Hôm nay,  

Luật Pháp Phổ Thông

27/06/200500:00:00(Xem: 5398)
[LS Lê Đình Hồ là tác giả cuốn “Từ Điển Luật Pháp Anh Việt-Việt Anh” dày 1,920 trang vừa được xuất bản. Qúy độc giả có thể mua sách qua internet bằng cách lên Website Google (google.com) đánh máy chữ “ho ledinh”, rồi theo sự hướng dẫn của các websites.]

Hỏi (Cô Trần T.H. Nga): Tôi sống chung với người bạn trai tính đến nay đã gần 5 năm. Mặc dầu không làm hôn thú nhưng chúng tôi xem nhau như vợ chồng. Chúng tôi không có con với nhau, nhưng riêng tôi thì có một đứa con gái riêng với người chồng trước nay được 9 tuổi.
Người bạn trai của tôi rất tử tế, nhưng gần đây sinh tật bài bạc. Một hôm nọ sau khi đưa con gái tôi đến trường, anh ta trở về nhà trễ hơn thường lệ. Khi về đến nhà, anh ta cho tôi biết lý do về trễ là vì gặp người bạn đi Việt Nam về, mời đến nhà chơi và tặng cho anh ta một ít trà xanh loại đắng dùng để trị cholesterol.
Vì tôi bị cholesterol khá cao nên khi nghe có loại trà trị được bệnh thì rất thích. Thế là anh ta bèn đi pha trà và chế thêm sữa vào cho tôi. Tôi uống vào thấy quá đắng và xin thêm đường. Anh ta bỏ thêm đường cho tôi.
Sau khi uống trà chừng 15 phút thì tôi cảm thấy buồn ngủ. Tôi vào phòng nằm xem phim tập và thiếp đi hồi nào không hay. Khi tỉnh dậy thì đã xế chiều, tôi hỏi con gái tôi là ba đâu" Cháu cho biết là sau khi đón cháu từ trường về, anh ta cháu đưa cháu vào nhà và lấy xe đi tiếp. Đối với tôi dạo này chuyện anh ta đi bài bạc là chuyện thường. Tuy nhiên, khi kiểm lại túi xách thì biết được rằng tiền mặt và thẻ tìn dụng của tôi đã bị lấy mất. Tôi bèn gọi điện thoại di động cho anh ta, nhưng anh ta đã tắt điện thoại.
Thế là tôi lái xe thẳng đến club nơi mà anh ta thường đến chơi để xem anh ta có chơi kéo máy ở đó hay không" Khi đến nơi, sau một hồi tìm kiếm, tôi thấy anh ta đang bấm máy. Tôi hạch hỏi anh ta về việc cho tôi uống trà xanh và dường như có bỏ thuốc ngủ để lấy tiền và thẻ tín dụng của tôi. Anh ta chối là không làm chuyện đó. Tôi cho anh ta biết là hiện tôi còn rất buồn ngủ. Tôi dọa là sẽ gọi cảnh sát. Anh ta bèn ngưng bấm máy và yêu cầu tôi cùng về nhà.
Khi về đến nhà, anh ta thú nhận là đã có làm tất cả các chuyện đó, và yêu cầu tôi bỏ qua cho. Tuy nhiên, anh ta cho biết rằng việc bỏ thuốc ngủ vào trà là muốn cho tôi ngủ ngon chứ anh ta không hề muốn ám hại tôi.
Xin LS cho biết nếu việc làm này của chồng tôi tiếp tục tái diễn thì luật pháp có trừng phạt việc làm mờ ám này hay không"

Trả lời: Điều 39 “Đạo Luật Hình Sự 1900” (Crimes Act 1900) quy định rằng: “Bất cứ ai cố ý cho một người nào đó uống bất cứ thuốc độc hoặc chất độc dược hoặc chất gây tàn phế nào, để gây nguy hiểm cho mạng sống của người đó, hoặc để gây ra cho người đó sự đau đớn trầm trọng về thể xác, sẽ bị phạt tù 10 năm.” (Whosoever maliciously administers to . . . any person, any poison or other destructive or noxious thing, so as to endanger the life of such person, or so as to inflict upon such person grievous bodily harm, shall be liable to imprisonment for ten years).
Trong vụ R v. Weatherall (Chính quyền truy tố Weatherall) [1968] Crim LR 115. Trong vụ đó, W [Weatherall] bị cáo buộc về tội cho người khác uống chất độc dược. “W đã bỏ 2/3 viên thuốc ngủ vào tách trà và đưa cho vợ ông ta uống. Vợ ông ta uống một hớp nước trà và đã than phiền về vị đắng của trà.” (W put two-thirds of a sleeping tablet into a cup of tea and gave it to his wife to drink. His wife took one gulp of the liquid and complained of its bitter taste).
Bà ta đã đưa ra bằng chứng rằng chỉ cần tưởng tượng về điều đó cũng đã làm cho bao tử của bà khó chịu trong ngày hôm đó và ngày sau đó.
Bằng chứng y khoa liên hệ đến lượng thuốc uống cho biết rằng “liều lượng bình thường” (a normal dose) của loại thuốc này là từ 2 đến 3 viên, và rằng lượng thuốc mà người chồng cố ý cho người vợ uống chỉ có ảnh hưởng làm cho bà ta ngủ ngon thôi. Loại thuốc này có vị rất đắng nhưng không gây thiệt hại về thể chất nào cho người vợ mặc dầu có thể gây ra “chấn động tâm lý” (psychological shock) nếu bà ta uống loại trà có bỏ thuốc ngủ này.


Người chồng giải thích lý do ông bỏ thuốc ngủ vào trà cho vợ uống vì ông muốn bà ta ngủ say để ông ta có thể lục xách tay của bà với hy vọng sẽ tìm ra những lá thư mà ông ta nghĩ là có thể chứng minh rằng vợ của ông đã phạm tội thông gian.
Tòa đã tha bổng cho người chồng vì không đủ bằng chứng để chứng minh rằng thuốc mà người chồng cố ý cho người vợ uống là thuốc độc, cũng như không có đủ bằng chứng để cho rằng người chồng có ý định gây ra sự thiệt hại trầm trọng về thể chất.
Trong vụ R v. Marcus [1981] 2 All ER 833. Trong vụ đó, vài ngày trước ngày 15.5.1978 gia đình Laskey để ý và cảm thấy có gì khác lạ ở trong sửa. Thoạt tiên họ than phiền với người đưa sữa, nhưng cuối cùng họ nghi ngờ và đã báo cho cảnh sát, rồi trao cho cảnh sát một chai sữa vào ngày 12.5.78.
Vào ngày 15.5.78 cảnh sát bắt đầu “theo dõi” (to keep watch). Thoạt tiên cảnh sát thấy bị cáo cùng mấy đứa trẻ ở trong khoảng sân ở giữa nhà của bị cáo và nhà của Laskey. Vào lúc 8 giờ 40 sáng, người giao sữa giao hai chai sữa trong cái giỏ và để tại cửa sau nhà của Laskey. Vào lúc đó thì gia đình của Laskey đã rời nhà. Cảnh sát núp trong căn phòng dưới lầu và thấy bị cáo chạy vội đến cổng sau nhà của Laskey lấy 2 chai sữa rồi đi vội trở lại vào nhà của bị cáo. Không lâu sau đó, bị cáo đã mang 2 chai sữa và để lại chỗ cũ ngay cổng sau nhà của Laskey.
“Chuyên viên chất độc” (toxicologist), được triệu thỉnh và đã đưa ra bằng chứng rằng chai sữa ngày 12.5 có chứa “thuốc tẩy gia dụng” (household detergent), nhưng lượng thuốc tẩy không đủ mạnh để gây thiệt hại. Vì thế, không thể truy tố bị cáo về trọng tội được.
Tuy nhiên, hai hóa chất phân tích thấy trong các chai sữa ngày 15.5 là những loại hóa chất nổi tiếng để chế biến thuốc ngủ, và lượng thuốc được đổ vào sữa lên đến hơn một phân tính từ đáy bình. Liều lượng này gấp 3 đến 4 lần liều lượng bình thường.
Liều lượng này có thể gây nguy hiểm cho bất cứ ai điều khiển máy móc hoặc lái xe.
Vị thẩm phán tọa xử đã đưa ra lời hướng dẫn cho bồi thẩm đoàn rằng: tùy quý vị định đoạt về sự kiện và mức độ, cũng như liệu loại thuốc được bỏ vào sữa có phải là loại độc dược hay không" Bị cáo đã bị kết tội và bèn kháng án.
Bị cáo cho rằng loại thuốc bỏ vào sữa không phải là loại thuốc độc theo định nghĩa của đạo luật, vì thực chất của loại thuốc đó vô hại, và không thể xem như là độc dược với lý do là vì bị cáo đã bỏ quá liều lượng vào sữa. Hơn nữa thuật từ “noxious” (độc, hại) trong đạo luật muốn ám chỉ về việc gây thiệt hại cho sức khỏe của thể chất, nhưng không bao hàm “sự suy yếu về khả năng” (impairment of faculties).
Tuy nhiên Tòa Kháng Án đã bác đơn kháng án vì cho rằng nghĩa của thuật từ “noxious” không chỉ bao gồm những chất gây ra sự thiệt hại cho sức khỏe của thể xác, nhưng dù thế nào đi nữa, bằng chứng được đưa ra trước bồi thẩm đoàn cho thấy, lượng thuốc ở trong sữa có khả năng gây ra thiệt hại cho sức khỏa của thể chất vì chúng có thể gây nguy hiểm và cho bất cứ ai điều hành các công việc bình thường khi năng lực của họ đã bị suy nhược do các chất thuốc này gây ra.
Dựa vào luật pháp cũng như các phán quyết vừa trưng dẫn bà có thể thấy được rằng việc chồng bà cố ý cho bà uống thuốc ngủ trong trường hợp bà nêu trong thư là một tội phạm hình sự nghiêm trọng. Nếu bị truy tố có thể bị án phạt tù.
Tuy nhiên, đây là sự sai phạm thuộc nội bộ của gia đình. Việc ông ta có bị truy tố hay không là do quyết định của bà. Nếu bà báo cho cảnh sát biết chuyện này thì chắc chắn chồng của bà sẽ bị truy tố theo tội trạng được quy định trong điều 39 của Đạo Luật Hình sự như đã được đề cập ở trên.
Tuy nhiên, sự truy tố này chắc chắn sẽ làm gãy đổ tình cảm và hạnh phúc lứa đôi. Tôi đề nghị là bà nên khuyến cáo ông chồng của bà, và nên để cho ông ta một cơ hội hối cãi, và trở lại thành một tình nhân tốt như những ngày tháng đầu gặp gỡ.
Nếu bà còn thắc mắc xin điện thoại cho chúng tôi để được giải đáp thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.