Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Thành Bại Của Ông Vua Nhà Trẻ

11/03/200800:00:00(Xem: 2123)

LGT: Tuần qua, cả nước Úc xôn xao với tin ông vua nhà trẻ Eddy Groves, chủ nhân kiêm tổng giám đốc ABC Learning (công ty giữ trẻ lớn nhất thế giới) bị chủ nợ buộc phải bán phân nửa số cổ phiếu họ đang nắm giữ của công ty mà hai vợ chồng anh khổ công gầy dựng từ con số không. Là người từng được tạp chị Business Review Weekly xếp hạng là người trẻ giầu có thứ nhì ở nước Úc trong danh sách BRW Young Rich hồi cuối năm ngoái (2007), nay anh và vợ cùng hai thành viên khác của hội đồng quản trị công ty đã phải bán 26,9 triệu cổ phiếu, trị giá $52 triệu Úc Kim, vì công ty bị chủ nợ đòi gắt gao sau khi lợi tức của năm ngoái bị giảm hơn 42% so với năm trước. Chuyện công ty có vẻ không đủ khả năng trả nợ đã khiến cho giá trị của công ty bị suy sụp hơn 75%, chỉ còn $2.14 một cổ phần và công ty phải xin ASIC tạm đình hoãn buôn bán cổ phiếu của công ty trong một thời gian ngắn để họ có thể thu xếp tài chánh, tìm mối bán bớt số nhà trẻ của công ty ở những quốc gia khác trên thế giới, hoặc tìm kẻ mua lại cổ phần của công ty. Sau đây, xin mời qúy độc giả theo dõi bản lược dịch bài báo Fast Eddy Hits The Wall của ký giả Andrew Fraser, chủ nhiệm văn phòng Brisbane của nhật báo The Australian, được đăng trên báo này hôm Thứ Sáu 29/2/08, để biết thêm về những thăng trầm trong sự nghiệp của một tay doanh nhân trẻ tuổi kiệt xuất của Úc, được lắm người ưa mà cũng không ít kẻ ghét.

*

Người ta gọi anh với biệt danh “Eddy Nhanh Lẹ” (Fast Eddy): vì anh quả thật có quá nhiều món đồ chơi mà chỉ có ông chủ bự mới có: phản lực cơ cá nhân, máy bay trực thăng để di chuyển vòng vòng, một cặp xe Ferraris, lô đất thượng hạng ở Gold Coast, chủ quyền của một đội banh lừng danh....
Thế nhưng, nếu nói rằng Eddy Groves chỉ là một doanh nhân Gold Coast với một mặt hàng ngộ nghĩnh thì có lẽ là một sự sai lầm to lơn. Trên thương trường, viễn kiến cá nhân của một người có thể tưởng tượng ra cả một thế giới mà nhiều người khác không hề nghĩ đến, sẽ bị người khác xem như là một trò lường gạt lưu manh xảo trá.
Trong vòng gần phần tư thế kỷ trên thương trường, người cựu thu ngân ngân hàng, kẻ từng kiếm sống bằng nghề giao sữa tươi cho các cửa tiệm góc phố, đã vượt lên để trở thành ông vua nhà trẻ của thế giới, với 1,000 trung tâm giữ trẻ ABC Learning ở Úc, 1,000 trung tâm nữa ở Hoa Kỳ và 100 trung tâm ở Anh cùng 100 trung tâm ở Tân Tây Lan.
Thế nhưng Eddy Groves luôn luôn khiến người ta có hai thái độ đối với anh: ghét bỏ hoặc mến phục. Lý do chính là vì tính tình của anh. Anh là một người cứng rắn, trâng tráo, nói thẳng không cần suy nghĩ, không e ngại làm phật lòng ai cả. Anh biết rất rõ mình là một người thành công và không ngần ngại nhắc cho người ta biết điều đó.
Thế nhưng, trong tuần này, gia đình họ Groves đã bị mất một khoản tiền lớn. Không phải chỉ trên giấy tờ thôi, mà là mất tiền thật sự. Anh phải bán đi 8 triệu cổ phiếu trong lúc vợ anh, chị Le Neve bị buộc phải bán tháo bán đổ 11 triệu cổ phiếu. Tất cả số cổ phiếu này bị bán với gía vỏn vẹn là $1.85 một cổ phiếu, trong khi trước đó một tuần thì mỗi cổ phiếu trị giá $4.03.
Số 19 triệu cổ phiếu bị bán tống bán tháo mang về cho vợ chồng Eddy một khoản tiền là $35.5 triệu Úc Kim. Nếu họ bán cùng số cổ phiếu này ở cái giá của một tuần trước đó thì họ sẽ thu được $76 triệu Úc Kim. Như vậy, chỉ trong vỏn vẹn một tuần lễ, họ bị mất $40 triệu.
Sự tuột dốc thảm hại này là hậu quả của dự án phát triển quá hung hăng mạnh bạo của Eddy. Công ty hiện đang mang một số nợ là $1.8 tỷ Úc Kim và bị ảnh hưởng nặng nề từ vụ khủng hoảng “subprime” ở Hoa Kỳ, vì phần lớn tài sản của công ty đều là địa ốc.
Thế nhưng, trước khi chúng ta tỏ lòng thương hại cho vợ chồng anh thì chúng ta nên nhớ rằng họ vẫn còn $35 triệu trong ngân hàng!
Eddy Groves, 42 tuổi, chào đời ở Nam Phi và đến Úc khi lên 4 tuổi. Gia đình anh định cư tại khu ngoại ô phía Bắc Brisbane. Anh hoàn tất trung học tại trường Công Giáo Padua College năm 1983. Theo sự thú nhận của chính anh thì trong suốt những năm ở trung học, anh thường xuyên là một kẻ phá phách, chuyên chọc cười bạn bè hơn là một cậu học sinh chăm học.
Sau đó, trong lúc làm việc toàn thời gian tại một văn phòng kế toán thì Eddy theo học môn kế toán tại Học Viện Kỹ Thuật Queensland (Queensland Institute of Technology - QIT). Khi khám phá thâu ngân viên học nghề được ngân hàng trả lương cao hơn mức lương anh đang lãnh đến $50 một tuần thì Eddy nghỉ việc và xin vào làm cho ngân hàng ANZ.
Đến năm 1985, khi mới 19 tuổi đầu, anh vay mượn ngân hàng $27,000 để mua xe giao sữa, mang sữa từ kho chứa hàng giao cho siêu thị cùng những quán tạp hoá góc phố. Trong suốt một năm, mỗi ngày anh giao sữa từ 3g30 sáng đến 7g30 sáng, rồi sau đó đi làm tại ngân hàng vào ban ngày và đêm đến thì đi học ở QIT.
Từ công việc giao sữa, mỗi tuần anh thu nhập được $750, nhiều gấp bội tiền lương thâu ngân viên ngân hàng, và vì thế, anh tiếp tục phát triển địa bàn giao sữa của mình. Thương nghiệp của anh bốc cao khi anh ký được hợp đồng với công ty cung cấp sữa Pauls để độc quyền giao sữa suốt khu vực Đông Nam Queensland. Anh từng tuyên bố rằng dạo ấy, mỗi ngày anh giao 20 triệu lít sữa.
Trong thập niên 1980, anh Eddy cũng thành lập được một mối quan hệ bền vững nhất trong đời khi anh gặp chị Le Neve Mallett, cũng là sản phẩm của nền giáo dục Công Giáo phía Bắc Brisbane như anh. Cha mẹ của chị cũng là chủ nhân của một trung tâm giữ trẻ ở Zillmere, Bắc Brisbane.
Năm 1988, sau khi họ thành hôn với nhau thì vợ chồng Eddy khai trương trung tâm giữ trẻ đầu tiên của họ ở Ashgrove, ngoại thành Brisbane. Họ đã chớp được thiên thời và địa lợi đặc biệt cho người muốn hoạt động trong ngành giữ trẻ.
Queenland lúc ấy không những chỉ là một tiểu bang đang phát triển mạnh mẽ mà những người từ các tiểu bang khác dọn về đây sinh sống lại là những cặp vợ chồng trẻ bơ vơ lạc lõng, không có mạng lưới bà con thân thuộc ở địa phương, và vì thế, cần tìm được những nơi giữ trẻ gần nhà, với giá cả phải chăng.
Anh eddy làm việc siêng năng, nhưng đồng thời anh cũng ăn chơi xả láng. Sòng bạc Jupiter ở Gold Coast khai trương năm 1985 và anh nhanh chóng trở thành một cây bạc thường xuyên ở bàn xì dách (black jack).
Trong những năm đầu của thập niên 1990, Eddy dần dần xây dựng thương nghiệp giao sữa cùng giữ trẻ của mình để rồi, đến năm 1992, khi mới vừa 25 tuổi, anh đã hoàn tất được kỳ vọng của mọi doanh nhân trẻ tuổi: anh trở thành một nhà triệu phú. Điều này thay đổi cả cuộc đời anh.


Năm 1998, anh kể: “Bước ngoặc xảy đến cho tôi khi tôi rao bán hai trung tâm giữ trẻ, và trong suốt 6 tuần lễ liên tiếp, tôi liên tục tự nhủ rằng một khi bán được hai trung tâm ấy thì tôi sẽ có được 1 triệu Úc Kim tiền mặt nằm trong trương mục của tôi. Sau khi hai trung tâm được bán đi, tiền được chuyển vào trương mục. Tôi chuyển tiền sang một trương mục khác rồi về nhà, ăn một cái pizza, nằm phịch xuống ghế salông xem một cuốn phim. Cuộc đời của tôi chả có gì khác lạ cả. Vì một lý do nào đó tôi nghĩ rằng nó sẽ thay đổi, nhưng chả có gì thay đổi cả. Từ đó, tôi nghĩ, có lẽ tiền không phải là mục đích chính. Mục đính chính phải là xây dựng nên một cái gì đó. Vì thế, tôi dồn tiền vào việc xây dựng thêm nhiều trung tâm giữ trẻ”.
Đến khoảng cuối thập niên 1990 thì Eddy có nếp sống hào nhoáng hơn là chỉ ngồi thui thủi một mình ở nhà, ăn pizza và xem truyền hình. Anh chạy vòng vòng Brisbane trong một chiếc Ferrari đỏ tươi và quả thật anh là một hình dáng khó quên với mái tóc vàng bồng bềnh, với cách trang phục rất hợp thời trang và một đôi bốt da đà điểu.
Đến năm 1997, anh khiến cho nhiều người sững sờ chú ý khi anh tung bộn tiền để mua một số kỷ vật đánh golf trong một cuộc đấu giá gây qũy từ thiện được tổ chức ở khách sạn Hilton ở Brisbane. Anh bỏ ra $100,000 Úc Kim để mua cây gậy có bao bọc cẩn thận của tay cầu thủ trứ danh Greg Norman, có chữ ký tặng của chủ nhân cùng với đôi găng tay mà ông này từng mang. Anh cũng hiện thực hoá một giấc mơ của mình: mua đứt đội banh bóng rổ Brisbane Bullet. Trong khi anh không phải là mọt người cao lắm, nhưng Eddy thỉnh thoảng thích chơi bóng rổ. Và khi anh biết được về những khó khăn tài chánh mà đội banh Brisbane Bullet phải đối phó, anh bèn đưa ra một đề nghị thật thích hợp cho thương nghiệp của anh.
Công ty cung cấp sữa Pauls – công ty mà anh đã từng có hợp đồng giao sữa thuở xưa – đã là công ty bảo trợ cho đội banh Bullets rồi, nhưng anh thấy đấy là một cơ hội hãn hữu có thể kết hợp thật nhịp nhàng với những trung tâm giữ trẻ của anh. Vào thời điểm ấy, anh từng tuyên bố: “Đi xem đội Bullet tranh tài quả thật là một cuộc đi chơi kỳ thú cho cả gia đình. Tôi sẽ tặng vé cho nhiều gia đình. Quả thật là một phương cách thần tiên để chấm dứt một tuần làm việc mệt nhọc. Cả cha lẫn mẹ đều đi làm. Họ bị mệt nhọc cả tuần. Chúng tôi tặng họ một món quà thật vĩ đại: một đêm đi chơi thoải mái với con cái họ. Những cái vé ấy sẽ không phải là vé chùa. Tôi sẽ mua vé và tặng lại cho các gia đình của tôi. Thế nhưng, quý vị phải là một gia đình của ABC thì mới có thể lấy vé”.
Đến khoảng cuối thế kỷ 20 thì anh Eddy đã có được khoảng 40 trung tâm giữ trẻ ở Queensland và Victoria và đã sẵn sàng cho bước tiến kế tiếp: cổ phần hoá công ty để có vốn phát triển thật mạnh bạo trong tương lai, như anh đã từng hình dung và hoạch định.
Eddy chưa bao giờ thân mật với giới đại thương. Anh không xuất thân từ một gia đình có tăm tiếng và trường học cũ của anh cũng không giúp cho anh có được những mối quan hệ với giới luật gia hoặc giới chứng khoán. Vì thế, anh không tìm đên các công ty môi giới chứng khoán lớn và lâu đời ở Brisbane như Wilson HTM, ABN Amro Morgan để cổ phần hoá công ty của mình mà anh lại sử dụng một công ty nhỏ, có đại bản doanh ở Melbourne là Austock để gầy một số vốn là $8.6 triệu Úc Kim qua việc phân phát 4.3 triệu cổ phiếu, mỗi phiếu trị giá $2 Úc Kim.
Thế nhưng, Eddy biết rất rõ về gía trị của những mối giây liên hệ quan trọng. Và vì thế, trong vai trò chủ tịch hội đồng quản trị của công ty, anh đã mời bà Sallyanne Atkinson, cựu thị trưởng Brisbane, thuộc đảng Tự Do, vào hội đồng quản trị của công ty ABC Learning. Trong lúc bà Atkinson là một người có nhiều kinh nghiệm và nhiều sự khả tín trên thương trường qua vai trò thành viên hội đồng quản trị của các công ty như Australian Provincial Newspapers và công ty xây cất AbiGroup, nhưng chính những mối quan hệ của bà với đảng Tự Do mới thật sự đem lại nhiều lợi ích cho công ty.
Eddy trở thành một người yểm trợ tài chánh thật hậu hĩ cho phe Liên Đảng. Và mối quan hệ đã được trở nên vững chãi hơn nữa khi ông Larry Anthony tham gia vào HĐQT của ABC Learning sau khi ông mất ghế dân biểu năm 2004. Ông Anthony từng nắm giữ chức vụ tổng trưởng dịch vụ cộng đồng kiêm tổng trưởng thiếu nhi và thanh thiếu niên sự vụ của chính phủ Howard.
Ông Anthony vì thế có kinh nghiệm trong hai lãnh vực có trách nhiệm kiểm soát và hoạch định chính sách về dịch vụ giữ trẻ. Chính phủ Howard đã rất ân cần với ABC Learning, thay đổi phương cách mà tiền trợ cấp lệ phí giữ trẻ được trả khiến cho gần phân nửa tổng số lợi tức thu nhập củacông ty này ở Úc là tiền trợ cấp trực tiếp từ chính phủ!
Mô hình hoạt động phát triển hung hãn mạnh bạo của Eddy đã giúp cho ABC nuốt trửng hầu hết các công ty cạnh tranh và trị giá cổ phiếu của công ty vọt lên đến $8.80 trong khoảng cuối năm 2006. Khi công ty được cổ phần hoá năm 2001 thì mỗi cổ phiếu trị giá $2 và từ đó đến nay, mỗi cổ phiếu được chia làm tư. Vì thế, một cổ phiếu nguyên thuỷ trị giá $2 Úc Kim năm 2001 tính ra trị giá $35.20 trong khoảng cuối năm 2006.
Chính những con số như trên đã biến Eddy thành một ông hoàng của kỹ nghệ giữ trẻ. Nhưng kỹ nghệ này lại không thực sự điều chỉnh cho hợp với mô hình của ABC, bởi vì vẫn còn nhiều người cho rằng giữ trẻ phải được điều hành như một dịch vụ, chứ không phải một cơ sở thương mại kiếm lời.
Kỹ nghệ này từ xưa đã không xoay quanh mức lời lỗ, thu nhập trước thuế, sau khi khấu trừ nợ nần, giảm trái, chiết cựu.v.v. Đa số nhân viên không thích phải thương lượng hợp đồng với chủ nhân hoặc thương lượng về phương hướng sự nghiệp của họ. Phần lớn họ chỉ thích trông chừng trẻ con, thế thôi.
Nữ ký giả Elizabeth Wynhausen của nhật báo The Australian từng ghi nhận kinh nghiệm của những người giữ trẻ này như sau: “ABC Learning nhét một vài người giữ trẻ trẻ tuổi vào chung một phòng với 3 tay giám đốc của công ty trước khi chìa ra hợp đồng cá nhân. Chiếu theo những điều khoản trong hợp đồng này thì những nhân viên phải lãnh lương giờ ở mức tối thiểu là $13.30 Úc Kim bị buộc phải đồng ý tự trả tiền lệ phí kiểm tra lý lịch cho cảnh sát, tự trang trải chi phí học cấp cứu First Aid và phải trả tiền mua đồng phục từ công ty”.
Công ty đã cố hết sức để đánh tan nhận xét như thế. Trong những buổi đại hội thường niên thì bộ tam đầu chế Atkinson, Eddy và Le Neve chia đều công tác với bà. Bà Atkinson thuật lại vài câu chuyện khôi hài về việc bà là bà nội, trước khi Eddy làm hoa mắt cổ đông viên với những con số thống kê về tài chánh, về thành công trong quá khứ của công ty cũng như tương lai sáng lạn cuả nó. Tiếp theo đó thì chị Le Neve thuật lại những mẩu chuyện cho thấy nhân viên của công ty cố hết sức để chăm sóc cho trẻ em thật kỹ càng. Và mặc dù những câu chuyện như thế khả dĩ làm các tay phân tích tài chánh thấy nhàm chán tột bực, nhưng chúng tạo nên một bộ mặt thật là người để thích hợp với một kỹ nghệ thực sự dựa trên mối quan hệ giữ con người với con người.
Thế nhưng, đi đêm mãi có ngày gặp ma, và rất nhiều người từ những cơ sở tài chánh của Úc đều không cảm thấy buồn bực tí nào khi thấy Eddy Groves gặp khó khăn như hiện nay.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.