Hôm nay,  

Từ Biệt Talawas

02/11/201000:00:00(Xem: 5758)

Từ Biệt Talawas

Trần Khải
talawas.org, một xã hội dân sự thu nhỏ của giới trí thức trong và ngoàì nước, cho biết sẽ ngừng hoạt động kể từ ngày 3-11-2010. Trong 9 năm hoạt động vừa qua, trang talawas đã trở thành một địa chỉ tin cậy của những người quan tâm về các vấn đề quan yếu của đất nước, một diễn đàn đa nguyên và độc lập.
Một thời, Tự Lực Văn Đoàn và Nhân Văn Giai Phẩm đã xuất hiện trong lịch sử quê nhà với những phong cách hoạt động riêng của nhiều thành phần trí thức thế kỷ 20, và rồi một thời, talawas đã xuất hiện như một diễn đàn độc đáo của khởi đầu thế kỷ 21. Những cuộc thảo luận thời sự trên talawas là các suy nghĩ mang đậm tính trí thức vì các quan tâm về hướng đi hậu chiến của quê nhà, đồng thời cũng hiển lộ các nỗi đau trong nỗ lực hàn gắn sau nội chiến và trong nỗ lực thúc đẩy đất nước cho theo kịp xứ người. Tuy xuất thân lúc đầu từ văn học, nhà văn Phạm Thị Hoài -- người chủ biên talawas – đã đưa trang web trở thành một diễn đàn phong phú của giới trí thức nhiều lĩnh vực. Thật khó như thế.
Lá thư thông báo từ biệt của talawas đăng ngày 23-10-2010 như sau:
“Ngày 03/11 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và đồng thời ngừng hoạt động. Những ngày cuối cùng này, chúng tôi dành để chia tay độc giả, với loạt bài phỏng vấn của talawas và những bài viết, bản dịch mà các cộng tác viên gửi đến tòa soạn như một lời tạ từ. Toàn bộ dữ liệu của talawas bộ cũ cũng như của talawas blog sẽ được giữ nguyên vẹn tại địa chỉ truy cập không thay đổi.
Trân trọng mời quý vị và các bạn cùng chúng tôi hoàn thành chặng đường 9 năm qua.
Ban Chủ nhiệm talawas”
Sau đây là một số suy nghĩ từ một số người từng đóng góp cho trang talawas.
Nhà văn Hoàng Hưng với bài nhan đề “talawas đã thành lịch sử” đăng ngày 24-10-2010, viết:
“...Có lẽ không nên so sánh, nhưng hãy cứ thử so sánh talawas với Nhân văn – Giai phẩm. Chỉ tồn tại 5 số báo, vài số tạp chí, trong thời gian chưa đầy 1 năm, trong hoàn cảnh ngôn luận chưa bị gông bằng cùm “xã hội chủ nghĩa” (vẫn còn “dân chủ nhân dân”), Nhân văn – Giai phẩm đã thành một chương đậm nét nhất của lịch sử cách mạng dân chủ do trí thức văn nghệ sĩ phát động, thách thức chế độ cộng sản toàn trị. Nhưng nó bị dập tắt một cách quyết liệt và tàn bạo, khiến cho ảnh hưởng của nó bị triệt tiêu trong mấy thế hệ. Rồi chính talawas lại là người phục hồi ảnh hưởng của vị tiền bối ấy với một hồ sơ hệ thống, đầy đủ nhất.
Trong khi talawas đã ngày càng trờ thành diễn đàn cuốn hút giới cầm bút tâm huyết với vận mệnh đất nước cả trong lẫn ngoài nước, kéo dài suốt 9 năm, có thời kỳ không ít cây bút “chính thống” tên tuổi cũng đàng hoàng (và không phải không vui thích) xuất hiện trên đó.
Ảnh hưởng của talawas đối với đời sống văn hóa tư tưởng quốc nội có thể thấy được qua thái độ của an ninh Việt Nam đối với nó: từ chỗ để tự do đến chỗ chặn tường lửa, rồi đến chỗ quyết ngăn cản các thành viên trong nước tham gia nó. Họ nói rất rõ: Vấn đề của talawas không chỉ ở chỗ nó “phản động”, mà còn ở chỗ nó có những cây bút (mà họ phải thừa nhận là) “trung thực, uy tín” (với bạn đọc) tham gia tích cực. Cho nên rất nguy hiểm. Chưa nói đến việc nó là cây cầu ngày càng vững chắc kết nối các cây bút quốc nội – hải ngoại vốn chia rẽ sâu sắc vì cuộc nội chiến kéo dài, mở ra con đường tập họp những con tim khối óc tha thiết với tương lai dân tộc bỏ qua một số khác biệt về quan điểm chính trị. Lại càng nguy hiểm hết sức!”(hết trích)
Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự qua bài nhan đề “Từ biệt talawas, người tình mãnh liệt đến rồi đi,” đăng ngày 24-10-2010, viết:


“...talawas như vì sao chói sáng một thời gian rồi vụt tắt. Như một người tình mãnh liệt đến rồi đi. Cảm giác bàng hoàng hụt hẫng tất nhiên phải có. Nhưng không phải tất cả sẽ chấm dứt. Dư âm, dư ảnh, dư hương của talawas sẽ còn lâu dài. Những tư tưởng talawas chuyên chở sẽ còn thấm thía, đi xa trong lòng độc giả đã đến và sẽ đến với talawas trong tương lai nếu nội dung của nó vẫn còn được lưu giữ. Các tác giả của talawas sẽ tiếp nối hành trình của họ trên những con đường mới. Các website khác cùng mục tiêu với talawas vẫn tồn tại hoặc sẽ tiếp tục ra đời thay thế (như Boxitvn mới xuất hiện chưa lâu, cũng đầy trí tuệ, tâm huyết, tính chiến đấu và mang đậm yếu tố trong nước). Tổ quốc Việt Nam của mọi người Việt Nam và cuộc chiến đấu vì đất nước không của riêng ai...”(hết trích)
Nhà văn Trần Kiêm Đoàn trong phần trả lời phỏng vấn của talawas, đăng ngày 27-10-2010, đã viết:
“...Chín năm cộng tác với talawas và đồng thời với nhiều trang website cả Việt lẫn Mỹ, tôi phải chân thành nói lên điều cần phải nói rằng, ban chủ biên talawas là một “chủ báo” đáng quý mà đời thường người cầm bút khó gặp. Đó là sự chọn lọc bài vở cẩn trọng và hết sức thẳng thắn. Chọn đăng hay từ chối đều có lý do minh bạch mà không sợ mất lòng ai, nên đã giữ được cho trang báo một mức độ nội dung tương đối có chất lượng cao, làm hài lòng độc giả. Toàn ban biên tập rất bản lĩnh và có khả năng vững vàng nên giữ được cả lượng và phẩm đều tay từ đầu chí cuối...”(hết trích)
Nhà văn Lê Diễn Đức qua bài nhan đề “Chia tay người tình talawas,” đăng ngày 29-10-2010, viết:
“...Nhưng tôi tin rằng, chia tay talawas, chẳng phải chúng ta mỗi người một phương ra đi vĩnh viễn.
Bởi lẽ, con đường với tham vọng lãng mạn vẫn còn dài, rất dài. Hoài bão, ước mong chung vẫn chưa được thực hiện. Nỗi ưu tư vì số phận bất hạnh của Tổ quốc Việt Nam vẫn nguyên vẹn. Và hơn hết, chưa thể đóng gói trách nhiệm và lương tri của người cầm bút chân chính và cất vào hộc tủ, để mặc con tạo xoay vần trong khi đất nước còn lắm nhiễu nhương và đang rất cần đến tiếng nói, hành động của giới trí thức hơn bao giờ hết như hiện nay.
Cho nên, chúng tôi và chúng ta vẫn sẽ còn gặp nhau. Chắc chắn. Ở nơi này hay nơi khác! Cách này hay cách khác...”(hết trích)
Nhà văn Bùi Văn Phú qua bài nhan đề “Lời chia tay cùng talawas,” đăng ngày 28-10-2010, viết:
“...Xin mượn ca từ của Trịnh Cộng Sơn để chia tay talawas.
Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui
Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn
Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội...”(hết trích)
Nhà văn François Guillemot qua bài nhan đề “Chỉ là một lời tạm biệt,” đăng ngày 1-11-2010, viết:
“...Sau 9 năm hoạt động về mặt văn học, văn hóa, chính trị, mỹ thuật,… trong một bầu không khí chia sẻ thoải mái và kính trọng nhau, talawas tiêu biểu một diễn đàn rất quý cho những ai quan tâm đến Việt Nam.
Như vậy sống lâu hay không thực ra không phải là một vấn đề. Quan trọng nhất là nội dung diễn đàn talawas thành một kho tài liệu quý báu, phong phú, hiện tại hiếm có trên mạng. Riêng tôi, tôi đã học nhiều về các đề tài mới mẻ về văn học, về phong trào thơ tự do, các quan điểm chính trị khác nhau mà luôn luôn được phát biểu trong sự kính trọng lớn. Giữ lại lâu dài cái kho tàng này trên mạng sau khi talawas ngừng hoạt động, đối với tôi, là một  điều rất cần thiết...”(hết trích)
Nhà thơ Bắc Phong qua bài “Xin chúc nhau chân cứng đá mềm,” đăng ngày 1-11-2010, viết:
“chín năm qua vèo như thế đấy
đếm làm sao bài viết, phản hồi
bao nhiêu người thức khuya gõ phím
suy tư về vận nước nổi trôi...”(hết trích)
Để kết thúc bài này, xin gửi lời cảm phục và trân trọng từ biệt talawas, và tương tự, “xin chúc nhau chân cứng đá mềm.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.