Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

03/05/200900:00:00(Xem: 3275)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Tuy chẳng ai nói với ai nhưng đều hiểu cuộc đời chúng tôi đã trôi, chuyển sang chỗ đen tối, tàn lụi. Chúng tôi cấp tốc quyết định phá hủy toàn bộ máy móc và lưới rada chở trên thuyền cao su, đồng thời cho nổ luôn cả chiếc thuyền chìm xuống đại đương.
Lúc này gió rất mạnh và cũng có thể vì gần bờ biển nên sóng càng lớn, Văn và Slau bị sóng đánh trôi dạt về phía Nam, còn tôi và Sang cứ bơi thẳng theo tọa độ vào bờ. Dù tiếng ầm ào của sóng biển, chúng tôi cũng đã nghe thấy tiếng quát tháo, hò hét ở trong phía bờ. Mặt trời vừa chui lên khỏi mặt nước làm cảnh vật sáng hồng lên nhưng lòng chúng tôi đã đen thẫm lại khi 2 chiếc tầu tuần của công an biên phòng Thanh Hóa chạy ra bắt chúng tôi cách bờ khoảng 200 mét vào lúc 7 giờ sáng.
Khi tôi bị đưa lên bờ, lố nhố đầy người, bộ đội, du kích, súng ống, gậy gộc, họ cứ nhao nhao lên hò hét chửi bới. Chỉ 15 phút sau, qua những tiếng hò hét của họ, chúng tôi cũng đã biết Văn và Slau cũng đã bị tầu tuần của công an biên phòng Nghệ An bắt rồi, vì chỗ đó là giáp giới của 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.
Vào bờ, lúc này chúng tôi chưa bị bịt mắt và đánh đập, tôi xác định được vị trí chúng tôi đổ bộ bị sai khoảng từ 5 tới 7 cây số so với không ảnh mà chúng tôi đã được nghiên cứu. Mặt khác, theo như thuyết trình ở phòng hành quân đã quy định, điểm rời tầu mẹ đến đất liền khoảng cách từ 800 mét cho đến 1000 mét. Nhưng điều đau lòng là thực tế nó đã xa bờ từ 4000 cho đến 5000 mét. Chăn vừa nói đến đây thì ngoài cổng trại đã có tiếng ầm ầm, vì các toán đã về, tôi chỉ kịp đập nhẹ vào tay Chăn:
- Để dịp khác tiếp tục nhé!
Rồi vội vàng tôi trèo lên sàn, về chỗ nằm đắp chăn....
Bây giờ tôi mới được biết, Lầu Chí Chăn, Trịnh Văn Truyện, Nguyễn Cao Sơn, Hoàng Dụ (Tarzan)… hiện đã có mặt tại Mỹ.
Nỗi lòng người viết
Kính thưa các qúy vị. Đã bao nhiêu năm trôi qua, với bao nhiêu trăn trở khắc khoải để viết cho xong tập hồi ký thương đau của đời mình. Tôi đã chuẩn bị một căn buồng nhỏ ở dưới basement. Nhưng nhiều lần ngồi trầm lắng một mình hàng ngày, rồi cũng đành mệt nhọc đứng dậy vì nước mắt chảy ra mờ cả mắt, với những cơn đau đầu, đau lưng, đau cổ.
Năm 2002, để tự khích lệ như một đòn bẩy, tôi đã làm một tờ cam kết với hai đứa con: Một đứa học năm thứ 2, một đứa năm thứ 3. Cùng ký nhận cam kết: Chúng nó ra trường đại học, tôi viết xong Thép Đen. Để rồi một đứa đã ra trường 2004, và một đứa sẽ ra trường năm nay 2005.
Thậm chí, tôi đã viết một tấm biển để ngay trước bàn viết: Hãy viết cho xong Thép Đen! Viết cho mình đọc, cho bạn bè, người thân đọc. Không dám xuất bản cho các qúy độc giả của mình nữa. Hạ thấp yêu cầu, để tự ép buộc tôi cầm bút. Nhưng rồi cũng đành buông xuôi với sức khoẻ, với mưu sinh, với những tác động của cảnh sống của mình.
Đầu tháng 10/2003, một số anh em biệt kích nhẩy Bắc, từ những tiểu bang xa đến thăm tôi. Trong bữa cơm họp mặt, ngoài 7 anh em biệt kích, chỉ có anh Nguyễn chí Thiện là thân hữu. Nhiều nỗi niềm, nhiều sự việc được đề cập, sau 23 năm, có anh 30 năm mới tái ngộ. Một ý kiến chung anh em nhắc nhở:
 - Anh Bình ơi! Nếu anh không mạnh dạn gạt đi những ràng buộc của cuộc sống chung quanh, nâng cao quyết tâm ngồi viết cho xong bộ Thép Đen, thì rồi anh sẽ mang cái dang dở đó theo anh về lòng đất…
Rồi mới đây, 25/5/2004 anh Trần Nam, xướng ngôn viên của VOA phỏng vấn về "Hành hạ tù nhân tại Iraq". Tôi đã tặng anh bộ TĐ. Anh lại muốn tặng 2 bộ cho bạn thân, ở hai tiểu bang khác. Anh đã hào phóng gửi 200 dollars, đặt luôn cho tập IV.
Một cậu (NTV) ở Canada, lái xe sang tận nhà lấy một bộ TĐ, cũng đưa tiền một cách hào sảng, đặt cho cả tập IV. Anh Bùi Tín ở Pháp cũng nói đang chờ tập IV. Đặc biệt hơn nữa, Lê văn Hạnh, cháu của anh Nguyễn văn Thông (bạn thân). Đến tận nhà lấy một bộ TĐ và cũng đặt tiền mua cả tập IV.
Hạnh mở tập sách yêu cầu tôi viết và ký tên: "Cháu Hạnh đã cùng bác dọn sạch căn buồng này" ở tấm hình tôi ngồi viết TĐ III, sau nhà anh Thông. Tôi đã đưa tiền lại cho cháu Hạnh, như nói với con cháu trong nhà: "Bác không lấy tiền của cháu đâu! " Hạnh đã dứt khoát không cầm và nói: "Bác đi làm và cháu cũng đi làm! (Giáo viên Tiểu học). Tập IV TĐ, bác viết một năm. Như bác nói: nếu bác bán tác quyền, họ trả bác bẩy ngàn dollars. Vậy lương của cháu gấp bốn, năm lần của bác""
Câu nói tha nhân, đầy nghĩa tình đùm bọc, phảng phất cái hương man mát nhè nhẹ của hoa soan, hoa bưởi, hoa cau của quê nhà, làm cho người nghe khó quên. Và còn 8, 9 độc giả nữa hơn 10 năm nay, đã đặt mua TĐ. IV, trên phone hay trong thư (tôi sẽ lục lại), mà tôi chưa dám nhận tiền. Sách chưa viết, mà nhiều người thương nên đã đặt mua, dù chưa biết giá.
Riêng cháu Hạnh, tôi nói đặc biệt vì thông thường, mọi người đều thấy nhàm chán, với văn chương của người thân. Cụ thể, hai đứa con lớn của tôi, chưa bao giờ thấy chúng đọc Thép Đen. Tháng trước, Bs VLH, hiện ở Caney hospital, đã gặp nhau 21 năm xưa, tại trại tỵ nạn Galang "Tình Xù", bây giờ gặp lại tại Boston. Anh đã nói một câu "xanh rờn": "Ở hải ngoại, người VN nào còn quan tâm đến đất nước, quê hương mà chưa đọc TĐ, thì thật là quê!".
Mới sáng hôm nay (18/2/05), cú phôn cuả người em họ (PVC) là một thầy Sáu bên LA (CA), đã phát biểu một câu lạ: "TĐ của anh bây giờ như thuốc Aspirine". Tôi khựng lại, ngỡ ngàng, cậu em đã giải thích: "Nhiều đài đọc, nhiều báo đăng, CD rồi trên Internet. Mấy tháng trước, người bạn em học Sorbone (Pháp) bắt em gửi TĐ cùng vài cuốn sách khác sang, để research cho luận án của anh ta. Em cảm thấy TĐ phổ cập như thuốc Aspirine, lúc nào, ở đâu dùng cũng được (không có tác quyền), chẳng còn thuộc một hãng bào chế thuốc nào nữa."
Những phát biểu từ lòng thương mến, tuy không đúng mức độ sự thật, tôi cũng xin cảm tạ sự độ lượng, bao dung của các bạn. Tôi không còn nói được, một lời nào nữa.
Tôi phải viết xong Thép Đen. Dù có phải về lòng đất sớm (do sức khoẻ), tôi cũng cứ viết. Mười một tháng nay, hàng ngày sáng sớm (6 giờ) không kể mưa nắng, tuyết nhiều ít, tôi đi bộ hơn 5 cây số, đến thư viện UMASS ngồi viết; chiều muộn mới trở về.
Những ngày đầu, tưởng như chân tôi không muốn bước, tâm trí như chui vào sương mù mùa Đông. Nhưng mỗi ngày sương mù tan dần, để rồi tôi say mê khao khát viết, lòng cuốn hút như được bú dòng sữa mẹ hàng ngày, lúc còn thơ.
Đến hôm nay 26/1/2005, tôi đã viết, sửa chữa, đánh máy xong TĐ. IV. Tập cuối cùng bộ hồi ký của đời tôi.

Tôi xin cảm tạ đất trời và sự kỳ diệu của đời.
Boston, ngày 26/1/2005.
Đặng Chí Bình

*

SÀIGÒN ƠI!

Sáng hôm nay, sau khi  Ý, cán bộ trại vừa điểm buồng xong quay đi, tôi là một trong những người đầu tiên ra sân. Như mọi buổi sáng, tôi tranh thủ chạy ra sau nhà làm vài động tác tay chân, cố hít thở cái không khí ban mai của một ngày trong hai, ba phút.
Mấy đêm trước giấc ngủ của tôi không yên, tâm tư cứ khắc khoải vơi đầy, chỉ vì chiều hôm ấy cách đây ba ngày, ở dưới phòng y tế của anh Thái, do một sự tình cờ, một em tù hình sự vừa mới nhập trại, xuống xin thuốc hắc lào, đã nói đến cô y tá Hỏa Lò. Tôi đã vồ vập hỏi, nhưng em không hề biết gì hơn về người Hưng Yên. Em chỉ xác định là bốn tháng trước ở Hỏa Lò, em có xin thuốc hắc lào cuả cô Vân y tá, 1 lần.
Cô Vân ơi! Ngay đầu 1968, trong buổi giã từ não nuột dầm dề mưa rơi ấy ở Hoả Lò, đã hơn 3 năm rồi, tôi vẫn lầm lũi quằn quại trong ngục tù tăm tối, nơi rừng núi biên cương. Tôi không hề biết một tin tức gì về cô cả, để rồi chỉ nghe thoáng đến tên cô, lòng tôi đã xáo trộn mấy đêm nay. Rất may đêm qua, tôi ngủ được một giấc đã đầy, bù lại.
Phía Đông đỏ rừng rực, rồi mặt trời mò lên; xa xa chéo phía Tây Nam, rặng Hoàng Liên Sơn mây trắng che phủ ngọn, cũng vàng ửng lên rực rỡ. Một đàn vạc trắng hình cánh cung, đang sải cánh bay về hướng Đông Bắc.


Nhìn mấy tảng mây trắng hồng từ hướng nam lững lờ bay đến, tôi có cảm tưởng chúng đang mang theo những hơi hướng ngọt bùi, ruột thịt, tha thiết cuả gia đình, bạn bè thân quen phương trời bên ấy. Tôi rướn người, kiễng chân lên để hít lấy cái hơi thương nhớ, vời vợi của 9 năm dài đằng đẵng. Từ nơi sâu thẳm của cõi hồn, một giọng hát nỉ non, tỉ tê nghe rõ mồn một: Hôm nay… Sàigòn… bao nhiêu tà áo… khoe mầu phố vui… Riêng tôi một mình… tâm tư sầu lắng… đi trong bùi ngùi… Sàigon ơi...
Bỗng tiếng Lầu chí Chăn dội lên, từ cửa sổ phía sau nhà:
- Anh Bình không đặt bát để lấy sắn à"
Như choàng tỉnh một cơn mơ ngày, tôi vừa "ờ… ờ" vừa chạy ra sân trước. Nhìn các mâm đang ồn ào tíu tít chia sắn sáng, tôi chợt nhớ tối qua sinh hoạt toán, Nguyễn huy Lân đã rành mạch tuyên bố, "Theo chỉ thị của ông Miễn cán bộ toán 2, ngôi nhà cơ bản số ba, còn 7 cái cửa ra vào chưa lắp cánh xong. Vì thế 5 người, được phân công làm trong trại gồm: Lê văn Kinh, Bùi tâm Đồng, Lầu chí Chăn, Nguyễn thanh Đương và Đặng chí Bình. Tạm thời ĐCB làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm kỹ thuật. Vẫn xuất trại theo toán ra lán thủ công để lấy dụng cụ . Sau khi lấy dụng cụ, cán bộ toán 2 sẽ dẫn cả tổ trở vào trại. Gần cuối giờ, cán bộ toán lại vào trại đón tổ ra lán để cất dụng cụ, rồi cùng về trại trả số tù".
Cùng những ngày tổ mộc lắp cửa, cũng có một tổ xây đang lợp ngói cho xong nóc nhà, mà đám công nhân xã hội còn làm dở. Một buổi trưa, tôi đang hì hục cắm cúi làm, thì Chăn đi vệ sinh về, ghé tai tôi nói nhỏ:
- Anh em lợp nhà ở trên nóc, nhìn sang sân khu nhà số hai thấy có nhiều người tụm năm, tụm ba cởi áo phơi nắng, bắt rận.
Gợi trí tò mò, xế trưa tôi trèo lên chỗ anh em lợp nhà. Đúng như rằng, ngoài sân khu nhà cơ bản số hai có chừng hơn hai chục người: người đứng, người ngồi, đi đi lại lại. Có nhiều bác tóc đã muối tiêu, và cũng gầy xanh như chúng tôi. Vì từ xa, nhìn thẳng, khoảng cách từ 60 đến 80 mét nên chỉ nhìn nhau. Thỉnh thoảng có anh giơ tay vẫy vẫy chào, nhưng không thể biết một tí gì về nhau cả. Khó khăn đẻ ra sáng kiến, tôi chợt nhớ tới cách liên lạc khi còn ở xà-lim I Hoả Lò. Tôi trèo xuống chỗ làm, kiếm được tấm gỗ mỏng nhẹ để làm cửa, bề chừng 60, bề chừng 40 phân. Vì có chủ ý, tôi xách miếng gỗ, lại trèo lên chỗ đám lợp nhà.
Mất dăm phút ra hiệu tay, khua vẫy nhiều anh em ở sân bên ấy đổ xô đến, ngước mắt nhìn lên. Để an toàn, tôi nhờ một anh toán xây, để ý cán bộ dưới sân bên ngoài. Tôi giơ miếng gỗ quay lại, chậm chạp, dùng ngón tay chỏ, tôi viết từng chữ theo lối in, vào tấm gỗ: "ANH NHÌN THẤY KHÔNG ""
Lần đầu, họ đều tỏ ra lơ mơ và lắc đầu. Tôi thong thả làm lần nữa. Nhiều người khua tay mừng rỡ, đầu gật gật. Tôi bảo các anh, tìm cái gì viết lại cho tôi. Mấy người chạy vào nhà, rồi một người cầm ra một miếng gì, như cái nia con mầu nâu xám, đường kính khoảng 80-90 phân. Một anh cầm, một anh viết kiểu chữ in như tôi. Ở dưới sân nhà số hai an toàn hơn, họ chỉ cần để ý phía cổng khu của họ. Ngược lại, chúng tôi ở trên nóc nhà trống trải hơn, nhưng cũng có cái lợi, ở trên cao, quan sát ngay từ cổng trại, cán bộ ra vào chúng tôi đều trông thấy. Còn công an vũ trang ở các chòi gác thì quá xa, dù cho có nhìn cũng chả hiểu gì, chỉ coi như đám tù đang lao động mà thôi.
Hơn một giờ liên lạc, tôi vừa đoán vừa hiểu được: Bên ngoài mới có một cuộc đảo chính hụt giữa phe thân Liên Sô và phe thân Trung Cộng, khoảng cuối năm 1967. (Cũng là giai đoạn, CS Hànội đưa tôi ra tòa). Phe thân Trung Cộng do Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trường Chinh đứng đầu, có chính quyền trong tay nên đã thắng thế; bất ngờ bao vây bắt nhiều người thuộc phe thân Liên Sô, do Võ Nguyên Giáp đứng đằng sau hậu thuẫn, và bị ghép tội là bọn xét lại hiện đại. Trong những người thân Liên Sô bị bắt có: Hoàng Minh Chính viện trưởng viện triết học, Vũ Đình Huỳnh trợ lý của HCM và Đặng Kim Giang thiếu tướng, phó chủ nhiệm tổng cục hậu cần. Phe này có nhiều người trong giới quân sự tham gia.
Phần tin tức về chúng tôi, tôi cũng cho họ biết sơ lược. Trong trại I này chúng tôi có chừng hơn 2 chục Biệt Kích từ trong Nam ra Bắc hoạt động chống Cộng Sản, thường đã tù từ 9, 10 năm rồi.
Do cách liên lạc không thuận tiện, nhưng phần chính là sợ trong đám tổ xây có antene, và cả khu nhà số hai bên ấy nữa, chúng tôi đã biết thế nào đâu. Vả lại thấy đã tạm đủ nên tôi và Chăn quyết định, không liên lạc tìm hiểu thêm nữa.
Chiều nay thứ Sáu, không khí trong trại nhộn nhịp khác thường. Nguồn tin từ các cán bộ toán cho biết khu A (chính trị) cũng như khu B (hình sự) sẽ lao động xã hội chủ nghĩa Chủ Nhật này (Một Chủ Nhật nghỉ, một CN Lao Động XHCN đã trở thành thông lệ ở các trại giam từ lâu). Chúng tôi sẽ móc bùn, vớt bèo, làm cỏ toàn bộ 3 chiếc ao lớn thả cá trước khu của ban giám thị trại. Cái điều làm cho khí thế của trại sôi nổi, là nguyên nhân có ban thi đua do cán bộ giáo dục Bùi Huy Tập làm trưởng ban, trực tiếp chấm điểm giữa 3 khu tù nhân của trại. Khu A trách nhiệm chiếc ao giữa, khu B trách nhiệm chiếc ao trước khu công an vũ trang, còn chiếc ao thứ 3, phía trái của khu ban giám thị do K2 (trại nữ) đảm trách.
Đây là điểm mấu chốt làm cho khu nào cũng xốn xang bàn tán, chuẩn bị. Điểm đặc biệt của lần LĐXHCN kỳ này là, do sự trù liệu công việc, ban giám thị trại quyết định: Tù nhân sẽ làm Lao động XHCN liên tục từ 8 giờ sáng đến 2:30 chiều, chỉ trừ nghỉ 15 phút để tù giải lao ăn sắn bồi dưỡng lúc 10 giờ sáng, và 30 phút ăn trưa lúc 12 giờ. Thường LĐXHCN chỉ làm nửa ngày, tức 4 giờ.
Cứ nhìn khu A này, tôi đã hình dung ra cái cảnh rạo rực chuẩn bị sửa soạn quần áo, đầu tóc của mỗi người, nhất là những người còn trẻ, còn một chút nhựa xuân nào trong người ở 2 khu B và K2 kia.
Ngay từ trưa thứ Bảy, toán nhà bếp, có các anh tự giác của mỗi toán xuống phụ giúp gồm hơn 2 chục anh: Họ được lệnh gồng gánh, cuốc xẻng, xe ba gác để đi đào sắn. Tiêu chuẩn bình quân đầu người LĐXHCN được hưởng 8 lạng sắn kể cả vỏ. Nhà bếp K1 phục vụ khu A và B, bếp K2 phục vụ K2. Không biết phía đàn bà con gái bên K2 có mong ngóng được nhìn thấy đàn ông, con trai bên K1 hay không, chứ bên K1 này thì từ rừng sâu, trong lán thủ công đến ngoài nương khoai, đồi sắn, vườn rau; đâu đâu nơi nào có tù lao động đều say sưa bàn tán rôm rả trong cái dịp ngàn năm một thuở này.
Đúng thế, trừ trường hợp cá biệt, còn thông thường, đàn ông, đàn bà chúng tôi hàng năm chả nhìn thấy bóng dáng của nhau. Thậm chí anh Nguyễn văn Thú (biệt kích), tối qua ở trong buồng đã nói: Lâu ngày quá, anh đã quên cả đàn bà, con gái. Đến nỗi anh đã ngẩn ngơ cả đêm , mà vẫn không thể hình dung ra thế nào cả. Anh chỉ thấy họ tuyệt vời lắm! Họ là một thứ vưu vật, là lẽ sống của cuộc đời v.v…
Anh Thú cứ ông ổng ca tụng người đàn bà, con gái mãi. Rất nhiều người tán đồng phụ họa; nhưng cũng nhiều người phản đối. Anh Bùi tâm Đồng đã đứng hẳn lên sàn dõng dạc:
 - Vừa thôi, anh Thú ơi! Anh cứ làm như, nếu trên cõi đời này không có đàn bà con, gái thì chúng ta không sống được hay sao"
Hàng 4, 5 cái miệng đều rống lên:
- Đúng ! Đúng ! Không sống làm gì nữa !
Giọng một anh từ trong nhà cầu đi ra, gào lên:
- Nếu biết chắc trên đời này không có và không còn đàn bà, con gái, sáng sớm mai tôi sẽ cắn lưỡi, xin từ giã tất cả các qúy bạn để về với Chúa ngay.
À… anh chàng Gôm! Tôi đã thấy hơi lạ, từ lúc trong buồng sôi nổi bàn chuyện đàn bà, con gái mà không thấy anh chàng này tham gia. Đang ồn ào náo nhiệt sục sôi cả căn buồng thì bỗng có tiếng báng súng đập vào vách nứa ầm ầm; giọng một tên công an vũ trang quát:
- Buồng này làm cái gì, ồn ào như cái chợ vậy"
Giọng khàn khàn của anh Thành Xuân Yên từ tốn:
- Thưa cán bộ, họ đang tranh luận, nếu trên đời này không có đàn bà, con gái thì họ sẽ tự tử hết!
Im lặng một lúc, rồi giọng tên vũ trang đã hạ xuống:
- Bậy bạ! Thì nói nhỏ vừa nghe thôi!
Thấy thế, trong buồng lại râm ran trở lại. Anh Lân buồng trưởng đã phải ra đứng giữa buồng khoắng tay:
- Toàn buồng trật tự yên lặng! Các anh bàn chuyện đàn bà, con gái thì nói cả đời không hết! Đây là chuyện thực của đời tôi. Từ ngày tôi bị bắt đã 8 năm rồi, có một điều tôi ân hận nuối tiếc lớn nhất, vẫn ngày đêm dằn vặt lòng tôi.
 Rồi anh im bặt. Có nhiều tiếng hối thúc:
- Nói ra đi! Nói ra đi!
Cũng lại ầm cả lên. Tôi cũng tò mò, đến bên Lân cao giọng:
- Các anh đừng làm ồn, để anh Lân nói ra đã!
Rồi tôi quay lại anh Lân như thúc giục:
- Anh nuối tiếc ân hận điều gì thế, hãy cho chúng tôi biết đi!
Anh cười và tỏ vẻ thành khẩn:
- Hiện nay, tôi đã có 4 mặt con: 2 trai và 2 gái, vậy mà tôi vẫn chưa nhìn thấy cái của vợ tôi nó như thế nào cả. Tôi ân hận sao lại không nhìn rõ một lần cho đã, để bây giờ khỏi hối tiếc!
Cả buồng réo lên:
- Không tin được ! Không tin được !Vô lý !....
 Cuối cùng, anh Lân đã thong thả chậm chạp như tâm sự:
- Tôi xin thú thực với các anh em. Bởi vì chúng tôi ở nhà quê, chỉ khi nào đêm khuya, tin chắc cả nhà đều đã ngủ yên thì 2 vợ chồng mới… tò te mà thôi. Thường trời tối giơ bàn tay không nhìn thấy, thì nhìn làm sao được cái kia"
Câu chuyện này, cho đến bây giờ đôi khi tôi vẫn còn nhớ lại. Vừa đây, tháng 8-2003, tôi có dịp sang tiểu bang Philadelphia, do một sự tình cờ, tôi gặp lại anh Nguyễn Huy Lân, anh mới đi HO sang Mỹ 1994. Anh ở một town gần đấy, khi biết tôi sang, anh đã lái xe đến thăm. 23 năm mới gặp lại nhau, trong một bữa cơm có mấy anh biệt kích nữa, nhớ lại câu chuyện LĐXHCN ở trại Trung Ương Số I Phố Lu, Lào Cai, đầu năm 1972, tôi đã tươi mặt hỏi lại anh:
- Thế nào, Lân Mều! Từ ngày được tha về với gia đình, anh đã nhìn rõ cái "miếng ngọc" của anh chưa"
Cả bàn tiệc cười ngặt nghẽo như đê bị dò khi nước lụt.
Xin trở lại buổi LĐXHCN. Đêm hôm đó, khi nằm chưa ngủ được, đầu óc tôi miên man nghĩ đến anh chàng Lân Mều này. Tôi còn nhớ rõ 4 năm xưa (1968), khi ấy tôi từ dưới Hoả Lò mới lên trại Trung Ương Số I, rồi được chuyển vào phân trại E do Hoàng Thanh làm giám thị. (Còn tiếp…)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.