Thời sự Úc: Nỗi Oan của anh Phúc - Hoàng Đ.Thư
Không một người dân Úc nào lại không nghe đến vụ bà Cornelia Rau, người phụ nữ gốc Đức có bệnh tâm thần, tuy là thường trú nhân của Úc nhưng lại bị bộ Di Trú, dưới chính sách nghiệt ngã của chính phủ Howard, bắt giam 10 tháng như một di dân lậu. Và người ta cũng không quên được bà Vivian Alvarez Solon, một công dân Úc gốc Phi Luật Tân, cũng bị bộ Di Trú của John Howard trục xuất về quê cũ như một tên di dân lậu nguy hiểm mặc dầu bà đang bị bệnh nặng khiến cho sau này bà bị tê liệt cả đôi chân. Cả hai bà sau đó đã được chính phủ Úc bồi thường thoả đáng. Nhưng còn một nạn nhân khác của chế độ di trú hà khắc và sự tắc trách của nhân viên Di Trú dưới thời John Howard đã phải bị giam cầm khổ sở trong hơn 3 năm tại trại giam di dân lậu mà đến bây giờ vẫn chưa được bồi thường thỏa đáng, mặc dầu trường hợp của ông là vụ giam người trái phép lâu nhất, và tệ hại nhất lịch sử Úc vốn đã khiến văn phòng Commonwealth Ombudsman đưa ra đề nghị thay đổi hẳn luật lệ của Úc. Nạn nhân này là một thường trú nhân Úc gốc Việt Nam, tên là Nguyễn Văn Phúc. Sau đây, xin mời quý độc giả theo dõi bản lược dịch bài “Trapped In The System- Bị Kẹt Trong Guồng Máy” của ký giả Nick McKenzie, đăng tải trên nhật báo The Age hôm Thứ Bảy, 02/10/09 vừa qua, để biết thêm về trường hợp của ông, một vết nhơ khác của thời John Howard mà chính phủ Rudd có thể sẽ bị bẩn lây.
*
Khi nhân viên an ninh đẩy anh vào đàng sau chiếc xe van thì anh Nguyễn Văn Phúc gào thét trong kinh hoàng rằng họ đã nhầm lẫn lớn rồi. Họ quát nạt và bảo anh câm mồm lại. Chỉ trong vòng vài giây sau đó thì chiếc xe chở anh đã vùn vụt phóng về vùng ngoại ô Tây Nam còn anh thì thót dạ vì sợ hãi kinh hoàng. Sau này, anh miêu tả việc anh bất thình lình bị tóm bắt năm 2002 như sự khởi đầu của “cả một giai đoạn đen tối của cuộc đời tôi”, một sự đen tối khủng khiếp mà trong đó anh bị buộc trở thành thường trú nhân Úc bị bộ di trú giam cầm sai lầm trong thời gian lâu dài nhất trong lịch sử cận đại.
Câu chuyện của anh, được anh kể lại lần đầu tiên qua trang báo này ngày hôm nay, sẽ khiến cho chính phủ Rudd phải đối phó với nhiều câu hỏi về sự thất bại của họ trong việc chấp nhận trách nhiệm về những sai lầm đã được ghi nhận rõ rệt cũng như về sự thờ ơ của bộ Di Trú, vốn khởi đầu bằng sự bất cẩn tắc trách của một nhân viên kiểm soát biên giới Úc cách nay khoảng một thập niên.
Chính phủ liên bang cũng đang gặp nhiều áp lực vì đã không có hành động gì mặc dù ông John McMillan, trong tư cách Commonwealth Ombudsman, đã nhiều lần kêu gọi chính phủ phải thay đổi luật lệ để những trường hợp tương tự như trường hợp thương tâm của anh Nguyễn Văn Phúc, một trường hợp mà ông đã miêu tả là “nghiêm trọng và đáng lo ngại”, sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Tháng 11/2002, khi anh Phúc lần đầu tiên bước qua hàng rào kẽm gai để vào khu Stage One- khu đặc biệt trong trại tạm giam Villawood dành riêng để giam giữ những người được xem là nguy hiểm (high risk detainees) kể cả bọn tội phạm đang chờ ngày bị trục xuất- thì anh Phúc hoàn toàn không hề biết rằng sẽ có một ngày trường hợp của anh có cơ hội trở thành yếu tố tạo nên sự thay đổi luật di trú của Úc, một quốc gia vốn đã từng mở rộng vòng tay cho anh tỵ nạn khi anh mới 17 tuổi. Ngay lúc ấy tâm trí của anh chỉ bận rộn với một việc duy nhất: làm sao để sống còn.
Tìm cách bương chải để sống còn là một kỹ năng mà anh Phúc biết rất rành. Là một đứa trẻ nhỏ con lớn lên ở Saigon sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt thì việc len lỏi né tránh bọn con nít lớn con hơn đã trở thành phản xạ rất tự nhiên đối với anh. Anh nhớ lại thời thơ ấu trong một gia đình nghèo khó nhưng tràn đầy tình yêu thương và sự đùm bọc lẫn nhau, một cuộc sống tuy khó khăn nhưng rất hạnh phúc. Thế rồi, vào năm 1984, khi anh lên 14 tuổi thì anh cùng người anh trai theo làn sóng người rời bỏ quê hương đi tỵ nạn. Trên đường đến Úc thì ghe của anh bị giới thẩm quyền ngăn chận, chuyển vào trại tỵ nạn đông nghẹt người ở Phi Luật Tân. Anh phải sinh sống ba năm tại đấy trước khi chính phủ Úc nhận cho anh định cư tại Úc với chiếu khán nhân đạo vĩnh viễn (permanent humanitarian visa).
Anh đến Sydney với số vốn Anh Ngữ lõm bõm và một giấc mộng tìm được công ăn việc làm và có được một gia đình êm ấm. Anh đã có được một sự bắt đầu tốt đẹp: anh tìm được một cô bạn gái và một công việc tại xưởng sản xuất cửa sổ. Anh làm công việc này suốt 4 năm trường, cho đến khi buộc lòng phải bỏ việc vì bệnh sưng ruột thừa.
Oái oăm thay, cuộc sống êm đềm của anh Phúc bỗng thay đổi hẳn vào năm 1995. Sau khi anh quay trở lại Úc từ một chuyến viếng thăm người mẹ già yếu bệnh hoạn ở Việt Nam thì một viên chức di trú Úc đã làm một việc sai lầm mà không ai phát giác ra trong suốt gần một thập niên trước khi nó lộ diện, mang đến nhiều hậu quả khủng khiếp cho anh.
Khi anh về đến phi trường Sydney thì vì để quên chiếu khán thường trú nhân có quyền khứ hồi của anh ở Việt Nam, nên anh đã dùng một hồ sơ di chuyển của Cao Ủy Tỵ Nạn để qua trạm xét chiếu khán. Nhân viên biên phòng đã không kiểm tra lại tư cách di dân của anh và vì không biết anh là một thường trú nhân Úc, ông này đã cấp cho anh chiếu khán một tháng (one-month border visa), mặc dầu anh không hề làm đơn xin chiếu khán. Đây là sự thật khiến cho quyết định cấp chiếu khán của nhân viên này chẳng những trở thành một sự nhầm lẫn mà còn là một hành động phi pháp nữa. Cái chiếu khán một tháng này mang đến hậu quả là tư cách thường trú nhân của anh bị hủy bỏ, mặc dù văn phòng Ombudsman sau này tuyên bố rằng nếu người ta khám xét hồ sơ của anh Phúc một cách thật kỹ càng thì bất kỳ một viên chức nào làm việc cẩn trọng cũng đều phải thắc mắc vì sao chiếu khán biên giới lại được cấp và qua đó sẽ nhận thức được rằng anh Phúc đã là nạn nhân của một lỗi lầm phi pháp (unlawful mistake).
Thế nhưng, những phiền toái kế tiếp của anh Phúc là những phiền toái tự tạo. Anh kể lại khi anh đang sống độc thân và bị thất nghiệp thì anh nghe lời rủ rê của bạn để thử dùng bạch phiến năm 1996. Không bao lâu sau đó thì anh bị ghiền và bắt đầu giao du với những kẻ chích choác, bán lẻ bạch phiến trên đường phố. Anh bị tóm bắt với tội lưu trữ bạch phiến (heroin possession) và phải ngồi tù hai lần trong khoảng cuối thập niên 1990, một lần 3 tháng và một lần 6 tháng, trước khi phải lãnh án 18 tháng ở Long Bay năm 2001 với tội lưu trữ và cung cấp bạch phiến.
Thực tế, sống trong các nhà tù và trại giam, những người yếu ớt nhất thường phải chịu khổ cực nhiều nhất. Đối với anh Phúc, một người có tạng người nhỏ thó, chỉ cân nặng khoảng 55ký và lúc nào cũng bước đi rón rén khe khẽ như vũ công ba-lê thì nhà tù Long Bay cũng không ngoại lệ. Ngày mãn án năm 2002 cuối cùng rồi cũng đến. Thế nhưng, được mãn án không có nghĩa là anh được tự do. Khi anh vừa bước ra khỏi cổng Long Bay thì hai nhân viên di trú đã đứng chực chờ sẵn rồi. Sau này, anh viết lại về sự bắt bớ bất ngờ này như sau: “Vì không biết tiếng Anh nhiều nên tôi bị đẩy vào bóng tối trong tuyệt vọng và không thể nào truyền đạt, giao tiếp được để biết vấn đề là gì. Dường như không ai thèm để ý đến những chuyện khó khăn mà tôi phải trải qua... Tôi vừa mới mãn một án tù thì đã bị tiếp tục lãnh thêm một cái án nữa”.
Vào thời điểm mà anh Phúc đến khu trọng cấm Stage One ở Villawood thì Ủy Ban Nhân Quyền (Human Rights Commission) đã bắt đầu lập hồ sơ về “những mối quan ngại trầm trọng” về trại giam này, kể cả không khí của một nhà tù, cơ sở cũ nát, những phòng ngủ chung chật chội, đông người như nêm và “gần như không có tí tư riêng nào”, khu phòng ăn ảm đạm, ngột ngạt, khó ở, thiếu phương tiện giải trí cùng nhiều vụ tấn công bạo hành có dính líu đến những người bị nhốt.