Hôm nay,  

Phỏng Vấn: Ông Nguyễn Văn Thanh, Chuyên Viên Cố Vấn Dịch Vụ Mensline Australia

29/01/200800:00:00(Xem: 2211)

LGT: Do những dị biệt về văn hóa, phong tục, tập quán,... người Việt đã phải vượt qua nhiều khó khăn trong tiến trình định cư và hội nhập thành công vô xã hội Úc. Đặc biệt, người đàn ông Việt Nam, từ một xã hội có cả ngàn năm "trọng nam khinh nữ", "phu xướng phụ tuỳ", khi định cư ở Úc, một xã hội có truyền thống tôn trọng quyền tự do cá nhân và chăm lo cho phụ nữ trẻ em, họ đã gặp những trở ngại bất ngờ, dẫn đến những khủng hoảng về tâm linh, thậm chí có những trường hợp trở thành nạn nhân của những vụ bạo hành trong gia đình, mà họ không hề biết tìm đường giải thoát. Để có thể giúp quý độc giả hiểu rõ hơn những góc cạnh mới lạ quanh vấn đề bạo hành trong gia đình, nạn nhân là nam giới thay vì nữ giới, cùng vai trò quan trọng và cần thiết của dịch vụ Mensline Australian, sau đây, Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn Ông Nguyễn Văn Thanh (Ô. NVT), một người rất gần gũi, tích cực và có uy tín trong các sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Úc, và hiện là Chuyên viên Cố vấn Dịch vụ Mensline Australia.

*

SGT: Là người Úc gốc Việt, đồng thời là chuyên viên cố vấn về đời sống tình cảm, an sinh, xã hội, ông thấy có những khác biệt quan trọng nào giữa người Úc với người Việt"
Ô. NVT: Thưa sự khác biệt quan trọng nhất giữa người Úc với người Việt là vấn đề văn hóa. Người Úc tôn trọng tự do cá nhân. Người Việt chúng ta, mặc dù nhiều người đã sống trên đất Úc trên 20 năm, nhưng truyền thống gia đình vẫn là điều quan trọng. Từ sự khác biệt đó, lại phải sống trong xã hội tôn trọng tự do cá nhân, nên nhiều người trong chúng ta đã trở thành nạn nhân của sự khác biệt này.

SGT: So với các cộng đồng khác tại Úc, vấn đề bạo hành trong gia đình có nghiêm trọng trong cộng đồng Việt Nam không, thưa ông"
Ô. NVT: Thưa vấn đề bạo hành trong gia đình xảy ra trong tất cả các cộng đồng, với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Nhưng mỗi cộng đồng lại có những hình thức bạo hành, hoặc có cái nhìn về bạo hành khác nhau. Thông thường chính phủ dựa trên các con số báo cáo các vụ bạo hành trong gia đình để đánh giá sự nghiêm trọng xảy ra với mỗi cộng đồng. Riêng với cộng đồng Việt Nam, vấn đề bạo hành trong gia đình đã bị coi là nghiêm trọng vì có nhiều lý do khác nhau. Thí dụ như càng ngày càng có nhiều nữ giới được hướng dẫn biết về vấn đề bạo hành trong gia đình là không thể chấp nhận trong xã hội này, họ được khuyến khích nói ra để được giúp đỡ. Do đó con số báo cáo về bạo hành trong nữ giới tăng lên. Nhiều nam giới Việt Nam không am hiểu luật pháp, không hiểu về những hình thức bạo hành trong gia đình, hoặc không coi trọng luật pháp nên dễ bị mắc vào tội bạo hành trong gia đình. Theo bản nghiên cứu về Cờ Bạc liên hệ đến Bạo Hành trong Cộng Đồng Việt Nam của cô Diana Trần (Tran, 1999) thì cờ bạc cũng là một lý do gây nên những vụ bạo hành trong các gia đình Việt Nam. Gần đây, những cuộc hôn nhân bảo lãnh người từ Việt Nam sang cũng tạo nên con số đáng kể về những vụ bạo hành trong gia đình.

SGT: Là cố vấn cho nam giới (Mensline Australia), ông có thấy nhiều nam giới là nạn nhân của bạo hành trong gia đình"
Ô. NVT: Thưa thông thường thì nạn nhân nam giới không nói ra, không báo cáo nên khó biết được. Tuy nhiên, qua dịch vụ đường dây điện thoại dành riêng cho nam giới, chúng tôi được biết có rất nhiều nam giới là nạn nhân của bạo hành trong gia đình.

SGT: Thưa ông, khi phụ nữ là nạn nhân của bạo hành trong gia đình thường họ bị nam giới hành hạ, đánh đập, chửi bới. Vậy khi nam giới là nạn nhân của bạo hành trong gia đình thì hình thức bạo hành đối với họ như thế nào"
Ô. NVT: Trước hết phải nói về hình thức bạo hành trong gia đình. Bạo hành trong gia đình có rất nhiều hình thức khác nhau như, dùng bạo lực (Physical abuse): hành hung, đập phá đồ đạc, đánh con để đe dọa, hoặc đánh chó, đá mèo gây sự sợ hãi cho nạn nhân; Lạm dụng tình dục (Sexual abuse): đòi hỏi tình dục khi người bạn đời không muốn, hoặc đòi hỏi những kiểu ái ân mà họ không muốn tham dự; Xúc phạm về tình cảm (Emotional abuse): phê bình, chê bai, chỉ trích, hạ nhục, làm xấu hổ, làm bẽ mặt người bạn đời trước mặt bạn bè hoặc thân nhân, hay hăm dọa nạn nhân hoặc những người thân của nạn nhân nếu không nghe lời; Lạm dụng về tài chánh (Financial abuse): giữ hết tiền bạc hoặc kiểm soát tiền bạc của người bạn đời, từ chối không cho tiền, dùng tài chánh để gây áp lực bắt nạn nhân phải nghe theo mình; Theo dõi (Stalking): lén lút theo dõi hoặc quanh quẩn ở chung quanh nhà hoặc nơi làm việc của người bạn đời với mục đích theo dõi; Quấy nhiễu hoặc làm sợ hãi (Harassment – Intimidation): bắt nạt, hăm dọa giết hoặc làm hại những người thân nếu không nghe lời.
Đặc biệt, hàng loạt những lạm dụng về liên hệ xã hội (Social abuse) hay xảy ra trong cuộc sống, vẫn tưởng là bình thường, cũng được coi là bạo hành, như cấm đoán không cho liên lạc với thân nhân, bạn bè; không bằng lòng cho thân nhân, hoặc bạn bè đến nhà thăm; khóa cửa không cho đi ra ngoài; kiểm soát khi gọi điện thoại, hoặc kiểm soát giấy trả tiền điện thoại; cấm đoán không cho tham dự các nghi lễ tôn giáo, cầu nguyện; cách ly người bạn đời với những người thân, bạn bè hoặc những người có cùng chung một nền văn hóa. Thí dụ có những người muốn giữ vợ, không muốn vợ liên lạc với bạn bè hoặc những người thân sợ vợ bị xúi bẩy, bắt vợ về sống ở những vùng quê xa xôi để vợ không liên lạc được với những người đó....
Tóm lại, tất cả những hành động trên đều bị coi là bạo hành trong gia đình. (theo tài liệu trên website Vioence Against Women).
Trở lại câu ông hỏi, hình thức bạo hành đối với nam giới, thì thứ nhất, nam giới thường bị người phối ngẫu xúc phạm về tình cảm như bị chê bai trước mặt bạn bè, con cái; bị la mắng, bị xem thường, bị bạc đãi. Việc này xảy ra rất nhiều vì sang bên Úc, vai trò của người đàn ông không còn là chủ chốt trong gia đình như ở Việt Nam trước đây nữa. Thứ hai, về vấn đề xã hội, nhiều ông bị các bà cấm không cho tham gia các sinh hoạt xã hội; giao dịch với bạn bè hoặc người thân trong gia đình; không cho gọi điện thoại hoặc kiểm soát tất cả những cú điện thoại. Có những trường hợp, các ông sau khi ly dị bước thêm bước nữa, vợ mới không bằng lòng cho chồng đem con riêng về nhà cũng là một vấn đề hết sức đau buồn cho các ông. Cha con phải đưa nhau đi xem phim, đi ăn McDonald, hoặc ra park chơi cho hết giờ rồi đem con về lại cho mẹ nó. Thứ ba, lạm dụng về tài chánh, nhiều ông bị các bà kiểm soát rất chặt chẽ về tài chánh, hoặc giữ hết tiền; không cho gửi tiền giúp thân nhân ở Việt Nam, hoặc trợ giúp con riêng. Cũng có một số trường hợp các ông bị vợ đánh như tát, cào cấu, hoặc ném chọi đồ đạc gây thương tích....

SGT: Có người cho rằng, nước Úc là nước của Nữ Hoàng, nên phụ nữ được tôn trọng hơn nam giới. Ông có nghĩ điều này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nam giới bị bạo hành trong gia đình"
Ô. NVT: Thưa không phải như vậy. Người Việt chúng ta thường hay nói đùa, nước Úc là nước của Nữ Hoàng, nên phụ nữ được tôn trọng hơn nam giới vì họ thấy hầu hết các dịch vụ xã hội cũng như luật pháp đều bênh vực cho nữ giới. Hệ thống an sinh xã hội ở Úc có nhiều ưu tiên cho nữ giới vì đó là kết quả của những cuộc tranh đấu của các tổ chức từ thiện và phong trào phụ nữ vào thập niên 60. Ngay cả súc vật cũng có luật lệ bảo vệ vì có sự tranh đấu của các tổ chức bảo vệ súc vật. Còn nam giới thì không có ai tranh đấu cả. Ai cũng cho rằng nam nhi thì phải tự bảo vệ lấy mình chứ còn đòi ai bảo vệ nữa. Hơn nữa nạn nhân của bạo hành trong gia đình là nam giới thì cũng chẳng có ai nói ra cả, nói ra sợ mất mặt; có khi chẳng ai tin và thực tế cũng chẳng có ai giúp cả. Tất cả những điều này đã dẫn đến nam giới dễ là nạn nhân của bạo hành trong gia đình.

SGT: Theo ông đâu là sự khác biệt giữa nam giới Việt bị bạo hành so với nam giới của Úc nói chung" Nguyên nhân dẫn đến những khác biệt đó"
Ô. NVT: Như tôi đã trình bày ở trên, nguyên nhân chính là sự khác biệt gữa hai nền văn hóa, dẫn đến những khác biệt về bạo hành trong gia đình. Thí dụ như lạm dụng về tài chánh ít xảy ra với người Úc vì văn hóa của họ là tôn trọng tự do cá nhân. Đa số các cặp vợ chồng người Úc đều độc lập về tài chánh, ít có việc vợ hoặc chồng giữ hết tiền như gia đình Việt Nam ta. Người Úc sinh ra và lớn lên trong môi trường xã hội này, đa số họ am hiểu luật lệ nên họ dễ dàng chấp nhận và tôn trọng những việc cần phải làm, tránh được việc làm khổ người phối ngẫu. Thí dụ như việc thăm nom, chăm sóc và cấp dưỡng cho con riêng chẳng hạn.

SGT: Ông có thấy  đàn ông Việt ở Úc dễ bị bạo hành hơn so với ở Việt Nam" Nếu có, đâu là nguyên nhân"
Ô. NVT: Thưa ở Úc và nhất là ở vào thời điểm này, vai trò của người đàn ông trong gia đình không còn là chủ chốt như ở Việt Nam trước đây nữa, về tài chánh cũng như về quyền uy, nên các ông dễ trở thành nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Còn trường hợp các ông trao duyên nhằm sư tử Hà Đông thì ở đâu cũng thế thôi thưa anh. Ở đâu cũng chết thôi.

SGT: Được biết, ông hiện đang làm việc cho dịch vụ Mensline Australia. Xin ông cho biết đó là dịch vụ gì, hoạt động như thế nào"
Ô. NVT: Mensline Australia là dịch vụ cố vấn qua đường dây điện thoại có trên toàn nước Úc. Dịch vụ này dành riêng cho nam giới, những người có những lo lắng liên quan đến  các vấn đề về gia đình, những quan hệ tình cảm giữa vợ chồng, con cái, hoặc bạn gái. Mensline Australia làm việc qua một trung tâm điện thoại đặt tại Melbourne. Tại đây các nhân viên cố vấn chuyên môn và chuyên nghiệp làm việc 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Mặc dù trung tâm ở Melbourne nhưng gọi từ bất cứ ở đâu gía gọi cũng chỉ bằng gọi địa phương.

SGT: Ông vừa nói "nhân viên cố vấn chuyên môn và chuyên nghiệp" là như thế nào"
Ô. NVT: Thưa tất cả các nhân viên làm ở đây đều tốt nghiệp đại học về xã hội hoặc về tâm lý. Họ là những nhân viên chuyên nghiệp (professional). Họ được huấn luyện thêm về các lãnh vực chuyên môn (specialist) như: quan hệ trong gia đình (family relationship), các vấn đề liên quan đến nam giới (work with men / fathers), và cố vấn qua đường dây điện thoại (telephone counselling).

SGT: Vậy một người đàn ông khi gặp khó khăn gọi cho Mensline Australia, thì họ sẽ được giúp những gì"
Ô. NVT: Thưa khi một người đàn ông có vấn đề trong cuộc sống gọi cho Mensline Australia (MLA) thì: Thứ nhất, MLA sẽ hỗ trợ họ vượt qua những khó khăn bằng cách lắng nghe họ bày tỏ tâm sự; chia sẻ với họ và cấy cho họ những hy vọng vào cuộc sống; giúp họ thấy không phải chỉ có một mình họ gặp những khó khăn như vậy; giúp họ tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề một cách tốt đẹp nhất và khuyến khích họ thực hiện những giải pháp đó. Thứ hai, hướng dẫn họ cách giải quyết những xung đột trong gia đình như vợ chồng bất hoà, tránh việc bạo hành trong gia đình, dẫn đến những sai lầm trầm trọng hơn. Thứ ba, giúp đỡ họ trong việc xây dựng những mối quan hệ tình cảm trong gia đình qua các khóa học và sinh hoạt chung với những người bạn nam giới khác. Đặc biệt giúp cho những người cha sau khi đã ly dị giữ được mối quan hệ tốt đẹp với con cái. Thứ tư, thông tin về những vấn đề giáo dục con cái; giới thiệu tới các dịch vụ và các chương trình hỗ trợ khác dành cho nam giới như các khóa học về làm cách nào để bớt nóng giận, bỏ uống rượu, bỏ hút thuốc, bỏ cờ bạc v.v...

SGT: Thưa ông, dịch vụ Mensline Australia được thành lập trong hoàn cảnh nào"
Ô. NVT: Thưa như tôi đã trình bày ở trên Mensline Australia là một dịch vụ dành riêng cho nam giới và có lẽ đó là dịch vụ duy nhất dành riêng cho nam giới. Hệ thống an sinh xã hội ở nước Úc đưo.c bắt đầu vào khoảng năm 1908. Khởi đầu với những giúp đỡ rất hạn chế dành cho người già và những người không có khả năng làm việc. Mãi đến năm 1941 dưới thời Thủ Tướng Menzie chính phủ mới cấp trợ cấp cho trẻ em và đến năm 1944 dưới thời Thủ Tướng Chifley và Curtin mới có trợ cấp cho người bệnh và quả phụ. Hệ thống an sinh xã hội giống như hiện nay mới chỉ có vào đầu thập niên 60 và được phát triển nhờ ở những tổ chức tranh đấu cho người kém may mắn trong đó phải nói đến phong trào phụ nữ vào thập niên 60. Chính vì sự tranh đấu của phụ nữ nên hầu hết các hỗ trợ, giúp đỡ đều nhắm vào phụ nữ và trẻ em là những thành phần được xem là bị thiệt thòi nhất.
Vào thập niên 90, ngành xã hội nhận thấy rằng để giải quyết những vấn đề trong gia đình, không thể chỉ giải quyết cho phụ nữ và trẻ em không. Còn đàn ông, những người chồng, người cha thì sao" Và họ đã đặt ra câu hỏi là làm thế nào để giúp đỡ nam giới" Câu hỏi này đã được đặt ra hàng chục năm nay nhưng vẫn chưa tìm được cách giải quyết thỏa đáng. Nam giới là thành phần ít nói ra những vấn đề riêng tư của mình, nhất là vấn đề tình cảm và luôn tự cho rằng mình sẽ giải quyết được những vấn đề của mình mà không cần ai giúp đỡ. Vì nghĩ như vậy nên nhiều trường hợp họ đã để vấn đề trở nên phức tạp hoặc quá trễ để có thể giải quyết. Sau nhiều chuyện không hay xảy ra cho nam giới như án mạng, tự tử, hậu qủa của những đổ vỡ trong gia đình, hoặc chán nản, thất vọng trong cuộc sống; Mensline Australia, dịch vụ cố vấn qua điện thoại được ra đời để nam giới có nơi chia sẻ những lo lắng, ưu tư của mình, hoặc tìm sự giúp đỡ mà không ngại người khác biết.

SGT: Ông vừa đề cập, "nhiều chuyện không hay xảy ra cho nam giới như án mạng, tự tử". Chẳng lẽ ở Úc, nam giới tự tử nhiều hơn nữ giới, thưa ông"
Ô. NVT: Thưa quả thật trong xã hội Úc, có rất nhiều người không có một người bạn để tâm sự, để tìm sự giúp đỡ. Nhất là nam giới, những người làm trong các văn phòng hoặc công sở. Hàng năm tại Úc có hàng ngàn người đã tự kết liễu đời mình vì cô đơn, vì thất vọng. Theo thống kê tại Úc năm 1998 có 2,683 người đã tự kết liễu đời mình. Trong số đó 2,150 người là nam giới! Con số nam giới tự tử cao gấp 4 lần nữ giới. Đặc biệt là nam giới trong lứa tuổi từ 25 đến 44 là tuổi đang có nhiều trách nhiệm với gia đình và công việc làm, chiếm 40% trong tổng số những người tự tử. Tính trung bình mỗi ngày có 7 người tự tử và số người có ý định tự tử cao gấp 30 lần số người tự tử, nghĩa là trung bình mỗi ngày có hơn 200 người có ý định hủy hoại đời mình. Con số người tự tử hàng năm tại Úc cao gấp 1 lần rưỡi con số người chết vì tai nạn giao thông. Năm 1998 có 2,683 người tự tử so với 1,713 người chết vì tại nạn giao thông (Wesley Mission, 2000. 'Suicide in Australia, a dying shame'. http://www.wesleymission.org.au/publications/r&d/suicide.htm).

SGT: Thưa nếu vậy chắc nhiều người xử dụng dịch vụ cố vấn của Mensline Australia"
Ô. NVT: Thưa Mensline Australia được thành lập cách đây 5 năm. Năm ngoái có gần năm chục ngàn cú điện thoại gọi đến cho MLA để tâm sự hoặc xin ý kiến.

SGT: Bây giờ ông có thể cho biết, gặp trường hợp quan trọng như thế nào thì một người đàn ông có thể gọi cho Mensline Australia"
Ô. NVT: Thưa không cần phải là những chuyện lớn lao hay quan trọng mới gọi được. Nếu qúy vị có những ưu tư hay lo lắng về một vấn đề gì đó, ảnh hưởng đến cuộc sống của qúy vị, hãy gọi cho MLA. Dịch vụ này như một người bạn để quý vị tâm sự. Có một người để tâm sự, chia sẻ những lo lắng về các mối quan hệ tình cảm hoặc trong cuộc sống là một điều rất đáng qúy. Nhất là người đó là một nhân viên chuyên môn về tâm lý và xã hội; người đó lại chẳng biết qúy vị là ai. Những vấn đề qúy vị nói ra sẽ hoàn toàn được giữ kín và tôn trọng. Nói ra những lo lắng trong lòng đã là một bước đầu để giải quyết những khó khăn của qúy vị.
Gia đình và các mối quan hệ tình cảm rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Hầu hết trong tất cả mọi lúc, chúng ta đều có thể thu xếp cuộc sống và các mối liên hệ tình cảm một cách tốt đẹp. Nhưng cũng có lúc mây mù che phủ và chúng ta cần đến sự cố vấn hay hỗ trợ. Điều quan trọng là chúng ta nên có hành động sớm thay vì để qúa trễ. Nói ra những khó khăn, lo lắng của mình, chúng ta sẽ có thêm cơ hội để tìm được cách giải quyết. Gọi điện thoại là cách dễ dàng và nhanh chóng nhất để làm việc này. Sai lầm trong cuộc sống là chuyện bình thường. Điều quan trọng là chúng ta cần nhận thức rõ những việc đang xảy ra sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của mình và những người thân của mình. Đừng để cho vấn đề ngày càng trở nên phức tạp.

SGT: Vậy muốn được MLA giúp đỡ thì gọi số nào, thưa ông"
Ô. NVT: Muốn được giúp đỡ xin quý vị gọi số: 1300 78 99 78. Nếu gặp trở ngại về tiếng Anh, quý vị có thể xin thông dịch viên. Hoặc quý vị có thể gọi trực tiếp cho chúng tôi qua số điện thoại (02) 9781 3333 hoặc mobile phone 0400 847 188 trong giờ làm việc.

SGT: Còn nếu có những vấn đề không thể nói qua điện thoại, muốn gặp trực tiếp, liệu có được không"
Ô. NVT: Thưa được, qúy vị có thể đến gặp chúng tôi tại văn phòng xã hội Uniting Care Burnside Cabramatta, số 232 Railway Parade, Cabramatta. Chúng tôi làm việc từ thứ Ba đến thứ Sáu, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

SGT: Ngoài việc cố vấn, MLA còn giúp những gì khác nữa không"
Ô. NVT: Thưa như tôi đã trình bày ở trên, Mensline Australia là dịch vụ cố vấn qua điện thoại. Tuy nhiên nếu cần phải giới thiệu đến các dịch vụ khác thì nhân viên cố vấn sẽ giúp qúy vị. Riêng tại Trung Tâm Gia Đình Đa Văn Hóa Cabramatta (Cabramatta Multicultural Family Centre) hiện cung cấp 5 dịch vụ chính là:
1. Chương trình Nhóm Trẻ (Play Groups): Đây là dịch vụ nhằm hỗ trợ các bà mẹ có con nhỏ dưới 5 tuổi. Giúp các em học hỏi và chơi chung với nhau; đồng thời khuyến khích các bà mẹ chơi chung với các em; học hỏi lẫn nhau về những vấn đề liên quan đến vai trò làm mẹ, nuôi dưỡng và giáo dục con cái; và cung cấp những thông tin cần thiết khác.
2. Chương trình Hướng Tới Tương Lai (Moving Forward): Dịch vụ này giúp cho cá nhân và gia đình đang phải đương đầu với vấn nạn ma túy và rượu. Đặc biệt là các thanh thiếu niên và gia đình có con em đang xử dụng ma túy.
3. Chương trình Hỗ Trợ Những Người Cha (Multicultural Men in Families Program): Mục đích hỗ trợ những người cha trong Cộng Đồng Sắc Tộc. Chương trình cung cấp các khóa học về: Giáo dục con cái giữa các nền văn hóa khác nhau (Parenting Between Cultures). Làm Cha - Hiểu những thay đổi về tâm sinh lý của con cái (Hey Dad! and Hey Dad for separated Fathers). Giữ cho con cái được an toàn (Keeping Children Safe). Những vấn đề liên quan đến việc chăm sóc, hỗ trợ con cái sau khi ly thân hoặc ly dị (Separated Fathers Information Workshop). Chương trình Hỗ Trợ những người Cha (Multicultural Fathers Support Group).
Ngoài ra, kể từ đầu năm 2008, Trung Tâm sẽ còn cung cấp dịch vụ Community for Kids và Family First.

SGT: Sau cùng, ông còn điều gì muốn chia sẻ không"
Ô. NVT: Tôi xin cám ơn Tuần Báo Sàigòn Time đã cho tôi có cơ hội để chia sẻ với qúy đôc giả về dịch vụ cố vấn qua điện thoại Mensline Australia và một số dịch vụ khác do Uniting Care Brunside Cabramatta Multicultural Family Centre cung cấp. Thời gian qua, tôi có cơ hội làm việc với một vài cơ quan khác nhau trong ngành xã hội, tôi nhận thấy người Việt chúng ta ít xử dụng những dịch vụ xã hội ngoại trừ trường hợp bắt buộc. Mấy năm trước, làm việc với cơ quan thẩm định việc chăm sóc người cao niên gọi là Aged Care Assessment Team, tôi thấy có rất nhiều chương trình giúp cho người cao niên sống tại gia, nhưng không thấy mấy người Việt mình xử dụng. Nay tôi có cơ hội làm việc với cơ quan cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các gia đình, đặc biệt hỗ trợ cho nam giới. Tôi thấy các dịch vụ này rất hữu ích nên muốn phổ biến để đồng hương chúng ta biết mà xử dụng. Vì vậy khi gặp khó khăn cần được giúp đỡ xin qúy vị đừng ngại, hãy liên lạc với các cơ quan xã hội để được giúp đỡ. Nếu gặp trở ngại về ngôn ngữ, qúy vị có thể xin thông dịch viên, bằng cách này hay cách khác, các văn phòng xã hội sẽ tìm ra nhân viên biết nói tiếng Việt để giúp qúy vị. Xin nhắc lại gọi cho Mensline Australia ĐT số 1300 78 99 78. Làm việc 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Hoặc gọi cho chúng tôi ĐT số (02) 9781 3333 hoặc mobile 0400 847 188 trong giờ làm việc. Ngoài ra, quý vị có thể đến gặp chúng tôi tại văn phòng Uniting Care Burnside Multicultural Family Centre, 232 Railway Parade, Cabramatta NSW 2166, trong giờ làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều - Thứ Ba đến thứ Sáu.
SGT: Chân thành cảm ơn ông và kính chúc ông thành công.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.