Hôm nay,  

Nhớ Lời Vợ Dặn

30/05/200500:00:00(Xem: 5448)
Thầy Tử Cống, một hôm đi dự đám giỗ. Chợt có Hoa Hâm là người ở làng bên, bất chợt hỏi rằng:
- Thầy là người tài cao học rộng, xin giải dùm tôi cái chuyện này, là: Người chết có biết gì không" Hay lại chẳng biết cái gì hết cả"
Thầy Tử Cống đang ngậm gỏi gà. Chợt bắt nghẹn ngang xương, bèn rối bời ruột gan mà nhủ thầm trong dạ:
- Mẹ nó! Cái thằng này thổi mình lên cao, rồi đào sẵn cái hố cho mình tuột xuống, thì chẳng đáng mặt trượng phu, lại càng không đáng làm người quân tử. Ngặt một nỗi lời đã thốt ra rồi - mà ta quyết lặng thinh - thì không khéo lại đụng đến tự ái của người ta mà trở thành lắm chuyện…
Rồi đưa vội hai tay gãi đầu sột sột mấy cái, lại rì rì nghĩ tiếp:
- Người ta mời đến đây ăn giỗ, mà mình trả lời người khuất mặt chẳng biết chẳng hay, thì năm tới mần răng mà… dính được"
Nghĩ vậy, liền với tay cầm ngay chén rượu. Tu cho một phát, rồi chậm rãi đáp rằng:
- Năm hết tết đến. Người ta thường có thói quen mời ông bà về, rồi tiễn ông bà đi, thì nếu không biết mần răng mà về được"
Hoa Hâm gật gù nói:
- Nếu vậy mình mần đám giỗ, cũng là mời tổ tiên ông bà về thượng hưởng, nhưng chỉ thấy khách khứa ào vô nhậu, rồi nói những chuyện chẳng ăn nhập gì đến người đã khuất - thì hổng hiểu ông bà - mỗi lần được con cháu mời về cõi dương gian. Có mừng vui không nữa"
Rồi ngồi thừ ra mà uống rượu. Thầy Tử Cống thấy vậy, mới rộn ràng mà tự nhủ lấy thân:
- Ăn cũng còn phải nhai huống chi là suy với nghĩ. Mình được người ta mời qua nhậu. Chẳng đem tới niềm vui thì chớ, đằng này lại bị thằng ôn dịch nói ngược nói xuôi, rồi lỡ mất đi mối tương quan để không còn nơi nhậu, thì thiệt là đáng tiếc! Chi bằng trong nhờ đục… chạy, mà giữ được cái hậu về sau, vẫn hơn nấn ná nơi đây mà ôm điều hối tiếc.
Đoạn, lấy hết sức bình sinh quất cho một bụng, rồi đến gặp gia chủ, từ tạ ra về, không quên chúc cho hương hồn ông bà được lẹ làng siêu thoát, đỗ bến bình yên, đặng con cháu khắp nơi nơi an lành mà hưởng phước. Lúc ấy, Hoa Hâm bỗng từ đâu chạy lại, dzọt miệng nói:
- Người ta thác đã hai năm, mà bây giờ thầy mới chúc… thăng về nơi miên viễn. Chẳng muộn lắm ư"
Tử Cống bỗng giật thót cả người. Hoảng hốt đáp:
- Tôi chẳng có ý này. Chẳng qua chỉ là quen miệng mà thôi!
Rồi nhắm cái cổng mà bước. Lúc về đến nhà, có vợ là Uyển thị từ trong bếp chạy ra. Đon đả nói rằng:
- Chàng đi ăn giỗ, mà đem bụng… đói về, thì trước là làm khổ vợ con. Sau cái… san sẻ cũng mất đôi phần hứng thú.
Tử Cống rầu rầu đáp:
- Sóng này chưa lặng. Sóng khác đã lên, thì bụng dạ ở đâu mà ăn nữa"
Uyển thị trố mắt ra nhìn chồng. Ngơ ngác nói:
- Chàng thường tự phụ rằng: Không thằng này đố… thằng nào làm nên! Nay bỗng dưng lìu xìu như rứa, là cớ làm sao"
Tử Cống nghe vợ hỏi vậy, liền dõi mắt vào cõi hư không. Thở ra một cái, rồi bực dọc nói rằng:
- Ăn đám giỗ mà gặp được người hiểu mình, thì uống cả ngàn chung cũng còn thấy ít. Cầm bằng như đụng phải đứa hay kê tủ đứng vào miệng của mình, thì cho dẫu uống chỉ một chung, cũng không làm sao nuốt xuống.
Đoạn, đem chuyện của Hoa Hâm ra mà kể, không bỏ sót một chỗ nào. Lúc kể xong, mới tức tối nói rằng:
- Hoa Hâm nó hỏi ta: Người chết có biết cái gì không" Nếu ta trả lời: Không! Lại hóa ra gia chủ mời mình đến dự đám giỗ chỉ là việc tào lao thiên tướng. Cầm bằng như ta trả lời: Có! Thì tổ tiên đâu hiện diện cho rõ mặt mà nhìn" Đã vậy nó còn… triệt buộc ta, bằng cách vinh danh ta là người am tường mọi sự, để ta phải đưa đầu vô chỗ khó. Nàng có hiểu vậy chăng"
Uyển thị nghe xong, bỗng cúi đầu nín lặng. Một lúc sau, mới chậm rãi nói rằng:
- Cái sống còn chưa biết. Lẽ nào cái chết mà biết đặng hay sao" Nay có Khổng Tử đang từ xa bang tới, lại lưu tạm phương này trong ít bữa vài hôm, thì sao không đến hỏi cho rõ ràng cớ sự"
Tử Cống mắt sáng rực lên, sung sướng nói:
- Sống mà thiếu… vợ, thì thiệt thòi không biết bao nhiêu mà nói. Ta! Cho dẫu sống với nàng mút mùa đi nữa, vẫn một lòng giữ vững trọn niềm tin, là: Không có thê nhi! Chừng mô mới nên người hữu dụng"
Bèn, chuẩn bị hai con gà trống thiến. Năm ký nếp ngon, cùng bốn bánh thuốc lào ba số tám, đặng làm quà ra mắt Khổng Phu Tử. Uyển thị thấy vậy, mới ngạc nhiên hỏi rằng:
- Đức Khổng Phu Tử nổi tiếng là người đạo hạnh. Xiển dương điều ngay lẽ phải, lại khuyên người ta lánh dữ làm lành. Lẽ nào lại nhận… của đút này hay sao"
Tử Cống mặt mày trắng bệt. Thất sắc nói:
- Nặng lễ mới dễ kêu. Khổng Tử! Cho dẫu có giảng dạy Đạo Thánh hiền đi nữa - cũng là… thịt xương - thì không thể bụng hổng có chi mà giảng hoài mãi đặng!
Phần Khổng Tử đang dạo chơi bên bờ suối, mà lòng ngổn ngang trăm mối chưa biết chảy về đâu, bất chợt thấy Bật Tử Tiện từ xa đi tới. Cung kính thưa rằng:

- Non xanh nước biếc. Khung cảnh hữu tình, mà thầy vừa đi vừa… đá lá. Ắt chốn tâm can có gì không đặng. Có phải vậy chăng"
Khổng tử dõi mắt nhìn đôi chim đang lìa cành, rồi thở ra một cái, buồn bã đáp:
- Ngươi theo ta học lời hay lẽ phải, mà lại thấu được tim gan của người ta, thì khoa Tướng số mới đúng là nghề của ngươi vậy!
Tử Tiện được thầy khen một phát. Mát tận tâm can, bèn hớn hở nói rằng:
- Nếu thầy không bắt tội đệ tử là đường đột. Vậy có thể tỏ bày cho nhẹ đặng hay chăng"
Khổng Tử bước thêm vài bước, rồi heo hắt nói:
- Ăn uống. Nam nữ. Đó là những điều ham muốn lớn của con người. Nay bỗng dưng hơi thiếu. Lẽ nào lại yên bụng đặng hay sao"
Rồi đi ngang tảng đá, bèn kéo Tử Tiện ngồi xuống, mà nói rằng:
- Ta đến đất này đã ba hôm, để xiển dương Đạo Thánh hiền, mà chỉ mới được ông Tổng Long mời ăn một bữa. Còn lại chỉ là khoai với sắn. Đậu hủ với tương chao, thì lấy sức đâu mà rao truyền Chân lý"
Tử Tiện trong giây phút bỗng hiểu được lòng thầy. Tha thiết thưa:
- Hoàng thiên bất phụ hữu tâm nhân. Xin thầy chớ mềm lòng như thế!
Khổng Tử. Một tay bứt cọng cỏ, một tay bứt lá non. Khổ sở nói rằng:
- Đạo lý. Một khi không bén rễ nơi tâm can của con người, thì cho dù thầy trò mình có cố gắng hết đời đi nữa. Cũng chẳng vớt được đâu!
Rồi trong lúc hai thầy trò đang… trực thoại với nhau. Chợt Khổng Miệt chạy tới. Hấp tấp nói:
- Tử Cống mang phẩm vật đến, với ước mong được đàm đạo cùng thầy trong giây phút. Có đặng hay chăng"
Khổng Tử mừng rơn đáp:
- Trọn ngày còn được. Hà huống chỉ phút giây. Mần răng không tính"
Bèn hớn hở theo Khổng Miệt về điểm hẹn. Lúc đến nơi. Chợt thấy Tử Cống chắp tay xá một cái. Nhỏ nhẹ thưa rằng:
- Tôi biết thầy bận rộn, nên mạo muội đến đây chỉ xin hỏi một câu, rồi cuốn gói để thầy an giấc mộng…
Khổng Tử nhìn đống lễ vật. Thấy nhẹ cả người, bèn nở nụ cười tươi. Khoan khoái đáp:
- Hai câu còn được. Hà huống chỉ một thôi. Chờ chi không nói"
Tử Cống bỗng sắc diện hồng hào. Mau mắn nói:
- Thưa thầy! Người chết có biết gì không" Hay lại chẳng biết cái gì hết cả"
Khổng Tử đưa tay vuốt râu một cái. Từ tốn đáp:
- Nếu mà ta chắc chắn rằng: Người chết có biết. Thì ta chỉ sợ hạng con cháu sống điều Hiếu nghĩa, sẽ liều thân vì cha mẹ - mà thác… đẹp đi - thì lấy ai hương khói cho sau này, mai hậu" Cầm bằng như ta nói: Người chết không biết gì. Thì ta lại sợ hạng con cháu sống điều lợi lộc. Chỉ mong cha mẹ, ông bà chết đi để ôm tờ di chúc - mà cãi cọ nhau - mặc cho nhục thân cuả các đấng sinh thành đang lạnh lẽo nằm ì ra đó, thì thiệt là không phải, nên ta chỉ có thể trả lời thế này: Nếu nhà ngươi muốn biết người chết có biết đặng hay không, thì hãy thong thả. Đợi đến lúc về cõi trên khắc ngươi sẽ biết. Ta tưởng cũng chẳng có gì là muộn…
Đoạn quay lưng. Bước đi một nước. Thầy Tử Cống, nhìn đống lễ vật đã biến đi, mà đau lòng đau dạ, bèn ngước mắt lên trời. Lớn tiếng than:
- Ôi! Đức Khổng Phu Tử nổi tiếng trên thông hiểu thiên văn, dưới am tường địa lý, giữa hiểu được lòng người, mà giải thích lẽ sống chết - chẳng có gì hơn… vợ - thì tự cổ chí kim. Khó có thể kiếm được một người… hùng tâm đến thế!
Bèn lẳng lặng ra về. Lúc vừa đến đầu ngõ, gặp lúc Uyển thị đang đổ bánh xèo, bèn bỏ bột bước ra. Xăn xái nói:
- Chàng đi sớm về lẹ. Ắt chốn tim gan đã bay điều khúc mắc"
Tử Cống thở ra một hơi hai ba cái, rồi chán nản đáp rằng:
- Người ta bỏ tiền mua vui, nên hăng hái mà làm. Còn mình bỏ tiền để mua điều hiểu biết - lại chẳng được chi - thì so với đứa ham vui đã thua nhiều lắm vậy!
Uyển thị lấy làm lạ, bèn mở to đôi mắt nai nhìn chồng. Ngơ ngác nói:
- Chẳng lẽ chàng không gặp được Đức Khổng Tử hay chăng"
Tử Cống lắc đầu, đáp:
- Ta đã gặp, nhưng câu trả lời của Khổng Tử - nếu đem so với lời của nàng - chẳng khác gì nhau, nên ta tiếc đống phẩm vật đã dâng thầy quá xá!
Uyển thị liền nở một nụ cười thật tươi, rồi dìu đỡ Tử Cống vào nhà. Vừa đi vừa nói:
- Học thì phải trả giá. Nay chàng trả được bài học này bằng chút của cải - vẫn hơn trả bằng sự bất ổn của lương tâm - thì đáng chi mà u buồn như vậy!
Rồi tựa đầu vào vai chồng. Thân thiết nói:
- Thiếp có một cách. Có thể giúp chàng vui ở đời này, mà hưởng phước ở đời sau. Chẳng hiểu chàng muốn nghe hay đợi ít hôm cho nỗi buồn vơi bớt"
Tử Cống giật mình, đáp:
- Không… vợ đố mày làm nên. Nàng còn ngại chi mà không nói"
Bèn lẹ chân dừng lại. Lúc ấy, Uyển thị mới nhìn thẳng vào mắt chồng. Tha thiết nói:
- Trước khi đi ngủ. Chàng hãy tự hỏi mình. Trong một ngày: Đã đối xử với mọi người hết lòng hay chưa" Nói ra câu gì, có xấu hổ với lương tâm hay chưa" Làm công việc gì, có trái với đạo lý hay chưa" Đối với tình phu phụ, đã hết lòng yêu quý hay chưa" Làm được như vậy, thì chẳng những được chí thú với vợ con - mà cuộc sống nhân sinh - mới không lần hổ thẹn…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.