà yếu tố tâm lý phản diện “không có gì để mất” càng thôi thúc tinh thần chiến đấu “thoải mái” của đội bóng “Hồi Giáo Tây Âu” trước cường địch được đánh giá trên chân họ khá xa về mọi lĩnh vực.

Và khởi đi từ đội hình “chắp vá” với tiền đạo Boral được định vị song hành cùng Senturk ở hàng trên một cách “bất đắc dĩ”, đoàn quân áo đỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm trọn cảm tình khán giả qua lối chơi bùng nổ dữ dội thế trận, mạnh dạn rà quân tấn công ngay sau khi họ có bóng trong chân. Qua đó, cú sút “cảnh cáo” từ khoảng cách khoảng 25m của tiền vệ Kazim ở phút thứ 7 như báo trước về viễn ảnh của một trận thư hùng “đồng sức ngang tài” sẵn sàng thách đố và lật ngược mọi dự đoán thông thường. Chưa hết, ở phút kế tiếp và phút thứ 13, Altintop cùng Kazim lại tạo thêm 2 pha uy hiếp trước thủ môn Lehmann và nếu chỉnh vị chuẩn xác hơn 1 tí có lẽ cú bủa toàn lực chân phải của Kazim đã mở tỷ số thay vì chạm trúng xà ngang trước những giọt mồ hôi “đóng băng” của hàng phòng ngự Đức. Dĩ nhiên là đội Đức cũng không đến nỗi bị lấn lướt dễ dàng nên sau đó, các chiến xa của họ đã thốc quân phản công nhưng vẫn chưa được hoàn chỉnh ở thế phối hợp để xâm nhập khu cấm.

Trong tình thế tương tranh qua lại, Thổ Nhĩ Kỳ bất chợt tung ra một đợt hành quân thần tốc vào phút 22 đưa bóng đến vị trí cho Kazim có đủ khoảng trống để sút nhưng lại chạm phải xà ngang và lần này thì lực đàn hồi đã bung bóng ra đến chân của Boral tạo cơ hội cho tuyển thủ này đệm nhẹ vào gôn ghi bàn 1-0 làm rung chuyển cả cầu trường St Jakob Park. Nhưng chỉ sau đó 4 phút, với bản lĩnh “lầm lỳ’, định lực trầm tĩnh cố hữu đội Đức đã gỡ hòa nhanh chóng qua pha phối hợp giữa 2 nòng pháo Podolski và Schwensteinger như khẳng định tài nghệ vượt trội của mình chỉ phô trương vào những lúc cần thiết.

Tỷ số 1-1 do Schwensteinger ghi điểm đã kéo sang hiệp hai qua thế tương tranh khá gay gắt giữa đôi bên với Thổ Nhĩ Kỳ luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm bất ngờ ở mỗi đợt tiến quân và Đức Quốc thường nắm vững khẩu quyết “kiên thủ đãi cơ”. Cho đến phút 24 thì cao thủ từng 3 lần vô địch Châu Âu mới nắm được cơ hội làm bàn khi tả vệ Lahm dẫn bóng tiến sâu về cánh trái rồi chuyền vào tiền đạo Klose đánh đầu nâng tỷ số lên 2-1. Lúc này, tưởng chừng như Đức Quốc đã đặt 1 chân vào chung kết và chỉ trông chờ hồi còi báo hiệu tan trận, nhưng 1 lần nữa Thổ Nhĩ Kỳ lại thể hiện sở trường bám sát thế trận khi Senturk áp sát màng lưới gỡ hòa 2-2 sau khi tiếp bóng bằng đường chuyền của đồng đội. Và điệp khúc…”Cho Tôi Được 1 Lần” đã trở thành ca khúc chủ đề cho trận chiến hào hứng này khi….lại 1 lần nữa “đoàn xe tăng” Đức chứng tỏ tài nghệ “chuyển bại thành thắng” bằng 1 pha đột phá của Lahm lắt léo dẫn bóng hướng về cấm địa rồi tung ra “quả thần công” bắn tan “Mộng Dưới Hoa” của Thổ Nhĩ Kỳ ngay phút cuối cùng của trận đấu bằng tỷ số 3-2.

*

Tây Ban Nha - Cộng Hòa Nga

Trong khi trận tái quyết đấu giữa Tây Ban Nha cùng Cộng Hòa Nga vào ngày kế tiếp tức 26/6 diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo Quốc cũng đã kết thúc “câu chuyện huyền thoại” của đạo diễn Hiddink khi “bầy gấu” Nga gặp phải khắc tinh đã từng đè bẹp họ tan nát qua tỷ số 4-1 ở trận chiến vòng đầu và bất chợt trở nên… ngoan ngoãn hiền lành khác hẳn 2 trận trước đó.

Tuy những cơn mưa nặng hạt phần nào hạn chế vận tốc và độ chuyền bóng chính xác của tuyển thủ đôi bên nhưng cả 2 đội đều tỏ quyết ý tranh thắng nên nhịp đấu càng tăng theo tỷ lệ thuận thời gian của trận đấu trong khí thế rất sôi động của những pha dâng bóng về phía sân địch do Cộng Hòa Nga nắm phầm kiểm soát trong khoảng 5 phút đầu tiên. Nhưng vốn có kinh nghiệm đánh tan quân địch nên các tuyển thủ Tây Ban Nha đã lập tức ráp nối đội hình 4-1-3-2 tạo thành những trục đan bóng ngắn để “từng bước lấn sân từng quân lấn đất” hầu hỗ trợ cho chiến thuật “lật cánh đánh biên, uy hiếp chính diện” rất nhuần nhuyễn. Vì vậy, 2 mũi nhọn Villa và Torres đã có dịp hăm dọa thủ môn Akinfeev của Nga một cách liên tục từ phút thứ 6 trở đi để chuyển qua cục diện dần nắm hẳn thế thượng phong. Từ đó, đội Nga có khuynh hướng thường xuyên lui về xây thành trước khu cấm để dụ địch dâng cao nhằm cướp đoạt thời cơ đánh úp bất ngờ nên họ cũng tạo được 2 màn căng thẳng khi tiền đạo Pavlyuchenko sút lệch tầm khung thành ở phút 30 và phút 33 sau đó. Trước tình thế kiên thủ của Cộng Hòa Nga, tỷ số 0-0 vẫn là lời giảI đáp hợp lý cho kết quả của hiệp 1.

Nhưng vừa bước vào hiệp 2, Tây Ban Nha đã bất thần ghi bàn vào phút thứ 5 bằng pha kết hợp đẹp mắt do Iniesta từ tả biên chuyền bóng hình cánh cung bay vòng đến chân của Xavi đang trống trải ở vị trí cách cầu môn khoảng 8, 50m nên Xavi được dịp tung lưới một cách dễ dàng. Bàn thua 0-1 do hàng thủ để lộ sơ hở to lớn đã khiến cho Cộng Hòa Nga không dấu được vẻ nôn nóng nên cố dâng cao tìm lộ tiến quân áp sát tổng hành dinh của địch, do đó Tây Ban Nha càng có điều kiện thi triển chiến thuật “đoản bóng kỳ binh” sở trường chuyền bóng ngắn tập trung nơi khu vực giữa sân để tách rời những mạch nối liên kết và buộc đối phương phải cảnh giác từ hậu phương. Qua đó, Tây Ban Nha còn tăng cường thêm chân làm bàn Daniel Guiza vào thay cho Torres và chính Guiza đã bồi thêm 1 bàn thắng cho đội nhà vào phút 25 bằng cú sửa bóng rất nghệ thuật lách qua người thủ môn Akinfeev qua 1 pha tiếp cận trước khung thành.

Đến đây, có lẽ ai cũng nhìn ra được sự yếu kém của tiền đạo Arshavin, do anh bị kềm chặt chân sút, đã trở thành nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến mức độ tấn công của Cộng Hòa Nga. Và sau 2 bàn thua cân não này, vì thường dâng quân lên quá cao nên Cộng Hòa Nga còn phải chấp nhận thêm 1 màn thủng lưới ngay tròng lòng khu cấm do Silva sút từ khoảng cách 10m nâng tỷ số lên 3-0 vào phút 43.

Một lần nữa, Tây Ban Nha lại đại thắng Cộng Hòa Nga với khoảng cách biệt là 3 bàn và càng ý nghĩa hơn khi chiến thắng này vừa đưa “Thiết Ngưu Đại Huynh” tiến gần đến giấc mơ tái đoạt cúp vô địch vừa thể hiện “sứ mệnh khắc tinh” của mình khi chấm dứt cuộc phiêu lưu mang nhiều tính chất huyền thoại của Cộng Hòa Nga để tiến vào trận chung kết đầy hứa hẹn với Đức Quốc qua thế trận:

“Trận Cuối Cùng Song Hùng Quyết Đấu
Đồng Tài Sức Đức Đụng Spain”

*

Trận Chung Kết

So với Đức Quốc, con đường tiến vào chung kết của Tây Ban Nha có nhiều thuận lợi hơn với chiến tích toàn thắng và sở hữu 1 dàn tuyển thủ dồi dào phong độ cùng kỹ thuật cá nhân cao, nhất là được đánh giá có nhiều mặt hoàn chỉnh về thế thủ hơn các thế hệ đàn anh với thành tích chỉ để thủng lưới 3 quả qua 5 trận chiến cam go, đặc biệt là tài năng cứu nguy khung thành của thủ môn Casillas đã cống hiến rất nhiều cho sự bảo vệ chiến thắng của đội nhà. Trong khi đội Đức lại là một tập hợp tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và lối đá chú trọng về kết quả thực tiễn hơn là phô trương những đường nét nghệ thuật qua phương châm: "lấy tĩnh chế động” mang tính cách truyền thống và thường đem đến thành công cho họ.

Từ thế tương quan chiến lực này, Tây Ban Nha đã cùng Đức đi đến đỉnh cao của giải đấu qua 1 trận chung kết rất hào hứng với đội hình 4-1-4-1 của Tây ban Nha được ứng dụng thật linh động trong thế cắm cọc “ảo” chân sút Torres để tạo sự hoạt động dễ dàng cho 5 tiền vệ ở tuyến tiếp ứng luôn là chìa khóa mở ra những lộ tuyến tấn công vừa đẹp mắt vừa chất chứa nhiều đột biến khó lường. Ngược lại, chiến thuật cố định “kiên thủ” của Đức vẫn không hề thay đổi và sự hiện diện của Ballack đã đánh tan mối lo ngại cho những cổ động viên trước đó khi anh bị thương không nhẹ ở trận bán kết.

Đức là đội gây nguy hiểm trước ở phút thứ 3 của hiệp 1 khi dẫn quân tiến vào khu cấm khiến hậu vệ Ramos phạm lỗi lầm phá bóng ngay tầm chân tiền đạo Klose đang chuẩn bị ra chân, chẳng khác nào giao “bóng” cho ác, nhưng thủ quân Puyol đã kịp thời chận đứng. Sau đó 5 phút, màng lưới của Tây Ban Nha cũng suýt chút nữa phải rung lên nếu tiền vệ Hitzlsperger tăng thêm lực sút ở vị trí trống trải cận khung thành. Và không hổ danh là cao thủ tiến vào trận chung kết khi Tây Ban Nhà ổn định xong các phương vị từ phút thứ 10 thì cũng chính là lúc đội Đức phải hứng chịu liên tiếp những áp suất hãm thành vây chặt lối thoát bóng từ 3 mặt giáp công qua những “màn trình diễn” lần lượt của Inestia, Torres, Ramos, Capdevila bằng những cú tạt ngang vào giữa cho đồng đội đánh đầu hoặc sút trực tiếp về gôn, để đưa đến cơ hội làm bàn vào phút 33 khi tiền đạo Torres gia tăng tốc độ khủng khiếp bám sát theo đường chọt bóng tinh tế của Xavi trước lằn biên khu cấm và Torres đã bấm bóng bay qua đầu Lehmann trong lúc thủ môn này vừa ngã người để cản phá, nhưng bóng đã nhanh hơn người và bay gọn vào lưới ghi bàn thắng “mở hàng” 1-0 cho trận chung kết.

Chưa kịp trấn tỉnh sau bàn thua này, đội Đức lại phải rùng mình qua cú sút bay vọt khung thành của Silva ngay sau đó khoảng 1 phút.

Những nỗ lực gỡ điểm của Đức Quốc càng gia tăng ráo riết ở hiệp hai càng làm cho Tây Ban Nha bộc lộ những đường nét linh hoạt dẻo dai qua kỹ thuật khống chế bóng điêu luyện để làm giảm nhịp tấn công và tiêu hao ý chí chiến đấu của đối phương nên đã vô hiệu hóa hầu hết áp suất do Đức kiến tạo từ lối kết hợp giữa 2 tuyến hậu vệ và tiếp ứng mà vai trò chủ yếu là nhiệm vụ kềm chặt thủ quân Ballack. Ngược lại, càng tiến gần đến cuối giờ các “hiệp sĩ đấu bò” càng lợi hại hơn qua những pha phản kích xuyên thủng dàn chắn hùng hậu của Đức và tạo được nhiều cơ hội ghi thêm bàn thắng nhưng rất tiếc là các chân sút như Inestia, Senna cùng Ramos đều không điều chỉnh được xạ trình dứt điểm nên tỷ số 1-0 đã khép lại giải đấu EURO 2008, ấn định chiến thắng chung cuộc cho Tây Ban Nha với chiếc cúp vô địch trong tay sau 44 năm mỏi mòn trông đợi.

Đây cũng là thành tích vô địch lần thứ 2 tại chiến trường EURO của Tây Ban Nha với phần thưởng dành cho mỗi tuyển thủ là số tiền 24.000 Euro.

*

Tổng Kết

“Trải qua 31 trận cầu
Đại Hội Luận Cước Châu Âu khép màn
Đoạt ngôi vô địch: Spain
Hiệu lệnh thống lĩnh, an bang quần hùng
Sau 4 thập niên…lùng bùng
Giờ đây tái đoạt danh xưng: Vương Cầu
Lượt qua thế trận vòng đầu
Tương tranh ác liệt thần sầu quỷ kinh
Khiến các đội mạnh…rung rinh
Tiệp, Pháp, Thụy Điển lui binh bất ngờ
Chủ nhà lưỡng quốc thẫn thờ
Nhìn các đội khách vượt bờ sang sông
Nga cùng Thổ tạo cuồng phong
Tiến vào tứ kết xứng công kiên trì
Thổ bám thế trận lầm lỳ
Nga chợt bung sức khác gì Hùng Tinh
Đánh bại luôn ứng cử viên
Vô địch hạng nặng, đảo điên chiến trường
Bồ Đào Nha lệ rơi tuôn
Hòa Lan cũng phải buồn vì…không vui!
Croatia than tiếc gặp xui
Thua 5 trái phạt đành lui về nhà
Trong khi đội Pháp quê…gà !
Bị loại vòng 1 bởi …già ham vui!
Đội Ý cũng thấy…tối thui
Tiến vào tứ kết lui cui quay về
Lối đá toan tính ê chề
Chuốc lấy thất bại trăm bề tại…you !
Riêng chiến xa Đức... lù lù
Vượt qua vòng 1 rồi ...vù vòng 2
Đả bại đội Thổ gục ngay
Chiến trường bán kết, rảnh tay tiến vào
Chung kết hy vọng nôn nao
Đụng phải cao thủ đành chào chịu thua
Tây Ban Nha cước thuật vua
Xứng danh vô địch chưa thua trận nào
Hạ Nga 3 quả ngọt ngào
Thắng Đức sát nút đi vào sử xanh
Đến đây cũng đã…lạnh tanh
Cầu trường đóng cửa nên xin tạm chào
Tiền Đạo tôi hẹn giải sau
Tái ngộ quý vị cùng nhau luận bàn”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.