Hôm nay,  

Tội Ác: Albert Gonzalez, Tội Phạm Điện Toán Hàng Đầu Của Thế Kỷ

02/05/201000:00:00(Xem: 5366)

Tội ác: Albert Gonzalez, Tội Phạm Điện Toán Hàng Đầu Của Thế Kỷ - Vũ Hải

Từ ngàn xưa cho đến nay, tội ác vốn là một thế giới phức tạp phản ảnh mặt trái nội tâm sâu kín của con người, được hình thành từ những động cơ đi ngược lại nền tảng của lương tâm và đạo đức vì trực tiếp gây phương hại cho kẻ khác về vật chất lẫn tinh thần, thậm chí còn gây ảnh đến tính mạng của đối phương. Từ đó, khuynh hướng phạm tội tuy thuộc lĩnh vực tâm lý trừu tượng vô hình nhưng lại có sức mạnh điều khiển toàn bộ hành động của người gây án, khiến họ phải sử dụng tất cả những công cụ có được để đạt đến mục đích thỏa mãn động cơ, từ đó nẩy sinh nhiều hình thức tội ác đa dạng. Trong thế giới của tội ác hiện nay, ngoài những loại tội phạm sử dụng vũ khí, bạo lực để thực hiện các vụ án cướp của, giết người, hãm hiếp v.v…, còn có một hình thức tinh vi hơn là dùng năng lực trí tuệ qua việc ứng dụng kỹ thuật cao độ (high tech) của máy điện toán để đánh cắp những dữ kiện (data) liên quan đến hồ sơ cá nhân và đặc biệt là ngân khoản tiền bạc lưu trữ bằng tín hiệu trong các thẻ tín dụng.
Kể từ khi nền công nghệ thông tin IT (Information Technology) ứng dụng cơ năng của máy điện toán ra đời từ cuối thập niên 1990, kèm theo những phát minh kỹ thuật cải tiến tiện nghi đời sống nhân loại, hệ thống thông tin trên toàn thế giới đã nhanh chóng phát triển thành mạng lưới Internet nối kết toàn cầu. Chính vì vậy, mạng lưới Internet vô tình trở thành những “xa lộ” thênh thang dẫn đường cho các tay “đạo tặc điện toán” (hacker) chuyên xâm nhập vào các bộ phận lưu trữ dữ kiện cá nhân để đánh cắp tài liệu tùy theo nhiều mục đích như phá hoại, đùa nghịch, xâm phạm đời tư, cướp đoạt tài sản hoặc nghiêm trọng hơn là hoạt động gián điệp.
Qua đó, vào ngày 25/3/2010 một vụ án thuộc loại “tội phạm IT” được mệnh danh là vụ “tội phạm điện toán của thế kỷ” đã kết thúc qua phiên xử của Tòa Án Liên Bang New Jersey, Hoa Kỳ với án phạt 20 năm tù dành cho bị cáo Albert Gonzalez (28 tuổi) vì phạm tội đánh cắp dữ kiện của 170 triệu thẻ tín dụng bằng cách sử dụng các nhu liệu (software) độc hại để xâm nhập vào hệ thống lưu trữ hồ sơ cá nhân khách hàng của các đại công ty thương nghiệp trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2007. Đây là một vụ án lớn nhất trong lịch sử tội phạm cùng loại, gây chấn động dư luận Hoa Kỳ lẫn toàn thế giới do mức độ thiệt hại nặng nề vượt qua dự tưởng của giới chuyên gia điện toán. Đồng thời, cũng khiến niềm tin của giới tiêu thụ bị lung lay trầm trọng khi không còn kỳ vọng vào hệ thống bảo mật an toàn của những công ty thương nghiệp mà họ là khách hàng chi trả những ngân khoản mua sắm.
Theo những chi tiết do Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) công bố thì “đạo tặc điện toán” Albert Gonzalez đã cùng nhóm người tòng phạm là bạn bè của anh ta, sử dụng các mã số bất hợp pháp gọi là “SQL Injection” và loại nhu liệu “Packet Sniffer”, “Malware” để tạo nhiều cổng xâm nhập vào hệ thống máy điện toán của các công ty thương nghiệp và đánh cắp dữ kiện một cách dễ dàng. Đây là những “thủ thuật” thường thấy nơi các tay “hacker” chuyên nghiệp nhưng tùy theo trình độ ứng dụng của họ, mức độ gây thiệt hại càng tinh vi hơn khiến nạn nhân là người sử dụng máy điện toán bị xâm nhập không thể đề phòng hoặc phát giác được. Trong đó, “SQL Injection” là kỹ thuật điền vào các đoạn mã số bảo mật, còn “Packet Sniffer” là nhu liệu phân tích hệ thống mạng để đánh cắp dữ kiện và “Malware” chính là phần nhu liệu độc hại chuyên cấy những loại “virus”, “spyware”, “trojan”, “adware” để phá hoại, khống chế hoặc “mở cửa”cho kẻ khác xâm nhập vào máy điện toán của nạn nhân.
Dựa vào lời khai của những người tòng phạm, trong suốt hai năm “tung hoành” và được coi là thời kỳ hoàng kim của “đạo tặc điện toán” Albert Gonzalez, anh ta từng thuê mướn các khách sạn cao cấp làm cứ điểm hoạt động, tiêu xài phung phí với một buổi tiệc sinh nhật tốn đến 75.000 mỹ kim, thậm chí có lần Albert Gonzalez than rằng phải đếm số tiền 340.000 mỹ kim đến mỏi nhừ cả hai bàn tay vì chiếc máy đếm tiền của anh ta bị hỏng.
Albert Gonzalez xuất thân trong một gia đình di dân người Cuba, đến Hoa Kỳ sinh sống tại thành phố Miami, tiểu bang Florida vào đầu thập niên 1970. Từ năm 8 tuổi, Albert Gonzalez bắt đầu làm quen với chiếc máy điện toán mà cha của anh mua lần đầu tiên. Một năm sau, do dịp tình cờ đọc được mệnh lệnh hiện ra trên màn ảnh “máy bạn bị nhiễm virus cần phải xóa đi”, Albert Gonzalez đã tự mày mò tìm cách tẩy trừ các loại virus độc hại. Từ đó, anh khám phá nhiều điều mới lạ và tỏ ra có năng khiếu về lĩnh vực sử dụng máy điện toán. Sau khi theo học tại trường “South Miami High School”, Albert Gonzalez càng nổi tiếng là một tay “hacker” lợi hại thiên về khuynh hướng phá hoại hơn là đùa nghịch mỗi khi sử dụng thủ thuật bất chính để xâm nhập vào máy điện toán của người khác. Trong thời điểm này, Albert Gonzalez còn có biệt danh “thủ lĩnh hacker”, cũng đủ cho thấy trình độ “tay nghề” của anh ta.
Vào năm 17 tuổi, tên “Albert Gonzalez” lọt vào danh sách theo dõi của FBI sau khi anh cùng hai người bạn “trổ tài’ đột nhập vào hệ thống máy điện toán của chính phủ Ấn Độ bằng cách dùng thủ thuật thông qua máy điện toán ở thư viện nhà trường để phá vỡ các “rào cản” và ghi lại những lời lẽ thô tục nhằm chê bai, khinh miệt nền văn hóa xứ sở “cà ry”. Lúc đó, chính phủ Ấn Độ đã phải hủy bỏ toàn bộ hệ thống cũ sau khi phát giác có kẻ lạ xâm nhập và tỏ ý phàn nàn với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do còn ở lứa tuổi vị thành niên nên Albert Gonzalez được miễn truy tố và chỉ bị phạt cảnh cáo bằng hình thức không được đụng đến máy điện toán trong vòng 6 tháng.
Đến năm 2000, anh tốt nghiệp bậc Trung Học Phổ Thông và rời Miami đến thành phố New York tìm kế sinh nhai. Tuy đã lưu lại đây khoảng ba tháng nhưng cuối cùng Albert Gonzalez cũng quyết định tìm đến con đường “làm giàu bất chính” bằng cách phối hợp cùng một số bạn bè thuộc giới “hacker” tại vùng Kearny, tiểu bang New Jersey, bắt tay vào việc đánh cắp dữ kiện của các thẻ tín dụng. Theo lời khai của Albert Gonzalez, đây chính là thời điểm anh nhận thấy rằng qua công việc sử dụng máy điện toán có thể kiếm được những khoản lợi nhuận cao nên đã dọn về tiểu bang New Jersey để dễ dàng hoạt động với nhóm bạn có cùng “nghề nghiệp”.


Sau đó, Albert Gonzalez và nhóm bạn “hacker” thành lập trang web mua bán đấu giá có tên là “Shadowcrew”. Trên hình thức, đây là một website dùng để rao bán hoặc mua lại những món hàng dùng trong sinh hoạt hàng ngày, nhưng thực tế lại quy tụ nhiều thành viên “đồng nghiệp” của Albert Gonzalez để tiện việc trao đổi những kinh nghiệm về thủ thuật xâm nhập máy điện toán hoặc tin tức của những nạn nhân đứng tên thẻ tín dụng bị họ đánh cắp. Do đó, chỉ cần ngồi một chỗ suốt ngày trước máy điện toán, Albert Gonnzalez vẫn có thể hành nghề “đạo tặc” đánh cắp tiền bạc của các nạn nhân và nhanh chóng làm giàu. Hơn nữa, ngoài thẻ tín dụng, các thành viên kỳ cựu của “Shadowcrew” mà trong đó Albert Gonzalez là một nhân vật trọng yếu, còn mua bán những loại “hàng” khác như địa chỉ email, danh sách nạn nhân mới bao gồm khách hàng mua sắm lẫn công ty thương mại hay những tài liệu bí mật có liên quan đến dịch vụ này.
Do đó, chỉ sau một năm kể từ khi xuất hiện trên mạng lưới Internet, trang “Shadowcrew” đã gây ra nhiều thiệt hại cho người tiêu thụ trả tiền bằng thẻ tín dụng khiến FBI phải ra tay điều tra và nắm giữ nhiều chứng cớ quan trọng cho thấy đây là hang ổ của nhóm “đạo tặc điện toán” chuyên buôn bán dữ kiện thẻ tín dụng bị đánh cắp. Ngay sau đó, Albert Gonzalez được biết qua nickname là “CumbaJohnny” cùng một số thành viên của “Shadowcrew” bị bắt giữ với tang chứng là những mật thư trao đổi về việc mua bán thẻ tín dụng bị phía FBI phát hiện. Tuy nhiên, theo tài liệu nắm được trong tay của FBI, con số thành viên chính thức của “Shadowcrew” lên đến hơn 4000 người nên số còn lại nằm ngoài vòng pháp luật vẫn còn là mục tiêu theo đuổi của nhà chức trách Hoa Kỳ. Trong khi đó, vì quá lo sợ trước viễn ảnh bị truy tố trước pháp luật nên Albert Gonzalez xin được cộng tác với FBI trong việc truy tìm manh mối những tay “hacker” nguy hiểm khác mà chính anh ta cũng chỉ biết được họ qua nickname mỗi khi liên lạc trên trang “Shadowcrew”.
Nhờ vậy, anh trở thành “gián điệp” của FBI trong suốt khoảng thời gian từ sau khi bị bắt cho đến tháng 10/2004 và giúp cơ quan điều tra tìm ra nhiều chứng cớ hoạt động bất chính cũng như địa chỉ các thành viên thuộc loại sừng sỏ nhất của trang “Shadowcrew”. Cuối cùng, trong một chiến dịch càn quét “tội phạm điện toán” (Computer Criminal), FBI đã bắt được 26 hung thủ hàng đầu trong danh sách theo dõi và chính thức xóa sổ trang “Shadowcrew”. Điều đáng kể là ngoài việc được miễn truy tố, Albert Gonzalez còn nhận được số tiền thù lao 75.000 mỹ kim/năm từ chính phủ Hoa Kỳ cho những hoạt động “gián điệp” bất đắc dĩ.
Để chứng tỏ mình đã hoàn lương, sau khi hang ổ của “Shadowcrew” bị đánh sập, Albert Gonzalez trở lại Miami và xin được tiếp tục cộng tác với FBI để truy lùng những tên hung thủ điện toán chuyên nghề đánh cắp dữ kiện thẻ tín dụng trên toàn quốc. Thế nhưng, không ai có thể ngờ được rằng đây chỉ là kế sách hoãn binh để qua mặt FBI của anh do bản chất ham tiền và thích làm giàu một cách bất chính đúng với câu “chứng nào tật ấy”.
Sau khi trở về Miami, Albert Gonzalez tụ tập nhóm bạn cũ để thực hiệm âm mưu xâm nhập và đánh cắp dữ kiện của những nạn nhân mới là khách hàng thuộc các dịch vụ buôn bán lẻ. Với “vũ khí” là các nhu liệu phân tích dữ kiện do Albert Gonzalez cùng nhóm bạn bất lương sáng chế, họ đã len lỏi vào tận cùng hệ thống thông tin của các công ty chuyên bán lẻ và từ đó nắm giữ tài liệ
u liên quan đến tài khoản cá nhân khách hàng. Công việc lúc này của Albert Gonzalez là chỉ cần đem theo chiếc máy điện toán di động (Laptop) đến bất cứ nơi nào để truy nhập vào những kẽ hở của hệ thống bảo mật thông tin của các công ty. Sau đó, nhóm tội phạm khoảng 10 người này lẻn vào đánh cắp mật mã và tín hiệu thẻ tín dụng của khách hàng để rút tiền hoặc dùng ngân khoản này mua sắm bằng cách ghi nhiều địa chỉ “ma” để cửa hàng gửi đến rồi bọn chúng cho người đến nhận.
Từ cách “làm ăn” bất chính này, nhóm tội phạm của Albert Gonzalez đã gây thiệt hại nặng nề cho hãng “TJX Companies” trực thuộc hệ thống bán lẻ các món hàng thời trang nổi tiếng Hoa Kỳ là “T.J. Maxx” với khoảng 45.6 triệu thẻ tín dụng và 40 triệu hồ sơ cá nhân cá nhân bị đánh cắp trong khoảng thời gian 18 tháng tính đến cuối năm 2007. Tuy trước đó, “T.J. Maxx” đã đặt nhiều nghi vấn về tình trạng thất thường của hệ thống bảo mật danh sách khách hàng nhưng vẫn không tìm ra được manh mối nên đành nhờ FBI can thiệp.
Ngoài ra, từ tháng 7/2005 Albert Gonzalez cùng đồng bọn còn là thủ phạm đánh cắp hàng loạt dữ kiện thẻ tín dụng của những khách hàng sử dụng hệ thống trả tiền lớn nhất Hoa Kỳ “Heartland Payment System”, hệ thống thương mại “Hannaford Bros”, hệ thống máy rút tiền tự động của cửa hàng bán lẻ “7- Eleven” và hệ thống thương nghiệp ngành giải trí, nhà hàng “Dave & Buster’s”. Tính tổng cộng, cho đến thời điểm tháng 5/2008, nhóm tội phạm của Albert Gonzalez đã đánh cắp khoảng 170 triệu thẻ tín dụng.
Kết cuộc, sau những đợt theo dõi và thu thập chứng cớ của FBI, “đạo tặc điện toán” hàng đầu thế kỷ là Albert Gonzalez cùng 10 tòng phạm đã sa lưới trong một cuộc lùng bắt gắt gao vào ngày 7/5/2008. Qua đó, kết quả điều tra còn cho thấy người viết ra những chương trình phân tích hệ thống thông tin “Sniffer” trong kế hoạch đánh cắp mang tính lịch sử của nhóm tội phạm Albert Gonzalez chính là người đồng sự của anh tên Stephen Watt, được giới “hacker” biết đến qua nickname “Unix- terrorist” hoặc “Jim Jones”. Stephen Watt còn là một nhân viên của ngân hàng “Morgan Standley” ở New York nên càng chứng tỏ mạng lưới kết nối giữa những tay “hacker” chuyên nghiệp đã và đang bành trướng rộng lớn khắp nơi. Trong khi đó, thủ phạm Albert Gonzalez là người chỉ huy toàn bộ kế hoạch xâm nhập đánh cắp dữ kiện thẻ tín dụng, thẻ nợ và hồ sơ cá nhân khách hàng rồi sau đó sử dụng vào các mục đích riêng hoặc đem bán lại trên các trang web của những tay “hacker” khác.
Trong quá trình điều tra, các nhân viên FBI còn tìm thấy số tiền 500.000 mỹ kim cùng những đồ trang sức, quý kim đắt tiền tại căn nhà riêng của Albert Gonzalez do anh mới mua bằng những đồng tiền bất chính. Đồng thời, sau khi lục soát căn nhà của cha mẹ anh, nhà chức trách cũng phát hiện được 1 triệu mỹ kim tiền mặt chôn ở phía sân sau.
Qua vụ án sử dụng trí tuệ để làm giàu bất hợp pháp của Albert Gonzalez, đa số dư luận Hoa đều đưa ra những ý kiến chỉ trích phía FBI và chính phủ đã quá dễ dãi đối với một tên tội phạm từng có hành vi “đạo tặc” bằng máy điện toán khi cộng tác với anh ta và còn trả lương hậu hĩnh. Bởi vì chính điều này đã tạo cơ hội cho anh ta xem thường luật pháp và tiếp tục lún sâu vào con đường gây thêm tội phạm tạo ra nhiều thiệt hại tài sản cho kẻ khác với mức độ to lớn nhất trong lịch sử các vụ án cùng loại.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.