Hôm nay,  

Bản Tin Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Vn, Tháng 4/2009: Thất Nghiệp Tiếp Tục Tăng, Đình Công Bị Dọa Chém...

12/06/200900:00:00(Xem: 3358)

Bản Tin Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN, Tháng 4/2009: thất nghiệp tiếp tục tăng, đình công bị dọa chém...

Chi nhánh Sở BHXH tại Sàigòn. (Hình của UBBV)
[UBBV baovelaodong.com 11/6/2009] Người lao động Việt Nam bị bóc lột bằng rất nhiều phương pháp khác nhau. Và giới chủ nhân chỉ là một trong những thành phần bóc lột họ. Như Bản Tin Lao Động tháng này của UBBV (Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao ĐộngVN) cho thấy, cả hệ thống toà án và bộ sở của nhà cầm quyền cũng nhúng tay.
* Thất nghiệp tiếp tục gia tăng *
Khắp nước VN, tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Tại Sàigòn, thống kê được công bố vào tháng 5 cho thấy trong 4 tháng đầu của năm 2009, đã có 201 doanh nghiệp cho 23.000 nhân viên nghỉ việc và giảm giờ làm việc của khoảng 17.000 người. Công nhân trong các ngành nghề như giày da, may mặc, điện tử, là giới lao động bị mất việc nhiều nhất.
Tại Cần Thơ, chi nhánh của công ty Cổ phần Vận Tải Sài Gòn đã bất ngờ đóng cửa, khiến cho khoảng 300 tài xế bị mất việc và bị quỵt tiền . Ngày 7/5, công ty ra lệnh cho mọi tài xế phải trả lại xe, lấy cớ "để đổi xe mới". Hôm sau một số tài xế tìm hỏi thì mới vỡ lẽ rằng ban giám đốc đã đóng cửa công ty, âm thầm tẩu tán tài sản, đem xe đi bán.
Tại Khánh Hoà, vào giữa tháng 5, nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin cho 1.000 công nhân tạm nghỉ, và từ cuối tháng 5 giảm giờ làm việc của 4 ngàn người lao động còn lại của công ty này. Theo Hyundai Vinashin, lý do là khủng hoảng kinh tế thế giới.
Không phải mọi cuộc sa thải đều do khủng hoảng kinh tế gây ra. Tại Hà  Nội, Cty Cổ Phần Xây Dựng Thuỷ Lợi 2 đã đóng cửa, khiến cho 660 nhân viên bị mất việc. Năm 2001, đây là công ty nhà nước được cổ phần hoá, và công ty đã được tiếp tục làm chủ những lô đất đang sở hữu ở nhiều điạ điểm có giá trị, thí dụ ở ngay quận Hoàn Kiếm tại Hà Nội. Nay, những người có quyền lực đang bán máy móc và tài sản của công ty, trong đó có những lô đất giá cực kỳ cao, để chia chác với nhau.
* Toà án tiếp tay chủ chiếm đoạt tiền "Bảo Hiểm Xã Hội" của người lao động *
Tệ nạn các chủ nhân khấu trừ tiền lương của người lao động, nói là để đóng vô quỹ BHXH (để trợ cấp khi đau ốm, tai nạn) nhưng lại bỏ túi, tiếp tục tràn lan khắp nước Việt Nam. Và các bộ sở của nhà cầm quyền tiếp tục đóng vai trò kẻ tung người hứng:
 Trường hợp người chủ bất lương nhưng may mắn của công ty Lucky là một trường hợp tiêu biểu - Tháng 4 năm 2008, Sở BHXH nộp đơn kiện công ty Lucky để đòi nợ số tiền 2,3 tỉ đồng công ty này đã khấu trừ từ lương nhưng không đóng vô quỹ BHXH. Chỉ 4 tháng sau thì toà ("Toà An Nhân Dân", TAND) tại quận Bình Tân trả lại đơn kiện, nại lý do đơn hết thời hạn. Khi Sở BHXH khiếu nại, thì TAND Bình Tân chuyển qua TAND Sàigòn. Sau nhiều tháng, TAND này chuyển hồ sơ trở lại TAND Bình Tân, lấy cớ "luật không cho phép ngăn chặn giám đốc công ty này xuất cảnh" (ghi chú: giám đốc công ty là người ngoại quốc). Cớ này sai rành rành, vì Khoản 1 điều 9 của luật xuất cảnh viết “Người nước ngoài có thể bị tạm hoãn xuất cảnh nếu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang là bị đơn trong các vụ tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động”.


* Đình công bị doạ chém bằng mã tấu *
Tuy biết đình công có thể sẽ mất việc, nhưng nhiều người lao động vẫn phải đình công vì bị dồn vào đường cùng. Tại Hà Nội, gần cuối tháng 5, khoảng 1.000 công nhân tại Công ty Panasonic Communication Vietnam đình công, và ngay sau đó 400 công nhân của công ty Iritani đình công.
Đặc biệt, sáng ngày 29/5, khi 600 công nhân của công ty Diễn Viên ở Bình Dương ra khỏi cổng để đình công, thì nhân viên an ninh của công ty này đã chặn cổng lại và dùng mã tấu rượt chém công nhân. Tuy nhiên, không ai bị thương tích vì công nhân đã giật được mã tấu từ tay của những người này.
Những nguyên nhân đưa đến vụ đình công nói trên là như sau (khá tiêu biểu cho nhiều vụ đình công khác): Công ty trừ tiền lương khá nhiều cho bữa ăn trưa nhưng phẩm lượng quá kém; công ty buộc công nhân làm giờ tăng ca thì nhiều nhưng khi trả lương thì tính thiếu; công nhân không chịu làm vào ngày nghỉ thì bị đuổi việc; công nhân dù bị bệnh nặng cũng không được về nhà; và chuyên gia ngoại quốc của công ty đối xử thô bạo với công nhân.
Theo một nguồn tin chưa kiểm chứng thì mới 4 tháng đầu năm đã có 300 vụ đình công khắp nước. Nếu đúng vậy thì số lượng đình công gia tăng rất nhiều so với các năm gần đây, bất chấp kinh tế suy thoái và thất nghiệp tăng cao. Tuy nhiên, UBBV sẽ tiếp tục tìm số liệu đáng tin cậy để thông báo trong những Bản Tin Lao Động tới đây.
* Chuyện dài xuất khẩu lao động *
Tình trạng người lao động xuất khẩu bị mất việc nên sống vất vưởng hoặc phải về nước sớm, vẫn tiếp diễn. Ngày 05/5, một số công nhân từ Bulgaria phải về nước trước thời hạn đã tập trung tại trụ sở công ty môi giới Virasimex (có được nhắc đến trong BTLĐ tháng 4 của UBBV về việc lừa gại tiền của người lao động) tại đường Lê Duẩn ở Hà Nội để đòi nợ. Nguyên nhân là Virasimex đã thâu tiền (2.750 Mỹ Kim) cho hợp đồng lao động 2 năm nhưng họ bị về nước sau khi làm việc mới 9 tháng. Trước khi đi, họ đóng tiền cho Virasimex bằng Mỹ Kim, nhưng nay Virasimex nói sẽ chỉ trả một phần số tiền họ nợ, và chỉ trả bằng tiền VN.
Các công ty môi giới không phải là thành phần duy nhất ăn lời trên người lao động xuất khẩu. Nhà cầm quyền CSVN đã lập ra một quỹ gọi là Quỹ Hỗ Trợ Việc Làm Ngoài Nước, nhằm trợ cấp những người lao động phải về nước trước thời hạn do khủng hoảng kinh tế. Rất nhiều người lao động xuất khẩu đã phải đóng tiền vô đây, tuy nhiên ngày 11/5, giám đốc quỹ này nói rằng đến nay quỹ chưa chi ra một đồng nào. Trong khi đó, số người lao động phải về nước sớm, đến nay là nhiều chục ngàn người.
 (Bản Tin Lao Động này và các BTLĐ trước cũng có đăng trên trang mạng baovelaodong.com của UBBV - Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động VN).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.