Hôm nay,  

Bầu Cho Tương Lai

28/10/201000:00:00(Xem: 6415)

Bầu Cho Tương Lai

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Tin tức tuần này cho thấy số người đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử trung hạn ngày 2 tháng 11 năm nay sẽ rất đông. Tôi nghĩ đây là một tin đáng mừng. Cuộc bầu này là một keo đánh vật gay go giữa hai chính đảng Cộng Hòa và Dân Chủ để tranh quyền kiểm soát Quốc hội Lưỡng viện. Ngoài ra còn có một số ứng viên lấy danh nghĩa độc lập, nhưng chỉ là một số nhỏ. Sự tranh chấp quyết liệt giữa hai đảng lớn là chuyện dĩ nhiên cũng như mọi cuộc bầu cử ở Mỹ, nhưng năm nay sự thắng bại sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng Thống năm 2012. Vậy đảng nào sẽ thắng" Có nhiều dự đoán đã được đưa ra, nhưng tôi không thích làm một ông thầy bói. Tôi muốn nhìn cuộc tranh cử gay go năm nay theo một khía cạnh đặc biệt: Dân Mỹ sẽ "bầu cho tương lai".
Thế nào là bầu cho tương lai" Tôi đã nhiều lần viết trong cuối Thế kỷ 20: Muốn định hướng cho tương lai, chúng ta phải nhìn về quá khứ. Quá khứ là những bài học kinh nghiệm quý giá, nhưng qua đến Thế kỷ 21 với những bước tiến mau lẹ kỳ diệu chưa từng thấy của loài người, tôi thấy cũng cần xét lại kỹ hơn quá khứ của mỗi dân tộc. Quá khứ của nước Mỹ như thế nào" Tôi muốn nhắc lại một vài nét về lịch sử. Mỹ là một nước trẻ tuổi nhất trong các đại cường. Nếu xét theo bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 4 tháng 6 năm 1774, Mỹ chỉ mới có 236 tuổi. Trước đó hàng trăm năm, miền Bắc Mỹ chỉ có thưa thớt những dân tộc bản xứ mà ngày nay từ ngữ Việt vẫn gọi là người da đỏ. Những người da trắng gốc Âu Châu chỉ đến Bắc Mỹ khoảng trên 300 năm trước, họ là những di dân. Ở VN năm 1954, ta có phong trào di dân gọi là "di cư" từ Bắc vô Nam tị nạn Cộng sản. Ở đây chính những người di cư da trắng từ Âu châu đến Bắc Mỹ đã lập thành nước Mỹ như ngày nay.
Bởi vậy những người Mỹ gốc Việt hiện sinh sống ở Mỹ đôi khi nghĩ dân Mỹ cũng là dân di cư, nên dân da vàng chúng ta không bị nạn kỳ thị mầu da. Đó là những quá khứ đẹp. Nhưng thời xa xưa Mỹ cũng có những quá khứ xấu. Người da đen bị bọn buôn người quốc tế bắt từ Phi Châu đem qua Mỹ bán làm nô lệ, rồi chính những người da trắng di cư trước qua Bắc Mỹ đã mua người da đen để khai phá những đồn điền rộng lớn của họ. Nhưng may mắn về sau đến thời Tổng Thống Abraham Lincoln, ông đã ký Tu chính án bãi bỏ thói nuôi nô lệ và được Quốc hội thông qua năm 1885. Nạn mua nô lệ và kỳ thị mầu da đã trở thành bất hợp pháp.
Ngày nay nhiều người Mỹ đã có một câu nói ý nhị "mắt tôi mù về mầu sắc". Chỉ có điều đáng buồn là trái tim của loài người không phải là mắt nên nó không...mù. Nói chung các dân tộc trên Trái Đất này đều có những quá khứ để lấy đó làm những bài học. Có những sai lầm cần phải bỏ, nhưng cũng có những truyền thống tốt đẹp cần phải giữ như hy sinh xương máu để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nguồn gốc, văn hóa, các quyền tự do căn bản của con người. Vậy trong cuộc bầu cử tháng tới, chúng ta đi bầu cho tương lai là bầu cho những thứ đó hay sao" Những nét căn bản đó cần phải giữ, nhưng tương lai sắp tới của nước Mỹ, của những nguời dân như chúng ta đi bầu còn phức tạp hơn rất nhiều.


Chúng ta đã bước qua năm thứ 10 của Thế kỷ 21, những rối ren của tình hình thế giới, những khó khăn về kinh tế, chính trị và văn hóa, những mối họa dị thường chưa từng có trong lịch sử loài người đã tràn ngập cả nước Mỹ. Trước hết và trên hết có mối họa khủng bố đang tràn lan khiến nước Mỹ phải tốn người tốn của để tìm cách trừ khử. Sự tốn kém đó đưa đến nạn suy thoái kinh tế từ năm 2007, tiếp tục cho đến năm 2008 bầu Tổng Thống mới đã giảm nhưng rớt lại vẫn còn và ảnh hưởng đến cuộc bầu Quốc hội hiện nay. Chưa biết kết quả cuộc bầu cử này, nhưng bất luận đảng nào thắng để "kiểm soát" Quốc hội, vẫn không có gì bảo đảm Mỹ sẽ trừ khử được nạn khủng bố và phục hồi kinh tế như cũ.
Vậy chúng ta bầu cho tương lai là bầu như thế nào" Hãy nhìn đến các cuộc vận động tranh cử sôi nổi trong những tháng vừa qua cho đến chí  kỳ ngày bỏ phiếu. Hai chính đảng Cộng Hòa và Dân chủ đã bỏ ra rất nhiều tiền để quảng cáo vận động cho các ứng cử viên của mình. Theo báo Washington Post, cả hai đảng đã bỏ ra tổng cộng đến 2 tỷ đô-la, tính trung bình mỗi ứng viên ra tranh cử Quốc hội và một phần các Thống đốc tiểu bang đã tốn đến 4 triệu đô một người. Trong lúc nền kinh tế Mỹ đang cố ngóc đầu lên mà bỏ vào chỗ vô thiên địa mất 2 tỷ là chuyện khôi hài đen vậy.
Các nguồn tin báo chí Mỹ cho biết sở dĩ tốn kém như vậy là vì các đảng đưa ra phần lớn là những người mới, không có tên tuổi từ trước nên phải quảng cáo kỹ cho họ. Vậy những nhân vật cũ không còn được tín nhiệm hay sao" Nguời ta đã thấy những người cũ có vẻ đã mất niềm tin của người dân. Nhưng có một thực tế phải nhìn cho rõ. Cuộc khủng hoảng hiện nay không phải do người gây ra mà do cơ cấu của chế độ đã gây ra. Hệ thống chính trị là do Hiến pháp quy định nay đã quá già không thích ứng nổi với thời thế mới, nhu cầu mới của những tiến bộ trong tư duy của bộ óc và kỹ thuật do bàn tay con người tạo ra trong Thế kỷ 21. Trong khi đó các chương trình tranh cử đưa ra phần lớn rút cuộc cũng chỉ là những bổn cũ soạn lại, chỉ có thêm chút mắm muối làm gia vị để làm như mới mà thôi.
Hiến pháp Mỹ không thay đổi, nhưng đã có những tu chính án để thích ứng với thời cuộc. Chúng tôi nghĩ rồi đây sẽ có thêm những tu chính án mới. Chúng ta bầu cho tương lai là bầu cho việc hình thành các tu chính án đó. Ngoài ra khi các chính đảng chủ trương "kiểm soát" Quốc hội là sai. Quốc hội là nơi để tranh cãi giữa các phe thiểu số và đa số với mục tiêu tối hậu tìm một sự đồng thuận chung, ích nước lợi dân, chớ không phải để một phe đảng nào kiểm soát hay chế ngự độc đoán. Chúng tôi muốn nhìn đến một tương lai gần nhất để những chủ trương lạc hậu đó không còn nữa.
Ngoài việc đối nội, Mỹ còn vấn đề đối ngoại cũng có tầm quan trọng sống còn cho một siêu cường. Về chiến tranh, Mỹ đã có chiến lược mới đánh khủng bố với những bước đầu có hiệu quả. Nhưng về mặt chính trị và kinh tế, tầm quan trọng cũng không nhỏ. Mỹ cần phải lưu ý đến Ấn Độ và Trung Quốc có tiềm năng phát triển kinh tế rất mạnh. Mỹ nên tìm đến một sự hợp tác điều hòa thành thật với hai nước đó, tạo thành một thế chân vạc. Ấn Độ và Trung Quốc đã có xung đột và tranh chấp từ lâu về mọi mặt, nên Mỹ đứng giữa là có lợi.
Mặt khác nếu xét về các vấn đề quốc tế, bất luận trong trường hợp nào Mỹ vẫn có một thế liên minh truyền thống mạnh nhất thế giới. Đó là thế liên minh với các nước Tây Âu về quân sự như đã từng được chứng tỏ trong hai cuộc Thế chiến của Thế kỷ trước. Còn mối quan hệ kinh tế với Âu châu với thời thế mới đã mỗi lúc một gia tăng. Và khi nói đến kinh tế là nói đến chính trị vậy. Chúng ta bầu cho tương lai là bầu cho một nước Mỹ mới và mạnh hơn bao giờ hết.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.