Hôm nay,  

Người Tu Là Áng Mây Bay

11/03/200700:00:00(Xem: 3611)
Người Tu Là Áng Mây Bay

“Con đang quan hệ bất chính với một vị thầy tu sĩ...”
Ở trên núi kia, có một thầy tu cư ngụ trong một ngôi thất nhỏ. Thầy ở đó một mình, lâu lâu mới xuống núi, mua ít thức ăn rồi trở về ngôi thất. Lâu ngày thầy quên mất tiếng nói. Khi gặp tôi, thầy nhận ra người bạn cũ, vui quá nhưng không nói chuyện được nhiều, mỗi lần phát âm một chữ, thầy nói ngọng nghịu như đứa bé.
Tôi ở chơi với thầy hai hôm. Chúng tôi thường đi dạo và ngắm những tảng mây bay. Mây là người bạn thân của núi. Núi là chỗ dạo chơi của mây. Có khi đang đi, tôi bắt gặp những tảng mây đang đuổi theo bước chân tôi. Có khi tôi đuổi theo mây. Rồi bạn tôi đuổi theo tôi. Chúng tôi nô đùa như những trẻ em vừa khám phá ra một trò chơi mới.
Bạn tôi cũng là mây. Người tu là một thứ mây. Tâm hồn bạn tôi thật là trong sáng. Tôi không tưởng được ai có thể đem chiếc lồng ra mà nhốt mây bay. Mà nhốt mây làm gì hở bạn" Mây là bạn của núi kia mà. Hôm nào vui thì mây về thăm núi. Hôm nào vui hơn nữa thì mây theo gió bay đi. Núi không ràng buộc mây và mây cũng không quyến luyến núi.
Một hôm nào đó lên núi chơi, nếu tình cờ bạn gặp người thầy tu nọ, bạn nhớ rằng thầy là một áng mây bay. Nhìn vào thầy, bạn có thể thấy nụ cười của một em bé. Một nụ cười ngây thơ và hồn nhiên. Bạn có lòng yêu mến bạn tôi, thì hãy học hạnh của núi. Núi và mây là đôi bạn muôn đời. Và không bao giờ đôi bạn đó ràng buộc lấy nhau. Ngày xưa thi sĩ Cao Bá Quát có ước mơ được lên núi Dục Thúy chơi nên làm bài thơ như vầy:
Thiên địa hữu tư sơn
Vạn cổ hữu tư tự
Trời cao đất thấp núi này
Ngàn xưa ai dựng đẹp thay mái chùa
Phong cảnh dĩ kỳ tuyệt
Nhi ngã diệc lai thử
Tuyệt hay quang cảnh bốn mùa
Có phải chăng bởi ta vừa đến đây"
Ngã dục đăng cao sầm
Hạo ca ký vân thủy
Muốn leo lên đỉnh nước mây
Hát vang gởi chút niềm tây gọi là.
Hữu ước nãi vi tư
Phạm sự đại đô nhĩ
Những mơ ước thế thôi mà
Dù mộng chưa vẹn chẳng qua sự thường.
Núi và mây là đề tài muôn thuở cho thi ca. Bởi vì cuộc tình của đôi bạn đó thong dong và tự do quá. Tình của một người tu là cuộc tình của một đám mây trắng. Bạn đừng ước mơ lên núi cao như thi sĩ Cao Bá Quát nữa. Hãy thật sự lên núi cao mà hát vang cho mây trắng nghe đi. Nhìn đám mây trắng và hiểu cho tấm lòng của bạn mình. Đó là tấm lòng của một người tu. Một tấm lòng tự do.
- Thưa thầy, con đang quan hệ bất chính với một vị thầy tu sĩ.
- Em đang có quan hệ thế nào với thầy"
- Con đang thương vị thầy đó.
- Vậy là em đang thương một áng mây bay. Mà cái quý nhất của áng mây là sự tự do. Nếu em lấy đi sự tự do của áng mây thì áng mây không còn đẹp nữa. Nơi người tu thì sự tự do đó là giới. Nhờ thực tập giới mà người tu giữ được không gian bao la ở trong lòng mình. Không giữ được giới, người tu sẽ đau khổ, không còn sự thảnh thơi, thong dong trong lòng nữa.
- Con cũng đang đau khổ, nhưng không chấm dứt được quan hệ này.
- Em thương thầy thì em phải hiểu thầy. Em thương thầy thì em phải thương lý tưởng của một người tu. Em hãy tưởng tượng, người tu đó trở thành trượng phu của em. Một buổi sáng, em ra chợ, mua một con cá về, đánh vảy, nấu canh cho chàng ăn. Chàng ăn không vừa miệng, chê bai, rồi hai người cãi cọ. Bên cạnh hai người có đứa con nhỏ sợ hãi khóc ré lên. Em bực bội, chợt nhớ lại ngày xưa còn là người tu, chàng dễ thương biết mấy. Nhưng em quên rằng em đã thương một áng mây, mà đấng trượng phu đang ngồi bên cạnh em không còn là áng mây đó nữa.
- Hiện giờ con nên làm gì"
- Thầy và em đều đã phạm giới. Đó là những vết thương trong lòng. Cả thầy và em đều cần những người bạn tu giúp đỡ để làm lành những vết thương đó. Một người thầy tu thì sẽ biết trở về nương tựa tăng thân xuất gia, như một con hổ tìm đường trở về rừng sâu. Những người bạn tu của thầy sẽ giúp thầy. Tìm lại được sự nương tựa nơi Tăng thân, nơi Pháp bảo và nơi Đức Bổn Sư, thầy sẽ vui trở lại. Tăng thân, gồm những người tu chung với thầy, sẽ biết làm gì để giúp thầy. Tăng thân đó có nhiều hiểu biết và thương yêu để giúp thầy. Em hãy yên tâm. Em đừng đến gặp thầy nữa. Bây giờ thầy đang yếu lắm. Thầy chưa có khả năng để giúp em như một người tu đâu. Áng mây đang bị thương và áng mây đang cần được băng bó đó em.
- Con cũng đang bị thương.
- Phải rồi, em cũng đang bị thương và cũng đang cần được chăm sóc. Nhưng người chăm sóc em bây giờ không phải là vị thầy em đang thương. Cả hai người đang là những bệnh nhân cần được điều trị, giúp đỡ. Em cũng cần đến những người bạn tu để giúp em. Tam bảo ở trong lòng em cũng đang bị tổn thương. Lý tưởng của một người tu không phải chỉ có mặt trong những người tu. Lý tưởng đó có mặt ở trong mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta đều có một áng mây trong lòng. Vì vậy mỗi lần gặp một người tu, ta thấy lòng mình khởi lên sự cung kính, thương yêu. Đó là vì ta cung kính, thương yêu áng mây thong dong ở trong lòng của thầy và cả ở trong ta. Áng mây đó vẫn còn trong em. Em hãy giúp thầy và giúp chính mình, đừng tìm gặp riêng với thầy nữa. Em đừng mang thêm sự tổn thương đến cho thầy và cho em nữa. Dừng lại, không còn đi về hướng sai lầm là một sự bừng tỉnh, giác ngộ lớn nhất của cuộc đời mình.- Liệu thầy đó có trở lại đời sống tu hành được không thầy"
- Khi một áng mây biết được giá trị của sự tự do thì không có gì ràng buộc áng mây được nữa. Mỗi người tu là một áng mây. Áng mây sẽ trở về với không gian bao la của mình. Em yên tâm.
Ngày xưa, thời Bụt còn tại thế, có một cô gái rất đẹp tên là Prakriti. Nàng ở chung với mẹ già. Nàng là một người hết sức kiêu hãnh và chưa hề để tâm thương yêu một chàng trai nào.
Mẹ của Prakriti là một người làm thuốc. Bà rất hiền từ. Ở trong xóm, bà thường giúp đỡ những người nghèo nàn, bệnh tật. Mặc dù đã để tâm tìm cho con gái mình một tấm chồng xứng đáng, nhưng bà luôn luôn thất vọng. Bà nghĩ là con mình đang chờ một người nào đó.
Cho đến một hôm nọ, Prakriti thú thật với mẹ là nàng yêu một người tu. Đó là một người tu đang thực tập dưới sự hướng dẫn của Bụt.
- Mẹ ơi, Prakriti tâm sự, con chưa hề thấy ai đi đứng và nói năng hiền từ, dễ thương như vậy. Thầy đã vào nhà và xin nước uống trên đường đi khất thực về. Con đã thương thầy, nhưng mà thầy là một người tu thì làm sao chúng con có thể đến với nhau được.
Mẹ của Prakriti suy nghĩ nhiều lắm. Bà có nghe nhiều về Bụt, một người tu được nhiều người kính trọng. Bà rất kính Bụt và thương những người tu. Bà đã từng cúng dường thức ăn cho những người tu này.
Bà hỏi thăm và cuối cùng biết được người thầy tu con bà để tâm thương yêu tên là Ananda. Thầy Ananda là một học trò gần gũi Bụt. Thầy Ananda dễ thương thật. Đây là một người có thể đem lại hạnh phúc lứa đôi cho con mình. Bà gọi Prakriti lại và nói:
- Prakriti con, trong những phương thuốc gia truyền mẹ biết được, có một liều thuốc gọi là bùa tình yêu. Con hãy chờ cho thầy Ananda đến nhà mình xin nước uống thì con hãy rót cho thầy một chén trà có bỏ bùa tình yêu vào và mời thầy uống. Uống trà vào rồi thì thầy sẽ mất hết sự sáng suốt hằng ngày của mình và sẽ chấp nhận tình yêu của con.
Lòng thương con làm mẹ nàng Prakriti mê muội. Hai mẹ con bà đang đi về hướng của khổ đau, gây khổ đau cho người khác mà không biết.
Cuối cùng thì nàng Prakriti cho thầy Ananda uống chén trà đó thật. Khi đưa chén trà cho thầy, Prakriti thấy trong lòng run rẩy. Nàng đang làm một chuyện tày trời.
Thầy Ananda uống trà vào thì thấy đầu mình choáng váng. Có một cái gì bất ổn đang xảy ra. Theo thói quen của một người tu, thầy trở về với sự thực tập hơi thở. Thầy ngồi xuống và theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra. Thở vào, thầy biết rằng đây là hơi thở vào. Thở ra, thầy biết rằng đây là hơi thở ra.
Nàng Prakriti đứng bên cạnh với tâm trạng sợ hãi. Câu chuyện không xảy ra như hai mẹ con nàng dự đoán. Và Prakriti bắt đầu cảm thấy hối hận. Nàng mở cửa chạy ra ngoài, quyết đi tìm một người tu để về giúp thầy Ananda.
Sau đó thì thầy Ananda được các thầy đưa về tu viện. Mặt của thầy trắng bệch. Các thầy đưa thầy Ananda vào phòng nghỉ. Nàng Prakriti đi lẽo đẽo sau lưng các thầy. Nàng khóc và thú thật:
Con đã cho thầy Ananda uống thuốc mê.
Bụt đã nghe câu chuyện và gọi các thầy đưa nàng Prakriti đến cho Bụt gặp.
Bụt nói với Prakriti:

- Con dại lắm. May mà thầy Ananda nắm vững phương pháp theo dõi hơi thở. Nếu không, thầy sẽ bị con sai sử và làm những chuyện mà chúng con ân hận suốt đời. Và con sẽ đánh mất thầy Ananda mãi mãi. Thầy Ananda sẽ không còn là thầy Ananda nữa nếu trong lòng thầy có một khối khổ đau, ân hận dằn vặt.
- Bạch Đức Thế Tôn. Con thương thầy Ananda lắm, Prakriti khóc.
- Con thương cái gì nơi thầy"
- Con thương đôi mắt, cái mũi, gương mặt, giọng nói, dáng đi... của thầy.
- Con ơi, sở dĩ đôi mắt, cái mũi, gương mặt, giọng nói, dáng đi... của thầy dễ thương là vì thầy đang có hạnh phúc. Thầy là một áng mây đang bay thong dong giữa bầu trời xanh. Nếu con nhốt áng mây lại, thì áng mây sẽ đau khổ và hết đẹp. Con không hiểu điều này sao"
- Con muốn mang lại hạnh phúc cho thầy Ananda.
- Con muốn thầy Ananda có hạnh phúc thì con phải biết thầy Ananda yêu cái gì nhất mới được. Cái mà thầy Ananda thương yêu nhất đó là lý tưởng, muốn sống một đời sống có tự do. Ở trong tăng thân, thầy là một sư anh, một sư em rất dễ thương. Thầy biết tự chăm sóc cho chính mình và cho những người sư anh, sư em của mình. Thầy cũng thương con nhưng thầy chỉ thương con với tư cách của một người tu thôi. Nếu về ở với con, thầy Ananda sẽ nhớ thầy, nhớ tăng thân, nhớ nếp sống đơn giản và hạnh phúc của một người tu. Thầy sẽ không là áng mây thong dong nữa.
Nghe nói, hôm đó nàng Prakriti được Bụt dạy rất kỹ. Chính nhờ duyên hạnh ngộ với Bụt mà nàng Prakriti đã phát nguyện xuất gia, học làm một áng mây thong dong. Nàng tu học rất thành công và trở thành một vị A-La-Hán.
Khi mới vào chùa tu, người trẻ được trao cho cuốn cẩm nang gồm có những bài thơ nhỏ. Đó là cuốn Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Tuyển tập những bài thơ nhỏ, mà trong chùa gọi là thi kệ, là để giúp cho người mới tu thực tập chánh niệm. Tác giả cuốn sách này là thiền sư Độc Thể (1601-1679).
Chánh niệm là nền tảng cho một người tu. Nhờ thực tập chánh niệm mà người tu thấy rõ tâm của mình trong giây phút hiện tại. Bài kệ đầu tiên của tập thi kệ là bài Tảo Giác (Sáng sớm thức dậy). Vừa thức dậy là người tu trẻ đọc ngay bài kệ này.
Tôi không được học những bài thi kệ của thiền sư Độc Thể mà thuộc lòng những bài thi kệ trong cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen của thiền sư Nhất Hạnh sáng tác vào năm 1984 (Lá Bối 1985). Cuốn thi kệ này bắt đầu bằng bài Thức Dậy:
Thức dậy miệng mỉm cười,
Hăm bốn giờ tinh khôi.
Xin nguyện sống trọn vẹn,
Mắt thương nhìn cuộc đời.
Khi đọc thầm bài kệ, ta phối hợp câu kệ với một hơi thở.
Thở vào ta đọc một câu và thở ra ta đọc một câu.
Rồi lúc đặt bước chân đầu tiên trên mặt đất, người tu trẻ đọc bài kệ Quơ Dép:
Đặt chân trên mặt đất,
Là thể hiện thần thông.
Từng bước chân tỉnh thức,
Làm hiển lộ pháp thân.
Mỗi câu kệ là một hơi thở. Chính nhờ sự thực tập hơi thở mà thầy Ananda thoát nạn, không bị nàng Prakriti cám dỗ.
Có một bài kệ dành cho người tu trẻ thực tập khi bước vào thiền đường để ngồi thiền:
Vào thiền đường,
Thấy chân tâm.
Một ngồi xuống,
Dứt trầm luân.
Bài kệ ba chữ, bốn câu, hùng mạnh như một chuỗi thần chú. Thấy chân tâm tức là thấy được tâm mình trong giây phút hiện tại.
Tâm của người mới vào chùa tu thường được gọi là sơ tâm (tâm ban đầu). Cái tâm ban đầu đó đẹp lắm. Nhờ có tâm ban đầu mà người tu có đôi mắt sáng, thức khuya, dậy sớm, ngồi thiền, làm việc, giúp người, độ đời.
Khi một người tu phạm giới, tức là người đó đánh mất hướng đi về phía an lành. Người tu sẽ không còn có năng lượng để đi tới. Người tu cần phải thực tập phục hồi năng lượng của tâm ban đầu.
Tôi nghĩ tới những bài thi kệ của tập Từng Bước Nở Hoa Sen. Một tập sách mỏng mà những người tu mới vào chùa phải học thuộc lòng để hành trì chánh niệm. Lúc đó, những người tu trẻ thực tập những bài thi kệ này và đã học làm mây rồi. Họ tự do và có nhiều hạnh phúc lắm. Tôi cũng có làm nhiều bài thi kệ. Đây là bài có thể dùng để thực tập hơi thở trước khi đánh răng:
Đánh răng là niềm vui,
Trau dồi hạnh thơm sạch.
Từ miệng khéo chọn lời,
Giúp người muôn vạn cách.
Thuở ban đầu của một con người tu đẹp vô cùng. Và chúng ta có thể mãi mãi là cái thuở ban đầu đó. Trở về được với thuở ban đầu, chúng ta lại được làm mây. Mây trắng thong dong. Hồi thiền sư Thiện Minh thị tịch vào tháng 10 năm 1978 (đúng 28 năm trước), thầy tôi làm bài thơ Mây Trắng Thong Dong có những câu như vầy:
Ngươi trở về kiếp xưa mây trắng, thảnh thơi trên bầu mênh mông;
Đến, đi tự ngươi - đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại. Người tu là áng mây bay. Người tu trở về được với cái thuở ban đầu, tiếp xúc được với tâm ban đầu của mình thì tâm người tu lại nhẹ nhàng, thảnh thơi.
Khi thấy mình đã đi lầm đường, sai lối, thì tại sao ta không trở về với cái thuở ban đầu" Cuốn sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu, hoặc là cuốn Từng Bước Nở Hoa Sen vẫn còn đó. Và trong mỗi người tu vẫn còn nguyên vẹn người tu trẻ hôm nào.
Ở trong chùa, nơi tôi đang thực tập, có đến mười người trẻ đang tập sự xuất gia. Tuy là họ chưa thọ giới sa di nhưng đã bắt đầu mặc áo tràng và thực tập những bài thi kệ và hơi thở rồi. Đôi mắt của họ sáng lắm. Họ là người Đức, người Pháp, người Mỹ, người Do Thái và người Việt.
Tôi muốn làm mọi cách để giúp cho họ có được thời gian ban đầu thật hạnh phúc. Mà ở chùa tôi, những người tu trẻ là được cưng chiều nhất. Chúng tôi không sợ họ hư đâu. Họ là mây trắng thì làm sao hư cho được. Hạnh phúc của thuở ban đầu đó, họ sẽ mang theo suốt cuộc hành trình dài của người tu. Đó là mảnh đất linh thiêng mà bất cứ lúc nào, họ đều có thể quay trở về để tha hồ rong chơi.
Hạnh phúc của người tu là cái vừa mới vào chùa người tu trẻ được hưởng ngay lập tức. Có được hạnh phúc đó rồi thì suốt cuộc đời tu, họ sẽ không bị ràng buộc, cám dỗ. Nếu '63ó một người tu trẻ nào đang đọc bài viết này thì tôi muốn hỏi em:
- Em có hạnh phúc không" Em có hạnh phúc không" Hạnh phúc mà em đang hưởng là cái mà bao nhiêu người mong muốn. Đó là hạnh phúc của những áng mây bay. Hạnh phúc này phải là một cái gì rất thực, nuôi dưỡng em hằng ngày. Không có hạnh phúc của một người tu, em dễ dàng gây ra những lầm lỡ đáng tiếc.
Nơi tôi đang tu là một ngôi chùa rất vui. Người trẻ về đây tu đông lắm. Chúng tôi thực tập nâng đỡ nhau trong sự tu học. Trong sự tu học, ta có quyền tạo ra lầm lỡ. Thầy tôi thường dạy là mỗi khi có lầm lỡ thì ta phải đứng dậy, học hỏi từ lầm lỡ của ta mà đi tới.
Điều tôi muốn chia sẻ với em là thái độ chấp nhận lỗi lầm của những người trẻ đang tu ở đây. Họ bao dung và rộng lượng. Họ làm cho tôi hạnh phúc vô cùng. Chính nhờ ở lòng bao dung đó mà chúng tôi có thể nói thật cho nhau nghe những khó khăn có mặt trong lòng. Chúng tôi không cần phải dấu diếm nhau điều gì hết. Và nhất là chúng tôi không cần gây cho người khác có cảm tưởng chúng tôi là những con người hoàn toàn.
Chúng tôi không sợ hãi nhau. Em có nghe tôi nói không" Chúng ta không cần phải sợ hãi nhau. Mình hãy có can đảm nói cho nhau nghe về hạnh phúc và cả về khổ đau của mình.
Chúng ta, những người tu, có làm được mây trắng thong dong không là do ở đức vô úy (không sợ hãi) của mình. Ta mở lòng ra chấp nhận được người anh em mình thì người anh em mình cũng chấp nhận được ta. Đó chính là đức vô úy. Người kia có những cái hay, nhưng cũng có những chỗ dở. Người lớn hay người nhỏ gì cũng có cái hay, chỗ dở hết.
Khi thấy người nhỏ sai lầm, ta hay rầy la nên người nhỏ có khuynh hướng dấu diếm. Tôi thấy đây là một khuyết điểm rất lớn.
Mà thay vì la rầy, phán xét, ta có thể tập lắng nghe nhau. Nhờ lắng nghe mà ta truyền thông với nhau được.
Có truyền thông rồi thì ta không còn sợ hãi nữa. Ta lắng nghe nhau và chấp nhận, nâng đỡ nhau. Nếu em đã gây ra một lầm lỡ và không có ai lắng nghe cho em thì đau khổ của em sẽ lớn lên gấp hàng ngàn lần.
Nói lên cho người khác nghe về lỗi lầm của mình để được yểm trợ, giúp đỡ tức là sám hối. Trong đạo Bụt có phép sám hối rất mầu nhiệm.
Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm,
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm.
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhõm,
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.
Không có lỗi lầm nào mà không sám hối được hết. Em chỉ cần tìm tới tăng thân, mở lòng mình ra thì mọi mặc cảm sẽ được tháo gỡ. Pháp Bụt mầu nhiệm vô cùng. Muôn đời, người tu là áng mây bay. Em nhớ nha. Nhớ nha. "
Thầy Chân Pháp Dụng
(Việt Báo trân trọng cảm ơn Thầy Chân Pháp Dụng đã gửi bản văn để phổ biến.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.