Hôm nay,  

Viết Để Chịu Tội

24/02/200800:00:00(Xem: 6777)

Bìa sách cũ. Cuốn sách được Cộng Sản treo trong "Nhà triển lãm tội ác Mỹ Nguỵ" và tác giả đi tù.

Tôi được sinh ra ở Huế, lớn lên với Huế, nhưng khi trưởng thành đã rời gia đình, bỏ thành phố và ra đi biền biệt.

Trước Tết Mậu Thân 1968, hôm 23 tháng chạp năm Mùi, đang cùng chồng con cúng ông táo, tôi bỗng nhận được điện tín từ Huế: “Về ngay. Ba hấp hối.”

Với một gói hành lý vội vàng, đứa con hư của gia đình và thành phố là tôi đã trở lại Huế để chịu tang người cha thân yêu. Và  rồi như bao người khác, đã phải chịu luôn cái tang lớn cho cả thành phố, khi biến cố tết Mậu Thân bùng nổ.

Sau cả tháng dài lặn lội trong địa ngục Huế, khi sống sót trở vềSàigòn, tôi đã thao thức mãi về việc phải thắt một giải khăn sô cho Huế, phải viết một hồi ký về những ngày giờ hấp hối của Huế. Nhưng thời sự những ngày sau biến cố Tết Mậu Thân ồn ào quá, bên cạnh cơn khóc than vật vã của Huế, người ta còn bận bịu với việc khai thác những chi tiết ly kỳ của chiến cuộc, những thành tích chiến thắng trên tro tàn. Thật chưa phải là lúc viết ra những sót sa, tủi nhục, tuy tầm thường nhất, nhưng cũng lại là sâu sắc nhất của một thành phố hấp hối.

Chính vì vậy mà sau khi phác họa một vài nét đại cương trên nhật báo Sống hồi ấy, mặc dù được tòa soạn yêu cầu tiếp tục và sau đó được nhiều nhà xuất bản thúc dục, tôi cũng đã cố gắng ngưng lại. Phải ngưng lại, để nếu không nghiền ngẫm được kỹ hơn, thì ít ra cũng tách rời được những hậu ý xô bồ của thời cuộc, để chờ đợi một giây phút yên lặng hơn, trầm tĩnh hơn, khi viết về Huế.

Thời gian chờ đợi ấy, đến nay, đã gần hai năm qua. Hai năm, hài cốt nhiều ngàn dân Huế bị tàn sát, vùi nông ở bờ  bụi, vứt bỏ xuống đáy sông đáy suối, đã được thu nhặt dần. Những nấm mồ tập thể đã tạm thời xanh cỏ. Những nền nhà đổ nát đã tạm thời dựng lại. Cơn khóc than vật vã của Huế, những tiếng nói xô bồ về Huế, đã lắng đọng dần.

Đây, chính là lúc chúng ta có thể cùng nhau thắt lại giải khăn sô, đốt lại nén hương nhỏ trong đêm tối mênh mông của chiến tranh và tang tóc, để hồi tưởng về Huế.

Nhiều loạt súng đạn, nhiều loại tang tóc, đã đổ xuống đầu Huế. Dù do đâu đi nữa, thì cái tội tàn phá và tàn sát. ấy đã diễn ra trong thời đại chúng ta và chính thế hệ chúng ta phải lãnh phần trách nhiệm.

Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đoan, một cô bạn học cùng lớp với tôi ngày nào, đang ngồi trên ghế đại học ở Saigon, bỗng về Huế, đeo băng đỏ nơi tay, dắt súng  lục bên hông, hăng hái đi lùng người này, bắn người khác, để trở thành một nữ hung thần trong những ngày tang tóc của Huế.

Chính trong thế hệ chúng ta đây, đã có Đắc, một sinh viên trẻ trung, hăng hái. Thời trước Đắc làm thơ, Đắc tranh đấu, rồi bỏ ra khu. Để rồi trở lại Huế với những phiên tòa nhân dân, kêu án tử hình hàng loạt người, rồi cho đào một cái hố, bắt một bạn học cũ có xích mích từ trước ra đứng bên hố, để xử tử. Cậu bạn của Đắc, tên Mậu Tý, dơ cái băng đỏ dấu hiệu giải phóng quân lên cao, lạy van Đắc “Em lạy anh. Bây giờ em theo các anh rồi mà. Em có mang băng đỏ rồi mà. Cách mạng muôn năm…Hồ Chủ Tịch muôn năm.” Nhưng mặc dầu Mậu Tý lạy lục, hoan hô, súng vẫn nổ vào người bạn nhỏ.

Chính trong thời đại chúng ta đây, đã có từng đoàn người, hàng trăm người, cha có, sư có, già có, con trẻ có, mỗi người cầm một lá cờ trắng để ra dấu đầu hàng bất cứ phe nào, đi thất thểu trong một thành phố đầy lửa cháy. Cứ như thế chạy ngược chạy xuôi, cho đến khi gục ngã gần hết.

Cũng chính trong thời đại chúng ta, ngày thứ hai mươi mấy trong cơn hấp hối của Huế, đã có một con chó nhỏ kẹt giữa hai lằn đạn, chạy ra sủa bâng quơ ở bên bờ sông Bến Ngự. Con chó thành mục tiêu đùa rỡn cho những mũi súng hờm sẵn từ bên kia sông. Họ bắn cho con vật khốn khổ sợ hãi rơi xuống sông. Rồi lại bắn vào những bờ sông mà con chó nhỏ đang lóp ngóp bơi vào. Những phát súng đùa cợt không cố tình bắn chết con chó nhỏ, mà chỉ có trêu chọc con chó chới với giữa giòng nước, để có chuyện đùa chơi với máu lửa. Thành phố Huế, và có lẽ cả quê hương khốn khổ của chúng ta nữa, có khác gì thân phận của con chó nhỏ đã chới với giữa dòng nước ấy. Thế hệ chúng ta, cái thế hệ ưa dùng những danh từ đẽp đẽ phô trương nhất, không những chúng ta phải thắt một giải khăn sô cho Huế, cho quê hương bị tàn phá, mà còn phải chịu tội với Huế, với quê hương.

Nhân ngày giỗ thứ hai của Huế Tết Mậu Thân sắp tới, xin coi "Giải Khăn Sô Cho Huế" như một bó nhang đèn góp giỗ. Mời bạn, chúng ta cùng thắp đèn, châm nhang.

Saigon, năm Dậu, 1969.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.