Hôm nay,  

Tạp Ghi: Về Thăm Lại Nhà Tù Xưa

19/04/200900:00:00(Xem: 2836)

Tạp ghi: Về Thăm Lại Nhà Tù Xưa – Huy Phương

Nghị Sĩ John McCain, đã trở lại nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội của Cộng Sản, một lần năm 2000 với vợ và con trai, và mới đây vào đầu tháng 4-2009, nơi ông đã trải qua hơn 5 năm bị giam cầm (1967-1973). Khi chiếc phi cơ A-4 của ông bị bắn rơi, John McCain nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, bị gãy hai tay và bể đầu gối, bị đâm bằng lưỡi lê, đánh bằng báng súng làm xương vai bị gẫy và hằng trăm người đã bu quanh, lột trần, khạc nhổ vào mặt, đánh và  đá ông. Trong nhà tù, ông đã bị tra khảo tàn nhẫn, bị đánh đập gẫy nhiều xương sườn và hai răng, bị kiết lỵ, suy nhược và ông đã có lần muốn tự sát bằng cách treo cổ nhưng không thành công.
Chuyến về thăm nơi giam giữ xưa của một người tù cũ, ông luôn luôn được tiếp đón niềm nở, ồn ào vì vai trò Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ và tiếng nói có sức mạnh của ông tại Quốc Hội. Trước khi chấm dứt cuộc viếng thăm nhà tù này, người ta đã đưa cuốn lưu niệm đến ông, và ông chỉ viết mấy chữ "Best wishes- John McCain US Senator. Arizona". Ông John McCain đã hai lần về thăm nhà tù này. Việt Nam hãnh diện đón tiếp ông. Việc đó có ý nghiã gì" Ông là người không bao giờ quên quá khứ, hay muốn nói một lời hòa giải với kẻ thù xưa" Với cương vị đại diện cho dân chúng Mỹ, ông không thể viết hay nói gì hơn bằng những dòng chữ có tính cách xã giao lấy lệ, nhưng tôi nghĩ trong lòng ông, ông có thể tha thứ, nhưng chắc chắn không bao giờ quên những điều đau đớn, ô nhục tận cùng ông đã phải chịu đựng trong những ngày bị giam cầm nơi đây.
Bỗng dưng lòng tôi cũng dấy lên một niềm ao ước, giá như có một ngày nào đó, mình có thể trở lại thăm những nhà tù xưa. Dù đã ba mươi năm qua, nhưng từng dãy nhà, từng gốc cây, từng con suối và từng khuôn mặt thân quen của những người sống và những người đã chết như còn hiển hiện trong tâm trí tôi. Tôi còn nhớ cả những tiếng của cô xướng ngôn viên đài phát thanh Hà Nội the thé sắt máu trong tiếng loa phóng thanh rè rè trong đêm, chấm dứt buổi phát thanh tối, và sau đó là tiếng kẻng ngủ gióng giả kêu gọi mọi người trở về với tự do riêng của mình, khi chiếc mùng cá nhân được buông xuống.
Tôi như còn có thể nghe rõ tiếng kẻng tù giục giã mỗi sáng tinh mơ, tiếng chim rừng khắc khoải “nhớ con đứt ruột”, và cả tiếng chim buổi sáng dịu dàng đến hót trên cành cây cao, đầu lán trại của tôi. Những ngày ấy thật đã qua rồi, nhưng cũng như tất cả bạn bè cùng hoàn cảnh, chúng tôi không bao giờ quên được.


Tôi sẽ về lại trên con đường “thập tự” nắng cháy từ ga Yên Bái đến bến thuyền Thác Bà để tìm lại những em bé đã bị xúi dục ném đá vào bọn tù “Ngụy” từ trong Nam mới chuyển ra. Đã hơn ba mươi năm rồi, ngày ấy các em chỉ mới lên mười hay lên mười hai, tuy cánh tay còn non yếu những đã đủ sức ném những viên đá đủ làm vỡ đầu chúng tôi. Bây giờ các em thực đã trưởng thành, dù đi “bộ đội”, làm công nhân hay đi bán sức lao động ở nước ngoài thì cũng đã đủ trí khôn để biết rằng bây giờ, ai là người đáng cho các em nguyền rủa và ném đá nhất. Cho tôi tìm lại những cụ già mắt hấp hem ở ven đường, hay những thiếu nữ trong bản làng, ngày chúng tôi mới đến còn nghi ngờ, dè dặt, nhưng đã dành nhiều tình cảm lưu luyến khi chúng tôi lên xe trở về Nam. Ông già người Tày, ngày trước đã vứt ra đường mấy củ sắn nóng khi chúng tôi đi qua, ngày nay chắc không còn nữa, mộ ông ở đâu cho tôi về thắp nén hương cho ông, đặt vào tay con cháu ông chút quà gọi là nhớ ơn Phiếu Mẫu. Tôi sẽ xin viếng thăm bếp lửa của những nhà sàn của thượng du nhả khói để xin hơ hai bàn tay giá lạnh của một ngày đã xa lắm, mà tôi thường mơ ước trong những buổi chiều mùa đông thất thểu cùng toán tù trên đường về trại.
Như tôi còn nghe được những tiếng kêu cứu trong đêm khi lán tù có người bệnh cần cấp cứu. Như tôi còn hình dung lại bạn bè của tôi, những con ma đói hiện hình, những đêm “ngồi đồng”, phê bình, kiểm thảo, cắn xé nhau dưới ngọn đèn leo lét, như những oan hồn từ địa ngục hiện về.
Cho tôi tìm lại con đường dốc “bá thở” mỗi ngày chúng tôi phải đi qua, vất vả, chán chường và lấm lem. Cho tôi về lại con suối trong veo đã cho chúng tôi giặt giũ được phiền muộn trong chốc lát. Cho tôi tìm lại được những vạt giường tre của mỗi thằng tù bề ngang sáu tấc, những đêm trăn trở vì giá buốt, bụng xép, thân ve và trăn trở vì nỗi nhớ nhà. Cho tôi tìm lại ngọn đồi sỏi đá, nơi mà bạn bè tôi đã được đem đến trên chiếc xe bò vùi thân bởi người tù hình sự, không biết có còn bia mộ gì không, bạn đã trở về miền Nam chưa hay thân xác đã tan biến vào lòng đất mà oan hồn còn vướng vất đâu đây!
Bây giờ những nhà tù bằng tre lá do bàn tay của chính những người tù miền Nam dựng nên có lẽ đã không còn nữa. Những nhà tù bây giờ đã kiên cố, vững chãi hơn cùng với chế độ, muốn chế độ mạnh phải xây nhiều nhà tù và tuyển dụng thêm nhiều công an cai tù hơn nữa. Ba Đen, đứa con lai đen bất hạnh của hai dòng máu Việt-Phi Châu không biết đã qua đến nhà tù thứ mấy mươi" Những đứa trẻ được đưa vào trại “cải tạo” qua những lần công an lùng bắt cho đủ chỉ tiêu, đã quên hẳn tên cha mẹ, trú quán, không có một nơi để về, bây giờ đã ra sao"
Tôi nghĩ một ngày nào đó, tôi sẽ về thăm lại nhà tù cũ. Tất cả chắc đã đổi thay, lán trại, cây cối, ruộng nương, núi rừng và cả những người dân ở đó. Ba mươi năm là một thời gian quá dài của một đời người và với những đổi thay, nhưng có lẽ còn quá ngắn để làm cho một người tù cũ như tôi quên được những ngày tháng ấy. Tôi sẽ không đánh lên một “tiếng kẻng tù gắt gỏng” mà tôi không bao giờ muốn nghe lại, dù một lần, tôi muốn có một tiếng chuông chùa nơi ấy, sẽ âm vang đến núi rừng để lên tiếng gọi những linh hồn oan khuất. Đã bao nhiêu người đã nằm lại trên núi rừng Việt Bắc cho tôi có mặt nơi này hôm nay.
Trở lại những nơi này, tôi sợ lòng mình quá yếu đuối, tôi làm được gì cho bạn bè, chiến hữu ngoài những dòng nước mắt. Giá mà trên trái đất này không còn một nơi nào gọi là nhà tù nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.