Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

05/07/200900:00:00(Xem: 4949)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Như tôi đã nói, do cùng Hà Nội, lại có "gu" giống nhau nên bất cứ có buổi ca nhạc "bỏ túi" ở buồng nào các cậu thường báo trước, tôi là một khán, thính giả nhiệt tình. Tôi đã được nghe nhiều bài hát của Sài Gòn ở trại Thanh Phong. Thời gian ấy, một vài sự việc cho tới bây giờ, vẫn hằn vào lòng tôi.
Toán xồm có cái tài bắt chước, khi ấy gọi là "bắt vở". Bất cứ một cán bộ lạ hay quen, từ trên bộ về nói chuyện với toàn trại. Những ngày sau khi về trại, có khi đang lao động, có khi ngồi uống trà v.v… Toán Xồm bất ngờ làm một động tác, lột tả lại để ai cũng hiểu, Toán Xồm muốn nói đến cán bộ nào rồi, kể cả giám thị, cho đến ông cục trưởng Cục Lao Cải (giai đoạn ấy). Buồn cười một cách ý nhị, tôi phải thừa nhận là một cái "tài" không phải ai cũng làm được. Chỉ một cái "nháy mắt", "nhếch môi", "giọng khạc", "mắt liếc", "tay vẫy" mỗi khi nói v,v… Nghĩa là ai có cái tật gì Toán Xồm làm đúng như thế. Không hề nói trước, nhưng những người chung quanh đều hiểu Toán Xồm muốn nói đến ai. Vì thế, mọi người đều cười thoải mái!
Sự việc thứ 2 Toán Xồm kể lại, khi còn ở Hànội, trong thời gian nhạc xanh, nhạc vàng, nhóm cũng "rách" lắm (cả xã hội cùng đói rách, chứ riêng gì ban nhạc). Bàn nhau mới nghĩ ra, đành phải sắm thêm vài chiếc kèn đám ma, kiếm gạo cơm trong những người chết, để cứu cuộc sống của nhóm. Nhóm đã hành nghề mấy năm của cái đất Thăng Long dưới cái chế độ "Xếp Hàng Cả Ngày" thời gian ấy, thì cũng thêm cho bát cơm đầy.
Về anh Tôn Thất Tần, giai đoạn 73 - 74 anh được làm vệ sinh tự giác trong trại, tương đối nhàn hạ, có thể vì công việc dễ chịu như được chiếu cố nên anh dè dặt nói chuyện, để bảo vệ cái "job" thơm" Tôi và anh đã đánh cờ tướng 3, 4 lần, trí óc của anh còn minh mẫn lắm! Tôi chỉ biết một chút về anh: Bị bắt ngày 24 - 9 -1945. Anh là Đổng Lý Văn Phòng, đã kịch liệt phản đối Vĩnh Thụy (Bảo Đại) trao ấn tín cho Trần Huy Liệu của Việt Minh. Hơn một tháng sau, của ngày 19 - 8 -1945. Việt Minh truy ép anh mấy lần không được, nên họ đã bắt Anh nói với tôi như vậy, thực hư tôi không rõ.
Một buổi sáng, đầu tháng 7 - 1974, tên Hường trực trại đọc tên tôi trước hàng tù, đợi xuất trại đi làm. Tôi được chuyển về toán 7 làm nhà, tôi bàng hoàng ngẩn ngơ tiếc nuối toán rau của ông Mão, được hơn một năm trường (ra toán rau là đi đày, ý chí chuyển đổi khó khăn ra thuận tiện của tôi có hiệu lực. Có thể chúng thấy, hơn một năm đầy tôi ra cứt, đái, nắng mưa ở toán rau, chắc tôi đã biết thân rồi! Cũng có thể chúng xem hồ sơ của tôi; tên này ở trại trung ương số 1 đã là kỹ thuật xây dựng nhà cửa; cũng là kỹ thuật hàng ngang (mộc), vậy hãy cho nó về toán làm nhà xem sao" Hẳn nó đã tự biết thân! Chúng có biết đâu rằng, con người cái chính là khâu tư tưởng! Tôi đang mang tâm trạng, bao nhiêu anh em biệt kích khác đã được về miền Nam tự do, còn tôi chúng giấu đi, nhét trở lại tù ngục, lam lũ đói khát.
Về toán làm nhà do tên trung sĩ Đạo phụ trách; toán trưởng là anh Nguyễn Trí Viên (tù chính trị địa phương). Khi ra hiện trường anh Viên phân công, cho tôi làm vì trưởng một căn nhà gỗ 5 gian. Năm gian thì có 10 vì, tôi đã trả lời anh Viên là tôi không biết làm! Viên chạy đến cán bộ Đạo, một lúc sau cả Đạo và Viên xồng xộc đến chỗ tôi. Tên Đạo sừng xộ:
- Tôi còn lạ gì anh nữa! Ở trại 1 anh đã dựng cả một công trình!
Tôi nói dịu dàng:
- Thưa ông, đầu óc tôi không biết làm sao, tôi chả còn nhớ gì ở trại 1.
Không nói gì thêm, y bỏ đi! Anh Viên lấy một cái đục 2 phân với một cái bướm đưa đến, rồi chỉ cho tôi một cái lỗ đục ở cây cột cái để "Xàm" xà. Tôi suy nghĩ: Mình vẫn là tên tù, không nên làm qúa; cái gì qúa đều không tốt! Hãy theo cái thuyết của Albert Einstein; nghĩa là tương đối, trung dung, vừa phải thôi. Rồi tùy từng sự việc, tùy từng giai đoạn để xê dịch, trung dung ở chỗ nào cho thích hợp.
Theo qui định thời gian ấy, 12 lỗ đục cột, một công khoán, vậy tôi cứ tà tà đục chừng 9 hay 10 lỗ một ngày, không cần kỹ thuật. Để nhắm mắt qua cầu, cho đầu óc còn làm nhiều việc khác! Cái thích thú của tôi là, trong toán làm nhà này lại có Lý Cà Sa, tôi đang muốn làm quen, tìm hiểu. Lý Cà Sa là người duy nhất ở trại Phong Quang được ăn 21 kg. Thông thường, người tù nào làm khỏe, năng suất cao, thì cũng chỉ được ăn mức 18 kg là mức cao nhất, theo quy định của Cục Lao Cải.
Anh em trong toán kể lại: Một buổi ngoài hiện trường lao động làm nhà, cây cột cái thường phải 4 người khỏe khiêng; thế mà Lý Cà Sa một mình vác. Tên Tằng và nhiều cán bộ chứng kiến, vì thế tên Tằng ký giấy đặc biệt cho Cà Sa ăn mức 21 kg. Về tâm lý, hầu hết mọi người đều trầm trồ ca ngợi, có thiện cảm với một người khỏe mạnh khác thường như thế. Trần Định toán trưởng, cũng như anh em trong toán nhà bếp. Mỗi khi Cà Sa mang soong xuống bếp lấy cơm (lấy riêng), nhà bếp cứ ang áng xúc cho một xẻng cơm, có khi còn hơn cả mức 21kg nữa. Vì vậy Cà Sa cũng lén lút cho chác, những ai Sa mến.
Cũng là một đặc biệt, Cà Sa lại thích đùa bỡn với mấy cậu nho nhỏ, be bé. Luật bù trừ của tạo hóa cũng kỳ diệu! Người to lại thích người nhỏ, gầy thích mập, cao thích lùn và ngược lại. Không biết người thông minh có thích người đần không" Hoặc người vui tươi, nồng nhiệt có thích người sầu buồn như gà rù không" Cái này xin để quý vị thẩm định.
Cũng vì thế Toán Xồm (bé tí) rất thích Lý Cà Sa, nên hằng ngày thường sang chỗ Cà Sa. Tất nhiên Cà Sa cũng thích Toán Xồm và hay đần mặt ra, nghe lời ca tiếng nhạc của nhóm "nhạc vàng".
Con người của Lý Cà Sa cũng khác thường, chân tay mình mẩy rất nhiều lông, mà lông lại dài nữa. Mặt anh ta, tôi có cảm tưởng hơi giống như con khỉ đột, đôi mắt sâu, lông mày rậm. Tôi cũng đã được nhìn thấy nhiều người to khỏe rồi, nhưng phải thừa nhận Cà Sa có một sức khỏe lạ thường trời cho. Chắc chắn Cà Sa không phải là người to, cao nhất, anh ta cao chừng 1m 83 đến 1m 85 (xin quý vị tín nhiệm, mắt của một người thợ kim hoàn, một kỹ thuật nhà, mộc. Cụ thể tôi đã vẽ kích thước cái cùm Hỏa Lò bằng trí nhớ, ở tập 1Thép Đen, đã không sai với hình chụp hiện nay). Còn Cà Sa cân nặng bao nhiêu tôi xin chịu (nhà tù chưa bao giờ có cân).
Nhớ lại Tết vừa qua, trong vấn đề kéo co, cũng tên Tằng Toét và cả anh em tù, cũng muốn thử xem sức khỏe của Cà Sa như thế nào" Bữa hôm Tết, y cho 6 người của toán cò cưa và Lý Cà Sa ăn no; buổi chiều y cho 6 người này, kéo dây " kéo co " với Cà Sa. Trước sự cổ vũ của anh em tù cũng như cán bộ toàn trại, cuối cùng Cà Sa đã thắng!
Một buổi uống trà cám, Cà Sa đã kể lại thời kỳ anh ta bị bắt. Trước 5 - 6 người, có Toán Xồm và tôi, Cà Sa nói:
- Hàng mấy năm trường vùng vẫy trong vùng Hoàng Su Phì Hà Giang. Việt Minh không thể làm gì y được. Sau VM dùng trò mua chuộc, dụ dỗ sẽ cho làm tướng vùng dân tộc thiểu số, sẽ cấp dinh thự, kẻ hầu người hạ v.v… Cuối cùng đã bắt được Cà Sa.
Cà Sa kể tiếp:
- Trong thời gian khai thác, thẩm cung luôn có 6 CA võ biền, to khỏe canh gác. Chân tay Cà Sa lúc nào cũng bị xiềng xích ngày đêm, vậy mà khi Cà Sa đi cầu cũng 4 người đứng canh. Khi Cà Sa biết bị lừa, y gầm thét phá phách dữ dội, có lần y vớ được một tên CA, y ném qua một bờ suối rộng 3m. Việt Minh phải trị bằng cách cho ăn đói nhiều ngày. Ăn được 5 phần thì chỉ cho 1 phần thôi "Thà không cho ăn để chết, không ác độc, thâm hiểm bằng cho ăn ít như thế!" Đấy là lời nói của Lý Cà Sa.
Đêm qua bên nhà A khu 1 có một chuyện không bình thường: Nghe đâu cũng lại ăn nấm độc, 6 người bị nặng nhất đang đêm phải đưa đi nhà thương Yên Bái, nhưng 4 người đã chết. Sáng ngày ra, trong trại xôn xao, bàn tán như sau: Một cặp tù xẻ gỗ thuộc loại tự giác. Những cặp loại này không cần phải công an võ trang đi kèm, cứ 2 người đi thăm thưng trong rừng cây, thấy cây nào đáng xẻ, gỗ thuộc loại nào về báo với cán bộ toán. Khi đã được chấp thuận, cho chỉ thị xẻ theo quy cách, kích thước, ngày tháng mức ấn định v.v… Do đấy, có cặp xẻ phải làm tại chỗ hàng tuần, hàng tháng, cứ sáng sớm xách cơm nước đi, tối phải về trại trình diện.


Hôm qua, một cặp xẻ: Hoàng Điềm và Ngô Thanh (tù chính trị địa phương, tức miền Bắc) những cây gỗ gần chỗ các anh xẻ, sau những trận mưa rừng rả rích, cũng mọc lên rất nhiều những loại nấm mèo. Ngay từ chiều 2 anh đã nấu thử tại chỗ để ăn. (những người khác trong toán kể lại) Các anh về khoe là ngon như thịt gà! Ngon qúa! Lại nghĩ đến những bạn bè thân của mình, các anh đã mang về một ống Guigoz và một cà men con. Tối các anh về trại, vào buồng chia ra làm 5 phần, anh thì có 3 người thân, anh thì có 2. Các anh đã lén lút đưa cho người thân, để cùng thưởng thức.
Nghe bạn thân là anh Điềm với anh Thanh ca ngợi hết lời, lại thấy 2 anh đã ăn rồi mà có sao đâu. Vả lại, đang đói thiếu, của thơm ngon như thế mời gọi, của qúy dành cho người thân! Bởi vậy các anh đều nhiệt tình thưởng thức, còn không cho ai biết nữa chứ. Chỉ có một người là anh Hoè của toán nhà bếp (bạn của anh Điềm) bị đau bụng từ chiều, nên anh để dành lại, sáng mai khỏi đau bụng sẽ ăn.
Buổi trưa hôm đó, sau khi đã có 4 người chết ở nhà thương, còn 2 người ngắc ngoải. Tên Tằng Toét đã lấy cái phần của anh Hoè đau bụng chưa ăn, chừng 1 phần 3 chiếc ca nhỏ uống trà. Y bắt con Vện của cán bộ trực trại ăn thử; nửa giờ sau con chó sùi bọt mép, giẫy lên rồi nằm luôn.
Vấn đề kỳ lạ để lại trong lòng nhiều người: Tại sao anh Điềm và anh Thanh đã ăn tại chỗ từ chiều, cho tới khi về trại không sao cả. Hai anh đã chết rồi, thì ai trả lời được cho mọi người khỏi băn khoăn" Theo tôi, chỉ có một cách giải thích hợp lý: Vì lý do, nguyên nhân gì đó, buổi chiều hôm ấy anh Điềm và anh Thanh chưa hề ăn nấm mèo ấy. Hoặc, các anh đã ăn nấm khác, không phải cùng nồi, đã múc đưa về trại.
Gần 3 tháng trời họ chuyển tôi về toán ông Đạo làm nhà, thấy tôi không chuyển biến tư tưởng, chẳng chịu làm ăn cái gì cho ra hồn. Thật không ngờ, đầu tháng 2- 1975 họ lại chuyển tôi về toán mộc để làm hàng ngang. Lán mộc bây giờ ở ngay phiá trước cổng trại, ngay sau phòng trực trại của tên Hường.
Toán mộc cũng vẫn là cán bộ Hòa và toán trưởng vẫn là anh Khẩn, như khi tôi mới chuyển về trại này. Họ phân công cho tôi đóng giường đôi, và làm ghế. Quan điểm của tôi đã nói ở trên, tôi chỉ làm cầm chừng, "nhắm mắt qua đò". Kỳ này tôi lại đốc tật là thích uống trà đêm, trong buồng cũng có một vài anh cũng thích uống trà ban đêm. Ngồi một mình trong mùng, nhấm nháp ly trà (ly nứa) để cho lòng lâm ly, để cho óc trầm ngâm suy tư chuyện Đông, chuyện Tây, chuyện trong, chuyện ngoài, nghĩa là chuyện đời.
Những người uống trà đêm, "muốn ăn thì phải lăn vào bếp". Họ phải lo chuẩn bị đóm nứa khô. Nội quy cho mỗi tù nhân, chỉ được mang một cái đóm vào trại, để hút thuốc.
Tùy theo khả năng, tài ba của mỗi người, có gia đình tiếp tế, có tiền thì uống trà ngon, trà búp. Kém khả năng thì uống trà cám loại bẹt, một gói giá 1 hào 50, uống được một tuần. Nhấm nháp một tí đặc chát, để cho đời lên men.
Thường thường 11- 12 giờ đêm, người ta ngủ yên ắng, mình khe khẽ bò dậy, vào nhà xí chừng 3, 4 cái đóm nứa, đã có thể sôi nước trong một cái ca con. Sau khi đã đun trà xong, chuẩn bị cái giẻ rách lau cho ca sạch trắng. Một cái giẻ dùng hàng tháng. Cứ đêm lau, sáng ra lán giặt phơi, nó cũng là một cái thú ở trong tù.
Thấy cứ phải lau chùi ca, chạy vào, chạy ra trong nhà xí. Một đêm, tôi chợt nghĩ ra một cách, theo điều kiện cho phép của tôi. Đã cuối tháng 2 đầu tháng 3, sắp hết Xuân vào Hè, tôi lại dùng cái quần đùi thời gian ở toán rau. Chỉ khác đi là lần này đựng than, loại than gỗ cứng qúy. Ở ngoài lán mộc luôn có đống lửa, hút thuốc, đun trà v.v… Tôi chọn những gỗ cứng, tốt đốt cháy đến đâu, tôi nhúng vào nước. Có một loại than thật cứng, giữ được lửa lâu. Mỗi ngày tôi mang về 6 cục, mỗi buổi tôi mang về 3 cục. Đêm có thể tôi đun 2, 3 lần trà, than vẫn còn đượm. Chỉ ngồi một mình trong màn, lại không có khói, ấm cúng, chủ động, không phải lấm lét canh công an võ trang.
Tôi làm ở lán mộc này được hơn một tháng, một buổi tôi ra chỗ góc lán đi tiểu, chỗ tôi trồng mấy ngọn lang để cải thiện. Thoáng bóng một chú gà giò, chừng 2 vụm tay, chú gà cứ tẩn mẩn mổ mấy loại côn trùng, ở đám dây khoai lang. Tôi chợt lóe một ý nghĩ: Hàng chục năm không có mùi thịt gà! Dịp may trời cho, tại sao không liều" Chắc chú gà này của vợ chồng lão Tôn đại úy giám thị trại, ở phía bên kia hàng rào với lán mộc. Phải liều, cứ cái câu "không liều thì không có cái gì cả". Nhìn trước nhìn sau, tôi lựa thế le con gà vào một cái góc. Như một cái máy, tôi chộp lẹ.
Có lẽ vì là chú gà giò chưa lớn bao nhiêu, nên không hề kêu gì cả. Bóp cổ 2 phút là chú giẫy chết! Tôi thành thật xin chú mày tha lỗi! Vì tôi đói và thèm qúa! Vùi đất ngay tại chỗ, vì đi tiểu đã lâu. Tôi vào cầu bào, không ai để ý gì, tuy vậy trống ngực tôi cũng đánh liên hồi.
Cắm cúi cưa, cắm cúi bào, nhưng đầu tôi tính một cách, sao mang về lọt qua cổng trại! Đi tiểu lần sau, chỉ kịp vặt hết lông. Mười lăm phút tôi lại đi lần nữa, đã chuẩn bị, mang theo một cái chàng sắc bén, vội vàng mổ ruột vất hết, chỉ gan và cật để lại. Qúa 5 phút lại phải vào, liệu chờ người đi tiểu ra, tôi lại đi. Nếu ai để ý sẽ thấy lạ, có thể đoán tôi hôm nay bị đi đái rắt. Đã tính rồi, tôi ra cắt béng đầu và 2 chân gà đi, con gà bây giờ chỉ còn khoảng 2, 5 đến 3 lạng là cùng. Tôi mang vào giấu ở cầu bào.
Cứ có điều kiện không ai để ý, tôi lại cắt con gà thành những miếng nhỏ, sao cho cả con gà càng thu nhỏ lại, càng tốt. Gần giờ thu quân, tôi dồn hết vào cái túi bí mật ở trong quần. Nếu ai tinh ý sẽ thấy cái chỗ đi tiểu của anh chàng này, hôm nay hơi to. Tôi phải cố thót bụng lại, để đánh lạc hướng trật tự và trực trại. Tay tôi cầm 4, 5 cái đóm hút thuốc, với cái ca con, đựng tí bã trà.
Khi toán về tới cổng trại, ngay từ xa tôi đã thoáng nhìn thấy dáng dấp tên Tằng Toét, tôi cũng hơi chờn. Có Tằng đứng đấy, trực trại, trật tự phải nghiêm khắc xét, khám kỹ hơn. Tôi băn khoăn, vài phút rồi quyết định: Đã tính rồi, cứ tiến!
Sau khi anh Khẩn đứng nghiêm báo cáo con số toán, tên trực trại nhìn 5 cái đóm trên tay tôi, y quát:
- Anh kia mang nhiều đóm thế!
Tôi nói cố hết sức dịu dàng:
- Thưa ông, có 2 anh bị ốm ở nhà, nói với tôi mang hộ!
Y gằn giọng:
- Không được!
Tôi bỏ lại 3 cái, y cũng không nghe (vì có tên Tằng đứng đấy) đúng nội quy chỉ được mang một cái mỗi người. Tôi chỉ cầm một cái đi vào, còn bỏ lại hết. Khi đi qua tên Tằng và tên Hương, tôi có cảm tưởng chúng cứ nhìn tôi mãi. Không biết mũi của chúng có ngửi thấy mùi thịt gà tươi, ở trong quần của tôi không" Thế là nhiệm vụ hoàn thành!
Cái đêm hôm ấy, hầu như tôi thức cả đêm! Sau khi điểm xong, cho tới kẻng cấm, tuy nằm mà bao hy vọng chờ đón, lẫn với tính toán đến 12 giờ đêm, chả làm sao ngủ được. Nghe ngóng yên ắng, có nhiều tiếng gáy, tôi mới bò dậy xuống sàn, vào nhà xí nhóm than cho cháy. Chỉ nửa giờ sau đã có già nửa cái lon Guigoz, là thịt gà giò chín thơm lừng. Mở cửa nhà xí, ngó ngấp, nghe ngóng, bấy giờ mới rón rén khe khẽ trèo lên sàn, chui vào mùng, để mà hưởng thụ.
Thành thực mà nói, 13 năm tôi đã hoàn toàn quên béng cái mùi thịt gà giò đi rồi. Cũng xin thành khẩn nhận lỗi, đêm hôm đó tôi đã quên hết... Một câu thơ con cóc: Cái đêm hôm ấy, đêm gì" Gà non, nhóp nhép....gầm ghì cả đêm! Cho đến khi tôi viết mấy dòng này, tôi hơi một chút băn khoăn, có nên cảm ơn vợ chồng ông đại uý Tôn, của trại Phong Quang ngày ấy" Chỉ vì Tôn có chút tình người.
Sáng hôm sau, trong khi ngồi xếp hàng chờ cán bộ vào điểm, bỗng anh Bùi Tâm Đồng nói to bâng quơ:
- Đêm qua tôi nằm mơ được ăn thịt gà, sáng ra vẫn còn mùi thơm của thịt gà!
Có mấy anh nữa rống lên phụ họa:
- Tôi cũng ngửi thấy mùi thịt gà thơm phức!
- Tôi thấy thơm lừng trong buồng, vào nhà cầu đi đái tôi còn ngửi thấy!
Chỉ có một mình tôi biết, mùi thịt gà đó do đâu ra, và nó còn nằm trong bụng của ai bây giờ, mà thôi!
Những tháng năm lang thang trên xứ người, có nhiều lúc tôi nhớ lại con gà giò "ăn cắp"của ông bà Tôn năm ấy. Tôi có ý nghĩ: Nếu có thể được, bằng cách nào đó, trong điều kiện nào đó, tôi sẽ xin trang trải món nợ của ông bà Tôn ngày ấy, cả vốn lẫn lời. Cũng như tôi đã trả được món nợ cả vốn và lời, 4 đồng của Phan Thanh Vân ở phân trại E, phố Lu năm 1969 (năm Hồ già về với Karl Marx). Hiện nay Vân đang ở Washington DC.
Nói về ông đại úy Tôn này, tháng trước (10/04) chính Lưu Nghĩa Lương ở toán 5 đã kể cho tôi nghe (Lương hiện ở CA.). Tay Tôn này tập kết, chả hiểu trong Nam có vợ con hay chưa" Cơ quan, ban giám thị có một cô loại thanh niên xung phong, chừng 22 - 23 tuổi. Dáng quê, không đẹp vẫn hàng ngày phục vụ dọn dẹp, lau chùi, giặt dũ v.v… Ông Tôn đã làm cho cô ta có bầu. Đảng, cơ quan bắt y phải cưới làm vợ. Rồi Đảng cho vợ chồng một căn nhà con, phía bên kia hàng rào lán mộc của chúng tôi. Lương còn nói: Có lần Lương gặp đại uý Tôn đi trên chiếc cầu con (từ cổng trại ra lán thủ công, và nhà ông Tôn có một cái suối nhỏ) Lương vừa chào lại có ý móc máy, đùa cợt:
- Chào ông ạ! Thưa... bà đẻ con trai hay con gái ạ"
Tôn quay hẳn lại nhìn, xem thằng nào biết mà lại hỏi thế" Dù vậy y vẫn trả lời như vui, như đùa:
- Theo Đảng mấy chục năm, bây giờ mới có cái "thằng".
Qua cách trả lời Lương, ta đã thấy phần nào con người của "ông" Tôn rồi!
Sau cái đêm chén con gà giò, ngay ngày hôm sau đi làm ngoài lán mộc. Mỗi lần tôi đi tiểu, đều nhìn sang phía nhà vợ chồng ông Tôn nghe ngóng động tĩnh, có hiện tượng tìm tòi, kêu ca mất gà hay không"
Nhưng tôi vẫn thấy im lìm. Trong khu hàng rào, có căn nhà nhỏ của vợ chồng ông Tôn, chung quanh tôi thấy có một số cây rừng nho nhỏ. Sát phía căn nhà có một cái chuồng gà, bằng tre và nứa. Chừng gần 2 chục con gà lớn bé, hàng ngày ra lang thang trong khu vườn con đó. Chúng tìm những con sâu, bọ, côn trùng, ngoài một bữa ăn duy nhất khoảng 4 giờ chiều. Từ cái lỗi lấy trộm gà của tôi đối với gia chủ là ông Tôn, dần dần tôi càng để ý nhà ông ta kỹ hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.