Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

17/06/200800:00:00(Xem: 2744)
LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội...  Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

Cảnh đường phố Sài Gòn làm cho tình thương, nỗi nhớ chất chồng từ bao lâu nay trong lòng tôi sôi sục, dâng lên như thác lũ. Ôi cảnh cũ thân thương của Thành Đô. Tôi chưa cần biết nội dung của cảnh phim, tâm hồn tôi đang tràn ngập với dáng cũ hình xưa, với bao nỗi niềm thương nhớ, nhớ thương tràn đầy. Từng cảnh đời xa xưa ấy thoáng ẩn, thoáng hiện trong óc tôi. Một cuốn phim đang quay trước mắt, và một cuốn phim nữa cũng đang chiếu trong lòng tôi. Lúc này, cuốn phim trong lòng đã lấn át cuốn phim trước mặt. Mãi tới khi những tiếng hò, gầm thét: "dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!... ” cứ lặp đi lặp lại của cảnh phim trước mắt, đã làm cảnh phim trong lòng tôi tắt phụt. À, thì ra đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Từng đoàn, từng đoàn xe Honda 5, 6 chiếc một, dàn hàng ngang đang chạy chầm chậm từ phía đường Đồng Khánh, Chợ Lớn, tiến về Sài Gòn, trong một cuộc biểu tình của sinh viên học sinh, với những biểu ngữ phản đối chính phủ Thiệu vi phạm nhân quyền, dân chủ... Những người ngồi trên xe Honda, toàn là thanh niên trẻ tuổi, nam có, nữ có. Các cậu thanh niên đeo kính trắng, dáng dấp thư sinh hào hoa này; các cô thiếu nữ vẻ đài các trâm anh kia, tất cả, với những bầu máu nóng hổi của tuổi trẻ đang... hò hét tưởng đến vỡ đường phố: "dậy mà đi, hỡi đồng bào ơi!"..."

Nhìn cảnh phim, trong thâm tâm tôi hiểu rằng, nếu sau này Việt Cộng chiếm được miền Nam, khẩu hiệu các cậu, các cô sinh viên học sinh đang hô hào kia mới có túc từ, nghĩa là mới đủ nghĩa. Hiện nay, mới chỉ là gọi, giục đồng bào dậy mà đi; nhưng chưa biết... đi đâu, và đi đến đó để... làm gì" Vì là chuyện của ngày mai nên tôi chỉ giả thiết, không dám khẳng định; nhưng với cảnh sống của người dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc hiện nay, tôi có thể nghĩ tương tự như thế này:

- Dậy mà đi... về miền quê làm ruộng.
- Dậy mà đi... vào nhà tù Cộng Sản nằm dài.
- Dậy mà đi... về những nông trường, nhà máy lao động đến kiệt tàn sức khỏe.
- Dậy mà đi... làm thủy lợi, dân công.
- Dậy mà đi... còn cái gì đem đi bán, để mua tí gạo mà ăn, chứ nằm đấy thì sẽ chết đói đấy...
- ... Hỡi đồng bào ơi!...

Đó, chỉ khi nào Việt Cộng chiếm được miền Nam, khẩu hiệu đó mới có túc từ, chủ từ với cả những câu tương tự vừa nêu trên.

Tôi dám chắc mấy trăm người hào hoa phong nhã, mắt biếc môi hồng đang hò hét biểu tình kia không hề biết một ký gạo giá bao nhiêu tiền. Vì sao vậy" Chỉ vì thường ngày họ không phải nghĩ, làm sao kiếm được gạo để nấu cơm ăn đây. Trong khi những người cùng tuổi với họ đang ở miền Bắc này, suốt ngày đêm chỉ tính toán làm sao kiếm được gạo, cho đầy cái dạ dầy luôn luôn lép kẹp. Cả mấy trăm người đang phởn phơ biểu tình này, cũng đều không bao giờ biết được rằng: nếu không có những chiến sĩ đang đổ máu nơi chiến trường; và những người như chúng tôi đã bỏ phí cả tuổi thanh xuân, (mà lẽ ra cũng đang phây phây như các bạn bây giờ), hoặc đã về với đất mẹ, để chỉ còn lại những bộ xương khô. Hay còn biết bao người đang lầm than rên xiết với bao tủi nhục, uất hận trong tay kẻ thù; thì làm sao các bạn còn cảnh đài các trâm anh đó, để cắp sách đến trường, để tốt nghiệp thành ông này, bà nọ"... Không, 1000 người thì cả 1000 người, không có một ai nghĩ đến điều đó đâu.

Xét cho cùng, lỗi này không phải hoàn toàn do họ, mà do lũ sâu dân mọt nước lãnh đạo chế độ miền Nam. Ngay chỗ ngồi đang bình yên, chễm chệ trên đầu cổ mọi người của lũ này, cũng do bao nhiêu người đã phải đổ xương máu nơi chiến địa mới có, thế mà chúng còn chả bao giờ nghĩ tới vì đâu và vì sao chúng được ngồi như vậy, nữa là những người thanh niên trẻ tuổi kia.

Chúng tôi đang chết dần, chết mòn cho hạnh phúc của những thanh niên tuổi trẻ này đấy; thế mà giờ đây, họ đang đạp lên chúng tôi để hoan hô, ủng hộ, mời gọi, đón rước kẻ thù. Càng nhìn cảnh phim, trái tim tôi càng rỉ máu nhiều hơn. Tôi gục đầu xuống, đang lịm đi dần vào niềm tủi hận, chợt một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi:

- Anh ơi! Sao họ sướng thế, mà họ lại ngốc như vậy, hở anh! Họ đang đòi sống cảnh sống của chúng em như thế này, họ mới bằng lòng chăng"
Tiếng nói của Phúc “Thồ” như những cái kim châm thêm vào trái tim đang chảy máu của tôi. Tôi trả lời trong sượng sùng, héo hắt:
- Họ ngốc và có lỗi ư" Nhưng, những người ngốc và có lỗi nhất chính là những người lãnh đạo của chế độ miền Nam, cậu ạ!
Rồi óc tôi cứ chảy dài mãi vào cánh đồng tư tưởng mênh mông, đến nỗi đã vào phim lúc nào, tôi cũng không hay...

Cảnh phim đến đoạn nàng công chúa ngồi một mình trong đêm, bên cửa sổ và đang gửi hồn về nơi phương trời xa thẳm, nơi có người trai tuấn kiệt đã hơn một lần làm tâm hồn nàng xao xuyến; thì ngay phía sau nàng, một con yêu cao lêu nghêu, với đôi mắt lồi như hai con ốc bưu, đỏ lòm, lấp ló trong mớ tóc bùm xum xõa phủ gần kín mặt, đang giơ đôi tay khẳng khiu với những chiếc móng nhọn hoắt, chậm chạp tiến đến gần nàng. Nhưng, nàng đâu có hay, đôi mắt mơ màng vẫn đắm chìm vào giấc mộng ngày hoa.

Bỗng, một tiếng rú ùng ục, nấc nghẹn, rồi mãi mới rống lên một hồi dài ngoáy sâu vào màn đêm, như tiếng con trâu đực bị chọc tiết rống lên chết dần vì hết máu.

Điện tắt phụt. Tối như đêm ba mươi. Xòe bàn tay trước mặt không nhìn thấy. Những tiếng ồn ào, những tiếng quát tháo, những tiếng còi lẫn với tiếng súng rền vang khắp mọi nơi. Người ta không sợ bom rơi, súng bắn từ máy bay Mỹ vào Hỏa Lò, bằng sợ mảnh đạn, do đạn ở dưới đất bắn lên nổ ở trên không, rơi như mưa rào ở trên trời cao lao xuống. Chẳng ai bảo được ai lúc này. Mạnh ai ấy chạy giạt vào các hàng hiên của các mái buồng chung quanh. Trong sân trại, có một số lỗ hầm trú ẩn dành cho cán bộ; nhưng bây giờ, giữa cái chết và cái sống, ai bảo đảm chỗ nào là của riêng cán bộ nữa"

Nếu tôi muốn chạy vào chỗ nấp, tôi phải là một trong những người đầu đến đích. Nhưng, chẳng hiểu sao, tôi vẫn rề rà chậm chạp. Có lẽ, tôi đã nhớ lại những đêm còn ở xà lim I, phải đứng mãi thấy được một góc, hay một mảnh con bầu trời Hà Nội. Lúc này, ở giữa sân trại, dù còn vướng vít mấy cây bàng và những nóc nhà, nhưng cả một bầu trời đêm rộng mở trước mắt, tôi cứ lưỡng lự không biết nên chạy đi nấp, hay ngồi lại đây.

Đột nhiên, một bàn tay ai đó nắm chặt lấy tay tôi. Tôi ngạc nhiên, mở to mắt để cố phân định, thì tôi đã ngửi thấy mùi ngầy ngậy ngọt lịm quen thuộc của ngày xưa ấy; và đồng thời, cũng là lúc tay tôi phản xạ tự nhiên nắm lấy bàn tay kia, Bàn tay lạ thật, mềm như có lót tơ. Tim tôi bóp nhẹ lại vì bất ngờ! Trong bóng đêm mịt mờ, tự động đôi tay tìm đến đôi tay. Tôi thoáng nghĩ, sao nàng bạo vậy" Làm sao biết tôi ngồi chỗ này" Giữa tiếng bom rơi, đạn nổ và những tiếng máy bay gầm rít như xé bầu trời" Tự nhiên bàn tay cô Vân nóng, rồi run lên! Chẳng hiểu vì cô sợ bom đạn, hay vì niềm xúc động trong lòng"

Lòng tôi xốn xang, đầy vơi hỗn tạp. Một luồng run rẩy nóng lên ở phía hông, rồi vai tôi nằng nặng. Cô Vân đã gục vào tay tôi, vẫn chẳng một lời. Tôi chẳng hiểu cô đang suy nghĩ gì" Tôi cảm thấy trời đất, không gian đều tan biến. Tôi cũng chẳng còn ý niệm về cảnh bom rơi, đạn nổ. Tôi chỉ thấy thích thú ngồi như thế này mãi mãi.

Giữa những tiếng lộp độp, một tiếng “choeng!” vang lên ngay cạnh đâu đây, làm cả hai tấm thân đều giật mình, vội ôm chặt lấy nhau. Vân co rút người lại như cần sự che chở. Tôi thấy bừng lên niềm hãnh diện, như thể tấm thân tôi đang gồng lên, chống lại những mảnh đạn rơi loảng xoảng ấy. Tôi sung sướng cảm thấy mình vẫn còn khả năng để chở che, để làm chỗ ẩn núp cho... một người.

Bỗng, một tiếng thét như có lưỡi dao cứa họng ai ở một góc sân, kèm theo là một tiếng gọi hớt hải, giật đùng đùng của tên Lê:

- Vân, Vân đâu"

Tiếng gọi như chọc vào tai mọi người nhiều lần. Như choàng tỉnh một giấc mơ, cô Vân run rẩy, bàng hoàng gở nhẹ tay tôi ra, rồi cô đứng dậy, lủi nhanh về phía tiếng gọi.

Cho đến khi tôi đã đứng nép vào đám đông dưới một mái hiên, tôi vẫn chưa hiểu tại sao, bằng cách nào tôi đã từ giữa sân vào đây nhanh như vậy. Phải chăng, đó là phản xạ tự nhiên của con người để bảo vệ sự sống, sau khi bừng tỉnh một giấc mơ"

Những tiếng lộp độp, choeng choeng vẫn rải rác trên mái nhà, dưới sân, càng lúc càng mau. Bất chợt, một làn chớp xanh lè như làm cho bầu trời đêm rạn nứt ra, rồi một tiếng nổ inh tai, làm rung chuyển cả Hỏa Lò. Một làn hơi mạnh làm bay tốc áo quần, một tiếng gào thê thảm gần phía phải của tôi. Chẳng biết ai bị mảnh bom hay mảnh đạn"

Tôi vẫn say sưa ngửa mặt lên ngắm nhìn bầu trời. Một tiếng rít vèo vèo, roàn roạt như điện giật vụt sát qua Hỏa Lò, làm những cành bàng khẳng khiu trơ trụi lá, rung lên như động đất. Chẳng biết tiếng rít của máy bay hay tên lửa" Cả một bầu trời tím thẫm đầy những hoa khói và những làn tuyết rơi ngược đủ màu. Bỗng, từ phía Đông Hà Nội, hai chấm lửa mầu da cam đang chúc đầu bay thẳng xuống Hỏa Lò, càng lúc, càng to dần, cho đến khi trông rõ như hai cái thúng đỏ lừ, chói lòa làm tôi phải nhắm mắt lại. Nhiều bàn tay quờ mạnh vào tay tôi cùng giật sấp xuống, một làn chớp lóa mắt mọi người. Hai tiếng ùng ục làm đất dưới chân rung giật lên như vỡ ra; những viên ngói trên mái rơi rào rào xuống. Vài tiếng thét giật giọng. Một đám cháy ngay sát Hỏa Lò. Trời đang mùa Đông mà tôi cảm thấy nồng nực. Mùi lửa cháy, mùi bom đạn làm không khí dẻo quẹo lại, thở hít rít rìn rịt.

Hơn một tiếng đồng hồ, còi mới báo yên. Tiếng loa đang ra rả hoan nghênh tinh thần anh dũng chiến đấu của bộ đội, máy bay, tên lửa, phòng không và toàn dân, đã hạ thêm 6 máy bay Mỹ nữa, nâng tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên Bắc lên... “X” cái; bắt thêm 3 “giặc lái” (cái này không nói tổng số bao nhiêu). Trong khi đó, Hỏa Lò vẫn chưa có điện. Chẳng hiểu máy bay Mỹ đã đánh trúng vào nhà máy điện, hay biến điện nào. Thật là ồn ào, hỗn tạp: tiếng gọi nhau í ới, tiếng quát tháo của cán bộ, tiếng rên rỉ của mấy người bị thương. Trong bóng tối đen, chỉ có những ánh đèn “pin” quệt ngang, chạy dọc của cán bộ điểm số tù đi vào từng buồng. Tuy rằng lộn xộn, nhưng rồi sớm muộn cũng sẽ ổn, cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì, muốn ra cổng Hỏa Lò, còn phải qua 3 lần cửa sắt nữa, và cửa nào cũng có bộ đội canh gác cẩn mật.

Sáng hôm sau, chỉ mới mở cửa ra sân được một lúc, đã có nguồn tin thật sớm. Hôm qua, ở Hỏa Lò, ba người tù bị mảnh đạn phòng không. Một xuống bệnh xá chết ngay từ đêm qua, vì mảnh đạn rơi gẫy xương vai, thọt xuống phổi; một anh bị sượt vào đùi; còn một anh mất hai ngón chân. Chỉ có anh mất hai ngón chân là tội chính trị; còn hai anh kia là hình sự.

Tám mươi mốt: “Bản án” Việt Cộng dành cho Đặng Chí Bình!...

Hôm nay đã 29 tháng 12 rồi. Ngày mai là ngày tôi sẽ phải ra trước vành móng ngựa.

Dù trong thâm tâm, tôi đã hiểu là dưới chế độ Việt Cộng, vấn đề xử, hay không xử, cũng chỉ có tính cách ý niệm thôi; và tuy rằng lúc này tôi nhìn về Cộng Sản còn nhiều mặt chưa hiểu, hoặc cũng chỉ hiểu một cách phiến diện, mức độ; tôi cũng thấy rằng có án, hay không có án, án nặng hay án nhẹ, chưa phải là khâu quyết định. Nhất là với loại tội của tôi và trong hoàn cảnh đất nước hai miền như thế này. Chính vì lý do đó, ngày ra tòa đến nơi, tôi cũng không thấy nhiều băn khoăn, bận tâm.

Về chiều, lúc gần hết giờ, bác Khánh ở ngoài sân vào, bảo tôi ra gặp cán bộ Kế. Khi tôi đã ngồi vào chiếc ghế trước bàn y, mặt y trang nghiêm nhìn tôi một lúc, rồi nói:

- Bây giờ, cho anh rửa ráy, tắm gội sạch sẽ. Sáng mai dậy sớm, quần áo gọn gàng. Ngay từ 7 giờ rưỡi, sẽ có cán bộ vào dẫn anh ra tòa ngày mai.

Thực ra, từ ngày tôi chuyển từ xà lim ra buồng này, do tên Kế phụ trách, tôi cũng không ưa hắn lắm. Rất ít khi tôi ra bàn ngồi nói chuyện với hắn. Trong khi đó, thỉnh thoảng hắn vẫn gọi bác Khánh, hay Thọ “Lột” là trật tự ra nói chuyện. Vì vậy, thấy hắn nói như thế, tôi đứng lên ngay và nói xin đi ra rửa mặt.

Đúng như tên Kế nói, sáng hôm sau, mới 7 giờ rưỡi, chưa tới giờ làm việc, tên Bằng đã vào mở khóa gọi tôi ra. Sau khi đã khóa buồng lại, y hỏi tôi ra vẻ quen thuộc nhưng vẫn lạnh lùng:

- Từ ngày ra trại chung, anh có khỏe không"

Tôi cũng khô khan:

- Cảm ơn ông, khỏe!

Ra tới phòng trực, tôi thấy có hai tên cảnh sát mặc đồng phục lạ hoắc. Chắc hai tên này ở bên tòa cử sang nhận lãnh tôi. Sau khi đã ký vào sổ, một tên quay lại tôi, vừa móc trong túi rết ra chiếc còng số 8, vừa gằn giọng:

- Theo thủ tục, anh đưa tay, tôi khóa lại!

Thấy thái độ của chúng khô khan, tôi cũng chả buồn nói năng chi. Tôi giơ cả hai tay cho chúng hì hục khóa.

Một tên đưa tay ra hiệu tôi đi trước. Hai tên đi theo phía sau, đeo súng ngắn. Ra khỏi cổng, nhìn thấy phố “Hỏa Lò”, tôi đăm chiêu nhìn chỗ tôi đã tuột xích xe đạp, cả chỗ tôi đã ném chiếc xe và những chỗ tôi đã chạy, cách đây đã hơn 3 năm rồi. Cả một đoạn phim buổi trốn tù ngày ấy như hiện ra trước mắt tôi. Thế mà đã ba năm rưỡi rồi. Bao nhiêu là đổi thay!

Ra hết đường “Hỏa Lò”, chúng bắt tôi rẽ tay trái, đi về phía tòa án Hà Nội cũ. Từ ngày trở vào Hà Tĩnh lấy những vật dụng chôn giấu đến bây giờ, đã gần năm năm rồi, tôi mới lại nhìn thấy một góc phố phường của Hà Nội.

Một số người qua lại đưa mắt tò mò nhìn tôi, một tên tù bị khóa hai tay, đàng sau có hai tên áo vàng áp tải. Họ nghĩ gì, khi trên mảnh đất này chuyện tù đầy, gia đình nào chả có! Về phần tôi, trong tâm tư mình, tôi nhìn những người qua lại thấy thật xa lạ, như của một thế giới khác; tôi chẳng còn dính dáng gì đến những cảnh đời sống của họ; mặc dù nguyên nhân tôi phải ở trong cảnh này, có phần liên quan đến họ. Sao bây giờ xa lạ thế! Tôi nhè nhẹ buông một tiếng thở dài như để vơi đi nỗi niềm nặng chĩu trong lòng.

Khi tới cổng tòa án, chúng dẫn tôi đi tít mãi vào sâu phía trong, qua một số hành lang, tới một căn buồng nhỏ. Chúng ra hiệu cho tôi vào đó ngồi chờ. Hai tên cảnh sát đứng gác phía ngoài cửa.

Tôi ngồi, hồi tưởng lại mười mấy năm về trước. Lúc đó, vào khoảng 1953, tôi còn là một cậu bé, cùng mấy người bạn, một hôm, rủ nhau xuống tòa án xem đầu lâu người chết. Chúng tôi đã vào những căn hầm phía sau của tòa án Hà Nội, nhìn từng đống đầu lâu trắng hếu, với hàm răng nhe ra như cười, và hai hố mắt sâu hoắm, lẫn với những ống xương tay, chân xếp đầy những căn hầm. Người lớn nói rằng, đó là đầu lâu giặc Thanh cướp nước bị quân ta tiêu diệt, trong trận vua Quang Trung đại phá quân Thanh năm 1789.

Cảnh tòa án ngày ấy, so với bây giờ, chẳng hề thay đổi. Có chăng, chỉ khác tấm biển đỏ loẹt to tướng ngay phía cổng ra vào: "Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội”; và nhà cửa, tường vách rêu phong thẫm màu hơn. Tôi còn đang đầy vơi với bao nỗi niềm mới, cũ, hai tên cảnh sát đã ra hiệu cho tôi đi theo vào một căn buồng khác nhỏ hơn.

Hàng tiếng đồng hồ sau, chúng mới mở khóa tay cho tôi, rồi dẫn qua một cửa nhỏ ra một căn phòng rộng thênh thang. Trong phòng, đã có một số người ngồi sẵn từ bao giờ. Ở một góc, một tên đeo kính trắng, mặc áo “vét tông”, ngồi trong một cái khung đánh “vẹc ni” mầu cánh kiến, bóng loáng. Đối diện phía góc bên kia, cũng có một tên ngồi trong một cái khung như vậy. Như thế, tất cả có 5 tên.

Hai tên cảnh sát giong tôi vào một cái khung, cũng bằng gỗ hình cong cong; bây giờ tôi mới hiểu đó là... vành móng ngựa. Hai tên cảnh sát lùi ra phía sau, ngồi vào hai chiếc ghế đầu, cách tôi khoảng 2 mét.

Không một tiếng động, vắng lặng, nặng nề; trừ những tiếng lật trang giấy loạt soạt, tiếng cục kịch của những chân tay đụng vào bàn, tiếng tích tắc của quả lắc chiếc đồng hồ to đang chậm chạp đu đưa ở trên tường. Mấy hàng ghế dành cho khách ngồi dự trống trơn. Toàn bộ trong phiên tòa, kể cả hai tên cảnh sát và tôi, vỏn vẹn chỉ có 8 người. Chỉ riêng tôi, duy nhất, không có ghế ngồi, cứ phải đứng chơ vơ trong cái vòm khum khum hình móng ngựa.

Đột nhiên, một tiếng “cộc” khô khan của chiếc vồ nhỏ bằng gỗ, do một tên ngồi phía trái đập xuống bàn, làm rung rinh tấm hình lão râu dài treo ở trên tường, phía chính giữa. Tên đập vồ, đứng dậy dõng dạc:

- Kính thưa các đồng chí, phiên tòa đã bắt đầu. Kính mời đồng chí đại diện Công Tố Viện phát biểu.

Tên đeo kính trắng ngồi ở trong một khung gỗ đứng dậy, tay cầm một tập giấy, y hắng dặng một cái để lấy giọng trước khi đọc:

“Kính thưa đồng chí Chánh án, đồng chí đại diện Viện Kiểm Sát, đồng chí đại biểu Nhân Dân Thành Phố Hà Nội. Đứng trong vành móng ngựa là tên Đặng Chí Bình, tức v.v... và v.v... Y là tay sai của Mỹ Diệm. Y đã được Trung Ương Tình Báo của Mỹ và Ngụy quyền miền Nam đào tạo, huấn luyện công phu, rồi bí mật đột nhập vào Thủ đô Hà Nội, để thực hiện những âm mưu cực kỳ phản động, chống phá cách mạng. Nhưng, trước sự lãnh đạo tài tình của đảng, và màng lưới trăm tai nghìn mắt của nhân dân, y đã bị phát hiện và bị tóm cổ. Trông mặt y ra vẻ thư sinh,ngơ ngơ ngác ngác, nhưng y lại là một tên vô cùng nguy hiểm, suốt ngày đêm lang thang khắp mọi nơi. Ăn cơm từ mỗi bữa hai hào, đến những bữa 20 đồng. Ngủ trọ mỗi đêm từ hai hào không có màn, đến 6 đồng một đêm. Y luồn lọt chui rúc khắp hang cùng ngõ hẻm, tiếp xúc với đủ hạng người. Bị bắt rồi, y còn ngoan cố bao che đến cùng, những tội ác của Mỹ Diệm. Một lần, y đã lợi dụng sự vô tình của đồng chí chấp pháp, định đánh chết đồng chí ấy để đào thoát về Nam, v.v... và v.v...

Y đọc bài, đọc mãi, nào là phản động từ trong máu, trong xương tủy, đã ăn nhiều bơ thừa sữa cặn của đế quốc Mỹ; nào là đề nghị tòa xử đích đáng, để làm gương cho kẻ khác, v.v...

Tôi chả nhớ hết được. Y đọc hàng tiếng đồng hồ. Hai chân tôi đứng đã mỏi nhừ. Mắt tôi cứ lơ đãng, hết nhìn chiếc quả lắc đồng hồ đong đưa, lại nhìn hình tên Hồ Chí Minh. Tên cáo già này cũng đang đăm đăm nhìn tôi. Tâm trạng của tôi lúc này là, chỉ muốn nằm ngủ, còn chúng muốn xử tôi bao nhiêu, xử thế nào cũng được, mặc! Bởi điều quan trọng là, nếu chúng xử tôi công khai, có quần chúng nhân dân dự, có phóng viên báo chí quốc tế , tôi nghĩ, ai cũng sẽ như tôi, đằng nào cũng chết tàn lụi trong tay chúng; vậy, với điều kiện có thể làm được, chả ai dại gì không nói lên một số sự thật cho nhân dân và thế giới biết. Như vậy còn có một chút ý nghĩa. Tôi đã chuẩn bị một số ý từ những ngày hôm trước. Nhưng cho đến hôm nay, tôi mới hiểu là chúng xử tôi, chẳng có một người dân nào dự cả. Vậy, tôi còn quan tâm, để ý nhiều làm gì, nên mặc cho chúng sỉ vả, nhiếc mắng. Điều quan tâm là chúng đã xử sắp xong chưa, để tôi còn về chén tí cơm đã, đói và mệt rồi.

Hết tên Công Tố Viện, lại đến tên Viện Kiểm Sát Nhân Dân đứng lên để kết tội.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.