Hôm nay,  

30-4-1975 Tại Đơn Vị: Ngày 41 Giờ (04/10/2007)

10/04/200700:00:00(Xem: 9875)
Hình trên là tác giả Sapy Nguyễn Văn Hưởng 56 tuổi, cư dân San Diego, khi nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2004.
   Với bút ký  “Giọt Nước Mắt” kể về Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại tiểu bang New Jersey, do một kiến trúc sư Việt Nam vẽ kiểu, ông nhận giải chung kết  Viết Về Nước Mỹ 2004.

Sau đây là một hồi ký đặc biệt của ông kể về biến cố 30-4-1975 tại doanh trại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin thuộc sư đoàn 21 Bộ Binh VNCH tại ngoại ô tỉnh lỵ Bạc Liêu, nơi mà buổi sáng ngày 30 tháng Tư “Cửa tiệm nào cũng tấp nập khách ra vào, bóng dáng chiến tranh tưởng chừng còn quá xa với người dân thành phố hiền hòa này.”

. . .

Mọi người dân Miền Nam Việt Nam đều không thể nào quên được biến cố 30-4. Tùy hoàn cảnh, tùy góc độ nhìn mà mỗi người đón nhận nó một cách khác nhau. Biến cố ấy diễn ra dài hay ngắn cũng vượt khỏi ý niệm thông thường về thời gian. Có người nó chỉ lướt qua vài giây phút ngắn ngủi, có người dài đủ hai mươi bốn giờ và có người ngày ấy chính là ngày cuối đời.

- Ngày 9-3-1975 biến cố 30-4 đến với người dân sống trên Ban Mê Thuột.

- Ngày 24-3-1975 diễn ra với người dân xứ Huế.

- Ngày 29-3-1975 đến lượt người dân Đà Nẵng...

Còn thủ đô Sàigòn và các tỉnh miền Tây, biến cố lịch sử ấy đến đúng vào ngày 30-4-1975.

Hàng năm cứ đến 30-4, tôi lại muốn ghi chép ra những điều chất chứa trong lòng. Nhưng lần nào cũng vậy, viết được đôi ba trang, tôi lại buông bút, bởi cảm thấy mình vẫn chưa lột tả hết thực trạng về biến cố ấy của đơn vị tôi.

30-4 năm nay lại về và lần này, tôi nhất quyết làm cho xong cái điều tôi hằng ấp ủ. Tôi tự giam mình trong phòng suốt mấy ngày liền, ngồi trước máy vi tính, gõ luôn một mạch tất cả những gì còn lưu trong ký ức. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi đánh lên bàn phím dấu chấm cuối cùng. Tiến sang giai đoạn sửa chữa ý tứ, câu văn cho mạch lạc. Thì vợ tôi lại lôi đâu ra quyển sổ được tôi ghi chép những diễn biến xảy đến trong cuộc đời tôi lúc còn tạm trú nơi trại Tỵ Nạn Mã Lai năm 1976.

Tôi đã tưởng những giờ phút đau thương nhất trong đời, phải luôn mãi hằn sâu trong tâm tư để không bao giờ phai nhạt. Nhưng khi đọc lại bút tích do chính tay tôi viết từ hơn một phần tư thế kỷ qua, tôi mới hay mình lầm. Quả thật, không một thứ gì có thể tồn tại mãi với thời gian.

Nếu ví biến cố 30-4 như một căn nhà, thì trong trí tôi giờ đây chỉ còn lưu lại được căn nhà, mà hầu như mọi đồ đạc bên trong đã bị lớp bụi thời gian phủ kín. Tôi có cảm tưởng, quyển vở cũ là chiếc khăn giúp tôi phủi sạch đi lớp bụi thời gian, làm quá khứ hiển hiện như vừa mới xảy ra.

Cuốn sổ giúp tôi thấy lại từng giờ. Và ngày 30 tháng Tư ấy, với tôi,  là một ngày dài liên tục 41 giờ.

Kể lại chuyện cũ, tôi muốn được dùng ngôn từ cũ để làm sống lại quá khứ.

Đoạn Một

Phút Giây Định Mệnh

Tôi, Trung úy Nguyễn Văn Hưởng số quân 68/409398. Tốt nghiệp khóa 1/69 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Giữ chức vụ Sĩ Quan An Ninh Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin, một đơn vị kỹ thuật chuyên đảm trách việc thiết lập hệ thống liên lạc cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh, biệt danh Sét Miền Tây.

Sư Đoàn tôi giữ nhiệm vụ bảo vệ an ninh lãnh thổ 6 tỉnh: Cần Thơ, Chương Thiện, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thuộc Vùng IV Chiến Thuật. Thiếu tá Lương Duy Thanh Tiểu Đoàn Trưởng, người chỉ huy đơn vị cho đến phút giây cuối cùng. Tiểu Đoàn có 3 Đại Đội: Đại Đội Chỉ Huy Công Vụ do Đại úy Trần Duy Chinh làm Đại Đội Trưởng. Đại úy Thân Văn Vui, Đại Đội Trưởng Đại Đội Khai Thác Chỉ Huy. Và Đại úy Nguyễn Văn Hiền, Đại Đội Trưởng Đại Đội Khai Thác Hành Quân.

Tám dãy nhà tôn được phân chia làm đôi, mỗi bên bốn dãy, sắp thành hai hàng, ngăn bởi cái sân rộng ở giữa có dựng một kỳ đài. Đó là doanh trại Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 21 Truyền Tin, nơi tôi phục vụ gần sáu năm trong cuộc đời binh nghiệp.

Đứng từ ngoài Quốc Lộ số 4, con đường huyết mạch nối liền Sàigòn - Cà Mau nhìn vào, toàn doanh trại được bao bọc bằng lớp hàng rào kẽm gai cao khỏi đầu người. Chính giữa là cái cổng lớn, hai cánh làm bằng sắt ấp chiến lược luôn đóng kín, chỉ được mở mỗi khi có xe cộ ra vào. Phía cánh trái còn một cổng phụ nhỏ dành cho người đi bộ và xe hai bánh. Bên cánh phải có một tháp canh thật cao, nơi tôi thích leo lên ngồi nói dăm ba câu chuyện với anh lính gác, đưa mắt ngắm nhìn đồng lúa mênh mông chạy đến tận chân trời.

Bên dưới tháp canh là phòng Tiếp Tân, nơi còn ghi đậm nét trong tim tôi, hình ảnh cô nữ sinh áo trắng đến thăm và ngồi chờ tôi ngày nào. Cô ta chính là vợ tôi, người đã và đang cùng tôi chia ngọt sẻ bùi trên những bước thăng trầm của cuộc sống.

Hai bên cổng ra vào còn có hai cái ao thật lớn thả đầy rau muống, như hai đường giao thông hào trải dài giúp cho việc phòng thủ mặt trước Tiểu Đoàn. Những ngày trực, tôi thường đem cần ra bờ ao ngồi câu cá giải khuây.

Đơn vị tôi tuy đóng cách tỉnh lỵ Bạc Liêu chỉ hơn hai cây số, nhưng đã được xem là vùng ngoại ô, là tiền đồn bảo vệ hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh nằm ngay trung tâm tỉnh lỵ.

Nói đến Bạc Liêu, người ta thường hay thêm vào hai chữ "công tử" phía trước, rồi nhắc lại chuyện Hắc - Bạch công tử thi nhau đốt tiền dê gái, nghĩ đến một vùng đất có ruộng đồng bao la...Tôi đổi xuống Bạc Liêu cuối năm 1969, thời huy hoàng của các chàng công tử đã hết, nhưng ruộng đồng "cò bay thẳng cánh" vẫn còn nguyên đấy.

Để giới thiệu thành phố với tôi, một anh lính gốc gác miệt dưới này, đọc cho tôi nghe hai câu lục bát được lưu truyền:

"Bạc Liêu kênh lưới, ruộng lờ

Dưới sông cá chốt

trên bờ Triều Châu".

Cuộc đời binh nghiệp tôi gắn liền với doanh trại đầy ắp kỷ niệm ấy nơi miền Bạc Liêu sông nước hiền hòa. Là một người lính chuyên ngành, nghe không mấy hào hùng, nhưng cũng góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ Tự Do cho quê hương đất nước. Tôi yêu doanh trại đơn vị tôi nhiều lắm, yêu nhất những buổi sáng dậy thật sớm, dậy trước cả mặt trời, bước ra hít thở không khí trong lành của đồng lúa rồi trở vào Câu lạc bộ, ngồi chờ ngửi mùi cà phê mới pha thơm ngát. Hớp trọn hương vị ấy bên điếu thuốc thơm Quân Tiếp Vụ. Chỉ cần có thế, là đủ cho tôi có một buổi sáng đẹp.

  *

Kể từ 24-3-1975, ngày quân dân Huế được lệnh di tản, hàng đêm tôi đều phải vào ứng chiến trong đơn vị.

Sáng nay, 30-4-1975, cũng như mọi ngày, tôi thức dậy đánh răng rửa mặt xong là xuống thẳng Câu lạc bộ nhâm nhi ly cà phê buổi sáng. Nhưng ly cà phê và điếu thuốc sáng nay sao quá nhạt nhẽo, mất hết hương vị, nên tôi ra lấy xe về nhà sớm hơn thường ngày. Tôi cho xe chạy thật chậm để những cơn gió ban mai mặc tình mơn man da thịt, làm mát lại tâm hồn. Cả tháng nay, đầu óc tôi luôn trĩu nặng bởi những cuộc "di tản chiến thuật" liên tiếp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Đêm qua Cộng quân lại tấn công vào phi trường Sóc Trăng khiến một số hệ thống liên lạc bị tê liệt, Quốc Lộ 4 vừa bị cắt đứt. Chẳng biết bao giờ đến lượt Bạc Liêu nhỏ bé này" Miên man suy nghĩ, xe về đến nhà lúc nào tôi cũng không hay.

Từ khi có lệnh cấm quân, hàng ngày vợ chồng tôi chỉ gặp nhau vào buổi sáng sớm và hai bữa cơm trưa, chiều. Chúng tôi không còn chở nhau ra đồng hóng mát, đưa nhau đi xem chiếu bóng. Ở nơi tỉnh lẻ này chỉ có vài thú vui ấy, vậy mà chúng tôi cũng phải từ bỏ nốt vì tình hình chiến sự sôi động.

Vợ tôi có mang đã hơn bảy tháng, tôi không muốn nàng vướng nhiều ưu phiền, sợ ảnh hưởng đến đứa con sắp chào đời, nên mọi ưu tư trăn trở tôi cố giữ trong lòng.

Hai vợ chồng sửa soạn ra phố. Nhìn vợ bước đi chậm chạp nặng nề, tôi vội ra kéo chiếc xe lại sát mé hàng ba cho vợ tôi dễ ngồi lên.

Sáng nay phố xá Bạc Liêu tấp nập người qua kẻ lại, chợ búa sinh hoạt vẫn bình thường như mọi ngày. Quán cà phê hủ tíu nào cũng đầy khách, hai tôi phải khó khăn lắm mới tìm ra chỗ ngồi. Tôi không thích những nơi ồn ào như vầy, vừa tốn tiền vừa dễ gây bực mình. Lương lính và công chức của cả hai vợ chồng chỉ vừa đủ sống, nên cũng hiếm khi đưa nhau ra tiệm. Tôi gọi hai tô hủ tíu, trong lúc chờ thức ăn dọn ra, vợ tôi kể lể:

- Ông Phó Giám Đốc Ngân Hàng em về Sàigòn từ mấy hôm nay. Ông ấy thường than: "tình hình cứ suy đồi mãi như thế này, chắc Việt Nam sẽ bị lọt vào tay Cộng Sản mất".

Tôi chỉ ngồi trầm ngâm lắng nghe. Lúc người bồi mang thức ăn đến, thấy tôi vẫn thừ người ra đấy, vợ tôi giục:

- Anh ăn mau đi kẻo nguội.

Vừa nặn chanh, tôi vừa dọ hỏi vợ:

- Mấy ngày nay người ta rút tiền gởi ngân hàng ra có nhiều không em"

- Cũng thường vậy thôi.

- Anh lo, nếu phòng tuyến Xuân Lộc mà bị chọc thủng, Sàigòn sẽ biến thành tiền đồn mất. Đài BBC và đài VOA đêm hôm qua cũng như sáng nay bình luận rất bi quan. Hồi hôm, phi trường Sóc Trăng bị tấn công. Anh không biết bao giờ đến lượt Bạc Liêu mình. Anh dặn trước, nếu lỡ mà có đánh nhau trong tỉnh, em phải tự lo liệu xoay xở một mình vì lúc đó anh phải ở trong đơn vị.

Vẫn vô tư, vợ tôi hồn nhiên trả lời:

- Anh nói gì mà nghe ớn quá vậy, thôi ăn mau đi kẻo nguội.

Dù đã cố kềm hãm, nhưng không hiểu sao tôi vẫn nói những lời bi quan ấy ra. Tôi bèn chữa lại để vừa trấn an mình, vừa trấn an vợ:

- Anh cũng dặn hờ em vậy thôi.

Vợ tôi xoay sang chuyện khác:

- À hôm trước, em nghe nói có mấy người làm sở Mỹ đưa gia đình lên Cần Thơ. Ra đi họ bán đổ bán tháo đồ đạc trong nhà. Anh Bình làm một chỗ với em, mua được mấy cái giường và mấy cái tủ lạnh giá thật rẻ.

- Tới nước này rồi, em còn ham chi những thứ đó nữa!

Ăn xong, vợ tôi nhìn đồng hồ tay rồi lên tiếng:

- Còn cả nửa tiếng nữa mới đến giờ làm việc, chở em đi vòng vòng chợ một lát, lâu quá rồi anh không đưa em đi chơi.

- Ừ đi thì đi.

Phố xá Bạc Liêu tập trung quanh vài ba con đường chính, đảo xe chừng mươi phút là hết. Cửa tiệm nào cũng tấp nập khách ra vào, bóng dáng chiến tranh tưởng chừng còn quá xa với người dân thành phố hiền hòa này. Loanh quanh một lát, vợ tôi vỗ vỗ vào vai tôi:

- Anh cho em xuống tiệm đàng trước xem có khúc vải nào đẹp không, em định cắt may vài cái áo bầu vì bụng em càng ngày càng to.

- Thôi gần đến giờ làm rồi, đi trễ kỳ lắm. Tình hình này mà em còn lo may với mặc cái nỗi gì!

Thấy tôi lại bực mình, không tán đồng, vợ tôi cằn nhằn:

- Đi với anh chán thấy mồ, để lát nữa làm bớt việc, em rủ cô Nhung đi với em.

*

Đưa vợ đến Ngân Hàng xong, tôi cho xe phóng nhanh về đơn vị. Nhìn tôi bước vào ban, Thượng sĩ Nguyễn Văn Thanh, Hạ Sĩ Quan Chiến Tranh Chính Trị, ngưng việc quét bụi và dọn dẹp giấy tờ trên bàn, ông giơ tay lên chào tôi rồi cười hỏi:

- Sao hôm nay Trung úy vào sớm vậy"

- Sớm gì nữa, cũng gần đến giờ tập họp rồi!

Nhìn sang Ban 3 bên cạnh, Hạ sĩ Điệp đang ngồi cắm cúi học bài. Điệp siêng năng cần mẫn, không chịu để mất một chút thời giờ nào, hễ rảnh rỗi là đem sách ra học. Điệp nhất quyết lấy cho bằng được mảnh bằng Tú Tài Đôi để xin đi học khóa sĩ quan. Thấy Điệp chăm học, tôi thường chỉ bảo, nâng đỡ và khuyến khích tinh thần anh hạ sĩ hiếu học này. Nhưng hôm nay nhìn Điệp học, tôi buột miệng nói:

- Thôi Điệp, học hành làm chi nữa, chắc gì có thi cử năm nay!

Điệp tròn xoe đôi mắt nhìn tôi rồi kêu lên:

- Trời, Trung úy mà nói vậy thì còn gì nữa!

Trước đây, có bao giờ tôi nói với Điệp bằng giọng điệu bi quan ấy đâu. Lúc nào tôi cũng lạc quan tin tưởng vào sự tất thắng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Là một cán bộ Chiến Tranh Chính Trị, tôi còn phải quảng bá sự lạc quan ấy đến với mọi người. Hôm nay tôi nói với Điệp lời ấy, tức sự lạc quan trong tôi đã biến mất, và tôi cũng vừa lấy đi niềm tin tất thắng trong Điệp.

Điệp gấp quyển sách lại ngay sau câu tôi nói, ngồi thừ người chống tay lên cằm, gương mặt trẻ trung, yêu đời của Điệp hằn lên nỗi ưu tư, lo lắng. Tôi muốn nói đôi câu an ủi Điệp, nhưng chẳng biết nói lời gì!

Kẻng tập họp trỗi lên, mọi người lần lượt tiến ra sân cờ. Vẫn như thường ngày, điểm danh xong, lễ chào Quốc kỳ bắt đầu. Quân nhân các cấp vẫn hùng hồn đồng hát bản quốc ca trong lúc lá cờ vàng ba sọc đỏ từ từ được kéo lên rồi tung bay phất phới trong nắng sớm.

Lễ chào cờ xong, tôi lê những bước chân nặng nề về nơi làm việc. Nhân viên trong ban vào đầy đủ, chúng tôi lại bắt đầu một ngày làm việc trong nỗi chán chường. Không phải đến hôm nay tôi mới cảm thấy như vậy, nó đã gậm nhấm tôi hơn một tháng qua, từ khi các vùng Chiến Thuật lần lượt di tản, để mất dân mất đất. Giờ thì Cộng Quân lại sắp tiến vào Sàigòn. Tôi quay về thực tại khi Thượng sĩ Trần Quang Mẫn, Hạ Sĩ Quan An Ninh đến bên nhắc nhở:

- Trung úy coi lại mấy bản báo cáo tôi đặt trên bàn từ mấy ngày rồi. Xin Trung úy duyệt lại ngay giùm, để còn kịp đưa lên ban Văn Thư trình Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng ký gởi đi trưa nay, tôi sợ báo cáo trễ quá bên Phòng An Ninh họ khiển trách mình.

Thượng sĩ Thanh cũng đưa cho tôi một chồng văn thư Đi và Đến. Tôi ngao ngán giở xấp hồ sơ ra. Những dòng chữ, những con số như nhảy múa trong đầu, tôi không biết mình đang đọc những gì. Cuối cùng như một cái máy, tôi đặt bút ký vào mọi giấy tờ, rồi trao hết cho hai người phụ tá.

*

Đầu óc tôi bây giờ hiện lên toàn những câu hỏi không lời giải đáp. Nghĩ đến ông Phó Giám Đốc Ngân Hàng, nơi vợ tôi làm việc đã bỏ nhiệm sở lên Sàigòn tìm đường ra đi, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nhiều tướng lãnh cao cấp cũng đã lìa xa quê hương. Tôi âu lo không biết số phận Quân-Dân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa sẽ ra sao nếu Miền Nam sụp đổ" Riêng tôi, phải tìm đường ra đi hay ở lại, đành cam chấp nhận mọi bất hạnh xảy đến với mình" Nếu đi thì đi đâu và đi bằng phương tiện nào" Cả hai nước Miên - Lào đã lọt vào tay Cộng Sản, nên đường bộ coi như bí lối. Đường hàng không thì không có! Chỉ còn mỗi con đường biển! Bạc Liêu tuy gần biển thật, nhưng tôi thì chẳng hiểu nhiều về đại dương.

Trong đời, tôi có hai lần đi biển. Lần đầu, xuống tàu rời Hải Phòng, theo bố mẹ vượt tuyến vào Nam tìm tự do năm 1955. Suốt ba ngày ba đêm lênh đênh, tôi không biết nước biển màu xanh hay màu đỏ. Mẹ tôi bảo: tôi chẳng ăn uống được gì, chỉ nằm bẹp một chỗ ói mửa rồi đòi nước uống. Lần thứ hai là ngày tôi nhập ngũ, xuống tàu đi từ Nha Trang vào Sàigòn. Ngày ấy, tôi là khách hàng của chiếc tàu Hải Quân, cũng chỉ nằm dưới sàn tàu để người ta đưa tới bến. Giờ đây, nếu muốn ra đi bằng đường biển, tôi phải là người điều động, phải hiểu biết về con tàu, phải hiểu biết về đại dương, và nhất là phải biết bến bờ nơi tôi định đến.

Ngồi nghĩ gần nát óc, tôi vẫn chưa tìm ra một tia sáng. Không có hướng đi nghĩa là tôi phải ở lại tử chiến với Cộng Sản hay phải chấp nhận hết những đòn thù của người phương Bắc. Nghĩ tới việc phải đối diện với người Cộng Sản tự nhiên tôi rùng mình không dám nghĩ thêm gì nữa. Đứng trước vực thẳm, tôi cố tìm cho mình một lối thoát bằng cách bám víu lại niềm tin vào Quân Lực mình. Vùng I, Vùng II, Vùng III Chiến Thuật có mất, nhưng chưa phải là thua toàn diện. Biết đâu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ đảo ngược lại tình thế. Tết Mậu Thân 1968, Miền Nam cũng đen tối. Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 cũng không mấy sáng sủa ở những ngày đầu. Nhưng cuối cùng, những trận chiến ấy, phần thắng vẫn về với Quân - Dân Miền Nam. Nghĩ đến đó, tôi như lấy lại được đôi chút niềm tin.

Tôi thấy cần có người tâm sự, chia bớt những âu lo trĩu nặng trong đầu. Ngẫm nghĩ một lát, tôi quay sang bảo Thượng sĩ Thanh:

- Ông xuống phòng Thường Vụ ghi tên cho tôi đi khám bệnh.

- Trung úy bệnh gì vậy"

Đột nhiên tôi xẵng giọng, như muốn trút bớt sự căng thẳng trong lòng:

- Đừng hỏi lôi thôi. Cứ đi ghi tên cho tôi.

Thượng sĩ Thanh đi rồi, tôi uể oải rời bàn làm việc, lê bước đi xin phép ông Đơn Vị Trưởng, ông cho tôi đi ngay rồi căn dặn tôi:

- Khám bệnh về, anh nhớ lo ngay chương trình sinh hoạt đơn vị vào lúc 9 giờ sáng ngày mai cho tôi.

Thật không còn gì khó khăn hơn cho tôi phải tổ chức sinh hoạt đơn vị trong lúc này. Tôi biết nói gì đây để giữ vững niềm tin cho anh em, trong khi chính tinh thần tôi đang bị suy sụp trầm trọng. Tôi phải trả lời sao cho thông suốt các câu anh em hỏi, bởi đó cũng là những câu tôi đang tự hỏi chính mình. Nhưng là một chiến binh, tôi chỉ biết tuân hành mệnh lệnh thượng cấp.

*

Bạn bè tôi trong giờ phút này, nếu không bận chuyện công sở, cũng đang bù đầu lo việc an ninh phòng thủ doanh trại mình. Tôi chẳng nghĩ ra một người nào rảnh rang sẵn sàng ngồi nghe tôi trút bầu tâm sự. Nhìn phố phường vẫn buôn bán nhộn nhịp, tôi tự hỏi: "Đứng trước một tình thế suy sụp đến như vậy mà người dân Bạc Liêu vẫn sống bình thản như không có chuyện gì xảy đến"" Tuy khai bệnh chỉ là cái cớ để tôi chạy loanh quanh cho đầu óc bớt căng thẳng, nhưng khi chẳng còn biết đi đâu, thấy cũng gần tới giờ khám bệnh, tôi cho xe chạy đến Tiểu Đoàn 21 Quân Y. Lúc tôi đang  dựng xe, anh bạn Nha Sĩ Cao Trừ từ trong Câu lạc bộ bước ra. nhìn thấy tôi, anh tiến đến vỗ vai hỏi:

- Sao, bồ sang đây có việc gì hả"

- Tao qua hỏi xin bác sĩ vài viên thuốc cảm thôi.

- Mấy ông bác sĩ quýnh quáng lên hết cả rồi, còn khám khiết gì mấy ngày này nữa! Cần thuốc gì, lát nữa tao bảo y tá đem ra cho.

Tôi nhún vai:

- Được vậy thì tốt.

Cao Trừ vừa kéo tôi vào phòng nha khoa vừa lên tiếng:

- Mày có tính gì chưa"

Muốn Cao Trừ nói rõ thêm, tôi hỏi lại:

- Tính gì"

- Trốn đi hay ở lại chớ còn tính gì nữa! Tao thấy Việt Cộng sắp vào tới Sàigòn rồi!

Trầm ngâm một lát, tôi bảo Cao Trừ:

- Tao cũng biết vậy. Nhưng trong giờ phút này, tính càng nhiều hay chẳng tính toán gì, đều giống nhau cả, chúng mình đã thực sự bí lối rồi.

Trừ nhanh nhẩu phản bác:

- Mày sao bi quan quá, "còn nước còn tát", "có còn hơn không". Nói thiệt với mày, tao đang tìm đường dọt đây. Bây giờ chỉ còn duy nhất một con đường biển. Muốn đi đường này cần tiền và tàu, cả hai thứ tối quan trọng ấy, làm gì mà tao có. Tao biết, bên vợ bác sĩ Toàn ở Rạch Giá, có ghe đánh cá lớn, tao vừa qua rủ ông ấy đi, nhưng ông ta lưỡng lự.

Tôi lắc đầu thở dài:

- Nhưng sống sao cho đáng một con người, đó mới là điều cần nghĩ tới, nếu rủi Miền Nam bị lọt vào tay Cộng Sản chứ!

- Ôi ông ta chẳng hiểu gì về Cộng Sản cả, còn tao là người miền Nam, nói ông ấy không mấy tin. Ông ta còn đang ngồi bàn thời cuộc trong Câu lạc bộ, hay mày đi với tao qua đó, mày dân Bắc kỳ, từng trốn chạy Cộng Sản, nói vào biết đâu ông ta đổi ý.

Tôi và Cao Trừ vừa bước xuống đường, gặp ngay bác sĩ Toàn từ trong Câu lạc bộ bước ra. Ông nhìn Cao Trừ và tôi rồi lắc đầu, giơ hai tay thẳng lên trời nói với một giọng đầy thiểu não:

- Ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng rồi!

Tôi bàng hoàng cả người, nếu không có bức tường cạnh đó cho tôi đứng dựa lưng vào chắc tôi đã không đứng vững. Tuy cả tháng nay đầu óc tôi luôn lởn vởn nghĩ đến giây phút này. Nhưng nay nó đến thực sự, tôi vẫn không tránh khỏi kinh hoàng. Tin Miền Nam sụp đổ lan truyền thật nhanh, chỉ trong khoảnh khắc cả bệnh viện đều nhốn nháo. Các anh em thương bệnh binh mặt mày tái mét hớt hải rời giường bệnh bước ra ngoài hành lang. Có người cầm trên tay chai nước biển với dây nhợ lòng thòng, có người ôm theo bọc ruột bên mình...Họ hốt hoảng ngơ ngác, đứng bất động nghe ngóng. Tôi không tài nào biết được họ đang nghĩ gì trước hoàn cảnh trớ trêu này. Tôi cố gạt bớt những suy tư nặng đầu, quay sang bảo Cao Trừ:

- Thôi tao phải về đơn vị!

Cao Trừ nhìn tôi ngao ngán lắc đầu. Tôi vội đi lấy xe rồi phóng thẳng ra đường.

Lời Tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng khiến dân chúng Bạc Liêu hốt hoảng như con thú bị sập bẫy. Ngoài phố chợ, các hàng quán ngưng ngay việc buôn bán, vội vã thu dọn đồ đạc, mau chóng đóng cửa tiệm. Nét kinh hoàng hiện rõ lên từng gương mặt. Trên đường mọi xe cộ đều phóng thật nhanh, người đi bộ cũng hối hả rảo bước.

(còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.