Hôm nay,  

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang

14/02/201000:00:00(Xem: 2744)

Hy Vọng & Thực Tế Tan Hoang – Tác giả Nguyễn Xuân Phong (Dịch thuật Phan Quân)

LGT: Từ năm 1965 đến 1975, ông Nguyễn Xuân Phong đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính phủ VNCH và biết nhiều bí mật dẫn đến việc mất Miền Nam. Trong thời gian hòa đàm Ba Lê về Việt Nam, từ địa vị thành viên phái đoàn lúc ban đầu, ông đã trở thành Trưởng Phái Đoàn vào giai đoạn cuối cùng, với chức vụ Quốc Vụ Khanh đặc trách hòa đàm trong chính phủ. Đặc biệt, ông cũng là nhân vật quan trọng trong Hội Nghị Thượng Đỉnh của nguyên thủ 7 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương tại Manila vào 2 ngày 24 & 25 tháng 10, 1966, nhằm thẩm định về cuộc chiến ở Nam Việt Nam với sự tham dự của Tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand E. Marcos; Tổng thống Đại Hàn, Park Chung Hee; Tổng thống Hoa Kỳ, Lyndon B. Johnson; Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo VNCH, Nguyễn Văn Thiệu; Thủ tướng Úc Châu, Harold Holt; Thủ tướng Tân Tây Lan, Keith Holyoake; Thủ tướng Thái Lan, Thanom Kittikachorn; và Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương VNCH, Nguyễn Cao Kỳ. Tại Hội Nghị, ông là người Việt Nam duy nhất được trực tiếp nghe trưởng phái đoàn Nam Hàn cho biết: Tổng thống Nam Hàn đã cảnh giác, [qua kinh nghiệm cuộc chiến tranh Cao Ly] nếu như hòa đàm [với VC] có xảy ra, chính phủ Sài Gòn sẽ thấy Mỹ thương thuyết thẳng với phía bên kia [VC], còn Sài Gòn chẳng nói năng gì được trong khi thương thuyết, và cuối cùng sẽ phải chấp nhận và tuân hành những gì Mỹ và VC ký kết. Quả nhiên, 6 năm sau, lời tiên đoán này đã trở thành sự thật tại Hội Nghị Ba Lê, dẫn đến bản Hiệp Định đầy phi lý, khi Mỹ toa rập với VC cho phép quân đội xâm lăng VC được tiếp tục hiện diện trên lãnh thổ VNCH, dẫn đến thảm kịch 30-4-75. Trong những số trước, Sàigòn Times đã giới thiệu một số chương trong tác phẩm  "Hope and Vanquished Reality", được ông viết theo yêu cầu của "The Center for A Science of Hope" ở New York. Nay do yêu cầu của đông đảo độc giả, chúng tôi xin giới thiệu tiếp một số chương quan trọng trong tác phẩm.

*

Bốn Mươi Tám Giờ

Năm giờ chiều ngày thứ hai 28 tháng tư năm 1975, Sài Gòn, thông thường nóng bức dưới ánh nắng gay gắt của miền nhiệt đới, bỗng dưng chìm trong bóng tối thê lương. Một trận mưa giông dữ dội, chưa từng thấy ở thành phố, bao trùm lấy cảnh vật, tạo nên một bầu không khí ma quái, nặng nề nhưng bí hiểm. Dựa theo diễn biến của hiện tượng thiên nhiên, tôi tự hỏi tại sao lại trùng hợp với thời điểm của lễ "trao quyền".
Trong bối cảnh dông tố bão bùng như vậy, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương sẽ phải chuyển nhượng chức vụ mà ông đã đảm nhiệm trong bảy ngày ngắn ngủi vừa qua - và chút quyền hành liên hệ, nếu có - cho Dương Văn Minh, lãnh tụ của cái gọi là "Lực Lượng Thứ Ba" của Nam Việt Nam. Một chức vụ tổng thống mà tướng Minh chỉ đảm nhiệm được có bốn mươi tám tiếng đồng hồ.
Con đường dẫn tới nghi thức bi hài và rắc rối đó hơi dài dòng và quanh co. Từ 1955, Nam Việt Nam đã phấn đấu mãnh liệt để làm tròn bổn phận "Tiền Đồn Thế Giới Tự Do" ở Viễn Đông, một di sản của Tổng Thống Eisenhower và bộ trưởng Ngoại Giao của ông là John Foster Dulles. Chiến lược của hai ông là nhằm chận đứng sự bành trướng của cộng sản quốc tế ở vùng đất bao la đó và ở trên thế giới nói chung. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã ảnh hưởng đến nhiệm kỳ của năm tổng thống Hoa Kỳ, khi mà lối suy nghĩ theo phương Tây cho phép họ tin tưởng rằng có thể du nhập và duy trì được tự do, dân chủ cho khu vực Đông Nam Á, thời đó, còn xa lạ trên thế giới. Với các tổng thống Eisenhower và Kennedy, dân chúng Mỹ đồng ý với tinh thần đó, không cần phải bận tâm suy xét xem chiến tranh là thế nào. Thế nhưng, dưới thời các tổng thống Johnson và Nixon, dân chúng Mỹ bắt đầu nghi ngờ và vạch ra những sai lầm nghiêm trọng về việc Mỹ nhúng tay vào một đất nước xa lắc xa lơ.
Xét cho cùng, cuộc chiến tranh ở Việt Nam không đem lại cho một ai những lợi lộc mà những vị tổng thống đó mong muốn. Trái lại, sự can dự của Mỹ ở Việt Nam trong hai thập niên đã gây nên những chết chóc và hủy diệt khó quên, đã nuốt hàng bao nhiêu Mỹ kim của người chịu thuế và - tồi tệ nhất - là đã gây ra một mối chia rẽ sâu đậm trong lương tâm người Mỹ.
Dân chúng Hoa Kỳ cảm thấy hết sức nhẹ người khi toàn bộ quân lính Mỹ đã được rút khỏi Việt Nam vào cuối tháng Ba năm 1973, nhờ Nixon, Kissinger và Hiệp Định Ba Lê. Sau đó, ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ dưới thời Tổng Thống Ford là xóa nhòa cuộc chiến ở Việt Nam trong ký ức tập thể của Mỹ càng mau chóng và càng cấp bách càng tốt, không cần phải ngần ngại và đắn đo.
Mùa xuân năm 1975, đương nhiên nhân vật duy nhất, chủ chốt ở Hoa Thịnh Đốn, còn liên hệ chặt chẽ đến tình hình tuyệt vọng ở Nam Việt Nam, phải là Henry Kissinger, lúc đó vẫn còn làm bộ trưởng Ngoại Giao. Tôi không biết tiến sĩ Kissinger có chút hy vọng gì trong thời gian hòa đàm Ba Lê hay không" Giờ đây, tôi càng tò mò muốn biết ông có khi nào thất vọng vì Hoa Kỳ can dự vào Việt Nam hay không" Tôi khó tưởng tượng rằng ông đã thất vọng. Tôi đã có dịp làm việc chung với Kissinger trong bốn năm, từ 1969 đến 1973, ở hòa đàm Ba Lê, phần lớn tại những phiên họp cùng với nhiều người, mà qua những lần riêng lẻ, diện đối diện, cũng có. Cũng như nhiều người, tôi thấy Kissinger là một con người năng nổ, có khả năng tri thức thật là hấp dẫn.
Nếu muốn có một cuộc đấu trí thượng thặng và tuyệt vời thì bạn nên chấp nhận đi chơi với ông ta một buổi tối. Tôi rất nể óc sáng suốt, mức tinh khôn, nhận thức của ông về lịch sử và, trên hết là tính thực tiễn ở ông. Số người thích ông hoặc ghét ông cũng gần bằng nhau. Ông là một Bộ Trưởng Ngoại Giao rất thành công, và nhất định mối quan tâm hàng đầu của ông là quyền lợi của nhân dân Mỹ. Ông đã cố gắng tối đa để giúp đỡ chế độ Sài Gòn, nhưng mục tiêu chính của ông là chấm dứt sự can thiệp ồ ạt bằng quân sự của Mỹ ở Việt Nam, chận đứng thương vong của Hoa Kỳ, đưa tất cả chiến binh trở về trong vinh dự và kết thúc việc chi tiêu phi lý. Tôi không nghĩ là có gì làm cho ông Kissinger phải thất vọng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, hồi tháng Mười năm 1972 có thể ông đã gần như tuyệt vọng. Ông sang Sài Gòn với cái mà ông cho là một thỏa hiệp độc đáo trong túi, một bản dự thảo hiệp định Ba Lê mà ông đã hình thành một cách cần cù và khó nhọc qua các cuộc đi đêm với Lê Đức Thọ, ủy viên bộ chính trị của Hà Nội (sau đó Hoa Thạnh Đốn và Hà Nội đã thỏa thuận ký kết vào bản thảo này ngày 24 tháng Mười). Nhưng, trong năm ngày lưu lại Sài Gòn, từ 17 đến 22 tháng Mười, tiến sĩ Kissinger đã va đầu vào một bức tường đối kháng kiên cố tại pháo đài của Tiền Đồn Thế Giới Tự Do, khiến ông phải ngạc nhiên và tức giận. Ông Thiệu không tán thành hiệp ước, đặt Kissinger vào một tình thế thật bối rối cho cá nhân ông và trên bình diện ngoại giao.


Trên chuyến bay trở về Hoa Thạnh Đốn, sau khi hội họp với những nhà lãnh đạo "điếc đặc" ở Sài Gòn, các thành viên trong đoàn tùy tùng của Kissinger thấy rõ rằng ông "thầy thuốc tài ba" kia đã điên tiết vì con bịnh không chịu nuốt viên thuốc của ông. Làm sao mà những nhân vật ấy lại dám đòi sửa tới hai mươi ba mục trong bản dự thảo chớ" Dù chỉ một thay đổi nhỏ thôi cũng đủ làm cho ông Thọ của Bắc Việt ở Ba Lê bực mình và sẽ tặng thêm cho Kissinger vài ba danh từ khó chịu nữa. Rất có thể ông đã cằn nhằn, cho rằng tập đoàn Sài Gòn là đồ trời đánh, thánh đâm và đáng cho tiêu luôn là vừa.
Ông thầy thuốc đó lại còn phải đương đầu với chuyện nản lòng hơn nữa. Không đầy một tuần lễ sau, hai mươi ba tu chính lại tăng lên thành sáu mươi chín. Nhưng, tài nghệ đương đầu với những tình thế khó khăn đã giúp ông thành công. Không có gì khó khăn đối với ông hết. Ông thuộc nằm lòng câu châm ngôn "Có vấn đề thì có biện pháp", cũng tương đương với câu "Không có câu hỏi ngớ ngẩn mà chỉ có câu trả lời ngớ ngẩn".
Ngay sau cuộc chạm trán đáng tiếc ở Sài Gòn, Tổng Thống Nixon tặng cho chế độ Sài Gòn một món quà cuối cùng bằng cách mở một trận ném bom ngoạn mục và thảm khốc, mười hai ngày đêm xuống Hà Nội - từ 18 đến 30 tháng Mười Hai năm 1972 - trong dịp lễ Giáng Sinh. Buồn thay, ông Tổng Lãnh Sự Pháp, đang ở Hà Nội, là một trong những người bất hạnh. Về mặt quân sự, cuộc ném bom chẳng đem lại một thay đổi nào cho bên này hay bên kia hết. Còn về mặt tâm lý, với mục đích thuyết phục hay làm cho chùn bước, trận ném bom cũng không đem lại kết quả mong muốn. Nó là một phương thuốc trấn an nhất thời cho lòng tự ái của những nhà lãnh đạo Sài Gòn và một viên thuốc ngủ ngắn hạn cho chế độ Sài Gòn. Một cái chợp mắt, nhưng ngủ thêm chẳng được bao lâu.
Sau trận ném bom Hà Nội, Lê Đức Thọ và Kissinger lại mật đàm ở Ba Lê vào ngày 8 tháng Giêng năm 1973. Một đợt thương thuyết cuối cùng của hai người về Hiệp Định Ba Lê. Để làm áp lực, ngày 16 tháng Giêng, ông Nixon gửi cho ông Thiệu một bức thư vừa vuốt ve, vừa hăm dọa. Tướng Alexander Haig, đặc phái viên của tổng thống Hoa Kỳ, đã trao thư đó, có Đại Sứ Ellsworth Bunker (biệt danh "Ông Già Tủ Lạnh" ở Sài Gòn vì dáng dấp lạnh lùng của đương sự) tháp tùng.
Một mặt là một bức thư cảm động giữa thân hữu. Mặt khác, đó là một tối hậu thư rất rõ ràng cho ông Thiệu. Hãy duyệt ký Hiệp Định Ba Lê, bằng không thì đã đến lúc thân hữu phải chia tay. Nói cách khác, nếu không chịu ký thì chế độ Sài Gòn chỉ còn cách nhảy xuống sông Sài Gòn để tìm một siêu cường số một khác ủng hộ cho. Tôi đọc được bức thư đó, vài ba phút sau khi ông Thiệu nhận được, vì có một bản được gửi qua điện thư cho tôi ở Ba Lê. Phái đoàn Mỹ cũng đã trao cho tôi một bản và yêu cầu tôi giúp đỡ ông Thiệu nuốt viên thuốc đắng đó, vì quyền lợi của bản thân ông.
Trong bức thơ gửi Tổng Thống Thiệu, Tổng Thống Nixon đã minh bạch nói rõ ý định của ông là, "Tôi đã dứt khoát quyết định ký tắt bản thỏa hiệp vào ngày 23 tháng Giêng và duyệt ký vào ngày 27 tháng Giêng tại Ba Lê. Tôi sẽ ký một mình, nếu cần".
Bức thư của Tổng Thống Nixon viết tiếp, "Trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai giải thích rằng chính phủ của ngài cản trở hòa bình. Hậu quả là Hoa Kỳ chắc chắn sẽ chấm dứt ngay việc chi viện kinh tế và quân sự, điều mà chính phủ của ngài có thay đổi nhân sự cũng không ngăn chận được. Tuy nhiên, tôi mong rằng dù sao hai đất nước chúng ta đã cùng nhau chia sẻ và chịu đựng trong cuộc xung đột thì cũng cùng nhau chung sống để giữ gìn hòa bình và thừa hưởng lợi lộc ...."
Tôi được triệu hồi ngay về Sài Gòn để dự phiên họp đặc biệt của HĐANQG. Khi tôi vừa rời phi trường đến thẳng dinh Độc Lập thì ông Thiệu đang đợi tôi trong văn phòng và chúng tôi thảo luận với nhau trong một tiếng đồng hồ trước khi vào họp với HĐANQG. Chỉ có hai người chúng tôi nên có thể nói chuyện hoàn toàn thẳng thắn.
Chúng tôi có thể trao đổi thẳng thừng với nhau từ năm 1967, khi ông Thiệu đảm nhiệm chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Quốc Trưởng hữu danh vô thực. Bấy giờ ông là một tướng lãnh bộ binh không có quyền hành gì mà lại dám thách thức mọi người để ứng cử tổng thống. Lúc đó, tôi chịu trách nhiệm về quy hoạch, tổ chức và điều hành guồng máy hành chính cho cuộc tổng tuyển cử ở Nam Việt Nam hồi tháng Chín năm 1967. Các cuộc tổng tuyển cử này rất quan trọng đối với nỗ lực của Hoa Thạnh Đốn nhằm chứng minh cho nhân dân Mỹ và cho toàn thế giới thấy rằng tự do và dân chủ đã ra đời ở Nam Việt Nam và phải được bảo vệ.
Giờ đây, tôi lại thấy thương ông Thiệu, nhưng cần phải cho ông biết rằng tôi không còn nghi ngờ gì nữa việc Mỹ thực tình muốn bỏ rơi ông nếu ông không chịu duyệt ký Hiệp Định Ba Lê. Ông trả lời là làm vậy cũng bằng chính phủ Sài Gòn tự sát. Tôi không cần phải nói năng gì hơn nữa. Một anh đạp xích lô của Sài Gòn cũng có thể nhận định tình hình chính trị và kết luận như vậy.
Ông Thiệu cho rằng thỏa hiệp như thế chẳng khác nào bán rẻ Nam Việt Nam cho Liên Xô. Tôi cố gắng an ủi ông bằng cách giải thích rằng nội dung của hiệp định còn có nhiều lý lẽ, và điều thực sự quan trọng là liệu Mỹ có muốn và có khả năng ủng hộ cho sự sống còn của Việt Nam Cộng Hòa nữa hay không.
Từ lúc Thượng Đỉnh Manila hồi năm 1966, - mặc dù đã có biệt ngữ tiêu biểu "Tiền Đồn Thế Giới Tự Do" - tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không đủ khả năng để đóng vai trò "Người Anh Cả" ở Đông Nam Á mãi mãi. Sớm muộn gì Hoa Thạnh Đốn cũng phải đi đến thỏa hiệp không phải với Hà Nội, Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh, nhưng với chính nhân dân Mỹ.
Chiến tranh ở Việt Nam sẽ trở thành một mối bất hòa trầm trọng trong gia đình, rất khó xử và buồn phiền, không liên hệ gì đến chính trị thế giới hay hòa bình thế giới hay chuyện cứu nguy thế giới. Như ai ai cũng biết, chuyện lục đục trong gia đình đôi khi có thể dẫn đến một bi kịch đau thương. Những lập luận nhàm tai, thường được đưa ra để biện minh cho cuộc chiến ở Việt Nam, nay không còn thuyết phục được ai nữa.
Từ năm 1953, sự cân bằng và ảnh hưởng trên thế giới đã tương đối ổn định ở vĩ tuyến ba mươi tám tại Nam Hàn, và thật sự không cần phải duy trì một sự hiện diện quân sự quan trọng nào khác của Mỹ ở Đông Á để bảo vệ lợi ích của nhân dân Hoa Kỳ và hòa bình thế giới. Tôi chẳng bao giờ tán thành "Thuyết Domino", thường đưa ra cái viễn ảnh là cộng sản sẽ thống trị toàn cõi Đông Nam Á chỉ bằng sức mạnh vũ khí - kể cả "chiến tranh du kích" - khiến Mỹ phải ồ ạt can thiệp bằng chiến tranh quy ước để ngăn chặn. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.