Hôm nay,  

Việt Nam, 30 Năm Sau

27/04/200400:00:00(Xem: 5202)
Chủ Nhật 25 vừa qua, Việt Nam đã bầu cử Hội đồng Nhân dân cho nhiệm kỳ năm năm sắp tới. Trong 30 năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ kinh tế nào, và cả những thất bại nào"
Đài RFA có bài tổng kết với cuộc phỏng vấn Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa như sau.

Hỏi: Thưa ông, Chủ Nhật vừa qua, Việt Nam có cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân được đánh giá là cởi mở nhất. Cuộc bầu cử này cũng trùng hợp với thời điểm là mở đầu năm thứ 30 sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1975. Ông nhận xét thế nào về biến cố đó"
-- Trước hết, đây là việc bầu ra các đại biểu của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, huyện và xã. Hội đồng này có thể được sánh với một cơ chế lập pháp, có thẩm quyền giám sát cơ chế Hành pháp là Ủy ban Nhân dân. Khi ta nói đến cởi mở nhất thì nên xác định thêm là chỉ “nhất” nếu so với các cuộc bầu cử trước, vì tháng 11 năm ngoái, Nhà nước có quy định là tại các đơn vị, số ứng cử viên phải tối thiểu là có hai người hơn số đại biểu sẽ được bầu, và lần này số đảng viên đảng Cộng sản ra tranh cử chiếm một tỷ lệ ít hơn 60%. Trung bình thì cứ ba người lọt vào vòng ứng cử thì có gần hai người được bầu, và đó là “nhất”.

Hỏi: Nhưng, Việt Nam có nói đến tỷ lệ cử tri đông đảo, điều đó có cho thấy sự tham gia rất lớn của dân chúng vào sinh hoạt gọi là dân chủ này không"
-- Dĩ nhiên là khi tỷ lệ đi bầu ở các nước dân chủ Tây phương chỉ ở khoảng 50 – 70% mà ở Việt Nam, người ta đi bầu với tỷ lệ 95%, thậm chí 100%, và bầu xong nội buổi sáng, thì nhà cầm quyền phải hãnh diện về khả năng huy động hoặc thông tin của mình. Vấn đề thực ra nằm ở chỗ khác. Thứ nhất là khả năng thực tế của các đại biểu, để thay dân kiểm soát việc làm của các Ủy ban Nhân dân. Thứ hai là sự tin tưởng của cử tri vào khả năng đó. Tôi e là người dân vẫn không tin tưởng vào các cuộc bầu cử này và cho là sự trình diễn hình thức của nhà nước mà thôi, vì các đại biểu cũng chẳng có thực quyền, từ khi ghi danh tranh cử cho đến khi được bầu. Dầu sao, việc Nhà nước cho tổ chức bầu cử và ngày càng mở rộng nền tảng tham gia tranh cử cũng là điều hay. Dù chỉ là sự trình diễn thì việc một nhà nước độc quyền và bao biện phải mất công trình diễn cũng đã là một sự tiến bộ. Sức ép của dân chúng bắt đầu có hiệu quả, dù còn rất chậm, quá chậm.

Hỏi: Nói đến tiến bộ, chúng ta nghĩ đến thời điểm 30 tháng Tư, 1975. Từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, ông đánh giá thế nào về những tiến bộ này"
-- Trong khuôn khổ một chương trình phát thanh thì thật khó trình bày đủ những đánh giá cho một thời khoảng 30 năm. Tôi chỉ xin nêu lên bối cảnh làm cơ sở đánh giá như sau. Có lẽ, từ hơn trăm năm qua, tức là từ thời Pháp thuộc, Việt Nam mới có một khoảng thời gian dài mà tôi xin tạm gọi là ổn định, tức là không có chiến tranh, nội loạn hay giặc giã và chính quyền hoàn toàn làm chủ tình hình trong 30 năm đó, kể cả làm chủ việc chuyển giao quyền lực từ người này qua người khác. Cơ hội hãn hữu này cho lịch sử nước nhà giúp kẻ cầm quyền có cả một thế hệ để học bài và trau dồi khả năng lãnh đạo từ thời chiến qua thời bình. Cho nên, nếu có vấn đề thì chủ yếu là do chính quyền tự gây ra và những vấn đề quá nhiều khiến cho sự tiến bộ, nếu có, chỉ là sự nghèo nàn đáng thất vọng.

Hỏi: Ông không kể đến những yếu tố tiêu cực do chiến tranh để lại hay sao"
-- Ta hãy nhìn các quốc gia đã bại sau chiến tranh hoặc bị tàn phá bởi chiến tranh, như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan hoặc thậm chí Tây Đức. Ba mươi năm sau, họ đều trở thành cường quốc kinh tế, kể cả Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan là các nước bị phân chia và nằm dưới sự đe dọa của chiến tranh từ bên kia biên giới. Riêng Nhật Bản, 30 năm sau khi đại bại, họ trở thành thế lực kinh tế trực tiếp cạnh tranh với Hoa Kỳ. Các xứ đó bị chiến tranh tàn phá hơn gấp bội và có khi là vì bại trận mà họ sớm tỉnh giấc và đạt tốc độ tiến bộ cao hơn. Việt Nam thì vì thắng mà sinh kiêu, cho tới khi bị khủng hoảng và tụt lùi.

Hỏi: Như vậy, ông cho là Việt Nam đã có lúc tụt lùi sau chiến tranh và nay mới khá hơn"
-- Thưa vâng, tôi xin tạm chia 30 năm đó thành hai thời kỳ, ngẫu nhiên dài bằng nhau. Mười lăm năm đầu là thời say men chiến thắng và tiến hành cách mạng vô sản theo dự tưởng của người cộng sản. Lúc đó, họ được sự thiện cảm dễ hiểu của thế giới nhưng lại gặp các vấn đề do chính thế giới cộng sản gây ra, như xung đột với Trung Quốc hoặc lấn chiếm Kampuchia, ngày nay gọi là Căm bốt. Và vấn đề nghiêm trọng nhất là chính sách quản lý kinh tế tập trung kế hoạch và chế độ độc tài chuyên chính. Hậu quả là 10 năm sau khi đảng Cộng sản thắng trận và cầm quyền trên cả nước thống nhất, họ bị khủng hoảng nặng. Rồi Đảng nói đến đổi mới để tự cứu mà vẫn chỉ là đổi mới ngoài da, trên miệng, cho đến khi tới lượt Liên xô khủng hoảng thì đảng mới bắt tay vào cải cách mà chỉ cải cách những gì không xâm phạm vào quyền lực của đảng, kể từ sau 1990 trở đi.

Hỏi: Và thời kỳ hai khởi sự từ đó, phải không"
-- Vâng, giai đoạn thứ hai chỉ bắt đầu khi xã hội chủ nghĩa phá sản trọn vẹn, từ Liên xô qua Trung Quốc, từ năm 1991, khi Trung Quốc đã trải qua 12 năm cải cách. Những cải cách then chốt nhất của Việt Nam chỉ khởi sự từ đó, sau khi đã tụt tới đáy. Tôi xin đơn cử một thí dụ dễ nhớ, là vào quãng 1974-1975, lợi tức đồng niên một đầu người ở trong Nam là khoảng 200 đến 225 đô la. Ta sở dĩ chọn miền Nam vì dù có chiến tranh và là địa bàn giao tranh thường trực thì vùng đất đó cũng theo kinh tế thị trường như các lân bang và có trình độ lợi tức tương tự. Mười năm sau, mức sống đó bị sụt phân nửa, do thành quả của việc gọi là “cải tạo kinh tế”. Ngày nay, Việt Nam trở lại cơ chế thị trường đã bị hủy trong 15 năm đầu và hãnh diện với thành tích đổi mới là đạt số lợi tức gần 400 đô la một năm một người. Trong khi các lân bang tăng ít ra gấp mười số đó. “Cải tạo” hay “Đổi mới” rốt cuộc cũng chỉ là đi tìm giải pháp gì khác. Trải qua 30 năm, các thế hệ lãnh đạo ở Việt Nam chưa ra khỏi thời học bài. Và người dân đã trả giá cho việc học bài quá chậm đó. Nếu nói đến tiến bộ hay kỷ lục lớn nhỏ về thống kê, ta nên xác định thời khoảng và địa bàn, là kể cả các quốc gia khác, làm nền tảng so sánh. Họ cũng theo kinh tế thị trường và sớm thoát khỏi nạn độc tài thời chiến. Việt Nam có tiến bộ, nhưng là tiến bộ từ đáy sâu của khủng hoảng oan uổng, và ngày nay rõ là đang bị tụt hậu nếu so với các xứ khác.

Hỏi: Dĩ nhiên là những người lãnh đạo Việt Nam khó đồng ý với kết luận đó.
-- Vâng và ta nên thông cảm cho họ. Hãy nhớ lại thời đó họ sống và suy nghĩ ra sao so với thời nay. Khi họ đã tỉnh giấc cách mạng và nhoài người ôm lấy thành quả đo đếm được của kinh tế thị trường thì họ khó nghĩ là mình tụt hậu. Ngày nay, con cái họ đều có tương lai khá hơn quá khứ của họ, đã xuất ngoại du học và trở về với nhiều hứa hẹn về quyền lực và quyền lợi mà khỏi phải đấu tố đấu tranh gì. Như vậy, họ phải nghĩ là xứ sở đang tiến bộ chứ nào có tụt hậu. Nhưng hãy nhìn ra ngoài và xa hơn bản thân họ xem.

Hỏi: Ông nói đến con cái của giới lãnh đạo, tương lai của họ và của Việt Nam ra sao"
-- Tôi không được lạc quan lắm. Bảo rằng thành phần này khỏi phải đấu tố hay đấu tranh gì thì cũng chỉ là nói về phương thức ít sắt máu hơn xưa, chứ đấu đá thì vẫn có và sẽ còn. Vấn đề là lãnh đạo ngày nay chưa biết là xứ sở và bản thân mình sẽ đi về đâu và thế hệ con cháu của họ thì biết rõ những nhục nhằn của cha ông và những bất trắc của tương lai. Đa số không dại gì đi làm một cuộc cách mạng để xứ sở thoát khỏi lối cũ, với quá nhiều rủi ro cho bản thân, nên họ phòng thủ tối đa với những gì có thể thụ đắc được. Vì vậy mới có nhiều đấu đá mà ở ngoài có thể tưởng là sự sinh động của dân chủ. Hiện nay, tập thể lãnh đạo chỉ có sự đồng thuận lớn là không gây sóng gió để thuyền khỏi lật. Ngoài ra thì mạnh ai người ấy lo. Vì vậy mà hệ thống lãnh đạo không dám lấy loại quyết định lớn có quá nhiều rủi ro, và bên dưới thì không ai bảo được ai. Việt Nam đang có khủng hoảng về lãnh đạo xuất phát từ khủng hoảng về tư tưởng và đường lối. Nguyên do chính là vì suốt 30 năm qua, mọi người đều nhiễm tính e sợ bất trắc và vì so với thời trước thì những gì đang có cũng đã là quá tốt rồi. Trong khi đó, quảng đại dân chúng vẫn lầm than, hết tin tưởng hay chờ mong gì ở Đảng và nhà nước, mà họ cũng chẳng có sự chọn lựa nào khác.

Hỏi: Câu hỏi cuối, 30 năm sau, cộng đồng người Việt ở ngoài có thể làm được gì"
-- Tương lai Việt Nam sẽ do người Việt trong nước quyết định. Vì tình cảm thiêng liêng, cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn luôn luôn hướng về đất nước và thân nhân, nhưng chỉ có thể yểm trợ bằng tiền bạc hay thông tin mà thôi. Sau 30 năm, thành quả kinh tế của tập thể bên ngoài có thể giúp đồng bào bên trong thấy ra giá trị của tự do, với điều kiện song hành cùng tự do là tinh thần trách nhiệm và chấp nhận rủi ro. Bà con lấy rủi ro mất mạng khi tìm tự do, lấy rủi ro thất bại hay sạt nghiệp trong từng quyết định hàng ngày và đã thành công. Nhờ đó mà tinh thần sáng tạo càng được phát huy. Chính quyền cứ sợ thông điệp dân chủ của người Việt ở ngoài, có lẽ đa số bà con trong nước lại chú ý hơn đến lối suy nghĩ và làm việc của người bên ngoài, cực nhọc và rủi ro hơn, với thành quả lớn hơn. Bao giờ cái nếp suy tư đó trở thành phổ biến ở nhà, có lẽ Việt Nam sẽ thay đổi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.