Hôm nay,  

Những Câu Hỏi Về Giấc Mơ Đối Lập Ở Vn

06/07/200500:00:00(Xem: 4930)
Tin phân tích của Việt Báo
Tối mùng một tháng Bảy, tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Saigon đã mở cuộc tiếp tân mừng lễ Độc Lập của Hoa Kỳ. Nhưng năm nay, khác với tiền lệ đã có từ ba năm qua, giới ngoại giao Mỹ đã mời một số nhân vật nổi tiếng là bất đồng chính kiến và có thành tích đấu tranh cho dân chủ tham dự sinh hoạt long trọng này.
Tin sơ khởi được Việt Báo loan tải đầu tiên, với những tấm hình đầy “ấn tượng”, vì cho thấy các nhân vật như Nguyễn Đan Quế, Trần Khuê, Chân Tín, Thích Thiện Minh, Đỗ Nam Hải, Trần Thiện Duyên hay Phạm Đình Nhẫn tươi cười đứng bên các nhà ngoại giao Hoa Kỳ. Phu nhân của các ông Nguyễn Đan Quế hay Trần Khuê cũng hiện diện. Giáo sư Lê Xuân Khoa từ Hoa Kỳ về Việt Nam cho một dự án về giáo dục cũng không lỡ dịp cụng ly với các nhân vật dân chủ miền Nam. Buổi tiếp tân được tổ chức sáu tiếng đồng hồ trước khi Thủ tướng Phan Văn Khải đặt chân trên phi trường Nội Bài ở miền Bắc sau một chuyến công tác dài.
Tiếp sau đó, từ các chương trình phỏng vấn qua điện thoại của đài RFA và BBC, với mục sư Nhẫn và kỹ sư Hải, người ta biết thêm một số chi tiết.
Từ ba năm nay, hàng năm Lãnh sự quán Mỹ tại Sàigon vẫn có buổi tiếp tân mừng ngày Quốc khánh Hoa Kỳ và vẫn mời các mục sư hay doanh gia tham dự. Năm nay, người ta có thêm hầu hết các khuôn mặt đối kháng chính trị hay đấu tranh cho tôn giáo, được mời cùng đại diện chính quyền địa phương là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố.
Cuộc gặp gỡ hy hữu này có thể là do kết quả đấu tranh hay vận động hoặc áp lực từ phía Quốc hội Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, và là cơ hội đáng xúc động cho những nhà dân chủ được gặp nhau. Niềm vui của họ là điều đáng chú ý nhất.
Trong buổi tiếp tân, đại diện chính quyền địa phương có đáp từ lời chào mừng của Tổng lãnh sự quán Mỹ, nhưng đôi bên đều không nói gì tới cái đinh của hội trường – là các nhân vật dân chủ - và cái gai trong quan hệ giữa hai nước – là vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo.
Trên đại thể, trong khi chờ đợi những chi tiết khác, người ta thấy nhem nhúm một chút hy vọng cho dân chủ Việt Nam, một hy vọng còn rất mong manh.
Mong manh hay không, ta có thể thấy qua một số câu hỏi sau đây:
Việt Nam đi trước Hoa Kỳ... trên mặt địa cầu. Ngày bốn tháng Bảy tại Việt Nam xuất hiện sớm hơn mà vẫn đúng với lịch Mỹ, vì sao lại tổ chức quá sớm như vậy, từ mùng một" Ai đó muốn cho dư luận hiểu rằng lễ tiếp tân này xảy ra khi ông Khải chưa về đến nhà. Để làm gì, có cần thiết không, có liên hệ gì với nhau không mà phải cất công như vậy" Kịch tính của biến cố làm ta phải tự hỏi: ai là đạo diễn"
Câu hỏi đáng nêu ra vì theo nhiều nguồn tin riêng, vài giờ trước khi gặp Tổng thống Bush, ông Khải còn được giúi vào tay một số căn dặn giờ chót của bộ Chính trị ở nhà nên trong buổi chụp hình ngoài thềm, ông ta phải chúi mũi đọc mẩu cẩm nang của Hà Nội cho công luận, để khỏi lầm một chữ!

Kế đó, vì sao Toà Đại sứ Mỹ tại Hà Nội không có một buổi tiếp tân như vậy, và dám mời những khuôn mặt tương tự ở miền Bắc, như Phạm Quế Dương hay Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến" Có ai chú ý đến yếu tố Nam-Bắc ở đây chăng" Miền Nam vốn dĩ đã được (hay mang) tiếng là tự do, phóng khoáng và gần gũi với Hoa Kỳ, lấy miền Nam làm bàn đạp cho một màn đấu tranh dân chủ với sự yểm trợ chẳng còn kín đáo của Sứ quán Mỹ có đắc sách không" Hay là miền Nam sẽ lại... “đi trước về sau”, có tiếng mà không có miếng"
Một số dư luận cũng vội phát biểu, rằng kể từ khi được mời nâng ly chúc mừng Quốc khánh Mỹ trong khuôn viên sứ quán Mỹ, các nhà đấu tranh cho dân chủ đã được nâng cao uy tín. Hoặc trở thành bất khả xâm phạm. Sự thật có đơn giản như vậy chăng" Được Mỹ bắt tay là mình thành lá bài sáng" Sáng với ai và sánh với ai, trong canh bạc gì" Các nhà dân chủ của ta đâu có thể tầm thường đến thế" Nếu họ cả tin như vậy thì tương lai dân chủ của Việt Nam sẽ ra sao"
Có liên hệ gì giữa biến cố này với những biến chuyển trong quan hệ Mỹ-Việt hay không" Tổng lãnh sự quán Mỹ tại miền Nam vẫn có tiếp tân mừng Quốc khánh, nhưng khi mời thêm một số nhân vật dân chủ, họ phải được sự chấp thuận của thượng cấp tại Hà Nội và trong bộ Ngoại giao Mỹ và được sự đồng ý của chính quyền sở tại. Việc mời thêm khoảng một chục nhân vật dân chủ có là chỉ dấu cho thấy Hà Nội đang muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ trên một vấn đề “nhạy cảm”, hoặc “đáng quan tâm” theo ngôn từ ngoại giao Mỹ không"
Có đúng vậy chăng, hay là giới ngoại giao Mỹ lại bật ra sáng kiến ngoạn mục để một lúc chứng minh nhiều điều mâu thuẫn: Hoa Kỳ có quan tâm đến dân chủ, dù sao Hà Nội có nhượng bộ về dân chủ, và các nhà đấu tranh cho Việt Nam không còn đơn độc, có tự do đi lại.... Cho đến khi nước Mỹ đổi đối sách.
Rốt cuộc, sự việc ấy có lợi cho Hà Nội nhiều hơn hay cho các nhà đấu tranh nhiều hơn" Liệu biến cố này có lợi cho người Việt Nam hơn là những tính toán dù sao cũng ngắn hạn của Mỹ và (dài hạn hơn) của Hà Nội" “Tưởng rằng họ bị quản thúc, ai dè vẫn bận đồ lớn cụng ly xâm banh với người nước ngoài! Hoá ra Việt Nam vẫn có tự do”... Lý luận này tất nhiên sẽ được nhiều kẻ ủng hộ chính quyền Hà Nội phô trương để bênh vực chế độ.
Nêu câu hỏi rồi, xin có lời nguyện: Dân chủ phải mọc lên từ tâm hồn và đất nước Việt Nam, không là cây cỏ dễ trồng và dễ vặt do Hoa Kỳ xuất cảng qua xứ ta. Cùng lắm, sức yểm trợ của Mỹ nên được coi là phân bón mà thôi. Cho nên, dự tiệc rượu về rồi, các nhà dân chủ của chúng ta cần thảo luận với nhau và với cả các chiến hữu ngoài Bắc, để tỉnh táo kết luận, rằng “có còn hơn không”, nhưng vẫn phải “chân cứng đá mềm”. Và đừng vội say men chiến thắng. Mong lắm thay!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.