Hôm nay,  

30 Năm Quốc Hận – 30 Năm Xây Dựng Cộng Đồng

30/05/200500:00:00(Xem: 5316)
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 30 Năm Quốc Hận, Sàigòn Times đã lần lượt đăng các bài thơ văn về 4 chủ đề chính: Thứ nhất, tố cáo tội ác CS; thứ hai, tái tạo các bi kịch vượt biển, vượt biên của người Việt tỵ nạn; thứ ba, vinh danh các trận đánh, các anh hùng vị quốc vong thân cách đây 30 năm; và thứ tư, xiển dương tinh thần đấu tranh của người Việt hải ngoại trên con đường đấu tranh giành tự do, dân chủ và nhân quyền tại VN. Ngoài ra, để kỷ niệm 30 năm cộng đồng người Việt định cư thành công tại Úc, kể từ số báo tuần này, Sàigòn Times sẽ lần lượt đăng các bài phỏng vấn qúy vị lãnh đạo CĐNVTD, để qua đó, qúy độc giả có dịp thấy được lịch sử quá trình thành lập của cộng đồng người Việt tự do tại Úc trong suốt 3 thập niên qua, đồng thời có được một định hướng về hướng đi của cộng đồng trong tương lai. Nhìn chung, các bài phỏng vấn đều có 7 câu hỏi:

1. Xin qúy vị cho biết, trong thời gian nào và hoàn cảnh nào, qúy vị chấp nhận dấn thân, lãnh đạo cộng đồng" Bối cảnh của cộng đồng vào lúc đó có những thuận lợi gì, những khó khăn gì" Ban Chấp Hành của qúy vị gồm những ai" Qúy vị đã lãnh đạo CĐ qua mấy nhiệm kỳ" Tại sao"

2. Suốt thời gian lãnh đạo CĐ, trên phương diện đối nội và đối ngoại:
2.a. Đâu là những khó khăn nhất, những thuận lợi nhất"
2.b. Những thành công nhất, những tồn đọng nhất"
2.c. Những biến cố quan trọng có ý nghĩa nhất"
2.d. Những cá nhân, hội đoàn, đoàn thể tiêu biểu nhất"
2.e. Những bài học quan trọng nhất"

3. Cộng đồng người Việt tại Úc trong mỗi giai đoạn đều có những điều đặc biệt, mỗi vị lãnh đạo cũng có những điểm đặc biệt. Xin cho biết, những đặc biệt đó"

4. Nếu trở lại thời điểm đó với cùng cương vị lãnh đạo CĐ, điều gì qúy vị sẽ làm / hoặc không làm, để cộng đồng có thể thành công hơn"

5. Là những người dấn thân làm việc cộng đồng, xin qúy vị cho biết, sự dấn thân đó đã có những ảnh hưởng đến đời sống của qúy vị và gia đình như thế nào"

6. Xin qúy vị cho biết, viễn ảnh của Úc, của Việt Nam, của cộng đồng người Việt tại Úc, và của cộng đồng người Việt hải ngoại, trong thời gian 10 năm, 25 năm, và 50 năm sắp tới, sẽ như thế nào" Với viễn ảnh đó, mối quan hệ Úc, VN, cộng đồng người Việt tại Úc, và cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ phát triển ra sao" Và cộng đồng người Việt nên đóng vai trò chủ động gì, trong mối quan hệ hỗ tương này"

7. Cuối cùng, xin qúy vị chia sẻ những tâm sự đặc biệt với qúy đồng hương"

Sàigòn Times xin chân thành cảm tạ thì giờ qúy báu cùng công sức và tâm huyết của qúy vị lãnh đạo CĐNVTD tại Úc đã tận tình trả lời các câu hỏi của báo SGT, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả, những kinh nghiệm, tâm tư, cùng nguyện vọng của qúy vị lãnh đạo CĐNVTD tại Úc.

*

Bài 1: Phỏng Vấn Ông Lưu Tường Quang, Chủ Tịch Sáng Lập CĐNVTD/UC

LTS: Một trong những thành công to lớn nhất, quan trọng nhất, đặt nền móng cho hàng loạt những thành công khác của cộng đồng người Việt tại Úc trong suốt mấy chục năm qua, là việc thành lập, duy trì và phát triển cơ cấu cộng đồng người Việt tự do cấp liên bang. Chính sự thành công này đã khiến cộng đồng người Việt tự do tại Úc không những hội nhập thống nhất và thành công, uy tín của cộng đồng trong chính giới và dư luận Úc được nâng cao, mà còn tạo nhiều điều kiện thuận lợi to lớn, giúp cộng đồng đoàn kết, thống nhất ý chí và sức mạnh để đạt được nhiều chiến thắng vẻ vang trong việc bảo vệ chính nghĩa tỵ nạn, đồng thời tích cực đóng góp trong công cuộc đấu tranh giành tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Để mở đầu loạt bài phỏng vấn các vị lãnh đạo Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc nhân dịp kỷ niệm 30 Năm, sau đây, Sàigòn Times xin trân trọng giới thiệu cùng qúy độc giả bài phỏng vấn Ông Lưu Tường Quang O.A., một trong những người đầu tiên có công đặt nền móng cơ cấu cộng đồng người Việt tự do liên bang, đồng thời là Chủ Tịch Sáng Lập CĐNVTD Liên Bang Úc trong 5 nhiệm kỳ từ 1977 đến 1982.

CÂU MỘT

Trả lời câu hỏi này, tôi có 4 phần chính. Phần một là Bối Cảnh Chánh Trị Liên Bang Úc Châu. Để hiểu rõ bối cảnh chánh trị của thời điểm 1975 tại Úc Đại Lợi, chúng ta cần nhìn lại một thập niên trước. Vào năm 1965, thủ tướng Robert Menzies đã quyết định gởi quân tham chiến để trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại cuộc chiến xâm lược từ Bắc Việt. Lãnh tụ đảng Lao Động đối lập, ông Arthur Caldwell – và người kế nhiệm, ông Gough Whitlam, và nhất là cánh tả của Đảng nầy, cá biệt là Dr. Jim Cairns, cực lực chống đối việc Úc và Mỹ chiến đấu tại Việt Nam.
Cũng như tại Mỹ, cuộc tranh đấu bảo vệ tự do tại Việt Nam vào giữa thập niên 1960 đã được đa số công chúng ủng hộ. Điều nầy đã được chứng tỏ rõ rệt với kết quả cuộc tổng tuyển cử năm 1966, khi liên minh cầm quyền do thủ tướng Robert Menzies lãnh đạo đã chiến thắng vẻ vang trên căn bản Úc tham chiến tại Việt Nam. Thế nhưng khi cuộc chiến kéo dài – và nhất là sau khi chánh phủ Úc áp dụng chính sách động viên, những phần tử và tổ chức gọi là phản chiến trong và ngoài đảng Lao Động và phong trào nghiệp đoàn trở nên năng động và thành công hơn dưới chiêu bài ‘hòa bình’ trong những chiến dịch moratorium nhằm cổ võ và ủng hộ lập trường Hà Nội. Tại Úc, cao điểm của chiến dịch ‘phản chiến’ là cuộc biểu tình đông đảo tại Melbourne do Dr. Jim Cairns và liên minh tả phái tổ chức vào năm 1970.
Vào tháng 12 năm 1972, sau 23 năm ở thế đối lập, đảng Lao Động thắng cử. Ông Gough Whitlam trở thành thủ tướng và Dr. Jim Cairns làm Bộ trưởng. Chánh phủ Whitlam công nhận ngay Bắc Kinh (và bỏ rơi Đài Bắc) vào cuối năm 1972. Vào đầu năm 1973, chính phủ Whitlam công nhận Hà Nội nhưng vẫn duy trì liên hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng Hòa. Liên hệ thân hữu nầy đã có giữa Canberra và Saigon từ năm 1952.
Liên hệ ngoại giao giữa Úc và VNCH tương đối nguội lạnh dưới thời thủ tướng Gough Whitlam. Vào đầu năm 1975, Ông Whitlam trực tiếp nắm quyền kiểm soát chính sách về Việt Nam, thay vì như thông lệ ủy thác việc nầy cho ngoại trưởng Don Willesee. Trong khi cộng sản Bắc Việt đẩy mạnh cuộc tổng tấn công tại chiến trường Miền Nam Việt Nam, Hà nội gây áp lực với Canberra và ông Whitlam đã quyết định không cho phép Đại Sứ Quán Úc tại Saigon di tản người Việt Nam.
Những quyết định của chính phủ Whitlam trong những tháng trước và sau ngày 30.4.1975 sẽ được công bố vào ngày 1 tháng Giêng năm 2006, chiếu theo Luật Bảo Mật 30 năm của Văn Khố Quốc Gia. Tuy nhiên, chúng ta đã biết là ông Whitlam không muốn nhận người tị nạn Việt Nam mà ông coi là người Bắc Âu da vàng (Asian Balts) thường có khuynh hướng chính trị bảo thủ và ủng hộ Đảng Tự Do.
Vì chính sách của ông Whitlam mà ít người VN di tản được nhập cư Úc Châu. Từ Bangkok, tôi đến Sydney ngày Thứ Ba 20 tháng 5 năm 1975 và chỉ được phép cư trú tạm 6 tháng. Một vài người khác đến Úc trong thời gian nầy, như cựu ngoại trưởng Trần Văn Lắm và cựu đại sứ Nguyễn Triệu Đan, còn bị buộc phải ký cam kết không tuyên bố và hoạt động chính trị nữa.
Sau chính biến ngày 11 tháng 11 năm 1975, liên đảng Tự Do / Quốc gia nắm chính quyền và lãnh tụ đối lập Malcolm Fraser trở thành thủ tướng. Bộ Trưởng Di Trú Michael MacKellar sắp sửa đề nghị một chính sách khác đối với người tị nạn Việt Nam. Sự hiện diện đông đảo của cộng đồng Việt Nam ngày nay phần lớn là nhờ chính sách nầy mà Bộ Trưởng Di Trú và Sắc tộc Sự Vụ Michael MacKellar (1975-79) ban hành vào năm 1978 và người kế nhiệm, Bộ Trưởng Ian MacPhee, AO (1979-82) tiếp tục. Bộ Trưởng Ian MacPhee còn là người khởi xướng chính sách Orderly Departure Program (ODP) được bắt đầu áp dụng vào năm 1982.
Phần hai, Việt Nam – Một Cộng Đồng Phôi Thai. Trước năm 1975, phần lớn người Việt tại Úc là sinh viên VNCH du học theo chương trình học bổng Colombo, hoặc tự túc. Từ năm 1973, chính phủ Whitlam còn cấp thêm một số học bổng cho sinh viên Bắc Việt. Hội đoàn chính trong khoảng thời gian nầy là những Hội Sinh Viên Việt Nam tại các Viện Đại Học Úc và Tổng Hội Sinh Viên VN liên bang Úc Châu. Sinh hoạt của các Hội và Tổng Hội chỉ có tính cách thân hữu và xã hội. Tháng 4 năm 1975 là thời điểm mà tập thể sinh viên VNCH bước vào lãnh vực vận động chính trị và công luận dưới hình thức biểu tình, họp báo, tiếp xúc chính trị gia, để vận động cho thân nhân gia đình tại Việt Nam được di tản.
Tuy nhiên sau ngày 30.4.1975, các tổ chức sinh viên tan rã. Hầu hết sống yên lặng, vì lý do gia đình còn ở Việt Nam. Nhiều người gia nhập tổ chức mới gọi là Hội Việt Kiều Đoàn Kết, một tổ chức gần gũi với Hà Nội. Điểm đáng ghi nhận là trong hoàn cảnh khó khăn cá nhân, một số ít cựu sinh viên VN cũng đã tích cực tham gia vào công tác cứu trợ đồng hương tị nạn.
Theo Thống Kê Dân Số và Gia Cư năm 1976, có 2427 người sinh đẻ ở VN cư ngụ tại Úc – với khoảng 1000 người mới đến trong năm 1975. Trong số nầy, có 278 trẻ em mồ côi mà chuyến bay Qantas đã di tản thành công đến Úc ngày 7.4 trong chương trình nhân đạo “BabyLift”, do tổng thống Gerald Ford chủ xướng. (Nhiều người còn nhớ chuyến bay C-5A Galaxy lâm nạn sau khi cất cánh khỏi phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt, Saigon, làm hàng trăm trẻ mồ côi thiệt mạng. Có 2700 trẻ mồ côi được di tản đến Mỹ trong chương trình BabyLift nầy).
Ngoài ra còn có 34 nữ tu Việt nam được di tản trên chuyến bay Qantas cùng với nhân viên Đại Sứ Quán Úc, rời Saigon chiều ngày Thứ Sáu 25 tháng 4 Anzac Day, và đến Úc ngày Thứ Bẩy 26 tháng 4 năm 1975. Đây là trường hợp ngoại lệ thứ hai mà tôi biết rõ. Vào ngày 22 và 23 tháng 4, ông Alan Deacon, nhân vật số 2 thay mặt đại sứ Geoffrey Price, liên lạc với tôi nhiều lần tại Bộ Ngoại Giao, với lời yêu cầu Việt Nam cho phép các nữ tu nầy sang Úc để tiếp tục tu học. Khi tôi gạn hỏi, ông Deacon cho biết thêm rằng thủ tướng Whitlam đã đồng ý cho họ nhập cảnh, theo sự yêu cầu và áp lực của Đức Hồng Y Freeman tại Sydney. Tôi liên lạc với Văn Phòng Tổng Thống Trần Văn Hương qua trung gian của một thân hữu, anh Trần Lương Sinh, với đề nghị cho phép xuất cảnh. Anh Trần Lương Sinh hiện nay làm việc tại Darwin, Lãnh Thổ Bắc Úc. Trong cách thế riêng, những vị nữ tu nầy đã định cư rất thành công tại Úc về mặt tín ngưỡng cũng như về mặt văn hóa xã hội, với cơ sở khang trang tại Granville, Sydney.


Phần ba là Những Tấm Lòng Vàng. Tôi đã phục vụ tại Đại Sứ Quán Việt Nam ở Canberra từ năm 1970 đến năm 1974, nên quen biết khá nhiều chính trị gia, giới báo chí truyền thông điện tử, các đoàn thể áp lực, giới trí thức đại học. Khi trở lại Úc với tư cách người tị nạn, thoạt đầu tôi phân vân không biết có nên tiếp xúc lại với họ hay chăng, ngoài hai người bạn thân là Geoffrey Fairbairn, giáo sư Sử Học tại Viện Đại Học Quốc Gia ANU và tiến sĩ Robert O’neill, Giám Đốc Viện Nghiên Cứu Chiến Lược ở Canberra (và nguyên là thiếu tá tình báo phục vụ với Chiến Đoàn Đặc Nhiệm Úc-Tân Tây Lan tại tỉnh Phước Tuy, Việt Nam). Thế nhưng chỉ vài ngày sau, Bộ Trưởng Giáo Dục liên bang Kim Beazley Senior (thân phụ của lãnh tụ đối lập Kim Beazley hiện nay) mời tôi đến văn phòng tại Quốc Hội liên bang. Ông đã tiếp đón tôi hết sức thân mật niềm nở và cho tôi biết rằng ông đã thiết lập Quỹ Học Bổng Đặc Biệt Cho Học Sinh Việt Nam và Cao Miên tại Úc để con đường học vấn của giới trẻ nầy không bị gián đoạn vì biến cố tại Phnom Penh và Saigon. Tôi hỏi còn trường hợp sinh viên Việt Nam theo chương trình Colombo chưa hoàn tất học kỳ thì sao" Ông Beazley cho biết học bổng được tiếp tục, trong khi chờ đợi chính phủ cứu xét chung cuộc vấn đề nầy.
Cuộc hội kiến với Bộ Trưởng Kim Beazley đưa tôi trở lại môi trường cũ, mặc dầu tư cách cá nhân của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tôi liên lạc lại với thân hữu thâm giao cũng như sơ giao người Việt cũng như người Úc, như tiến sĩ Trần Mỹ Vân, kỹ sư Trần Tấn Tài, tiến sĩ Đỗ Lê Minh, kỹ sư Lê Văn Duyệt, Kỹ Sư Phan Đông Bích, tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng…, ông Bob Santamaria, chủ tịch National Civic Council ở Melbourne, Denis Strangman, Harold Wright ở Brisbane, tiến sĩ Barbara Ferguson, University of NSW, kỹ Sư Michael Roberts, ký giả Frank Cranston, ký giả Peter Samuel, nhà bình luận Harold Fry, các lãnh tụ cộng đồng chính mạch đã đi đầu trong việc vận động nhập cư và định cư người tị nạn Việt Nam qua tổ chức Hội Bạn Người Tị Nạn Đông Dương Indo-China Refugee Association, như Linh Mục Jeff Foales (ICRA Adelaide), Linh Mục Tom Wright (Giám Đốc Xã Hội, Tổng Giáo Phận Canberra), bà Margaret Moore, Marion Lê (ICRA Canberra) , Tiến sĩ Ken Rivett (ICRA NSW)… Tôi cũng đã liên lạc lại với hầu hết những chính trị gia mà tôi đã gặp trước ngày 30.4.1975 thuộc mọi đảng phái – cá biệt là các nghị sĩ thuộc Đảng Democratic Labor Party (DLP) như Vincent Gair, Little, MacManus, Kane. Trong thập niên 1970, Đảng DLP đóng vai trò quan trọng cán cân quyền lực tương tự như đảng Dân Chủ trong thập niên 1980 và 90.
Họ là những người với tấm lòng vàng, và trong phạm vi riêng của mỗi người, mỗi tổ chức, họ phát biểu, vận động cho người tị nạn Việt Nam. Nhân kỷ niệm 30 năm định cư, tôi xin chân thành tri ân tất cả – và kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh của một số ân nhân đã mãn phần.
Phần năm, Thành lập Cộng Đồng liên bang. Tổ chức cộng đồng người Việt tị nạn dưới nhiều tên gọi khác nhau đã được thành lập rất sớm tại Sydney, Brisbane, Melbourne, Adelaide, Perth và Canberra. Nhưng khi cần có tiếng nói chung, không ai có thể nhân danh tập thể người Việt để phát biểu với giới truyền thông và vận động với chính giới và chính phủ liên bang. Sau khi tham khảo ý kiến, một phiên họp được tổ chức tại một tư gia ở Kaleen, Canberra vào dịp Lễ Giáng Sinh năm 1977. Hiện diện trong buổi họp đầu tiên nầy gồm có, Đại diện NSW: Cựu Đại Tá Võ Đại Tôn và kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn; Đại diện Victoria: Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, Bà Huỳnh Bích Cẩm, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Ông Đoàn Việt Trung; Đại Diện Tây Úc: Bà Trần Thị Hòa; Đại Diện Canberra ACT (tổ chức): Tiến sĩ Trần Mỹ Vân, và tôi. Ngoài ra, không tham dự được nhưng gửi văn thư ủng hộ và gia nhập cấu trúc liên bang có: Bác sĩ Bùi Trọng Cường, Brisbane, Ông Nguyễn Văn Tươi và Ông Dương Nguyên, Adelaide. Sau một ngày làm việc, phiên họp đồng ý thành lập cấu trúc liên bang với danh xưng Liên Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do. Tôi (Lưu Tường Quang) được cử làm chủ tịch sáng lập và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Tổng Thư Ký sáng lập. Tất cả mọi người tham dự đều là thành viên ban chấp hành, nhưng không có thủ quỹ, vì mọi người làm việc với phương tiện riêng và tiền túi của mình.
Trong giai đoạn nầy, nhiệm kỳ ban chấp hành là một năm và tôi giữ chức vụ chủ tịch qua 5 nhiệm kỳ. Tại Đại Hội kỳ 5 ở Adelaide 1982, chúng tôi quyết định cải danh thành Cộng Đồng Người Việt Tự Do liên bang với nhiệm kỳ 2 năm. Tôi xin từ nhiệm và bác sĩ Bùi Trọng Cường được cử làm chủ tịch, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng tiếp tục giữ chức vụ Tổng Thư Ký.
Trọng tâm sinh hoạt của chúng tôi trong giai đoạn đầu là vận động công luận và chính giới để việc nhập cư và định cư người tị nạn Việt Nam được dễ dàng hơn. Lúc ấy – cũng như ngày nay – tôi luôn luôn chủ trương rằng cộng đồng chúng ta không nên sinh hoạt riêng rẽ, mà nên kết hợp với nhiều thành phần sắc tộc cũng như chính mạch. Không gì tốt cho chính nghĩa của người Việt bằng sự ủng hộ rộng rãi của mọi người và mọi giới.

CÂU HAI

Điểm khó khăn nhất trong giai đoạn đầu là cộng đồng Việt Nam không có thực lực về mặt nhân số và sức mạnh kinh tế. Cộng đồng đã có ít người mà lại chưa phải là công dân, nên không có quyền đầu phiếu và không có sức mạnh chính trị. Đa số còn trong tình trạng kiếm công ăn việc làm và cơ sở kinh tế chưa phát triển. Cabramatta và Footscray hãy còn là khu phố ngủ yên!
Vả lại, Úc Đại Lợi vừa chấm dứt chính sách kỳ thị chủng tộc và đang chập chững bước vào giai đoạn văn hóa đa nguyên. Không ai có thể mạnh bạo tiên đoán việc định cư ồ ạt của người tị nạn Việt Nam thuộc thành phần visible minorities sẽ thành công hay thất bại. Trước năm 1978, chủ lực vận động là chính phủ và công luận khi chính sách di trú và người tị nạn Fraser/MacKellar đang hình thành. Sư hiện diện đông đảo của người Đông Dương trong một giai đoạn tương đối ngắn là thử thách lớn lao cho cộng đồng chính mạch và chính phủ.
Vào năm 1977, cộng đồng Việt nam có khoảng 3500 người. Vào năm 1982, nhân số cộng đồng chúng ta tăng lên gần 50000 người. (Theo Thống Kê Dân Số và Gia Cư năm 1981, cộng đồng Việt Nam có 41096 người. Riêng trong tài khóa 1981-82, có 11088 người Việt nam nhập cư, tính trên căn bản sinh quán).
Việc Malaysia, Indonesia và Thái Lan kéo tàu tị nạn ra khơi là thách đố lớn lao cho cộng đồng hãy còn nhỏ bé vào cuối thập niên 1970. Đấy là chưa kể nạn hải tặc, cướp của giết người, hãm hiếp thuyền nhân Việt Nam. Tuy vậy, chúng tôi đã tổ chức được cuộc biểu tình đầu tiên của cộng đồng Việt Nam tại Úc sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tuần hành trước Quốc hội Liên Bang, rồi đến Tòa Cao Ủy Mã Lai Á và Đại Sứ Quán Thái Lan để trình kháng thư. Tôi thay mặt cộng đồng phát biểu với báo chí và truyền thông điện tử, kể cả với Graham Dobell của Radio Australia để quan điểm cộng đồng được phát thanh về Đông Nam Á và Việt Nam.
Kế đến là Hội Nghị Quốc Tế Về Người Tị Nạn Đông Dương tại Geneva lần thứ nhất vào năm 1979 khi chính sách mới về Việc Ra Đi Có Trật Tự - Oderly Departure Program được manh nha. Vào thời điểm nầy, Ông Ian MacPhee thay thế Ông MacKellar làm Bộ trưởng Di Trú và Sắc Tộc Sự Vụ. Tôi gặp ông MacPhee nhiều lần và điều khó khăn cho chúng tôi lúc bấy giờ là cộng đồng Việt Nam không có quan điểm thuần nhất về ODP. Người ủng hộ kẻ chống đối, nhưng dần dần đa số trong cộng đồng chấp nhận ODP và chính sách nầy được áp dụng từ năm 1982 cho đến đầu thập niên 1990.
Về mặt dịch vụ định cư thiện nguyện, tổ chức có sinh hoạt hữu hiệu nhất trong giai đoạn nầy là ICRA tại các tiểu bang. Cấu trúc cộng đồng Việt Nam ở các tiểu bang bắt đầu lớn mạnh, nhưng vẫn chưa đủ khả năng cung cấp dịch vụ an sinh xã hội, trước khi nhận tài trợ chính phủ dưới hình thức grants-in-aid.
Tôi cần nói thêm là suốt thời gian tôi làm chủ tịch Cộng Đồng, tôi thường nhấn mạnh vào truyền thống nhân đạo của Úc như đã thể hiện qua chương trình định cư người tị nạn từ Châu Âu sau Thế Chiến Thứ Hai như là tiền lệ tốt đẹp và hữu ích cho nước Úc mà mọi người hãnh diện và lập luận rằng việc định cư người tị nạn Việt Nam cũng sẽ làm mọi người hãnh diện như vậy. Tôi tránh lập luận rằng vì Úc tham chiến tại Việt Nam, nên Úc có bổn phận phải nhận người tị nạn. Tôi tin rằng lập luận nầy có thể phản tác dụng và không đúng, vì hai lý do: thứ nhất là rất nhiều người đã từng chống việc tham chiến của Úc tại Việt nam, nay lại ủng hộ việc định cư người ti nạn và thứ hai, có nhiều quốc gia không hề tham chiến tại Việt Nam, nay cũng chia sẻ gánh nặng định cư người tị nạn Việt Nam.

CÂU BA

Nhìn một cách khách quan và so với kinh nghiệm thành lập cộng đồng Việt Nam tại Bắc Mỹ và Tây Âu, tôi tin rằng quyết định thành lập cộng đồng liên bang rất sớm vào cuối năm 1977 là quyết định chiến lược quan trọng. Cấu trúc nầy tồn tại đến ngày nay là thành quả ít có trong sinh hoạt của tập thể di dân và người tị nạn, không chỉ trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại mà còn trong nhiều sắc dân khác. Tại Úc Châu, chỉ có cộng đồng Do Thái và cộng đồng Việt Nam là có cấu trúc liên bang bền vững. Ngay cả cộng đồng Người Hoa và cộng đồng Hi Lạp vẫn chưa đạt được mức độ thuần nhất nầy. Còn trên phương diện cá nhân , tôi đã sử dụng rất nhiều kinh nghiệm ngoại giao, kiến thức sinh hoạt chính trị liên bang và sự quen biết đã có tại Úc, trong thời gian tôi làm chủ tịch cộng đồng. Tôi nghĩ đây là điều dễ hiểu và tự nhiên, không có gì đặc biệt cả.

CÂU BỐN

Những thành quả trong thời gian tôi đảm nhiệm trọng trách chủ tịch thật ra rất khiêM tốn. Với những yếu tố nội tại và khách quan của thời bấy giờ, tôi không nghĩ rằng tôi có thể làm điều gì khác hơn.

CÂU NĂM

Trong thời gian tôi làm chủ tịch, các con của tôi hãy còn ở lớp tuổi tiểu học. Tất nhiên là tôi muốn dành thì giờ cho chúng nó nhiều hơn. Điều may mắn cho gia đình tôi là chúng tôi đã có kinh nghiệm sống ở nước ngoài tại Anh Quốc và tại Úc Châu, trước khi trở thành người tị nạn, nên việc định cư không khó khăn lắm. Cũng trong thời gian nầy, cộng đồng Việt Nam hãy còn nghèo lắm, nên phương tiện làm việc đều là phương tiện riêng (quí vị chủ tịch kế nhiệm có thể chia sẻ những điều nầy).

CÂU SÁU

Câu hỏi nầy quá lớn, nên tôi xin hẹn dịp khác.

CÂU BẢY

Nhìn lại quá trình định cư trong ba mươi năm qua, cộng đồng chúng ta có quyền hãnh diện về thành quả đạt được trong mọi lãnh vực sinh hoạt, đặc biệt là những thành tích vẻ vang của thế hệ trẻ. Còn nhìn về quê hương mến yêu, chúng ta cùng chia sẻ hoài bão cho một nước Việt Nam tự do dân chủ… Cuối cùng, xin trân trọng cảm tạ quí báo SGT đã dành cho tôi cơ hội nầy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.