Hôm nay,  

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang

04/04/201000:00:00(Xem: 2877)

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Nguyễn Xuân Phong (Dịch giả Phan Quân)

LGT: Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ VNCH và biết nhiều bí mật dẫn đến việc mất Miền Nam. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Đặc biệt, ông cũng là nhân vật quan trọng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh của nguyên thủ 7 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tại Manila vào 2 ngày 24 & 25 tháng 10, 1966, nhằm thẩm định về cuộc chiến ở Nam Việt Nam với sự tham dự của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos; Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee; Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson; Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu; Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt; Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake; Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn; và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ. Tại Hội Nghị, ông là người Việt Nam duy nhất được trực tiếp nghe trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết: Tổng thống Nam Hàn đã cảnh giác, [qua kinh nghiệm cuộc chiến tranh Cao Ly] nếu như hòa đàm [với VC] có xảy ra, chính phủ Sài Gòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia [VC], còn Sài Gòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, và cuối cùng sẽ phải chấp nhận và tuân hành những gì Mỹ và VC ký kết. Quả nhiên, 6 năm sau, lời tiên đoán này đã trở thành sự thật tại Hội Nghị Ba Lê, dẫn đến bản Hiệp Định đầy phi lý, khi Mỹ toa rập với VC cho phép quân đội xâm lăng VC được tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ VNCH, dẫn đến thảm kịch 30-4-75. Trong những số trước, SGT đã giới thiệu một số chương trong tác phẩm  "Hope and Vanquished Reality", được ông viết theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York. Nay do yêu cầu của đông đảo độc giả, chúng tôi xin giới thiệu tiếp một số chương quan trọng trong tác phẩm của ông.

(Tiếp theo...)

Học với Tập

Sau khi Sài Gòn tan hàng, thành phố được đặt dưới quyền cai quản của Ủy Ban Quân Quản, mà người chịu trách nhiệm là Thượng Tướng Trần Văn Trà, tư lệnh lực lượng vũ trang Mặt Trận Giải Phóng. Ông ra lệnh cho tất cả các công chức chế độ Sài Gòn trước kia, từ chánh sự vụ trở lên, và tất cả các sĩ quan quân đội, từ thiếu úy trở lên, phải trình diện học tập cải tạo trong ba mươi ngày, từ tháng Năm đến tháng Sáu 1975. Những nhân viên dân chính và quân đội khác của chính phủ Sài Gòn chỉ cần học tập bảy ngày tại trú quán sở tại.
Như thế, ít ra chúng tôi cũng biết được những gì dành cho chúng tôi. Thế nào cũng phải có trả thù và trừng phạt, trong chừng mực nào đó. Ba mươi ngày là một cái giá thấp phải trả, dù cho dưới tên gọi học tập cải tạo, hay uốn nắn trở lại, hoặc giam cầm hay thậm chí bỏ tù. Nhiều công chức hay sĩ quan cấp cao của Sài Gòn nghĩ rằng nếu phải chịu ba trăm ngày thì cũng được đi. Tôi sẵn sàng chịu đựng biện pháp khe khắt hơn, miễn là không phải tù chung thân hay xử tử. Tôi nghĩ từ năm đến mười năm tù cũng có thể chịu đựng được, nhưng biết đâu sẽ đến hai mươi năm. Tôi quan tâm nhiều nhất, không phải cho cá nhân tôi, nhưng cho sự an toàn và yên lành của cha mẹ và những người trong gia đình tôi.
Phần đông những công chức và sĩ quan của Sài Gòn trước kia đều có nhiều hy vọng và tinh thần vững chắc khi gần đến ngày học tập cải tạo. Cũng như tôi, nhiều người cảm thấy đỡ day dứt và đỡ lo sợ. Hàng nghìn người chúng tôi bắt đầu trình diện tại những địa điểm quy định, phần lớn là các trường tiểu học và trung học. Những đám đông ồn ào và nhộn nhịp, được hàng tá thân nhân đưa tiễn. Nhiều người đến trình diện, mang theo thức ăn và nước uống, chẳng khác nào một cuộc đi chơi biển hay đi hội chợ. Thậm chí còn có những trường hợp khôi hài nữa.
Tôi phải vất vả mới làm cho người ta chấp nhận đẳng cấp của tôi để được thu nhận vào học. Chức vụ chính thức của tôi là "quốc vụ khanh". Tội cho anh chàng phụ trách đăng ký, dò ngược, tra xuôi danh sách quy định những chức vụ phải nhập học mà chẳng thấy chức vụ của tôi đâu cả. Anh ta bối rối thấy rõ khi tôi xác nhận đúng là chức vụ của tôi phải đăng ký tại đó. Thế mà anh ta vẫn không chịu nhận.
Thiên hạ xếp hàng đàng sau tôi nóng lòng nhảy vào cuộc tranh luận. Họ bảo rằng:
- Ông Phong có đủ điều kiện để được đăng ký mà.
Anh chàng đáng tội kia bối rối nhìn quanh tìm cách xác nhận. Anh ta bực mình hỏi gặng:
- Chắc vậy, phải không"
Mọi người đều la to:
- Đúng rồi!
Vẫn còn hoài nghi, anh ta hỏi tôi:
- Thế thì anh lớn hơn chánh sự vụ, chớ gì. Nếu không đúng thì tôi sẽ bị rầy đó.
- Đúng rồi, tôi trên chánh sự vụ mà.
Cuối cùng, tôi được thu nhận và đưa đến một nhà ngủ nội trú nữ sinh gần sở thú Sài Gòn. Có thể nói là lúc bấy giờ tôi có hy vọng chút nào đó do chỗ những người chiến thắng còn rộng lượng để cho tôi trả một cái giá nhẹ như thế và tôi còn có thể chia sẻ với gia đình và đất nước một thân phận chung.
Ngày hôm sau, xe tải quân đội đến đưa nhóm người chúng tôi tại trường nữ cô nhi viện Long Thành, cách xa Sài Gòn khoảng ba mươi cây số. Có nhiều chỗ nhốt người tương tự trên khắp Nam Việt Nam, giam giữ trên hai trăm nghìn viên chức dân sự và sĩ quan quân đội trước kia. Cô nhi viện nằm trên một thửa đất rộng lớn, bằng phẳng, không cây cối, với khoảng một tá nhà gạch thô sơ, lợp nhôm, nền gạch. Tôi nghĩ số người bị giam ở đó cũng vào khoảng trên ba nghìn. Đàn ông, đàn bà nhốt riêng, nhưng ban ngày chúng tôi được tự do sinh hoạt lẫn lộn bên trong vòng rào. Sinh hoạt tự nó đi vào nề nếp một cách nhanh chóng. Mỗi ngày được cung cấp hai bữa ăn, nhưng cũng có quày hàng cho những ai muốn mua thực phẩm, thức uống phụ thêm và các vật dụng thường dùng khác.
Tôi bị nhốt trong một căn nhà rộng lớn và trống trơn cùng với một nhóm khoảng hai trăm người. Tôi nhận ra một ít bộ trưởng trước kia, trong số đó có một ông bạn thuở nhỏ, đã làm Bộ Trưởng Công Chánh, cùng với Bộ Trưởng Tài Chính, quen biết với tôi trước kia thời còn đi học bên Pháp, Bộ Trưởng Xã Hội, Bộ Trưởng Giáo Dục, Thứ Trưởng Văn Hóa và Thứ Trưởng Thông Tin. Những người còn lại đều là công chức cấp thấp của chính phủ Sài Gòn.


Chúng tôi ngủ trên sàn gạch. Tôi tìm ra được một góc yên tĩnh cho gói hành trang nhỏ của tôi và cho cá nhân tôi. Tôi phát hiện ra những người nằm cạnh tôi là các ông Thứ Trưởng Thương Mại và Thông Tin, một dân biểu quốc hội và một quan tòa già nua của tối cao pháp viện. Lần đầu tiên tôi quen biết những người này. Trong số ba nghìn người bị giam cầm, tôi có thể nhận diện ra không tới hai mươi người đã gặp trước kia, dù cho mọi người có vẻ biết tôi là ai và ai cũng tử tế với tôi. Có một bầu không khí sinh động, vui vẻ, chẳng buồn rầu bao nhiêu. Người nào cũng bận rộn từ sáng tới khuya, thăm hỏi lẫn nhau, tụ tập thành nhóm nhỏ, tán gẫu không ngớt. Tôi không thích nói nhiều và thường ngồi riêng ở một góc. Thiên hạ biết tôi muốn được yên tĩnh nên giữ ý không quấy rầy tôi, ngoại trừ chào hỏi hay nhoẻn miệng cười với tôi khi đi ngang.
Ban đầu, cuộc sống không có vấn đề gì và chẳng bao lâu gia đình biết được nơi giam giữ chúng tôi. Thân nhân bắt đầu kéo đến trước cổng trại tìm cách gặp mặt và liên lạc với những người bị giam giữ, mà không được, nhưng cũng đưa được thức ăn, nước uống, quần áo và tiền bạc vào trại. Không có một thân nhân nào đến thăm tôi, vì trước khi đi trình diện học tập, tôi đã yêu cầu gia đình đừng đi thăm, mà chỉ chờ tôi trở về thôi. Thế nhưng, tôi cũng nhận được vài lá thơ và ít tiền, và nhắn được về nhà, báo đã nhận được tiền và cho biết là tôi vẫn bình yên để cho cha mẹ tôi yên lòng.
Trại đầy ấp những người nằm trong diện học tập cải tạo. Ngoài công chức và quân đội ra, còn có nhiều thường dân, cũng như những tư nhân thuộc những chính đảng. Có hôm, một đảng viên thuộc loại đó gián tiếp làm náo động lên. Một biến cố ồn ào xảy ra bên khu nữ. Tôi không được chứng kiến cảnh náo động, nhưng nghe nói rất nhiều về chuyện đó. Tin loan truyền khắp trại là có một người phụ nữ chừng hai mươi tuổi khóc la và lăn lộn dưới đất, cầu Trời, khấn Phật gia hộ độ trì cho cô được về nhà. Thì ra, đó là một cô gái nghèo, gần như dốt đặc làm công cho một bà giàu có, ủy viên ban chấp hành của một chính đảng tí hon nào đó của Sài Gòn, vì háo danh và vì những lý do tào lao khác, bà đã ngoan ngoãn trình diện học tập cải tạo với chức vụ khá kêu trong đảng. Vì sợ không được ăn ngon, mặc đẹp nên người nữ chính khách kia đem cô người làm theo để giặt giũ và nấu nướng cho bà. Chẳng may là bà chủ đã đăng ký cô người làm với tư cách là "bí thư" nên cô bị đưa đi học tập cải tạo. Nhưng bà không khai rõ là thư ký riêng của bà cho nên cô ta bị cho đi học tập cải tạo với tính cách là "bí thư", một từ để chỉ chức vụ quan trọng trong chính đảng. Sau mấy ngày bị giam giữ, bà chủ đã chạy chọt thế nào để được tự do, nhưng bà lại quên đem cô làm công ra theo. Bà chủ cấp tốc rời trại, không thèm có một lời nào với cô làm công, nên cô điên tiết lên, vì bà chủ đã ra về mà quên cô.
Ngoài việc quýnh quáng lên vì điên tiết, cô gái thương tâm kia không biết phải xử sự ra sao khi không có quần áo để giặt và chẳng phải nấu nướng gì hết. Mọi người đều tìm cách xoa dịu và an ủi cô, nói rằng rồi đây bà chủ sẽ tìm cách cho cô được tự do. Trong lúc chờ đợi, cô gái cũng vơi được buồn phiền vì được biên chế vào tổ "chị nuôi" để làm phụ bếp nấu ăn cho tù. Cô nàng thấy vui sướng vì có công việc làm, vì thấy mình hữu dụng mà không cần phải có một bà chủ. Sau đó, tôi không có tin tức gì của người con gái đáng thương đó.
Đến thời điểm mà chúng tôi đã được người ta gây ảo tưởng là hết ba mươi ngày học tập cải tạo, chúng tôi lại mơ hồ biết rằng ngày ra về chưa đến, như Thượng Tướng Trần Văn Trà, Chủ Tịch Ủy Ban Quân Quản Thành Phố Hồ Chí Minh, đã quyết định trước kia. Có tin đồn rằng viên chức cao cấp ngoài Hà Nội đã vào để tổ chức và nắm lấy quyền cai trị ở miền nam Việt Nam. Không ai giải thích hoặc cho biết lý do tại sao không cho chúng tôi về nhà, như mong đợi. Cũng như phần đông bạn bè bị giam cầm, hy vọng của tôi đã hoàn toàn tiêu tan. Chúng tôi lại bước vào giai đoạn mới là không biết phận mình sẽ ra sao. Cũng một nỗi bấp bênh, như chúng tôi đã trải qua, ngay sau khi Sài Gòn lọt vào tay cộng quân, nhưng lần này chúng tôi bị nhốt trong trại tập trung chứ không phải ở nhà cùng với gia đình và được đi đây đi đó trong thành phố.
Qua trao đổi với những người cảnh vệ, chịu nói chuyện với chúng tôi, chúng tôi được biết rằng chúng tôi sai quấy vì đã đánh phá và gây tội ác chống lại Tổ Quốc. Người ta không gọi chúng tôi là những người "phản bội Tổ Quốc", nhưng họ cũng úp mở cho chúng tôi hiểu rõ là đã tiếp tay với "bọn tân đế quốc Mỹ xâm lược", đem lại chết chóc và hủy diệt cho nhân dân và đất nước Việt Nam. Chúng tôi không được biết có bị đưa ra tòa hay không, hay là có bị xét xử trên căn bản nào hay không. Cũng không ai nói hình phạt dành cho chúng tôi là thế nào và bao lâu và không ai cho biết thời hạn giam giữ sẽ được phán quyết như thế nào, cho từng cá nhân hay một cách tập thể.
Vì vậy cho nên tôi càng thêm quan tâm đến hy vọng, nhưng hy vọng bằng cách cân nhắc giữa ảo tưởng và sự vỡ mộng. Tôi có nhiều lý do chính đáng để hy vọng nhưng thực tế lại không cho phép tôi hy vọng. Rõ ràng là tôi đã có hy vọng vì tôi đã tin tưởng ở lời nói của Thượng Tướng Trần Văn Trà về ba mươi ngày học tập cải tạo. Chẳng may cho chúng tôi là giới chức cao cấp hơn đã quyết định lại, trái với ý định của Tướng Trà, như tôi được biết sau này. Sau đó, ông cũng biệt tích giang hồ.
"Du học" miền Bắc
Chúng tôi ở khám Thủ Đức tương đối chẳng bao lâu, chỉ một vài tuần. Một buổi sáng, người ta tập hợp chúng tôi ngoài sân trại, mỗi cặp hai người bị còng tay với nhau bằng giây xích sắt và được xe tải quân đội đến đưa ra sân bay. Áy náy, lo âu, nhưng chẳng thấy có dấu hiệu gì cho biết sẽ đi đâu, chúng tôi bị đưa lên một chiếc C-130 rồi máy bay cất cánh. Không ai nói gì với chúng tôi hết. Như thói thường, những người cảnh vệ rất đứng đắn, gần như thân thiện. Sau khi cất cánh, nhiều người đoán rằng có lẽ người ta đưa chúng tôi ra nhà lao nổi tiếng ở Côn Đảo, nơi giam tù trước kia, dưới thời Pháp ở Nam Việt Nam. Nhưng sau khi bay được hơn nửa tiếng mà chưa đáp thì chúng tôi biết rằng đang bay ra miền Bắc.
Sau khi đáp xuống sân bay Gia Lâm gần Hà Nội, chúng tôi thấy phi hành đoàn, vốn là những phi công của Không Quân Sài Gòn trước kia, nhập bọn với chúng tôi trên những chiếc xe tải chạy quanh co qua các con đường trong thành phố để rồi chạy suốt những con đường cái quan, đưa chúng tôi đến trại cải tạo. Dọc theo đường, một số trẻ con la ó chửi bới và ném đá vào chúng tôi. Những người cảnh vệ có vẻ bực mình, và các hành động đó của trẻ con làm cho những người đồng hành với tôi phiền hà và lo âu, nhưng tôi không thấy bực mình gì hết. Ai có thể quở trách những cô cậu chưa đầy mười tuổi đó được" Qua một thời gian lâu gấp đôi tuổi tác của những đứa bé đó, người ta đã tạo dựng nên hình ảnh của bọn Mỹ đế quốc mới, của những tên tử thù ác ôn chống lại tổ quốc Việt Nam mến yêu của họ. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.