Hôm nay,  

Trao Đổi Tâm Tình/bạn Không Chỉ Một Mình: Em Hiểu Anh Muốn Nói Gì Rồi

19/12/200900:00:00(Xem: 7471)

Trao Đổi Tâm Tình/Bạn Không Chỉ Một Mình: Em Hiểu Anh Muốn Nói Gì Rồi

Minh Nga
Trong đời sống tình cảm, đời sống gia đình, khi nào bạn "đụng" phải chuyện không vui hay rắc rối, hay muốn tâm sự hoặc chia xẻ kinh nghiệm, xin hãy nhớ là bạn không chỉ một mình. Trang Gia Đình/Chàng & Nàng sẳn sàng lắng nghe tâm sự của bạn, góp ý với bạn, giúp cho bạn tự giúp mình (help you to help yourself).
***
Gia đình bạn ấm êm hạnh phúc, không có tiếng cãi cọ, bạn sống trong thiên đường giữa trần thế .
Đời sống bình thường trong gia đình, vài ba bữa cãi nhau một trận cũng đủ bể nhà, hay nghĩ tới chuyện chia tay nữa đó chứ. Hãy bình tâm,  bạn ạ, vì theo những nhà tâm lý, cố vấn hôn nhân, chuyện vợ chồng tranh cãi nhau là sinh hoạt bình thường trong hôn nhân.
Tuy nhiên, những bất đồng không nên kéo dài, sợ sinh chuyện nặng nề không tốt cho gia đình, cũng như tránh làm con cái hoảng sợ .
Những lý do đưa đến tranh cãi thường rất nhỏ, nhưng trong cơn giận dữ, bạn thường muốn xả  hết nỗi bực tức lên đầu người kia, do đó chuyện nhỏ thường xé ra to, thổi phồng thành chuyện lớn. Làm cách nào để có cuộc nói chuyện dễ thương khi bạn muốn lắng nghe và quan tâm tới người kia, đồng thời tránh một cuộc cãi cọ vô ích đây"
Trước hết, bạn hãy tập lắng nghe, dù bạn, trong cơn giận, thật tình không muốn nghe chút nào hết. Hãy giữ sự bình tỉnh, và khi muốn nổi xung, hãy hít thở thật sâu, lấy ly nước lạnh uống cho hạ hỏa, rồi chờ khi thật nguội mới bắt đầu lại. Cố gắng tránh những lời nói "kết tội", thay đó hãy nói rõ cảm xúc của mình như "em rất buồn , em lo sợ …" thì hay hơn.
Nếu câu chuyện có khuynh hướng nặng nề va chạm, hãy cố gắng bước lui nửa bước như ý chấm dứt câu chuyện bằng cách nhỏ nhẹ: "Thôi, em hiểu anh muốn nói gì rồi" mặc dù có khi bạn đang tức điên lên và chẳng hiểu gì cả. Người kia chắc chắn sẽ ngạc nhiên và mau chóng hạ hỏa. Lúc nầy, nếu có thể nên nói vài câu dí dỏm cho không khí bớt căng thẳng.
Nếu cãi cọ mang tính nghiêm trọng qua những nguyên do sau, cũng có thể hóa giải một cách khôn khéo.
Tiền bạc:
Trong gia đình, nếu một trong hai người cứ xét nét chi li từng chút, gia đình cũng khó mà hạnh phúc và chuyện cãi cọ dễ sinh ra.


Bạn hãy cùng người phối ngẫu lập kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm cùng với nhau và cùng đồng ý .
Nếu một trong hai người đi quá lố cũng đừng dằn mâm xáng chén, mà hãy nhỏ nhẹ nhắc tới qui ước đã làm. Đừng càu nhàu "sao anh xài hoang thế", hãy nhỏ nhẹ nhắc "anh ơi, anh vui bạn vui bè nhưng tụi mình ráng tằn tiện một chút để có cái xe mới… để mua cái nhà …". Bạn nên ghi nhớ, tiền, dù cần thiết thật, nhưng nó không phải là tất cả.
Công việc:
Thời buổi nầy rất dễ bị thất nghiệp. Khi không có việc làm, ai cũng có thể bị sự căng thẳng làm biến đổi tánh tình, thiếu tự tin, nhất là đàn ông. Nếu không may ông xã bạn mất việc, bạn đừng buồn bã, bực dọc. Nên cố gắng thúc đẩy, tế nhị, nhẹ nhàng khi nói cho anh ấy biết về những lo âu của mình và lòng mong mỏi anh ấy hãy cứng cáp để giúp đỡ gia đình.
Con cái:
Khi có con, nếp sống tự do của hai vợ chồng có bị xáo trộn, thời gian dành cho nhau càng ít dần. Hãy sắp xếp cho nhau giữ được thời gian gần gũi nhau bằng cách nhờ anh em bà con họ hàng đôi bên giúp đỡ  về con cái để có sự riêng tư với nhau nếu con còn nhỏ.
Khi con đã lớn, hãy chia xẻ trách nhiệm nuôi dạy có sự thống nhất giữa hai người để tránh sự bất đồng và đổ thừa nhau.  
Chung thủy:
Sự tin tưởng là nhân tố quan trọng hàng đầu trong hạnh phúc lứa đôi. Tin tưởng về sự chung thủy dành cho nhau là suối nguồn của tình yêu. Khi một trong hai người thiếu sự chung thủy, sự đau đớn, ghen tuông, phá hủy niềm tin và tình yêu của bạn. Nếu một trong hai người lỡ phản bội, hãy hỏi lý do và lắng nghe giải thích. Nhiều khi sự lầm lỡ chỉ là cảm xúc nhất thời. Hãy tỉnh táo trước khi nghĩ tới chuyện chia tay. Các nhà tâm lý gia đình cho biết sự li dị sẽ giảm bớt tới con số 90% nếu cả hai giải quyết vướng mắc một cách bình tĩnh và hợp lý.
Một khi đã tha thứ, đừng bao giờ nói những lời xúc phạm nhau. Nên nhớ, một lời cay độc xúc phạm tác dụng tới 80 phần trăm cắt đứt sự tử tế lẽ ra dành cho nhau. Hãy tạo cuộc chuyện trò tâm tình giữa hai người một cách cởi mở và không bao giờ bóng gió xa gần về những chuyện đã xảy ra và thuộc về quá khứ .
Tình yêu thương, sự hiểu biết, nụ cười, là những nhân tố quan trọng giải quyết xung đột gia đình.
Chúc bạn thành công.
Minh Nga

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.