Hôm nay,  

Tạp Ghi: May Rủi Giải Pulitzer

09/05/201000:00:00(Xem: 5387)

Tạp ghi: May Rủi giải Pulitzer - Huy Phương

Nick Út, phóng viên nhiếp ảnh của hãng AP, đã đoạt giải Pulitzer năm 1972 về bức hình chụp bé gái Kim Phúc 9 tuổi đang bị bỏng bởi bom napalm, trần truồng chạy trên quốc lộ 1 gần Trảng Bàng, Tây Ninh vào ngày 8 tháng 6-1972. Sau đó, Nick Út với phương tiện của AP đã đưa Phúc và nhiều em bé khác vào bệnh viện Saigon. Khi Saigon thất thủ Nick Út đã được hãng AP bốc đi Mỹ. Phần cô bé Kim Phúc sau 14 tháng nằm bệnh viện với 17 lần giải phẩu, mới có thể trở về nhà.
Kim Phúc  sống trong một gia đình nghèo tại Trảng Bàng, bị lãng quên sau khi Cộng Sản Bắc Việt vào miền Nam, thậm chí vì những vết bỏng, cô không có nổi một người bạn trai, - như lời cô kể. Mãi đến khi Kim Phúc bắt đầu vào Đại Học thì chính quyền Cộng Sản mới nghĩ đến cô, và từ đây xử dụng cô như một lá truyền đơn để chống Mỹ- Nguỵ vì cô đã bị bom xăng đặc do Không Quân Việt Nam  ném xuống Trảng Bàng nơi có Việt Cộng ẩn náu, và vì hình ảnh cô đã được quảng bá khắp thế giới như là hình ảnh của một nạn nhân chiến tranh, hay là “ nạn nhân của chính quyền Saigon” theo cách nhìn vu khống của Hà Nội.
Sinh viên Phan Thị Kim Phúc được đưa ra Hà Nội như là một “quốc bảo”, được chính quyền Cộng Sản Hà Nội, tiếp đãi nồng hậu và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận làm con nuôi. (!) Cô được đưa đi du học tại Cuba năm 1986, khi đến đây cô gặp sinh viên Bùi Huy Toàn từ Bắc Việt Nam và hai người hứa hôn với nhau. Năm 1992, hai người làm đám cưới và đưa nhau đi Moscow hưởng tuần trăng mật. Trên đường đi, máy bay ghé lại Gander, Newfounland để tiếp xăng, hai người xuống  máy bay và xin tỵ nạn chính trị ở Canada và được chính phủ Canada chấp thuận. Hiện nay gia đình Kim Phúc đang sinh sống tại Ajax,Toronto, Canada và gia đình Phúc Toàn có hai con. Phan Kim Phúc đã lập  Foundation Kim Phuc International để hàn gắn vết thương cho những nạn nhân trẻ em trong chiến tranh ở khắp thế giới. Năm 1994, cô được cử làm Đại Sứ Thiện Chí của UNESCO. Cô cũng được hai Đại Học York University Toronto và Queen ‘s University, Kingston trao bằng Tiến Sĩ Danh Dự.
Sở dĩ tôi nói dài dòng như vậy về trường hợp Pulitzer 1973 của Nick Ut và “The Girl in the Picture” Phan Thị Kim Phúc là vì mỗi  bức ảnh của giải Pulizer đều có những số phận may rủi, vui buồn của nó.
Năm 1942, Uỷ Ban Pulitzer đã quyết định trao thêm giải Pulitzer cho báo chí về những hình ảnh ý nghĩa nhất trong năm. Những bức ảnh này có thể mang lại niềm vui, sự sợ hãi, gây sự cảm xúc sâu xa của nội tâm nhân loại và chia sẻ với người xem về sự nhận thức của người ký giả. Và đây là vài giải thưởng tiêu biểu:
- ca tụng lòng can đảm của người lính Mỹ như tấm ảnh của Joe Rosenthal (AP) chụp một toán Thuỷ Quân Lục Chiến dựng ngọn cờ trên ngọn núi Suribachi, đảo Iwo Jima (năm 1945);
- gây chấn động cho cả nước như bức ảnh của Robert H. Jackson (Dallas-Times-Herald) chụp ảnh Jack Ruby bắn Lee Harvey Oswald, kẻ giết Tổng Thống Kennedy ở Dallas (năm 1964);
- gây bất mãn và tạo nên phong trào phản chiến ở Mỹ qua bức ảnh của Eddie Adams chụp cảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan dùng súng lục bắn vào đầu tên VC Bảy Lốp (năm 1969).
- khơi dậy lòng trắc ẩn của nhân loại và gây nên phong trào chống chiến tranh như bức ảnh của phóng viên Nick Ut (AP) chụp em bé Kim Phúc  bị  bom napalm đốt cháy, trần truồng chạy trên quốc lộ 1 Trảng Bàng (năm 1973);
- hay gây xúc động cho thế giới với bức ảnh chụp một em bé Sudan đói khát bò lê giữa cánh đồng với một con kên kên đang chờ vồ con mồi sắp chết bên cạnh, của Kevin Carter (năm 1994).
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer dược nhiều người Việt biết nhất và cũng được Việt Cộng khai thác nhất là bức ảnh của Eddie Adams chụp Tướng Nguyễn Ngọc Loan năm 1968. Phát đạn từ nòng súng ông Loan đã khai tử Bảy Lốp nhưng tấm ảnh của Eddie Adams cũng đã “khai tử” tướng Nguyễn Ngọc Loan, như  điếu văn sám hối của Adams được tờ tuần báo TIME đăng tải ngay trong số ngày 27-07-1998: "Tôi đoạt giải Pulitzer trong năm 1969 nhờ tấm ảnh chụp một người bắn vào một người khác. Trong tấm ảnh đó có đến hai người chết: Người nhận lãnh viên đạn và Tướng Nguyễn Ngọc Loan. Ông Tướng đã giết chết người lính VC, nhưng tôi giết ông Tướng bằng cái máy ảnh của tôi. Những tấm ảnh vốn vẫn là những thứ vũ khí kinh khủng trên thế giới...”
Nhân về tham dự một “workshop” về ảnh báo chí tại Hà Nội, phóng viên nhiếp ảnh Nick Út đã nói về chiến tranh Việt Nam và nặng lời phê bình về bức ảnh của Kevin Carter (Pulitzer năm 1994), một đồng nghiệp của ông. Để trả lời câu hỏi của vietnam.net trong nước “có những kỷ niệm nào về những bức ảnh chiến tranh VN, những kỷ niệm không bao giờ lãng quên trong hồi ức”, Nick Ut có cơ hội phát ngôn chống Mỹ, như luận điệu từ bao nhiêu năm nay của Hà Nội: “Những bức ảnh chiến trận thì nhiều lắm, nhưng phần lớn là những cảnh tàn phá của cuộc chiến ở các xóm làng VN. Những bức ảnh không cần ngôn ngữ vẫn làm rung động những trái tim yêu hòa bình, phản đối cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở VN.”
Cao hứng, hừng hực khí thế chửi Mỹ, Nick Út cũng “đía” thêm: “Họ muốn che đậy hậu quả của cuộc chiến. Tôi nghĩ họ biết tất cả nhưng cũng muốn giấu đi tất cả mà thôi. Trong suốt cuộc chiến, tôi đã đi nhiều và đã thấy đồng bào của mình chết oan rất nhiều. Chỉ riêng vụ thảm sát Mỹ Lai thôi, đã có được biết bao tấm ảnh hết sức dã man rồi”. (vietnam.net 4/9-2010).


Nick Út đã không chụp được những bức ảnh như ba cô gái Xây Dựng Nông Thôn suối Châu bị giết chết vứt xác giữa đường, những bức ảnh trong vụ thảm sát Mậu Thân, những đứa trẻ chết nằm trên sân trường tiểu học Cai Lậy, những xác chết vương vãi trên “đại lộ kinh hoàng”, hay trên tỉnh lộ 7B vì pháo Việt Cộng... Ông chỉ may mắn có được bức ảnh Kim Phúc để giờ này có thể cao giọng lên án “Mỹ xâm lược.” Mặt khác về đạo đức con người, Nick Ut không nên lên án một đồng nghiệp, cùng hưởng vinh quang Pulitzer như anh, nhưng không hề được may mắn như anh, là Kevin Carter (Pulitzer 1994), khi nói rằng: “Những người mong muốn nổi tiếng từ “thảm họa” của người khác, thì suốt đời họ không được bình yên trong tâm trí. Và sẽ chết trong đau đớn bởi sự hối hận muộn màng. Tôi không muốn nhắc nhưng đó là trường hợp xảy ra gần nhất với tác giả bức ảnh nổi tiếng chụp cảnh con kên kên đang đứng rình trước một bé trai sắp chết đói ở Somali. (Chú thích: Nick Út ghi lầm, đúng ra là ở Sudan. Hai tháng sau, nhà nhiếp ảnh Kevin Carter đã tự sát vì không chịu nỗi sự khủng hoảng tâm lý đã dày vò ông ta.)
Lời phê phán của Nick Út đối với Kevin Carter (nhất là sau khi phóng viên nhiếp ành này đã tự sát năm 1996) tôi nghĩ là quá đáng. Nick Ut ám chỉ Kevin là “người mong muốn nổi tiếng từ “thảm họa” của người khác” chỉ vì chụp một em bé sắp chết đói. Phải chăng chỉ vì Nick Út có cơ hội đưa Kim Phúc đi bệnh viện còn Kevin Carter bỏ em bé lại hiện trường. Vậy thì Kim Phúc hay Bảy Lốp có phải là “thảm họa của người khác không"” Công bằng mà nói Eddie Adams, Kevin Carter hay Nick Ut cũng chẳng ai “mong nổi tiếng từ thảm hoạ của người khác.” Nick Ut dư biết rằng khi tấm ảnh Kim Phúc được phát đi, nước Mỹ biểu tình, báo chí Nhật Bản và nhiều nước khác phóng to bằng hình thật ngay trước tòa soạn báo của họ. Vào ngày hôm sau tại Washington, hàng mấy ngàn người xuống đường. Hà Nội tuyên truyền “chiến tranh VN do Mỹ khởi xướng đã phô bày những tội ác khủng khiếp của nó chỉ qua một tấm ảnh của Nick Út!” Đây quả là cơ hội bằng vàng của Hà Nội. Nhưng điều này, tôi vẫn tin rằng không phải là điều mong muốn của người đoạt giải Pulitzer năm 1973.
Là một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, Nick Út cũng biết rằng một bức ảnh chụp có dàn dựng, sắp đặt không thể nào có giá trị và được công nhận là tột đỉnh trong năm của nhiếp ảnh báo chí Pulitzer. Đó là chỉ trong khoảnh khắc của tia chớp hay của ngọn đèn flash được lóe lên, khi ống kính được mở ra, có khi là 1/1000 giây. Không một người bấm máy nào có thời gian để suy nghĩ, tính toán hay lợi dụng mà đôi lúc chỉ là theo phản xạ. Được một giải thưởng văn chương như Nobel hay Goncourt, nhà văn phải nổ lực suốt cả một đời người, còn tác phẩm nhiếp ảnh, nhất là nhiếp ảnh báo chí của giải Pulitzer, người ta chỉ cần một khoảnh khác may mắn. John Paul Fito (1971) bấm máy lúc một sinh viên phản chiến tại đại học Kent vừa ngã xuống, hay Mary Chind (2010) chụp ảnh cứu người trôi trên thác nước, khi hai bàn tay của nạn nhân và nhân viên cứu cấp sắp nắm lấy nhau. Nick Ut cũng gặp sự may mắn đó, bằng chứng là cùng lúc Nick Út bấm máy, bên cạnh đó cũng có nhà báo Alan Downes (ITN), và Le Phuc Dinh (NBC) với những tấm ảnh về Kim Phúc được chụp gần.
Eddie Adams trước khi chết còn nói được những lời nói chân thành, Kevin Carter tự chọn cái chết vì bị hình ảnh của em bé Sudan dày vò. Cả hai phóng viên nhiếp ảnh gia Pulitzer này đều không gặp may nhưng họ đều là những người có lương tâm. Tướng Nguyễn Ngọc Loan và Bảy Lốp đã chết, em bé Suadan của Kevin Carter cũng không còn nhưng Phan Thị Kim Phúc còn sống, trở thành danh tiếng, trở thành vận may của Nick Ut. Ngay cả “baby in the box” Trần Thị Hết (Nhanny Heil) của nhiếp ảnh gia Chick Harrity (AP) dù cuối đời đã gặp lại người chụp bức ảnh đã làm thay đổi cuộc đời cô, nhưng cô cũng chỉ là một phụ nữ bình thường sống trên đất Mỹ.
Qua báo chí truyền thông thế giới và với sự vận dụng tối đa của bộ máy tuyên truyền chống miền Nam của CS Bắc Việt, Phan Thị Kim Phúc sáng lên như một nạn nhân trong lửa đạn, được gọi là nạn nhân của Mỹ Nguỵ, được đưa đi khắp thế giới “trình diễn”, còn gì tuyệt hảo bằng chứng tích là những vết sẹo vì bom xăng còn để lại trên cơ thể cô. Mười bảy năm sau “biến cố” Trảng Bàng, tờ Los Angeles Times muốn khai thác lại câu chuyện này và Nick Út có dịp qua Cuba gặp Kim Phúc, sau đó hai người đến Luân Đôn và được Nữ Hoàng Anh tiếp kiến. Tên tuổi của Nick Ut lại được chạy những hàng tựa lớn trên báo chí. Nếu như Kim Phúc chết trong chiến tranh hay bị bỏ quên, không được Bắc Việt khai thác thì Nick Ut cũng trở thành bình thường, ít ai còn nhớ đến.
Nick Ut quả là người gặp nhiều vận may, được kéo ra từ phòng tối của hãng AP, khi mới 16 tuổi, sau khi người anh ruột của ông, phóng viên Huỳnh Thành Mỹ bỏ mình vì nhiệm vụ. Năm 1972 cả thế giới biết đến tên Nick Ut. Ngay cả năm 2007, bức ảnh của Karl Larson chụp Paris Hilton ngồi khóc ở băng sau của chiếc xe cảnh sát Los Angeles cũng bị ghi nhầm tên tác giả là Nick Ut khiến tác giả Larson phải kiện hãng ABC. Chưa có một phóng viên nhiếp ảnh gốc Việt nào được có danh vọng như Nick Ut, nhưng Nick Ut đã đứng về phía những kẻ thắng trận vô nhân là VC và lên án cho Mỹ là nguyên nhân của  cuộc chiến tranh đẫm máu 35 năm về trước, cũng như nói những lời không mấy tốt đẹp về Kevin Carter, một con người đáng cho chúng ta ngưỡng mộ.
Trong hai người, Nick Ut và Kevin Carter, ai là “những người mong muốn nổi tiếng từ “thảm họa” của người khác"” hay nói rõ hơn, hưởng lợi “từ thảm họa của người khác"”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.